Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Khoảng Trống Bao La


PHƯƠNG NGA con,

Hôm nay bố nói với con về một người nhỏ bé đã khuất, nhưng lại chiếm trong lòng bố mẹ những khoảng rộng lớn mênh mông. Bố muốn nói đến Hoàng Cương, anh con.

Đành rằng thời gian có thể xóa nhòa được nhiều chuyện, nhưng niềm yêu thương của bố mẹ với Hoàng Cương cho đến hôm nay đã tám năm qua vẫn còn sâu đậm vô cùng, đến nỗi bây giờ ra đường thoáng thấy một trẻ con khoảng 9, 10 tuổi xinh xắn, là bố đau xót nhớ đến Hoàng Cương.

Bố họ Nguyễn, mẹ họ Hoàng. Thói thường con đẻ ra lấy họ của cha, bố nghĩ rằng sinh thành ra một đứa bé là công ơn của cha lẫn của mẹ, và bố muốn các con lớn lên phải luôn luôn mang lấy trong cuộc đời một công dân những dấu vết của mẹ. Cho nên sinh ra đứa con đầu lòng, bố lấy họ của mẹ làm chữ lót, và vì thế anh con, và các con sau này, lúc nào cũng có dấu vết của mẹ ; anh đầu của con bây giờ không còn sống với bố mẹ nữa tên là Nguyễn Hoàng Cương. Lọt lòng mẹ, Hoàng Cương đã là một đứa bé yếu đuối rồi. Có lẽ cái số của anh con nó không được may mắn ngay từ khi mở mắt chào đời. Mẹ sinh ra Hoàng Cương rất khó khăn, và đau đớn lắm. Hoàng Cương vừa khóc tiếng khóc chào đời thì tiếng chuông 2 giờ chiều gọi sinh viên nữ hộ sinh vào học cũng bắt đầu reo lên. Thế là các cô mụ tập sự vội vã cắt nhau, thắt rún cho anh con qua loa, rồi gói anh con vào cái tã, đem đặt vào một phòng khác, để các cô vào học cho kịp. Các cô sợ ông Bác sĩ Quản đốc (lúc đó là ông Đặng Hóa Long) khiển trách. Mẹ con vốn là y tá nên tự lo liệu cho mình được. Còn Hoàng Cương thì cứ nằm một mình trong phòng khóc oe oe hoài. Bà ngoại ngồi phòng ngoài đợi mãi, giờ này qua giờ nọ cứ nghe tiếng trẻ khóc khản cả giọng, mà cứ ngỡ là trẻ con của ai khóc. Mãi lâu lắm không thấy bóng dáng một cô mụ ra vào, mà cũng không nghe tiếng bà mẹ nào dỗ cho nín, mà tiếng trẻ con khóc đã yếu, bà ngoại mới vội chạy vào phòng phát ra tiếng khóc. Lúc đó Hoàng Cương đã lạnh tím người, và may có bà ngoại vào kịp quấn thêm khăn, nên Hoàng Cương mới bớt khóc...

Khởi đầu đã vậy, nên từ hôm đó về sau, Hoàng Cương không lúc nào khỏe mạnh. Thói thường con cá sẩy là con cá to. Đứa con đã mất bao giờ cũng là đứa con đẹp nhất. Thế nhưng anh Cương của con đúng là đứa bé kháu khỉnh vô cùng. Da thật trắng, tóc đen và dày, môi hồng, đôi mắt đen lớn và thật sáng. Bố đã từng ngồi bên nôi hàng giờ mải mê ngắm vẻ đẹp thiên thần của anh con. Bố tự hỏi sao vẻ đẹp của anh con nó toàn vẹn đến thế. Đến nỗi khi đứa bé khóc trông cũng thật đáng yêu. Nhìn một người lớn khóc, bố ngượng vì thấy mặt họ xấu quá, nhưng nhìn những dòng nước mắt của trẻ con chảy ròng trên đôi má hồng hồng, bố thấy thương nó làm sao, muốn nuốt lấy những dòng nước mắt đó. Những lúc anh con, Hoàng Cương, nhìn bố nhoẻn đôi môi hồng tươi nở nụ cười bày cả nướu, cả chót lưỡi, bố thấy xinh đẹp làm sao. Từ mỗi móng tay, mỗi  ngón chân cho đến dăm ba sợi tóc lơ phơ trên chóp đầu, mọi cái đều xinh xinh, kháu khỉnh và tất cả đều toát ra những nét đẹp kỳ diệu, tinh khiết, nhìn ngắm chừng nào mình càng ngẩn ngơ ra chừng đó.

Và từ đó, bao nhiêu thói quen của bố mẹ tự nhiên biến đâu mất. Dạo phố, đi về nhà quê chơi mỗi chiều thứ bảy không thú vị bằng ở nhà ngồi bên nôi con. Tách café ở quán cô Dung làm sao thích thú bằng nằm ngắm con múa vu vơ đôi tay nõn nà trong nôi. Có thể nói là Hoàng Cương lúc đó đã chiếm đoạt sự sống của bố. Ra đường thấy đứa trẻ tung tăng cặp sách đến trường, bố nghĩ đến ngày anh Cương lớn đi học. Đi ra phố, thoáng thấy cái áo màu tươi trong tủ hàng, thấy một đồ chơi trẻ con, có ngay ý định mua cho anh con khi anh con lớn... Mẹ ít khi bày tỏ ý nghĩ của mình, nhưng chắc chắn bao nhiêu ý nghĩ của mẹ khi anh Cương còn sống, cũng xây quanh cái nôi của Cương mà thôi.

Con ơi, thế mà Hoàng Cương đã bỏ bố mẹ mà đi. Sáng hôm đó bố mẹ đi làm về, thì ngoại cho biết Cương yếu lắm, đã lạnh chân... Bố vội đem Cương đi bác sĩ, bác sĩ lắc đầu. Bố mẹ bàng hoàng đem Cương về...

Cương nằm lả, mắt lim dim, ngực còn thoi thóp, bàn chân đã lạnh, bàn tay cũng lạnh. Bố cầm chân Cương mà nước mắt cứ chảy ròng ròng. Cương bé bỏng vô cùng, cả sự sống của Cương lúc đó quá đỗi mong manh. Cương cũng muốn sống với bố mẹ mà sống không được đấy thôi. Thấy đứa bé đẹp như thiên thần đang lần hồi đi vào cõi chết mà người lớn như bố không sao giữ lại được, bố đau khổ quá chừng. Lúc đó bố thấy bao nhiêu cái đố kỵ, bao nhiêu âm mưu thủ đoạn của người lớn, bao nhiêu mánh khóe cầu danh cầu lợi của người lớn đều trở nên khốn nạn vô cùng. Tranh giành, ghen ghét nhau mà làm chi. Một sự sống nhỏ bé mong manh của con mình đang xa mình dần, mà mình không sao níu kéo lại được... Lúc thấy anh con đang lần hồi, từng giây từng phút tách rời cuộc sống, tách xa dần với bố mẹ, bố quá khổ sở. Giá lúc đó ai bảo bố chặt một cánh tay, đâm đui một con mắt, chặt một cái chân mà để cho Cương sống là bố vui vẻ bằng lòng ngay. Mà giá anh Cương sống, bố có đi hành khất để nuôi anh Cương suốt đời, bố cũng chịu đựng được ngay.

Anh Cương sống với bố mẹ ba tháng rưỡi đúng, nhưng hình ảnh Cương mãi mãi dính liền với đời của bố mẹ. Mất anh Cương là coi như mất tất cả. Khi mất anh Cương, bố tự nhiên thấy cuộc sống của mình mất thăng bằng, chơi vơi không còn điểm tựa nào nữa...

Bố nghĩ rằng thời gian xóa nhòa được tất cả, nhưng nghìn đời không sao xóa nhòa nổi những kỷ niệm ngắn ngủi đã gắn bó cuộc sống mong manh của anh Cương với bố và mẹ. Đời đời bố thương nhớ Nguyễn Hoàng Cương.


NGUYỄN KHẮC TRIỆU   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 159, ra ngày 15-8-1971)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>