Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Ba! Mẹ!


Các em ơi! Hôm nay chị lại nói về cái tôi. Nhưng cái tôi này rất đáng thương, chứ không đáng ghét lắm đâu, các em.

Thủa nhỏ, tính tình chị rất khó chịu (bây giờ thì cũng còn tệ lắm, nhưng đã đỡ hơn rồi đó). Với bạn bè, chị hay giận dỗi, và đối với người giúp việc cho ba mẹ, chị coi thường họ lắm. Chị sai họ bằng cái giọng trịch thượng, và khi họ làm gì cho chị (mà họ lại làm cho chị rất nhiều) chị không hề biết cám ơn.

Hồi xưa, ở ngoài Bắc, kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều, nên người nghèo kiếm việc rất khó. Vì thế họ ráng nhẫn nhịn cho khỏi mất chỗ làm. Với đầu óc nhỏ hẹp, chị chỉ nghĩ là họ có bổn phận phải phục vụ và coi như là trời sinh ra thế, chẳng bao giờ phải thắc mắc gì hết về những hành động vô ý thức của mình.

Mẹ chị hiền lắm nên hầu như suốt đời không làm mất lòng ai, kể cả con cái, mẹ chị cũng không hề rầy la. Anh em chị coi mẹ như ông Thiện trên chùa. Ba chị thì bôn ba ngược xuôi quanh năm nên không theo dõi các con kỹ lưỡng được.

Một hôm, vào kỳ nghỉ, ba chị chứng kiến tận mắt cảnh hách xằng của chị đối với bà vú già, ba rầy chị mà bao năm qua, chị còn nhớ. Đại ý thế này:

- Con ơi! Con nói với người làm giọng đó, ba đau lòng. Một đời người dài dằng dặc, con sẽ có thể gặp biết bao nhiêu bất trắc, chiến tranh, bệnh tật, thiên tai v.v... ngoài ý muốn. Có thể, con sẽ trở thành một người nghèo khổ, đáng thương. Rủi tới cảnh đó, mà con còn gặp được người tử tế, thương mến con, dịu dàng an ủi con, dù ba không còn để giúp đỡ con, linh hồn ba cũng yên. Chứ cứ nghĩ đến mai sau, có thể con sẽ bị hắt hủi, sỉ nhục như con vừa xử với u già, thì ba không thể nhắm mắt được.

Đã hơn hai mươi năm qua, chị còn nhớ cái nét mặt của ba, cái nỗi khổ tâm và thương xót của ba đối với sự kiêu ngạo dại dột của con cái.

Sau dịp đó, ba lưu ý đến các con hơn, ba dành thêm nhiều thì giờ để dậy dỗ các con, nhiều khi ba gay gắt. Các anh em chị nhiều lúc oán ba lắm. Ba chị biết nhưng không vì thế mà ba bỏ mặc con cái để cầu lấy sự yên ổn cho mình.

Trong các thư các em gửi cho chị, các em thường hỏi chị bao nhiêu tuổi, và tưởng tượng rằng chị trẻ đẹp. Dù có làm các em thất vọng, chị muốn các em biết sự thật. Chị đã lớn tuổi và không đẹp. Nhưng dù lớn tuổi, dù không đẹp, hai điều làm các em có thể không thích, nhưng chị nói câu này từ trái tim chị, là chị yêu thương tuổi trẻ với tất cả các lỗi lầm của tuổi trẻ, vì chị cũng đã có tuổi trẻ với nhiều lỗi lầm. Nhưng chị muốn các em đừng mua kinh nghiệm bằng giá đắt, chị thiết tha mong các em suy nghĩ lời của chị.

Trong nhiều cuốn sách, chị đọc thấy tác giả đề tặng hương hồn cha mẹ ngay ở đầu sách. Chị rất xúc động và thương các tác giả đó đã không còn được cảm ơn cha mẹ lúc người còn sống nữa.

Chị may mắn hơn, chị còn cả cha mẹ. Chị xin các em vui lòng dành cho chị mấy hàng để chị cám ơn ba mẹ chị.

Kính thưa ba mẹ.

Nếu trong đời, con có làm được điều tốt lành nào, con vô cùng cám ơn ba đã hết lòng dậy dỗ con khi con còn nhỏ, dù ba biết con vì còn khờ dại, mà oán trách ba. Nếu con có biết nhường nhịn ai, hòa nhã với ai, con hết lòng cám ơn gương hiền hậu của mẹ. Con muốn được cám ơn ba mẹ ngay khi ba mẹ còn trên đời. Vì nếu rủi mà con qua đời trước, không kịp nói lên những lời này, thì con tin rằng linh hồn con sẽ áy náy xiết bao.

Các em thương yêu! Năm nay ba mẹ chị đều đã bảy chục tuổi. Ba mẹ chị đã quên hết những lỗi lầm của con cái hồi nhỏ. Vậy mà trông thấy mái tóc bạc của ba mẹ, chị vẫn ân hận rằng lúc nhỏ đã suy xét nông nổi mà oán hận sự dậy dỗ gay gắt của ba.

Tất cả những hàng trên, chị viết trong nỗi xúc động sâu xa nhất, chị dành tặng tất cả các em, những người đã yêu quí và tin cậy chị, với lòng thiết tha mong các em được Thượng Đế giúp cho sáng suốt hơn chị, để những ngày hồng tươi trong tương lai các em sẽ không bị một áng mây nào của sự ân hận che mờ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 16, ra ngày 28-11-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>