Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

Về Làng


Tôi theo chị Phương về làng Long Sơn trong hè năm nay. Dễ chịu khi chiếc xe đò xa dần Sàigòn, thủ đô Việt Nam được chưng diện huy hoàng bởi "Made in U.S.A.", "Made in Japan", "Made in France"...

Nhìn lại cái thân tôi. Cái mũ ni lông cầm trong tay mà mẹ tôi đã cẩn thận trao cùng cả trăm câu dặn dò. Ra nắng phải đội nón. Đừng tắm sông. Đừng leo núi cao quá... Chiếc áo Tétoron, đôi dép nhật. Nếu tôi có chiếc HONDA 90 cc để chạy thì từ trên đầu tới dưới chân mang cả xa lạ ngoại quốc để về làng.

Nói thế không phải để khoe sang mà thật ra kiếm được một món đồ "Made in V.N" thật không dễ chút nào.

Xa rời thành phố hào nhoáng mang nhiều mầu sắc người ta, tôi dề quê mong rồi sẽ tìm thấy một đất Việt và bao nhiêu người Việt đáng yêu.

Trên đường từ bến, chị tôi đã phải gật đầu và đáp bao nhiêu câu hỏi, câu trách của người lớn. Còn tôi, từ người lớn đến trẻ em nhìn chăm chăm mà tôi biết dù có "can đảm" nhìn lại, họ cũng chẳng quay đi. Có gì đâu. Tôi là khách lạ, là dân Sàigòn! Khó chịu khiến tôi bước mau hơn.

Nhà chị tôi, mái tranh nâu, vách đước đen. Hàng giậu trang hoàng những bông dừa hồng thắm, trắng nõn. Đơn sơ nhưng rạng rỡ biết bao.

Buổi trưa nắng gắt nên tâm hồn tình tứ tôi cũng mệt rồi. Nó không cho tôi đứng đó mà say mê. Tôi vào nhà. Người ta vào theo để mừng chị tôi và ngắm tôi.

Một người đàn bà nói với chị tôi mà rướm nước mắt:

- Tưởng cô Ba đi luôn rồi, bỏ dân Long Sơn tụi tui. Cô đi hơn nửa tháng rồi đó. Người ta nhắc, cô không nhảy mũi hả?

Chị tôi cười, phân trần:

- Ba tôi bệnh, thím Mười à...

Chị tôi là một cô mụ, một y tá ở đây. Từ ngõ Giồng Son lên đến Gò xu, Đất sét ai cũng mến thương.

Đến tối, chị tôi nói thím Mười khóc vì mừng. Tại chị có ý định trở về quê mẹ sau khi anh Ba chết, nên dân làng ngờ chị viện cớ cha bệnh để bỏ họ.

Chị lo rằng sau này từ giã họ, chắc họ không cho chị đi đâu.

Anh Ba lưu lạc khắp nơi, đến đây mến cảnh mến người định ở lâu dài như quê cha đất tổ.

Trời mưa, tôi đưa võng với Ánh. Cô bé năm tuổi, ngọng nghịu:

- Ánh "át" cho cậu nghe nhá?

- Ừ, Ánh "át" bài gì nào?

- "Át" bài "Chời mưa găm găm" há.

Rồi láu táu, cô bé đọc:

"Chời mưa găm găm"
"Cây châm có chái"
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ
Đàn bà có con
Nước chảy bon bon
Con vượn bồng con
"Gên non ái chái"
(Lên non hái trái)
Một bông cà
Hai bông bí
Con gái nhà "Chí" (Tý)
Mặc áo "chía chô" (Tía tô)
Ăn no "gồi" ngủ
Có cây "chu" đủ
Có "chái dù đù" (lù đù).

Ánh dễ thương, hát nhiều bài mà tôi thích vô cùng. Cô bé còn dạy tôi nữa.

Chiều hôm sau tôi đến nhà chú Sáu chơi. Chú đang đan lưới. Đôi tay thoăn thoắt khiến tôi hoa cả mắt.

Tôi chợt thấy trên vách treo đầy bóng đèn điện! Cái tròn, cái dẹp. Trên bàn, chiếc đèn dầu đang cháy.

Chú Sáu rót nước trà. Tôi ngạc nhiên khi chú đưa cái ly giấy đầy chữ Mỹ.

Tò mò nhìn quanh, tôi gặp hai bánh xe nhà binh đã mòn nằm trước cửa.

"Made in USA" ở đâu mà vô lý như thế này? Tôi nghĩ vậy nhưng không tiện hỏi chú Sáu.

- Mai Linh tới đi kéo lưới với chú nghe. Hồi đó Linh nhỏ xíu mà bây giờ lớn thấy sợ.

Tôi quay lại mừng rỡ khi nghe chú Sáu rủ đi kéo lưới.

Một đám trẻ chơi trước cửa. Tôi ra đứng xem.

Ba đứa khom lưng ôm eo nhau làm bò. Đứa đầu ôm chặt thân cây mãng cầu. Ba đứa khác lần lượt nhảy lên lưng bạn. Ngồi gọn trên lưng bò rồi ba đứa đắc thắng chu miệng giả tiếng xe gắn máy nổ. Buồn cười không? Thằng Gái kêu:

- Su-du-ki chạy êm quá ta.

Tôi không nhịn cười được:

- Trời ơi! Chơi nhảy bò gì mà rồ máy "ruộng... ruộng", "Su-du-ki" nữa.

Gái vênh mặt:

- Anh biết "ếch ếch" năm mươi không? Chạy sú dách. Anh có cỡi hông? Tụi tui chơi nhảy bò kiểu Sàigòn mà.

Tôi lắc đầu:

- Tôi không biết "ếch ếch" năm mươi mà tôi biết đi soi ếch. Tối nay tụi mình đi không?

Gái phá lên cười:

- Anh nói chuyện ngộ quá chừng.

Dân Sàigòn mà.

- Ngộ gì? Đâu bằng Gái biết chạy Su-du-ki.

- Su-du-ki gì?

Vừa lúc đó "bò" rống lên một tiếng và hất cả đám té xuống cỏ lăn cù. Gái lồm cồm:

- Thấy không! Bò vật té đó.

Tôi cười:

- Té bò không sao chứ té Su-du-ki thì tiện lợi khi vào nhà xác rồi.

Tôi về. À thì ra ở đây cũng không thiếu "Made in U.S.A", "Made in Japan". Tôi lên võng nằm nghe Ánh hát "nghe vẻ nghe ve, nghe vè con Chúc, trâu ăn mấy chút, bắt chủ tôi đền..."

Sáng sớm Lượm tới kêu tôi đi kéo lưới. Lại nhà chú Sáu ăn bánh cốm ngọt ngay, uống nước trà đắng như thuốc. Tôi theo chú xuống ghe máy.

Ánh sáng mặt trời như con rắn chạy trên mặt nước hay lặn xuống đáy. Bốn bề là rừng núi xanh cả lá cây.

Trông ra Cấp, mấy chiếc tàu lớn đậu dài.

Chú Sáu tìm phao và hai cha con bắt đầu kéo lưới lên.

Một chốc, chú giũ đi những con chôm chôm, những đống sứa như mỡ, những con sao vô dụng.

Tôi sốt ruột vì chưa thấy cá tôm gì cả.

Mấy con cua mắc lưới. Lượm gỡ nó tài tình, quẳng xuống khoang. Chú Sáu kêu:

- Hà! Một con cá Chét.

Chú gỡ ra, dùng ngón tay cạo vảy móc mang.

- Cá Chét muối mặn ăn cháo trắng ngon lắm. Chú phơi khô mai mốt Linh đem về Saigon ăn.

Lưới bắt đầu vướng nhiều tôm cá. Tôi reo vui và đưa tay kéo với Lượm. Chú Sáu cảnh cáo:

- Bùn dính vào áo giặt không ra nghe.

Tôi vội vã buông lưới khoát nước sông rửa những vết bùn lấm tấm trên áo, chợt thấy nhiều vật lềnh bềnh trôi trên sông.

Kéo xong mẻ lưới, Lượm mừng rỡ vớt mấy cái bao nhỏ, bóng đèn, ly giấy... Tôi nhớ những vật "Made in U.S.A." ở nhà chú Sáu mà tôi thấy hôm qua.

Chú Sáu chèo thuyền đến mẻ lưới khác. Tôi hỏi Lượm:

- Ở đâu mà mấy cái này trôi nhiều vậy?

- Của Mỹ đó. Nó bỏ nhiều cái uổng lắm mình lượm về chơi.

Lượm giũ và lấy áo lau khô mấy bao giấy rồi nói:

- Trong này có điếu thuốc, la de, có kẹo nữa. Còn nguyên hà. Hổng biết sao tụi nó bỏ. Để lát về tui mở ra cho anh ăn. Ba cái bóng đèn treo lên vách chơi. Còn nguyên cái bọc đít trắng tinh.

Tôi ngồi im, cảm thấy thất vọng ghê gớm.

Trưa đó tôi ăn cơm với chú Sáu và ngủ lại nhà chú đến chiều. Thân mật như một người cháu ruột.

Nói chuyện với tôi, chú Sáu luôn miệng nhắc tới anh Ba.

Thím Mười, chú Sáu đã làm cho tôi hiểu vì sao anh Ba nhất định đòi về Long Sơn để chết khi anh nằm ở nhà thương Chợ Rẫy.

Một nơi không một người chung máu mủ với anh. Anh vui lòng nằm dưới lòng đất người mà tin rằng mộ anh không nguội lạnh khói hương.

Những ngày sống ở làng Long Sơn tuy đã không cho tôi trọn vẹn niềm vui nhưng đã nhiều an ủi niềm tin.

Được nửa tháng tôi về Sàigòn mang theo con cá chét khô mặn của chú Sáu, bó bông dừa đơn sơ nhưng rạng rỡ và trong hồn nhiều hình ảnh thật đẹp.

Tôi ăn cháo trắng với khô cá chét, trồng bông dừa trong sân nhà. Rồi loài hoa dễ thương ấy sẽ hồng, trắng cả sân nhà tôi, nhắc tôi không bao giờ quên:

Nước mắt thím Mười. Bài hát của Ánh. Con cá chét của chú Sáu. Nấm mồ anh tôi. Gánh nước nặng trĩu bờ vai cô gái nhỏ xin nước giếng trên chùa, nhịp nhàng trên con đường nắng cát dài xa.

Tôi viết hoa lên những hình ảnh ấy chữ VIỆT NAM thật đẹp.


Phan-Nhựt-Chiêu                  
(Cảm hứng từ "mơ ước của Bé Lệ Chi") 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 75, ra ngày 15-8-1967)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>