Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

Hối Hận


Một buổi trưa chan hòa nắng, Dũng rảo bước trên con đường Lê Lợi, con đường duy nhất dẫn đến trường học.

Dũng, một học sinh tuy chẳng ngoan lắm, nhưng một vài môn cũng được các giáo sư khen thưởng luôn. Nhờ những lời khen đó, Dũng rất chăm học, chăm học đến nỗi làm cho chúng bạn ghen tức, chúng cứ bảo Dũng là con cưng của thầy Việt văn. Sự thật môn này Dũng chẳng khá gì lắm nhưng với tính tình của nó, hầu hết các thầy đều có thiện cảm. Thú thật những lời khen tặng đó khiến Dũng chẳng lấy gì làm vui mà là nỗi lo lớn. Thường thì các thầy bênh vực con nhà tử tế, hiếu học và rất ghét những phần tử có tính cao bồi, du đãng, chỉ lấy sự học làm thú tiêu khiển thời giờ. Vì vậy chúng ghét Dũng lắm mà dũng lại ngay tình nên thường làm hậu thuẫn cho những lời nói của thầy ; nhiều khi Dũng còn chen vào một vài việc bất công khác nên chúng bạn lại càng ghét cay ghét đắng Dũng. Chúng còn dùng những lời lẽ thô tục dọa nạt Dũng, hoặc đưa ra những lời ngon ngọt để gạt gẫm nó, nhưng vốn tính ưa ngay thẳng nên Dũng chẳng bao giờ nghe chúng cả.

*

Vừa đi vừa nghĩ đến bài luận sắp trả, Dũng thấy phấn khởi lạ, nếu ai để ý sẽ thấy nét mặt nó tươi còn hơn hoa huệ nở.

- Ê, Dũng, làm gì đi nhanh vậy mầy?

Quay lại chẳng thấy ai cả, Dũng tiếp tục đi.

Đằng sau, người gọi Dũng đã núp hẳn vào góc tường của nhà hàng cạnh đường nên không tài nào Dũng thấy được. Thấy Dũng quay lại rồi đi luôn, nó bèn gọi:

- Bộ trễ học sao mầy nhanh chân vậy?

Nói xong câu nói đó, nó cười thật to. Dũng đoán được rồi, à thì ra thằng Thanh, bạn thân duy nhất của Dũng, cùng học với nhau từ thuở nhỏ. Thanh vốn hiếu học nhưng đôi khi cũng "cúp cua" xem ciné nếu nó cảm thấy thích.

Hôm nay sao Thanh đi sớm vậy kìa, thường nhật nó đến trường lúc 2 giờ thiếu 15 cơ mà, Dũng tự nghĩ thế. Nhưng mặc cho trí phán đoán, Dũng hỏi:

- Tao thấy chiều nay mầy vui quá, có chuyện gì vui thế Thanh?

Nó không đáp lại mà hỏi Dũng:

- Mầy nghe gì chưa?

Nghe gì? Dũng thầm nghĩ, ở trường nếu có chuyện gì thì thầy giám thị cho học sinh hay chứ. Hay là nó có chuyện gì đây. Nghĩ vậy, Dũng vội hỏi:

- Chắc là nộp tiền học phí thêm chớ gì?

Không hiểu nó nghĩ gì mà sau câu nói của Dũng nó lại cười một cách ngạo nghễ. Thấy vậy Dũng nói:

- Mầy đừng chọc "quê" nghe mầy.

Cùng học chung với nhau đã lâu nên hiểu được tính của Dũng, nó bèn trấn tĩnh:

- Thì nghe quảng cáo phim "Tarzan đại náo hung thần" đấy, vậy mà cũng không hiểu.

Khác hẳn với Dũng, Thanh trước khi đi học đều ghé vào rạp hát xem quảng cáo phim nên phim nào nó cũng biết hay dở hoặc buồn vui cả.

- Thì ra thế, có thế mà mầy cũng mừng.

- Không, tao mừng việc khác cơ.

- Việc gì mà khác nữa?

- Việc mà...

Nó định nói nhưng rồi lại ngừng hẳn.

Dũng hỏi nó:

- Việc gì mầy nói đi, tao hồi hộp rồi đấy nhé.

Đứng gần lại như sợ ai nghe thấy, Thanh nói:

- Mà mầy đừng nói với ai nghe chưa.

- Không bao giờ.

Biết chắc Dũng là người hay giữ lời, Thanh yên tâm nói:

- Hồi hôm nghe đọc thông cáo bảo nộp tiền học thêm tao mừng ghê, về nhà phỉnh ông già thêm được mấy trăm nữa về tiền giấy tờ đây.

- Tiền giấy tờ gì?

- Thì tao dàn cảnh mà.

Nghe nó nói Dũng thầm khen là thằng nói dối hay, còn Dũng thì chưa hề nói gạt ai vì mỗi lần mở miệng ra định lừa ai thì như có một cái gì cản lại vậy.

- À, mà mầy định lấy tiền làm gì mà dàn cảnh hay vậy?

- Thì tao nói phim hay mà, mầy đi xem với tao cho vui, tao bao mà.

- Mầy không vào học để lát nữa trả luận sao? - Dũng hỏi.

- Thì bảo chúng nó kêu giùm cũng được mà.

- Tao sợ thầy giám thị biết được thì nguy lắm.

- Khỏi lo.

- Sao mà khỏi lo?

- Thì mình đi coi ciné rồi mai mình bảo kẹt xe nên trễ học, thấy cửa đóng mình về có gì mà ngại.

Một lần nữa Dũng lại thầm phục Thanh, cái thằng "nhóc con" mà lắm mưu. Thấy cũng đỡ lo nên Dũng đành nhận lời.

Sau đó 2 đứa cùng thẳng tiến đến rạp hát.

*

- Sao mầy không xem, bộ ngủ hả?

Câu hỏi của Dũng như đánh thức Thanh về thực tại:

- Tao buồn ngủ ghê.

Nghe Thanh nói Dũng hơi nghi nhưng đoạn phim hay đã lôi cuốn Dũng nên Dũng chẳng thèm để ý nữa...

- Thanh, dậy xem mầy, đoạn này hay ghê, coi kìa, Tarzan phi thân kìa.

Vẫn không thấy Thanh ngẩng mặt xem, Dũng quay qua thì... sao rạp hát mát thế này mà mặt nó ướt đẫm vậy, không lẽ chảy mồ hôi, mà lạ kìa, sao mồ hôi lại chảy ra 2 mắt, không lý, thằng này "ghiền" ciné lắm mà, sao hôm nay lại chẳng để ý gì hết vậy? Nhìn kỹ lại Dũng thấy 2 mắt nó đỏ lên, nét mặt trông buồn bã. Thấy Dũng nhìn, sợ Dũng biết được, Thanh nói:

- Con gì vào mắt tao mầy ạ.

Câu nói của Thanh càng làm cho Dũng nghi hơn, ban ngày chứ đâu phải ban đêm mà có muỗi hay bọ mắt bay vào.

- Đưa tao thổi cho.

- Hết rồi Dũng ạ.

Lần này để ý nghe giọng nói mất tự nhiên, lại nghe tiếng nấc, Dũng hỏi:

- Sao mầy khóc?

Biết không giấu được Dũng, hơn nữa Dũng lại là bạn thân của nó, Thanh thú nhận:

- Thú thật với mầy tao không phải là con thương gia như tao khoe với mầy đâu, tao là...

- Là gì nói đi? - Dũng hỏi.

- Là con của thợ nề. Mẹ tao mất đi để lại ba tao với 3 đứa con thơ, tao và 2 em tao nữa, thế mà mầy biết không, ba tao ở vậy suốt 10 năm trời để nuôi tao và các em tao ăn học. Như mầy cũng biết, một người lao động thì làm gì có đủ tiền cho 3 đứa con ăn học đầy đủ, bởi vậy ba tao sống rất vất vả, ngày làm thợ, đêm về nhận đúc xi măng kiếm thêm tiền để cho tao tiếp tục học, vậy mà giờ tao không học, lại đi chơi, xem hát, mầy nghĩ vậy có phụ tình ba tao chưa.

Nghe nói, Dũng biết được sự hối hận của nó rồi nhưng không hiểu sao Thanh lại nói lên những lời thảm thương đó. Với tính tò mò, Dũng hỏi:

- Ai hỏi mầy đâu mà mầy khai ra vậy?

Nghe Dũng nói, mắt nó long lanh lệ:

- Hồi nãy chiếu phim phụ có đoạn: Công tác xây cất tại tỉnh nhà chắc mầy thấy...

Nói đến đây, Thanh nức lên khóc.

- Thôi nói đi mà, khóc làm gì.

- ... Thấy ba tao đang công tác tao thương quá, bây giờ tao mới hiểu được sự vất vả và nhìn tận mắt sự khổ nhọc của ba tao, với số tuổi hơn 60 chắc những người khác đều an dưỡng cả, riêng ba tao sao lại khổ thế. Mầy biết không, lắm lúc ba tao khuyên: "Con nên học, lấy sự học là biết thương ba" nhưng tao đâu thèm để ý đến lời nói đó, bây giờ tao mới hiểu được bổn phận làm con thảo và ý thức được những lời vàng ngọc của ba tao thì... đã muộn.

- Thôi đừng khóc nữa Thanh, giờ cố học là vừa, thôi nín đi mầy.

Vãn hát, 2 đứa chia tay ra về.

Không biết Thanh nó có nghĩ gì hơn về buổi xem hát này không, riêng Dũng, trên đường về Dũng không sao quên được những lời nói chân thật, ăn năn của Thanh. Dũng coi thanh như là một người bạn cố tri vậy.


HÀ THỊ LÝ LỆ LIỄU  
(Đức an - Pleiku)      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>