Mấy ngày nắng này con Ngọc ho quá. Nó chỉ nằm im lìm như
cái xác xanh xao vì không còn sức để mà gượng dậy. Cái võng, cái kiềng
đeo tay nhỏ xíu đối với nó cũng trở nên rộng.
Mẹ nó cứ
đi suốt ngày, buộc lòng bỏ con Ngọc ở nhà. Mái nhà thấp lè tè, tối tăm,
không có một cánh cửa sổ, đàn muỗi tha hồ vi vu đốt trông thật thảm.
Không
có gió thì thôi, mà hễ gió nhột là như nhắc nó ho. Cái cổ nhỏ như cổ
búp bê đỏ lên, cái miệng ho văng nước miếng trong lúc mắt vẫn nhắm, nhất
là nghe tiếng nó rít thật là ghê rợn.
Mấy nhà ở sát
vách không ai yên được. Họ cứ xì xầm mà không giúp gì hết. Riêng Của
định kéo chăn xem cuốn tiểu thuyết thì con Ngọc lại nấc lên nữa. Lần này
cơn ho kéo dài nhằng. Bỗng có tiếng nhăn nhó nho nhỏ như sắp khóc. Rồi
con Ngọc bật thành từng đoạn ngắn: "A... a... a..." sau khi mếu máo kêu
nhão nhẹt:
- Má... ơi!
Của khẽ nhăn
trán, nhổm dậy ra cửa sau đứng nghe ngóng. Con Ngọc vẫn vô tình ho như
đập vào óc Của. Của tò mò đứng trên băng nhìn qua. Nó nhìn dăm ba lượt
trong nhà, rồi quyết định chui cửa sổ nhảy xuống ván chỗ con Ngọc đang
nằm như một tên trộm. Con bé vẫn ho từng hồi, nghe tiếng chân nó nín bặt
tráo mắt nhìn như sợ sệt.
Của cúi xuống buột miệng
chắt lưỡi: vì dãy dụa, khóc thét, chiếc mền Ngọc đang đắp bị tung ra, và
chiếc võng gần như lật úp. Của mỉm cười xốc nhè nhẹ mình con Ngọc: nó
nằm dịu nhiễu trên tay Của ; hai con mắt vẫn không ngừng đăm đăm nhìn
từ sóng mũi, cái miệng người đang bồng nó.
Hình như nó mài mại, nhớ nhớ cái mùi là lạ. Và đột nhiên nó đưa tay quẹt mũi mếu máo như tủi lắm.
Của vội vàng đòng đưa mình con Ngọc, hát những câu nho nhỏ. Nhưng thực là Của đang dáo dác kiếm nước...
Cái
kệ nhỏ ọp ẹp để đằng góc như không chịu nổi sức nặng mấy chai nước! Của
đặt hơi mạnh một tí mà nó đã run như bà già run gió! Chỉ cho nó hớp cho
đỡ khô giọng chứ thuốc thì chả có. Một nắm rau tần vắt ra nước – mà đã
khô cả đi – trong cái tô to, mẻ và lên nước! Trông đến cũng phải sợ ra
rồi, thế mà cho con nít uống làm gì mà chịu nổi?
Của
vừa lẩm bẩm vừa đặt con Ngọc lên võng đưa thì chị Mười – Má Ngọc – về
tới. Má Ngọc còn trẻ tuổi, nhưng xem đen và già hơn những người khác
cùng lứa tuổi. Chị đặt đôi gánh "xương xa" xuống. Nghe có tiếng lục đục,
chị cất giọng ngạc nhiên:
- Ủa! Ai đó?
Vừa tới cửa buồng, bỗng "Hù" một tiếng, chị Mười đứng chết trân nhìn Của đang cười nắc nẻ:
- À! Thằng quỉ! Chui... ngõ nào mà qua đây vậy?
Của nín cười:
- Thấy con Ngọc khóc quá tui qua cho nó uống nước.
- Cha! Cám ơn à!
Của hơi bực trước những câu cộc lốc của chị Mười. Nó nói mát:
- Thôi tui về!
- Về đâu thì về chớ!
Chị
Mười có vẻ giận khi nhìn đống nước lai láng mà Của đã vụng về làm đổ và
con Ngọc thấy má nó về "làm reo" đòi ẵm. Của định dợm đi, nghe câu nói
đó nó đứng lại để nhìn mặt chị Mười tỏ vẻ khó chịu một cái rồi lẳng lặng
về.
Của vào giường trở lại mà không thể nào đọc tiếp
cuốn truyện được. Nó những tưởng sẽ nhận bao lời khen của chị Mười nhưng
không! Thái độ của chị Mười làm kích thích nỗi buồn của nó...
*
Bà Hai xỉa cục thuốc tổ nái sang một bên, vừa cười cười hỏi người hàng xóm – có vẻ mỉa và khoe:
- Thằng Bé năm nay được lãnh thưởng nhiều hôn chị?
Đoạn
bà làm bộ quay đi, nhổ cổ trầu. Thật ra bà dư biết rằng thằng Bé vốn
học dở và bà cũng không thấy nó ôm về phần thưởng nào nhưng bà làm bộ
hỏi han để có dịp bàn tới con mình – thằng Của!
Người hàng xóm lắc đầu, chán chê:
- Ối! Thằng... dịch đó ăn rồi lo chơi cờ tướng không chớ học hiếc gì!
Bà Hai hơi nhếch môi:
- Chị nói quá, chớ tui coi nó cũng học được đó chớ, mà điều nó... hỏng được sáng trí!
- Ôi thôi bà ơi! Hỏng bằng một phần con bà.
Bà Hai hãnh diện ghê lắm, được dịp xổ một hơi dài:
-
Thằng Của nhà tui... để bữa nay nó đi lãnh thưởng coi nhiều hôn. Năm
ngoái nó được ông Tỉnh trưởng bắt tay... "mẹc-xi" đó... cô! Người ta
"ngon" lắm chớ! Thầy nó cũng vò đầu khen: "Nó tốt, nó "bông", nó đứng
nhứt hết thảy!"
Thỉnh thoảng bà chêm vào một vài tiếng Tây trong lúc bà xưng hô tiếng Việt còn xà ngầu, lúc chị, lúc... cô!! Nhìn vẻ mặt như phục lăn của chị hàng xóm, bà Hai cười hoài không thôi.
- Ý! Nó dìa kìa!
Nhưng bà chợt sụ mặt "Ủa" một tiếng.
Của từ ngoài vô, mặt cũng buồn buồn ; thấy có người quen, nó tính tháo lui. Nhưng chạm mặt bà nó lỡ cỡ:
- Chị Mười – vâng, chị hàng xóm ấy là chị Mười – qua chơi ạ!
Riêng bà Hai thấy ngượng, bà hỏi láp váp ngay:
- Ủa, mầy lãnh cái gì đâu? Bộ... gởi nhà bạn rồi hả? Có... viết máy gì hôn?
Của vô tình cười buồn chìa tấm "văn bằng khuyến khích" ra:
- Đây nè má!
- Chu choa! "Bằng cấp" đây nè héo?!
- Dạ, hỏng phải, con lãnh... "khuyến khích" mà!
Bà Hai vả lả:
- Ủa?
Chị Mười đã biết câu chuyện, chị nói nhẹ một câu và về:
- Cha, giỏi quá ta! Ít người được... như nó lắm à!
Của nghe giọng "móc lò" xấu hổ và chợt hiểu vì nó không lạ gì tính tình của mẹ mình.
Trở về nhà, nó cằn nhằn:
- Má sao kỳ quá hà!
Bà Hai chưa hết sượng:
- Gì mậy?
Và bà ngồi xuống, nhăn trán hỏi tiếp:
- Mà đâu, sự việc ra sao nói tao nghe!
- Thì... thì vậy chớ sao!
Của tức mình. Bà Hai cũng đâm ra tức giận:
- Mầy ăn học rồi dìa nói với ai vậy?
Của có vẻ nể nang, nói nhỏ:
- Ai biểu má khoe chi?
Bà Hai tức tối quăng chiếc dép vào tấm lưng Của:
- Đồ trời đánh!
*
Bây giờ Của ngồi ôn lại. Của tự hỏi: không hiểu tại sao má mình vẫn chưa bỏ bộ điệu ấy. Vì chuyện đó mà mấy ngày nay, Của sợ khuôn mặt của bà Hai.
Buồn, buồn thật. Của nhìn dưới đất, hai hộp thuốc không, nằm thật... dễ ghét!
Của cúi xuống nhặt lên... và trong nỗi tiếc hối, Của chợt ngồi dậy. Của lụi hụi cắt hai miếng giấy vuông vuông, dán đập lên hai mặt hộp. Đoạn nó nắn nót mấy giòng chữ như một điêu khắc gia: một, chữ "Hộp làm trái" và một, chữ "Hộp làm phải". Nó tự nói trong bụng:
- À, phải rồi... Hễ làm được một điều phải mình bỏ một viên sỏi vào "Hộp làm phải" và ngược lại mình bỏ một viên vào hộp kia!
Nó mỉm cười bỏ một viên sỏi đầu vào "Hộp làm phải": vì nó đã giúp con Ngọc. Và một viên vào "Hộp làm trái": vì tội lớn tiếng với má. Mặt nó hơi buồn, vụt sa lại.
Đã hai ngày nữa, cơn ho càng trầm trọng, con Ngọc như sắp chết. Chị Mười lính quýnh qua năn nỉ bà Hai mượn tiền thì hay tin Của được lãnh "học bổng". Bây giờ trông chị hiền khô. Bà Hai keo kiệt:
- Đâu có! Tui mà tiền bạc gì?!
Của đứng im lặng sau tấm màn. Nó bồi hồi nghĩ tới con Ngọc. Rồi đây con Ngọc sẽ không còn để cho nó ẵm, bẹo má nữa? Cũng không còn ai cho nó "cúc hà" và trửng giỡn? Nếu nó muốn níu lại những hình ảnh này thì chỉ có cách duy nhất. Cách ấy là "khui" 1800 bạc ra cho chị Mười mượn. Nhưng... còn cái "Ra-đi-ô" mà nó định mua? Và việc cư xử của chị Mười đối với nó?...
Sau cùng, Của cắn răng bước ra, cố lấy giọng tự nhiên:
- Chị Mười! Chị qua làm gì đấy?
- Nó qua... mượn tiền!
Bà Hai cướp lời, gằn giọng.
- Thì má cho chỉ mượn đi! Tiền học bổng của con đó.
- Ơ... ơ... Mầy có "học bổng" sao hỏng nói tao hay?
Bà Hai cố khỏa lấp ý xấu của mình. Chị Mười sáng nét mặt, thèn thẹn:
- Dạ! Cậu làm giúp, tui cám ơn cậu! Tui xin lỗi cậu chuyện bữa hổm.
- Không sao! Chị cứ lấy đỡ trăm bạc, mua chai "Xi rô chữ A" cho nó uống thử. Chứ đừng cúng vái, uống tầm bậy!...
- Dạ... "Xi rô chữ A"? Cậu làm ơn biên dùm vô giấy đặng tui cầm đi mua.
Của cười nhẹ. Chị Mười ra về mừng rơn và cảm động. Bà Hai chăm chú nhìn Của nói lẩy:
- Ờ! Hỏng mua "ra-đi-ô" hả? Đòi "giựt giọng" rồi bây giờ lấy xài! Hứ!
Của cúi xuống nhặt một hòn sỏi, lòng không để ý đến lời bà Hai:
- Thì mai mốt chỉ trả mà má!
Đoạn Của chạy vào buồng bỏ thêm một viên sỏi vào "Hộp làm phải". Của lắc nhè nhẹ cái hộp, tiếng lon ton như điệu múa cầu cho con Ngọc mau mạnh và bà Hai mau hối cải.
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 50, ra ngày 1-8-1966)
- À, phải rồi... Hễ làm được một điều phải mình bỏ một viên sỏi vào "Hộp làm phải" và ngược lại mình bỏ một viên vào hộp kia!
Nó mỉm cười bỏ một viên sỏi đầu vào "Hộp làm phải": vì nó đã giúp con Ngọc. Và một viên vào "Hộp làm trái": vì tội lớn tiếng với má. Mặt nó hơi buồn, vụt sa lại.
*
Đã hai ngày nữa, cơn ho càng trầm trọng, con Ngọc như sắp chết. Chị Mười lính quýnh qua năn nỉ bà Hai mượn tiền thì hay tin Của được lãnh "học bổng". Bây giờ trông chị hiền khô. Bà Hai keo kiệt:
- Đâu có! Tui mà tiền bạc gì?!
Của đứng im lặng sau tấm màn. Nó bồi hồi nghĩ tới con Ngọc. Rồi đây con Ngọc sẽ không còn để cho nó ẵm, bẹo má nữa? Cũng không còn ai cho nó "cúc hà" và trửng giỡn? Nếu nó muốn níu lại những hình ảnh này thì chỉ có cách duy nhất. Cách ấy là "khui" 1800 bạc ra cho chị Mười mượn. Nhưng... còn cái "Ra-đi-ô" mà nó định mua? Và việc cư xử của chị Mười đối với nó?...
Sau cùng, Của cắn răng bước ra, cố lấy giọng tự nhiên:
- Chị Mười! Chị qua làm gì đấy?
- Nó qua... mượn tiền!
Bà Hai cướp lời, gằn giọng.
- Thì má cho chỉ mượn đi! Tiền học bổng của con đó.
- Ơ... ơ... Mầy có "học bổng" sao hỏng nói tao hay?
Bà Hai cố khỏa lấp ý xấu của mình. Chị Mười sáng nét mặt, thèn thẹn:
- Dạ! Cậu làm giúp, tui cám ơn cậu! Tui xin lỗi cậu chuyện bữa hổm.
- Không sao! Chị cứ lấy đỡ trăm bạc, mua chai "Xi rô chữ A" cho nó uống thử. Chứ đừng cúng vái, uống tầm bậy!...
- Dạ... "Xi rô chữ A"? Cậu làm ơn biên dùm vô giấy đặng tui cầm đi mua.
Của cười nhẹ. Chị Mười ra về mừng rơn và cảm động. Bà Hai chăm chú nhìn Của nói lẩy:
- Ờ! Hỏng mua "ra-đi-ô" hả? Đòi "giựt giọng" rồi bây giờ lấy xài! Hứ!
Của cúi xuống nhặt một hòn sỏi, lòng không để ý đến lời bà Hai:
- Thì mai mốt chỉ trả mà má!
Đoạn Của chạy vào buồng bỏ thêm một viên sỏi vào "Hộp làm phải". Của lắc nhè nhẹ cái hộp, tiếng lon ton như điệu múa cầu cho con Ngọc mau mạnh và bà Hai mau hối cải.
Thái Châu
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 50, ra ngày 1-8-1966)