Chiếc bóng màu xanh từ từ phồng to lên. Chú nhỏ đỏ cả da mặt, híp mắt lại và hai má phùng lên như ngậm hai trái quít, cố lấy hơi thổi. Đứa em đứng cạnh đấy, khoái chí nhe hàm răng sún ra cười, hai bàn tay vỗ vào nhau nghe đôm đốp:
- A ha! Anh Lam tài quá ta. Thổi nữa, thổi nữa đi anh... còn bé mà!
Chú nhỏ – tên Lam – đắc chí lắm, thổi thật dài thật mạnh, dùng hết không khí trong buồng phổi. Chiếc bóng xanh ban đầu xẹp lép. Rồi nó phồng to bằng trái quít, bằng trái cam, bằng trái bưởi... Chú nhỏ bận nhắm tịt mắt lại vì sung sướng nên không để ý điều đó. Và chú nhỏ vẫn thổi. Ô! Chiếc bóng bây giờ đã to lắm rồi cơ đấy. To hơn nữa. To hơn một tí xíu nữa. Màng cao su của chiếc bóng căng thẳng ra, mỏng dính. Eo ơi! Ghê quá. Chiếc bóng đã no cứng hơi rồi, đã phồng to bằng hai... cái đầu của chú nhỏ rồi. Nhưng mà đứa em chú vẫn thúc hối:
- Thổi nhanh lên anh Lam... Còn bé mà!
Ba tiếng "còn bé mà" của đứa em chưa dứt thì... "Bùm!". Thôi rồi, chết mất rồi. Toi hai tì rồi. Chiếc bóng nổ tung, những mảnh vụn bắn vung tứ phía.
Đứa em thôi vỗ tay và nín cười, ngơ ngác. Chú nhỏ cũng vậy. Trong một giây phút ngắn, hai anh em nhìn nhau. Và rồi... đứa em xịu mặt xuống. Mí mắt trên của đứa em hồng hồng. Cái miệng méo sệch, bệu bạo muốn khóc. Cái cổ họng run run nhè nhè, có tiếng sụt sùi phát ra từ đấy. Hai bàn tay bé xíu lúc nãy vui vẻ đánh vào nhau, bây giờ thì buồn buồn xoa nắn lấy nhau. Đứa em ấm ức đứa anh ghê lắm. Đứa em bất chợt hét lên trong khi nước mắt ràn rụa chảy xuống má:
- Tui không biết! Anh bắt đền tui đi!
- Ở đó mà đòi bắt đền. Còn lâu à! Ai biểu mầy ham thổi to quá mần chi...
Chú nhỏ ngừng lại, dò xét thái độ của em chú và tiếp:
- Bây giờ nó bể, ráng chịu...
Đứa em tức quá, đưa tay quẹt nước mắt, ngước nhìn đứa anh bằng cặp mắt tóe lửa. Bất chợt đứa em nhào tới, nắm nhanh lấy một cánh tay chú nhỏ. Hàm răng đứa em nhe ra – tuy sún bớt hai cái, nhưng vẫn còn lại những chiếc răng sắc bén – cắn mạnh vào cườm tay chú nhỏ... như Đa-ku-la hút máu.
- Ái... Đau... Buông tao ra Lưu! Mầy điên rồi hả? Bộ mầy là chó sao mà hở một tí là... cắn hả?
Nhưng đứa em nhất định không nhả tay anh nó ra. Chú nhỏ tức giận, đấm luôn một loạt vào lưng em chú mấy cú thật mạnh. Đứa em gan lì chịu đau, cắn mạnh thêm...
*
Thuở bé còn chung sống với nhau anh em Lam-Lưu có nhiều kỷ niệm. Hồi đó, Lam còn nhớ rõ: hai đứa mê chơi bong bóng lắm. Mỗi ngày đi học má cho Lam-Lưu mỗi đứa một đồng. Anh em không ăn quà mà lại mua bong bóng thổi. Những chiếc bóng đủ màu xanh, đỏ, vàng, tím của chú Tư bán trước cổng trường. Lam không thích những chiếc bóng đã thổi sẵn, mà thích những chiếc bóng còn nguyên để xẹp: Lam sẽ tự thổi lấy vui hơn. Lưu bé, hơi yếu và ngắn hơn nên thường nhờ Lam thổi hộ. Lam thổi mạnh lắm nên vẫn hay làm bể bóng của Lưu hoài. Lưu nghĩ là Lam muốn phá Lưu, muốn làm bể bóng Lưu để Lưu hết chơi, nên ức anh lắm. Thế là anh em lại có chuyện để đánh nhau...
Còn nhớ bữa nọ má hết tiền lẻ nên chỉ cho mình Lưu một đồng đi học. Còn Lam vì là anh (hừm... vì là anh) phải nhường nhịn em ; đi học không có tiền quà. Hôm ấy, Lam không có bóng chơi. Còn Lưu mua được hai chiếc nhưng lại giấu kín trong cặp. Lưu muốn chơi một mình không cho Lam chơi với. Tuổi trẻ con vẫn có cái "tham lam" như vậy.
Về nhà Lưu đem bóng ra nhờ Lam thổi. Lam thấy bóng khoái lắm. Trong trí Lam hiện ngay cái ý tưởng đoạt bóng của em. Lam thổi xong chiếc bóng, buộc thun đàng hoàng rồi nhưng chả chịu trao bóng cho em. Lam đứng ngây người ra, mân mê, ngắm nghía. Lưu bực lắm hét lên:
- Có đưa bong bóng cho người ta không nào?
Lam nheo mắt cười:
- Chà, quả bóng này màu tím đẹp ghê...
- Không có đẹp gì cả, có đưa bóng cho người ta không nào?
Lam cứng đầu:
- "Rủi" không đưa thì sao?
- Mét má.
- Mốc xì!
Lam ôm chiếc bóng dọt lẹ ra sân. Lưu đuổi theo. Hai anh em rượt nhau vòng vòng để giành chiếc bóng. Lưu vô ý vấp phải rễ cây té trầy đầu gối. Lưu khóc òa lên. Hôm ấy hai anh em bị phạt nặng. Lưu thì bị quỳ gối quay mặt vào tường và bị đánh 5 roi, còn Lam thì bị trói ngoài gốc vú sữa cho kiến cắn và trưa nhịn đói không được ăn cơm.
Tuy vậy anh em Lam-Lưu vẫn chưa chịu chừa tật cũ. Nghĩa là Lam-Lưu vẫn thường "vọc lộn" nhau. Hồi đó Lam mới 9 tuổi, Lưu 7 tuổi. Số tuổi còn non dại, nào đã biết gì. Ba má vẫn thường khuyên "Anh em như thể tay chân. Hai con phải thương yêu nhường nhịn nhau". Nhưng Lam-Lưu bấy giờ thơ dại lắm, không hiểu được thế nào là tình nghĩa anh em...
*
Chiều nay người bán bong bóng lại đến! Người đó dựng chiếc xe đạp trước cổng nhà Lam. Người đó cũng thổi bong bóng, cũng buộc những chiếc bóng lại với nhau thành chùm thả lên và cho chúng múa may với gió buổi chiều. Đám con nít bu chung quanh người đó, cười cười nói nói, có một hai đứa lùn quá, phải đứng nhón chân lên, vói tay chìa tiền cho người bán, mồm lải nhải:
- Bán tui một cái đi ông!... Bán tui một cái đi ông!...
... Bây giờ Lam lớn rồi, không còn chơi bong bóng nữa nhưng lại thích ngắm tụi con nít chơi bong bóng. Bây giờ Lam lớn rồi, không còn giành chơi đánh lộn với em như trước nữa. "Lam ngày nay" biết thương em. Nhưng đến khi hai anh em hiểu nhau và thương nhau thì thời gian chung sống ấu thơ khi xưa không có nữa.
Ba má không hiểu giận nhau chuyện gì ghê gớm đến nỗi thôi nhau, không còn ăn ở với nhau. Ba bắt Lưu về với ba. Còn Lam về với má. Anh em hết được gần nhau. Anh em phải xa nhau để rồi lòng thương tâm nhớ. Tình nghĩa anh em Lam-Lưu chỉ gói trọn trong quãng đời thơ ấu. Ôi! Quãng đời thơ ấu sao mà thật đẹp.
Mấy hôm nay, chiều nào cũng vậy, Lam cũng ra ngồi trước sân nhà chờ người bán bong bóng đến. Lam thích nhìn cảnh người bán bong bóng tíu tít với lũ trẻ để say sưa hồi tưởng đến quãng đời tuổi thơ của mình. Lam mơ màng tưởng như người bán bong bóng đó chính là chú Tư thuở nào và trong đám trẻ vô tư kia có hai anh em Lam-Lưu.
"Lưu ơi Lưu! Phải chi bây giờ có em ở đây. Ừ, giá anh em mình không phải xa nhau vì ba má giận nghịch nhau... thì chúng ta có quyền hưởng lại kỷ niệm tuổi thơ ngày xưa".
Thời gian ơi! Sao mi không dừng lại, để Lam vẫn còn bé hoài, còn được sống bên em hoài, còn được hưởng những trò chơi vui thú mà chỉ tuổi thơ mới có...
Trần Bình Lành
(thi văn khuôn mặt học trò)
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 73, ra ngày 15-7-1967)