Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

Cướp Hụt


Ngồi trước bàn học, Bạch Liên ôn lại môn sử. Bỗng nhiên nàng gấp mạnh cuốn sách lại: "Chán quá! Bữa nay mình làm sao ấy! Có một đoạn ngắn mà đọc đi đọc lại mãi không thuộc!"

Liên đứng lên, ra mở cửa sổ, hi vọng không khí thoáng đãng bên ngoài làm nàng dịu bớt cơn bực dọc. Nhưng khi ngồi lại trước bàn, nàng vẫn thấy nỗi bực dọc ấy không nguôi. Liên cáu kỉnh tự hỏi: "Tại sao thế này, hả?..."

Nhưng rồi Liên chợt hiểu. Chỉ tại cái Pick-up của nhà bên cạnh. Dễ có nửa giờ rồi chiếc "Pick-up" tai hại cứ nhắc đi nhắc lại một lời ca. Đó là giọng ca của Thanh Thúy, lải nhải mãi câu: "Em ơi bây giờ em ở đâu!..."

Khó chịu quá, Liên hét:

- Ở đâu thây kệ nó! "Trời cao biển rộng biết đâu mà tìm!..." Có để cho người ta yên không?

Nhưng, như bất chấp lời lẽ cáu giận của Liên, chiếc đĩa hát có lẽ bị hư sao đó cứ tiếp tục nhắc hoài câu: "Em ơi bây giờ em ở đâu..."

Không chịu nổi, Liên nhất quyết đi sang bên nhà hàng xóm, để lễ độ nhưng cương quyết, yêu cầu chủ nhân chiếc máy hát đó đổi bản nhạc khác, hoặc là tắt hẳn máy đi.

*

Khi bước lên thềm cửa nhà bên cạnh, Bạch Liên thấy hơi bối rối vì nàng không lạ gì cô thiếu nữ chủ nhân ngôi nhà xinh xắn bên cạnh nhà nàng. Cô ta tên là Kim Xuân, trạc độ 25 tuổi, hình như là một nữ tư chức và bình nhật vẫn tỏ ra là người kín đáo hòa nhã.

Liên đã toan trở về nếu không ngạc nhiên thấy cửa nhà cô Xuân hé mở. Nàng gõ cửa, chờ một lát, không nghe động tĩnh gì, nên lấy làm lạ, xô cửa bước vào. Chiếc "pick-up" đặt ở giữa nhà vẫn tiếp tục lải nhải: "Em ơi, bây giờ em ở đâu..." còn cô Xuân ngồi gần ngay đó, nhưng không sao hãm máy lại được. Cô bị trói chặt, miệng bịt kín ngồi chịu trận trên ghế. Đôi mắt của cô sáng lên mừng rỡ khi thấy Bạch Liên. Được Liên cởi trói rồi, cô mới thở ra:

- May quá! Chị đã tưởng phải ngồi suốt đêm nghe Thanh Thúy hát đi hát lại mãi một câu! Thực chịu hết nổi.

Cô vội vàng tắt máy và nhìn quang cảnh bừa bãi của căn phòng, ngao ngán tiếp:

- Em xem bọn điên ấy lục lọi nhà chị!

Bạch Liên từ nãy vẫn ngẩn ngơ chẳng hiểu gì, Liền hỏi:

- Nhưng có chuyện gì đã xảy ra thế chị?

- Có gì đâu. Tự dưng có ba gã lưu manh sồng sộc vào nhà chị giở trò ăn cướp. Họ bắt chị có bao nhiêu tiền phải đưa hết cho họ. Chị hết lời thanh minh rằng chị đi làm chỉ đủ ăn, không có tiền thừa để dành, song họ không nghe. Họ trói chị lại, bịt miệng không cho kêu, rồi lục lọi lung tung như thế đó.

Bạch Liên lẩm bẩm:

- Thế mà chị bảo không có gì. Gặp phải bọn lưu manh đáng ngại lắm chứ!

- Để chị báo cảnh sát vậy.

Cô Xuân cùng Bạch Liên chạy ra đầu phố, vào quán điện thoại, quay số gọi đến quận cảnh sát. Trở về, cô cười bảo Liên:

- Bọn "cướp cạn" này bữa nay không hên. Vô nhầm nhà chị nên chẳng vớ được gì.

Bạch Liên thầm phục thái độ bình tĩnh của của cô Xuân, cười đáp:

- Cũng may, chiếc đĩa hát của chị cứ quay hoài một chỗ làm em thấy lạ chạy sang, nếu không chắc chị còn bị ngồi bó rọ một chỗ chưa biết đến bao giờ.

Cô Xuân vui vẻ:

- Chị cám ơn em, và cũng phải cám ơn cô ca sĩ Thanh Thúy nữa.

*

Trong khi chờ đợi cảnh sát tới, Bạch Liên phụ giúp cô Xuân thu dọn lại những quần áo sách vở bị vứt bừa bãi trên nền gạch. Nhưng khi nhà hữu trách đến, họ lại phiền trách và bắt phải để y nguyên như cũ.

- Đáng lẽ các cô không được thu dọn gì cả. Phải bày lại y hệt như hồi nãy!

Và để dựng lại đúng với cảnh tượng đã xảy ra, viên công an điều tra còn buộc Bạch Liên phải trói cô Xuân vào ghế nữa. Sau đó ông mới bắt đầu thẩm vấn nạn nhân, hỏi nhiều chi tiết khá phiền phức. Ông cũng lưu Bạch Liên ở lại để hỏi thêm vì nàng là nhân chứng trong vụ này.

Liên miễn cưỡng ngồi lại, lẩm bẩm:

- Mình biết gì đâu mà hỏi! Khi mình sang tới đây thì đã xong cả, bọn lưu manh kia đã rút êm hết rồi!

Chán ngán, Liên ngồi xuống ghế lơ đãng nghe cô Xuân đáp lại những câu hỏi tỉ mỉ của viên công an. Để qua thì giờ, Liên mở tờ báo hàng ngày ra đọc. Tờ báo, ngay trang đầu không có gì hấp dẫn. Một vài tin thời sự quốc tế, kèm theo ít nhiều hình ảnh sốt dẻo trong ngày... nên Liên phớt qua rồi giở vào trang trong. Chợt nàng để ý đến một tin vắn nói về giải thưởng Thanh Tâm. Đọc qua giòng đầu, Liên chú ý xuống giòng thứ hai, và mắt nàng sáng lên khi đọc tiếp những giòng dưới. Đọc hết tin đó, Liên đứng phắt dậy, nắm tay viên công an lắc mạnh:

- Mau lên, ông ơi, mau lên! Đến ngay số nhà 30 đường X... Phải đi ngay kẻo muộn mất!

Viên công an kinh ngạc, vừa gỡ tay Liên vừa sẵng giọng hỏi:

- Thế nghĩa là thế nào? Cô bé này lạ quá...

Liên càng cấp thiết hơn:

- Ông đừng để trễ thì giờ. Cần phải đến số nhà 30 đường X... gấp. Tôi sẽ cho ông rõ vì sao ở trên xe. Mau, không hỏng việc mất!

Lạ lùng vì cử chỉ bồng bột của Liên, viên công an để hai người phụ tá lại với cô Xuân, còn ông ta chạy theo Liên ra ngoài, nhảy lên xe.

Trên xe, Liên vừa thở vừa hồi hộp nói với viên công an:

- Trong số nhật báo ra ngày hôm nay có đăng... tin... về giải thưởng Thanh Tâm... Giải thưởng 10 vạn đồng đã được trao cho tác giả trúng giải sáng nay...

Viên công an gật đầu, tỏ vẻ thành thạo:

- Phải, tôi biết, giải thưởng văn chương ấy được trao cho nữ sĩ Lê Mộng Kim.

- Vâng, nhưng nữ sĩ Lê Mộng Kim lại lấy bút hiệu là Kim Xuân để ký trên các tác phẩm của cô. Bút hiệu của nữ sĩ Kim Xuân trùng với tên cô thư ký Kim Xuân vừa rồi. Nên chi bọn kia đã lầm, ông hiểu chưa, họ lầm địa chỉ!

Viên công an hiểu ngay. Ông đã hiểu trước cả khi Liên nói dứt lời. Ông vội ghé vào tai người lái xe ra lệnh:

- Cố gắng cho xe chạy mau hơn nữa!

*

Chiếc xe phóng như bay đến đường X... và phanh két lại trước số nhà 30. Viên công an nhảy xuống, rút súng nhào vô nhà, đúng lúc bọn lưu manh đang vơ tiền nhét vào túi. Nữ sĩ Kim Xuân bị trói chặt, miệng bị bịt kín ngồi thu lu trên ghế. Sau khi để cho các nhân viên phụ tá còng tay bọn lưu manh và áp tải ra xe, viên công an mỉm cười đẩy Liên về phía cô Kim Xuân:

- Phần em vinh dự cởi trói cho nữ sĩ!

Buổi chiều hôm ấy, Bạch Liên đã cởi trói hai lần... cho hai cô Kim Xuân khác nhau.


Bích Thủy    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 18, ra ngày 25-6-1964)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>