Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

... Cắn Ngón Tay


MỘT

Tôi ngồi dưới gốc phượng thật to mà những nhánh trụi lá bắt đầu mang thêm vài cánh đỏ.

Đàn ve lại rủ ren tôi vào giấc mộng mùa hè với tiếng kêu nghèn nghẹn cổ và cao thấp theo từng cơn gió.

Mộng...

mà Mộng và Mơ thì bao giờ cũng đẹp.

Tôi tự cho mình cái hãnh diện của thi nhân tìm vần thơ, hãnh diện cùng đất trời, cùng muôn loài cây cỏ và tự hào mình biết thưởng thức cái đẹp trong vũ trụ này.

Vì đẹp thì mỗi cái nhìn đều có lối quan niệm khác nhau.

Kia kìa nguồn thi tới, suối văn bắt đầu cuồn cuộn chảy: những bóng áo dài thấp thoáng ngoài cổng. Hằng vạn cung đàn trong tim, trong óc bắt đầu rung tơ: Bá Nha, Tử Kỳ, Lý Bạch, Verlain bắt đầu im hơi theo dõi điệu đàn của tạo hóa, của trời.

Tạo hóa tìm ra đầu tiên âm thanh tuyệt diệu và đơn giản nhất, đó là tiếng gió thì thầm tình tự bên tai, tiếng họa mi buổi sáng, tiếng thông ngàn vi vút, nhưng thiêng liêng hơn hết là tiếng mẹ hát ru con, tiếng oán trách của con người đau khổ tột cùng đến độ chỉ còn một hơi thở dài, thế mà đã nói lên tất cả khổ đau...

Tôi ngồi thật lâu dưới gốc phượng, đàn ve lại cất tiếng rủ ren. Tôi không hiểu mình đã vò nát nắm cỏ khâu trong tay bao giờ, cho đến khi nghe mùi hăng hắc thì tay đã ướt những giọt nước mắt xanh. Thật thương cho những ngọn cỏ mịn màng tơ đẹp, như tuổi trẻ, tuổi mới lớn, tuổi bắt đầu nhận thức cái đẹp của trời, của thơ, của tiếng ve và những cánh phượng âu yếm trên tóc.

Tôi bỗng muốn ghép tất cả những cánh đỏ trên tấm thảm xanh kia thành dòng chữ: Đẹp và Thơ.

(cho những người bạn ở Hồ Ngọc Cẩn)


HAI

Chỉ còn ngày thứ bảy này thôi hở chúng mày?

Tao đột nhiên thương chúng mày đến tột cùng trời đất.

Chóng thật, mới ngày nào mình còn kéo nhau qua "Thạnh Phát" chén yaourt để mừng ngày ra mắt tờ báo mình nâng niu (dù ra mắt để rồi chết vĩnh viễn) mà bây giờ... nhìn thằng Tuấn thẫn thờ nhặt cánh phượng héo quay lại hỏi: Đẹp không? Tao như tê dại cả lòng.

Lãng mạn thật.

Mà lãng mạn chính là đặc tính của những thằng con trai hay ngơ ngẩn nhìn những búp phượng thản nhiên nở đến độ vô tình.

Thầy Hiếu ngồi trên bàn tán gẫu cùng bọn mình, thầy kể lại cảm tưởng ngày đầu tiên trong nghề gõ đầu trẻ, thầy nói dù nghề bạc như vôi vẫn có khối người bất chấp tất cả mà hướng dẫn lớp người đi sau... Thầy nói nhiều và có vẻ cảm động lắm chúng mày ạ, chừng như bao nhiêu tâm sự thầy gói ghém cả trong đó, tao tiếc đồng hồ dưới văn phòng chạy nhanh hơn thường lệ, tiếng chuông reo át đi lời tha thiết của thầy... "Xã hội đã xấu rồi, nếu các anh không làm đẹp được xã hội thì đừng bao giờ làm cho nó xấu thêm".

Mặt tên nào cũng chĩu nặng ưu tư, tao bỏ ra hành lang đứng một mình, trường vắng như tờ, bỗng lại thèm tiếng ồn ào xưa, cái sinh khí xưa, nguồn sống của tập thể những người hoặc sẽ làm đẹp đời, làm tươi xã hội, hoặc làm băng hoại tất cả. Tao lấy làm lạ sao những năm trước mình hay lợ dụng phút cuối của một niên học dài để đùa giỡn mà giờ thì lại muốn rút vào xó xỉnh nào đó, thật im lặng mà nhớ đến những người bạn thân trong đời: Có những thằng vẫn còn ôm khư khư mảnh bằng như một của gia bảo, sống không biết đến ai, tự cho mình là trung tâm vũ trụ dù rằng vũ trụ thu hẹp trong phạm vi một đống rác có những thằng quần quật trong nhà in, trong xưởng thợ để cuối tháng ứa nước mắt nhìn chủ tính từng đồng, cũng có những thằng cầm súng ở Tây Ninh, Hạ Lào hay bất cứ một nơi nào đó và đợi ngày tổ quốc ghi ơn.

Thằng Thành đưa bàn tay có những móng vàng khói thuốc sờ cằm lởm chởm râu quên cạo: Kỳ này tao rớt là đi luôn Tại sao? Nó vừa bẻ ngón tay vừa ngâm ư ử: Rớt tú tài anh đi trung sĩ...

Chúng mày thân, tao đột nhiên thương bọn mình đến tận cùng trời đất và tự hỏi tại sao không dám ngước đầu nhìn tới trước...

Có những cục đá thật lạnh trong ly cà phê đen...


BA

Phượng bao gồm tất cả thanh tú của trời đất.

Tóc Phượng dài, mắt Phượng xinh, tâm hồn Phượng dịu và êm như cánh áo dài trắng Phượng yêu nhất đời.

Phượng có cái nhí nhảnh của cô  gái yêu đời, có cái ưu tư của người mang nặng gánh trên vai và Phượng cũng chứa đựng vẻ ngây thơ của tập giấy trắng học trò mà không ai nỡ bôi vào đó một vết mực, dù chỉ bằng một khẩy móng tay.

Ai cũng khen Phượng đẹp.

Tôi chúa ghét những lời khen đó, vì tôi ích kỷ, tôi tham lam, tôi muốn giữ độc quyền Phượng cho tôi được quyền khen Phượng đẹp thôi. Phượng có nhiều lúc sân trường ngập nắng, Phượng mỏng manh và lẻ loi đứng đấy như một cánh hạc thoát tục, tôi muốn bắt sửng hình ảnh đó và có lẽ toàn thể Thái dương hệ đều ngừng xoay trong chớp mắt huyền diệu mà tim tôi bỗng dưng ngừng đập. Phượng, có nhiều đêm tôi làm hàng chục bài thơ ca tụng Phượng, gởi đi các báo, và không buồn nhận tiền nhuận bút, thật tôi chẳng còn hiểu được chính con người mình, hay là vì Phượng là Phượng và Phượng chỉ đến với tôi trong những mùa hè.



Mưa.

Những hạt vắn dài lao nhanh xuống vũng nước đọng, tạo thành những nụ bong bóng phù du, những hạt vắn dài lao vào mái tôn, tiếng rầm rầm đuổi nhau như một ngày cuối của tạo vật vì có hàng chuỗi sấm sét trên không và những mái tranh nghèo run rẩy quì xuống bằng đôi đầu gối gầy yếu, không dám ngẩng đầu lên cao.

Đứa con gái vuốt mặt, gió lạnh quá nhỉ, mưa đến bao giờ dứt. Trong nhà có tiếng trẻ o ọe khóc, lại một chuỗi sấm ngang đầu, tiếng như xé lụa vạch nát tấm thảm đen lót cung trời bày ra quang cảnh sáng ngời ánh đèn trên đấy. Đứa con gái rùng mình, bịt tai bằng hai bàn tay gầy, xanh và có một vài chỗ chai cứng ; một con chuột băng nhanh qua bên kia cống.

Thời gian chầm chậm bò lên mái tóc bắt đầu rẽ ngôi.


VÀ NĂM

- Ba! Ba! Năm giờ rồi.

Người đàn ông cựa mình, mắt nheo nheo vì nắng chói ngay mặt:

- Mấy giờ rồi?

- Năm giờ, bác hai khi nãy có đến hỏi ba lại ấp chưa.

Người đàn ông ngồi bật dậy, tiếng giường kêu lên như đau đớn. Ông nhìn cái đồng hồ đặt đầu giường, tần ngần:

- Bác hai đến lâu chưa?

Đứa con gái đi lần ra cửa sổ, nhìn lên trời quang đãng sau cơn mưa rõ nét một lằn móng ngũ sắc.

- Bác vừa đến.

- Sao không kêu ba?

Người đàn ông gắt lên bực bội.

Đứa con gái nói lí nhí trong miệng như xin lỗi:

- Tại con thấy ba ngủ say quá, con không dám...

Người đàn ông đứng dậy, vươn vai, ngáp dài rồi quờ chân dưới giường tìm đôi dép và đến bên cột lấy chiếc áo sơ mi sờn cổ và chiếc quần vá hai miếng nơi mông.

- Ba lại ấp?

- Không, lại nhà thím Tám.

- Chi vậy ba?

Người đan ông vừa cài nút áo vừa đi lần ra cửa:

- Mượn tiền, ăn cháo hoài sao?

Đứa con gái nhìn theo dáng gầy gò của nguồi đàn ông lầm lũi trong ngõ hẻm sũng nước, bất giác thở dài.

Đứa con gái tì tay lên thành cửa sổ hãy còn âm ẩm, nhìn xuống vũng nước đọng in mặt cô vào đấy, cô gái đưa tay rẽ lại nét ngôi trên tóc và mỉm cười, chợt đỏ bừng mặt khi thấy đôi mắt bên thành cửa sổ ngôi nhà gạch đối diện nhìn đăm đăm. Cô gái bỏ cửa sổ lùi lại sau, ngồi phịch xuống giường, xoa xoa hai bàn tay vào nhau, chợt chạm phải những đốm chai cứng trên lòng những ngón tay, cô gái xoa xoa vào đấy và thích thú đưa lên miệng gặm nhấm...


NGUYỄN TRÚC PHI   
23-5-71              

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 5, ra ngày 5-7-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>