Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Những Tháng Ngày Xa Khuất


Mỗi khi tình cờ "họp mặt" bà con họ hàng lâu không gặp vì ở cách xa nhau, tôi thường đem những bài viết "hậu Tuổi Hoa" ra khoe, vì thấy họ cũng thích thú khi bắt gặp chính mình trong "tiểu thuyết". Nhưng nếu kể mà còn "chừa" nhân vật nào ra thì có lẽ những người chưa được nhắc tới không được vui! Vậy nên hôm nay nhân lúc trà dư tửu hậu, tôi lại ngồi ôn nốt những kỷ niệm xưa dưới Châu Đốc để viết thành bài này, mong góp được chút vui cho đời.

Tôi vốn khét tiếng dốt toán, nhưng một hôm tôi cũng có thể thông minh đột xuất như ai, khi giải đáp trước chị họ bằng tuổi tên Tâm của tôi, một bài toán đố có lẽ là lớp tư, do bác trai đề ra, với phần thưởng là "nguyên" một viên kẹo bạc hà màu tím cho đứa nào tìm ra đáp số trước! Sở dĩ tôi nói "nguyên" một viên, là vì sau khi bác trai thấy tôi ẵm trọn giải thưởng, có lẽ sợ chị Tâm buồn nên bác đề nghị chia đôi cho chị Tâm phân nửa! Chắc các bạn cũng biết viên kẹo bạc hà màu tím ấy, vì tuổi thơ ai mà chẳng đã từng ăn qua ít nhất một lần. Nó nhỏ xíu như... viên kẹo vậy, ấy thế mà lại còn phải để bác trai dùng dao cắt làm hai! Nhưng tôi vẫn vui lòng, có lẽ vì lúc đó còn nhỏ nên nhìn viên kẹo ấy thấy to, nên chia đôi cũng chẳng sao!... Nhưng tôi chỉ giỏi toán được mỗi lần đó, hôm trời đi vắng!

Trước khi bác trai đi làm, bác thường ra bài tập ở nhà (toán chia) cho chị Tâm và tôi trên một tấm bảng đen nhỏ treo cạnh lối đi, được chia đôi bằng một vạch phấn trắng, mỗi đứa bốn bài. Lần nào chị Tâm cũng ngoan ngoãn tính tính toán toán trên các ngón tay, bôi đi viết lại, hoàn thành đầy đủ sứ mạng trước tôi, rồi yên lòng chạy đi chơi mất hút. Còn tôi thì khỏi nói, cứ đứng nghệt mặt ra hoặc gãi đầu gãi tai trước các bài toán hóc búa ấy, vì thật ngẫu nhiên, chẳng bao giờ số dư ra chẵn hai con số không, mà ra lẻ thì... ôi nó khó ghê khó gớm! Nói thật, tôi cũng không hiểu bằng cách nào mình đã sống sót toàn thây qua những con toán chia ấy, cũng như tất cả những bài toán khô khốc và khó khủng khiếp sau này của bảy năm trung học!

Làm xong bài tập ở nhà là tụi tôi có quyền chạy chơi trong xóm thoải mái, không bị la rầy. Tôi thường chạy sang chơi nhà ông Tụng lục sự. Tuy còn rất nhỏ nhưng tôi đã biết là ông Tụng rất đẹp trai, lại vui tính nữa, nên nhà ông lúc nào cũng đông nghẹt con nít. Sau này khi tôi phải trở về sống với gia đình trên Sài Gòn, ông Tụng cũng ghé thăm tôi vài lần. Vì còn là trẻ con nên tôi chỉ biết đứng trong nhà nhìn ra mà cười toe toét, chẳng biết là "khách tới nhà không trà cũng bánh" mà rót nước mời khách ngồi chơi để hỏi thăm sức khỏe gì hết. Nhưng ông cũng đứng ngoài nhà cười tươi đáp trả rồi đôi bên chia tay nhau. Ước gì giờ này ông Tụng còn sống và đọc được những hàng chữ này. Cháu rất quí ông Tụng đấy! Ước gì chúng ta lại được quay về những tháng ngày êm đềm nơi tỉnh lỵ thần tiên ấy, ông Tụng nhỉ!

Hàng xóm lúc ấy của chúng tôi cũng có một ông hành nghề lục sự tên là Phát, nhưng lũ con nít tụi tôi chỉ thân với bà Phát, vì có lẽ ông Phát nghiêm nghị và không thích trẻ con. Ông bà hình như có hai người con gái, đứa lớn tên Minh, và đứa nhỏ tên Tâm. Một hôm đang đùa giỡn với bé Tâm, tôi tưởng mình đã làm lọi tay bé nên sợ hãi bỏ chạy về nhà và kể từ đó trốn mãi không dám ló mặt sang nhà ông bà Phát chơi nữa. Đến mấy ngày sau, bà Phát phúc hậu ấy phải nhắn với bác gái của tôi rằng bà đã đưa bé đi nhà thương rồi, và tay bé Tâm đã được băng bó nên không sao hết, rằng tôi hãy tiếp tục qua nhà chơi với Minh và Tâm như xưa, đừng sợ! Thỉnh thoảng bà Phát biếu gia đình bác tôi rau câu lá cẩm rất ngon  do bà tự nấu đổ trong những cái khuôn hình ngôi sao, hình bầu dục có răng cưa... trông thật xinh xắn. Có lần chợt trông thấy tôi, bà Phát còn nói vói rằng hãy theo bà qua nhà để bà biếu thêm! Hèn chi tôi cứ thương Châu Đốc hoài hủy!

Nói tới chuyện hàng xóm biếu quà nhau, tôi bỗng nhớ đến ông giáo sư Luông họ Ngô, dạy môn triết học tại trường trung học Thủ Khoa Nghĩa, ở nhà công vụ sát bên nhà công vụ của ông bà Phát, cách nhà bác tôi bốn, năm căn. Mỗi lần ông giáo sư Luông lúc nào cũng tề chỉnh, chải chuốt ấy đi ngang qua trước nhà, chúng tôi đều ngửi thấy một mùi hương, ta nói... nó ngào ngạt như một vườn hoa đang nở rộ lúc xuân thì, toát ra từ loại dầu thơm mắc tiền ông dùng! Một hôm, thân mẫu ông Luông từ Sài Gòn xuống Châu Đốc thăm con trai. Nghe nói bà là chị ruột của ông NKT, nhân vật đứng đầu ngành giáo dục thời bấy giờ. Thấy chị Tâm chạy sang chơi như thường lệ, thân mẫu ông Luông bèn gọi lại xoa đầu và cho chị một vốc kẹo, nhưng ông giáo sư Luông ấy đã vội vàng gạt đi và nói rằng, người ta con nhà... (ý nói là con nhà gia giáo) nên muốn biếu thì phải bưng tới nhà chớ không nên sơ suất như vậy; nhưng chị Tâm lanh chanh nhà tôi, chưa kịp nghe cho ra ngô ra khoai gì, đã vội bỏ chạy về nhà méc má, và thề sẽ "oa xịt" ông Luông mãi mãi, vì dám gọi "người ta" là "con nhà..."! Chắc chị tưởng ông nói "con nhà không được giáo dục"! 

Nghỉ hè, các anh em tôi thường xuống Châu Đốc chơi. Nhưng có lẽ vì không nhớ rõ, nên tôi không hiểu tại sao kỳ đó anh Hải tôi chỉ xuống một mình, và được bác gái gởi vào học trong trường nữ tiểu học của tôi, là trường chỉ dành riêng cho nữ sinh. Có lẽ trên Sài Gòn lúc đó đã vào hè, nhưng ở Châu Đốc, niên học chưa tàn, nên sợ anh Hải ở nhà rong chơi hư người, nên bác mới gởi tạm anh vào trường nữ chăng? Dù gì thì tôi cũng đã có thể thấy anh Hải, người anh quí báu nhất đời của tôi, ngay trên sân trường, và thế là tôi lại có thể góp thêm chút nào hay chút nấy vào "kho lưu trữ kỷ niệm" về anh! Số là trường tôi có nuôi một chú khỉ con, bị xích trên cây vú sữa trong sân trường. Vào giờ chơi, các nữ sinh thường ném bánh mì khoanh chan mỡ hành hay chan nước cốt dừa rắc hành, mua gần đó, lên cho chú khỉ ăn. Có lần anh Hải thay vì ném bánh mì như người khác, thì lại quăng một mảnh gạch thẻ lên, và chú khỉ tinh khôn đã chụp  lấy hửi hửi rồi vất xuống đất mà không buồn đưa vào miệng! Anh Hải nhe răng cười! Nụ cười thơ ngây, hồn nhiên đó vẫn còn bóp nghẹt tim tôi cho tới tận bây giờ, mỗi lần nhớ về anh.

Bác trai tôi bất đắc dĩ có hai đời vợ. Bác gái trước mất sớm để lại ba con gái, và chị Châu là con trưởng. Còn anh Chính, anh Tín, chị Tâm là con bác gái sau. Chị Châu thường hay may đồ cho lũ con nít chúng tôi. Có lần chị may bằng tay cho chị Tâm và tôi mỗi đứa một chiếc áo đầm hai dây màu đỏ rượu vang, lấp lánh như kim tuyến, có đính hai con đầm màu trắng đang dung dăng dung dẻ phía trước áo. Sau đó, chẳng nhớ là vào dịp gì, bác gái dẫn hai đứa tụi tôi bận đồ đôi hai áo đầm đỏ ấy đi chụp hình! Đó cũng là lần đầu tiên tụi tôi được thoa son, do ông thợ chụp hình "tút" cho, để "thành phẩm nhiếp ảnh" của ông thêm phần chất lượng! Khi về gần tới nhà, bác gái nói tụi tôi chùi son đi, sợ bác trai trông thấy mà la rầy. Sau này mỗi lúc họp bạn, chị Tâm đều khoe tấm hình "hai con đầm" ấy, và nói rằng trông cứ như công chúa vườn!

Có lần chị Châu cũng đan cho chị Tâm một chiếc áo len nổi "vật vã" khiến tôi phải nhớ đời. Chiếc áo len đó dài tay, màu hồng cánh sen trông thật lộng lẫy, lại thêm cái cổ lông xù màu trắng ôm trọn cổ trông thật quí tộc! Hôm đó chị Tâm nổi nhất trường, và tất cả lũ học sinh tiểu học trong sân trường giờ ra chơi đều vây quanh chị với ánh mắt chiêm ngưỡng, như mọi khi, vì có mặc áo len đẹp hay không thì chị Tâm vẫn luôn là thủ lãnh trong bất cứ đám đông nào chị gia nhập! Còn tôi hôm đó lại mặc áo len do má tôi đan, chắc là từ len còn dư từ áo bà, màu xanh rêu bà già khiến tôi chìm lỉm! Tôi cứ đứng tiu nghỉu một mình trong sân trường, trong giờ ra chơi hôm đó, như thông lệ, nhìn chị Tâm tíu tít nói cười với đám bạn, như thường lệ! Kể vậy để thấy những tháng ngày ở Châu Đốc của tôi không phải lúc nào cũng là màu hồng, vì dù còn con nít, tôi cũng đã có những phút cô đơn, suy tư như thế.

Tôi cũng từng phân bì với chị Tâm (chị họ đàng nội) trong giờ nữ công thêu thùa, vì chị luôn giữ được vải, chỉ thêu sạch sẽ, gọn gàng, đâu ra đấy; trong khi khúc vải Batiste bề ngang một tấc bác gái mua cho hai đứa y hệt nhau nhưng chẳng hiểu sao cứ vào tay tôi nếu không lấm lem mực tím thì cũng dính những tạp chất dơ bẩn khác, còn con chỉ màu cam thì rối nùi, tới nỗi đến giờ nữ công lúc lôi ra sử dụng, tôi không tài nào tháo gỡ ra nổi! Có lần tôi thắc mắc hỏi chị Cầm (chị họ đàng ngoại của tôi), một  thợ  may, sao chị thành nghề may  vá được, trong khi tôi lại quá vụng về chuyện nữ công thêu thùa? Chị nói rằng, trời cho mỗi người giỏi một thứ thôi, chị học dở nên trời phải cho chị nghề may để kiếm sống chớ! Làm chị khó thật, vì cái gì cũng phải biết, để giải đáp mọi "théc méc" cho em, nhất là cho đứa em như tôi, một đứa vốn hay hỏi tại sao!

Bác trai là mẫu người gương mẫu của gia đình. Làm công chức, ngoài việc sáng xách ô đi tối xách về, tôi chẳng thấy bác trai đi chơi đâu, hoặc cờ bạc hút xách,  hay chén thù chén tạc với ai. Tan sở là bác về nhà ngay, rồi quanh quẩn làm việc nhà, chăm sóc con cái, và chỉ có mỗi chiếc radio làm bạn thân. Bác hay lấy phấn viết đầy trên tường nhà ngữ vựng tiếng Pháp để anh Chính thuận tiện nhìn thấy mà học nhẩm trong đầu. Thỉnh thoảng bác kiểm tra bài bằng cách hỏi, Chính, địa lý, thiên văn học tiếng Pháp là gì? Lịch sử là gì? v.v và v.v... Giá như lúc đó tôi lớn hơn và chịu khó nhìn lên cửa phòng tắm, tường nhà bếp... để học ké thì chắc là tôi đã giỏi Pháp văn từ lâu! Nhưng vì còn nhỏ, tôi không quan tâm tới tiếng Pháp lúc bấy giờ, mà chỉ hay thắc mắc ngô nghê, ngờ nghệch, vớ vẩn. Một hôm tôi cứ ngó nghiêng vòng quanh cái radio và hỏi bác, ủa ai hát ở trong đó vậy? Mấy người ca sĩ cao lớn lắm, sao họ chui vào trong radio được? Vậy mà bác tôi cũng kiên nhẫn giải đáp, rằng tới giờ phát thanh, ca sĩ thu nhỏ người rồi chui vào radio mà hát! Thế mà tôi cứ tưởng thật, dặn đi dặn lại bác rằng  khi nào họ tới thì gọi tôi ra coi! Mỗi lần nghĩ lại chuyện này tôi cứ cười rũ rượi!

Gia đình bác, cũng giống y hệt như gia đình tôi, rất coi trọng việc học hành! Một lần anh Chính đi bộ tới trường tiểu học để đón chị Tâm và tôi học về. Thường thường, đưa đón hai đứa tôi là nhiệm vụ của bác trai. Hôm đó, anh Chính tay xách hai chiếc cặp của chị Tâm và tôi, chân bước, miệng hỏi, hôm nay ở trường được mấy điểm? Chị Tâm khoe điểm cao tám hoặc chín gì đó, còn tôi hôm ấy xui xẻo thay (hay sự thật đúng do là tôi học dở? vì hình như càng nhỏ tôi càng học ngu, lớn lên đầu óc tôi mới vỡ ra!) chỉ được năm, sáu điểm gì đó! Thế là anh Chính phạt tôi bằng cách nắm tay chị Tâm lôi xềnh xệch nửa đi nửa chạy lên phía trước, bỏ mặc tôi ba chân bốn cẳng chạy theo hết hơi mà vẫn không kịp. Tôi cứ vừa khóc nức nở vừa lúp xúp chạy theo sau vì sợ lạc đường, khiến mấy bà nội trợ ngồi hóng mát bên đường phải nói đỡ với anh Chính, đi chậm chậm thôi, em nó không theo kịp kìa! Tội nghiệp nó khóc quá xá!… Nhưng ngoài việc học ra thì anh Chính cũng bớt nghiêm nghị hơn nên tôi cũng đỡ sợ. Có lần anh để cả ba đứa, anh Tín, chị Tâm và tôi, đu lên cùng một bên cánh tay của anh rồi nhấc bổng lên dễ như bỡn!

Khi có ai mong muốn con họ "mãi mãi tuổi lên ba", thì tôi có thể đồng cảm một cách rất dễ dàng, vì chính tôi đã không ít lần ước gì chính mình cứ mãi là trẻ con, để được sống mãi những tháng ngày thơ ấu nơi miền quê thanh bình Châu Đốc ấy... 


Trần Thị Phương Lan  
   (Bút nhóm Hoa Nắng) 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>