Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

CHƯƠNG I_HỒ SEN VOI PHỤC


 CHƯƠNG I


- Liên!... Bạch Liên!... Bạch Liên ơi Bạch Liên à!

Từ ngoài hàng rào, một chàng trẻ tuổi, thân hình cao lớn, cố hạ thật thấp giọng gọi vào, dường như sợ kinh động đến những con chim đang đậu trên cành hay những đóa hoa đang hé nở trong vườn.

Chàng sắp lên tiếng gọi tiếp thì từ trong ngôi nhà ngói ngự giữa vườn cây một cô gái, tuổi chừng 14, 15 hấp tấp bước ra mở cổng.

Chàng trai ngây ngất đứng nhìn ngón tay tháp bút của nàng đưa lên, để hờ hững trên môi mà tưởng chừng như nàng đang phác một cử chỉ thần tiên chàng chưa từng thấy.

Nàng ngạc nhiên hỏi, nhẹ như gió thoảng:

- Hôm nay anh đi đâu mà sớm thế?

- Thế tối qua em dặn anh cái gì, không nhớ sao?

Nàng mỉm cười, nụ cười êm như cánh bướm đậu trên một nụ hồng:

- Em dặn cái gì nhỉ? Em có dặn gì đâu! Anh Dũng là chúa hay tưởng tượng.

- Thật không? Vậy ai nói sáng nay có việc phải đi đâu sớm?

Người con gái khẽ gật đầu, mái tóc huyền xõa xuống đong đưa quanh khuôn mặt trái xoan tươi mát:

- À, câu ấy thì em có nói. Nhưng sớm lắm cũng phải đầu giờ thìn mới đi được. Đi sớm quá, bà mắng. Bà bảo đi lúc trời còn sương dễ bị cảm. Thầy mẹ em lần nào viết thư về cũng dặn dò em vậy.

Nàng ngẫm nghĩ một giây, bỗng cười khanh khách:

- Cả anh nữa, anh cũng cản hoài không cho em đi đâu sớm mà.

Nàng vội im bặt:

- Chết! Cười to quá, bà nghe thấy bà la!

Hai người sóng bước đi vào. Trên cây mấy chú chim cất cánh. Sương đọng trên cành rơi xuống lộp bộp trong khi những tiếng hót véo von vút lên cao.

Chàng trẻ tuổi nắm cánh tay cô gái:

- Không, bà không nghe tiếng đâu mà sợ. À, bà làm chi trong nhà vậy?

Cô gái nghiêng người, gỡ tay ra và tránh xa một chút:

- Bà đang tụng kinh đó. Cả thầy mẹ em cũng không bao giờ dám làm kinh động bà trong lúc bà lần chuỗi hạt.

- Được rồi, chúng ta nói chuyện thật khẽ.

- Thật khẽ nhé?

- Ờ. Thế bây giờ em trả lời câu hỏi của anh tối qua đi.

Đôi gò má ửng hồng, nàng đáp:

- Chịu thôi. Nói chuyện khác cơ. Em không thèm nghe chuyện ấy đâu.

- Ngoài chuyện ấy, anh có biết chuyện gì nữa đâu mà nói.

- Xí. Thế thì anh dở quá. Con trai phải nói chuyện dẹp loạn yên dân, con gái phải lo cứu giúp những người cơ nhỡ, thiếu gì chuyện đáng nói. Thế mà thầy mẹ em vẫn khen anh là người khá, có cốt cách...

Chàng trai ngây người nhìn cô gái mỗi lúc một đẹp thêm lên. Đôi mắt tinh anh, giọng nói cương quyết và vóc dáng mảnh mai yếu ớt của nàng, mỗi điểm nhỏ nhặt đều mang một nét quyết rũ tuyệt vời.

Đột ngột, nàng trỏ tay lên ngọn cây ở hướng đông:

- Ồ, mặt trời đã lên cao rồi. Em phải đi đây. Anh ở lại một lát xem bà em có sai bảo gì không nhé.

- Được, nhưng em đi đâu? Phải nói trước để bà có hỏi, anh biết đường mà thưa lại.

- Vâng. Sáng nay em lên xóm trên làm giúp bà Hai Lộc một buổi, tội nghiệp, bà ấy mới ở cữ xong còn yếu ớt mà hai ba đứa con cùng lên sởi một lúc.

- Ờ nhỉ, mẹ anh cũng có nói, trưa nay làm đồng về sẽ ghé thăm bà Hai và giúp đỡ bà ấy gánh khoai.

Bạch Liên huýt gió thật nhẹ nhàng. Từ phía sau dãy nhà ngang, một con ngựa bạch yên cương sẵn sàng cất vó bay tới. Nàng thót lên yên thành thạo như một tay kỵ mã lành nghề.

Anh chàng Dũng si tình lẩm nhẩm một mình khi ngựa phi ra khỏi cổng rồi mất hút.

- Con nhà tướng có khác! Trông cung cách sải ngựa, đố ai dám bảo con nhỏ từ bé đến giờ chưa hề tập võ!

Có tiếng ở trong nhà hỏi vọng ra:

- Con Liên đi lên xóm trên rồi phải không?

Nhảy vội lên mấy bực thềm bước vào nhà chàng thưa:

- Thưa bà. Vâng ạ!

- Thằng Dũng con nhà Cả xóm Đình đấy hả?

- Dạ. Con đây ạ.

- Ờ, vào đây bà bảo. Lấy cái cối để trên bàn thờ kia, giã giùm cho bà cối trầu đi con.

Bộ cối giã trầu của bà cụ thật sang, khác hẳn bộ quần áo nâu sồng và đồ đạc bày biện chung quanh.

Đỡ lấy cối trầu ngắm nghía, bà cụ mỉm cười khen:

- Ờ, thằng bé này mạnh tay, giã trầu bao giờ cũng đỏ thắm và ngon đáo để.

Lần nào cũng như lần nào, bà cụ khoe, nhắc đi nhắc lại một chuyện cổ tích mà cả làng đều thuộc.

- Đức Vua biết vợ chồng nhà Diệu còn mẹ già nên người ban thưởng cho bà một bộ cối giã trầu bằng ngà voi có bịt vàng. Càng lâu, ngà lên nước càng đẹp.

Bà cụ ngậm ngùi:

- Thấy vật lại nhớ đến người. Tiếc Đức Vua chết trẻ bao nhiêu, lại thương vợ chồng nhà Diệu vất vả bấy nhiêu.

Rồi cụ thở dài, rơm rớm nước mắt:

- Còn con nhỏ Bạch Liên, cứ nhớ và nhắc đến bố mẹ nó hoài. Riết rồi lại thương luôn cả con Tiểu Tượng nữa mới khổ chứ.

Dũng mỉm cười:

- Vâng, em con thương chú voi con ấy lắm. Con còn nhớ cái ngày thả nó vào rừng. Bạch Liên khóc sưng húp cả mắt.

- Thì biết làm sao khác được. Nhà cửa thanh bạch thế nầy lấy đâu ra mà nuôi nổi một con voi mỗi ngày mỗi lớn, ăn thật khoẻ, phá cũng thật mạnh...

- Thưa bà, thật tình con cũng như cả làng ta chỉ biết ngày xưa Đức Vua ban cho ông bà Thiếu Phó một con voi chứ không ai hiểu rành sự tích của nó ra sao.

Bà cụ tươi cười như sống lại những ngày rực rỡ đã qua:

- Thế hả? Có gì đâu, để bà kể cho mà nghe. Chắc con còn nhớ sự tích năm Kỷ Dậu chứ?

- Thưa bà, vâng, con nhớ. Năm ấy, thầy con còn sống, có theo Vua cùng ông bà Thiếu Phó ra lấy Bắc Hà và đánh trận Đống Đa.

- Phải rồi. Quân ta đánh đuổi quân nhà Thanh một trận mù trời tối đất. Rồi ban sứ về Phượng Hoàng trung đô (1) luận công phong thưởng cho các tướng sĩ. Ngày ấy là một ngày vui sướng nhất của Đức Vua cũng như của thầy mẹ con Bạch Liên.

- Và cũng là ngày vui sướng nhất của toàn dân đó thưa bà.

- Ờ, con nói phải. Trời xui khiến sao bữa ấy lại nhằm ngày sinh nhật của con bé Bạch Liên lúc đó mới lên ba lên bốn thì phải. Đức Vua cao hứng vỗ vai nhà Diệu, nói mấy câu thân mật mừng "Chú thím Diệu" mà Người lúc nào cũng đối đãi như em ruột. Người đang vuốt râu ngẫm nghĩ không biết mừng cho cháu bé vật chi ngồ ngộ thì thị thần vào tâu có một thớt voi vừa hạ sanh được một chú voi con thật kháu khỉnh. Người cười lên ha hả, đặt tên cho bé voi ấy là "Tiểu tượng" và làm quà cho bé Bạch Liên cưỡi chơi cho vui. Hà hà!...

Dũng cười theo:

- Chỉ Vua Chúa mới có món quà sinh nhật quý lạ ấy. Chả trách em Bạch Liên con lúc nào cũng chỉ thích cưỡi voi.

- Ờ, nó là con nhà tướng mà. Chả phải tập tành chi cả cũng phi ngựa cưỡi voi thuần phục đáo để.

- Thưa bà, quả vậy. Duy có điều này con lấy làm kỳ. Em con thích làm con cháu bà Trưng bà Triệu, sao cứ nhất định không chịu học võ trong khi ông bà Thiếu Phó võ học đầy mình mà không có người để truyền nghệ.

- Tại nó không thích đánh nhau, lại càng không thích trông thấy cảnh chém giết. Thầy tướng bảo nó có cốt cách thần tiên, không ưa sát phạt. Nó chỉ ham làm việc thiện để chuộc tội cho tất cả mọi người. Bà nghĩ làm được điều đó cũng xứng đáng làm con cháu bà Trưng bà Triệu...

Sực nhớ ra một điều, Dũng đánh bạo hỏi:

- Thưa bà, sáng nay có chuyện gì buồn không mà con thấy mặt em con có ngấn nước mắt?

Vừa nhai trầu bỏm bẻm, bà cụ chậm rãi đáp:

- Có, có một chuyện hơi buồn. Chả biết có phải là một điềm gở không. Bà mong đó chỉ là một chuyện tào lao.

- Chuyện ra sao, thưa bà?

- Đêm qua, bà nằm mộng. Một cái mộng thật dữ dằn. Bà sợ quá. Sáng ra kể lại cho con Liên nó nghe. Nó lo nên nó khóc.

- Mộng thế nào hở bà?

Bà cụ vơ cái ống phóng tròn nhỏ bằng đồng bạch để trên bàn, nhổ cốt trầu trước khi kể, giọng chìm hẳn xuống:

- Canh ba đêm qua, bà nằm mộng thấy vợ chồng nhà Diệu lâm nguy. Cả hai sa xuống một cái hố sâu đầy rắn rết, cố gắng mãi không làm sao lên thoát được. Đứng trên miệng hố, con bé Bạch Liên dang rộng hai cánh tay yếu đuối cố cứu cả cha lẫn mẹ. Đã không lôi được ai lên thì chớ, nó lại còn chới với, ngã xuống theo... Bà giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra đầy mình, tai còn nghe văng vẳng tiếng rú thê thảm của con bé khi đụng chân vào lũ rắn...

Dũng tìm lời trấn an:

- Ông bà Thiếu Phó đi chinh chiến lâu ngày, bà mong nhớ nên sinh ra mộng mị. Chả có gì đáng tin cả, bà ạ, vì mấy ngày rầy con nghe nói ông Thiếu Phó vừa thắng được một trận thật lớn và đã hạ được xong thành Qui Nhơn rồi.

- Ờ, tin ấy bà cũng đã có nghe. Bà vui mừng nhất không phải ở chỗ con trai bà hạ được thành, mà ở chỗ nó đã tự ý tha chết cho tất cả các tướng sĩ địch, không giết hại một người nào, cũng không ép buộc một ai phải quy hàng.

Chàng trai trẻ hớn hở tiếp lời bà:

- Thưa bà, vâng ạ. Thiên hạ đã khâm phục tài thao lược của ông Thiếu Phó, lại càng cảm phục tấm lòng nhân ái của ông. Thói thường, sau những trận vây đánh khó khăn vất vả, lúc hạ thành xong kẻ thắng hay phóng tay sát hại thật nhiều cho hả giận. Ông Thiếu Phó, trái lại, rộng lượng tha hết. Lại còn lo tống táng cho hai người tuẫn tiết là Vô Tánh và Ngô Tùng Châu thật tươm tất. Ông hơn người ở chỗ đó. Bà và em Bạch Liên, cả con, cùng tất cả mọi người trong làng ta nữa, cũng đều được hãnh diện ở điểm đó.

Sẵn siêu nước sôi trên lò, Dũng bắc ra pha trà dâng bà cụ. Chàng nấn ná ngồi hầu chuyện, bụng bảo dạ lát nữa ấm áp vào rừng đốn củi cũng chưa muộn.

Bà cụ vui miệng tâm sự:

- Con à, lo thì bà có lo, buồn bà cũng có buồn. Nhưng nói cho ngay, con người ta có số cả, thành hay bại là do mệnh trời, lo buồn làm chi cho mệt. Như Đức Vua tài đức trùm đời, bỗng dưng tạ thế thì nước Nam mình còn biết nói sao? Đến như vợ chồng nhà Diệu, cả bạn lẫn thù đều xưng tụng là danh tướng. Mà thế gian thường ngâm nga hai câu thơ thế nào về mỹ nhân và danh tướng, con có nhớ không?

- Thưa bà, có ạ, để con ngâm bà nghe.

Chàng hắng giọng ngâm:

"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"


- Ờ, phải rồi, hai câu ấy đó. Thầy con Bạch Liên là danh tướng đã đành. Mẹ nó tuy đã hai thứ tóc trên đầu mà vẫn được coi vừa là mỹ nhân, vừa là danh tướng nữa mới chết người ta chứ.

Dũng bỗng thấy hăng hái:

- Con có nghe kể những trận đánh long trời lở đất của ông bà Thiếu Phó. Cái chết lúc nào cũng gần kề, chỉ cách một đường tơ một kẽ tóc.

Người mẹ già họ Trần bỗng rầu rầu nét mặt:

- Từ ngày Đức Quang Trung hoàng đế băng hà, bà thấy như nước ta gãy mất cây cột chống trời. Vợ chồng nhà Diệu chịu ơn nặng tiên đế thác cô, tuy vẫn tận tụy giúp thiếu quân nhưng bà thấy như có ý chán nản... Bây giờ, nếu họ có mệnh hệ nào...

Bà cụ nói tiếp sau một phút trầm tư đầy cay đắng:

- Bà đã 80 tuổi rồi, cái tuổi gần đất xa trời, như ngọn đèn trước gió. Chỉ tội nghiệp cho con bé Bạch Liên bơ vơ mà thôi...

Đang nói chuyện, hai bà cháu bỗng giật mình nghe có tiếng người la thất thanh ở ngoài cổng. Tiếng chân chạy hấp tấp vào nhà cùng với tiếng la mỗi lúc một rõ:

- Anh Dũng ơi! Ra mau. Có người đang đánh cô Bạch Liên ở xóm Đình nhà anh kia kìa. Mau lên! Y dữ tợn lắm.

Cùng sợ hết hồn, hai người một già một trẻ đứng phắt dậy, thấy thằng Sáu Hợi bước lên nhà thở hổn hển.

- Có một người lạ mặt, cưỡi ngựa đến làng ta. Y cao lớn vạm vỡ, tính nóng như lửa. Y hỏi thăm đường, chả biết cô Bạch Liên nói thế nào mà y vung quyền đánh tới tấp. Anh Dũng phải lấy ngựa chạy mau lên mới cứu kịp.

Bừng bừng lửa giận, Dũng phóng mình ra cửa, không kịp để lại một lời chào.

----------------- 
(1) Tên Vua Quang Trung đặt cho tỉnh Nghệ An.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>