Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

CHƯƠNG IV_CHÚ THỎ TINH KHÔN


THỎ BỊ BẮT 


Uống mấy ngụm nước ngon quá nhưng chưa thấm vào đâu cả. Hơn nửa ngày mà Thỏ còn thấy hương vị ngọt ngọt ở cổ. Được nhấm nháp đôi chút nước, Thỏ không còn thấy khổ sở vì khô ráo ở cuống họng nữa, nhưng vợ vừa mới nằm nơi xong, thằng bé mới ra đời cũng cần đến nước. Nó ngước mắt nhìn trời. Một vài đám mây đen bay lững lờ nhưng chưa có dấu hiệu gì sắp mưa cả. 

Nó nghĩ thầm: Đại vương không cho mình uống nước ban ngày thì mình uống nước ban đêm. Uống đêm càng thích thú. Ở đời đã có chữ “ăn chùng” thì cũng phải có chữ “uống chùng” chứ! Nó lại tự bảo: Nhưng nếu rủi ro bị bắt thì sao? Nó nhìn xuống chân nói” “Ối chào! Cặp giò nầy đã ai dễ đuổi theo kịp?” 

Thỏ chờ cho đêm thật khuya mới cất bước ra đi. Tay nó xách một cái thùng có dây quai bằng sắt. 

Đến nơi nó thấy bốn bề lặng lẽ, nhưng thỉnh thoảng lại vang lên tiếng pho pho của Gấu, tiếng hột hột của Lợn Lòi, tiếng gừ gừ của Chó Sói. 

Thỏ hoảng hốt nhảy lui ba bước. Nhưng nó dừng lại đứng yên một chỗ, vểnh tai nghe. Không có gì nguy hiểm cả. Đó chẳng qua là tiếng ngáy của mấy con thú thô lỗ nằm rải rác chung quanh bờ hồ. 

Thỏ rón rén bước xuống gần mặt hồ, nhẹ nhàng như một tên trộm. Nó đã tìm sẵn trong trí một con đường rút lui nếu tai nạn bất thần xảy đến. Bây giờ thì nó vững bụng lắm rồi, không còn lo ngại gì nữa. Nó không vội vàng hấp tấp như hôm qua, mà uống từng hớp một nho nhỏ như các cụ già thưởng thức chén trà ngon buổi sáng. Nó uống mãi, uống mãi như không biết chán là gì. Bụng nó lúc ra đi lép kẹp giờ căng phồng lên như quả bong bóng đầy hơi. Nếu không sợ Chồn và Sói thức giấc thì nó đã lấy tay vỗ vào bụng nghe bình bịch cho vui tai rồi. 

Thỏ tự bảo: Ta cười Đại vương khờ dại, cười Sói Chồn ngu ngốc. Hôm qua ta chưa uống được bao nhiêu thì lẽ tất nhiên hôm nay ta lại đến. Nếu biết cách giăng bẫy thì ta làm sao thoát khỏi ổ phục kích? Khi đó sẽ bắt được ta, tha hồ mà làm tình làm tội. 

Trước khi từ giã hồ nước thân yêu, Thỏ múc đầy một thùng khệ nệ mang về cho vợ. Nhưng đường xa, thùng nặng, nó vừa đi vừa nghỉ, mãi đến sáng trợt mới về thấu nhà. 

Sư tử ngủ dậy ra hồ uống nước. Cặp mắt tinh anh của nó nhận ra ngay những lốt chân Thỏ còn in trên mặt đất. Nó tức giận gầm lên dữ dội. Bầy thú đều chạy ùa đến cả. 

Cọp hỏi: 

- Có việc gì mà Đại vương lại nổi cơn thịnh nộ như vậy? 
Sư tử đáp: 

- Bọn bây thật là đồ vô dụng. Hồi hôm, Thỏ đến đây uống nước nhưng chúng bây chẳng hay biết gì cả. Cứ nhìn dấu chân của nó thì rõ. 

Chồn và Sói cúi mặt sát đất vừa đi vừa đánh hơi. Chúng bảo nhau: “Đại vương nói đúng đấy. Thằng ranh con ấy quả có đến thật”. Chốn bất bình nói: 

- Thế sao mầy không đánh thức tao dậy? 

Sói đáp: 

- Cũng tại mầy cả. Nếu mầy thức tao dậy trước thì khi Thỏ đến thế nào tao cũng biết mà thức mầy rồi. 

Chồn nói với Sư tử: 

- Hôm qua nếu Đại vương lên án xử tử Thỏ thì nó đã nằm yên trong bụng Đại vương, rảnh đâu mà ung dung đi uống trộm nước? Chánh sách khoan hồng lắm lúc cũng tai hại. 

Sư tử cười khà nói: 

- Thật tình thì tao cũng thèm thịt thỏ đáo để. Nhưng vì nó biện hộ nghe có lý lắm đâu có thể trị tội nó được? Nhưng giờ đây đã có chứng cớ rành rành chắc nó không còn chối cãi vào đâu nữa. Chúng bây hãy bắt nó về đây cho tao. Kết án xong là tao “súc miệng” nó liền vì sáng nay tao chưa có chút gì điểm tâm cả. 

Khỉ nói: 

- Thưa Đại vương, Thỏ vốn hay lý sự. Đại vương cho bắt Thỏ đến đây cũng chẳng ích lợi gì. Y có thể nại rằng: Những dấu chân ấy là của anh Mèo hoặc dấu chân của y đến đây lần trước. Đại vương đã lấy lượng khoan hồng tha cho y một lần rồi, y đâu còn dám tái phạm? 

Sư tử hỏi chung cả bầy thú: 

- Các ngươi hãy bàn xem ta phải làm gì bây giờ? Để nó khinh thường như vậy thì còn gì là tôn ti trật tự nữa? Luật pháp sẽ rối loạn mất. 

Rùa nói: 

- Xin Đại vương hãy yên tâm. Con nguyện sẽ bắt Thỏ dâng lên Đại vương nghiêm trị. 

Chồn bưng miệng cười hô hố. 

Rùa tức giận hỏi: 

- Anh cười tôi phải không? Tôi đang trình bày lên Đại vương kế hoạch để bắt Thỏ. Anh cười như vậy là thiếu lễ độ, anh biết không? 

Chồn: 

- Sách binh thư đã nói: “Biết người biết mình trăm trận trăm thắng.” Anh không biết người biết mình thì thắng ai được? Thông minh tài trí như tôi chưa chắc đã bắt được Thỏ huống hồ anh. Chỉ có một cái đầu mà thò ra thụt vào chẳng có gì là nhất định cả. 

Sư tử nói: 

- Cãi vã chỉ mất thì giờ vô ích mà không được việc gì. Này Rùa, ngươi định làm thế nào để bắt Thỏ? 

Rùa đáp: 

- Con tuy hình dáng thấp bé nhưng trí não lại to cao. Rừng có mạch, vách có tai. Trước khi thi hành kế hoạch, xin Đại vương cho phép con được giữ bí mật. Theo ý con thì Thỏ đã uống nước được một lần thì thế nào cũng quen mùi đến uống năm ba lần nữa. Con sẽ bắt nó ngay bên bờ hồ để Đại vương thấy rõ tài của con. 

Về đến nhà Rùa liền bảo Rùa cái: 

- Tôi đã nhận lời Đại vương để bắt Thỏ, mình phải giúp tôi một tay mới được. 

Chị Rùa cái dẫy nẩy lên nói: 

- Em không chịu đâu! Ra chỗ đông người em thẹn lắm không sao chịu được. 

Rùa đáp: 

- Mình chẳng phải đi đâu cả. Vào lấy cái vò đựng nhựa thông ra đây cho tôi, rồi đắp lên mai tôi một lớp thật dày, cho được một tấc, đừng để hở một chỗ nào cả. 

Chị vợ làm y theo lời chồng dặn. Xong xuôi, Rùa không thèm ăn uống gì cả, mang lớp nhựa thông trên mai, bò ra bờ hồ, nằm gần một bên mặt nước. Đêm mỗi lúc một khuya, sao bắc đẩu đã quay bánh lái ra giữa trời. Vầng trăng đã hạ xuống, gác chênh chếch đầu đỉnh núi. Mấy con chim ăn đêm về lầm tưởng vành cung hoảng hốt bay chui vào những lùm cây rậm rạp. 

Nếu không có hơi thở nặng nề và tiếng ngáy pho pho, rồ rồ của bầy thú thì cảnh vật được hoàn toàn yên tĩnh. Rùa rụt đầu vào, trông giống hệt một viên đá. 

Ăn quen bén mùi, Thỏ lại đi đến hồ nước. Lúc kéo chiếc thùng cái rẹt thì vợ nó tỉnh giấc, vội ngăn: “Nước hiện đang còn, vợ chồng chúng mình có thể xài thêm hai ngày nữa mới hết, cần gì phải lấy thêm. Em thấy trong lòng hồi hộp lo âu, chỉ sợ có chuyện không hay xảy đến cho mình”. 

Thỏ cười hỏi vợ: 

- Trong chốn rừng xanh núi đỏ nầy, ai chạy mau? 

Thỏ cái ỏn ẻn đáp: 

- Thì mình chứ còn ai nữa! 

Thỏ hỏi tiếp: 

- Trong rừng xanh núi đỏ nầy ai khôn ngoan? 

Chị vợ lại nhoẻn miệng cười đáp: 

- Thì cũng lại mình chứ ai vào đó nữa. 

Thỏ vỗ nhè nhẹ vào vai vợ nói: 

- Óc tôi khôn ngoan, chân tôi lanh lẹn đã dễ gì ai bắt được tôi? Mình không phải lo ngại gì cả, cứ ấp con mà ngủ, tôi sẽ trở về ngay. 

Phần đã quen thuộc đường lối, phần chẳng thấy chút gì nguy hiểm cả nên Thỏ không rụt rè như lần trước. Nó lại cười vợ hay lo sợ hão huyền. 

Tuy thế, bao giờ thận trọng cũng vẫn hơn. Nó đi nhẹ nhàng từng bước một, đưa mắt quan sát bốn phía. Cảnh tượng quanh hồ hôm nay cũng chẳng khác gì hôm qua. Nó đưa qua đưa lại cái thùng gỗ, mồm khe khẽ ngâm: 

Thỏ nầy là Thỏ khôn ngoan,
Bọn bây sức mấy mà toan làm tàng. 

Nhìn thấy Rùa mà Thỏ lầm với tảng đá tròn, nó khen: Bọn bây thật đáng khen, đặt sẵn ở đây cho tao một phiến đá để tao vừa uống nước vừa thưởng trăng. Nhưng vừa bước hai chân lên Thỏ liền la oai oái: “Đá gì lại kỳ cục thế nầy, dẻo như mạch nha, dính như keo đặc? Nầy anh Đá ơi! Anh hãy liệu hồn. Nếu anh không buông tha hai chân trước của tôi thì tôi sẽ dùng hai chân sau đá thốc vào anh, anh tan ra từng mảnh thì đừng trách tôi ác!” Thấy đá vẫn trơ trơ không nói không rằng, Thỏ không dằn được cơn nóng giận, nó chồm lên, lấy hai chân dẫm mạnh một cái. Thế là bốn chân của nó dính chặt vào lớp nhựa thông trên mai của Rùa mà không sao rút ra được nữa. Nó nghe phiến đá cười sằng sặc một giọng ma quái, rồi có tiếng trồm trồm như nghẹt mũi cất lên: “Nầy anh Thỏ ơi! Hay đi đêm thì cũng có ngày gặp ma mà đã gặp Ma Rùa thì không sao thoát được”. Nghe tiếng ồn, bầy thú lần lượt trở dậy. 

Một cuộc diễn hành khá vui mắt từ bờ hồ đến hang động của Đại vương Sư tử, dẫn đầu là Voi, Cọp, Lợn Lòi, Gấu, kế đến Rùa mang trên lưng chú Thỏ đứng co ro, hai bên có Sói và Chồn đi kèm phòng tội nhân tẩu thoát, sau cùng những con thú khác sắp thành hàng hai, lớn trước nhỏ sau đi rất trật tự. 

Đến trước cửa động đoàn diễn hành dừng lại để chú Sóc vào trình cho Đại vương Sư tử biết. 

Sư tử cũng đã trở dậy từ lâu, vội vàng bước ra xem. Một phiên tòa được mở ra ngay trong lúc ấy. 

Sư tử nói: 

- Thằng nầy táo gan thật! Tao đã lấy lượng khoan hồng tha bổng cho mầy một lần rồi nay mầy lại còn dám đến đây uống trộm nước, uống ngay trước hang động của tao mà chẳng chút sợ sệt. Người ta thường bảo: “Nhát như gan thỏ”, không ngờ mầy Thỏ mà lại gan Thiên lôi. Giờ đây Ngọc Hoàng phải trừng phạt Thiên lôi mới được. Lần sau nầy tao đã bảo Mèo viết thật rõ ràng để mầy không thể vin vào đó mà tự bào chữa được nữa. Mầy không những không được phép uống nước mà cũng không được lai vãng hai bên bờ hồ, nếu trái lệnh sẽ bị xử tử. 

Nhìn đến cái thùng mà Thỏ đang còn xách trên tay, Sư tử càng giận hơn, gầm lên: 

- Mầy còn định múc nước đem về nhà nữa sao? 
Sư tử đưa mắt nhìn quanh bầy thú một lượt, hỏi lớn: 

- Tội Thỏ phải trừng phạt như thế nào? 

Các con kia chưa kịp nói gì thì Chồn và Sói đã la lên: Xử tử! Xử tử! Cấm lệnh Đại vương đã ban hành rồi không thể nào rút lui được nữa. 

Sư tử hỏi Thỏ: 

- Mầy có muốn nói gì cho mầy nói đi? 

Thỏ đáp: 

- Tội của con thật đáng chết, không còn dám kêu ca gì nữa. Chỉ xin Đại vương cho con sống hết ngày hôm nay để con đọc kinh sám hối những tội của con đã trót mắc phải từ trước đến nay. Như thế sau khi chết con mới hy vọng được lên Cung Quảng ở với Tổ tiên của con. 

Sư tử bụng đói, muốn nuốt ngay tên tử tù lập tức, nhưng một bậc Đại vương ngự trị bách thú, phải tỏ ra là mình rộng lượng nên nó liền chấp nhận lời thỉnh cầu của Thỏ. Nó bảo Voi vào động lấy ra một cái cũi rồi giam Thỏ vào trong ấy.  



___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>