Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Nhặt Nắng Rơi


Chiếc xuồng quanh co trong lòng con rạch Thủ Thừa hơn nửa tiếng đồng hồ, rồi cũng cập bến. Mọi người ùa ra xem mặt cô dâu. Khách khứa, bà con, trẻ nhỏ… lẫn lộn, nhìn bốn người với vẻ tò mò xen lẫn sự hiếu kỳ. Chị Quyên lúng túng chuyền mấy hộp quà biếu của bạn bè cho cậu em trai. Chị Quyên hỏi lăng xăng:

- Mấy đứa lên đủ không Quý?

- Thằng Quang với con Quỳnh ở coi nhà, tụi nó còn mắc học.

Hai chị bạn phù dâu của chị Quyên khó khăn bước lên bờ, nhờ Quý vịn cho khỏi té. Chị Dung nói đùa:

- Quyên ơi tao hổng thèm đi cái xuồng mắc dịch này nữa đâu.

Chị Quyên cười khanh khách. Chị Mai đáp thay chị Quyên:

- Mày đừng có lo, mai rước dâu đi bộ “vui lắm”.

Chú Mười của chị Quyên, nãy giờ mới lên tiếng:

- Gì mà nhát quá trời. Xuồng người ta chở lúa khẳm hơn nhiều mà có sao đâu.

Hoàng xen lời:

- Tại mấy bà sợ nước văng, lắc qua lắc lại làm tôi cũng ngán muốn chết. Tưởng hồi nãy có chiếc “bo bo” chạy ngang qua là chìm chớ. Giữ lái nghề mà! Tại xuồng lớn bị gãy bánh lái, nếu dùng thì khỏe ru.

Mấy chị bỡ ngỡ đứng dồn với nhau, chưa biết đi đâu, còn bận giũ ống quần. Hoàng thoáng nghe mấy đứa nhỏ thò lò mũi xanh xầm xì, cười chộ:

- Hippy choi choi, cái quần ống voi…

Chị Quyên vô chào bà nội, bà mợ, bà cô… ông chú, ông bác… một hồi mới nhớ đến hai cô bạn, vội dắt hai bạn vào buồng trong cất dù. Hoàng đã bắt cặp với các chú (vai chú) đồng trang lứa, dắt nhau ra vườn giựt dừa. Mấy thằng nhóc hàng xóm hăng hái giành cây móc, giành leo… Dừa rơi từng quày xuống ao cạn. Cứ việc mang dao bén theo chặt và kê miệng vào uống. Anh Quý bổ đôi ra, và chỉ Hoàng dùng chính vỏ dừa làm muỗng mà múc cái dừa vừa nạo. Chị Mai, chị Dung cũng theo nhỏ Quế ra tới. Người miệt vườn nhìn ba kẻ tỉnh thành uống và ăn dừa lấy làm thích thú, cười lỏn lẻn với nhau. Trở vào nhà, trời đã xẩm tối. Mấy bà già nhất định không cho ba cô động móng tay vào bất cứ công việc bếp núc nào. Hoàng được lôi vào tiệc chiều, và bị ép uống tới hai ly “séc” Martell. Thời may mấy ông trưởng, phó đồn nhân dân tự vệ cùng bàn nhận thấy và xin chấp cho. Vậy là anh Quý với Hoàng ung dung đớp no nê. Mặc cho mười người còn lại xây tua tới chầu “đế”. Nhìn mấy chú bằng cỡ mình ực rượu đế như nước lạnh, Quý và Hoàng ớn thầm. Trông mặt họ đỏ rần, tay kia bưng ly nước đá lạnh “chữa lửa” mà Hoàng vui lây.

Ông (chú) Bảy sai chú Mảnh châm đèn “măng-sông”, và biểu đứa nào đi rước mấy ông ra đánh bài. Không có chuyện gì làm, mấy chị lại rủ Hoàng đi chơi:

- Hoàng ơi! Đi xuồng nữa không? Đi xuồng lớn.

Thế là gần mười người chất xuống, trai gái, lớn bé… đủ cỡ. Xuồng chèo tay, chòng chành qua lại. Chị Dung lại trách:

- Sao không gắn máy đuôi tôm qua chạy cho lẹ, để va bên này đụng bên kia, trúng cỏ ô rô đau thấy mồ.

Anh Quý cười đáp:

- Bánh lái gãy rồi mờ. Ê quên nữa, một lát trở về nước ròng làm sao chống đây hả chú Tính?

- Kệ, tới đâu hay tới đó. Trôi luôn ra sông lớn khỏi ăn đám cưới.

Chị Mai la um:

- Bắt đền mày đó Dung, khi không rủ tao theo làm muỗi cắn ngứa quá.

Ông cố (của chị Quyên, anh Quý) giải thích:

- Bù mắt cắn đó, đâu phải muỗi. Thôi bây tấp ở bến này đi, tao thả bộ về cũng gần tới rồi.

Chiếc xuồng lại len lỏi theo những hẻm rạch ngang dọc, nhưng trên xuồng vắng bặt tiếng cười đùa. Vì lúc nãy bị mấy anh nghĩa quân hù chơi:

- Xuồng đi đêm đi hôm mà không đem đèn, coi chừng à nghe.

Đi đã lâu, mà chờ mấy ông còn lâu lắc hơn. Thiệt, bận trở về xuồng nhích từng chút dù có tới ba cây dầm. Chiếc xuồng âm thầm như những bóng người đang lo lắng ngậm tăm. Thời may chú Mười ra rước bằng chiếc xuồng ba lá ban chiều. (Chiếc xuồng có chút xíu mà dám chở bốn người, lỉnh kỉnh quà biếu đồ đạc, lại còn ba kết la ve, nước ngọt). Chú Tính lôi sợi dây ra buộc vào cần đuôi tôm và giữ chặt. Xuồng nhỏ kéo xuồng lớn lướt phăng phăng. Mấy người trên xuồng lớn (trong đó có Hoàng và hai chị phù dâu) đã hết sợ, reo hò tở mở:

- Vui quá, đêm lại có trăng. Vậy mà mấy cha nội biểu đem đèn.

- Mấy chả chọc hai cô đó, chớ quanh đây quen mặt hổng gần thì xa, đâu có chuyện gì đâu.

Đến nhà bị bà nội chị Quyên rầy:

- Đi đâu mà kéo hết cả lũ, hổng có ai sai vặt. Thằng Mười mua vài bộ bài với mấy gói mì chay coi, tiền đây.

Lần này chú Mười với anh Quý theo giữ xuồng, không một ai đòi đi nữa. Sân phơi lúa ở nhà sau huyên náo. Hoàng tháo giày ngồi bệt xuống tấm nệm xem tụi nhóc chơi trò “đá bò”. Thằng “Cà Nâu” bị làm bò. Nó chống hai tay, hai chân di chuyển thoăn thoắt, mắt để ý quan sát. Nhắm kỹ chân của đứa nào, nó “bò” nhanh tới dùng một chân đá ngay. Lũ trẻ reo hò khi thằng Cà Nâu búng trật. Kẻ xui xẻo thứ hai là thằng Cà Xóc, em của Cà Nâu. Thằng Cà Xóc thật nhanh nhẹn nên thoát cảnh làm bò không khó. Chúng lần lượt bị bắt làm Hoàng tức cười với mấy cái tên nhà quê. Nào là Cà Nâu, Cà Xóc, Cà Dược, Rưa, Mì, Chó, Gà, Ruồi, Mè… Vô phúc cho thằng Cà Nâu bị chúng nó nhấn đầu xuống, áp lại đá, đập… “con bò” tơi bời. Đến nỗi người lớn phải can:

- Thôi, mấy thằng quỉ rùm beng quá, chơi ác quá.

Tụi nhỏ cụt hứng, đổi trò chơi “năm mười”. Ôi chao, nhà rộng vườn rậm thì phải biết. Trong nhà có đến ba “sòng tứ sắc”, một “sòng cát-tê”. Mấy ông, mấy bà… làm ruộng trúng mùa, coi bộ khấm khá. Sau nhà rộn rịp cắt cổ vịt để sửa soạn nấu cháo khuya. Một thằng bé mười tuổi nằm lăn ra đất giãy tê tê và cười ré lên. Bấy giờ Hoàng cố moi trí nhớ để tìm mối liên hệ giữa bà con với nhau. Thằng Văn Vĩ đây mà. Chính ra vai anh của Hoàng, anh của chị Quyên luôn. Thằng Văn Vĩ bị mù từ thuở nhỏ, nên đã chết mất cái tên Trí đẹp đẽ trong giấy tờ ngày nào. Nó sống như một dây leo yếu ớt ngoài vườn hoang, đồng trống. Mười mấy năm qua cái bóng cô đơn ít kẻ ngó ngàng, dù có đám giỗ to hay dịp đám cưới. Thảng có người bà con nào chợt thấy nó, cũng ơ thờ buông một câu nói thương hại trong dửng dưng. Nó đã được chị Sáo của nó đỡ dậy và đút cơm. Thằng Văn Vĩ ăn một cách bằng lòng, xem nó vung vẩy đôi tay và reo những tiếng vu vơ khó hiểu thì biết. Thế rồi Hoàng sà vào “sòng bài ỏ” để học cách đánh, chuyện thằng Văn Vĩ thoáng qua như hạt nắng sót rơi trong hồn. Bà thím này “đứt chếnh” và mỏi mệt đã có bà dì khác vào thế chân. Hình như mấy ông tiền rủng rỉnh nên “sòng cát-tê” sát phạt một cách tận tình giữa bà con với nhau. Hoàng dự bị vớ, quần dài, vậy mà vẫn bị mấy cái vòi quái ác của muỗi, của bù mắt châm chích. Và Hoàng gãi sồn sột làm chị Dung buồn cười. Cười người, một lát sau cũng thấy chị Mai, chị Dung xin dầu thoa tay, thoa chân cùng khắp.

Hoàng nhướng mắt không lên. Hoàng leo lên bộ ván dài đã giăng mùng sẵn, chúi ngủ, bên tai vẫn còn nghe lao xao tiếng trò chuyện của đám bạc, của trẻ nít khóc… Hình như chị Quyên đang mặc áo dài để lạy bàn thờ, lạy từ giã ông bà cha mẹ, bà con họ hàng… Hoàng giật mình thức giấc. Hai giờ sáng mà vẫn còn bếp lửa với nồi nước sôi ùng ục. Mấy đám bạc chưa chịu tan. Hoàng ra sân hít và thở vài hơi dài. Ngạc nhiên Hoàng vạch mấy đống mền nằm lù lù ở trước sân bằng gạch tàu. Úi chà! Thằng Mè, thằng Cà Dược… làm biếng về nhà trùm kín mít và ngủ lang. Hoàng lay tụi nhóc dậy. Mấy đứa ngái ngủ, ậm ờ nhắm tịt mắt. Trong nhà có tiếng chị Dung la thất thanh:

- Ý, đứa nào mò bẻ chuối ở bàn thờ kìa.

Hoàng quay vội vào. Anh Văn Vĩ đang ăn ngon lành quả chuối xiêm chưa bóc vỏ. Hai tay Văn Vĩ còn cầm hai trái khác. Hoàng thoáng xót xa, chị Sáo bị bà nội Quyên réo lên chửi:

- Con quỉ, mày không coi em. Cháo chín chưa bây? Múc cho cháu nội tao một tô coi. Tội nghiệp thằng nhỏ chắc đói lắm. 


Văn Vĩ ăn ngồm ngoàm mấy chéo cánh và chân vịt, nó không thích ăn thịt không. Xong xuôi nó bị “điệu” trở vào hầm trú ẩn. Chỗ ngủ của nó đấy. Tăm tối suốt năm như đêm dài của cuộc đời Văn Vĩ. Văn Vĩ rúc tuốt vào bao bồng bột. Hình như có tiếng nó lắp bắp : “Muỗi cắn, đi…” “Muỗi cắn, đi…”. Chưa bao giờ Hoàng nghe ai trong họ hàng từng dạy Văn Vĩ nói, dẫu là chị và anh ruột Văn Vĩ. Có lẽ Văn Vĩ tự học nói và phát âm ngọng nghịu “mình ên”. Tò mò, Hoàng bò vào hầm trốn pháo kích. Một ngọn đèn dầu le lói của chị Sáo đặt trong góc, soi lờ mờ bóng con chuột cống, cặp mắt đen mun chạy vút qua. Nhưng ánh sáng yếu ớt đó, không bao giờ thấu rõ trong đời buồn của Văn Vĩ.

Mới bốn giờ sáng, ba chị đã lục tục : trang điểm, ủi áo. Mấy đám bạc đã giải tán. Than ôi! Giải trí chi mà tốn tiền với nhức mắt, mỏi lưng. Không có ai được bạc mà vui vẻ bao giờ. Họ cũng lộ ra bao vẻ uể oải và tiếc rẻ, giá mà ngủ phứt cho xong hồi hôm. Điểm tâm sáng dọn lên. Hoàng nhìn thịt, cá mà phát ngán. Ăn cơm rượu vậy. Cơm rượu viên nào viên nấy to bằng trái chuối xiêm. Chị Quyên cũng bị ép ăn cơm cho chắc bụng. Vì rằng lát trưa đãi đằng ở nhà hàng, chị Quyên ăn chay thì làm sao. Không hiểu vì lý do gì mà cứ hễ ăn mặn vào là chị Quyên ngã bệnh. Do đó kẹt cho đời ca sĩ của chị nhiều. Bắt đầu lấy chồng, ở nhà và thôi hát, “anh Quyên” sẽ cố tập cho chị Quyên ăn mặn trở lại.

Chú Mười đá mấy thằng nhóc ngủ nướng ở trước sân:

- Dậy mày, nằm chình ình đó để đón khách hả?

Tụi nhóc cười hề hề, cuốn gói ra về. Sáng bảy giờ, trời mờ sương mù. Sương mù lẳng lặng che tấm bảng “Vu Quy” của chị Quyên mượn Hoàng đem về hai bữa trước. Bữa đó hai chị em đi Honda dằn xóc trên con đường đất đá quanh co. Dưới ánh nắng chói chang và bụi bốc bay, chị Quyên mắc cỡ ôm khư khư cái bảng ngồi đằng sau. Hoàng kìm chặt tay lái. Nếu mà “anh Quyên” đưa xuống bằng xe díp như hồi chiều hôm qua thì đỡ biết mấy. Chị Quyên dặn Hoàng ra đón chú rể để lấy đôi giày. Rõ hư! Ai biểu hồi chiều hôm qua cứ hối đi cho lẹ. Mà cũng tại chị Quyên bày đặt, đòi rước dâu ở tít Thủ Thừa. Dầu gì cũng có nhà riêng ở Saigon, thế mà phải tốn công lên xuống. Đàng trai đã lần theo bờ mẫu đi vào, “chú rể” cho biết đúng chín giờ, dâu được rước khỏi nhà. Hoàng lách mấy cậu em của chú rể đang hành nghề phó nhòm để mang giày về cho chị Quyên. Không một ai biết trong hộp bọc giấy kiếng đó có đựng gì. Chú rể cũng chu đáo ác. Cô dâu và hai cô phù dâu xúng xính trong ba cái áo đầm. Hoàng thấy mình và “bộ đồ veste” lạc lõng giữa áo dài khăn đóng, nếu không có chú Mảnh mặc cho đủ cặp. Bọn nhóc lại trầm trồ : “Tân cổ giao duyên”. Mọi nghi lễ hình thức… rồi cũng thông qua sau những màn chào hỏi, giới thiệu bà con đôi bên, mời bánh trái, rồi lạy lục, rồi chụp hình… Chỉ thiếu có loạt pháo hợp mừng. Cả một đoàn người bước thấp bước cao, nối đuôi nhau ra tận đường cái. Bên đàng trai lẫn đàng gái đều phải đi hàng một vì bờ ruộng chật hẹp. Thỉnh thoảng chú rể dừng lại dắt tay cô dâu qua một chỗ bị lở rộng vì trâu giẫm. Mấy bà bên đàng trai không quen lội ruộng, có bà đã thấy chụp ếch. Đi gì mà chỉ lo ngó dưới chân, lơ đễnh là hụt giò xuống đám lúa vừa trổ đòng đòng. Thế mà mấy bà bên đàng gái cứ bước nhanh thoăn thoắt, còn thúc hối bọn trai nhỏ “lẹ lên”. Từ những nhà tranh vách đất, những người quen túa ra nhìn đám cưới nửa quê nửa tỉnh. Mấy ông bà bận quần trắng thì dị kỳ trong bộ dạng tay xắn tay giữ, sợ văng sình non giặt không ra. Có lúc đám rước đi giáp một vòng bờ mẫu, để cho những “bô” hình thật lạ mắt. Tuy vậy mà không chút nguy hiểm, nếu phải rước dâu bằng đò trên sông. Hai chị phù dâu vừa đi vừa kháo với nhau:

- Gặp mùa nắng ráo, chớ nhằm mùa mưa thì biết, lấm tới đầu.

Có tiếng của ông bác của chị Quyên nói to:

- Biểu chú rể kiếm cái cây mà dắt, chờ riết lâu quá, chừng nào tới đây. 


Rồi cũng ra tới đường lộ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Đường Thủ Thừa – Sài gòn không xa lắm. Đủ thì giờ đến nhà chú rể, rồi đến nhà hàng sau.

Hoàng sung sướng xem những kiểu hình mình “bị” chụp những lúc bất ngờ nhất. Chẳng hạn như cảnh Hoàng đang cho một trái vải vào miệng… Ôi thôi, đủ cả mặt bà con đôi họ, từ lúc trong nhà, đưa dâu, rước đi, về nhà chồng, ăn nhà hàng… Kiểu nào cũng đẹp cả. Hoàng chỉ muốn xin hết những tấm nào có lọt hình Hoàng vào. Hoàng ngồi ôn lại những diễn biến của đám cưới hôm tháng rồi. Sao mà những ngày vui qua mau. Không biết “anh Văn Vĩ” bạc phận bây giờ ra sao? Hoàng đã từng bàn với chị Quyên về xin bác Bảy để đem Văn Vĩ cho vào học ở trường Nam Sinh Mù. May ra cuộc đời Văn Vĩ sẽ đỡ khổ hơn. Biết đâu từ đó sẽ phát xuất một thiên tài chưa gặp dịp may.

Chị Quyên mải vui niềm vui mới nên quên khuấy. Chỉ có Hoàng lặn lội mò về Thủ Thừa lúc cận Tết. Bà nội chị Quyên đi góp lúa, vắng nhà. Khi Hoàng hỏi đến Văn Vĩ, thì nghe chị Sáo sụt sùi:

- Nó chết rồi.

- Chết rồi sao? Sao kỳ vậy?

- Bữa đó nó tắm sông một mình và chìm hồi nào không hay.

- Trời! Không thấy đường mà tắm sông.

- Ý, đừng khi, nó biết lội đó. Đâu có ai dạy, nó lội đại một mình trong ao cạn. Riết quen, nó lội sông. Có lần nó bám theo bập chuối, lần theo mấy giề lục bình, chập chũm theo con nước lớn. Làm chiều đó, cả nhà túa đi kiếm. Thời may con chó Mực khám phá ra. Ba tôi hết hồn kéo nó lên.

- Vậy sao không ai coi chừng ảnh?

- Ta nói, sau bữa đám cưới lo dọn dẹp, giở rạp, chùi rửa lăng xăng lít xít, ai mà nhớ. Nó lén xuống sông một mình. Tới chừng kiếm nó đút cơm mới hay. Rồi cũng nhờ con Mực tìm ra cái xác…

Bên tai Hoàng như ù đi. Vậy là vỡ mộng. Không khi nào Văn Vĩ mở mang ở ngôi trường Mù mà Hoàng chọn để đưa nó vào. Có lẽ định mệnh đã an bài như thế. Hoàng bùi ngùi nghe chị Sáo kể tiếp:

- Nó chết đi cho bớt khổ. Hồi còn sống nó ăn bậy lắm, quơ trúng vật gì cũng bỏ vào họng. Tội nghiệp.

Hoàng nhìn chị Sáo úp mặt vào hai tay, đôi vai khẽ rung. Ngoài vườn nắng rơi rớt bên hàng dừa thiu ngủ. Một đời người vừa sót trong lãng quên.


PHAN KHƯƠNG THÁI     


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 81, ra ngày 18-3-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>