Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

CHƯƠNG IV_HỒ SEN VOI PHỤC


CHƯƠNG IV


Cánh cửa nhà bếp hé mở được đẩy rộng dần ra, không gây nên một tiếng động nhỏ. Một bóng đen quen thuộc khẽ lách vào êm như ru.

Cô gái đang lúi húi với siêu nước sắp sôi bỗng giật bắn mình khi nghe gió ngoài vườn phả vào lưng lạnh ngắt. Nàng đứng phắt dậy, quay lại trố mắt ngó người lạ mặt.

Nàng reo lên sau một phút thảng thốt:

- A! Anh Tuệ! Anh Tuệ đã về đấy ư? Thầy mẹ mong anh mãi.

Có tiếng la từ nhà trên vọng xuống:

- Cái gì léo nhéo dưới ấy hả Tâm?

- Dạ, thưa anh Cả con đã về đấy ạ. Thầy ơi! Mẹ ơi! Anh Cả đã về! Trời ơi! Anh về nhà em mừng hết lớn.

Hai anh em dắt nhau lên nhà trên, nơi ông bà huyện Châu văn Mẫn đang ngồi bàn chuyện giữa chiếc sập gụ chân quỳ bóng lộn.

Bà huyện mừng rỡ, đứng dậy, ôm hai vai cậu con trai, nói tíu tít:

- Thảo nào, tao nghe thấy con Vàng sủa có mỗi một tiếng, rồi nó nhảy cẫng lên mừng. Tưởng ai hóa ra thằng Cả. Thế nào, con đi đâu cả năm nay không ngó ngàng chi đến nhà cửa? Làm thầy mẹ nhớ thương hết sức! Bây giờ con ở đâu, làm nghề ngỗng gì? Có khá không?...

Cô em gái săn đón hỏi anh:

- Chắc anh Cả chưa sơi cơm tối. Để em xuống bếp làm thật nhanh vài món anh ăn nhé.

- Thôi, ăn rồi!

Bà mẹ và cô con gái vui vẻ và vồn vã bao nhiêu thì cậu con trai lừng khừng và ông bố nghiêm nghị bấy nhiêu.

Vẫn ngồi xếp bằng trên sập, ông huyện Mẫn trừng mắt hỏi, giọng gay gắt:

- Cậu bỏ nhà đi đâu cả năm nay thế? Không theo giặc đấy chứ?

Tuệ mím môi hậm hực. Trợn đôi mắt ti hí lên nhìn cha, y cố nén giận để câu trả lời còn giữ được lễ phép chút đỉnh:

- Thật con không hiểu tại sao bất cứ ai khác với những người thầy ưa, thầy đều cho là giặc cả.

Ông chồng ngồi lẳng lặng, kéo cái điếu bát bằng sứ lại gần, trong khi bà vợ ôn tồn nói sau một tiếng thở dài kín đáo:

- Lạ quá! Hai cha con vừa mới gặp nhau, chưa nói với nhau được đến hai câu đã xung khắc nhau rồi!

Ngắm nghía thấy con trai ăn mặc chững chạc, bà cũng mừng, lại tíu tít như hồi nãy:

- Này, mẹ hỏi con phải nói thật. Bây giờ con làm gì? Có dễ chịu không? Nói cho thầy mẹ mừng đi con.

Ngạo nghễ, y buông ba tiếng cộc lốc:

- Con làm quan!

Vừa ngậm vào chiếc xe điếu chưa kịp hút, ông bố vội nhả ngay ra, thốt cộc lốc không kém:

- Quan!...

Ông kịp dừng lại không nói nốt những lời cay độc chỉ đào sâu thêm cái hố chia cách giữa hai cha con.

Như đọc được ý nghĩ của chồng, bà huyện cười dàn hòa, rồi nhỏ nhẹ bảo chồng:

- Nếu con có chí tiến thân và nhờ trời gặp được vận may thì cũng là một điều đáng mừng chứ sao. Vả lại, như tài học của con nó, tôi nghĩ làm quan cũng chẳng phải là một điều khó khăn cho lắm.

- Biết rồi! Tôi có bảo nó kém thông minh bao giờ đâu. Nhưng nó lười như hủi, lại ham chơi, tối ngày chỉ túm năm tụm ba với những phường vô lại, rượu chè cờ bạc, thử hỏi thế thì đỗ đạt vào đâu, và làm quan vào cái khổ nào?

Tuệ cười khẩy:

- Nói như thầy thì cứ phải làm con mọt sách, gậm cho nát mấy chữ "chi hồ dã giả" mới hiển đạt được hay sao?

Ông bố cười gằn, hỏi vặn:

- Vậy ra mày kiếm lối đi làm quan tắt?

Cậu con đáp, giọng chắc nịch:

- Vâng. Đường lối nào chả thế miễn cho tới được mục đích thì thôi!

Ông huyện Mẫn lắc đầu, khẳng định:

- Không được! Đã là con tao thì có muốn làm quan, phải theo con đường thẳng băng, đường đường chính chính...

Bây giờ đến lượt người con châm biếm:

- Nghĩa là phải học rạc người ra để giật cho được cái cử nhân hay cái tiến sĩ, rồi lẹt đẹt làm ông quan huyện như thầy. Khi ì ạch leo lên được cái ghế tri phủ thì đã sắp sửa "hai năm mươi" rồi còn gì ! Xin lỗi thầy, con không ưa cái trò lẩm cẩm đó.

Lời lẽ tuy có hỗn láo xấc xược, nhưng ý nghĩ của y thật đã rõ ràng.

Muốn tìm hiểu thêm, người cha đành nuốt giận hỏi:

- Vậy chứ mục đích của cậu, cậu đã đạt được phần nào chưa?

- Chưa, nhưng cũng sắp sửa. Chả mấy hồi! Có thể nói cái "quận công" con đã nắm chắc ở trong tay.

Cả hai ông bà cùng giật bắn mình. Tuệ nhơn nhơn nói tiếp:

- Hiện giờ, con mới giữ một chức quan nho nhỏ thôi. Cũng kẻ hầu người hạ như ai, nhưng con chưa toại nguyện. Phải cao hơn thế nhiều, đại khái như: văn thì làm một bực đường quan, võ thì phải làm đại tướng. Có thế mới thỏa được chí bình sinh... Chẳng những vậy...

Thấy y trầm ngâm chưa chịu nói tiếp, bà huyện hỏi dồn:

- Sao nữa hả con?

- Chẳng những vậy, con còn muốn giúp cho thầy con được vinh thăng...

- Vinh thăng? Vinh thăng lên chức gì nào?

- Nói giả dụ như lên chức trấn thủ Nghệ An, có được không hở mẹ?

Như lờ mờ đoán được thâm ý của thằng con ngỗ nghịch, ông huyện kín đáo đưa mắt ra dấu cho vợ nên thận trọng lời nói. Bà hiểu ý, nín lặng đợi y nói tiếp. Tuệ hạ thấp giọng, nói chỉ vừa đủ nghe:

- Nếu con không lầm thì trưa hay chiều mai, đại quân của ông bà Thiếu Phó tới đây... Thầy mẹ đừng giấu giếm vô ích. Con biết hết, biết tường tận là đàng khác. Nếu thầy chịu nghe con, chỉ cần ra tay một chút xíu, chả khó nhọc gì mà cả hai cha con mình đều làm nên sự nghiệp...

Mẹ y hỏi gặng:

- Nghĩa là sao, con?

- Nghĩa là lừa bắt trọn ổ, trói cổ dâng cho Nguyễn Ánh.

Cơn giận nổi lên đùng đùng, ông già đập tay đánh chát xuống mặt văn kỷ, quát tháo ầm ầm:

- Muốn sống muốn tốt, mày hãy câm cái mồm lại, đồ bất hiếu bất mục, bất nhân bất nghĩa! Mày không nhớ ai giải cứu cho cả nhà mày khi gặp nạn ở Thanh Hóa hay sao? Ai thương tình tao mà tha tội chết cho mày khi mày cậy thần cậy thế đánh chết người dân hiền lành vô tội? Ai mở đường cho mày ăn năn hối cải mà bây giờ mày lấy ơn làm oán? Thôi, tôi hiểu hết rồi, mày đổ đốn đâm đầu theo giặc. Rồi nghe lời giặc về đây dụ tao phản chủ. Có phải thế không? Thôi thôi, đừng nói thêm câu nào nữa, mày khôn hồn hãy bước ra khỏi nhà tao ngay lập tức!

Biết con không ai bằng cha, nhưng thương con cũng không ai bằng mẹ. Bà huyện gạt nước mắt can:

- Xin ông bớt giận. Con nó dại dột ăn nói bậy bạ. Sự thực, đâu có dám làm sằng. Ông tha thứ cho con đi.

- Tha thứ! Để nó gây tai vạ và bôi tro trát trấu vào mặt tôi hay sao?

Vẫn đấu dịu, người đàn bà van vỉ:

- Bây giờ đã khuya rồi, ông cho con nó ở nhà đêm nay để cho tôi khuyên nhủ. Mai hẵng hay.

- Bà muốn làm thế nào thì làm. Sáng mai, tôi không muốn trông thấy cái mặt nó ở nhà này nữa.

Tâm đon đả nắm tay anh:

- Em đã đặt nước tắm cho anh rồi đó. Nước vừa sôi, anh xuống tắm một cái cho nó khoẻ. Rồi em hâm nồi cháo gà, anh sơi nhé.

Trông thấy bóng hai anh em bước xuống sân, ông Mẫn lắc đầu, than thở với bà vợ đang đứng tựa vào cột nhà, nước mắt ràn rụa:

- Tôi nóng quá thành ra hơi hớ. Đáng lẽ mình phải dằn lòng gạn hỏi cho ra mưu mẹo nó định dùng để hại ông bà Thiếu Phó.

Ngẫm nghĩ một lúc lâu, ông thú thực với bà:

- Về văn chương chữ nghĩa, nó không bằng tôi. Nhưng về mưu mô quỷ quyệt, quả tình tôi thua nó xa. Tôi không tài nào đoán được nó định giở trò gì.

- Tôi đồ chừng nó cũng chưa có mưu mẹo gì đâu. Hoặc giả mưu mẹo của nó phải được ông tiếp tay mới thi hành được.

- Bà nói có lý. Tôi cũng chỉ mong như vậy.

Vẫy Tâm vừa rón rén từ nhà dưới bước lên, ông thì thầm căn dặn cả hai mẹ con:

- Tôi đã nói từ trước: thằng Tuệ nhà mình có tướng phản trắc. Cái khẩu khí của nó ngày hôm nay cho thấy nó quả là một tên đáng sợ. Vậy hai mẹ con phải kín mồm kín miệng, không được để hở cái tin chiều mai nhà mình có tiệc. Sáng sớm mai, nó nấn ná cách nào để ở lại nhà, bà cũng phải tìm cách tống khứ nó đi. Còn con Tâm, nhớ để mắt vào những đồ ăn thức uống làm sẵn chờ đãi khách. Chớ để cho nó láng cháng lại gần mấy cái hũ rượu thuốc của thầy mà khốn đấy. Hễ thấy nó làm cái gì đáng nghi ngờ, mày cứ kêu toáng lên, một là để cho nó sợ, hai là để có người hay chừng mà tiếp cứu...

- Dạ.

Tâm ngơ ngác không hiểu anh nàng có thể làm cái gì ghê gớm đến nỗi cha phải dặn dò kỹ càng và gắt gao đến thế.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>