Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

CHƯƠNG IV_CHÂN DUNG HẠNH PHÚC


CHƯƠNG IV


Tôi cố gắng quên Tùng trông những công việc hằng ngày, những buổi đến trường, những ngày chủ nhật về thôn Vỹ Dạ, vui chơi cùng đám trẻ. Tôi đã quen dần trong chức vụ "cô giáo Tiên" mà dân trong thôn đã gọi đến tôi với bao tình thương mến, các em học sinh thì cứ gọi tôi là "cô Tiên, cô Tiên" làm đôi lúc tôi có cảm tưởng mình là cô tiên thật, đang dùng chiếc đũa thần gieo rắc ánh sáng vào những mái đầu xanh. Lớp tôi dạy gồm bốn mươi em học sinh rất chăm chỉ, mà trong đó, thằng Hợi đã tỏ ra thông minh vượt bực không ngờ. Ngay buổi dạy đầu tiên, nó đã giải được nhanh chóng hai bài toán hóc búa mà tôi cho cốt để thử khả năng toàn lớp. Tôi đã để ý đến Hợi từ đó. Ngoài trí thông minh, tính tình ngoan ngoãn dễ thương của nó càng thu phục thiện cảm của tôi thêm, nó thường mời tôi về nhà uống nước sau giờ dạy vì nhà nó gần trường.

Tôi được biết, Hợi năm nay lên 11, con trai đầu của một gia đình bảy người con, sáu đứa sau toàn là gái. Ba mạ Hợi làm thợ nề, ngày hai buổi làm lụng vất vả để kiếm tiền về nuôi các con. Hợi rất thương các em, nhưng tôi đoán được trong ánh mắt trong veo của nó, có một sự thất vọng dần lan : Hợi đang ao ước một đứa em trai. Nó thường tâm sự với tôi:

- Con ưa có một đứa em trai, mà mạ con cứ sinh con gái hoài, con buồn quá.

Tôi an ủi nó:

- Em nào cũng là em, Hợi phải thương các em mới được, đừng phân biệt như rứa.

Hợi thú nhận:

- Con thương đồng đều chứ. Con Sửu, con Thìn, con Dần, con Mùi, con Dậu... nhưng khi mạ con sinh đứa sau cùng, con Tý nớ... con bỗng thấy ghét con Tý, nó ra đời làm con không có em trai.

Có một lần, tôi ra một đề luận: "Hãy tả hình dáng đứa em nhỏ của trò và nói cảm tưởng". Bài luận không có gì khó, nhưng bài làm của Hợi hôm đó để giấy trắng, tôi gọi lên khiển trách thì Hợi khóc òa:

-Thưa cô, con chỉ muốn tả một đứa em trai... nhưng... con không có.

Tôi không bằng lòng, tôi bắt Hợi phải cố gắng làm bài luận cho xong. Hợi ngồi cắn bút thật lâu, rồi cuối cùng nó tả con Tý, nhưng câu kết luận của nó thật lạ lùng, nó viết: "Em không thích em Tý của em vì nó không phải là con trai".

Những lần tôi ghé nhà Hợi chơi, me nó , bà Sâm, thường nói với tôi:

- Thưa cô, nhờ cô khuyên dùm thằng Hợi, không hiểu răng nó lại không ưa con Tý chút mô hết.

Tôi hứa với bà Sâm rằng tôi sẽ cố thuyết phục thằng Hợi, trước sau gì nó cũng nghe lời tôi vì nó là một đứa trẻ ngoan và rất có cảm tình với tôi.

Ngoài việc dạy học ra, tôi còn kiêm thêm một nghề nữa, đó là nghề y tá bất đắc dĩ. Số là một buổi sáng nọ trời lạnh, tôi nhận thấy hai đứa học sinh ngồi đầu bàn bị cảm, đôi má đỏ bừng và cặp mắt mệt mỏi. Tôi đến bên sờ vào trán chúng, bàn tay tôi nóng hực, sẵn có mấy viên Rhumex trông xắc, tôi đưa cho mỗi đứa một viên:

- Hai em bị đau rồi đó, cô cho phép hai em nghỉ. Về uống thuốc này với nước nóng rồi đắp mền kín, đừng ra gió nghe các em.

Đến trưa, thì có hai người đàn bà, một già một trẻ tìm đến đứng lấp ló ngoài cửa lớp tôi dạy. Tôi ngạc nhiên nhìn ra, thằng Hợi mách:

- Mạ của thằng Tèo và bà nội của con Tú đó cô.

Tèo và Tú là hai em học sinh bị cảm vừa ra về hồi sớm. Tôi nhìn ra:

- Hai bà muốn hỏi chi ?

Bà già lúng túng:

- Thưa cô, thưa cô... tôi tới xin thuốc của cô... thuốc cô hay quá, cháu nhà bị cảm từ đêm qua, chừ uống được viên thuốc của cô, cháu đã hơi bớt bớt rồi...

Người đàn bà trẻ nói theo:

- Thưa cô, thằng Tèo cũng rứa.

Tôi nhíu mày:

- Hai em đau như rứa răng hai bà lại không để cho hai em nghỉ ở nhà ?

- Dạ... tưởng đau sơ sơ... ai ngờ.

- Lần sau hai bà phải cẩn thận một chút, hai em yếu như rứa mà lỡ gặp làn gió độc thì nguy lắm.

- Dạ.

Tôi mở xắc tay đưa cho mỗi người thêm một viên Rhumex:

- Còn bấy nhiêu thôi. Chiều cho em uống một lần nữa. Có thể chiều ni rảnh tôi sẽ trở lại đem thêm thuốc. Răng ? Ở đây không có chi y tế à ?

Người đàn bà trẻ lắc đầu chán nản:

- Dạ có, nhưng ở tuốt quận trên, xa xôi quá. Khi mô bịnh nặng hung mới tìm tới, chớ còn bịnh sơ sài thì cứ lơ đi là qua hết, hơi mô mà tới nớ xin thuốc.

Tôi gật gù:

- Thôi được hai bà về đi, tôi sẽ cố gắng giúp các ông bà trong việc ni.

Trưa hôm đó, tôi ngủ không được, tôi lan man suy nghĩ đến những trường hợp đau ốm của dân làng, đến tình trạng thiếu thuốc men của một thôn nghèo mà trạm y tế thì quá xa xôi. Sau cùng, tôi quyết định, nên lập một tủ thuốc tại trường để có thể phân phát thuốc cho dân làng đối với một vài chứng bịnh thông thường mà tôi có thể biết được. Tôi xuống phòng thí nghiệp của ba xem xét, ba có cả một tủ thuốc ở đây và tôi vô cùng mừng rỡ là thuốc vẫn còn rất nhiều, tôi có thể xin ba một số thuốc đáng kể mà không sợ ba từ chối. Buổi chiều, tôi đem một ít thuốc cảm đến cho thằng Tèo và con Tú, xong, tôi đi thăm một số gia đình có người đau ốm, thằng Hợi đã làm hướng đạo cho tôi trong suốt cuộc đi thăm này.

Hơn một tuần sau, tủ thuốc nhà trường đã tạm đầy đủ, gồm một số thuốc cảm cúm, đau bụng, đau mắt, thuốc sát trùng và băng dán... chị Thanh Xuân và nhóm bạn của chị vô cùng hoan nghênh việc làm của tôi. Các người dân trong làng nhìn tôi bằng đôi mắt biết ơn và kính phục, có nhiều lần tôi thoáng nghe họ nói chuyện với nhau:

- Cô giáo Tiên là một người con gái đáng quí. Ai lấy được cô ấy thiệt có phước.

Tôi nghe lòng mình thư thái lạ, ít ra cũng phải có những người dân làng này quên đi được nét xấu xí trên gương mặt tôi. Nhưng cái "đáng quí" đó không một người con trai nào thấy được đâu, trước mắt họ, tôi vẫn là con Bội Tiên xấu nhất trần gian không ai thèm đoái hoài tưởng đến. Thời đại bây giờ, phải nói ngược lại "Cái đẹp đè bẹp cái nết" chứ không phải "Cái nết đánh chết cái đẹp" đâu, Tùng ơi!... Bằng chứng là Phượng Liên đó, con bé đẹp nhưng kiêu căng phách lối, thế mà người ta vẫn thích nói chuyện với nó, thích đi với nó hơn là nhìn đến tôi, con Bội Tiên này chỉ có tấm lòng ngay thật, mà cái đẹp tâm hồn chả bao giờ là yếu tố cuốn hút tình yêu.

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>