Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

CHƯƠNG VI_HỒ SEN VOI PHỤC


CHƯƠNG VI


Tiếng khóa, tiếng xích sắt khua rổn rảng lôi kẻ sa cơ ra khỏi cơn mộng. Cửa ngục mở toang, viên giám ngục chạy vào khoanh tay báo:

- Bẩm, có quan Tiền quân muốn xin vào ra mắt.

- Vậy hả? Phiền ông mời vào.

Một viên võ tướng mặt trắng râu dài ba chòm đen nhánh, dáng dấp phong lưu, thong thả bước vào, vái chào rất lịch sự:

- Quan Thiếu Phó lâu nay vẫn được mạnh giỏi đấy chứ?

Vị danh tướng họ Trần khét tiếng một thời, nghiễm nhiên đáp:

- Cám ơn! Cám ơn ông Tiền quân, tôi vẫn được… bình an. Chả mấy khi được ông dời gót ngọc tới thăm, tôi vì bận tay vướng chân không tiếp đón theo lễ nghi chủ khách được, xin ông miễn trách cho nhé.

- Ủa!

Làm bộ ngạc nhiên, người tới thăm lớn tiếng gọi viên giám ngục vào sai mở trói cho ông chủ để ông tiếp khách cho thoải mái.

Nguyễn văn Thành, tên vị khách quý, nói như tâm sự với người tử tội:

- Ông với tôi, chúng ta quen biết nhau kể cũng đã khá lâu. Đánh nhau cũng đã nhiều trận, nhưng chưa có lúc nào nói chuyện với nhau được quá ba câu…

Trần Quang Diệu cười ha hả tiếp lời:

- Ba câu trao đổi với nhau khi đối trận đâu có phải là những lời nói dễ nghe, phải không ông? Hôm nay ngày xuân mát mẻ, việc quân nhàn rỗi, chắc cuộc đàm đạo có thể được vững bền hơn… Ông quá bước tới chỗ tối tăm ngột ngạt này, hẳn có điều chi dậy bảo?

- Vâng. Tôi muốn thưa với ông vài lời quan trọng. Kẻ nói cũng như người nghe đều cần suy nghĩ chín chắn. Bữa nay thư thả giá ông vui lòng uống với tôi vài chén rượu thì hay biết mấy. Ông liệu xem có thể được cùng chăng?

- Được, được. Được lắm chứ. Chả mấy khi được ngồi đối ẩm với “Tướng quân hay rượu”. Chà chà! Chắc chắn là được uống rượu ngon?

- Vâng. Rượu chính tay tôi cất lấy. Và cũng chính tay tôi hạ thổ đủ một trăm ngày.

Quang Diệu nhích mép cười châm biếm:

- Bữa tiệc hôm nay thú vị nhất ở chỗ chúng ta có thể phóng tâm mà uống cho thật say. Không còn có chi phải lo ngại nữa.

Lời nói bóng gió của con người tế nhị thoáng qua thật nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ làm cho kẻ đối thoại, tế nhị không kém, phải đỏ mặt. Cái mưu mẹo thấp hèn của tên Tuệ làm xấu lây tất cả những người đứng cùng một bên chiến tuyến với y.

Để đánh trống lảng, Thành quay ra gọi người nhà:

- Bưng vào đây. Bày biện cho tươm tất để quan Thiếu Phó cùng ta đánh chén.

Cả gia nhân “dạ“ lên một tiếng thật to rồi lễ mễ bưng vào một mâm thịnh soạn. Chiếc mâm cỡ lớn bằng gỗ dầy sơn son thếp vàng, trên chất đầy bát đĩa, phải một tay lực sĩ mới bưng nổi để nước canh không sóng sánh.

Quang Diệu thầm phục tên quân ít tuổi này có đôi cánh tay thật khỏe. Y cúi đầu so đũa, thoáng trông thấy mặt mũi cũng sáng sủa ra vẻ con nhà. Y kín đáo ngẩng mặt lên khi thấy vị “Tướng quân hay rượu” đang từ tốn và trịnh trọng đập tảng đất thó niêm chặt trên chiếc hũ sành. Vừa đúng lúc ông tướng họ Trần chăm chú nhìn y.

Hai tia nhìn gặp nhau cùng sáng lên như điện và cùng nói rất nhiều.

Hơi rượu phả ra thơm phức. Thành quay lại bảo tên người nhà lúc ấy đã bày biện xong, đang khoanh tay đứng hầu:

- Cho mày ra ngoài kia chơi. Tao còn uống rượu ở đây lâu. Đến xế chiều hãy trở lại dọn dẹp mâm bát cũng được .

Rượu được vài tuần, Thành nâng chén lên ngang mày, tấn công trước:

- Chả mấy khi được ngồi hầu rượu Tướng quân mà tôi xin mạn phép được coi là tri kỷ. Mời Tướng quân cùng cạn chén thứ ba này trước khi nghe tôi nói vài lời tâm huyết.

- Tướng quân cứ nói. Tôi xin lắng tai nghe.

- Vâng. Tôi xin trình bày với tất cả tấm lòng thành thật mong Tướng quân thông cảm. Từ trước đến nay, Tướng quân vẫn là một ngôi sao sáng trên nền trời võ học nước nhà. Cả bạn lẫn thù đều công nhận Tướng quân là một trang tuấn kiệt đời nay. Chúa công từ tôi lâu vốn hâm mộ tài đức của Tướng quân, sớm tối chỉ mong được nghe lời dạy bảo…

Diệu thẳng thắn lắc đầu từ chối:

- Không được đâu ông.

- Sao vậy?

- Giản dị lắm. Vì chỉ có hai điều.

- Xin ông cứ cho nghe.

Người anh hùng thất thế đặt chén rượu uống dở xuống thành mâm, ngó thẳng mặt kẻ đối thoại, nói rành rọt từng tiếng, mỗi tiếng như một lát đao báu chém sâu vào đá tảng:

- Điều thứ nhất là bình sinh tôi chỉ phục có một người. Và tôi may mắn được thờ người ấy. Khỏi nói chắc ông thừa rõ đó là Vua Quang Trung Nguyễn Huệ .

Thành vội cướp lời:

- Nhưng nay ông ấy đã mất rồi. Vua Cảnh Thịnh đã bị bắt và mai kia đây chắc sẽ không ở trên dương thế nữa. Còn ai đâu mà ông cố chấp lấy chữ trung?

Quang Diệu cười nhạt đáp:

- Tôi đã thờ nhà Tây Sơn thì phải sống chết với triều đại ấy, không thể làm tôi một ai khác được.

Thành cố gặng hỏi:

- Thế còn điều thứ hai?

- À điều này thật sự hơi khó nghe một chút, nhất là đối với ông.

Thành ngạc nhiên gạt đi thật nhanh:

- Đối với tôi à? Vậy không hề chi. Có gì ông cứ nói thẳng, tôi quyết không giận ông đâu.

- Vậy thì được, tôi xin nói thẳng. Tôi không phục “kẻ kia”. Ông ta thắng, chẳng qua là ưa may chứ không phải nhờ tài giỏi. Trời không tựa chúng tôi thì chúng tôi đành chịu. Và tôi thà chết còn hơn là chịu khuất kẻ mà tôi coi thường.

Thành thở dài, biết khó mà lay chuyển nổi con người có tấm lòng son sắt đang ngồi trước mặt nghiễm nhiên coi sự sống chết không hơn một trò múa rối. Tuy nhiên, đã có chủ đích từ trước ông ta chưa chịu lùi bước.

- Thế ngộ nhỡ chúa công tôi tha chết cho ông thì ông tính sao?

Cười nhạt Diệu đáp:

- Làm gì có chuyện đó. Tôi không dám nói tôi hiểu rõ tâm địa “người ấy” hơn ông. Nhưng tôi e ông quá quý mến tôi mà hoá ra lạc quan quá đấy. Dù sao tôi cũng trả lời rõ ràng câu hỏi của ông trong trường hợp hi hữu đó xảy ra. Tôi sẽ “bịt tai bẻ kiếm” trở về quê nhà làm ruộng, thờ mẹ dạy con. Thề đến chết không lý đến việc hơn thua với ai nữa.

- Nghĩa là nhất định ông không chịu giúp đỡ chúa công tôi?

- Vâng. Nhất định!

- Thế còn lệnh đường? Không lẽ ông nỡ để…

Trong phút giây, họ Trần chợt hiểu. Thì ra mẹ già đã bị bắt, thảo nào thằng Dũng có mặt ở nơi đây. Nếu không, ắt nó đã phải vào Gia Định cùng với Lê Đồng theo hầu cụ và trông nom con bé Bạch Liên rồi.

Một thoáng mây buồn, một tiếng thở dài não ruột. Nhưng lời lẽ vẫn đanh thép:

- Mẹ tôi tuổi Tý, năm nay vừa chẵn tám mươi. Giá yên hàn tôi được về chúc thọ Người thì sung sướng cho tôi biết mấy. Nhưng bây giờ, sự thể đã đến nước này thì tôi đành mang tội bất hiếu.

Làm bộ phẫn nộ, Thành rắn giọng trách:

- Ông nhẫn tâm để cho cụ thọ hình à? Lòng ông sắt đá như vậy được sao?

- Mẹ tôi cũng như mẹ các ông, tùy ý các ông muốn xử sao cho phải thì xử.

Bầu trời u ám được chính kẻ nắm chắc cái chết trong tay làm cho sáng sủa. Quang Diệu bàn sau một lúc trầm tư:

- Người ta không dám giết mẹ tôi đâu ông ạ. Tôi nói: Không dám, chứ không phải là không nỡ. Mẹ tôi như ngọn đèn trước gió không biết tắt lúc nào, cần gì phải giết để cho thiên hạ, trong đó có cả người ngoại quốc chê cười. Dân chúng dù theo ai chăng nữa, bao giờ cũng sáng suốt và nhớ dai lắm. Họ sẽ nhắc đến cung cách đối xử với những kẻ ngã ngựa khi Diệu tôi hạ xong thành Qui Nhơn. Nhớ để so sánh với cung cách người ta đối xử với mẹ Diệu khi Diệu sa cơ thất thế. Nhiên hậu mới đánh giá được triều đại mới. Đó. Tôi nói vậy, ông cứ ngẫm mà xem có đúng không?

- Song còn lệnh ái thì sao? Tôi nghe nói cô Bạch Liên còn nhỏ, đẹp và thông minh lắm. Ông nỡ để cho lệnh ái lìa đời khi mới chớm bước vào tuổi thanh xuân?

Một nụ cười vừa tự nhiên vừa kiêu hãnh nở trên môi người cha xấu số:

- Ấy, nó chết về cái thông minh ấy đấy! “Kẻ kia” rất sợ những trang thông minh tài tuấn. Vì có thông minh tài tuấn mới biết cách lật ngược thế cờ, xoay chuyển lại thời cơ! Mà “Người ấy” thì lúc nào cũng lo xa, lo hậu hoạn! Còn con tôi nó là con Trời con Phật chỉ muốn làm việc thiện hay đi tu. Nó thích theo hầu chúng tôi hơn là ở lại với những kẻ không ra gì.

Thành vờ than thở:

- Uổng quá nhỉ! Lại còn bà Thiếu Phó nữa chứ. Lệnh ái thì chưa rõ số phận ra sao, chứ quý phu nhân, theo tôi biết, thật khó thoát cực hình nếu ông không đổi ý.

Uống cạn một hơi chén rượu mới rót đầy, danh tướng họ Trần cười rung cả phòng giam chật hẹp, khoái trá như đang bàn đến số phận một kẻ thứ ba không hề có một chút thân tình:

- Nhà tôi ấy à? Bà ấy còn cứng rắn hơn tôi gấp mấy lần. Ngoài Đức Quang Trung Hoàng Đế và kẻ hèn này ra, bà ấy coi trong thiên hạ không ai vào đâu cả. Nói chi đến chuyện hàng với chẳng hàng!

- Tôi sợ cái chết của bà không giản dị và chóng vánh nhu ông tưởng đâu.

Thản nhiên nhưng cương quyết, Quang Diệu nói như tâm sự với một người tri kỷ:

- Vợ chồng chúng tôi thương dân mà không hiếu sát nên sống chúng tôi làm tướng, chết chúng tôi sẽ làm thần. Như vậy chết cách nào cũng thế thôi. Tôi xin nói trước để các ông yên tâm. Dù có bị băm vằm mổ xẻ, lột da lóc thịt, hay voi giày ngựa xé đi chăng nữa chúng tôi quyết định đón nhận cái chết mà chẳng cau mày…

Không còn gì để nói thêm nữa, Diệu đứng dậy tiễn khách. Thành tỏ ý bịn rịn không nỡ dứt. Chủ nhà cảm động nói mấy lời tạ từ chân thành:

- Cám ơn Tướng quân đã có lòng nghĩ đến chúng tôi rất nhiều. Để đền đáp tôi xin có đôi lời lưu niệm.

Cảm động không kém. Thành chấp tay nói:

- Dạ, tôi xin kính cẩn nghe lời dạy bảo.

- Tôi hay nói thẳng, mà lời thật lại hay mất lòng, ông có thứ lỗi cho tôi trước tôi mới dám thưa.

- Lời nói của ông là lời vàng đá, tôi xin để dạ ghi lòng chứ đâu dám phiền trách.

- Vậy tôi xin nói. Diệu tôi quá nửa đời lăn lóc trong thiên hạ, sống với đủ hạng người nên xét đoán ít khi lầm. “Kẻ kia” có cái tướng “chỉ chung được hoạn nạn, mà không chung được phú quý”. Vợ chồng Diệu tôi một khi chết đi, các ông ắt không còn đại địch nữa. Tôi e lúc ấy những kẻ công cao chức lớn như ông sẽ khó còn đất sống. Liệu rút lui sớm đi thì hơn.

Thành thở dài tâm sự:

- Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Khốn nỗi, ngoài chút tài sức võ biền, kẻ hèn này lại có được đôi chút học vấn có thể dùng được. Và tôi tiếc không muốn bỏ phế cái sở học khi thấy mình đủ sức san định lại bộ luật cho dân nhờ khi tất cả đã thu về một mối.

- Thế thì khó gì! Khi nào làm luật gần xong hãy lo về vui thú điền viên. Như vậy là ổn.

- Thành tôi xin chân thành lãnh giáo.

Hai kẻ tử thù chia tay nhau, bịn rịn như hai người bạn thiết.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>