Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

CHƯƠNG I_CHÂN DUNG HẠNH PHÚC


Chân thành cảm tạ bác sĩ
Hoàng Đại May, người đã giúp cho
tôi tài liệu để viết nên chuyện này.



CHƯƠNG I


Tôi là đứa con gái trời bắt xấu. Ý tưởng chán chường cuộc sống bắt đầu từ ngày tôi vừa biết điểm trang. Tôi muốn đập vỡ những tấm kiếng ngạo nghễ treo trong nhà, trên đường phố cùng tất cả những cái gì có thể phản chiếu được niềm bất hạnh đang hằn sâu trên gương mặt tôi, lên dáng dấp tôi và gậm nhấm cả tâm hồn.

Tôi sinh trưởng trông một gia đình khá giả. Ba tôi là bác sĩ Hải, giáo sư tại Y Khoa Đại Học Đường và me tôi là bà Bội Ngọc, giáo sư Việt Văn uy tín của trường Đồng Khánh. Tôi có một người anh, anh Tuấn hiện tập sự trạng sư và một cô em gái, nhỏ bội Nga, thua tôi một tuổi và đang học cùng lớp với tôi. Trái với tôi, Bội Nga rất đẹp, da trắng, mũi dọc dừa, gương mặt thanh tú, theo lời ba tôi nói, Bội Nga giống hệt me tôi hồi còn con gái, và tôi, vô phúc chưa, tôi lại là hiện thân của người cô tôi, đó là một người con gái không nhan sắc, sống âm thầm như một cái bóng trong chùa Sư Nữ sau một lần dang dở tình duyên.

Nhà tôi là một biệt thự lộng lẫy xây bên bờ sông Hương, giòng sông êm đềm thơ mộng chảy hiền hòa giữa lòng thành phố cổ kính u buồn, u buồn như tâm hồn tôi mỗi buổi chiều mở cửa phòng học nhìn ánh mặt trời tắt lịm sau dãy núi đằng xa. Tôi là hoàng hôn, tôi là bóng tối trong khi Bội Nga đích thực là ánh Thái Dương lộng lẫy huy hoàng trong lứa tuổi đẹp nhất đời thiếu nữ. Bội Nga vô tư, Bội Nga nhí nhảnh như con chim sơn ca hót líu lo suốt ngày, còn tôi, sao cùng trang lứa với Bội Nga mà cằn cỗi như già đi trước tuổi, mặc cảm xấu xí đã khiến tôi biếng cười, biếng nói và do đó, gương mặt tôi càng mất đi vẻ vui tươi.

Chiều nay, cũng như mọi buổi chiều khác, sau khi đi học về, tắm rửa xong, tôi xách bình nước ra tưới hoa. Trước nhà tôi, là cả một vườn hoa thật đẹp, đủ tất cả các loại hồng, cúc, thược dược, cẩm nhung... đặt dưới sự chăm sóc của bác Tám làm vườn. Riêng tôi, ba cho tôi một khoảng đất nhỏ ngay bên dưới cửa sổ phòng học để trồng cúc vì tôi vốn yêu hương thơm loài cúc từ thuở thiếu thời. Khóm cúc do tự tay tôi gieo hạt, vun xới đã xanh tươi và bắt đầu khai hoa. Ba thường bảo:

- Con Bội Tiên rứa mà khéo tay thật, nó chăm sóc vườn hoa nhỏ của nó còn đẹp hơn vườn hoa của ba nữa.

Ngoài thú trồng hoa, tôi còn thích nuôi chim nữa. Nên kỳ thi bán phần vừa qua, tôi đậu bình thứ và được ba thưởng cho một cặp chim Hoàng Yến gửi mua tận Hồng Kông. Tôi mừng không thể tưởng, tôi ôm lấy cánh tay ba, lời cám ơn rưng rưng cùng nước mắt. Me mua cho tôi một chiếc lồng đan bằng gỗ quí, anh Tuấn đóng đinh treo chiếc lồng cạnh cửa sổ còn Bội Nga lăng xăng chạy đi tìm cái chén nhỏ đựng nước uống cho cặp chim Yến. Tất cả mọi người trong gia đình đều thương yêu tôi, và... nếu tôi được đẹp bằng một phần ba nhan sắc của Bội Nga, tôi sẽ là người con gái diễm phúc hoàn toàn.

Tôi nhón gót ngắt ngọn lá sâu, chợt có tiếng gọi:

- Tiên.

Tôi quay lại:

- Kìa, anh Tùng.

Tùng là bạn thân của anh Tuấn và là học trò của ba, năm nay Tùng học năm thứ sáu.

- Có thầy ở nhà không Tiên ?

Tôi lắc đầu:

- Ba Tiên chưa về nơi, có me Tiên và anh Tuấn ở trong nhà a.

Tùng nhìn chiếc bình tưới trên tay tôi:

- Chà, Tiên siêng quá, rứa bác Tám làm vườn mô rồi ?

Tôi chỉ tay ra xa:

- Bác ấy lo cho vườn hoa của ba Tiên. Còn luống hoa ni là của Tiên mà.

Tùng nâng niu một đóa cúc còn non :

- Tiên yêu hoa cúc ?

Tôi nhìn Tùng:

- Răng anh biết ?

Tùng cười:

- Tại tôi thấy Tiên trồng toàn cúc.

Tôi vuốt nhẹ mái tóc:

- Tính của Tiên kỳ khôi lắm, thích hoa chi là Tiên cứ trồng mỗi thứ hoa nớ, có nhiều giống mẫu đơn và thược dược quí lắm, ba Tiên có cho, mà Tiên không trồng. Tiên giao cho bác Tám gieo ở vườn hoa của ba Tiên, anh ra nớ mà coi, đẹp lắm.

Tôi nhấc chiếc bình lên cao cho những tia nước mát phun tới khóm hoa cuối cùng, rồi bảo Tùng:

- Tiên xong việc rồi. Anh vô gặp anh Tuấn và me Tiên nghe.

Tùng gật đầu:

- Ừ, có thể tôi sẽ ngồi lại đợi thầy.

Tôi đi song song với Tùng lên tầng cấp:

- Chắc anh muốn gặp ba Tiên, có chuyện quan trọng phải không ?

Tùng nói nhỏ:

- Cũng không có chi, tôi...

Tôi đưa tay vặn nắm cửa:

- Tiên hỏi rứa thôi, chớ Tiên có tò mò chi mô mà anh giấu.

Tùng cười:

- Giấu chi mô, thật sự không có chi quan trọng hết Tiên nờ.

Tôi đứng sang một bên nhường lối cho Tùng vào. Me đang sửa lại bình hoa trên bàn, ngẩng lên:

- Tùng sang chơi đó à ?

Tùng nghiêng mình:

- Dạ thưa cô, con sang thăm thầy cô và định gặp thầy có chút chuyện.

Me chỉ vào ghế:

- Tùng ngồi chơi đi, thầy cũng sắp về rồi đó.

Tùng lễ phép ngồi xuống ghế, me bảo tôi:

- Vô pha nước cho anh Tùng thời đi con.

Tôi cầm chiếc bình tưới hoa đi vào nhà trong:

- Dạ, để con cất cái ni đã. Me, me gọi anh Tuấn ra nói chuyện với anh Tùng tề.

Tôi đến tủ buffet lấy một nhúm trà cho vào bình rồi chế nước sôi vào, trà cúc êm dịu thoang thoảng hương nồng nàn. Tôi rót trà vào tách nước nhỏ bưng đến để trước mặt Tùng. Me cười:

- Trà cúc đó, Tùng uống thử xem có ngon không. Chính tay con Bội Tiên ướp cúc đó.

Tùng nâng chén trà, nhìn vào mắt tôi:

- Phải hoa cúc của vườn Tiên không ?

Tôi bối rối, tôi xoắn hai ngón tay vào nhau:

- Mô có... cúc của vườn ba Tiên đó anh, cúc vườn Tiên chưa ra hoa mà.

Tùng nhấp một hớp trà:

- Thơm quá, Bội Tiên khéo tay thật.

Tôi cúi đầu nhìn những ô vuông trên nền gạch hoa. Tùng vừa khen tôi đấy à, người con trai ấy vừa nói bên tôi những lời êm dịu đó sao ? Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ tôi nhận được một lời khen từ một đối tượng khác phái, dù là một lời hết sức đơn sơ. Tôi không có bạn trai, hay nói đúng hơn, không một người con trai nào muốn làm quen với tôi dù tôi nết na, tôi đằm thắm... trong khi đó, họ chạy theo Bội Nga như đám thiêu thân lao đầu vào ngọn đèn rực rỡ hào quang, họ mang đến tặng Bội Nga những bó hoa, những đĩa nhạc, những món quà đắt giá... và mỗi lần gặp tôi tại nhà, họ chỉ chào hỏi tôi vài câu lấy lệ rồi bỏ đi ngay như muốn trốn lánh một hình ảnh xấu xa. Những lần đó, tôi chỉ biết âm thầm khóc cho sự bất hạnh của mình, thế thôi, tôi không ganh với Bội Nga, mà trái lại, tôi còn cầu mong cho em tôi gặp được người xứng đáng để đẹp lòng ba me, còn thân tôi, chắc rồi cũng cô đơn suốt đời mà thôi.

Tôi lặng lẽ nhìn Tùng, anh đang lật cuốn thế giới tự do xem hình ảnh cho qua thì giờ đợi ba về. Tôi cũng ngồi im lặng như con ốc sên, không còn gì để nói với nhau nữa. Me đang soạn bài bên phòng học, không biết anh Tuấn đang làm gì trên lầu mà không thấy xuống. Me gọi tôi:

- Tiên ơi.

- Dạ.

- Bội Nga đi mô có nói với con không ?

- Dạ có, nó qua phố mua sách đó me. Để con ra ngõ xem nó về chưa.

Tôi đứng dậy, Tùng vẫn dán mắt vào cuốn sách, rõ ràng anh chẳng để ý đến tôi. Tôi đếm những bước chân buồn ra cổng. Bội Nga đang dắt chiếc Yamaha vào ngõ, có ba bốn chiếc Honda lượn qua lượn lại trước nhà cùng những đôi mắt chiêm ngưỡng:

- Bội Nga, Bội Nga.

Đôi mắt đẹp của Bội Nga nguýt dài:

- Vô duyên chưa.

Tôi hỏi em:

- Răng về trễ rứa Nga ?

Bội Nga mở bóp lấy khăn lau mồ hôi:

- Tìm mãi mới ra cuốn sách cô Thảo dặn. Em có mua cho chị nữa đó.

- Rứa à, để chị trả tiền lại Nga.

- Thôi mà, em tặng chị mà.

Rồi cô bé thở dài:

- Thiệt mồng năm mười bốn hăm ba, đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn.

Tôi hỏi:

- Em nói chi rứa Nga ?

- Thì em nói bữa ni hăm ba xấu ngày, ra đến phố bị mấy tụi đi theo tán, em cuống quá chả mua chi được hết, định mua cái lược rồi cũng quên.

Tôi cười dịu dàng:

- Em đẹp người ta mới theo chớ.

Bội Nga nhún vai:

- Thôi, em chẳng ham.

Em chẳng ham mà chị lại ham đó Nga, chị chỉ ao ước đẹp bằng một phần ba của em thôi, chị cũng đủ mãn nguyện lắm rồi. Không có gì tủi hổ cho bằng khi biết mình là một người con gái xấu, đi ra đường không ai thèm nhìn, thèm gọi dù chỉ là một lời chào hỏi thông thường.

Bội Nga đi thẳng vào phòng me:

- Me ơi, tối ni ba không ăn cơm. Con gặp ba đang đi với bác Phiệt, ba nói ba sắp dự một phiên họp bất thường chắc phải chín mười giờ mới về.

Me theo Bội Nga bước ra phòng khách, Bội Nga liến thoáng:

- A anh Tùng, nãy giờ Nga không thấy, xin lỗi anh nghe.

Tùng xếp cuốn thế giới tự do lại:

- Bội Nga đi phố về có chi vui không ?

- Vui chi mà vui, rầu lắm anh ơi ! Bội Nga ngồi xuống ghế Anh đang đợi ba Nga có phải không?

Tùng gật đầu. Me nhìn Tùng:

- Tối ni thầy về khuya, chắc Tùng đợi không được rồi đó.

Tùng đứng dậy:

- Dạ, hình như con cũng có nghe Bội Nga vừa nói với cô. Thôi, thưa cô cho phép con về.

Me giữ lại:

- Ở lại ăn cơm rồi về, Tùng.

- Thưa cô, cô cho con khi khác, tại con không dặn bên nhà, sợ ba me con đợi.

Tùng vẫn không nhìn thấy tôi đang đứng cạnh đó, me tiễn Tùng ra cửa, tôi thẫn thờ đi lên lầu, Bội Nga chạy theo:

- Chị bội Tiên.

Tôi không quay lại:

- Thì lên phòng chị rồi nói chuyện, la to rứa ?

Bội Nga xách chiếc túi lớn bước vào phòng quăng lên giường tôi:

- Em cho chị coi nì, em mới mua nhiều đồ đẹp lắm.

Bội Nga mở túi lấy cuốn sách đưa cho tôi:

- Của chị đây.

Cô bé tiếp tục lục tung chiếc túi:

- Vải may pyjama nì, chị thấy bông dễ thương chưa, hàng may quần tây nì, tergal đó... à, em còn có cái ni nữa, đẹp tàn canh vô nhân đạo luôn.

Tôi vui theo em:

- Chi rứa Nga ?

Bội Nga lấy ra một tấm bìa trắng có ghim mười hai chiếc kẹp đủ màu đủ kiểu, cô bé líu lo đôi môi hồng:

- Năm trăm đó, mười hai cây kẹp, rẻ chưa chị tiên. Em sẽ kẹp lên tóc từng chiếc cho thật hợp với màu áo. Chị có thích không chị tiên ? Em với chị dùng chung nghe.

Tôi cười héo hắt:

- Chị mà kẹp vào có ma nó nhìn.

Bội Nga có vẻ không bằng lòng:

- Chị nói chi lạ rứa chị tiên, hay thôi chị lựa vài cái, em cho chị năm cái đó.

Bội Nga đến bên bàn viết lấy tấm gương soi nhỏ đưa cho tôi:

- Chị lựa xem màu chi hạp với chị, còn lại bao nhiêu để đó cho em, em chạy xuống nhà một chút.

Tôi mân mê những chiếc kẹp đủ màu rồi nhìn tấm gương nằm im lìm trên mặt nệm. Thật tình, tôi ghét sờ đến gương, đụng đến lược và muốn lánh xa chúng lâu chừng nào tốt chừng đó. Mỗi buổi sáng đi học, đứng trước gương chải tóc là cả một cực hình đối với tôi, nhưng đó là điều bắt buộc, không lẽ lại để đầu bù tóc rối đến trường sao. Một người con gái xấu như tôi mà không chịu chải tóc tai cho vén khéo thì làm sao mà nhìn vào cho được, người ta sẽ cười tôi rồi cười lấy đến me đó là một điều tôi không bao giờ muốn, dù sao me cũng là một giáo sư có uy tín ở trường.

Tôi lựa chiếc kẹp màu nâu nhạt, nên chọn một cái kẻo Bội Nga nó buồn, nó muốn cho tôi đến những năm cái cơ mà. Bội Nga rất thương tôi, tất cả những cái gì nó có, nó đều muốn chia sớt cho tôi, luôn luôn Bội Nga muốn làm vừa lòng tôi. Đôi lúc tôi thầm nghĩ, chắc tại Bội Nga thấy tôi xấu xí, nên trong tình chị em còn có chút lòng thương hại, khiến cô bé bao giờ cũng chiều chuộng tôi rất mực. Mỗi lần nghĩ vậy là tôi lại khóc, tôi lại buồn nhưng sau những giây phút đó, tôi lại hối hận vô song, bởi tôi đã vì mặc cảm mà nghĩ xấu cho Bội Nga. Tôi thương Bội Nga lắm, tôi thương em tôi còn hơn chính cả bản thân tôi và luôn luôn tôi cầu nguyện cho Bội Nga được gặp nhiều hạnh phúc.

Tôi cài chiếc kẹp nâu lên mái tóc huyền rồi ngập ngừng đưa gương lên soi. Chiếc gương thản nhiên phản chiếu một gương mặt sần sùi những mụn, chiếc mũi thô và cái sẹo tàn nhẫn vắt ngang chân mày trái... tôi tủi hờn quăng mạnh tấm gương xuống nền gạch hoa vỡ loảng xoảng, những mảnh nhọn bắn tung lên ghim vào tim tôi ngàn vết thương rướm máu muôn đời.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>