Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

CHƯƠNG I_CHÚ THỎ TINH KHÔN




SƯ TỬ TRIỆU TẬP ĐẠI HỘI


Đại hạn vẫn tiếp tục léo dài. Sư tử, vua của loài thú, hết sức lo lắng, không những cho bản thân, cho gia đình mà còn cho tất cả con thú dưới quyền cai trị của nó. 

Sư tử mới triệu tập đại hội bất thường, bàn định kế hoạch để tìm cách đối phó với thiên tai đang đe dọa trầm trọng. 

Voi, cọp, lợn lòi, tê giác, trâu bò, chó sói, mang, nai, rùa, thỏ v.v… hoặc ngồi hoặc đứng, vây quanh thành vòng tròn. Chính giữa, những cây gỗ còn mang cả cành lá, chất ngang dọc thành một đống lớn. Lửa bốc ngọn cao, đỏ rực một vùng trong đêm tối. Củi nổ lách tách, cành lá cháy xèo xèo hòa với tiếng gió ù ù giữa khu rừng sâu thẳm. 

Sư tử nói: 

- Chúng ta chưa bao giờ khốn khổ vì nạn thiếu nước như bây giờ. Chúng ta không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Vì thế ta mới gọi các ngươi đến tham dự vào cuộc hội họp khẩn cấp nầy, hy vọng sẽ cùng nhau giải quyết được vấn đề nước uống. 

Khỉ, xưa nay nổi tiếng kiến thức sâu rộng, đáp: 

-Theo như tôi đã đọc trong sách thì núi sập, sao chổi xuất hiện, đại hạn, đều là những điềm chẳng lành mà Ngọc Hoàng Thượng Đế cho xuất hiện để cảnh cáo Đại vương, hãy sớm sửa đổi những điều lỗi lầm, tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ… 

Chồn vốn quen thói nịnh hót, vội ngắt lời Khỉ: 

- Anh nói như vậy là phạm tội bất kính anh biết không? Đại vương là bậc anh minh hiền đức, xưa nay chẳng lầm lỗi bao giờ. Chỉ có chúng ta mới cần phải ăn năn tu tỉnh để tránh khỏi cơn thịnh nộ của Ngọc Hoàng. 

Sư tử không lưu ý đến lời nói của Chồn, hỏi Khỉ: 

- Theo ý ngươi thì ta phải làm gì để cứu vãn tình thế? 

Khỉ đáp: 

- Một mặt Ngài đặt lễ vật trên chóp núi cao, thành tâm cầu đảo, tự trói mình lại như một kẻ phạm tội biết hối cải, cắt bớt một ít nanh vuốt thay thế sinh mạng của Ngài rồi hỏa thiêu theo lễ vật cúng tế, ngụ ý Ngài dám vì dân hy sinh, mong Ngọc Hoàng rủ lòng thương xót, cho Rồng mưa xuống trần gian. Nếu chúng ta thành tâm cầu đảo, cảm động đến lòng Trời thì chỉ trong vài ngày thế nào cũng có những trận mưa tầm tã đổ xuống tràn ngập khe suối sông hồ. 

Trâu hỏi Khỉ: 

- Nếu Trời vẫn không mưa thì sao? Anh có dám viết tờ cam đoan với Đại vương, xin chịu trừng phạt nặng nề nếu việc cầu đảo không có kết quả? Chắc anh cũng biết, đại hạn làm cho mùa màng mất sạch, kho tàng hầu như trống trơn. Việc cầu đảo tốn kém không ít, dân chúng quá khổ rồi, không sao đóng góp nổi nữa. 

Sư tử hỏi tiếp: 

- Ai có ý kiến gì khác không? 

Voi nói: 

- Hay chúng ta di cư? Tìm những nơi đất đai màu mỡ, cây cỏ tốt tươi mưa hòa gió thuận mà đến? Tôi còn nhớ rõ, trước kia chúng ta ở tại một khu rừng khác. Nhưng vì sét đánh vào gốc cây thông, lửa bốc cháy dữ dội, lan tràn khắp nơi. Biết thế nguy, Đại vương cấp tốc ra lệnh rời bỏ tất cả kéo nhau đến đây, kiến tạo một giang san mới rồi thì chúng ta sinh cơ lập nghiệp cho đến ngày nay. 

Nai cất tiếng rụt rè phản đối: 

- Về chuyến di cư ấy, một số đã chết vì đường sá vất vả, vì yếu sức đi theo không kịp, nhất là bọn trẻ sơ sinh. Nhưng trước kia khác mà bây giờ khác. Lần trước không di cư cũng không xong vì lửa tàn phá tất cả, nay thì tình thế chưa đến nỗi nguy ngập như vậy. 

Trâu xin nói tiếp: 

- Lúc tôi chưa thoát khỏi ách nô lệ của loài người mà chạy lên đây thì tôi thường thấy ông chủ tôi và những người lân cận hợp sức đào giếng, đào ao hồ mà lấy nước uống. Vì hình như dưới lòng đất bao giờ cũng có nước. 

Tôi xin đọc để Đại vương và anh em nghe mấy câu mà họ thường hát: 

“Mặt trời mọc hề! Ta làm việc. Mặt trời lặn hề! Ta nghỉ ngơi. Đào giếng hề! Ta lấy nước uống. Cày ruộng hề! Ta lấy gạo ăn”. Trong loài thú chúng ta có nhiều con sống ở hang sâu, thiện nghệ việc đào đất, sao chúng ta không biết bắt chước loài người đào giếng, đào hồ lấy nước mà uống, lại phải chịu chết khát như thế nầy? 

Rắn ngóc đầu lên cao bàn góp: 

- Theo tôi thiển nghĩ, chúng ta không cần cầu đảo cũng chẳng cần di cư hay đào hồ giếng. 

Sư tử hỏi: 

- Theo ngươi thì chúng ta nên làm gì? 

- Dạ chúng ta chẳng làm gì cả, chỉ việc kiên nhẫn chờ đợi. Vì theo lẽ tuần hoàn của tạo hóa thì hết đêm đến ngày, hết nóng đến lạnh, hết nắng đến mưa, hà tất phải lo lắng làm gì cho nhọc xác? Rồi đây thế nào trời cũng sẽ mưa. 

Trâu khốn khổ vì đại hạn, khát nước đến le lưỡi ra ngoài thở dốc, nghe Rắn nói lấy làm tức tối: 

- Đại vương không nên theo lời Rắn vì bản tính của anh ấy có tha thiết gì đến việc uống nước đâu? Còn bọn chúng tôi, nếu tình trạng nầy mà kéo dài thêm năm ba ngày nữa chắc đều phải ngã lăn ra mà chết khát, xin Đại vương sớm giải quyết cho. 

Sau một hồi thảo luận, Đại hội quyết định nghe theo lời Trâu, chung sức nhau để đào hồ lấy nước uống. 

Hồ nầy đào ở khoảnh đất trống, cách hang động của Sư tử chừng vài mươi thước. 



__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>