Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

CHƯƠNG XIII_PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG


CHƯƠNG XIII


Thời gian hai tháng ở Saigon, Hải, Huệ có dịp ở gần nhau, hiểu nhau. Hai người đã thưa chuyện với ông Ngọc-San, nói rõ ý định xây dựng hạnh phúc chung. Tin vui bay về Đức Trọng…

Người anh cả cười vui sướng :

- Đúng ! Đúng như thế ! Một trường thiên tiểu thuyết ái tình xây dựng, nếu tiếp tục đều đều, tất sẽ thành công mỹ mãn. Cứ để Huệ tự do tiến tới. Huệ cũng kén chọn dữ lắm. Luôn luôn tâm sự với anh là chưa tìm được người trong mộng, chưa thấy ai khiến Huệ chấp nhận là Hoàng Tử của lòng… vân vân…và vân vân… Đến bây giờ thì hẳn tiếng chuông vui đã điểm rồi !

Cúc :

- Thế là, thế là con chim đầu đàn của "nữ tứ tử" sắp sửa lên xe hoa. Thú quá ! Em phải đi báo cho cô "tiểu kỹ sư" để Trà giật mình một phen mới được !

Ngay lúc đó, Trà bước vào :

- Biết rồi ! Biết từ lâu rồi ! Chị cũng đã đoán biết từ lâu lắm rồi còn lạ gì nữa mà giật mình… ! Anh Hải làm anh rể chúng mình ! Cũng tuyệt đấy chứ ! Mà không biết đến bao giờ ba và chị Huệ mới về đây, hả anh Trung ?

- Theo anh biết chừng hai tháng nữa thôi ! Ba đã ăn giả bữa, sức khỏe tiến triển lẹ lắm.

Thời gian vùn vụt trôi. Ba tuần lễ nữa lại trôi qua lôi kéo ngày "chặt mía" tới gần kề trong toàn khu vực Đức Trọng. Không khí làm náo nhiệt khác thường. Niên học cũng vừa chấm dứt được hơn một tuần. Tiết trời sang Thu hơi lạnh. Hàn thử biểu xê xích giữa khoảng 18 đến 20 độ. Hinh và hai bạn Mai, Cúc rảnh rỗi thời giờ tha hồ ra sức làm việc cho trại. Huy và Trung không đứng đâu, ngồi đâu lâu được mười phút. Khắp nơi khắp chốn, mọi hoạt động đều được hai chàng trai để mắt coi sóc bằng cái nhìn tinh tế của người có trách nhiệm. Trà, trừ hai bữa cơm và khi đi nghỉ, lúc nào cũng cắm cúi trong xưởng nấu đường. Hai cụ đồ Khải đã rời bỏ Liên Khương xuống cư ngụ tại trại Ngọc-San, trong ngôi nhà, ông chủ trước khi về Saigon chữa bệnh, giao cho con trai trông nom việc xây cất. Hai lần trong một tuần, thơ từ Saigon lại gởi về nói rõ sự tiến bộ thường xuyên của người bệnh. Ông Ngọc-San đã đặt chân bước lần ra tới tận vườn bông trong bệnh viện, dựa tay vào Huệ hoặc Hải. Ngày xuất viện được dự tính vào khoảng thượng tuần tháng chín dương lịch. Không khí tại trại mía Ngọc-San náo nhiệt tưng bừng.

Việc chặt mía bắt đầu vào trung tuần tháng tám. Ngoài bãi mía các nam công nhân đưa những con dao phạng dài, sáng loáng, động tác mềm dẻo nhịp nhàng. Hàng ngàn cây mía, có cây dài tới ba bốn thước, đổ rạp, nằm dài trên mặt đất tạo thành một tấm nệm vàng tươi sáng lấp lánh. Đám nữ công nhân đi liền theo sau, nhấc từng cây, đưa lưỡi dao quắm nhẹ nhàng chặt lá trên ngọn, bó thành từng bó lớn. Lá mía già để lợp nhà. Loại non mềm ngọt dành cho trâu bò ăn. Hàng đoàn xe do trâu bò kéo, các chú nhỏ ngồi vắt vẻo trên lưng, đầu đội mũ rộng vành, vừa đánh trâu vừa thổi kèn thổi sáo inh ỏi. Mía chất đầy, xe trở đầu, nhắm hướng xưởng nấu đường trực chỉ, mang theo những cây mía gióng nhẵn nhụi vàng chói căng đầy nước ngọt. Tiếng nói chuyện, tiếng hát, tiếng cười vang động khắp nơi. Ai nấy làm việc hăng say không còn biết gì là mệt nhọc.

Chẳng mấy chốc, mặt trời đã chếch về tây. Anh chị em công nhân thu dọn đồ dùng, sửa soạn ra về, trở lại mái nhà ấm cúng, trong lòng ai nấy vui như Tết.

Mai, Cúc khoác tay anh trai, thả bộ từ bãi mía trở về nhà. Ba anh em mỏi rời rã tay chân, nhưng nội tâm sướng thỏa vì mùa màng tối đẹp. Thích thú hơn nữa là toàn thể các anh chị em công nhân đã biết rõ, hiểu rõ hai em và yêu mến hai em vô cùng. Từ ngày câu chuyện hoang đường bị gạt bỏ, không khí nặng nề bao phủ trại Ngọc-San đã bay biến hoàn toàn.

Cây phượng nở hoa vàng, nguyên cớ chỉ là trong đất có ốc-xít-sắt chớ chẳng phải do thần linh! Sự kiện ấy đã được chứng minh rõ rệt. Cây thiêng đã không có thì các cô tiểu chủ cũng không phải là thủ phạm. Đầu óc chất phác của các công nhân chỉ lý luận giản dị có thế. Giờ đây, họ chỉ mong có dịp được biểu lộ lòng trung thành, sự tận tâm đối với gia đình chủ nhân, khi mà tự do tín ngưỡng của tất cả không hề bị xúc phạm.

Vừa thanh thản đặt bước, Cúc vừa mỉm cười vui sướng hồi tưởng lại những khuôn mặt màu da bánh mật, nhất là của các nữ công nhân. Những khuôn mặt ấy ngẩng nhìn em tươi cười âu yếm. Những cái miệng tươi, hàm răng trắng bóng phá lên cười khanh khách khi Cúc, Mai nhẩy vào bãi mía, mượn dao phạng của công nhân, chặt mía, róc vỏ, nhai cắn dòn tan. Nhiều người kính phục khi thấy Cúc vung dao quắm đẵn lá mía thật nhanh nhẹn, gọn gàng, có lúc họ lại la lên hãi hùng chỉ sợ cô chủ út hứng chí quá sẩy dao chặt… vào tay.

Đang mơ màng với những hình ảnh đẹp mắt, những âm thanh dìu dịu êm tai ấy, Cúc bỗng giật mình thức tỉnh : chị Dung "bà chằn" đứng trên hàng ba khoa chân múa tay hò hét om sòm. Lại một loạt âm thanh Việt ngữ bất chấp tất cả các dấu huyền, sắc, hỏi ngã, nặng :

- Câu chu ! Cac em ! La lăm ! Vê mau ! Vê mau ! Chi Dung không dam noi ! Không dam, không dam đâu ! Ve coi tân măt đi ! Thich lăm ! Câu chu, cac em. La lăm. Vê mau ! Vê mau ! Chi Dung không dam noi, không dam ! Không dam đâu ! Vê coi tân măt đi, thich lăm !

Mai thét lên :

- Lại cái gì nữa đó ! Chị "dú" bà chằn ! Chúng em đang mệt đừ người ra đây ! Dang ra cho chúng em vào!

- Thi vao đi ! Nha co khach ! Khach đên môt tiêng đông hô rôi đo !

Linh cảm có một cái gì khác lạ, Cúc hăm hở tiến vào hàng ba. Em bật rú lên những tiếng… vui mừng :

- Ba ! Chị Huệ !

Quả thật ông Ngọc-San, chị Huệ bằng xương bằng thịt đang chễm chệ ngồi tại bàn, uống nước trà. Hai cha con phá lên cười ròn rã khi được ngắm nhìn nét mặt các con đang ngây ra vì ngạc nhiên đến cực điểm.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>