Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

CHƯƠNG III_PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG


CHƯƠNG III


Từ một lùm cây sát bìa khu rừng sim, tiếng con gái quát lên lanh lảnh:

- Ai đó, đứng lại!

- Người bên trại Mộng Bảo đây! Cúc hả? Nghe tiếng biết liền hà! Ở đâu thế, Cúc?... À, đây rồi! Ủa, sao vậy Cúc? Tại sao khóc vậy hả? Thường ngày Cúc chì lắm mà! Bữa nay sao kỳ vậy?... A, thế ra chuyện ba Cúc gặp tai nạn là có thật sao?...

Nằm phục vị trên bãi cỏ, dưới bụi sim xanh tốt, cô bé vùi mặt vào cánh tay. Hinh xuống xe chạy lại quỳ gối bên bạn.

- Sao? Câu chuyện xẩy ra như thế nào? Nói đi Cúc! Nói ra được thì đỡ khổ lắm! Nói đi Cúc!

- Trời ơi, anh Hinh! Rùng rợn lắm! Ghê lắm! Cúc phải ra đây vì ông bác sĩ không chịu cho Cúc ở trong phòng săn sóc ba. Trời ơi! Ba bị tai nạn kinh khủng lắm. Đã tỉnh lại rồi, nhưng... hai cẳng chân ba bị tê liệt hết. Bác sĩ Bích cho biết là không thể chữa khỏi được đâu, anh Hinh à!

- Cứ bình tĩnh đi Cúc! Bác sĩ Bích biết đâu lại không có lần lầm lẫn. Vả lại cứ khóc như thế thì bệnh tình của bác cũng có bớt được phần nào đâu.

Vừa nói, Hinh vừa cố cười vui. Cúc không khóc bao giờ. Giây phút này đứng trước cô bạn thân nước mắt ràn rụa, cậu trai nhỏ cảm thấy nao nao trong dạ.

- Phải! Anh Hinh nói đúng đó! Chị Mai sẽ ra đây bây giờ. Chị ấy về nhà nghe ngóng tin tức bệnh tình của ba đấy. Anh Hinh đừng nói là Cúc khóc nghe! Nhất là hai chị lớn Huệ, Trà mà biết được Cúc khóc thì xấu hổ lắm đấy. Các chị ấy sẽ chế riễu mãi cho coi.

- Ừ, Hinh hứa với Cúc sẽ không nói gì hết đâu. Nhưng Cúc chùi mũi, lau nước mắt đi đã chứ!... A, đây chính cây xoài này, khi đổ đã gây tai nạn làm bác bị thương phải không?

Cúc vừa lấy mùi soa lau mặt vừa nói:

- Ừ, đúng rồi! Cả cái thân vĩ đại đó đổ ụp lên xe ba. Sáng nay các công nhân tới kéo chiếc xe ra được rồi. Mấy bữa nữa họ sẽ cưa dần thân cây và lấp lỗ hổng kia đó.

Hinh nhíu nhíu đôi chân mày, gật gật đầu:

- À, thế ra Cúc không biết làm gì khác hơn là lò mò tới đây để... khóc cho đã? Lạ quá! Từ xưa đến nay có bao giờ thế đâu nhỉ? Tới đây, lủi vào đám cây, nằm bò ra khóc sướt mướt. Thử hỏi như vậy thì bệnh tình của bác liệu có đỡ được chút nào không? Cúc là một trong những nữ tứ tử, đội nữ binh can đảm nổi tiếng trong vùng xưa nay mà.

Cúc buồn rầu:

- Anh Hinh chưa hiểu! Chỉ có hai chị lớn là được phép ở trong phòng săn sóc ba mà thôi. Cúc và chị Mai thì bị đuổi ra ngoài. Buồn quá Cúc mới ra đây! Và còn một lý do nữa.

- Lý do nữa? Lý do gì?

- Chị Mai và Cúc mới khám phá ra được một cái này lạ lắm, hay lắm anh Hinh! Chưa nói cho ai biết đâu. Còn giấu kín lắm. Cúc cứ phải nấn ná quanh quẩn đây là để coi chừng cái đó đó.

Hinh nhẩy chổm lên:

- Thật hả? Khám phá ra cái gì? Cái gì thế hả Cúc? Nói cho tôi biết coi. Sợ gì!

- Đối với anh Hinh, Cúc có ngại gì, sợ gì đâu! Cúc biết chắc là anh Hinh sẽ giữ bí mật cho tụi này mà. Không chừng anh còn có thể giúp tụi này một tay được là khác. Đi lại đây, Cúc cho coi.

Nắm cánh tay Hinh, Cúc dẫn bạn tiến lại gần cây phượng hoa vàng. Tới nơi, cô bé cào đất, gạt ra một bên để lộ mặt phiến đá hoa cương.

- Coi kỹ đi này anh Hinh! Anh đọc cái chữ ký đó đi!

Hinh trợn tròn đôi mắt:

- Lầm-Chí-Khả! A! Lạ quá! Có thật chữ ký của Lầm-Chí-Khả đây không? Có thực vị đại hải khấu đó đã khắc chữ ký của mình vào phiến đá này không?

- Lại còn không thật nữa. Anh Hinh có thấy hàng chữ số đề năm không? Cúc tìm thấy ở trong cái hố dưới gốc cây xoài cổ thụ đổ đó. Bùn đất, lá cây lâu ngày phủ kín hết. Chị Mai và Cúc phải cạo chùi mãi mới thấy mặt chữ xuất hiện đấy. Toàn chữ nho không hà! Chỉ có chữ ký bằng chữ Việt nên đọc được và con số ghi năm: 1916.

- Rồi Mai, Cúc dám khiêng đem tới cất giấu tại đây? Không sợ tụi thày mo và các tín đồ vẫn sùng kính thần linh nổi giận sao?

- Có ai trông thấy đâu! Giấu ở đây mới kín. Vả lại để ở đây chắc chắn hơn, khỏi bị các chị lớn cái gì cũng xía vô rắc rối lắm. Rồi phiến đá lại nặng ghê hồn. Khiêng đi khiêng lại cồng kềnh thì lộ hết trơn còn gì. Anh Hinh nhắc thử coi.

Cậu trai đưa tay nhắc thử:

- Ý! Cúc nói đúng! Nặng lắm!... Cụ già Lầm-chí-Khả ghê gớm thật!

Ngay lúc đó chợt có tiếng xe gắn máy nổ bình bình và tiếng huýt gió ngân dài. Hinh ngẩng đầu lên lắng nghe, vẻ mặt lo lắng. Cúc nói ngay:

- Chị Mai đấy! Nghe huýt gió là Cúc biết liền. Chị Mai đem tin ở nhà ra đó.

Tiếng lá cây sột soạt, tiếng xe tắt máy dựa vào thân cây. Thời gian ánh chớp, một mái tóc đen mịn, dợn sóng tự nhiên xuất hiện giữa đám lá cành xanh tươi. Cúc hối hả:

- Thế nào? Có tin tức gì lạ không?

Tiếng cô chị làu nhàu:

- Cái ông bác sĩ khó tính ấy đâu có cho chị vào gần ba. "Để người ốm yên tĩnh nằm nghỉ! Ra, ra hết!" Ông ấy cứ la thế hoài, chỉ có hai chị Huệ, Trà được phép luân phiên vào trông nom ba cùng với chị Dung thôi.

- Ba có đau nhiều không?

- Không! Bác sĩ Bích nói chị em mình có thể yên tâm!... Tia mắt sắc bén của cô chị hết nhìn cậu trai tên Hinh lại tới phiến đá lồ lộ dưới ánh mặt trời, A! Trong khi chị không có mặt ở đây, Cúc đã...

Cô em út nhìn chị, sắc diện bình tĩnh như không:

- Ừ, đúng đó chị Mai! Cúc đã kể hết chuyện cho anh Hinh nghe rồi. Anh Hinh là bạn thân của chúng mình, sợ gì! Vả lại, ba người hợp sức với nhau vẫn hơn hai chứ!

- Mai cứ yên trí! Tôi xin hứa là sẽ giữ tuyệt đối bí mật. À, cái di vật của vị đại hải khấu này chắc thế nào cũng có nhiều sự kỳ dị. Có thể là một vật dùng để thông báo tin tức gì đó, một điều chỉ dẫn không chừng. Đáng nghi lắm, Mai, Cúc nghĩ coi: phiến đá được chôn sâu dưới đất đã hơn một nửa thế kỷ.

Mai băn khoăn nét mặt:

- Nhưng... chỉ dẫn gì? Tin tức gì lại viết chữ nho, khó hiểu thế này thì làm sao mà...

Hinh cúi xuống nhìn chăm chú:

- Phải rồi, vào thời kỳ đó, người Việt mình còn dùng chữ Nho nhiều lắm. Cụ Lầm cũng có ý khắc bằng chữ nho, để lỡ có ai đào được cũng chỉ tưởng là một cái mộ bia mà thôi.

Cô gái vẫn nhăn mặt:

- Ai đào được chưa biết. Chỉ biết rằng hiện giờ chúng mình cũng đang bị bí cái đã.

Hinh bỗng khẽ đập tay vào trán:

- A! Tôi nghĩ ra rồi! Ồ, may quá! Ba má tôi có quen một cụ đồ nho ở trên Liên Khương. Cụ đồ Khải! Ừ, tốt quá! Cụ giỏi chữ nho lắm. Mà cụ bà lại có tài tráng bánh cuốn ăn với đậu rán ngon lắm. Để bữa nào tụi mình phóng xe lên Liên Khương thăm cụ, ăn bánh cuốn ngon. Rồi nhờ cụ ông đọc hộ, giải nghĩa dùm cho.

Cúc lắc đầu quầy quậy:

- Không được đâu anh Hinh! Như thế thì lộ bí mật hết trơn rồi còn gì.

- Yên trí đi Cúc. Tôi cũng khôn lắm chứ. Chúng mình sẽ đi làm nhiều lần. Mỗi lần chỉ chép một hoặc hai ba chữ thôi. Và giấu kín không nói cho cụ đồ Khải biết là những chữ ấy ở đâu mà ra. Như vậy, cụ sẽ không nghi ngờ gì hết.

Cúc nhìn chị ngầm hỏi ý kiến. Mai gật đầu:

- Ừ, ý kiến của Hinh hay đấy! Chúng mình thực hành ngay đi.

Hinh móc túi áo lôi ra cuốn sổ con và một mẩu bút chì. Cậu trai tinh ranh lấy một chữ ở hàng đầu, một chữ ở giữa phiến đá, một chữ ở giòng cuối cùng, ghi cẩn thận không thiếu một nét.

- Rồi, bây giờ Mai, Cúc mỗi người một tay, cùng tôi bới đất lấp phiến đá quý này đi. Xong còn lên đường thẳng tiến Liên Khương. Mau lên!

Nửa giờ sau, hai chị em Mai, Cúc, một xe gắn máy, Hinh một xe, đã ra tới đường cái nhựa, nhằm hướng Liên Khương trực chỉ...

... Hinh tắt máy đậu xe trước một gian hàng xinh xinh, tường quét vôi vàng, cửa ra vào, cửa sổ sơn màu xanh lạt.

- Đây rồi. Xuống xe!

Qua ô cửa bên trên có tấm biển gỗ kê hàng chữ lớn màu đỏ:"Bánh cuốn nóng", ba người bạn nối gót nhau bước vào.

Hinh cất giọng vui vẻ:

- Đây, thưa hai cụ, cháu giới thiệu với hai cụ cô khách hàng thích ăn bánh cuốn đây ạ!

Cụ đồ Khải vui vẻ nhìn Hinh và Mai, Cúc:

- Ba cháu ngồi đi, ngồi đi! Để tôi bảo bà nhà tôi dọn bánh nóng các cháu ăn.

Mai đưa mắt nhìn quanh nhà, vẻ mặt ngạc nhiên, khẽ hỏi Hinh:

- Nhà cụ đồ Khải vắng quá! Hai cụ không có con cháu gì sao?

- Không! Ông cụ bà cụ ở ngoài Bắc di cư vào đây đã lâu lắm rồi. Cụ đồ chỉ có mỗi một người cháu trai họ xa hiện đang dạy tại trường Trung Học ở đây thôi.

Trong khi hai cô bạn gái vui vẻ ăn bánh cuốn nóng chả lụa, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon, Hinh móc mảnh giấy, trên đó cậu đã "vẽ" mấy chữ nho ra hỏi cụ đồ Khải:

- Thưa cụ, cụ làm ơn đọc và giảng nghĩa cho cháu mấy chữ này. Cháu chép từ một món đồ cổ ra đó thưa cụ!

Cụ đồ Khải gài cặp kính lão lên mắt, cúi đầu trên mảnh giấy:

- À, à! Ba chữ này có nghĩa là: "chỗ", "kho tàng", và "đếm"... Dễ mà có khó gì đâu. Chắc cháu ghi ở một cái đĩa hay cái chóe cổ nào đó phải không? Trên nhiều món đồ cổ, có khi người ta ghi cả một bài thơ hay lắm!

Hinh vội trả lời cụ cho xong:

- À, thế ạ! Mấy chữ này cháu thấy hay hay nên muốn biết nghĩa chút thôi. Cám ơn cụ nhiều lắm.

Cúc đứng lên:

- Thôi chúng cháu xin phép hai cụ ra về. Cụ cho tính tiền bánh. Chà, ngon quá! Lần sau ....

Cụ đồ Khải có vẻ không bằng lòng:

- Ấy! Không có tiền nong gì hết. Lần đầu tiên các cháu đi với cháu Hinh lên đây ăn bánh của già, già quý hóa lắm. Hà! Hà! Hai cô bé trong "nữ tứ tử" của ông chủ trại mía Ngọc San đây, ngoan lắm. Lần sau, lần sau lên đây già sẽ bảo bà cụ làm ngon hơn các cháu ăn. Rồi lúc đó tính tiền cũng được mà.

Hinh cười vui vẻ:

- Vậy chúng cháu cám ơn cụ đồ. Hai cô bạn cháu đây rất thích thú khi được lên đây ăn bánh của hai cụ. Mấy bữa nữa chúng cháu lại lên.

Ba người bạn dắt xe ra nhẩy lên đạp cho máy nổ. Trong khi cậu trai nghĩ đến chuyện phiến đá bí mật rồi đây chắc hẳn sẽ còn nhiều cái bất ngờ thú vị thì Mai, Cúc lạ bâng khuâng nghĩ đến người cha thân yêu hiện  đang bệnh hoạn. Hai em thấy trong lòng rưng rưng muốn khóc. Xe càng về gần Đức Trọng, Cúc Mai lại càng buồn rầu tự hỏi: "Không hiểu từ trưa tới giờ bệnh tình của ba có giảm bớt chút nào không?"

Khi hai chị em vào đến hàng ba đã thấy Trà ngồi viết cắm cúi trên bàn. Thấy hai em, cô gái ngẩng lên mừng rỡ:

- Ba tỉnh táo lắm rồi và đang hỏi các em đấy! Đi đâu mà mãi bây giờ mới về thế?

Cúc nói dỗi:

- Đi xa lắm! Chị cũng mong thế mà, phải không?

Trà cười ròn rã:

- Thôi đừng giận nữa mà! Trong khi các em đi vắng, ở nhà đã phải đưa ba ra nhà thương để chụp hình chỗ chân đau ấy. Mai, Cúc ở nhà chỉ tổ quẩn chân mà thôi. Ngày mai chắc sẽ biết được bệnh trạng khiến ba phải nằm liệt giường đấy.

Chưa kịp nghe hết, hai cô bé đã lao người chạy về phía cầu thang. Mở cửa, mới bước vào, Mai, Cúc đã chạy ùa lại choàng tay ôm lấy người cha yêu quý:

- Ba! Ba ơi! Ba khỏe không ba?

Ông Ngọc San mệt nhọc đưa mắt nhìn hai con út:

- Đừng lo gì hết nghe các con! Rồi thì cũng khỏi dần. Thôi các con ra ngoài cho ba nằm nghỉ, nghe!

Trà đứng chờ sẵn ở ngoài. Cô khoác vai hai em. Cả ba chị em xuống cầu thang. Đặt chân lên hàng ba, Trà khẽ bảo hai em:

- Hai em thấy không? Ba còn yếu lắm. Nhưng chị tin chắc là được săn sóc cẩn thận, ba cũng sẽ mau lành lắm. Các em phải ngoan cho các chị đỡ mệt nghe không. Ngày mai các em phải đi học hả?

- Đúng đó chị Trà! Đi học về, chị cho chúng em giúp chị một tay trông coi săn sóc ba, nghe!

- Không được đâu! Ba muốn rằng các em chỉ có một việc là học thôi.

Hai cô gái vừa định làm mặt giận, thì Trà đã khẽ đẩy cả hai vào hàng ba:

- Thôi đừng giận nữa mà! Đi ăn cơm đi!

Cô chị vừa đi khuất đã thấy bóng chị người Thượng tên Dung xuất hiện phía cuối hàng ba. Chưa thấy rõ người đã nghe tiếng chị oang oang:

- Ghê quá! Hai em đi đâu bây giờ mới về hả? Chị Dung nghe có người nói hai em phóng xe đi Liên Khương cùng với đứa con trai út ông Mộng Bảo phải không? Chị Dung giận lắm à nghe!

Cúc hậm hực:

- Thì mọi người cứ đuổi chúng em quầy quậy không cho ở nhà săn sóc ba thì chúng em phóng xe đi chơi với trò Hinh con ông Mộng Bảo. Có gì là "ghê" kia chứ, chị Dung! Chúng em cũng lớn rồi chớ bộ!

Chị "dú" vẫn lạnh như tiền:

- Ba đang đau ốm thế mà bỏ đi chơi. Mà lại đi thật xa nữa chứ!

Mai bây giờ mới lên tiếng:

- Chị cứ hay nói quá, chị Dung! Trong khi chị lo thuốc uống, thuốc xoa cho ba thì chúng em cũng cặm cụi làm việc có ích cho mọi người trong gia đình chứ có đi chơi không đâu.

Cúc reo lên:

- Đúng như thế! "Chỗ" này, "kho tàng" này, rồi "đếm" này. Đó, kết quả làm việc của chúng em bữa nay đó. Một vài chữ nữa thôi là chúng em sẽ khám phá ra điều bí mật tại trại nhà mình cho chị Dung coi.

Chị Dung giương tròn đôi mắt ngạc nhiên xen lẫn đôi chút băn khoăn nhìn hai cô tiểu chủ:

- Quái thật! Hai em bữa nay nói năng cái gì mà lạ thế? Chị nghĩ rằng Cúc, Mai có lẽ cũng đau ốm như ông rồi đó!

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>