Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Xuân Làng Em


Những buổi mùa Đông về, và gió Xuân cũng buốt lạnh, em theo mẹ đi gom lá ngoài đìa Mương. Trời rét cóng người. Em bíu chặt tay vào vạt áo nhung của mẹ.

Lá dong, mẹ em hái vào đầy thúng rồi mẹ em một gánh em một gánh đi về. Gánh của em chỉ vợi có nửa thúng mà sao em gánh thấy nặng ghê! Chả bù cho mẹ, gánh của mẹ có ngọn nữa cơ mà mẹ đi đon đả như không vậy thôi. Lá dong tụi em đem rửa sạch rồi rọc bớt cành cộc đi, rồi cho vào nồi luộc sơ một lần để chỉ chờ mẹ vớt ra là gói mà thôi. Lá, củi sẵn rồi. Giờ tụi em quây quần bên mẹ và chú Luồi xem gói bánh. Lá dong mẹ phết mỡ vào rồi, cứ hai phần nếp thì một phần đậu xanh và một phần thịt mỡ gói chung với nhau, rồi thắt dây lạt buộc bên ngoài.

Những gói bánh được xếp vuông vắn này (được tượng trưng cho đất, vì ngày xưa, dân nước ta cứ tin, quả đất vuông như chiếc hộp cơ mà!) được cho vào cái nồi to mà cao đặt ở giữa sân. Chú Luồi cầm que gạt tro than ra, rồi cầm đôi đũa tre cứng, dài cả thước thả bánh vào nồi nước đang sôi sùng sục. Gió Xuân xa thổi về, tụi em ngồi sát vào lò lửa tìm hơi ấm.

Những ngày cận Tết sao mà vui quá! Bánh chưng nấu tới hai đợt. Đợt nhất nấu hôm hăm tám Tết, năm ngày cách ông Táo về trời, tụi em lúc đó cứ hát vang lên một bài như thế này:

"Cu kêu ba tiếng cu kêu
cho mau đến tết dựng nêu ăn chè"

Em được mẹ phát cho một cặp bánh chưng và một quả dưa đỏ bưng qua nhà thầy, em rủ con Thúy đi theo, bằng đò. Tụi em đi đò chèo chứ không đi đò máy. Sóng nhồi, nước lớn, thuyền bị đẩy tới đẩy lui, nước lớn nên lục bình bị nhồi xa, không còn một chòm nào nữa hết. 

Cặp bánh chưng, quả dưa hấu đỏ sao mà ý nghĩa quá.

Em cùng con Thúy chạy vô rừng tìm thổ lan, hoa này dễ kiếm nhất, bông màu tím nhạt, có mùi thơm nhè nhẹ. Em buộc nguyên chùm vào dây lạt bánh chưng rồi hai đứa lần theo đìa Mương đến nhà thầy. Nhà thầy tuy cách ngôi miễu chừng ba bốn trăm thước mà em cũng ngửi thấy mùi hương trầm bay xa, mấy tràng pháo đại nổ, xác giấy tung lên đỏ ối, to như pháo ống lệnh, thích ghê!

Rồi hôm hăm chín, mẹ đáp chuyến xe đò lên tỉnh mua mứt, vải hồ thơm, và không quên mua cho chúng em mỗi đứa một bao pháo chuột đủ màu.

Vải hồ thơm mẹ may mỗi đứa một bộ quần áo Tết. Còn pháo, mẹ đem phơi nắng cho dòn, thế mới kêu to, mới vui. Bánh chưng hôm giao thừa là đợt cuối cùng, nằm trên võng nghe chú Luồi kể chuyện "chùa bà Đanh", "ma ném đá", "khứu giác" của em tự nhiên cứ hít lên hít xuống, em lấy đĩa sắt đỏ chạy xuống bếp xin mẹ tí cá sặc kho, cá kho chế nước màu nâu ăn với cơm nguội sao ngon lạ!

Mùa Xuân mang cho em niềm vui, nhưng những ngày đó vì em còn nhỏ quá "nên không  biết ghi và ngày nay thì không nhớ hết" (Thanh Tịnh), nhưng mùa Xuân xa xưa nào làm cho em quên được đâu. Những chiều hăm tám Tết đi biếu Tết thầy cặp bánh chưng, quả dưa đỏ. Đi hái lá dong, đi nhặt củi, rọc lá, nghe chú Luồi kể chuyện, hoặc khi tự tay em cầm cây nhang châm vào viên pháo chuột. Em chỉ nhớ đại khái là như thế đó. Và em không biết rằng con Thúy bây giờ còn nhớ em nữa không? Con gái mà nghịch ngợm, dám đốt pháo trong lớp, đứng lên ghế chọi giấy, bắn bì với nhau bị thầy bắt phạt nằm sấp trên bàn phết cho mười roi, hoặc bắt phạt quỳ mà vẫn không chừa.

Nhưng em biết nói làm sao cho hết, nói làm sao cho trọn, ghi làm sao cho đầy những thương nhớ vu vơ của em mọc cánh bay về bên Thúy, hay gửi những mùa Xuân xa xưa, những tâm tư non nớt của em. Thuở đó, tuổi em chỉ đầy những hoa bướm, những ngày chúng em cùng hái lan rừng, hoa mua, hoa nổ hay hoa cúc ổi mà cài lên mái tóc cho nhau. Và mùa Xuân đó đã cho em thêm một tuổi, em đón nhận bằng những vô tư, những hồn nhiên mà không ưu phiền, không luyến tiếc ngẩn ngơ.

Mùa Xuân cho em biết cười, biết khóc, biết thương yêu vu vơ.

Nhưng mùa Xuân xa xưa ơi, xa quê em rồi, xa nơi mà em sống từ thuở còn dăm ba tuổi, còn bập bẹ mấy tiếng "má, ba" làm cho hồn em thương nhớ quá!

"Người ơi! Một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa. Người ơi! Còn nhớ mãi tiếng ru êm đềm buồn trong ca dao. Còn đó tiếng tre êm ru, còn đó con diều vật vờ. Còn đó... nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa. Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào, thời nào vàng bướm bên ao..."

Vâng! Em còn nhớ. Thuở vàng son đã không còn. Nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa.


TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Nhâm Tý, 1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>