Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Xuân Hờn

 Anh Thạch đứng bên này rào, nhìn qua sân nhà kế cận. Ở đó, mùa Xuân hiện diện với bao nét xinh tươi: Hai bên lối vào, trên bồn, trong chậu... chen với cỏ non, đủ các loại hoa đua nhau điểm tô những màu rực rỡ. Một làn gió nhẹ, từng đóa nghiêng mình làm dáng, sắc tím, sắc đỏ... lung linh như cười vui trong nắng ấm chan hòa. Mấy con bướm say hương chập chờn đôi cánh mỏng, len lỏi từ cụm lan nầy sang khóm cúc kia. Một đôi chim chìa vôi bay đáp lên cành mai phơ phất, làm mấy cánh hoa vàng rơi rụng. Có lẽ cũng thích thú nhiều trước cảnh đổi mới của thiên nhiên, chúng cất tiếng hót véo von hòa điệu với tiếng ca mừng của đồng loại vang vang đây đó. Chúng nhảy chuyền khắp cành, xòe đuôi chớp cánh múa may, chẳng khác một đôi vũ công điêu luyện...

Anh Thạch mải mê nhìn, như chưa từng trông thấy cảnh đẹp ấy bao giờ. Giá thử đó là một bức tranh, anh không ngại vói tay kéo lại gần ngắm cho tường tận. Giữa lúc ấy, một thiếu nữ từ trong nhà bên kia xách giỏ bước ra bắt gặp, cười hỏi:

- Ồ, anh Thạch, đứng ngắm cái gì mà trân trối thế?

Anh ngẩng lên, cười bẽn lẽn:

- Thấy hoa bên nhà Hương nở đẹp quá, tôi nhìn trộm một chút chơi ấy mà... Còn cô, xách giỏ đi đâu đấy?

Thiếu nữ tên Hương đáp:

- Hương đi mua thêm hoa quả cúng "rước ông bà". Phần anh đã lo mua sắm gì chưa?

Anh Thạch lắc đầu:

- Chưa và chắc chắn là không cô à. Thân đơn độc, lại thêm có nhiều chuyện buồn, tôi không muốn ăn Tết chút nào cả. Thú thật với cô, hiện giờ trong nhà tôi chẳng có lấy một chiếc bánh, một đĩa mứt.

- Ô, thế khi có khách viếng nhà chúc Tết, anh lấy gì đãi? Không lẽ mời họ uống nước lã?

- Thôi đừng nhắc tới chuyện đó Hương ạ. Tôi mà làm gì có khách. Hơn một tháng nay, những người quen biết, trong số đó có cả cô nữa, chẳng ai thèm đặt chân vào nhà tôi hết mà!

Cô Hương bước lại gần bên rào:

- Có lẽ vì vậy mà anh buồn? Nhưng, xin anh hiểu cho, sở dĩ mấy lúc gần đây mọi người ngại đến thăm anh, chỉ vì nhà anh có vẻ khác thường quá đó. Hương nói thật mong anh đừng giận, vào chơi nhà anh, ai cũng có cảm giác rờn rợn thế nào. Nếu sự khác lạ ấy mất đi, hàng xóm láng giềng sẽ không tránh mặt anh nữa.

Im lặng giây lát, cô nói:

- Thôi Hương đi đây. Anh có rảnh sang nhà Hương chơi nhé.

Đoạn cô bước ra đường, tà áo mới bay bay trong gió, góp thêm một nét đẹp cho trời Xuân.

Anh Thạch trông theo một lúc, rồi buồn rầu quay nhìn lại nhà mình. Đúng như lời cô Hương vừa bảo, ngôi nhà và khu vườn nho nhỏ của anh quả nhiên đầy vẻ khác thường: Ánh nắng trở nên vàng vọt. Màu sắc tươi sáng tan biến đâu cả. Sự lạnh lẽo bao trùm khắp nơi. Mọi vật mang một bộ mặt ảm đạm. Ngôi nhà cao ráo sahc5 sẽ, nhưng bóng tối lan tràn. Cửa sổ, cửa cái nhìn ra đường như những con mắt sâu quắm. Mái ngói loang lổ rêu xanh. Bên vách, mấy sợi cỏ leo cố bám bò lên, nửa chừng đã ngả ngọn phất phơ trong gió buốt. Ngoài vườn sương dăng màn, cây cối đứng xơ rơ. Dừa cau rũ rượi. Quít cam đã hái hết quả còn trơ lá cành, âu sầu đứng cạnh những bụi chuối xụ tàu, nghiêng ngả. Ao nước phẳng lặng, không một cánh sen, không một bông súng. Thỉnh thoảng một con cá nhỏ nhoai mình lên mặt nước đớp mồi, tạo nên những vòng tròn lan dần ra, rồi phẳng lặng trở về phẳng lặng. Trước sân cỏ hoang tranh nhau từng khoảnh đất, lần ra cả lối vào. Kìa cũng có một gốc mai, nhưng cằn cỗi khẳng khiu, lá già đã rụng nhiều, mầm non lại không thấy mọc, hoa không thấy trổ. Trong chậu, mấy bụi vạn thọ, mào gà héo úa xác xơ... Khó chịu nhất là sự lặng lẽ. Dù đã chịu đựng qua nhiều ngày, nghe yên vắng mãi, đôi lúc anh Thạch cũng rợn người. Tiếng gió lướt, tiếng lá rợi, tiếng thạch sùng chặc lưỡi cũng nghe rõ mồn một. Chim chóc lẩn tránh nơi nào, sao không thấy nhảy nhót trên cây? Bướm ong ở đâu mà chẳng còn bay lượn bên bờ rào, quanh bụi cỏ? Cảnh vật buồn tẻ tựa hồ một vùng đất chết. Cô tịch, đìu hiu chứa chấp cả trong nầy. Mùa Đông như ngự trị mãi ở đây.

Sự khác thường đó xuất hiện đã lâu rồi, nhưng đến hôm nay Thạch nhận thấy một cách rõ rệt. Thật kỳ dị, nó đối chọi hẳn cành tươi mới ở xung quanh do mùa Xuân trở về tô thắm. Chúa Xuân quên lửng hay ngại bước vào khoảnh đất của anh? Không thể bảo là tại vì anh chẳng sửa soạn. Trước Tết, anh đã lo sơn quét cửa nhà, phát cỏ, trồng hoa ở khắp nơi để đón Xuân. Nhưng ít hôm sau, rêu mốc ở đâu bay đến bám đầy vách nhà, cỏ lại mọc phủ sân, số hoa anh khổ công trồng chết đi một nửa, số còn lại vẫn lớn lên song không nở một bông nhỏ nào.

Tự nhiên anh Thạch thấy sợ sệt. Lâu nay người ta đồn nhà anh là hang ổ của ma quái, quả đúng chăng? Bây giờ cứ để mặc vậy? Không, anh phải làm sao xóa sạch quạnh hiu, đem sự tươi sáng ấm cúng lại cho cửa nhà. Không khí ngày tết phải đến cùng anh, tràn ngập từ trong nhà ra tới ngõ mới được.

Nghĩ vậy, anh Thạch vào nhà thay áo đi xuống chợ. Anh tìm mua bốn năm chậu hoa đủ loại, một bó mai đơm bông, và nhờ người mang hộ về. Sắp các chậu hoa nầy dài theo hàng ba, anh đứng ngắm nghía, lòng lấy làm thích: Đây, hoa Xuân nở rộ trước nhà anh, chúa Xuân không trốn lánh anh được nữa. Có thế chứ!... Sau đấy, anh bước vô trong đem bó mai cắm vào chiếc lục bình cổ, đặt giữa bàn. Cả gian phòng bỗng sáng đẹp hẳn lên. Bóng tối như lùi lại. A, Xuân đã lần bước vào đây rồi! Anh Thạch sung sướng quá. Như mọi nơi, nhà anh vừa khoác một bộ áo mới. Mai mốt khách khứa sẽ lũ lượt kéo tới thăm viếng, chúc Tết anh như mấy năm qua. Anh sẽ không còn cô độc. Nở một nụ cười tươi tắn nhất anh thấy lòng rộn vui.

Nhưng sao vậy? Thình lình mặt anh Thạch biến đổi: vẻ đắc ý đột ngột tan biến, thay bằng nét kinh dị. Ô, mà anh sửng sốt là phải! Kìa, bao nhiêu hoa mai bỗng nhiên theo nhau lìa cành rơi lả tả xuống mặt bàn, mặt đất, như có một bàn tay vô hình tinh nghịch ngắt tất cả vứt đi. Bó hoa sum suê ban nãy, trong thoáng chốc chỉ còn trơ trọi những cành. Qua phút ngạc nhiên, anh Thạch thấy lòng tràn trề thất vọng. Anh nhặt từng cánh mai lên mân mê luyến tiếc. Chợt anh nhìn ra hàng ba. Thôi, lại nữa! Mấy chậu Lan, Cúc, Thược dược vừa mua mới đây còn tươi mơn mởn, ngờ đâu đã đồng một lượt tàn úa cả rồi kìa. Hiện tượng xảy ra thật lạ lùng kỳ quặc. Ma quái lộng hành chăng?

Sự thật, ấy là do mùa Xuân đã nhất quyết tránh xa anh Thạch. Anh có đem hoa vào nhà, lùa bướm vào sân, rồi hoa cũng héo úa ngay, bướm cũng bay đi ngay. Đâu có ai bắt buộc hoa phải nở, chim chóc bướm ong phải đến với mình được, một khi chúng không muốn. Nhưng vì lẽ gì Xuân lại kỵ nhà anh Thạch? Xuân hờn? Sao thế?

*

Anh Thạch là một nông dân trẻ tuổi cần cù. Sau nhiều năm làm lụng anh dành dụm được một số tiền, bèn bỏ ra mua đứt một miếng đất hoang của một điền chủ nọ, để làm của. Sau đó, anh quyết tâm khai phá miếng đất nầy, biến nó thành một vườn cây ăn trái từ lâu anh vẫn ước mơ. Công cuộc không phải là dễ. Nhìn qua mảnh đất, ai cũng thấy ngán. Cả một khu rừng con, với vô số cỏ cây hoang dại chen nhau mọc vượt cao quá đầu người. Đứng ở bên nầy, đố ai nhìn thấy được gì ở bên kia. Một miếng đất như vậy muốn dọn dẹp sạch sẽ hằn phải cần biết bao công lao và thời giờ. Nhưng anh Thạch không ngại, nếu ngại anh mua nó làm chi? Công khó ư? Sức lực của anh sẽ dư dùng. Thời gian ư? Chắc chắn là lâu lắc thật, song sự nhẫn nại anh nào thiếu? À, còn một điều đáng để ý nữa. Tại sao chủ miếng đất không mướn người khai phá lại đem bán rẻ cho anh? Nguyên, theo lời đồn đãi nơi nầy có "Bà" trấn giữ, kẻ nào động đến không bị "Bà" bắt trở nên điên khùng, cũng bệnh hoạn mà chết! Song anh Thạch chẳng tin dị đoan, lại thêm tính táo bạo gan góc, anh không sợ gì.

Thế là sáng một hôm anh Thạch vác phảng xách dao đến phát dọn miếng đất mới của mình. Công việc tuy khó nhọc nhưng không có gì trở ngại. Bụi rậm, gai góc cứ thu hẹp dần trước sự phấn khởi của anh. Trừ những buổi đi làm cho người khác để "châm" thêm hũ gạo ở nhà, ngày ngày anh lo khai hoang miếng đất. Không thấy anh bị "Bà" trừng phạt trái lại còn được hưởng lắm mối lợi bất ngờ: Thỉnh thoảng anh tìm thấy một tổ ong đầy mật. Lâu lâu lại có một con chồn từ trong bụi phóng ra để bị anh nắm đầu đem bán, hay làm thịt cùng bạn bè đánh chén. Những lần như vậy, thật anh vui sướng thích thú vô cùng.

Nhưng có một lần anh Thạch suýt lâm nguy. Trong lúc lom khom phát cỏ, anh đưa cù nèo, cái móc bằng nhánh cây, vẹt cỏ qua một bên, bỗng chạm phải vật gì mềm mềm. Thốt nhiên khóm cỏ lay động, một con rắn to bằng cườm tay phóng vụt ra, mổ vào chân anh. Hoảng hốt anh lật đật nhảy tránh, đoạn vung lưỡi phảng chém phập vào đầu con vật. May làm sao, trúng! Con rắn đứt đầu quằn quại một lúc rồi chết luôn. Nhìn kỹ lại nó, anh thất kinh: Mình có khoanh đen khoanh trắng, đúng là rắn Mái Gầm! Giống rắn nầy độc kinh khủng đi. Người nào bị nó cắn nhằm, mắt mũi lỗ chân lông đều tươm máu, chết tức khắc.

Sực nghĩ ra một điều, anh Thạch đập tay, bật cười. Phải đa, trước kia chắc có người đến dọn khu đất nầy bị rắn độc cắn chết, xóm giềng chẳng biết lại cho là bị "bà vật", và từ đó không ai dám bén mảng tới đây nữa, chớ gì. Đã vậy, người ta còn thêu dệt đồn rộng mãi, ai nghe mà chẳng sợ? Hiểu ra, anh thêm vững dạ. Tuy nhiên bắt đầu từ hôm ấy, anh đề phòng kỹ hơn. Gặp rắn rết, không để cho nó kịp tấn công mình, anh ra tay trước...

Ba tháng sau, miếng đất của anh Thạch thay đổi hẳn. Ai đi xa về bước ngang, phải lấy làm lạ. Ồ, một khu đất hoang vu ngày nào, bây giờ lại có thể trống trải sạch sẽ như thế sao?

Từ trước, anh Thạch xin cất nhà ở đậu nơi vườn người quen, nay anh dời sang đất mình, và tiếp tục đào mương xẻ rãnh miếng đất để về sau trồng cây lập vườn như đã định. Lúc nầy anh không làm việc lẻ loi. Thấy công chuyện của anh tiến triển một cách tốt đẹp, người trong xóm cũng sẵn lòng phụ giúp. Không có tiền mướn, anh nhờ họ giúp với giao hẹn vần công: Hôm nay chú Tư Lành, bác Hai Khỏe sang làm cho anh, mai mốt anh sẽ đến làm trả công cho họ, cứ thế.

Sự cần cù của anh Thạch không những khiến nhiều người mến phục thôi, mà hơn thế, nhiều loài vật cũng có cảm tình với anh nữa. Ở khu vườn bên cạnh, một hôm hoa Lài nói với hoa Phù Dung:

- Chị à, ông chủ mới của miếng đất kia giỏi giắn siêng năng quá nhỉ! Một tay ông ta khai hoang miếng đất, làm lụng hông biết mệt, nghĩ có tài không?

Hoa Phù Dung khẽ gật:

- Vâng. Điều đáng phục nhất là tuy cực nhọc, song ông ta vẫn luôn vui vẻ. Chị xem kìa, ông ấy vừa cuốc đất vừa ca hát om đó!

- Theo em, ông chủ trẻ nầy là một người hoạt động, vui tính, và... dễ mến.

- Hẳn vậy.

- Nhưng nầy, miếng đất của ông ta có vẻ khô khan làm sao ấy!

- Ờ nhỉ, đất mới chưa trồng trọt chi nên buồn tẻ thật.

- Chị nghĩ sao, chúng ta có nên giúp ông ấy trang điểm miếng đất cho thắm đẹp lên chăng?

- Chính em định bàn với chị điều đó.

- Thế à? Vậy mình hãy rủ các chị hoa khác nhờ gió đem mầm sang gieo bên ấy đi.

Trong lúc hoa Lài, hoa Phù Dung chuyện trò, mấy chú Bướm cũng thì thào với nhau những lời tương tự. Và kia, các nhạc sĩ dế đang sửa soạn di cư sang đất mới... Tất cả cùng muốn bày tỏ lòng cảm mến của mình đối với anh Thạch.

Và rồi vài ngày sau, khu đất nhỏ vừa mới khai phá xong ấy bỗng mọc đầy các loại hoa: Trên bờ có Nở Ngày, Hồng, Lan, Huệ... rực rỡ đua màu. Dưới ao có Sen, Súng... mủm mỉm khoe xinh. Khắp nơi, bướm vàng, bướm trắng nhởn nhơ bay lượn. Cảnh nhìn thật vui mắt.

Không chỉ thế thôi, khi các giống cây ăn trái được trồng lên, chim chóc từ mọi nơi lại kéo về, góp thêm sự nhộn nhịp. Trao Trảo, Dòng Dọc, Sáo, Cưỡng... đủ hình dạng, đủ sắc lông, từ sáng sớm đã nghe chúng ca hót vang vầy! Dưới nắng tươi, trong gió mát, chúng bay nhảy, ríu rít đuổi bắt nhau, phá tan bầu không khí u tịch.

Về đêm, có những vì sao rất nhỏ tìm đến soi sáng nơi nầy. Chúng nhấp nháy bay dật dờ khắp nơi, tạo cho bóng tối một vẻ đẹp huyền ảo. Những vì sao đó là những con đom đóm vậy. Trời đêm lại được sưởi ấm bằng tiếng dế ngân nga. Với một âm điệu thoang thoảng êm đềm, nó đưa hồn người lần vào cõi mộng.

Bướm, hoa, chim chóc... làm đẹp cảnh vật, và đem tới cho lòng anh Thạch một sự khoan khoái, vui thích. Nhờ vậy anh làm việc hăng hái hơn: Xẻ mương chia miếng đất ra thành từng bờ, anh mua cam quít về trồng vun bồi từng gốc. Công việc tiến triển nhanh chóng. Thường thường sau những lúc chăm lo cuốc xới, anh ngồi nghỉ dưới gốc cây, ngắm một cánh hoa tươi lung linh trong gió thoảng, nheo mắt nhìn một con chim nhỏ nhảy chuyền trên cành, thế là bao nhiêu mệt nhọc như tan biến mất. Anh lại vui vẻ tiếp tục việc làm.

Chẳng bao lâu mảnh đất của anh Thạch đã biến thành một vườn cây xanh tốt. Rồi cây trổ trái, anh hái bán đi, thu lợi khá nhiều. Qua vài năm anh đã có tiền mua sắm, sửa sang lại nhà cửa. Bấy giờ việc chăm sóc cây cối trong vườn anh không cần phải tự tay làm lấy. Anh mướn một đứa nhỏ lo hộ cho mình.

Từ đấy anh Thạch xa dần các bạn nho nhỏ của anh. Đó là những con chim, những đóa hoa, những cánh bướm... Ngày nào chúng đã giúp anh phấn khởi trong công việc. Giờ đây trong khi anh khá giả rồi, chúng vẫn sống lây lất ngoài vườn kia. Anh đã quên chúng, vì ngày nay chúng chẳng ích lợi gì cho anh hết.

Tệ hơn, một hôm bước ra vườn nhìn thấy một cây hoa mọc xen bên cạnh một gốc mận sai quả, anh Thạch giận dữ nhổ phăng vứt ra xa, càu nhàu:

- Để thứ nầy chỉ chật đất. Nó ăn hết phân của cây trồng.

Chợt ngẩng lên bắt gặp một con sâu nằm co trên lá mận, anh ngắt chiếc lá quăng xuống đất, chà nát con vật dưới guốc:

- Cho mầy chết! Cây cối còi cọc cũng vì mầy cả.

Đi thêm vài bước, đến gần một cây mãng cầu, thấy mấy trái chín bị chim ăn, anh gầm lên:

- Đồ quỉ! Mình phải gài bẫy bắt hết lũ chim nầy mới được.

Sau đó, đến chỗ ươm cây, lại có chuyện cho anh gắt:

- Giống dế mắc toi, cắn nát hết một cây nhãn vừa mới mọc rồi!

Dạo quanh một vòng, anh quay vào gọi thằng Tí, đứa nhỏ giúp việc, bảo:

- Tí à, thấy chim ăn trái cây nhặt đá chọi cho chết nghe không. Gặp bướm, gặp dế mầy cũng đập nát đầu cho tao.

Giữa lúc ấy, ngoài vườn chim chóc bướm hoa xôn xao than thở. Một chị hoa buồn bã nói:

- Các bạn xem, chúng tôi có choán bao nhiêu đất, trong khi phải tốn rất nhiều công khó để kết từng đóa hoa thơm. Vì yêu vẻ đẹp chúng tôi đành chịu lắm thiệt thòi. Vậy mà ông chủ vườn còn phiền hà nữa!

Các bướm cũng nói:

- Chúng tôi nào khác. Lúc còn là sâu chúng tôi ăn của ông ta hết mấy lá cây? Khi thành bướm, chúng tôi phải bay mỏi cánh, lượn khắp nơi để làm đẹp khu vườn, như thế chẳng bù được à?

Một chú chim lắc đầu:

- Chán thật! Trái cây đầy vườn chúng tôi chỉ hưởng qua một vài quả, ông ta đã đòi bắt đòi giết. Công chúng tôi mỏi miệng ca hót, ông ta bỏ đi đâu?

Một anh dế cất giọng lanh lảnh bực dọc xen vào:

- Còn chúng tôi, đêm nầy qua đêm khác không ngại mệt nhọc trổi nhạc cho ông ấy thưởng thức, rốt cuộc chỉ xin có mấy đọt non, ông ấy đã chửi rủa om sòm.

Bướm nói:

- Nhưng tại sao trước kia ông ta tử tế với chúng mình thế?

Dế cười nhạt:

- Bởi lúc ấy ông ta cần chúng mình... Nhưng nầy, các bạn thử nghĩ phải chăng hiện giờ chúng mình không cần thiết cho ông ta nữa?

Hoa bảo:

- Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy rời bỏ khu vườn nầy xem sao?

- Đồng ý, đồng ý!

- Phải! Nên đi là hơn.

Bàn định xong, liền đó các loại chim họ hàng nhà dế, tất cả ong bướm... cùng lặng lẽ kéo đi. Đồng thời, hoa trong vườn cũng rũ cánh, rơi rụng, hay héo úa dần.

Bỗng chốc khu vườn trở nên yên vắng đến kỳ dị. Màu sắc thắm tươi vụt tan biến cả. Cảnh tượng như một bức tranh đẹp bị bôi xóa bằng những vết mực thâm. Ánh nắng sợ hãi len lén bước ra xa, chỉ để sót lại một vài tia yếu ớt. Bóng tối, gió lạnh rủ nhau đổ xô về. Cây cối buồn rầu xụ lá.

Sự thay đổi ấy mỗi lúc một rõ rệt. Chiều lại, anh Thạch phải ngạc nhiên khi không nghe tiếng chim gọi nhau về tổ. Hoàng hôn ở thôn quê đã vắng lặng, riêng nơi nầy còn vắng lặng hơn. Đêm đến, anh lại cảm thấy thiếu mất một cái gì. Ngẫm nghĩ mãi, anh mới biết đó là tiếng dế. Tiếng nhạc nỉ non của loại côn trùng nhỏ bé nầy từ trước đến nay anh không hề để ý đến. Bây giờ nó bỗng im bặt, anh mới thấy cần. Không có tiếng dế, đêm im phăng phắc, lạnh lẽo, ghê rợn. Sự khác thường ấy khiến anh Thạch thao thức mãi. Nhiều lần anh nói to lên cốt xua đuổi bao nỗi sợ sệt vô cớ. Anh bước lại mở tung cửa sổ nhìn ra vườn. Ngoài kia, bóng tối dày đặc. Sao không thấy đom đóm bay nhởn nhơ soi sáng như mọi đêm? Các lùm cây tối om có hình dáng những con thú quái dị lớp nằm lớp đứng im lặng rình rập chung quanh nhà. Một cánh dơi bay vụt qua, làm anh Thạch giật mình đánh thót.

Nửa đêm, thằng Tí đang ngủ dưới nhà dưới vụt thét to, chạy đùi đụi lên, phóng lên giường anh Thạch. Anh nắm vai nó lay mạnh, hỏi:

- Làm cái gì vậy?

Thằng bé thở hào hển, đáp với giọng kinh hoảng:

- Ma! Nó kêu như con nít khóc.

Anh Thạch bật cười:

- Ma cái gì? Rõ ràng tiếng con mèo. Nó còn gào kia. Thôi trở xuống ngủ lại đi "thỏ con".

Tí nhăn mặt:

- Chú cho tôi ngủ luôn trên nầy thôi. Ở dưới tôi sợ lắm. Không hiểu sao đêm nay tôi thấy sợ sệt quá chừng.

Anh Thạch định bảo: "Tao cũng vậy", nhưng thôi. Anh cho phép thằng bé ngủ chung với mình, vì chính anh cũng thế.

Sáng dậy bước ra ngoài, anh Thạch mong tìm lại cảnh tươi sáng của bình minh, để xóa sạch bao nhiêu mệt nhọc sau một đêm khó ngủ. Nhưng anh thất vọng hết sức khi thấy vườn nhà vẫn lặng lẽ, cỏ cây đứng ủ rũ trong sương mù. Cố lắng tai, anh vẫn không nghe tiếng chim ríu rít đón chào nắng mới. Cố đưa mắt nhìn khắp mọi nơi, anh vẫn không tìm được một đóa hoa, một cánh bướm nào...

Sự lạ lùng ấy cứ kéo dài từ ngày nầy qua ngày khác. Được ít hôm, thằng Tí đã kinh sợ bỏ trốn. Anh Thạch tìm mướn đứa khác, nó cũng không chịu nổi, xin thôi. Rốt cuộc anh phải sống lẻ loi, làm lụng lấy một mình. Đã thế, người ta còn đồn đãi, cho rằng nhà anh có ma, thêu dệt ra đủ chuyện. Dần dần bạn bè, người lối xóm, chẳng ai dám bước chân đến nhà anh nữa. Nhiều lúc anh buồn chán vô cùng.

Rồi Tết đến. Trong khi các nơi cảnh vật tưng bừng với không khí ngày Xuân, khu vườn của anh Thạch vẫn chìm trong lặng lẽ, u tối. Anh muốn thay chúa Xuân đem tươi vui đến nhà, cũng không được. Nhìn người, xem lại mình, anh thêm buồn tủi. Có lẽ anh phải sống cô độc mãi giữa khu vườn tẻ ngắt nầy chăng?

- Nầy các bạn, lạ chưa, tại sao khu vườn nầy không có dấu vết chi của mùa Xuân cả?

- Ồ, thật vậy, vắng lạnh đến rùng mình!

- Chúng ta thử vào trong xem.

Anh Thạch đang ngồi đăm chiêu hút thuốc trên bộ ván, bỗng nghe có tiếng người xôn xao bên ngoài. Anh đứng dậy mở cửa bước ra thì thấy một tốp năm người nam có nữ có, kẻ xách đàn người mang trống, kéo nhau vào sân. À, thì ra đây là một ban nhạc. Họ đi đâu thế? Một người độ chừng là nhạc trưởng tiến lại gần anh Thạch cúi chào:

- Thưa, có phải ông là chủ khu vườn nầy chăng?

Anh gật đầu:

- Vâng.

- Xin lỗi ông, chúng tôi mạn phép vào đây vì nhận thấy khu vườn có nhiều điểm khác lạ. Vì sao nó lại có vẻ tương phản với cảnh tươi mới của ngày Tết ở xung quanh thế, hở ông?

Do dự một lúc, anh Thạch nói:

- Cũng tại tôi. Trước kia tôi có đối xử không tốt với hoa bướm chim chóc trong vườn, nên chúng hờn dỗi bỏ đi cả đấy. Và hôm nay, Xuân về khắp chốn, nhưng riêng nhà tôi thì lại bỏ qua!

- A, đúng rồi! Hoa, bướm, chim chóc tạo nên mùa Xuân. Ông đã khiến chúng giận hờn, thì làm sao tìm thấy mùa xuân được? Song thiếu Xuân ông thấy thế nào? Vẫn vui?

- Không, trái lại tôi rất buồn, rất khổ, và hối hận đã làm hoa, bướm phiền lòng.

- Nghĩa là bây giờ ông mới biết hoa, bướm, các loại chim... rất cần cho ông? Ông muốn chúng trở lại với ông chứ?

- Vâng, muốn lắm. Nhưng không biết làm sao...

- Chúng tôi sẽ cố giúp ông. Chỉ mong từ nay ông đừng đối xử bạc bão chim chóc, hoa bướm nữa. Các "nghệ sĩ" nho nhỏ nầy mang sự đẹp đẽ tươi vui đến vườn ông không phải vì muốn hưởng lợi đâu ông ạ. Một ít đất, vài chiếc lá, đôi ba trái cây... đâu đủ bù đắp công khó của chúng?

Nói đoạn, nhạc trưởng quay lại bảo các bạn:

- Nào chúng ta hãy đàn hát lên, mời Xuân về đây đi.

Lập tức, một điệu nhạc vui tươi được trổi lên. Một nữ ca sĩ cất giọng trong trẻo hát. Lời ca quyện tiếng đàn bay vút lên cao, ca ngợi mùa Xuân, mời mọc nằng vàng, chim muông hoa bướm... trở về.

Anh Thạch đứng tựa bên cửa, say sưa thưởng thức. Bỗng anh thấy khu vườn vụt bừng sáng lại, không khí được sưởi ấm. Anh chạy ra sân reo to:

- Nắng, nắng đây rồi!

Có tiếng cánh đập rộn rịp trên  không, anh ngẩng đầu lên.

- A ha, các loài chim thân yêu của tôi đã về!

Chợt nhìn sang góc sân, anh mừng thốt:

- Kìa, hoa trổ lại! Có cả bướm nữa!

Tiếng nhạc vừa dứt, khu vườn của anh Thạch đã biến đổi hẳn. Chúa Xuân đã thực sự bước vào. Chim bay đến, tề tựu ca hót vang rân. Hoa mọc, trổ bông, tỏa hương thơm ngát. Bướm ong rủ rê bay lượn rộn ràng.

Anh Thạch đi tới đi lui, vẻ mặt hớn hở vui sướng. Sau đó anh bước lại hết lời cám ơn ban nhạc vừa giúp mình. Nhạc trưởng ôn tồn bảo:

- Mang niềm vui đến cho mọi người, đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Vả, Xuân trở lại với ông phần lớn cũng nhờ ông thực tình hối ngộ, biết quí trọng Xuân. Chúng tôi nào có công chi... Thôi, chúng tôi xin từ giã ông.

Anh Thạch vội nói:

- Ấy mời các bạn vào nhà chơi nghỉ chân một chốc đã chứ!

- Cám ơn ông, nhưng chúng tôi phải đi ngay kẻo muộn.

- Các bạn định đi đâu?

- Ra tiền tuyến, đem mùa Xuân đến cùng các chiến sĩ ông ạ... Xin chào ông. Chúc ông được hưởng một cái Tết vui đẹp.

Đoàn nghệ sĩ tiếp tục cuộc hành trình. Anh Thạch đưa họ ra tới cổng lưu luyến trông theo, lòng đầy cảm phục.
 

Chợt có tiếng reo quen quen:

- Ủa, vườn anh Thạch hôm nay trông lạ quá nhỉ!

Quay lại, nhận ra cô Hương anh cười bảo:

- Phải, Xuân tươi không còn hờn tôi nữa. Hoa thơm, bướm đẹp hiển hiện khắp vườn đó, Hương đã bằng lòng chưa?
 

Cô mỉm cười, khẽ gật đầu. Anh nói:

- Vậy mời cô vào chơi.

Hai người song song tiến vào. Chim muông, hoa bướm tưng bừng đón rước. Anh Thạch vui vẻ nhìn khắp lượt. Mùa Xuân không chỉ đến với vườn nhà anh, còn len vào cả tâm hồn anh nữa. Tự nhiên anh thấy yêu Xuân vô hạn.


NGUYỄN VĂN NGHỆ         

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>