Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Xuân Huế và Tuổi Thơ Tôi


 
1. Sau nhà ông ngoại tôi có một khoảng đất nhỏ trồng hoa do chính tay ông bốn mùa bắt sâu, tưới nước. Chỉ là những loại hoa thường thấy trong các ngôi vườn Huế nhưng dưới đôi mắt bé thơ của tôi, bàn tay khéo léo của ông như có phép mầu. Những cánh mộc lan trở nên tím biếc. Khóm nguyệt quế trắng ngần tỏa ngát hương thơm. Thược dược, hồng nhung, cẩm chướng… lung linh những sắc màu huyền ảo. Đặc biệt là mấy gốc hoàng mai, cứ mỗi độ Xuân về, ông chăm sóc kỹ lắm. Những ngày giáp tết, niềm vui của ông là mời bạn bè đến thăm vườn, uống trà thưởng hoa, sau đó tặng mỗi người một nhành mai mang về chưng tết.
 
Trong khi đó, bà ngoại tôi tất bật làm hàng bán tết. Nào là mứt bánh, dưa món, củ kiệu… lại còn thêm những món cao cấp như nem, tré, chả lụa, chả bông… Bà huy động tất cả các thành viên trong gia đình, không phân biệt nam nữ (dĩ nhiên là phải chừa ông ngoại ra). Hồi ấy, trừ mẹ tôi, các cậu, các dì tôi chưa lập gia đình, nhà đông như kiến. Chủ trương “lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ”, suốt ngày, bà truyền lệnh: “Thằng Ti chở hàng, thằng Tô quết thịt…”, rồi thì: “Con Nết in bánh, con Na xên mứt…” Tôi còn nhỏ xíu vẫn không thoát: “ Bé Chút ra vườn coi mấy nia củ cải, cà rốt cho mệ làm dưa món.” Có lần tôi ham nhảy lò cò, trời mưa không kịp đem vô, bị bà ngoại đánh cho ba roi, còn “mắng vốn” mẹ: “Mi cưng con quá hóa hư”.
 
Bà ngoại tôi khéo tay lắm. Cứ nhìn lọn nem bà gói, miếng mứt bà tỉa, sắc óng mật hũ dưa món bà làm, quả xứng danh là “cao thủ”! Cao–thủ–không–chuyên–nghiệp nên mỗi lần tết đến, bà chỉ nhận “đơn đặt hàng” của bà con, bạn bè thôi. Vậy mà các dì, các cậu tôi vẫn than: “Chán mạ quá, nghỉ tết mà không được đi mô, suốt ngày cứ chúi đầu vô mấy cái mứt bánh.” Hoặc : “Trai nam nhi mà phải quết thịt, gói bánh. Mạ ác quá.” Vậy là bà ngoại nổi cơn tam bành: “Tổ cha bây chớ ác. Không làm thì cạp đất mà ăn à.”
 
Trong các khâu làm hàng tết, tôi thích nhất là nhìn dì Nết in bánh. Tôi thường ngồi cạnh dì, chăm chú nhìn những ngón tay trắng hồng để cái khuôn rỗng lên mâm bột, đẩy qua đẩy về nhè nhẹ, rồi dùng tay kia dồn thêm bột nén vào thật chặt, xong dì đặt lên trên một cái nắp có chạm trổ ở mặt dưới. Tay dì thoăn thoắt xoay vòng, đồng thời hai ngón cái ấn lên nắp khuôn. Rất nhanh, dì đẩy cái khuôn rỗng ra, rồi nhấc nắp lên. Thế là hiện ra trước mắt tôi những chiếc bánh vuông vức khắc hình rồng phụng tuyệt vời. Có lần tôi nói: “Dì Nết dạy cháu làm với.” Dì cười hiền lành: “Ừ, nhưng Chút đừng cho mệ biết nghe.” Kể ra tôi cũng hơi bị thông minh. Thao tác vài lần, tôi làm nhanh hơn cả dì Nết, có thể đỡ đần được cho dì, tuy bánh tôi in không thể sắc sảo như “tác phẩm” của dì.
 
Sáng 23 tết, bà ngoại sửa soạn đi chợ mua đồ cúng ông Táo. Tôi níu áo bà: “Mệ ơi, cho cháu đi với.” “Không được. Chợ tết đông đúc lắm, lạc đường chừ.” Rồi bà hối: “Nết ơi, lo in cho xong mâm bánh để kịp gói sáng mai giao hàng nghe con. Mạ đi công chuyện chiều mới về.”. Tội nghiệp dì Nết. Năm đó, dì mới quen chú Vinh học bên Sư Phạm, nhưng cứ bận suốt, không có cả thời gian hẹn hò. Dì ngồi từ sáng đến xế chiều, lưng mỏi cứng đơ. Bỗng mắt dì sáng lên khi thấy chú Vinh xuất hiện sau hàng chè tàu: “Phương, (Phương là tên khai sinh của dì) đi ciné nghe. Châu Tinh có phim hay lắm, anh mua vé rồi.”. Dì ngó trước ngó sau rồi ngoắc tôi: “Còn khoảng mười mấy cái, Chút in dùm dì nghe.” Tôi chưa kịp gật đầu, dì đã phóc vô buồng thay quần áo. Cả nhà, ai cũng đồng tình để dì Nết đi chơi, trừ bà ngoại. Tôi hét lớn: “Mệ đi vắng rồi, khỏi lo.” Không biết tôi lanh chanh thế nào mà khi in, tay nén của tôi không được chặt, đến khi gói, mấy cái bánh sau cùng đều bị móp méo hoặc sứt mẻ. Bà ngoại la dì Nết : “Con gái chi mà vụng về khê thúi.” Dì nheo mắt nhìn tôi, tôi le lưỡi nhìn dì, không ai dám hé răng.

2. Khoảng đầu tháng chạp, đối diện nhà tôi bỗng hiện lên một hiệu uốn tóc mang tên Lệ Túy, khách vào ra khá tấp nập. Dì Na nói với dì Nết: “ Cô Lệ Túy này mới tốt nghiệp một khóa Thẩm mỹ ở Sài Gòn đó.” “Răng mi biết?” “Em có vô trong tiệm coi, thấy cô treo cái bằng to lắm, sang trọng lắm.” Suy nghĩ một lát, dì Na thì thầm: “Em… định uốn tóc, chị thấy được không ?” Dì Nết tròn mắt: “Coi chừng giống Ma rốc keng đó (người da đen xứ Ma Rốc).” “Em tính rồi. Em sẽ dẫn con bé Chút đi trước.” Năm đó, tôi mới 8 tuổi, học lớp ba trường dòng Mai Khôi. Vì quá nhỏ, tôi không hề biết mình sắp làm vật “thí nghiệm” cho dì Na. Nghe dì nói chủ nhật tới sẽ cho đi uốn tóc, tôi mừng hết lớn, tối nào cũng mơ mình có mái tóc dợn sóng đẹp như các cô đầm nhỏ in trên mấy tờ chương trình ciné. Nào ngờ, sau hai tiếng đồng hồ bị tra tấn (kẹp uốn tóc nặng như cùm), nhìn vào gương, tôi òa lên khóc. Trước mặt tôi là một con bé lạ hoắc, tóc trên đầu quăn tít như lò xo đang ngó tôi bằng đôi mắt ướt nhèm. Tôi dậm chân thình thịch: “Không biết, đền tóc lại cho Chút.” Cô Lệ Túy ôm vai tôi, vỗ về: “Không sao đâu. Nay mai tóc cháu sẽ bớt quăn và rất đẹp cho mà xem.” Tôi ráng đi ngủ sớm. Sáng mai thức dậy, tóc vẫn như Ma rốc keng, tôi nhất định không đi học. Cậu Tô cho tôi thỏi chocolat, rồi ấn cặp sách vào tay, dỗ dành: “Chút ngoan, lên xe cậu chở.” Đến trường, bạn bè xúm lại xem làm tôi muốn độn thổ, tụi con trai còn hát chọc: “Ai bảo phi dê (tóc frisé = tóc uốn) là đẹp, phi dê xấu lắm chứ. Đầu phi dê như bãi c… trâu, và như cái ổ rơm.” (nhại theo bài Em Bé Quê của Phạm Duy). Lại khóc. Lại đòi nghỉ học. Cậu Ti an ủi: “Cháu đừng lo. Người xưa thường bảo, xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy tí. Chút của cậu xinh đẹp như vậy, sợ gì chớ.”
 
Cậu Ti nói đúng, cả cô Lệ Túy cũng đúng nữa. Khoảng hai tuần sau, mái tóc tôi trở nên mềm mại không ngờ. Những lớp tóc bớt quăn, xếp so le như làn sóng ôm lấy đầu, làm gương mặt tôi trở nên rạng rỡ khiến dì Nết phải kêu lên: “Bé Chút dễ thương quá.” Dì Na được dịp kể công: “Nhờ dì mà Chút mới đẹp đó. Rứa mà chưa chi Chút đã méc mệ làm mệ la dì.” Dì Na cũng có lý. Trong buổi liên hoan văn nghệ mừng xuân, nhờ mái tóc đặc biệt, tôi được soeur Thérèse chọn đứng giữa trong đội hình múa của trường. Vũ khúc “Thiếu nữ Việt Nam” múa trên nền nhạc của Lưu Hữu Phước: “Trông hoa xuân thắm tươi trên muôn cành, lòng niên thiếu chan chứa hương xuân…” đạt được giải nhất.

3. Mấy ngày tết, tôi thường theo ông ngoại đi thăm bà con, bạn bè của ông (để lấy tiền lì xì). Nếu người lớn gây sòng đánh tứ sắc, mạt chược, thì tôi theo đám trẻ con đi đánh bài vụ. Trò chơi gồm một bản vẽ các con vật màu mè sặc sỡ tương tự như bản vẽ bầu cua, nhưng nhỏ hơn, được dán trên một cái bàn thấp, và một cái bông vụ bằng gỗ nhỏ cỡ đốt ngón tay hình lăng trụ tám mặt, mỗi mặt in hình một con vật. Lâu rồi tôi không nhớ rõ, hình như là trâu, heo, ngựa, rùa, tôm, cá, voi, ếch (!?). Người chủ cái xoay vụ quay tít trên dĩa, rồi úp kín cái tô lên, miệng la lớn: “Đặt vô, đặt vô…một ăn sáu… rồi chưa? Cất tay, cất tay…” ồn ào từ đường cái cho đến góc vườn, ngõ hẻm. Đánh một giác (cắc), trúng được chung sáu giác, đánh hai giác ăn một đồng hai.
 
Tôi thích nhất là đổ xăm hường, đây là trò chơi trong vòng gia đình thân mật. Ông ngoại tôi có một bộ xăm hường bằng ngà rất đẹp. Ông quý lắm, chỉ lấy ra chơi trong ba ngày tết. Bộ xăm hường gồm nhiều thẻ dài ngắn, có những giá trị khác nhau. Người tham gia nắm 6 hột tào cáo (xí ngầu) thả vào cái tô lớn, cứ ra một mặt tứ (bốn nút) là được thẻ “nhất hường”, hai mặt tứ thì được thẻ “nhị hường”… Tôi không nhớ bao nhiêu loại thẻ, chỉ nhớ đứng đầu bảng là thẻ “Trạng Nguyên” còn gọi là “Trạng Anh”, tiếp đến là hai thẻ “Trạng Em”. Đổ được 4 mặt tứ sẽ được “Trạng Anh”, tổng số nút trên hai hột còn lại sẽ là tuổi của Trạng. Nếu người phiên sau cũng đổ được 4 mặt tứ, số tuổi Trạng lớn hơn, sẽ giật Trạng của người phiên trước. Nhớ có lần tôi đổ được Trạng 11 tuổi, chắc ăn như bắp. Nào ngờ, cầm Trạng chưa nóng tay đã thấy dì Na đổ được 4 mặt tứ, còn lại là hai mặt lục. Dì reo lên: “A, Trạng của tao 12 tuổi! Đưa đây, Chút!”. Thế là tôi ôm chặt Trạng, dụi đầu vào lòng ông ngoại, khóc la ỏm tỏi: “Ôn, coi dì Na tề.”. Ông ngoại cười, xoa đầu tôi rồi bảo dì Na: “Thôi, nhường cho cháu, đổ lại đi.” Dì Na kí vào đầu tôi: “Đồ ăn gian không biết dị.”

4. Ông ngoại cưng tôi, bà ngoại còn cưng tôi gấp bội. Tuy tuổi già hơi chướng, nhưng đi đâu bà cũng dắt tôi theo, lại còn đem cả những tấm bảng danh dự của tôi khoe với bạn bè: “Cháu tui học giỏi chưa?” Thích nhất là đi hội chợ với bà ngoại, tha hồ được ăn mặc đẹp lại thêm bánh kẹo rủng rỉnh đầy túi. Hội chợ thường được tổ chức vào những ngày gần tết kéo dài cho đến giữa tháng giêng. Qua mồng năm, mồng sáu, việc nhà rảnh rỗi, chiều nào bà ngoại cũng dắt tôi đi, rong chơi cho đến tối mịt mới về. Hội chợ được hình thành trên một khoảng đất rất rộng (hình như là bến Thương Bạc (?!), gồm những gian hàng treo đèn kết hoa rực rỡ, cùng nhiều trò chơi hấp dẫn du khách như ném vòng đầu vịt, đánh lô tô, quay số… Bà ngoại thường ghé gian hàng du lịch “mua vé” để tìm vận may. Cách chơi cũng đơn giản. Sau khi bán hết vé, chủ gian hàng bấm nút điện điều khiển một chiếc máy bay cất cánh, quay vòng vòng rồi đáp xuống một trong các sân bay được vẽ trên sàn gỗ bóng loáng: Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ… nếu máy bay ghé đúng địa danh ghi trên vé, chủ vé sẽ được trúng thưởng. Phần thưởng khiêm nhường thôi, nhưng chủ yếu là vui. Vui nhất là nghe những lời văn hoa sáo rỗng của anh chàng bán vé: “Mua dzô, mua dzô… mời quí vị du lịch một vòng để ngắm nhìn giang sơn cẩm tú. Đây Đà Nẵng với Ngũ Hành Sơn bốn mùa lộng gió, bãi biển Tiên Sa sóng vỗ dạt dào… Đây Qui Nhơn với hàng dương liễu ngàn đời ôm ấp trái tim chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh… Đây Nha Trang, miền quê hương cát trắng…Đây Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông…” Có lần bà ngoại đưa tiền cho tôi: “ Tay cháu hên, cháu mua vé đi.” Tôi chọn mua vé đi Huế và trúng được một cái… bình thủy! Cho nên thích nhất vẫn là câu: “Huế đẹp Huế thơ, Huế mơ Huế mộng, Huế với cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp, với bến Phu Văn Lâu ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm ai thương ai cảm ai nhớ ai trông …”
 
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc đến kỷ niệm xưa, lòng không khỏi bùi ngùi …

 
THÙY AN    

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>