Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Trẻ Con Ăn Hàng Ngày Tết!

 

Con nít đứa nào cũng mê tết! Vì... tết mà, nên đặc biệt và khác hẳn ngày thường:

Ngày thường phải đi học, tết không phải tới trường. Tết mới được đi chơi vì kỳ nghỉ kéo dài: Nào chợ hoa để ngắm biết bao nhiêu loại hoa dường như chỉ nở vào lúc xuân về, để mang lại cho đời muôn ngàn hương sắc. Nào chợ tết bán bánh, kẹo, mứt, trà, pháo, dưa hấu, vịt lạp... để hưởng không khí ngày xuân. Nào cửa hàng đồ chơi trưng bày những món đắt tiền nhập ngoại. Nào Sở Thú, công viên Tao Đàn hay coi Đại nhạc hội đủ màn tạp lục, chơi những trò chơi ngày tết như ném vòng, lô tô, mô tô bay, bầu cua cá cọp....Ngày thường, tối ngày trẻ em cứ phải cắm cúi học lấy học để, dù vì còn nhỏ nên chẳng biết học lắm thế để làm gì!  Họa hoằn mới được đi Ô Cấp, Đà Lạt, còn thì chỉ đi coi xi nê quanh quẩn trong thành phố. Nên tết tới, cứ được nghỉ học là thích rồi!

Ngày thường đến trường thì mặc đồng phục quần xanh áo trắng,  còn ở nhà thì ngày xưa quần áo đứa lớn mặc không vừa nữa thì trao lại cho em nhỏ hơn, nên chỉ tết mới được mặc đồ mới, đồ đẹp, và mang giày dép mới, ngoài ra đa số chỉ toàn mặc khín, nhất là trong những gia đình đông con. Tôi nhớ đầu năm lớp đệ lục, anh Hải tôi vẫn mặc chiếc quần kaki xanh má tôi may cho anh từ đầu niên học lớp đệ thất để  tới trường, giờ đã co lại ngắn cũn cỡn cao trên cả mắt cá chân! Nhìn thấy vậy, má tôi nói vu vơ với tôi rằng, phải lấy quần  Montagut (?) cũ của ba tôi sửa lại cho anh mặc! Thế là năm học đệ lục, vẫn còn con nít trân, anh Hải tôi có chiếc quần "mới" để đi học, vừa đen thui (màu không dành cho học trò nhỏ) vừa bóng lưỡng!

Nhưng trong số những ngày lễ lớn của năm, lý do con nít thích tết nhất vì vào dịp tết, chúng được tiền lì xì hay tiền mừng tuổi! Quanh năm suốt tháng, thường thường trẻ em chỉ được cha mẹ cho tiền đủ để ăn sáng, nên những thứ quà ăn vặt cho vui chúng đành nhịn thèm. Chỉ khi tết tới, túi rủng rỉnh tiền lì xì, thì trẻ em mới được tha hồ xà vào những hàng quà vặt để ăn những thứ tùy thích.

Không như kẹo kéo thường được bán trước cổng trường quanh năm dụ khị con nít, và được người bán níu kéo khách bằng những câu rao hàng hài hước, vui tai:

Cô kia vừa mập vừa lùn
Ăn đồng kẹo kéo nó đùn lên cao!
Về nhà mẹ hỏi tại sao
Ăn đồng kẹo kéo nên cao thế này!
Bây giờ muốn thấp lại ngay
Ăn thêm đồng nữa sẽ quay về lùn!

Hay:

Ông Tây đang giỡn bà Đầm
Nghe rao kẹo kéo ầm ầm chạy ra

Hoặc:

Cô nào chồng bỏ chồng chê
Ăn đồng kẹo kéo chồng mê tới già...
 
Và:
 
Thông ngôn, ký lục, lương chục bạc chẳng màng
Lấy anh kẹo kéo đeo vàng đỏ tay 

Bánh Tài Lồng Ển, hay còn gọi là bánh Tổ, chỉ được bán khi tết sắp đến. Bánh làm bằng bột nếp trộn đường thẻ, đường thốt nốt (?) dẻo quẹo ăn dính cả răng, nhưng tôi thích nhất là lúc bánh tổ được xắt miếng mỏng chừng một phân và chiên lên, ăn liền cả ba, bốn miếng  một lúc vẫn không ngán.

Một món ăn vặt tôi rất mê, đó là bánh tráng kẹo. Vốn tính hảo ngọt, nên hễ có tiền lì xì là không khi nào tôi lại bỏ quên món này. Bánh phồng nướng sẵn, gài sẵn một bên rổ hàng, sẽ được bẻ làm đôi, được phủ kẹo mạch nha kéo tơ lên một nửa bánh, và rắc thật nhiều dừa nạo thành những sợi trắng dài ngon lành, ăn vừa ngọt  vị kẹo thắng vàng ươm màu mật ong, vừa dòn tan của bánh phồng, vừa beo béo vị dừa rám.

Tối mùng một, mùng hai tết, nhiều khi tôi bỏ cả coi ca nhạc kịch trên TV để chạy đi ăn sâm bổ lượng với anh Hải. Có cả chục thứ trong ly chè ngọt lịm, mát lạnh ấy, và thứ nào nhai cũng dễ chịu: hoài sơn bùi bùi, táo đỏ ngọt mềm, hột sen thanh mát, phổ tai dai mà giòn, ý dĩ tròn nhỏ như những hạt bắp... Gió xuân thổi qua lành lạnh trong những buổi tối mùa xuân ấy hằn sâu thêm nỗi nhớ của tôi đối với anh Hải khi quay về thiên đường ký ức.

Hết món ngọt rồi đến món mặn, tôi theo anh Hải qua hàng hột vịt lộn và khô mực, ruột vịt... Thật ra, tôi "kết" món ăn vặt nào cũng do anh Hải "kết" món đó! Vì lơ ngơ dưới Châu Đốc mới lên, tôi sẽ chẳng biết gì về những ngõ ngách, những con hẻm nhỏ tuy gần nhà nhưng rất thú vị ấy của Sài Gòn, đầy những thứ  quà ngon dịp tết, nếu không được anh Hải giới thiệu, bày vẽ cho.

Anh Hải cũng rất mê món bột chiên, là những thỏi bột gạo xắt hình chữ nhật cỡ hai ngón tay, chiên với nước màu và hành lá xắt nhỏ, có thêm trứng vịt nếu thêm tiền, dĩ nhiên rồi, và ăn kèm với nước tương, tương ớt và đồ chua. Nhưng tôi thì chẳng cần hột vịt hột gà gì ráo mà vẫn xiên bánh  ăn lia lịa ngon  lành, vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay.

Tới giờ tôi cũng chẳng biết món ruột của anh Hải là gì, vì chính tôi cũng chẳng biết chính mình đã mê món ăn vặt nào nhất, vì món nào tôi thấy cũng ngon! Nào gỏi khô bò, gỏi đu đủ tôm thịt mỗi món một vẻ  mười phân vẹn mười, nhưng đều có một điểm chung là có rau thơm gia vị húng quế thơm nức, xắt nhỏ bằng kéo  nhanh thoăn thoắt để tránh bị thâm đen. Nào ốc bươu  luộc lể ra chấm nước mắm, thứ nước mắm ngon thần sầu mà có lẽ cả đời tôi chẳng thể nào pha nổi!

Có lần ba tôi chở tôi và thằng em út đi ăn bò viên ở Ngã Sáu. Trên vỉa hè rộng mênh mông, chiếc xe bò viên nằm cách lề đường cả chục mét!  Ngang qua Ký Túc Xá Minh Mạng, nơi tá túc của sinh viên tỉnh lẻ, tôi thấy sân ký túc xá xuân năm ấy sáng rực lên nhờ vô số những cành mai, cành đào giả, với những bông hoa làm bằng giấy nhúng to thù lù và vụng về,  trông như những trái bưởi, trái mận, nhưng vẫn vô cùng tươi thắm, trồng thằng tắp hai bên lối đi, giúp xóa đi "nỗi buồn gác trọ" của những sinh viên ăn tết xa nhà.

Tới cuối bài tôi mới, có lẽ, tìm ra  được "món hảo" của anh Hải! Đó chính là các loại ô mai đựng trong các hũ, keo xếp hàng ngay ngắn trên quầy tiệm thuốc Bắc xéo bên kia đường nhà tôi! Có đủ loại: nào ô mai cam thảo ép dẹp, me cam thảo còn cả hột và lấm tấm những hạt đường cát to, mứt chanh còn cả vỏ nhuộm đỏ cho thêm phần hấp dẫn, những viên xí muội màu cam hoặc hồng tươi gợi thèm, những trái táo Tàu đỏ nhăn nheo như da tay các cụ già. Anh Hải nói rằng tất cả những trái ô mai làm chảy nước miếng ấy, hóa ra là để làm dịu đi vị đắng của những thang thuốc Bắc được bốc, cân, đếm... mé trong tiệm thuốc cao đơn hoàn tán ấy. Nhưng đối với lũ trẻ chúng tôi, đó chỉ là một trong số những món quà vặt dịp tết mà thôi.

Bây giờ ngồi hồi tưởng lại những ngày xuân thơ ấu, tôi vừa muốn khóc mà vừa muốn cười, vui buồn lẫn lộn. Tiếng Anh có một chữ rất chính xác để miêu tả những kỷ niệm tuổi nhỏ của tôi. Đó là chữ bittersweet: vừa ngọt ngào vừa cay đắng! Nên giờ nhắc lại, tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Chẳng phải vì tôi ước muốn tuổi thơ tôi được sinh ra trong hoàn cảnh, gia đình khá giả hơn. Hoàn toàn không phải vậy. Tôi thường nghĩ chắc chúng tôi sẽ chẳng hạnh phúc hơn chút nào, nếu lúc đó ba má tôi giàu có hơn, và chúng tôi sung sướng hơn về vật chất! Vì mỗi khi hoài niệm, tôi thường so sánh mình với những đứa trẻ con nhà giàu học trường Tây trong xóm, và thấy tụi nó chẳng có gì thú vị, ngoài vẻ phục phịch, tẻ nhạt, ù lì dù được hầu hạ cung phụng như những hoàng tử bé, hay những đấng thiên kim tiểu thơ! Và thiếu thốn mới làm cho người ta thòm thèm, còn no nê chỉ mang lại cảm giác chán chường, tôi đã nghiệm ra được như vậy!  Hơn nữa, có thiếu thốn thì mới có cái để mà tiếc rẻ, lưu luyến, nhớ nhung, và nhất là còn có cái để mà kể  như tôi đang làm đây chứ!


Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)    


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>