Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Trâu Năm Quý Sửu

 

Có một cái lệ đáng yêu của làng báo Xuân, là phải "ca" một bài về con vật tượng trưng của năm mới. Bất cứ tờ báo Xuân nào, to, nhỏ, lớn, bé, làng nhàng, cả những tờ Bích báo và nội san mỏng lét, cũng có một bài "tán tụng" con vật của năm. Y như tết là phải có pháo vậy.
 
Lệ là lệ, bỏ không được. Năm đang đủng đỉnh lù lù đi tới là năm Trâu. T. Th cũng xin theo lệ làng, lai rai vài hàng về ông bạn "gồ ghề" mà rất ngoan hiền, mộc mạc, dễ thương... này của nhà nông.

Thần thoại kể, tiền kiếp của Trâu là một vị thần thuộc hàng chuyên viên canh nông trên thượng giới. Ngày nọ Trời kêu đến giao một mớ hạt giống ngũ cốc, bảo xuống trần gian gieo hạt để nuôi loài người. Trời cũng giao cho một ít hạt giống cỏ, để nuôi súc vật nữa. Chẳng hiểu thần mơ mộng hơi nhiều, hay vì thần đãng trí, "người" chỉ gieo rặt hạt cỏ, gieo vung vãi khắp nơi, quên béng hạt ngũ cốc! Khi giật mình xem lại thì cỏ đã mọc tràn lan. Thần vội sửa sai, nhưng trễ rồi! Cỏ đã "mập mạnh", ngũ cốc chen vai thích cánh không lại. Và nạn đói xuất hiện. Tiếng oán than của dân gian thấu tới Trời Xanh. Trời bèn nổi giận, hóa kiếp ông thần đãng trí nọ thành con vật bốn chân gọi là con Trâu, rồi đày xuống trần gian để bắt cạp cỏ và giúp dân gian cày bừa trồng trọt, giao hẹn khi nào ngũ cốc nhiều hơn cỏ mới được hoán kiếp trở về trời.

Từ ấy, Trâu hùng hục, nhẫn nại, cắm cúi làm việc giúp người trong niềm hy vọng ngút ngàn. Nhưng cỏ dại không ai trồng mà mỗi ngày một tràn ngập, còn ngũ cốc thì phải cày bừa, chăm bón, vã mồ hôi mới đơm bông kết quả. Lời giao hẹn của Trời ngày nào đã dần dà biến thành bản án khổ sai chung thân!

Trâu du nhập nước ta không biết từ đời nào. Có điều chắc không phải từ ngày mới bị hóa kiếp. Truyện cũng không nói Trời có lấy xương sườn nặn thêm một "trâu bà" nữa cho đỡ buồn không? Nhưng đã có lúc nước ta chỉ có toàn là trâu đực. Dưới thời Triệu Vũ Vương, Nam Việt và anh nhà Hán vĩ đại ở phương bắc, "dưới sự lãnh đạo anh minh" của Lã Hậu, có chuyện bất hòa. Lã Hậu ra lệnh cấm bán cho Nam Việt các món hàng như sắt, nông cụ, vàng, còn súc vật như Trâu, bò, ngựa, dê, thì chỉ được bán giống đực mà thôi!

Lệnh cấm này đến đời Hán văn Đế mới hủy bỏ, khi hai nước đã mở lại "quan hệ bình thường".

Có ít người biết hoặc nghe nói đến sữa Trâu. Ở Ấn Độ người ta nuôi trâu để lấy sữa hơn là cày bừa, sữa Trâu tốt không kém sữa bò, nếu không nói là tốt hơn, vì có nhiều chất đạm và chất mỡ hơn. Năm 1958, Việt Nam suýt nữa đã được dùng sữa trâu: chính phủ nhập cảng thí nghiệm 100 con trâu giống Murrah của Ấn Độ. Phải điều các chị ăn dữ quá, mỗi ngày 40, 50 ký thực phẩm mới vừa bụng và đủ sức để sản xuất sữa. Đem các chị ra cày bừa lại cũng thua trâu bưng của xứ mình, nên cuộc "thí nghiệm" đã phải tạm ngưng.

Hai đấu thủ nghênh nhau từ đàng xa... Đột nhiên chúng cắm đầu cắm cổ chạy đâm sầm lại, đầu va vào nhau một tiếng "cộp" rợn người. Rồi chúng dùng sừng chém lẫn nhau, giữa tiếng reo hò cuồng nhiệt của đám khán giả bên ngoài vòng rào, cho đến lúc một con quỵ trên vũng máu, hoặc phải bỏ cuộc chạy dài... Kết thúc một buổi chọi trâu.

Đó là hình ảnh của ngày "mồng mười tháng tám" ở miền Bắc xưa.

Để dựng được cảnh "sống động" đó, các cụ đã phải cho trâu uống rượu, lấy miểng chai chuốt sừng cho nhọn, có khi còn cột dao bén nữa.

Trâu dữ bởi người ta tạo điều kiện cho nó dữ. Bản tính trâu thuần hậu, rất ít gây chuyện. Khi bị ma men kích thích, ám ảnh, lại được một đám đông cuồng nhiệt xúi bẩy, cổ võ bên ngoài, thế là thú tính của trâu nổi dậy. Rượu vô, con người còn biết đập lộn, nói chi trâu?

May mắn, trò chọi trâu đã đi vào dĩ vãng. Sứ mạng của trâu khi xuống trần là giúp dân cày bừa, đâu phải để chém lộn?

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay

Việc mua Trâu mà được kể ngang hàng với việc chọn vợ, có quá đáng chăng? Nhưng đối với nông dân, con trâu là đầu cơ nghiệp, thiết tưởng sự băn khoăn, lo lắng đó không có gì đáng phải ngạc nhiên. Nếu ta biết mua trâu không phải chỉ lựa: Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, hoặc: Mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn là trâu tốt rồi, mà còn phải tìm hiểu giòng trâu cha, mẹ v.v... có khỏe mạnh, siêng năng và hiền lành không nữa.

Cuối cùng, con Trâu Quý Sửu đến khi viễn ảnh Hòa Bình của dân tộc đã thấp thoáng ở cuối đường hầm tăm tối. Ước mong đó là điều lành. Ước mong đó là nền Hòa Bình thật sự, đúng nghĩa, và dài lâu. Xin được kết thúc lai rai kỳ này với hy vọng trong năm mới cuộc chiến đau thương này sớm lùi vào dĩ vãng, như những trận chọi trâu đã đi vào dĩ vãng.


T. Th.      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>