Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Lễ Giáng Sinh


 - Anh Tuấn ơi!

- Ơi!

- Anh Tuấn à!

- À!

Anh Tuấn kỳ quá à. Anh hứa bữa nay kể chuyện Sinh Nhật cho tụi em nghe, mà anh ơi, à hoài... Bộ anh quên lời hứa rồi hả?

- Hả? Cái gì? Quên kí rì hả?

- Trời ơi! Cái anh này... Thôi... rồi nghe! A lê! Hạnh, Thảo, Trang, Trung, Dũng ơi! Tụi mình xúm vào thoọc lét ảnh đi, một, hai, ba!...

- Ái ái! Chơi gì kỳ vậy... hí, hí, hí... ối a! Ha ha! Thôi để anh kể. Thôi mà! Hạnh, Thảo đứng xa ra. Trang nữa! Trung ngồi xuống đây coi nào. Còn Dũng, lại anh bế tí. Các em tưởng anh quên lời hứa hả? Sức mấy anh quên!

- Không quên sao anh cứ ơi, à hoài, không chịu kể chuyện Lễ Giáng Sinh cho tụi em nghe? Bắt đền anh đó!

- Đền thì đền sợ gì! Nhưng chính là các em quên chứ không phải anh. Hạnh, Thảo, Trang hứa hôm nay hát bài "Đêm Đông" cho anh nghe mà chưa hát, bây giờ anh bắt đền trước.

- Ờ nhỉ, chúng em quên thật. Thôi anh Tuấn cho chúng em xin lỗi. Bây giờ chúng em hát "Đêm Đông" cho anh nghe nhé, rồi anh phải kể chuyện cơ! Anh bắt nhịp đi.

- Rồi nhé! Hoan hô, đứng lên, đứng cả lên "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời" một hai...

- "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bêlem ánh sáng tỏa ra tưng bừng, nghe trên không trung, tiếng hát Thiên thần vang lừng. Đàn hát réo rắt tiếng hát. Xướng ca dư âm vang xa. Đây Chúa trên Tòa Giáng sinh vì ta. Người hỡi hãy kíp bước tới. Đến xem nơi Hang Bêlem. Ôi Chúa Giáng sinh khó khăn thấp hèn..."

- Hoan hô! Các em hát hay quá, hoan hô các em!

- Ai hát hay nhất hả anh?

- Dũng!

- Xí! Dũng còn nói đớt mà hát hay nhất!

- Nói đớt mặc nói đớt, hát hay là vẫn cứ hay chứ! Dũng hát thế này mà không hay à "êm ông dạnh dẽo Cúa dinh da ời"...

- Hố hố! Hé hé!

- Hí hí! Há há!

- Thôi đừng cười nữa, im để anh kể cho các bé nghe câu chuyện Chúa Giêsu Giáng sinh cứu chuộc nhân loại.

- Lễ Giáng sinh cũng là Lễ Sinh nhật à anh?

- Đó! Chưa kể chuyện đã lại hỏi rồi! Đúng vậy, lễ Giáng Sinh tức là lễ Sinh Nhật. Hàng năm, cứ ngày 25 tháng 12 dương lịch là người công giáo ở khắp nơi trên thế giới đều hân hoan đón mừng ngày kỷ niệm Chúa cứu thế giáng trần cách đây đã 1971 năm.

- Tây nó gọi là lễ gì hả anh Tuấn?

- NOEL.

- Thế Tây ban nha gọi là gì?

- Là Natividat.

- Còn Tây đen nó gọi sao anh?

- Hề hề hề...! Thảo đùa hoài à! Tây đen là Tây ở nước nào mới được chứ?

- Thôi Thảo đừng giỡn, để Trang hỏi coi Ý, Anh, Đức họ gọi Lễ Sinh nhật là gì.

- Anh gọi là Christ' Mass nghĩa là ngày lễ Misa của Chúa Giêsu, Ý gọi là Natale tức lễ Sinh Nhật, còn Đức là Wehnachten tức là Đêm thánh.

- Anh biết hông? Hồi em Dũng sinh ra ở Bảo Sanh Viện nó sướng nhất đời, được nằm phòng lạnh đó anh! Anh Tuấn nè! Sao đức Chúa Giêsu sinh ra lại phải ở trong hang đá máng cỏ chung quanh có mấy con bò con lừa thở lấy hơi ấm, sao Chúa khổ vậy hả anh?

- Chúa Giêsu sinh ra ở trong cảnh nghèo khổ cơ hàn, và đến khi chết chịu đóng đinh trên cây thánh giá trọn cuộc đời để hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc nhân loại vì tổ phụ loài người đã từ bỏ Chúa và con cháu ngàn đời sau đã đắm mình trong tội lỗi. Bởi vậy ngay từ khi mới sinh ra Chúa đã nhận chịu mọi sự nghèo khổ rét mướt nơi hang đá Bêlem để bước vào cuộc đời cứu thế.

Các em có biết không, cảnh nghèo khó, bần hàn nơi hang đá Bêlem cũng như hình hài Chúa Giêsu với mảnh khăn nhỏ đơn sơ trong máng cỏ chính là bài học cho con người về giá trị của sự khiêm nhường, hy sinh, vị tha và bác ái. Còn ý nghĩa việc Chúa Trời cao cả nhận lấy hình hài nhân loại, từ khi sinh ra, khi giảng đạo, cho đến khi đã chịu mọi đau khổ tủi nhục là để nói lên tình yêu Thiên Chúa với con người, là bài học cho nhân thế về sự yêu thương và giá trị của Hòa bình.

- Em cũng muốn sống đơn sơ và trong sạch như Chúa Hài đồng Giêsu được không anh Tuấn?

- Được lắm chứ! Chính Chúa muốn cho các em và cho cả nhân loại sống đơn sơ trong sạch và thánh thiện, sống trong tình yêu thương, hòa bình. Đó là điều rất đẹp lòng Chúa.

- Vậy thì ý nghĩa của lễ Giáng sinh là hòa bình hả anh?

- Em Trang nói rất là đúng! Ý niệm hòa bình là ý niệm cố hữu của ngày Đại Lễ Giáng Sinh vì khi Chúa Giêsu giáng trần thì các thiên thần đã hát mừng trước hang Bêlem rằng:

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Hòa bình dưới thế cho người thiện tâm" (Luca II. 14) do đó hòa bình đã trở thành ý niệm muôn thuở của Giáng Sinh. Mỗi lần tới mùa Giáng Sinh, nhân loại lại dâng lên một niềm hy vọng Hòa bình.

- Anh ơi anh, ở phố em thấy bày bán la liệt các Thiếp Mừng Giáng Sinh. Cái tục lệ gửi thiếp tặng nhau dễ thương quá anh nhỉ! Mà anh chưa có tặng gì cho tụi em đó nghe! Nghỉ anh ra giờ!

- Nghỉ thì anh đành chịu chứ tiền đâu mà mua? Em biết không, mỗi tấm thiếp sơ sơ cũng 50đ chứ bộ rẻ sao. Các em biết tục lệ tặng thiếp Noel có từ hồi nào không? Có từ năm 1880. Hồi đó tại Anh Quốc, viện hội họa tổ chức một cuộc thi và triển lãm hình Sinh Nhật, có đến hơn 5000 tấm hình từ khắp nơi gửi tới và du khách mua để tặng nhau làm kỷ niệm, kể từ đó có tục gửi thiếp NOEL tặng nhau. Sau này việc tặng thiếp trở thành thông lệ nên có nhiều nhà sản xuất bán hàng năm đến cả trăm triệu tấm thiệp, ví dụ các nhà sản xuất: Stanhope Gate, Park Lane, Raphael Turc and Sons, Londres v.v... Đặc biệt nhà sản xuất Kaye Ltd chế ra loại thiếp có cái nút nhỏ hễ đụng vào là phát ra một khúc nhạc về Giáng Sinh.

- Thích quá héng! Vậy mà anh chẳng "thân tặng" cho Hạnh một tấm đâu!

- Trung không thích thiếp Noel, Trung thích cây Noel cơ! À anh Tuấn ơi, cây NOEL là cây thông hay cây khô mộc hả anh?

- Thông chứ sao lại khô mộc? Cây Noel có một sự tích hay lắm.

- Chuyện cổ tích hả anh?

- Ừ, từ xửa xừa xưa khi các dân tộc Tây phương còn theo nhiều đạo thờ thần, như thần Hercule, thần Apollon, thần Saturnila tức là thần Canh Nông, thần Mặt trời, riêng bộ lạc Druice ở Bắc Âu thì thờ thần Vạn vật là Woden, cứ mỗi năm họ giết một người để lấy máu tế thần Woden. Vào mùa đông, cũng gần dịp lễ Sinh nhật. Năm đó, một vị Hoàng Tử sắp sửa bị giết để tế thần, thì may sao thánh Boniface đi truyền giáo ngang qua, Ngài đã giảng cho dân bộ lạc biết về Đức Chúa Trời và thuyết phục họ bỏ tục giết người tế thần. Tuy nhiên để thay vào vật tế lễ Ngài đã hướng họ vào việc lấy một cây thông để trang hoàng cho ngày Đại lễ mùa đông. Từ đó trước hang đá có tục trang hoàng cây thông gọi là cây Noel.

- Thế thánh có dạy phải kết hoa treo đèn vào cây Noel không?

- Thánh Boniface không dạy việc đó.

- Thế ai bày ra hả anh?

- Đó là ông Martin Luther, khoảng giữa thế kỷ XV, một buổi tối, ông Luther trên đường đi đến nhà thờ, chợt chú ý đến những ngôi sao lấp lánh trên nền trời, trông giống như kết vào ngọn cây thông. Ông ta ghi nhận hình ảnh đẹp và khi tới nhà thờ đã làm một số đèn ngôi sao treo trên cây Noel. Cách trang hoàng cây Noel được khởi sắc từ đó và cho đến nay thì cây Noel được treo đủ thứ.

- Có được treo kẹo không anh?

- Dĩ nhiên là được, có nhiều gia đình treo lên cây Noel các quà cho con cái trong dịp Giáng sinh, ví dụ búp bê, sách vở, 1 đôi giầy v.v...

 - Anh Tuấn ơi, trên gói quà hay trên thiệp Noel mình viết chúc mừng thế nào hả anh?

- Thường thì nên viết vắn tắt "Chúc Mừng Sinh Nhật" vậy thôi, còn em muốn viết dài dòng thì cũng được, tùy ý.

- Anh à! Hạnh muốn viết 1 câu chúc tiếng Ăng lê cơ, anh viết dùm Hạnh đi.

- Còn em, anh Tuấn viết cho em bằng tiếng Mã Lai nhé.

- Thảo thì... hì hì... em nhờ anh viết dùm cho bằng tiếng Tây đen thôi, hì hì...

- Thảo thì lúc nào cũng nhộn nhịp nhất nhà. Đây anh viết 1 lô các thứ tiếng em nào muốn chọn câu nào thì chọn. Nhưng mà không có tiếng Tây đen đâu nghe Thảo!

- Anh và Mỹ: Merry Christmas.

- Pháp: Joyeux Noel.

- Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển: God Jul.

- Ba Lan: Wesolych Swdat.

- Đức: Flôhliche Weihnachten.

- Ý: Boun Natale.

- Hung: Boldog Karacsonyl Unxetpeket.

- Á rập: Milan dum Said.

- Hi Lạp: Kala Chris rongenna.

- Nga: S' Rodjestoom.

- Nhật: Kurimasu Onedeto Gozaimasu.

- Bồ đào nha: Natale Feliz.

- Mã Lai: Selamna hari natal

Trung Hoa: Cung Chúc Sinh Tân.

- Lỗ ma ni: Sarbatori Fericite.


QUỐC BẢO

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 19, ra ngày 19-12-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>