Kinh thánh Thiên Chúa giáo đã chép khi đấng cứu thế ra đời thì trên bầu trời xuất hiện nhiều điều lạ. Ba vì vua phương đông, vốn hằng mong mỏi đấng cứu thế, đã theo sự hướng dẫn của một vì sao dong duỗi ngày đêm mà tìm gặp Ngài.
Nếu câu chuyện chỉ có thế thì thật là giản dị, không có gì để kể về vì sao đêm Noel. Nhưng câu chuyện không phải chỉ có thế.
Số là trong những năm gần đây có người, ở một thế giới nào xa xăm lắm, đã dùng dĩa bay để khám phá trái đất. Một dĩa bay của họ đã đáp xuống đỉnh núi cao chót vót ở giữa rừng Phi châu bao la và các nhà thám hiểm của họ đã tình cờ bắt gặp một hang thạch nhũ tàng trữ bảo vật cùng giấy tờ của một loại Thần Ưng khổng lồ. Với chiếc kính kỳ diệu, họ đã đọc và hiểu được ngôn ngữ của loài chim lạ lùng ấy.
Trên một viên ngọc thạch có ghi chép lại câu chuyện của vì sao đêm Noel. Nhà viết sử ghi rằng: Khi đấng cứu thế giáng trần thì có nhiều vì vua vốn hằng mong mỏi đấng cứu thế, đã theo sự hướng dẫn của vì sao lạ mà đi tìm ngài. Đặc biệt ở Phi châu có một nhà vua giàu sang uy quyền vô cùng. Nhà vua sửa soạn hành lý cùng đoàn tùy tùng lên đường ngay khi thấy điềm trời xuất hiện. Lặn lội đêm ngày không nghỉ theo hướng của vì sao di chuyển phía trên được ba hôm thì nhà vua mệt mỏi. Nhà vua bảo các cận thần rằng "chúng ta cứ phải nhướng mắt ngày đêm mà theo dấu vì sao thì cực khổ quá. Trẫm không muốn vất vả. Trẫm truyền chư khanh lấy hết vàng bạc châu báu cùng huy động quân sĩ của trẫm làm cho trẫm một sợi thừng bền chắc dài bao nhiêu tốt bấy nhiêu".
Thế là các quan hầu cận của nhà vua truyền xuống cho quân sĩ và dân chúng khắp nước phải cùng nhau nỗ lực làm dây thừng. Mọi người dùng mọi thứ dao vào rừng cắt tất cả các thứ dây đem về chất thành nhiều núi thật to. Trong mười hôm rừng Phi châu bị gọt nhẵn trụi.
Xong đâu đó mọi người bắt đầu xe các thứ dây đó thành dây thừng cuốn vòng quanh trái đất được 137 vòng và đem dâng cho nhà vua. Nhà vua rất hài lòng nhưng lo ngại dây thừng chưa dài đủ. Do đó nhà vua lại truyền các phụ nữ phải cắt hết thảy tóc họ để dâng cho nhà vua. Nhà vua dùng tóc ấy khiến quân sĩ xe dây thừng dài thêm được 5 vòng trái đất nữa.
Khi dây thừng hoàn tất nhà vua sai một phù thủy tài ba đem cột một đầu dây thừng vào vì sao, một đầu dây thừng vào chiếc xe bốn trăm con ngựa kéo của mình.
Lão phù thủy sau khi hô hoán đã bay bổng lên trời giữa lời tán tụng của mọi người. Lão biệt dạng ba đêm và đến nửa đêm thứ tư thì trở về. Lão tâu nhà vua rằng lão đã cột đầu kia sợi dây vào vì sao tới ba nút nên rất chắc.
Thế là nhà vua yên tâm. Nhà vua cho rằng mình chẳng cần phải vất vả mà vẫn cầu tìm được chân lý, hòa bình và hạnh phúc. Nhà vua truyền lệnh cho mọi người cứ việc rượu chè ăn uống no say. Còn nhà vua thì lúc nào cũng yến ẩm để thưởng thức cung đàn tiếng hát của đoàn mỹ nữ. Mọi người không màng gì đến công việc kiểm soát hướng đi, mặc cho sợi dây thừng kéo đi đâu thì đi đấy.
Vào một đêm kia khi mọi người đang hả hê vui thú thì bỗng chiếc xe bị đưa lên cao và rớt ầm xuống đại dương giá rét miền Nam Cực. Bởi thế không có ai sống sót.
Sở dĩ xảy ra tai họa thảm khốc như vậy là vì lão phù thủy thay vì cột sợi dây vào vì sao đã cột nhầm vào chân một Tướng của loài Thần Ưng có nhiệm vụ tìm hiểu vì sao lạ. Khi tướng Thần ưng sà xuống gần biển đã vô tình dìm chết nhà vua và đoàn tùy tùng... Nhà viết sử của loài Thần ưng ghi tiếp:
Cuối cùng chỉ có ba vì vua phương đông chịu cực nhọc ngày đêm vì cầu tìm chân lý hòa bình hạnh phúc đã tìm thấy đấng cứu thế trong máng cỏ Bê-lem.
Chúa của loài Thần ưng do đó đã răn dạy con cháu rằng:
Nếu con muốn cầu tìm chân lý con phải khổ nhọc học hỏi.
Nếu con muốn cầu tìm hòa bình con phải nỗ lực tranh đấu.
Nếu con muốn cầu tìm hạnh phúc con phải đổ mồ hôi.
Lời răn dạy của chúa Thần ưng đã trở thành ca dao và dân ca của loài Thần ưng.
Ngày nay giống Thần ưng đã chết nhưng đêm đêm trong hang Thạch nhũ trên đỉnh núi còn vang vọng âm thanh ngọt ngào của bản hát này.
Vì sao đêm Noel khi hay chuyện thương tâm trên đây đã buồn bã bỏ đi ngao du vào không gian vô tận. Loài người vì thế bơ vơ và vất vả hơn nữa trong việc đi tìm chân lý, hòa bình và hạnh phúc.
LÊ XUÂN NHO