Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Ước Vọng


 Việt Nam, ngày 24 tháng 12 năm 1969

Kình gửi cụ già Noel

Kính thưa cụ,

Hôm nay bé con này mạo muội viết thư đến cụ, tuy nó chả biết cụ ở đâu mà gửi. Cháu đã tính gửi thư cho cụ bằng đường bưu điện, nhưng lại thôi, cháu dại một lần thôi chứ! Số là cách đây bốn năm, cháu có biên cho cụ một bức thư, dĩ nhiên là thư xin quà. Cháu nắn nót viết bằng bút mực tím, cháu bỏ vào phong bì và đề ở ngoài:

Kính gửi:

Cụ già Noel

Địa chỉ: Ống khói.

Hồi đó con bé tin chắc thế nào cụ cũng nhận được thư, cũng đọc thư và sẽ đem quà xuống cho con bé. Thế mà cả đêm Noel con bé thức trắng cũng chẳng thấy gì. Trời mùa đông Đà lạt lạnh run, con bé mặc áo len, quấn foulard, tay xỏ găng, chân đi tất, bên ngoài lại khoác thêm cái măng tô dầy cộm, ngồi thu hình trong góc giường ngóng cụ. Thỉnh thoảng con bé nhìn cửa kính trông ra đường: sương mù dày đặc... chả có ai. Ba giờ sáng, buồn ngủ muốn nhắm tịt cả mắt mà vẫn cố thức, vì con bé cố hình dung ra những món quà cụ sẽ đem đến cho mình, những món quà đã được ghi một cách rành mạch có gạch dưới tử tế ở trong thư đã gửi: một cái cặp có thật nhiều ngăn để vừa đựng sách vở, , vừa đựng dây để nhảy, banh đánh chuyền, vừa đựng me, ổi, cóc, mắm nêm, muối ớt, vừa đựng đinh và búa để đóng guốc ; một cái bút máy không bao giờ phải bơm mực vì đi học thầy cấm con bé viết bút nguyên tử, mang mực theo chấm thì con bé hay làm đổ ra quần áo của mình và của bạn, mà dùng bút máy thì con bé chuyên môn quên bơm mực! Một cái cưa thật xinh và thật sắc để cưa răng chuột, những con chuột xinh xắn nhưng quái ác chuyên môn cắn nát áo quần con bé cất trong tủ. Con bé nghe người ta bảo chuột bắt buộc phải cắn quần áo và gặm đồ đạc của người ta, nếu không răng nó sẽ dài ra mãi mà chết. Vậy chỉ còn một cách có lợi cho cả chuột và người là người chịu khó cưa hộ răng cho chuột.

Nhưng hình ảnh của những món quà hấp dẫn ấy cũng không còn đủ sức tỉnh thức con bé nữa, vì thời gian chờ đợi quá lâu mà chẳng thấy gì. Con bé lăn ra giường ngủ và khóc cho ướt gối. Vài hôm sau lễ Giáng sinh. người phu trạm ghé qua nhà, đưa cho mẹ một phong thư ghi bên ngoài hai chữ đỏ chót: trả lại. Mẹ nhận thư, xem qua rồi cười như nắc nẻ. Ba đi làm về, mẹ kể lại cho ba, ba lăn ra cười. Ba cười, mẹ cười còn con bé thì khóc.

Thưa cụ,

Bây giờ con bé đã lớn rồi, dù sao nó cũng đến tuổi trăng tròn. Đã hết rồi tuổi ước mơ được nằm võng kết bằng tơ trời, đánh đu giữa rừng thông, đã hết rồi những ngày say mê hứng sương mai làm món điểm tâm buổi sáng cho giống những nàng tiên ở chốn thiên thai. Và cũng hết rồi tuổi tin rằng cụ già Noel có thật để viết thư bỏ nhà dây thép xin quà.

Chắc cụ buồn lắm khi thấy cháu biết là cụ không có thật. Cụ chịu khó vậy, vì có lẽ cụ không nỡ giận cháu, nếu cụ rõ cháu đã buồn đến độ nào khi khám phá ra điều quan trọng ấy. Cháu đã khóc nức nở như khóc một người thân vừa qua đời. Nhưng biết làm sao bây giờ, mỗi năm cháu mỗi được thêm một tuổi và tuổi của cháu bảo cho cháu biết: cụ già Noel không có thật, không có ông cụ nào đem quà chui qua ống khói hết, cho dù nóc nhà cháu có mọc lên năm sáu cái ống khói, hay cho dù cháu có rỡ cả nóc nhà ra, cũng chả có cụ nào xuống hết, có chăng là mấy ông kẻ trộm xuống khuân đồ.

Ấy thế mà cháu vẫn viết thư cho cụ. Chắc nhiều người sẽ bĩu môi bảo: "Con bé điên". Nhưng cháu không điên đâu, và cũng không lẩm cẩm nữa, vì cháu chưa tới tuổi lẩm cẩm. Cháu mới ở tuổi trăng tròn mà, và Mẹ cũng như anh Hoài cháu vẫn chê cháu trẻ con.

Thưa cụ, thế cụ có hiểu vì lẽ nào bé cháu này lại viết thư cho cụ vào dịp Giáng sinh năm nay không? Đó là vì ước mơ của cháu quá mãnh liệt. Cụ không nỡ mắng cháu chứ? Tuổi cháu là tuổi mơ mộng và mơ ước mà. Thực sự thì cái ước mơ của cháu cũng không rộng hơn ngoài những món quà, dĩ nhiên là bây giờ cháu không còn xin cái cặp nhiều ngăn, cái bút máy không cần bơm mực và cái cưa để cưa răng chuột nữa. Cháu mong muốn những món quà khác. Bây giờ cái quan niệm về cụ của cháu cũng khác nữa: cháu không tin có cụ Noel chui ống khói, nhưng bây giờ bất cứ cụ nào cho cháu những món quà cháu xin, cụ ấy sẽ là cụ già Noel đối với cháu. Bởi vậy, thưa cụ, cháu không biết bây giờ cụ ở chỗ nào, nhưng cháu cũng cứ đăng thư này lên báo, nếu cụ là cụ già Noel thật, chắc chắn cụ sẽ ban cho cháu những món quà cháu xin. Cháu cũng chỉ xin ba món thôi, và đây là...

1. Món thứ nhất: Đầu tiên cháu xin cụ mấy món thuốc cụ ạ. Thuốc chữa bệnh đàng hoàng. Dĩ nhiên đây không phải là thuốc rức đầu, xổ mũi hay đau bụng.. Thuốc này cháu tìm khắp các Pharmacie chẳng đâu bán cả. Bây giờ phải cầu cứu cụ vậy. Thuốc đó là thuốc chữa những bệnh học trò.

Học trò chúng cháu nhiều bệnh lắm.

Trước hết là cái bệnh về mắt: thích nhìn lên khung vải ciné hơn lên bảng đen! Thế mới khổ. Chúng cháu có bàn với nhau và cuối cùng đưa ra nhận xét sau đây: Mắt chúng cháu có tật đó chỉ vì khung vải ciné thì sáng lắm và nhiều màu sắc vui mắt, còn bảng đen thì thật là... đen thui, tuy bây giờ trường cháu có bắt một cái đèn néon dài 1 th 2 trên đầu bảng, suốt buổi học bật sáng, nhưng cháu vẫn thấy bảng tối như thường! Hơn nữa, trên bảng ngoài màu đen cũng chỉ còn có màu phấn trắng, buồn ơi là buồn.

Chả có thuốc nào chữa bệnh đó cụ nhỉ! Mà cũng chả có kính nào chế ra để đeo vào mắt chúng cháu cả. Phải nhờ đến cụ đó cụ ạ.

Thưa cụ, bệnh thứ hai của chúng cháu cũng lại là bệnh... mắt. Khổ thì thôi. Con mắt là cửa sổ tâm hồn mà sao lại lắm tật đến thế này. Cái tật này là nhìn sách vở, chữ nghĩa không đúng lúc. Lẽ ra mỗi tối, bọn cháu phải mở sách vở ra mà đọc cho nó thuộc bài. Vậy mà chính cái lúc được nhìn sách vở một cách hợp pháp như vậy, bọn cháu lại không nhìn, để cho đến hôm sau vào lớp, thầy bắt làm bài thì mắt chúng cháu lại liếc ngang liếc dọc, liếc lên liếc xuống lung tung xòe... để mà nhìn cuốn sách đang mở trong gầm bàn hay bài của con bé bên cạnh một cách bất hợp pháp. Thưa cụ, phải chữa cách nào đây ạ?!

Và... bệnh thứ ba là bệnh thuộc... Tai mũi họng. Cháu muốn nói cái tật nói chuyện trong lớp đấy mà. Cụ ơi, cổ chúng cháu hình như ngứa lắm cụ ạ. Vào lớp là chúng cháu phải cho... bộ máy phát thanh hoạt động, mà khổ lắm cơ cụ ạ! Cái bộ máy phát thanh của chúng cháu chỉ có nút mở mà không có nút tắt. Thế mới phiền! Đã lỡ mở ra là... hết nước tắt. Chỉ có khi thầy quát cho thật to, máy phát thanh bị hư mới thôi phát tiếng. Cụ nhớ cho chúng cháu thứ thuốc chữa bệnh ngứa cổ nhé. 

Thưa cụ, nếu cụ chữa cho chúng cháu những tật bệnh quái ác trên thì cụ thật xứng danh là ông già Noel ghê lắm.

2. Món thứ hai: Món này thì hơi hiếm đấy cụ ạ. Vì đó là một phép lạ. Nhưng chỉ hiếm với loài người thôi, chứ với những bậc thánh, thần như cụ thì chỉ là một cái phất tay. Nếu cụ thương chúng cháu, cụ làm ơn ra tay tế độ cho một phen.

Để cháu trình bày cụ rõ: nòi giống dân tộc chúng cháu là một nòi giống rất quật cường và oai dũng. Chắc cụ đã đọc quyển sử Việt Nam rồi, cụ có mê cái đoạn tổ tiên chúng cháu đánh đuổi quân Mông Cổ không? Cháu thì mê lắm! Hùng ghê cụ ạ! Rồi những Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ... Tổ tiên chúng cháu cao cả lắm, anh hùng lắm, cụ nhỉ.

Thế mà... 

Chẳng biết tại sao mà ở đâu lại lọt vào nòi giống chúng cháu những thứ người như ngày nay, những con người rất kỳ cục mà trong tập Nhạc Trẻ, Hoàng Quý đã tả ra:

"Mẹ Việt Nam ơi, mẹ đã đẻ ra những con bội bạc, những con phá hoại, những con lạc loài. Mẹ Việt Nam ơi, mẹ đã đẻ ra những con của mẹ, những con cứng đầu, những con diều hâu..." và:

"Mẹ Việt Nam ơi, mẹ đã đẻ ra những con hèn hạ, những con hối lộ, những con hồ đồ. Mẹ Việt Nam ơi, mẹ đã đẻ ra những con của mẹ, những con xấu bụng, những con bội trung..."

Không! Không! Cụ già Noel ơi, không thể nào những con người bội bạc tổ tiên, phá hoại đất nước, lạc loài dân tộc, cứng đầu cứng cổ và hung ác như diều hâu ấy... Không! Không thể nào những con người chuyên lo hối lộ, toan tính hồ đồ, bụng dạ xấu xa và bội trung bội nghĩa ấy lại sinh ra từ dòng giống Việt Nam kiêu dũng, quật cường. Cháu không tin thế, chắc Hoàng Quý quá cảm thương dân tộc, đã phải thốt ra những lời đó đấy thôi. Thưa cụ, phép lạ cháu xin cụ là làm sao cho đất nước chúng cháu mất dạng những con người đó đi, để dòng giống Việt Nam là dòng giống tiên rồng kiêu hùng, dũng cảm. Hoặc, nếu chẳng may... những con người ấy đúng là sinh ra từ lòng dân tộc Việt, cụ hãy làm một phép lạ để họ hồi tâm, trở về với dân tộc trong sự thương yêu chân thực.

Món quà cháu xin đó, thưa cụ, có thể nào thực hiện được không? Cháu tự nghĩ đâu có gì là quá đáng cụ nhỉ.

Và cuối cùng đây là...

3. Món quà thứ ba: Thưa cụ, món này kể ra rất giản dị tầm thường, nhưng lại là món cháu mong muốn nhất, mong muốn nhất bởi vì chính ra đã là loài người, dĩ nhiên sẽ được hưởng dùng món quà ấy. Vậy mà cháu, hay nói đúng hơn là chúng cháu lại không có. Chắc cụ đoán cháu muốn xin gì rồi. Vâng, cụ đoán đúng ý của cháu bé này rồi. Cháu muốn viết thật lớn hai chữ HÒA BÌNH, sợ cụ già cả, mắt kèm nhèm nhìn không rõ. Ngày Đức Giêsu Giáng sinh, các Thiên sứ hợp giọng ca hát trên không trung:

"Vinh danh Thiến Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!"

Thưa cụ, Thiên Chúa trên trời vẫn đời đời vinh hiển, vậy mà con cái của Ngài vẫn chưa được bình an dưới thế. Vậy thì phải chăng tại con người thiếu thiện tâm? Cháu muốn rằng, món quà cụ ban cho mọi người, không riêng cháu, trong đêm Giáng Sinh huyền diệu năm nay, là một tâm hồn hướng thiện để từ đó, chúng cháu có được món quà quí giá là hai chữ HÒA BÌNH tô đậm màu xanh. Điều đó cần thiết biết là bao nhiêu cụ ạ, và với hòa bình, cháu sẽ được ngồi trên chuyến xe lửa tốc hành chạy trên con đường tốc hành xuyên Việt, từ mũi Cả Mau đến ải Nam Quan, để mà ngắm nhìn non sông gấm vóc, với núi đồi chót vót, với rừng rậm xanh tươi, với thung lũng, với bình nguyên hiền hòa tươi mát, với những thành phố lộng lẫy, tuyệt vời. Với hòa bình, người dân Việt sẽ đi lại thư thái mọi nơi trên đất nước như mây trắng vẫn bay trên rặng núi này qua cánh rừng nọ. Với hòa bình, tiếng dân ca của người nông dân hòa lẫn với sáo diều, mộc mạc nhưng ngọt ngào trầm ấm. Và với hòa bình, người Việt nắm tay nhau siết mạnh, mắt nhìn nhau âu yếm và môi nở nụ cười đón mừng ngàn năm không dứt.

Thưa cụ, món quà cháu xin có xứng đáng không?

Không có tiếng trả lời, phải chăng là không có cụ, hay cụ ở nơi nào xa quá. Cháu không biết cụ thế nào, cụ ở đâu, nhưng cháu cứ viết những ước mơ của cháu cho đầy trang giấy trắng.

Cháu nghe như văng vẳng đâu đây bài "Đêm Thánh vô cùng" Trời Đà lạt lạnh lùng mà bỗng nhiên ấm áp. Thưa cụ, nói cụ đừng giận ; nhưng dù cụ không có thật đi nữa, mà chắc là như vậy rồi, nhưng vẫn có người thấu hiểu những ước mơ của cháu và sẵn sàng ban phát cho cháu những món quà cháu xin, đó là đấng Thiên Chúa toàn năng đêm nay nhập thế và nhập thể trong dáng hài nhi.

Cụ già Noel ạ, đêm đã khuya lắm rồi, cháu sẽ buông bút, lăn ra ngủ trên chiếc giường nhỏ khi ngoài trời dày đặc sương mù như đêm Giáng Sinh bốn năm về trước. Chỉ có một điều khác, là cháu thiếp đi, không phải trong dòng nước mắt mà trong một nụ cười.

Cháu của cụ,       
PHẠM THỊ CA DAO

QUYÊN DI   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 120, ra ngày 15-12-1969)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>