Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Nở Muộn


Em vẫn thường bị ba má và anh chị chê là học dốt, thứ nhất là môn luận văn, dù rằng bây giờ em đã ngồi lớp bốn vào những ngày cuối niên học. Các môn khác em cũng chẳng khá gì, thành ra chưa bao giờ em lên được hạng mười trong một lớp bốn mươi hai học sinh. Gia đình em đông, ba má em có đến mười người con, em là thứ sáu, tình thương yêu của ba má dù sao đi nữa, cũng phải loãng đi phần nào vì phải chia xẻ quá nhiều. Phần tình thương em được của ba má vốn đã ít, càng ít hơn từ dạo trường em bắt đầu phát bảng danh dự hàng tháng. Chị Thương, con Thu, thằng Thành tháng nào cũng được, chỉ em là không.

Cho đến mãi mãi, chắc chẳng sao em quên được những buổi học tối ở nhà. Lệ nhà em, cứ đến tối, khoảng tám giờ là chúng em, từ chị Thương trở xuống dưới tiểu học phải ngồi học cho đến chín rưỡi. Thời gian kế đó, dành cho các anh chị học cao hơn. Thường, anh Lương và chị Thảo kèm chúng em. Hôm nào anh Lương kèm còn đỡ, chứ chị Thảo, em đến mệt. Em biết em học dốt, em cố, nhưng em chậm hiểu quá, biết sao bây giờ. Chị Thảo lại muốn em hiểu ngay sau lời giảng. Làm sao em hiểu được. Một lần, chị Thảo dạy em một bài toán. Bài thường thôi, nhưng hơi dài. Chị giảng từng câu, em cố gắng chú ý và hiểu cả. Nhưng sau đó, khi làm bài, em lại quên không biết phải làm bài toán nào trước, bài toán nào sau, hoặc trả lời sai. Chị Thảo đọc bài làm, giận, đánh em một thước. Chị đánh mạnh lắm, em đau, nhưng nín thinh vì biết lỗi. Chị giảng lại một lần nữa, em lại cố gắng nghe, chỉ được nửa bài đã có tiếng ba em mắng: "Cái con Thùy thì phải đánh nó mới được chứ nói nhẹ nó chẳng nghe bao giờ đâu, học với hành gì mà... dốt quá". Em nghe ba mắng, lại quên mất lời chị giảng. Lần này, chị Thảo không dùng thước, mà lấy tay tát em một cái, đau lắm. Mặt em đỏ lên, mắt em cũng đỏ hoe và em khóc. Tiếng khóc của em làm mọi người bực mình. Những tiếng cằn nhằn, la mắng:

- Còn khóc nữa, có im đi không để người ta làm luận...

- Cái đồ học dốt, chỉ được cái bộ khóc là không ai bằng, mày tưởng khóc là tao sợ không dám đánh nữa hả!

- Con gái lớn rồi, học lớp bốn chứ ít ỏi gì, động một tí là khóc, co im ngay đi không?

Câu mắng của ba em khiến em im ngay. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, nhỏ xuống cuốn tập bài làm ở nhà khiến mấy nét chữ nhòa đi. Em không khóc thành tiếng nữa, nhưng thỉnh thoảng phải vang lên một tiếng nấc. Chị Thảo giảng lần thứ ba, em vừa thút thít vừa nghe. Cố gắng mấy, em cũng chẳng sao thu thập được. Lần thứ ba, em vẫn làm sai. May, giờ học hết, em được cho khất đến hôm sau. Tối ấy đi ngủ, em không khóc mà nước mắt cứ tuôn mãi đến ướt cả chiếc gối con. Em oán mình sao chậm hiểu quá. Ngủ được, em lại gặp một cơn ác mộng.

*

Em đến lớp sớm hơn mọi hôm. Hôm nay, con Hường, con bạn thân nhất của em, hẹn em tới sớm để hai đứa tính xem chốc nữa về học, hai đứa góp tiền mua cái gì cho con Quyên, nhà vừa bị cháy. Ba đứa em ngồi cạnh nhau, lại thân nhau, thương nhau lắm. Con Quyên nhà nghèo nhưng học giỏi nhất trong bọn. Nó thường làm bài ra trước, bảo em chép, em tự ái, không nghe. Lâu lâu, gặp bài khó quá, em mới hỏi nó một chút. Em với con Hường, nhà không khá gì nhưng đủ ăn. Mỗi lần đi học, em được năm đồng ăn quà. Nhà con Quyên cháy cách đây hơn tuần, em với con Hường bảo nhau để dành tiền quà được đúng một tuần. Chúng em giấu con Quyên, muốn dành cho nó một sự ngạc nhiên. Em tính thế này, về học, em với con Hường sẽ đợi con Quyên về trước, xong mới lẳng lặng theo sau đến nhà nó tặng quà. Rồi lúc về, con Hường sẽ về ngõ nhà em để em chứng minh được với người nhà là em đi thăm bạn, chứ không phải đi chơi. Cứ nghĩ đến lúc con Quyên tròn mắt nhìn hai đứa chúng em trao quà, em lại cười được.

Nhưng con Hường không đến lớp. Mãi khi vào học cũng không thấy nó đâu. Em với con Quyên hỏi nhau không biết vì sao con Hường lại nghỉ. Mãi, em mới nhớ ra chiều qua nó bảo khó chịu, chắc hôm nay phải nghỉ học vì bệnh rồi. Thế là ý định tặng quà cho con Quyên đành phải bỏ dở sao?

Em suy nghĩ và cuối cùng, em định sẽ tự mình mua quà đem tặng con Quyên. Nghĩ là làm, giờ học xong, em đi vội ra ngoài hàng mua vài cuốn tập, còn thừa ít tiền, em mua mận. Phải mua cho nhanh để còn theo kịp con Quyên. Bà hàng nghe em hối, gói nhanh lắm, thế mà em vẫn thấy là chậm. Cuối cùng, rồi em cũng theo kịp bạn.

Nhà con Quyên trước khi bị cháy đã nghèo, bây giờ trông càng thảm hại hơn. Mấy tấm tôn cong queo, nám đen, che trên mấy cây gỗ, chung quanh là vách bằng ván ép, giấy cứng, là chỗ trú của gia đình nó. Má nó đang ngồi giặt đồ trước nhà, mấy đứa em nó ngồi chung quanh xem và nói chuyện. Con Quyên về tới, lũ em nó reo mừng. Má nó chỉ ngước lên rồi lại cúi xuống giặt giũ. Con Quyên vào nhà cất tập vở rồi trở ra, ngồi xuống cạnh má, phụ giặt đồ. Em tần ngần đứng nhìn rồi mới bậm gan bước đến. Con Quyên đang kể chuyện trong lớp cho má nghe. Em đến gần, nó còn chưa biết. Nhưng lũ em nó đã thấy, một đứa kêu:

- Chị Thùy kìa!

Con Quyên ngước lên. Tự nhiên em thấy run, không biết vì sao nữa. Có lẽ vì chưa lần nào em làm một việc tự ý như lần này, mới cảm động mà thế. Em cúi đầu chào má con Quyên, má nó cười bảo con:

- Thôi, để đó má giặt cho, đi nói chuyện với bạn cho vui...

Con Quyên dạ, đi rửa tay, rồi rủ em vào nhà. Bàn học của nó để đủ thứ, sách, vở của nó, của các em nó, mấy cái đèn dầu, cả sổ sách của ba nó nữa. Quyên kéo ghế cho em ngồi rồi hỏi:

- Thùy tới có chuyện gì vậy?

Em ấp úng, những lời em sắp đặt sẵn ở nhà để nói với nó giờ như trốn cả, em chả còn nhớ gì, mãi em mới nói được:

- Thùy... đem tặng Quyên ít quà...

Rồi mở cặp, em lấy mấy cuốn tập ra, cả túi mận nữa. Con Quyên nhìn em không nói được gì. Nó cũng như em, cảm động. Sau, nó phải kêu má:

- Má ơi! Má vô coi nè!

Tiếng má nó hỏi vọng:

- Gì đó?

Một thằng em con Quyên đứng tựa cửa nhìn em với nó nãy giờ, đáp thay:

- Chị Thùy cho chị Quyên cái gì đó... nhiều lắm...

Tiếng má con Quyên:

- Trời ơi, còn bé mà bày đặt chi vậy cháu...

Em chưa biết nói sao, má nó đã tiếp:

- Con Quyên không biết cảm ơn chị sao?

Con Quyên nghe má nhắc mới nhớ, nó lúng búng với em:

- Cám ơn Thùy nhiều lắm... nghe...

Em cố lắm mới giữ được vẻ tự nhiên, chỉ vào mấy cuốn tập, nói:

- Mấy cuốn này để Quyên chép lại bài học đó...

Con Quyên cũng cố tự nhiên trò chuyện:

- Thùy cho Quyên mượn tập nghe...

- Ờ, mai Thùy đem cho...

Rồi em lại nín thinh. Kỳ ghê vậy đó. Thường ngày chúng em chuyện trò như pháo tết, đủ thứ chuyện, thế mà lúc này, tìm được một câu để nói với nhau thật khó. Em thấy đã xong việc, lại chả biết nói thêm gì, mới bảo con Quyên em về. Nó không giữ lại, nói cảm ơn lần nữa. Ra ngoài cửa, chào má nó, em được má nó khen:

- Cháu thật tốt, con Quyên có phước lắm mới có đứa bạn như cháu, cám ơn cháu lắm nghe...

Em dạ nhỏ rồi chào lần cuối, ra về. Đi một quãng, em quay lại. Con Quyên còn đứng nhìn theo em. Nó vẫy tay cười, em cười theo.

*

Ba em hỏi:

- Sáu giờ trường đã tan mà sao giờ này mày mới về?

Em ấp úng:

- Con... con đến nhà một đứa bạn...

- Làm gì?

Em rối lên, không biết trả lời sao nữa. Không lẽ lại nói thật, chưa chắc ba đã bằng lòng, có khi còn thêm nặng tội nữa. Mà không nói, thế nào cũng bị đòn. Thấy em không nói, ba em lại hỏi:

- Ba hỏi sao không nói? Tới nhà bạn làm gì?

Em sợ, đáp bừa:

- Con... tới... chơi...

Thế là ba em giận, sẵn cây roi mây trên tay, ba đánh em túi bụi. Lúc đầu em không khóc, vì em đã nghĩ ngay khi trả lời ba, rằng thế nào mình cũng bị đòn. Nhưng rồi đau quá, em không làm gan được nữa, khóc òa. Má em đứng cạnh đó, mỉa:

- Cho đáng đời, về học không chịu về nhà ngay còn đi chơi, làm cả nhà hoảng, tưởng có chuyện gì...

Ba em kể lể:

- Mày phải biết tao với má mày lo cho mày chứ! Giờ tan học đã lâu mà chưa thấy con về, hỏi cha mẹ nào yên lòng được. Má mày thì phải đi tìm ngoài trường, tao phải xách xe đi tận đằng chợ...

Ba, má! Con biết lắm chứ, con biết ba má thương con lắm chứ! Lỗi ở con tất cả, con đã không liệu trước việc này, con đã quên hẳn xưa nay mình vẫn là đứa học dốt, thật ít được ai tin tưởng. Đáng lẽ con không nên quyết định đến nhà con Quyên một mình, mà phải đợi con Hường khỏi bệnh,, cùng đi. Ắt con không bị đòn. Và bây giờ đây, ắt con không phải ngồi khóc một mình.

Chợt có tiếng anh Lương:

- Mày đến nhà đứa nào vậy?

Em ngẩng lên, mắt nhòa lệ, nhìn anh. Ở nhà, nếu có một người còn thương em chút ít, còn cho em đôi lời an ủi, thì người đó chỉ có thể là anh Lương. Em không giấu anh bao giờ:

- Em tới nhà con Quyên.

- Con bé để tóc dài hay lại đây chơi hả?

- Dạ.

- Đến chơi thôi à?

- Không, em đến cho nó ít quà...

Nghe em nói, anh Lương có vẻ ngạc nhiên, hỏi:

- Mày cho nó quà cơ?

- Vâng, nhà nó mới bị cháy, em để dành tiền quà, mua cho nó ít tập vở...

Anh Lương có vẻ cảm động:

- Vậy mà không chịu nói để bị ba đánh.

- Tại... em sợ ba không tin...

Anh Lương dỗ:

- Thôi, nín đi, để tao nói lại với ba cho...

Anh Lương ơi! Em cám ơn anh lắm. Anh thương em, anh bênh em. Nhưng em không tin rằng với những lời anh nói, có thể xóa bỏ hẳn trong trí tưởng mọi người cảm nghĩ xấu về em. Làm sao em quên được những lời nói mỉa của các anh chị. Chị Thương bảo: "Con Thùy đi chơi thật sướng, tao thèm ghê". Chị Thảo nói: "Tao phục nhất con Thùy, gan quá". Trời ơi! Tại sao mọi người trong nhà lại mang nặng thành kiến về em thế? Em học dốt, em nhận. Nhưng học dốt đâu phải là căn nguyên của mọi sự xấu. Thế mà ai cũng đổ cho em những tính xấu, khi em lỡ phạm một lỗi gì, lỗi thật nhỏ đi nữa. Em buồn quá đi thôi, và em nghĩ có lẽ, hoài hoài, em phải đón nhận những thiệt thòi.

*

Trường em tổ chức cắm trại. Địa điểm là một ngọn đồi ở một vùng ngoại ô. Nhà trường gửi giấy về cho gia đình biết tin, nếu bằng lòng cho con em đi trại, thì điền vào giấy và ký tên. Đáng lẽ em không được đi, chỉ chị Thương, con Thu, thằng Thành là được ; nhờ anh Lương nói hộ ý hẳn anh muốn em vui để bù lại trận đòn hôm trước em mới được cho đi.

Sáu giờ rưỡi sáng chúng em đã phải có mặt tại trường. Bảy giờ xe tới. Chúng em đứng vào từng lớp rồi lên xe, khởi hành. Tám giờ sáng thì đến nơi. Lớp em đi có khoảng hai mươi đứa, được dựng ba chiếc lều. Em ở chung lều với cô giáo. Con Quyên, con Hường cũng vậy. Chúng em dựng lều theo lời chỉ dẫn của cô xong, cùng họp lại khoảng sân giữa chiếc lều. Cô giáo cho chúng em biết những sinh hoạt chúng em sẽ dự...

Trước tiên, chúng em chơi trò "bịt mắt bắt dê". Em xui xẻo làm sao, bị bịt mắt trước tiên. Cô giáo cũng dự trò chơi cho vui, lấy khăn bịt mắt em. Em nghe tiếng cô hỏi: "Mấy ngón?". Có thấy gì đâu, em đáp bừa: "Ba ngón". Cô cười tin là em không thấy được. Các bạn em vây quanh bắt đầu reo, đứa gọi tên em, đứa ca hát, có đứa nói: "Tao nè Thùy". Em hướng về phía có tiếng nói, với tay bắt, thì con bạn đã lẩn đi nơi khác, em chới với...

Cứ thế, với cảm giác của người lạc trong khoảng không đen tối, và có lẽ bao la, em quơ tay tìm kiếm, hướng về phía những tiếng động. Một lúc, có thật nhiều tiếng động ở một phía, em bước nhanh tới. Có những tiếng chân chạy dồn dập, em bước nhanh hơn và túm được một cánh tay. Lũ bạn em reo ầm lên:

- Cô bị bắt!

Giọng cười hiền của cô giáo vang bên tai em. Cô đưa tay gỡ khăn bịt mắt em ra, em phải chớp mắt mấy cái liền mới quen sáng. Cô giáo bị bịt mắt, chúng em cũng đưa mấy ngón tay ra hỏi và sau khi nghe cô nói sai, cả bọn mới dang ra. Trò chơi lại tiếp tục, thật vui.

Hết trò chơi, tất cả ngồi thành một vòng tròn. Cô giáo đứng giữa, cùng chúng em hát những bài hát ngắn, vui. Mồ hôi lăn đôi giọt trên gương mặt hiền của cô, nhưng nét vui phảng phất trong ánh mắt. Em cũng thế, thấy nóng và mệt nhưng vui.

Rồi những sinh hoạt kế tiếp... Rồi buổi trưa...

Cô giáo bắt cả lớp phải đi ngủ trưa. Em, con Hường, con Quyên nằm cạnh nhau, thiếp đi được có chút xíu có lẽ vì hồi sáng nghịch mệt Chợt một con muỗi vo ve trước mặt em, em đưa tay đuổi, con vật bay xa một chút rồi trở lại, em lại đuổi. Con vật quỉ quái cứ như trêu em mãi. Thế là em không ngủ được. Con Hường, con Quyên cũng thức dậy theo. Cô giáo không ngủ, ngồi đọc sách, thấy ba đứa em thức dậy, hỏi:

- Sao không ngủ đi?

- Muỗi quá cô ơi...

Cô giáo cười, nhăn mặt, rồi đọc tiếp cuốn sách. Ba đứa chúng em quay ra trò chuyện với nhau. Trong câu chuyện, không biết đứa nào gợi ra trước mà sau đó, con Quyên được đề cử nhiệm vụ xin phép cô cho đi chơi (dù gì nó cũng là học trò giỏi, cô cưng). Nhưng cô lắc đầu từ chối ngay, nói sợ chúng em gặp chuyện không hay. Chỗ cắm trại là đồi núi chứ đâu phải là khoảng đất rộng đâu. Cô sợ phải chịu trách nhiệm. Chúng em, mặt đứa nào cũng buồn thiu, tiếp nối câu chuyện.

Buổi trưa, nắng len qua kẽ lá in hình lấm tấm xuống nền đất. Những chiếc lều nhan nhản đó đây, nằm im lìm. Em đoán chỉ chừng một giờ trưa. Bốn giờ chiều chúng em phải ra về rồi, mà theo chương trình, hai giờ chúng em mới được thức dậy, sinh hoạt chung hai tiếng nữa. Chỉ có hai tiếng đồng hồ nữa thôi. Ít quá. Có lẽ cả ba chúng em cùng nghĩ như thế nên chuyện trò được một lúc, ba đứa lại trở về chuyện xin đi chơi. Gần một tiếng chứ phải ít đâu. (Ngộ ghê, hai tiếng sinh hoạt chung thì cho là ít mà chưa đầy một tiếng đi chơi riêng lại nghĩ là nhiều) Đi chơi, ít lắm, chúng em cũng được xem hết phong cảnh ngọn đồi, được leo lên những mỏm đá, được chạy nhảy dưới những tàn cây rậm. Nhưng cô giáo đã nói rồi đó, cô sợ lỡ có chuyện gì xảy ra... Biết sao bây giờ? Hay là trốn đi... Thôi, chả dám đâu...

Cô giáo thôi đọc sách nhìn chúng em. Và có lẽ đọc được ý nghĩ của ba đứa qua ba gương mặt buồn thiu, cô hỏi:

- Bộ muốn đi chơi lắm hả?

Chúng em như mở cờ trong bụng, đáp ngay:

- Cô cho tụi em đi chơi một chút xíu thôi, nghe cô...

- Tụi em tới ba đứa, cô đừng lo...

Cô hiền từ:

- Cô chỉ sợ mấy em mải đùa nghịch mà té, dẫm gai góc gì đó...

Biết cô có chút xíu xiêu lòng, ba đứa nài nỉ thêm:

- Cô cho tụi em đi một chút thôi à...

- Tụi em hứa chỉ đi coi phong cảnh...

Cô thương của em, cô bằng lòng sau vài lời nài nỉ của ba đứa em, vì chiều chúng em, mà cô phải phiền vì chúng em.

Được cô bằng lòng sau khi đã căn dặn đủ điều, chúng em mừng lắm dắt nhau lần về phía trên ngọn đồi. Phía này, không có lều của lớp nào cả, toàn đá và cây cối. Những hòn đá to nằm chồng chất lên nhau thật đẹp. Những cây cổ thụ ngả mình che mát từng khoảng. Ba đứa em dắt tay nhau leo lên những tảng đá lớn, chạy nhảy trên những luống cỏ mướt xanh.

Lên khá cao, chúng em mới dừng lại, cùng ngồi trên một tảng đá phẳng mặt. Bên dưới chúng em, những nóc lều phất phới nào cờ xanh, cờ đỏ, cờ vàng, cờ tím... (dấu hiệu của các lớp). Lều của thầy trại trưởng ở chính giữa, ngọn cờ nhà trường nền xanh lá cây, tua vàng nom thật đẹp. Trên này gió lộng, mát. Ba mái tóc của ba đứa em dạt hẳn về một phía. Con Quyên thích quá hát nho nhỏ: "Ai bảo chăn trâu là khổ...". Em hát theo rồi tới con Hường. Chúng em cùng tưởng như mình đang ngồi trên lưng trâu, dù thật sự, là tảng đá lớn. Tiếng hát của ba đứa em đều đều:

- ... Em mới lên năm lên mười... nhưng em không yếu đuối...

Vui quá, ba đứa hát xong ôm nhau cười khúc khích. Rồi con Hường nảy ra một ý, vờ làm người chụp ảnh, dang ra xa, lom khom đưa máy ảnh kết bằng mấy ngón tay bé nhỏ, miệng không ngớt nói:

- Này, sửa soạn chụp đó nghe...

Em với con Quyên cũng làm như sắp được chụp ảnh thật, cười thật tươi, ngồi ra dáng chờ đợi. Và chuyện xảy ra bắt đầu từ trò chơi nghịch này.

Con Hường, mải vờ chụp ảnh, bước lùi không để ý, vướng vào một gốc cây, ngã ngửa. Em với con Quyên hốt hoảng kêu to, cùng chạy đến bên nó. May, nó bám được một cành cây xõa thấp vừa lúc thân mình nhỏ bé của nó sắp rơi từ phiến đá xuống một bụi rậm dưới đó hơn hai thước. Sợ quá, em với con Quyên phải mất một lúc lâu mới đỡ bạn đứng dậy được. Con Hường, mặt tái xanh, xoa chỗ đau nơi chân. Bấy giờ em mới hỏi được:

- Hường có sao không?

Con Hường cười gượng:

- Không sao cả... chỉ sợ thôi...

Con Quyên:

- Mình về chứ?

Hai đứa em cùng gật đầu. Sợ quá rồi. Và ba đứa lần xuống, hướng về phía lều. Ba đứa bàn tính với nhau:

- Giấu cô nghe, cô mà biết thì chết...

- Ừ, giấu chứ, ai mà dám nói...

Gần đến nơi, ba đứa còn đang hồi hộp không biết có giấu cô được không, chợt con Hường kêu lên: "Chết rồi". Hai đứa em dừng lại hỏi nó. Con bé mếu máo đưa tay lên cổ:

Sợi chuyền của Hường...

Em nhìn cổ con Hường, không còn sợi chuyền vàng nơi đó. Hồi sáng này, Hường có khoe em, nó phải năn nỉ mãi, má nó mới cho đeo theo, bà chỉ sợ mất. Vậy mà bây giờ... Tiếng con Quyên:

- Không chừng sợi chuyền bị đứt rơi đi lúc Hường bị té...

Con Hường như không còn biết gì nữa, đứng khóc. Em phải dục mãi nó mới chịu cùng chúng em trở lại chỗ cũ. Leo đến nơi thì mệt phờ, mồ hôi nhỏ giọt. Nhưng đứa nào cũng mừng vì cùng nhìn ra màu vàng ánh của sợi chuyền nằm trên bụi cây dưới phiến đá. Con Hường quên cả sợ tìm lối men xuống. Em với con Quyên cũng vậy, mừng cho bạn mà quên hẳn lời cô dặn: "Coi chừng các bụi rậm". Con Hường đến bên bụi cây, với tay lấy sợi chuyền. Em cười và trong một giây, óc em trống rỗng, không có gì nghĩ ngợi. Em lơ đãng nhìn xuống đám cỏ đang dạt xuống vì bước chân của con Hường. Chợt em kêu to:

- Hường! Con rắn!

Rồi hoảng quá, không biết em nghĩ sao, chạy nhanh về chỗ con Hường men xuống khi nãy, mong sẽ đẩy bạn tránh kịp con rắn nhỏ đang trườn mình tới chỉ cách hơn thước. Lo cho bạn quá, em quên hẳn em đang ở trên một ngọn đồi, mà đường đồi thì dốc, sỏi đá. Em trượt chân từ một góc phiến đá xuống dưới. Em chỉ còn kịp thấy con Hường hốt hoảng nhận ra con rắn dưới chân mình, bỏ sợi dây chuyền chạy lẩn. Sau đó em không biết gì nữa. Đầu em ê ẩm, dường như va vào đá.

*

Hình ảnh cô giáo em hiện ra. Đôi mắt đầy lo lắng của cô vụt tan đi, thay bằng ánh mắt vui mừng. Cô kêu lên:

- Em Thùy tỉnh rồi!

Em nghĩ nhanh đến những chuyện xảy ra và thấy mình có lỗi với cô quá. Cố xin cô đi chơi để khiến cô phải lo lắng. Em định ngồi lên để nói lời xin lỗi cô, nhưng cô ngăn, bảo:

- Đừng ngồi dậy, đầu em còn bị băng...

Nghe cô, em mới nhận ra nằng nặng nơi đầu, có lẽ lớp băng khá dầy. Em chớp mắt mấy cái, lệ đã ứa ra, nhòa hẳn:

- Cô... cô tha lỗi cho em... nghe cô...

Cô cười, nói: "Lỗi gì đâu". Rồi bảo em nằm im, cô bước ra ngoài cửa. Cô đi rồi, em mới nhìn chung quanh. Căn phòng quét vôi trắng toát, không phải nhà em, không phải nhà cô giáo. Bệnh viện. Đúng rồi, bệnh viện. Trời ơi, em sợ quá... Em ở đây, không biết ba má em có biết không... Ba má mà biết thì sao? Liệu em có tránh được trận đòn không?

Cô giáo trở lại, em chưa kịp hỏi, cô đã nói:

- Cô nhờ người mời ba má em đến rồi...

Nghe đến ba má, em sợ đến xanh mặt. Hình ảnh những trận đòn ngày trước hiện ra. Những trận đòn em bị sau khi phạm một lỗi nhỏ nào, ám ảnh em mãi. Em lo lắng:

- Cô... ba má em... em có sao không?

Cô hiểu lầm câu hỏi của em, nói:

- Em chỉ bị nhẹ nơi đầu thôi, không sao đâu.

Em trình bày ý mình:

- Ba má em... có... có đánh em không? Cô?

Cô cười, hiểu ra, bảo:

- Đánh gì? Ai đánh người bệnh bao giờ, nhất nữa là vì em thương bạn mà mới bị thế này...

Có tiếng ồn ào ngoài cửa phòng, bóng chị y tá hiện ra rồi ba em, má em, các anh chị của em, cả con Quyên, con Hường nữa. Em ứa nước mắt, vừa mừng, vừa lo, vừa hồi hộp. Má em chạy lại ôm em:

- Con làm má sợ quá...

"Con làm má sợ quá". Bao lâu rồi, em mới nghe má nói như thế, nói một câu thật tầm thường nhưng chứa bao thương yêu. Em ấp úng:

- Má... Má giận con không má?

- Giận gì đâu nào, má biết con tốt với bạn lắm... Chuyện bữa trước, anh Lương con mới nói ba má nghe... Đừng buồn ba má nghe con...

- Má... má nói thiệt chớ má? Ba má không đánh con nghe...

Anh Lương đứng cạnh, quay đi. Lúc anh quay lại, em thấy mắt anh hơi đỏ. Có lẽ anh hiểu ý câu nói sau của em hơn cả. Em vẫn chưa  quên được rằng em là đứa con chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Cái thiệt thòi bắt nguồn từ cảm tưởng của mọi người về việc học của em ; việc học làm phiền ba, phiền má, phiền các anh, các chị. Em vẫn chưa quên được đã nhiều lần, và ngay đến lúc này, em vẫn còn nghĩ rằng mọi người trong gia đình không sao có được một ý tốt về em. Chỉ vì em học dốt!

Má em nói:

- Đánh gì? Thấy con mạnh là ba má mừng lắm rồi...

Con Hường, con Quyên len đến bên em. Con Hường nắm tay em, giọng cảm động:

- Thùy thương Hường quá, không có Thùy, Hường bị nguy rồi...

Em hỏi bạn:

- Sợi chuyền đâu rồi, Hường?

Con Hường ngẩng mặt, cổ nó trắng ngần với sợi chuyền vàng ánh. Em nhìn sợi chuyền, nhìn lên khuôn mặt với đôi mắt rưng rưng của bạn, nhìn sang cô giáo, con Quyên, ba em, má em... Cuối cùng, ánh mắt em dừng ở anh Lương, em hỏi:

- Phải ba má không đánh em nữa không anh Lương?

Không ai hiểu được câu nói của em cả trừ anh Lương. Và cũng chẳng ai có thể hiểu sâu xa tiếng "ừ" của anh trả lời em ngoài em ra.

Một thoáng, em nghĩ là mình đã thôi không còn chịu thành kiến của gia đình nữa. Mọi người đã hiểu em bất hạnh, trời không thương bắt chậm hiểu, học dốt, nhưng bù lại, em có thật nhiều tình thương để giang trải cho các bạn, cho các người thân yêu trong gia đình.

Em mong ý nghĩ của em là đúng, hẳn em phải sung sướng lắm với sự cảm thông của gia đình, sự cảm thông đến như đóa hoa nở muộn.

Và dù dở luận văn, em vẫn định khi lành bệnh rồi, em sẽ ghi lại những chuyện xảy đến cho mình.


NGUYỄN THÁI HẢI    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 190, ra ngày 1-12-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>