Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

CHƯƠNG I_TRONG VÙNG MÙ SƯƠNG


I


Quế Trân tỳ nhẹ tay lên ô cửa, đầu hơi nghiêng nghiêng, mái tóc dài lòa xòa che khuất một phần khuôn mặt. Cô bé ngồi yên như thế đã lâu, dường như bất động, đôi mắt mơ màng và buồn tênh. Cô bé đang suy tư, dáng gầy trông tội nghiệp quá.

Ngoài kia mặt trời đã chạy trốn tự bao giờ, sương mù bắt đầu giăng giăng. Đà Lạt buổi chiều ảm đạm và ướt át làm sao. Lẫn trong màn sương thấp thoáng những ánh đèn và trên những hàng cây gió đang thổi về với cái lạnh tê buốt.

Đà Lạt thành phố của sương mù, thành phố của huyền thoại, cảm hứng của thi sĩ và bối cảnh của bao cuộc tình. Trước cảnh Đà Lạt hoàng hôn, Quế Trân lặng lờ như một giòng sông. Cô bé đang thưởng thức vẻ đẹp của thành phố cao nguyên nổi tiếng? Cô bé đang tìm nguồn mạch cho một bài thơ ? Không, cô bé đang thả hồn trong nỗi buồn... nỗi nhớ...

Đôi mắt cô bé đang dõi về chân trời xa chợt lại gần hơn. Những luống cải trong khu vườn nhỏ trước mặt có vẻ xanh tươi hơn sau cơn mưa vội vã ban chiều. Mấy chú gà con mấp máy chiếc mỏ xinh xinh kêu lên những tiếng ‘‘chíp chíp” yếu ớt rồi chạy đuổi theo gà mẹ để giành mồi... Khóm hồng nhung trước hiên nhà càng thẳm màu hơn khi không gian chuyên chở về bóng tối.

Quế Trân gục mặt vào đôi tay, nước mắt ứa ra, giọng sũng ướt :

- Trời ơi! Buồn quá. Ba mẹ ơi, anh Linh chị Thảo ơi... những người thân yêu của tôi mô rồi.

Đôi vai rung nhẹ theo tiếng nấc, cô bé để mặc cho nước mắt thấm ướt tay áo. Kỷ niệm ngày thơ ấu ở Huế bổng dưng như thác lũ tràn về ngập lụt vỡ bờ. Tất cả như cuốn phim quay chậm hiện rõ trong tâm hồn cô bé.

*

Giòng họ Công Tằng mấy đời làm quan lớn trong Triều. Ông ngoại Quế Trân sống trong giai đoạn Pháp thuộc với chức Tri Phủ chán nản trước cảnh a dua, xu nịnh của một số quan trong triều đối với người Pháp, ông cáo quan về vui với vườn tược. Cảm kích trước sự liêm khiết đó, dân trong thành phố vẫn kính cẩn gọi ông là « Cụ Phủ »

Quan liêu mãi mãi là một bức thành kiên cố, đóng khung những con người bảo thủ trong cuộc sống khép kín.

Ở trường học, bạn bè nhìn Quế Trân với đôi mắt xa cách, đôi lúc họ muốn kết thân nhưng vẫn có “một cái gì đó vô hình” khiến họ không thể thân hơn với cô bé, ngoài những đổi trao về học vấn. Cô bé cô đơn, cô bé thèm một tình bạn. Ở nhà, Quế Trân chỉ được quanh quẩn ra đến ngoài vườn và cánh cổng cao, im sững là ranh giới ngăn biệt cô bé với những đứa trẻ khác. Cô bé thường đứng trong cổng dán mắt vào những khe hở nhìn một cách thèm thuồng trò chơi của mấy cô bé khác đồng lứa.

Chỉ một bức tường mà ngăn đôi hai thế giới. Họ tự do và sung sướng biết bao, còn cô bé không bạn bè, sống cô đơn như chiếc bóng. Ngay đến anh Linh, chị Thảo cũng không thể tiêu phí thì giờ để tìm hiểu « nỗi buồn con nít » của cô bé.

Anh Linh lúc nào cũng đạo mạo với cặp kính trắng, bạn bè là từng chồng sách cao chi chít chữ số, nhìn anh miệt mài học nhiều lúc cô bé tự hỏi khối óc của anh to bằng bao nhiêu để có thể chứa hết ngần kia những định lý, những công thức, những con số ?

Còn chị Thảo ở trường về là giam mình trong phòng với len, chỉ, vải vóc. Mỗi khi mon men lại gần cô bé lại bị chị Thảo xua nhẹ : « Trân ra vườn chơi đi, để chị làm việc… ». Cô bé đành buồn bã lủi thủi ra vườn ngồi khóc thút thít, mấy lần Vú Năm hay dì Yến bắt gặp lại dỗ dành cô bé bằng múi quít hay múi thanh trà ngọt lịm rồi tiếp tục công việc dở dang của mình. Thỉnh thoảng rảnh rỗi dì Yến kéo Quế Trân ra sau vườn, hái hoa kết thành chiếc vương miện đội lên đầu cô bé và gọi đùa là « nàng công chúa bé nhỏ » của dì. Những cái vuốt ve, những câu chuyện cổ tích mà Vú Năm kể cũng khiến cô bé càng gần gũi với Vú hơn. Bà ngoại, ba mẹ, anh Linh, chị Thảo, tất cả cũng đều thương Quế Trân nhưng họ coi Quế Trân như đã lớn, tình thương ấy ít khi được bộc lộ bằng cử chỉ mà họ nghĩ chỉ dành cho những đứa trẻ lên hai, lên ba.

Người lớn có thế giới riêng của người lớn, cô bé có cảm tưởng mình như chú chim Di nhỏ bé trong lồng son. Cô bé không thiết tha với chiếc lồng son kết hoa mà chỉ thèm được tự do chạy nhảy cho thỏa thích đôi chân, thèm nhìn những khoảng trời hồng đang mở rộng bên kia bức tường cho no nê đôi mắt.

Cô bé thường chạy vào khóc thút thít bên tay mẹ. Người mẹ đọc được nguyên nhân những giọt nước mắt kia. Với giọng dịu dàng nhưng nghiêm nghị, bà nói :

- Trân, con phải nhớ từ đời ông cố tổ cho đến ông nội, ông ngoại con đều làm quan. Một đứa con giòng dõi nhà quan không thể bè bạn với những đứa bé tầm thường như rứa…

- Me coi, con không có một đứa bạn mô hết…

Bà mẹ ngắt lời :

- Con muốn có bạn ? Được, để khi mô lại bác Tuần, me cho con theo, con muốn chơi với Yến Thu con bác Tuần không ?

Quế Trân lắc đầu :

- Con nớ kiêu dễ sợ, con không chơi với hắn mô.

- Răng con biết hắn kiêu ?

- Hắn học lớp con mà, đứa mô cũng không ưa Yến Thu hết.

Bà mẹ vặn hỏi :

- Con nói hắn kiêu mà kiêu ra răng ?

- Nó ỷ nó học giỏi, nó ỷ nó con nhà quan, nó không thèm chơi với đứa mô ngoài con nhỏ Quyên Quyên con ông Đốc Toại.

- Con cũng là con nhà quan, răng nó không chơi với con ?

- Nó làm quen nhưng con không ưa…

- Rứa ở lớp con không có bạn thân ?

- Dạ…

Bà mẹ nhìn con xót xa nhưng rồi bà cương quyết :

- Ở trường, con có thể chơi với tất cả, nhưng ở nhà me không muốn thấy con lê la với những đứa trẻ trong xóm… con phải nghe me. Một đứa trẻ ngoan  không khi mô cãi lời cha mẹ.

Trước sự cứng rắn của mẹ, cô bé buồn lắm nhưng cũng quen dần, suốt ngày thui thủi một mình với con miu miu.

Anh Linh chị Thảo cũng vậy. Ý tưởng con nhà quan đã thấm sâu trong tận cùng tim óc, đã in nếp trong tế bào nên họ không kết thân với bạn bè cùng lớp.  Đi học, xe đưa tới tận cổng. Lúc về xe đón vào tận sân. Tiếng cổng rít lên khi khép lại như một nhắc nhở của cuộc sống đều đặn đến độ nhàm chán.

Nói tới đất thần kinh là nói đến lễ nghi, quan cách, bảo thủ. Thế nhưng, bên trong bức tường cao kia chuyện gì đã xảy ra ?

Có lần Quế Trân thắc mắc hỏi chị :

- Chị Thảo ơi ! Răng bạn em chỉ có một bà ngoại mà mình có tới hai hả chị ? Răng một người gọi là bà ngoại lớn, một gọi là bà ngoại nhỏ ? Răng…

Chị Thảo lấm lét nhìn trước nhìn sau, kéo em vào phòng khép cửa lại rồi thì thầm :

- Răng em thắc mắc dữ rứa ? Đừng khi mô nhắc lại câu nớ nữa nghe, me nghe me la chết. Em còn nhỏ tò mò chi chuyện người lớn, chừng vài năm nữa em sẽ hiểu.

Câu trả lời của chị Thảo không làm cô bé hài lòng và không đợi vài năm nữa mới giải đáp thắc mắc đó mà chỉ nửa năm sau cô bé đã hiểu tất cả.

Sau một cơn đau tim, ông ngoại vĩnh viễn nằm xuống. Tang ma xong dường như bầu không khí trong nhà trở nên căng thẳng.

Câu chuyện nổ bùng dữ dội như trái bóng bị nén lâu ngày. Biến cố làm xáo trộn tâm hồn cô bé, làm rơi đi lớp sơn danh giá mà giòng họ Công Tằng đã cố công đánh bóng tự bao ngày qua.

*

Một buổi sáng mặt trời còn ngủ quên, Quế Trân đã choàng giấc nhưng còn lười biếng cuộn mình trong chăn lắng nghe tiếng chim chào mào đang đón chào nhau ngoài vườn, nghe tiếng cây cỏ xào xạc vang trong gió sớm… bỗng dưng cô bé giật mình… tiếng bà ngoại vang lên, giọng phẫn nộ. Âm thanh chát chúa xé tan khỏng không gian đặc quánh lặng yên của buổi mai. Tiếng nói thoắt trở thành tiếng hét lồng lộng trong ngôi nhà thênh thang :

- … Chừ thì hai mẹ con mụ đi đi, đừng ăn báo cô nữa, tui hết cơm hết gạo nuôi rồi…

Trời ơi ! Chuyện chi đã xảy ra ? Quên cả lạnh, quên cả mang dép, Quế Trân tung chăn vùng dậy chạy nhanh xuống nhà. Dì Yến và Vú Năm đang khóc, cả hai lui cui xếp quần áo vào chiếc vali cũ rách. Quế Trân chạy tới ôm chầm cánh tay Vú Năm, tình thương tràn ngập khiến cô bé buột miệng :

- Ngoại ơi ! Ngoại bỏ con đi mô rứa ?

Vú Năm vuốt tóc cô bé :

- Con ở lại, vú đi nghe…

Đôi mắt Vú Năm lướt nhanh trên những khóm cúc tây, thược dược và dừng lại trên màu đỏ hồng nhung, bao năm qua chúng được chính bàn tay bà chăm sóc, bà nhìn chúng luyến lưu bởi bà sắp rời xa, xa từ ngọn cỏ cành cây trong khu vườn quen thuộc này.

Bà nói như nói với chính mình, như nói với một người đã khuất : « Phải ta phải đi tới một nơi thật xa, mười mấy năm qua biết bao kỷ niệm, chừ chẳng còn gì, Chẳng còn lý do chi để ta lưu lại nơi đây. Thôi, vĩnh biệt tất cả, linh hồn ông có lẽ cũng không nỡ trách tôi… ở lại một ngày là thêm đắng cay tủi nhục »

- Ngoại ơi ! Ở lại với Trân, đừng đi mô hết.

- Người ta đuổi vú mà con.

- Con thương ngoại, ngoại đi con bỏ cơm bỏ học…

- Đừng nói bậy con, ráng ăn nhiều cho khỏe, học cho chăm, vú đi rồi vú gửi quà về cho, chừ vú chỉ còn mấy khóm hoa, vú cho con hết…

Quế Trân mếu máo lắc đầu :

- Con không cần chi hết, con cần ngoại thôi…

Vú Năm cương quyết :

- Không thể được, ông ngoại con chết rồi, vú chẳng còn địa vị chi để sống mãi trong ngôi nhà ni hết.

Bà ngoại ngồi trên sập trừng mắt ngó Trân :

- Lên nhà, ai cho phép mi kêu mụ vú bằng ngoại, chỉ có mình tau là ngoại mi thôi, nghe rõ chưa Trân? Mụ vú là người ăn kẻ ở trong nhà, nó ham địa vị bà phủ hai, nó dùng nhan sắc quyến rũ ông ngoại mi… Ủa, răng mi chưa đi lên nhà mà còn xớ rớ đó, tau đập bi chừ …
      
Trân sợ hãi thoát khỏi vòng tay vú Năm rồi lùi dần lên nhà. Giọng nói của Ngoại là một mệnh lệnh, khó cưỡng lại và tia mắt ngoại như toát ra một sự nghiêm khắc cùng cực. Thái độ của ngoại đối với vú Năm là thái độ khắc nghiệt của bà mẹ chồng đối với nàng dâu. Nóng giận và ghen ghét dồn nén bao năm khiến ngoại buông ra những lời mà với số tuổi non nớt của Trân chưa thể cho biết.
        
Bà Ngoại biết vú Năm thương Trân, biết Trân quyến luyến vú Năm, dì Yến – Hai người mà bà ngoại coi như những cái gai cần phải nhổ ngay. Một mình bà ngoại dằn vặt vú Năm chưa đủ, bà muốn khơi dĩ vãng, cái bí mật mà bà phải chịu đựng trong suốt thời gian qua để Trân cũng ghét bỏ vú Năm như bà. Vú Năm là người bế ẵm Trân từ khi còn đỏ hỏn cho đến bây giờ, tình thương vú Năm dành cho Trân còn hơn bà đối với cháu. Chỉ có thái độ ghét bỏ của Trân mới làm cho vú Năm đau lòng xót dạ thôi. Bà ngoại nhất định dùng đòn tâm lý ấy để chặt đứt nguồn yêu thương sau cùng còn lại của vú Năm là Quế Trân. Thế nhưng ngoại đã lầm, những tiết lộ của bà ngoại vẫn không làm giảm đi một mảy may tình thương mà Quế Trân dành cho vú Năm, cho dì Yến…

*
    
Quế Trân ngồi bó gối trên giường, đôi mắt đỏ hoe, bây giờ cô bé đã hiểu, nỗi thắc mắc ngày nào được giải đáp và cô bé mười ba bắt đầu biết suy tư từ đó.
      
Hồi ông ngoại còn sống, bà ngoại sanh được một người con gái, đó là mẹ Trân bây giờ. Năm năm trôi qua, bà ngoại chỉ sanh thêm một người con trai nhưng « hữu sanh vô dưỡng », đứa bé trai ấy chết sau một cơn bệnh ngặt nghèo mặc dù ông ngoại đổ ra không biết bao nhiêu tiền để chạy chữa.
    
Ông Ngoại lại bắt đầu chờ đợi một đứa con trai khác, bà ngoại siêng năng đi chùa hơn để khẩn cầu một đứa con. Nghe đền nào linh thiêng bà ngoại cũng không quản xa xôi, đến tận nơi để khấn vái cầu xin nhưng vô ích, bà vẫn không sanh thêm được đứa nào.
      
Thời gian lặng lờ trôi qua mang theo những hy vọng còn sót lại, ông ngoại băn khoăn và buồn thật nhiều.
       
Theo quan niệm người xưa thì « không con trai để nối dõi tông đường là đã phạm một trong những tội đại bất hiếu » vì thế nỗi muộn phiền chỉ tạm vắng khi ông ngoại túy lúy trong men rượu.
       
 « Cụ phủ gương mẫu » ngày nào bây giờ mất hết phong độ mà chỉ còn là « con sâu rượu ». Trong thời gian ấy vú Năm được nhận vào giúp việc. Trong một ngày mưa tầm tã con « ma men đã quỵ ngã trước tấm nhan sắc ấy. Ông ngoại lén lút cất nhắc cô hầu gái lên địa vị « bà phủ hai». Sự cất nhắc lén lút không thể giữ mãi cho đến ngày vú Năm mang thai dì Yến, hình dáng đổi khác của Vú Năm và tia mắt bối rối của ông ngoại đã tự tố giác tất cả.
        
Biết không thể tiếp tục che đậy, ông Ngoại đành dùng lý do «cần con trai nối dõi» để làm dịu cơn giận của bà Ngoại. Quả nhiên trước lý do rất hữu lý ấy và hơn nữa vì hai chữ «danh giá» bà Ngoại cố dồn nén bao phẫn nộ vào tận đáy lòng. Bà đã đem tất cả sự khôn khéo để giữ sĩ diện cho gia đình.
       
Nguồn hy vọng của ông Ngoại lại vươn lên cao nhưng có lẽ số ông Ngoại không có con trai, vú Năm cũng chỉ sinh được dì Yến rồi thôi. Sự kiện đó càng đào sâu hố ngăn cách giữa vú Năm và bà Ngoại. Bà Ngoại ganh ghét một cách ngấm ngầm vì bà hiểu cái tình của chồng mình đối với người vợ hai, bà vẫn còn nể sợ chồng nên không dám tỏ thái độ ấy một cách công khai.
        
Vú Năm dường như biết thân phận lẽ mọn của mình lại thêm tính tình hiền lành nhịn nhục, bà khóc thầm trước đôi mắt khiêu khích và những lời bóng gió ngụ ý khinh bỉ của người vợ lớn.
       
Từ lâu bà Ngoại vẫn nung nấu thù ghét vú Năm vì vú là người đã chen vào hạnh phúc của bà, đã khuấy động cuộc đời bình lặng của bà bằng đôi mắt mơ buồn… Ngay từ giây phút đầu tiên nhận vú Năm làm người giúp việc, bà đã thầm khen vú Năm là một thiếu nữ đẹp, cái đẹp dịu dàng, nhu mì và mộc mạc của cô thôn nữ Vỹ Dạ đã làm xúc động lòng bà nhưng điều bà không ngờ tới là chỉ nửa năm sau từ một người giúp việc, Vú Năm đã bước lên địa vị «bà phủ hai» khiến cho bà từ lòng thương mến đã đổi thành thù ghét.

Ngày nay, dù vú Năm đã nhiều tuổi nhưng vẫn còn phảng phất nét đẹp ngày nào, dì Yến là người thừa hưởng trọn vẹn tấm nhan sắc của mẹ nhưng cánh hoa ấy bị bao bọc bởi bốn bức tường cao nên ít ai biết đến.

Ngày ông Phủ còn sống, trước mặt ông, bà luôn luôn tỏ ra ngọt ngào với vú Năm. Bà muốn cho ông thấy bao giờ bà cũng là người cao thượng, đầy lòng vị tha, nhưng vắng ông, bà tiếp tục chửi mắng đầy tớ bằng những lời bà muốn dành cho vú Năm:

- Con Thoa mô ? Công chuyện bề bộn như ri mà không lo làm, suốt ngày lo sửa sang sắc đẹp để làm chi ? Để quyến rũ chồng người ta phải không ?

Vú Năm hiểu những lời ấy dành cho mình, buồn tủi nhưng vú Năm cắn răng chịu đựng. Nhìn gương mặt héo buồn của vú Năm, bà Phủ hả hê sung sướng. Trong bà đang có những con sóng ngầm, những ngọn lửa âm ỉ chỉ chờ cơ hội để nổ tung, bốc cháy.

Sau khi chồng xuôi tay khép mắt, bà Phủ liền đổi thái độ với vú Năm. Bà dùng uy quyền của người vợ cả để dằn vặt, hành hạ người vợ lẽ. Tuy bất mãn muốn chống đối nhưng rồi vú Năm vẫn thụ động vì bản chất hiền lành còn tồn tại nơi con người của Vú.

Sự khắc nghiệt của bà Phủ thể hiện rõ rệt trong việc bà bắt các cháu mình gọi người vợ lẽ bằng danh từ «vú Năm» thay vì gọi bằng «bà Ngoại» như ông Phủ đã buộc hồi còn sống. Danh từ «vú Năm» như để đưa địa vị người vợ lẽ xuống thành bà vú hay người giúp việc trong nhà cũng thế.

*

Trân chạy về phòng gục mặt xuống gối khóc rưng rức. Cô bé thì thầm gọi tên hai người thân yêu sắp ra đi, một chuyến đi không hẹn ngày trở lại. Dì ơi ! Còn mô những buổi sáng lạnh co ro trong vòng tay dì nhìn ngọn lửa hồng liếm chõ xôi, mùi nếp mùi đậu xanh thơm nức khiến cháu vòi vĩnh đòi ăn, dì cốc nhẹ đầu cháu mắng con nhỏ ni hư ăn, ngoại chưa thời, ba mạ chưa thời mà đã đòi ăn, la cháu nhưng dì vẫn lén cho cháu nắm xôi còn nóng hổi. Còn mô những buổi trưa hai dì cháu nằm ôm nhau trên chiếc chõng tre già nua, rồi cháu thiếp đi trong tiếng hát của dì, tiếng hát trầm buồn như một lời ru. Còn mô những buổi chiều hai dì cháu thơ thẩn trong vườn, những vòng hoa bưởi thơm ngát dì choàng lên đầu cháu mà ví von cháu là nàng công chúa bé bỏng của dì, những múi thanh trà dì dành cho cháu thật ngọt như tình thương mênh mang của dì... Và ngoại dấu yêu của con, ngoại sắp bỏ con mà đi, từ nay căn nhà thênh thang sẽ thiếu bóng ngoại, khu vườn với những cây trĩu trái, chúng sẽ buồn vì thiếu đôi tay ngoại, đôi tay đã chăm sóc tưới bón chúng từ bao năm qua...

Tiếng hét của ngoại còn vang lên lồng lộng trong buổi mai lạnh buốt :

- Mụ không đi ngay mà còn đứng khóc lóc cái chi ? Con Trân cháu tui, mắc mớ chi tới mụ mà mụ nhắc, không có mụ nó cũng không chết mô ? Nó chừ còn con nít biết chi mà mụ kể lể với nó, mụ muốn chia rẽ bà cháu tui hả ? Mụ là con hồ ly mà, phá hoại hạnh phúc gia đình tui như rứa chưa vừa ý bằng lòng răng ? Hừ... tướng mẹ con mụ là cái thứ tướng sát phu...

- Ông ngoại con Trân đau tim mới chết, tụi mà sát phu thì ông nớ chết lâu rồi chứ mô có sống tới chừ con Yến hai mươi mấy tuổi rồi...

- A ! Mụ giỏi, còn cãi nữa, thôi đừng nhiều lời, giòng họ nhà tui không thể dung chứa những người như mẹ con mụ.

Giọng vú Năm sũng ướt :

- Con Yến nó cũng mang họ như con bà..

Bà Ngoại rít lên tàn nhẫn :

- Biết mô nó không là máu mủ người khác, mụ đem trút vô cho gia đình tui gánh chịu, mụ ham cái gia tài ni mà. Ui chao ! Đừng mơ tưởng vô ích. Nì, tui nói cho mà nghe, con Yến không có phần mô…

Đôi mắt vú Năm mở lớn :

- Trời ơi ! Bà có thể nói một câu vô hậu như rứa răng ?

Sự uất ức khiến bà run rẩy cả đôi chân như chực ngã, đột nhiên bà gạt nhanh nước mắt. Qua khe cửa, lần đầu tiên Quế Trân thấy đôi mắt vú Năm quắc lên dữ dội :

- Được, tui sẽ đi cho bà vui lòng, ra khỏi nơi đây không phải mẹ con tôi chết đói mô, nhưng  trước khi đi tui cần nói cho bà biết, tui không ham một đồng cắc mô trong cái nhà ni hết. Còn hai bàn tay là còn làm việc kiếm tiền nuôi thân, tui không bao giờ là hạng người ỷ lại quyền thế để áp bức, hành hạ người khác.

Bà ngoại đập tay lên sập :

- Mụ nói cái chi ? Mụ nói ai ỷ lại quyền thế ?

Vú Năm không trả lời bước nhanh lên nhà trên, đứng trước bàn thờ người chồng quá cố bà xúc động, miệng lẩm bẩm khấn vái trong khi nước mắt tuôn trào.

« Ông sống khôn thác thiêng phò hộ mẹ con tui được yên thân sống nốt quãng đời còn lại… »

Bà Ngoại nhìn theo bĩu môi :

- Ui chao ! Ơn nghĩa dữ… khéo làm bộ.

Mẹ Trân nãy giờ vẫn yên lặng bỗng bước tới rụt rè :

- Thôi mạ, bao nhiêu sự bí mật trong nhà mình chẳng còn bưng bít được nữa, còn chi là danh giá.

Bà Ngoại đưa tay quệt mạnh vết trầu bên mép :

- Tau không cần giữ gìn cái chi nữa, tau nhịn nhiều rồi, con mụ nớ phải đi cho khuất mắt tau, hắn là cái gai, phải nhổ đi cho khỏi chướng, để nó ăn báo cô hoài tau bực lắm.

- Mẹ đuổi dì Năm đi, chắc linh hồn cha con buồn lắm… Ra khỏi nhà mình mần răng dì nớ sống, mấy chục năm ni có thấy ai tới thăm dì nớ mô.

- Mi khéo lo… tau nghe nói nó có đứa cháu họ xa ở trên Đà Lạt chừ thì lên nớ mà ăn nhờ ở đậu.

- Con ngại người ăn kẻ ở trong nhà đi đồn, đi nói…

- Hừ, đứa mô đồn bậy bạ tau đuổi đi luôn.

Bà Ngoại dửng dưng nhìn vú Năm và dì Yến xách vali lầm lũi bước ra cổng. Nắng đã lên, hai chiếc bóng gầy trải dài trên sân gạch. Từ vuông cửa nhỏ, Trân đỏ hoe mắt trông theo cho đến khi cả hai lách mình ra và cánh cổng sắt khép kín lại.

*

Ba me, anh Linh, chị Thảo cũng đứng yên bất động, trên khuôn mặt họ lộ vẻ nửa như thương hại nửa như bất mãn, nhưng không ai dám nói câu trước sự phẫn nộ của bà Ngoại. Cơn giận lắng xuống, bà bắt đầu lo ngại tai tiếng.

Tất cả như cơn bão tố ùa về thật tàn khốc làm vỡ tung cái vỏ lễ nghi, cái vỏ đạo đức gia phong mà từ lâu gia đình Quế Trân cố bảo thủ.

Người ta thường nói ? « Bức vách có tai », câu ấy có lẽ đúng. Mặc dù bà Ngoại đã dặn dò gia nhân phải kín miệng, đánh đổi sự kín miệng ấy bằng mọi cách. Hăm dọa cũng có, vuốt ve cũng có và đồng tiền cũng có, nhưng không chuyện gì có thể giấu mãi dưới ánh sáng mặt trời vì chỉ một thời gian sau cả dẫy phố đều biết chuyện vú Năm, người vợ lẽ của ông Phủ, xuất thân chỉ là một cô tớ gái giúp việc và cả hai mẹ con người vợ lẽ đã bị bà Phủ đuổi đi vì ganh ghét

Chuyện này khiến nhiều người xầm xì bàn tán, họ cho rằng bà ngoại quá khắc nghiệt, ăn ở thất đức.

Luồng dư luận có lẽ tới tai bà Ngoại nên bức tường đã cao lại có vẻ cao hơn, cánh cổng đã khép chặt lại có vẻ chặt hơn, ngăn cách hẳn thành một thế giới riêng biệt. Ít khi người ta thấy những người trong gia đình Quế Trân ra khỏi cổng, nếu có họ cũng lặng lẽ âm thầm như những chiếc bóng.

Chuỗi ngày tháng nói tiếp nhau trôi qua, câu chuyện của gia đình cụ Phủ rồi cũng mờ đi, nhạt đi. Người ta đã quên hay đúng hơn đã ném nó vào một xó xỉnh trong tiềm thức.

Cô bé Quế Trân ngày nào nay đã lớn hơn, đã biết lén lấy gương nhỏ của me đem vào phòng ngồi ngắm mình hàng giờ hay lấy mấy cánh cúc tây cài lên tóc mà mơ mình làm nàng công chúa ngủ trong rừng. Cô bé lớn lên cùng với một đam mê. Cô bé mê hoa hồng vô cùng, nhất là hoa hồng nhung màu huyết dụ. Những khóm hồng nhung trong sân là kỷ niệm sau cùng của vú Năm còn để lại.

Sống trong tình thương tràn đầy, vật chất không thiếu nhưng cô bé vẫn cảm thấy buồn, thấy thiếu vắng một cái gì đó. « Cái gì đó » có thể là sự tự do. Nếu mãi làm chú chim trong chiếc lồng kết hoa hay sống như một cây cỏ mềm yếu suốt đời núp bóng cội tùng biết bao giờ cô bé mới tìm được một người bạn ?

Nhà vắng người lại càng vắng hơn. Anh Linh đậu xong phần II đã bay vô Sài Gòn thi vào kiến trúc. Chị Thảo lo tụng bài kỹ hơn để chuẩn bị cho kỳ thi toàn phần năm tới. Vỏn vẹn trong nhà chỉ còn bà Ngoại, ba me, chị Thảo, Quế Trân, o Nhạn, chị Bảy và chú tài xế. Quế Trân buồn bã đếm từng ngày trôi qua với nỗi nhớ quắt quay, nhớ vú Năm, nhớ dì Yến, nhớ những kỷ niệm êm đềm ngày xưa…

Bận rộn lo lắng với thi cử, rồi chờ đợi kết quả trong hồi hộp phập phồng, chị Thảo mừng đến chảy nước mắt khi thấy tên mình trong danh sách những thí sinh đậu. Ba me mở tiệc ăn mừng, Quế Trân nhớ rõ trong số những người đến dự tiệc có cả vợ chồng bác Tuần và anh Bằng (con bác Tuần) nữa. Chị Thảo hôm nay dễ thương với chiếc áo dài màu hoàng yến me mới thưởng hôm có kết quả. Suốt buổi tiệc Trân bắt gặp anh Bằng nhìn chị Thảo mấy lần và dường như chị Thảo cũng biết điều đó nên hai má đỏ bừng đôi mắt chớp chớp. Trân đoán «anh chị» đã «ăn ý» với nhau rồi và cô bé cầu mong cho anh Bằng cưới chị Thảo, mong chị Thảo có hạnh phúc dù cô bé có phải xa chị Thảo đi nữa.

Quế Trân liếc nhìn ba me. Ông bà đang trò chuyện thân mật với vợ chồng bác Tuần. Thỉnh thoảng bác Tuần gái nhìn chị Thảo với đôi mắt yêu thương, nhìn anh Bằng với đôi mắt trìu mến. Cô bé biết mẹ và bác Tuần đang nói về anh Bằng, chị Thảo, tự dưng cô bé thấy niềm vui tràn ngập.

Quế Trân rời bàn ăn, cô bé nghĩ đến mấy bông hồng nhung mới nở hồi chiều – Mình sẽ tặng chị Thảo anh Bằng hai bông đẹp nhất. Cô bé đang loay hoay chọn hoa chợt nghe tiếng chân người, mà cô bé đoán là anh Bằng và chị Thảo. Cô bé đứng yên không dám nhúc nhích, không phải là tò mò nhưng cô bé không muốn khuấy động giây phút êm đầm hạnh phúc của hai người.

Tiếng anh Bằng trầm ấm :

- Thảo định xong toàn phần sẽ theo phân khoa nào ?

- Dạ… dạ… Thảo định học Dược, nhưng me muốn Thảo thi vô Sư Phạm… me nói con gái làm nghề dạy học là dễ thương nhất…

Anh Bằng cười nhỏ :

- Anh cũng nghĩ như rứa. Chừ dạy con thiên hạ, mai mốt lấy chồng có con thì dạy con mình học…

Trân đoán hai gò má chị Thảo sẽ đỏ bừng và đôi mắt sẽ chớp chớp, thói quen mỗi lần gặp điều chi làm chị xấu hổ.

Tiếng chị Thảo kêu khẽ :

- Trời ơi ! Anh Bằng nói chi mà có con… dị bắt chết…

- Anh nói thật đó, dị chi mà dị, Thảo nhát ghê. Thảo chuẩn bị tinh thần nghe, anh sắp nói một chuyện cam đoan sẽ làm Thảo giật mình và bối rối.

Chị Thảo lo lắng :

- Chuyện chi rứa anh ? Anh làm Thảo lo ghê nơi.

- Thảo có biết me anh đang nói với me Thảo chuyện chi không ?

- …

- Thảo, Thảo có biết anh mến Thảo lắm không ? Anh mến Thảo từ hồi Thảo còn học đệ nhị, anh định đợi Thảo thi xong toàn phần sẽ nhờ me anh lại thưa chuyện với me Thảo và bữa ni me anh đang nói chuyện nớ với me em…

Tiếng « em » thốt ra êm đềm trìu mến biết bao… Trân bàng hoàng xúc động vì điều nguyện cầu trong buổi tiệc của mình sắp thành, sự xúc động khiến cô bé đánh rơi chiếc kéo đang cầm trong tay mà cô bé định dùng nó để cắt hai cành hoa, chị Thảo giật mình quay lại :

- Ai rứa ? A… Trân… nãy chừ em đi mô ? Em làm cái chi mà đứng chỗ nớ ?

Trân lúng túng :

- Em… Em cũng mới ra… Em nhớ tới mấy bông hồng mới nở khi chiều, em định hái tặng chị với anh Bằng…

Chị Thảo cười giọng no đầy hạnh phúc :

- Trời ơi ! Trân của chị ngoan ghê – Quay sang anh Bằng chị tiếp – Anh biết không, Trân quí mấy khóm hoa hồng của nó lắm, thường ngày nó không cho ai đụng vô mấy cây hoa nớ, không biết răng bữa ni cô bé có nhã ý tặng hoa cho anh với Thảo rứa ?

Trân nhìn anh Bằng cười tinh ranh :

- Tại bữa ni chị Thảo là người hạnh phúc, « tiểu đăng khoa » rồi còn thiếu cái « đại đăng khoa » nữa là đủ anh Bằng hỉ ?

Chị Thảo tròn mắt nhìn Trân :

- Em biết hết rồi ?

- Biết chi chị ? Em nghe bác Tuần bàn với me về chị và anh Bằng… 

Cô bé giơ hai cành hoa còn ướt sương :

- Chúc mừng chị và anh Bằng.

*

Ba tháng sau, chị Thảo về làm dâu bác Tuần, làm vợ anh Bằng. Đám cưới chị thật lớn, xe hơi đi thành hàng hai, đãi tiệc suốt ba ngày. Cả khu phố kéo ra xem đều trầm trồ khen cô dâu xinh chú rể đẹp. Lời trầm trồ đó khiến ngoại sung sướng hả hê. Để tỏ sự rộng rãi của mình đối với mọi người, lần đầu tiên bà ngoại đích thân phát bánh kẹo cho những đứa trẻ đứng xem gần đó. Bà ngoại cũng muốn hành động đó sẽ làm cho mọi người bớt nhìn mình với cái nhìn đầy thành kiến vì thái độ khắc nghiệt của bà ngoại đố với mẹ con vú Năm trước kia.

Ngày chị Thảo từ giã gia đình theo anh Bằng ra Đà Nẵng (anh Bằng là Giáo sư dạy học một trường công lập ở ngoài Đà Nẵng) chị khóc nức nở, Trân cũng khóc, cô bé níu tay chị như không muốn rời.

Bây giờ thực sự cô bé mới cảm thấy cô đơn, những người thân yêu lần lượt rời xa. Cả ngày thơ thẩn ra vào một mình, cô bé ít có dịp để cười nói. Ba me phải lo công việc của người lớn không ai có thì giờ để nghe chuyện của cô bé. Có lần cô bé ngỏ ý muốn vào nội trú thì bị cả nhà phản đối.

- Nhà còn ai nữa mô mà con đòi đi, ở với cha mẹ không sướng hơn răng ?

- Con ni hắn khùng, mi vô trong nớ rồi ham chơi bỏ học hành thì ai nhắc nhở, ai kiểm soát cho được kỹ bằng ba me.

Cô bé năn nỉ :

- Ba me nói rứa chớ mấy nhỏ bạn con tụi hắn ở nội trú được các sœur lo cho đủ thứ hết còn dạy thêu, đan, làm bánh và dạy đờn piano nữa. Tụi hắn ganh nhau, đứa mô học cũng giỏi. Mỗi tuần được về thăm nhà một lần…

Ba khoát tay ngắt lời :

- Con muốn học piano ? Được, ba sẽ cho con học nhưng ba me không muốn cho con vô nội trú mô. Đó là trường hợp bất đắc dĩ…

Me nhìn Trân :

- Ba nói đúng con phải nghe, con gái không nên ở xa cha mẹ…

Trân cúi đầu rơm rớm nước mắt, bà ngoại vuốt tóc cháu hỏi :

- Răng khi không con đòi vô nội trú, trong nớ có chi sướng hơn ở với ngoại với ba me không ?

- Trong nớ con sẽ có bạn bè. Ngoại coi ở nhà con ra vô thui thủi một mình…

Ba nhìn Trân thông cảm, lần đầu tiên ông đọc thấy nỗi buồn vời vợi trong đôi mắt đứa con gái út, tự dưng ông do dự :

- Để ba suy nghĩ lại…

Me nhìn ba ngạc nhiên :

- Răng khi không anh đổi ý ? Tui thì tui không muốn xa con Trân…

Bà ngoại nhìn ba nghiêm nghị :

- Me không hiểu răng con còn do dự… Mấy đứa cháu của me, thằng Linh, con Thảo đã đi xa, chừ còn mình con Trân…

Quay sang Trân, bà tiếp :

- Thôi, con không thương ngoại răng ? Con không thương ba me răng ? Ngoại biết con oán ngoại đã đuổi mẹ con mụ Vú…

Bà ngoại sụt sùi, mếu máo :

- Tau chừ gần đất xa trời không biết sống khi mô chết khi mô, con cháu oán ghét đứa mô cũng muốn xa muốn lánh, thôi mi muốn đi mô thì đi, tau vô chùa tau ở, sống tau ăn xin nhà chùa chết tau xin nhờ tấm áo…

Ba cúi đầu nhỏ nhẹ :

- Me nói rứa chớ đời mô con cháu dám oán ghét me. Con thấy con Trân nó ra vô thui thủi không bạn bè nên con cũng muốn cho nó vô nội trú sống cho có bạn có bè. Một tuần nó về thăm nhà một lần… Nếu me không bằng lòng thì con đâu dám trái ý me…

Hy vọng tiêu tan, Trân buồn bã nước mắt rơi rơi… Luôn luôn ngoại là người chiến thắng, bất cứ chuyện chi liên quan đến gia đình ngoại đều muốn mọi người theo ý kiến ngoại, ngoại không nói thẳng ra nhưng « nước mắt » và câu « vào chùa ở nhờ » của ngoại vẫn là khí cụ hữu hiệu để mọi người phải vâng theo. Riêng Trân cho rằng ngoại là người độc đoán.

*

Cuộc đời sẽ êm đềm như giòng nước sông Hương hiền hòa nhưng một tai họa đang chực chờ giáng xuống gia đình Quế Trân, giáng xuống miền đất thần kinh nhiều đau khổ.

Xuân sắp về !

Trước Tết một tuần, vợ chồng chị Thảo về Huế ăn Tết với gia đình. Gặp lại chị, Trân mừng rỡ nói cười tíu tít.

Thời gian chuẩn bị đón xuân mới vui làm sao. Quế Trân lăng xăng chạy lên chạy xuống xem mọi người làm việc. Trên nhà, ba đang xén cây, tỉa lại mấy chậu kiểng. Anh Bằng đang gò lưng đánh bóng bộ lư, mấy bộ chân đèn. Dưới nhà, me và o Nhàn đang gói bánh chưng bánh tét. Chị Bảy đang rim mứt, ngoại đang cắt củ cải, cà rốt, củ kiệu làm dưa món, chị Thảo lo may lại mấy tấm màn cửa và bác tài lo lau chiếc xe hơi của bác cho thật bóng.

Đang nâng niu mấy cánh hồng nhung Quế Trân nghe tiếng me kêu :

- Trân à… Trân mô rồi ?

Trân vừa chạy xuống vừa thưa :

- Thưa me gọi con…

- Làm chi trên nớ rứa Trân ?

- Dạ con đang tưới mấy cây hồng.

- Mi thì khi mô cũng lo có ba cái cây nớ thôi… lớn bộn rồi xuống coi me làm bánh làm mứt mà học.

Trân chăm chú nhìn me, bà gói bánh thật khéo, chiếc bánh vuông và chắc, sợi lạt cột thẳng và đều.

Quế Trân trầm trồ:

- Me khéo tay ghê nơi…

Me vừa gói bánh vừa nói:

- Trân ngó cho kỹ nì, xếp lá cho vuông… đổ một chén nếp… nửa chén đậu  xanh… hai miếng thịt… đổ tiếp lên một nửa chén đậu xanh… một chén nếp… ém cho thật chặt… xếp lá lại… cột dây cho chắc…

Ngoại lên tiếng:

- Mẹ con Trân nì… răng bữa ni mà thằng Linh cũng chưa về hỉ?

- Dạ … chắc nó còn thu xếp bài vở… chắc nó cũng sắp về me nờ…

Me chợt yên lặng nghe ngóng rồi nói to:

- Tiếng ai như tiếng thằng Linh, cái thằng... thiệt mới nhắc nó xong. Trân lên nhà coi thử phải không?

Trân nghe giọng nói anh Linh bô bô, cô bé reo lên:

-  Đúng rồi me ơi… anh Linh về…

Và cô bé ù té chạy lên:

- Anh Linh, quà em mô? Quà em mô?

Anh Linh nhìn cô em gái:

- Chà, con nhỏ ni mau lớn ghê… Mới  xa có một năm mà về thấy có vẻ thiếu nữ rồi…

Trân níu tay anh:

- Đừng đánh trống lảng… quà em mô?

Anh Linh tủm tỉm:

- Quà của Trân lớn lắm, anh để ở ngoài sân trước, ra mà lấy…

Cô bé nhìn anh nghi ngờ :

- Thật không?

- Anh nói dối cô làm chi ?

Buông tay anh, Trân chạy ra sân  trước dáo dác nhìn, không thấy gói quà mà chỉ có một thanh niên đang đứng trò chuyện với ba và anh Bằng. Cô bé vô tình hỏi anh Bằng:

- Anh Bằng nì, anh Bằng! Anh Linh nói có gói quà cho em lớn lắm để ở trước sân, gói quà nớ mô rồi răng em không thấy?

Anh Bằng ngơ ngác hỏi “gói quà chi!…”. Rồi chợt hiểu, anh cười to, kéo tay cô bé ra xa, nói thì thầm mấy câu vào tai Quế Trân, cô bé đỏ mặt vùng chạy vô nhà tìm anh :

- Anh Linh ơi…

 Có tiếng anh dưới nhà, cô bé thấy bóng anh thấp thoáng trong bếp hai tay đang cầm hai miếng mứt còn ướt đường. Thấy cô bé, anh cười hì hì:

- Răng, thấy món quà nớ chưa? Vừa ý không?

Trân đấm thùm thụp vào lưng anh:

- Anh ba xạo…

Me ngửng đầu nhìn Trân la :

- Trân nói với anh rứa hỉ ?

Trân bị la oan vội phân trần:

- Me coi, anh Linh nói có món quà lớn cho con để ở sân trước, con ra không thấy chỉ có… chỉ có…

Thấy Trân lúng túng anh Linh cố nén cười tiếp lời:

- Chỉ có… thằng bạn của con đứng nói chuyện với ba thôi… Đó cũng là món quà chớ bộ… Con Trân sắp mười sáu, rứa là sắp thiếu nữ rồi me hỉ?

Me và ngoại bây giờ mới hiểu, vừa cười me vừa lắc đầu:

- Cái thằng mới vô Sài gòn có một năm mà quỉ rứa đó… Mà bạn mi là thằng mô? Răng hắn không về với gia đình?

Anh Linh khẽ nói:

- Hắn mồ côi cha mẹ, sống nhờ bà cô… nhưng bị bạc đãi quá nên sớm phải lăn mình vào cuộc sống. Hắn là thằng bạn thân nhất của con, thấy hoàn cảnh hắn con rủ hắn về ăn tết năm ni với con. Hắn tự ái lắm mẹ ơi, không muốn ai thương hại mình hết, biết rứa nên con nói mãi hắn mới chịu theo… Me… me… đồng ý cho hắn ở nhà mình ba ngày tết nghe me…

Me nhìn bà ngoại chờ đợi ý kiến :

- Con xin phép mệ đi …

Bà ngoại mỉm cười:

- Thấy hoàn cảnh hắn cũng tội… Ờ, con cứ giữ hắn ở lại cho vui.

Sau bữa cơm đầu tiên, anh Nguyên (bạn anh Linh) đã trở thành người thân đối gia đình Quế Trân. Ba me nhận xét anh Nguyên là một người cởi mở và thành thật. Riêng Quế Trân cô bé không còn giữ được sự vô tư như hôm qua. Cô bé chợt thấy bàng hoàng khi bắt gặp cái nhìn thăm thẳm buồn tênh… Và cô bé hiểu viên cuội trắng đã ném xuống cho dòng sông chao động.

Những buổi sáng khi tia nắng đầu tiên nhảy múa trên tàn cây, qua ô  cửa kính Quế Trân đã thấy Nguyên thấp thoáng trong vườn với giá vẽ, anh mải mê đến nỗi không biết có đôi mắt đang nhìn anh với mến thương dâng đầy.

Những buổi chiều, khi mặt trời trốn chạy sau dãy núi xa, Nguyên một mình với cây guitar, anh hát nho nhỏ, đôi mắt trĩu buồn như gởi tâm hồn về đâu đâu. Nguyên đã trở thành một ám ảnh, khó rời trong tư tưởng Quế Trân. Thế nhưng, dưới mắt Nguyên, Quế Trân vẫn còn là một cô bé ưa vòi vĩnh, thích được nuông chìu. Những lần đi chơi cùng với  anh Linh về, Nguyên vẫn không quên mua cho cô bé gói kẹo cau ngọt lịm hay những viên ô mai thơm mùi cam thảo. Quế Trân buồn lắm, đối với ba me, cô bé muốn được coi như con nít, nhưng với anh Nguyên, cô bé muốn được coi như người lớn, như một cô thiếu nữ Anh  Nguyên bao giờ anh mới hiểu được ý nghĩ đang manh nha trong khối óc của em?

Xuân đã về mang theo nỗi buồn mười sáu cho Quế Trân.

Đêm giao thừa, không khí trong nhà thật trang nghiêm, những đĩa trái cây, đĩa bánh được bày lên và đèn nến trên bàn thờ được thắp sáng trưng. Khi bà ngoại và ba mẹ đang xì xụp khấn vái trước bàn thờ ông ngoại thì có nhiều tiếng nổ thật gần. Thoạt tiên tưởng những âm thanh đón giao thừa, cả nhà đều thản nhiên, nhưng một lát sau những tiếng nổ rung nhà nối tiếp nhau, có tiếng kêu la, xôn xao ở đầu ngõ. Ba lo lắng chạy ra  cửa nghe ngóng, hỏi thăm rồi hốt hoảng chạy vào la lên:

- Nguy rồi me ơi...

Bà ngoại run lập cập:

- Chi rứa... chuyện chi mà dễ sợ rứa ?

Ba tái mặt lắp bắp không ra tiếng :

- Đánh nhau... đánh nhau to rồi...

Me ngơ ngác:

- Anh nói cái chi? Ai đánh?

- Mấy ổng... mấy ổng tràn vào thành phố rồi... Nhiều người chết quá, sửa soạn lẹ lên rồi đi, người ta đang chạy loạn tề...

Bà ngoại rên rỉ

- Chạy mô chừ... Trời ơi... ngày giỗ ngày tết mà cũng không yên... Chết tới nơi rồi con ơi... cháu ơi ...

Bà ngoại than bà ngoại khóc, anh Linh đến bên trấn an:

- Bình tĩnh chút đi ngoại, ngoại làm ba me con rối trí quá rồi...

Bà ngoại sụt sùi:

- Trời ơi! Bình tĩnh răng được mà bình tĩnh, tao già rồi tao chết cũng không tiếc... Còn con còn cháu...

Mẹ luống cuống vơ vội ít quần áo bỏ vô bọc cột lại, o Nhạn và chị Bảy dồn thức ăn vô mấy chiếc giỏ, ba, anh Linh, anh Bằng, chú tài và anh Nguyên xếp vội những món đồ quý giá  vô tủ khóa kỹ lại, chị Thảo và Trân dìu ngoại đi, tất cả ùa ra cổng hòa lẫn vào làn sóng người chạy loạn.

Bây giờ thành phố đang chìm trong bom đạn, những tiếng nổ như xé màng nhĩ, những con đường ngập bóng tối đầy người, họ xô lấn, chen chúc nhau để tìm sự sống nhưng thần chết cứ lởn vởn đâu đây đang giơ cao lưỡi hái... Những họng súng đen ngòm chĩa ra... Một viên đạn rời khỏi nòng súng một thây người ngã gục... Tiếng khóc than... Tiếng kêu la... Tiếng nguyền rủa...

Người ta dẫm lên xác nhau mà chạy, đất cát trộn lẫn máu người, cỏ cây hòa chung cùng với xương người. Người ta chạy... chạy mãi... chạy trốn cái chết mà tử thần không buông tha, không ngừng tiếng cười ngạo nghễ đắc thắng... Người ta chạy trốn cái chết mà không kịp vuốt mắt bạn bè, nhặt xác thân nhân bởi bom đạn rất đổi vô tình, không có lý trí và không có con tim nên không biết nương tay thương xót.

Nỗi kinh hoàng bao trùm khắp thành phố Huế. Có những kẻ đầu xuân chưa kịp thắp nén hương cho người khuất mặt đã vội làm kẻ ra đi, một chuyến đi ngàn đời vào lòng đất.

Gia đình cụ Phủ ngày trước sống tách biệt vì danh vị  “quan liêu” giờ đây không còn thì giờ để nghĩ đến vấn đề đó mà cũng lẫn lộn trong đám người khố rách áo ôm... Đang bám chặt tay me chợt Quế Trân bị vuột ra bởi những người phía sau lấn vào giữa. Cô bé hốt hoảng thét lên:

- Me ơi ! Me mô rồi!...

Trân nghe tiếng me thảng thốt:

- Me đây nì... Trân ơi... Trân... Con tui mô... Trời ơi...

Trân cố chen về phía mẹ, nhưng bị hết lớp người khác xô đẩy về phía khác, càng ngày cô bé càng xa mẹ hơn, cô bé tuyệt vọng bật khóc và gọi ba mẹ đến khan giọng mòn hơi nhưng đêm tối như mực, cô bé không tìm thấy một khuôn mặt quen thuộc nào...

Chuỗi ngày kinh hoàng nối tiếp nhau, Quế Trân được một gia đình tốt cho theo. Những phút giây phút cận sự chết, đối diện tử thần khiến đầu óc Quế Trân bị căng thẳng đến tột độ như muốn nổ tung...

Khoảng thời gian đó kéo dài không biết bao lâu người ta không khẳng định được bởi sự sống mong manh như ngọn đèn cạn dầu chực tắt, bởi sự chết luôn luôn đến trong kẽ tóc đường tơ, sống thêm một ngày mừng một ngày...

Mãi sau, khi tình hình đã tạm lắng, người dân Huế mới thực sự thấy xuất hiện vầng thái dương.

Quế Trân biết mình không thể tiếp tục làm phiền người khác, đã đến lúc cô bé phải giã từ những  kẻ có lòng ấy để đi tìm người thân yêu. Nơi đâu cũng sực mùi tử khí. Người ta lũ lượt kéo nhau đi lật mặt những xác chết để nhận diện con cháu, họ hàng... chiến tranh thật tàn khốc, chiến tranh như cơn cuồng phong thổi qua thành phố Huế, đốn ngã biết bao nhiêu vạn sinh linh...

Từ sáng đến chiều Quế Trân đi qua biết bao con đường tanh nồng mùi máu, đi đến rã rời xác thân, tứ chi rũ liệt, khuôn mặt phờ phạc, đôi mắt thất thần phần vì đói, phần thì vì từ nhỏ cô bé quen sống trong sung sướng, trong che chở của cha mẹ, nay phải bơ vơ một mình. Cô bé không biết tương lai sẽ ra sao và thực tế nhất là tối nay cô bé sẽ ăn ở nơi nào?

Quế Trân đưa tay gạt mồ hôi trên trán đoạn ngồi xuống vệ đường nghỉ mệt. Trong đầu cô hiện  ra bao câu hỏi tạo thành một mớ hổn độn.  Gia đình thất lạc nơi nào ? Ai còn sống, ai đã chết?  Rồi đây biết tìm ai để nương tựa? Cô bé mủi lòng ôm mặt khóc tức tưởi.

Những sợi nắng cuối ngày nhạt dần, cảnh vật trở nên ảm đạm thê lương. Nhà cửa đổ nát, cây cối xác xơ, rải rác trên mặt đất những vũng máu khô chứng tích của Huế đau thương tang tóc trong chuỗi ngày địa ngục vừa qua.

Những câu chuyện ma được nghe ngày xưa bổng trở về ám ảnh, Quế Trân rùng mình, cô tưởng tượng như đâu đây vất vưởng những oan hồn và một sự kinh sợ hiện ra chạy dài theo xương sống. Cô bé lảo đảo đứng dậy, mới đi được vài bước, qua màn nước mắt cô bé thấy một bóng trắng toát đang giơ hai tay và tiến về phía mình. Đang bị ám ảnh vì những chuyện ma quái, trước hiện tượng này cô bé hốt hoảng quay lưng chạy, vẳng bên tai có tiếng gọi – Quế Trân… Quế Trân ơi!

Cô bé không dám quay đầu lại, vẫn mải miết chạy… Chạy mãi cho đến khi vấp phải một thân cây đổ nằm giữa đường, cô bé thét lên hãi hùng, rồi vật xuống và mê đi…

Không biết bao lâu… Quế Trân tỉnh dậy giữa những tiếng lao xao, đầu nhức như búa bổ, chân tay mỏi nhừ, cổ họng khô rát, cô bé thều thào:

- Cho em xí nước…

Một giọng nói quen thuộc vang lên:

- Quế Trân… tỉnh rồi hỉ?

Một bàn tay nâng đầu Quế Trân dậy, những giọt nước mát lạnh trôi qua cuống họng khiến cô bé thấy người khỏe ra. Những vòng tay tròn quay chậm dần rồi mờ hẳn, cô bé mở choàng mắt và mừng rỡ khi nhìn ra một khuôn mặt quen thuộc:

- O Nhạn… o Nhạn…

Quế Trân sững người nhìn chiếc khăn tang và tấm áo sô trên người o.

- O… O để tang ai rứa ?

O Nhạn bị khơi động mối thương tâm nên sụt sùi:

- Mạ tui… mạ tui chết rồi Trân nờ…

Sực nhớ đến cha mẹ mình, Quế Trân nắm tay o Nhạn hỏi dồn:

- Còn mệ ngoại, ba mẹ, anh Linh, chị Thảo, anh Bằng mô rồi?

Giọng o Nhạn bùi ngùi sũng ướt:

- Đau lòng lắm, có buồn cũng rứa thôi…

Quế Trân hốt  hoảng:

- O nói răng?

- Tui bị lạc ông bà nhưng nghe người ta nói tất cả đều chết hết rồi…

 Quế Trân kêu ba me ơi và khóc đến lã người trong tay o Nhạn. Xúc động o Nhạn cũng khóc theo. Một lát sau o Nhạn vuốt tóc cô bé an ủi :

- Thôi đừng khóc nữa mà mệt, Trân có than khóc cách chi cũng không thể làm người chết sống lại được.

- Răng mà em sống nổi… mới ngày mô có cha có mẹ, anh chị, chừ thì mồ côi, không nhà cửa, không nơi nương tựa…

Tủi thân Quế Trân lại ôm mặt nức nở. O Nhạn nhìn cô bé xót thương, thông cảm. Sự thay đổi môi trường sống một cách đột ngột đã đưa cô bé đến tâm trạng hoang mang đó.

O Nhạn kéo vạt áo chậm nước mắt cho Quế Trân :

- Trân cũng mồ côi bơ vơ như tui, thôi Trân cứ theo tui, đói no có nhau…

Quế Trân nhìn o Nhạn xúc động :

- Cám ơn o Nhạn nhiều lắm, em không theo o chừ biết theo ai ?

Dàu dàu nét mặt cô bé tiếp :

- Cha mẹ chết mà không kịp nhìn mặt em lần cuối, anh chị chết mà không kịp trối trăn với em một lời, đau đớn, thê thảm quá o Nhạn ơi. Biết xương cốt mồ mả chỗ mô mà thăm viếng chừ ?

- Người ta chết nhiều quá, thịt xương máu mủ lẫn lộn khó kiếm lắm Trân nờ, bao người cùng cảnh ngộ như mình, mất họ hàng thân thuộc mà không tìm được xác, thôi thì để tỏ lòng thương tiếc mình chỉ còn biết chít vòng khăn tang và cúng giỗ vào ngày Tết chớ biết mần răng chừ.

Không gian đang chuyên chở về bóng tối. O Nhạn đỡ Quế Trân đứng dậy :

- Sáng chừ Trân ăn cái chi chưa ?

Nghe o Nhạn nhắc cô bé mới nhớ ra chừ từ sáng tới giờ chưa có một hạt cơm nào vào bụng, cô bé cảm thấy ruột gan cồn cào…

Mấy người gần đó lao xao ;

- Tui nghe nói có mấy Phái đoàn cứu trợ ra phát đồ ăn ở trên chỗ trụ sở xã, mình tới nớ mau không người ta lãnh hết chừ…

Người đàn ông chưa dứt lời đoàn người đã vội vã lếch thếch kéo nhau đi. O Nhạn dìu Quế Trân theo đám chân người đó… Quế Trân mệt mỏi lê bước theo chân o Nhạn.

Người đông như kiến, Quế Trân tựa người vào thân cây thở dốc. O Nhạn chen lẫn vào đám người sống sót đang giơ những cánh tay gầy yếu lên để nhận lãnh từng lon gạo, từng khúc bánh mì… Nhìn cảnh đó Quế Trân rơi nước mắt khi nghĩ tới sự sung sướng, trưởng giả của gia đình mình trước kia. Cô bé nào ngờ sẽ có ngày mình cũng phải giơ tay nhận từng miếng thức ăn của kẻ khác ban phát vì lòng thương hại.

O Nhạn thở hổn hển bước đến bên Quế Trân, hai ổ bánh mì đã cứng khô, o Nhạn nói :

- Chậm xí nữa là hết... Chật vật lắm mới được đó... Thôi ăn đi rồi còn kiếm chỗ nghỉ lưng, ui cha... mỏi quá...

Quế Trân run run bẻ từng mẩu bánh cho vào miệng. Cổ họng khô rát, nhai bánh mà cô bé có cảm giác như nhai sỏi đá.

O Nhạn nhìn cô bé ăn mà lòng chợt xót xa thương hại. Cháu quan Phủ đó, có ngờ đâu đang sống trong nhung lụa thoắt trở thành kẻ không nhà cửa họ hàng.

- O Nhạn nì, ngày mai mình trở về nhà coi răng ?          

- Bữa trước tui trở lại khu phố nhà mình thấy còn nhiều lính gác, chừ không biết răng ?

- Nhà mình chắc cũng đổ nát hết còn chi?

- Đành chịu chớ răng, chiến tranh mà chỗ mô còn nguyên...   

Quế Trân băn khoăn :

- Tối ni mình ngủ mô ?                             

O Nhạn che miệng ngáp :

- Kiếm một chỗ trong trụ sở xã mà ngủ.

Hai người lách mình vào trụ sở xã kiếm được một góc ngả lưng. Người nằm la liệt trên mặt đất. Tiếng con nít khóc, tiếng nói chuyện ồn ào tạo thành những âm thanh hỗn độn. Quế Trân khép hờ mắt với giấc ngủ chập chờn... Khoảng nửa đêm về sáng Quế Trân bị đánh thức vì những tiếng súng từ xa vọng lại, cô bé lay vai o Nhạn :

- O Nhạn nì, đánh nhau nữa tề.

O Nhạn càu nhàu :

- Ngủ đi, họ đánh kệ họ...

Đám người thức giấc lao xao bàn tán. Quế Trân mệt mỏi khép mắt nhưng giấc ngủ vẫn không đến...

Khi tiếng chim đầu tiên hót trên cành báo hiệu một ngày bắt đầu, Quế Trân và o Nhạn dắt dìu nhau tìm về ngôi nhà cũ. Hai cánh cổng còn dính cứng với nhau bởi sợi dây xích nhưng cột cổng bằng xi măng đã bị đổ nát. Hai người bước qua lớp gạch vụn, quang cảnh thê lương hiện ra. Từng khóm cây, chậu kiểng xác xơ héo rũ. Chiếc xe hơi để ngoài sân bị cháy đen chỉ còn là đống sắt vụn, một phần mái nhà trên bị sụp xuống.

Quế Trân xúc động, đứng im sững, nước mắt dâng lên. Căn nhà thân yêu đây mà cha mẹ họ hàng không còn nữa. O Nhạn phụ với Trân dọn dẹp sơ qua cho sạch rồi xuống bếp, không còn gì để ăn ngoài ít gạo... O Nhạn nói với Trân trong lúc ni có mấy lon gạo là may rồi, Trân không đáp, cô bé đang thả hồn về những chuỗi ngày êm đềm cũ...

Sinh khí đã trở về trên đất Huế. Ba ngày sau khi trở về nhà... Buổi trưa Quế Trân đang lau chùi bàn thờ ông Ngoại, cô bé nghe tiếng người ngoài sân. Nhón gót nhìn qua ô cửa... Hai bóng người  bước vào, Quế Trân kêu lên :

- Ngoại… dì Yến...

Vú Năm ôm chầm lấy cô bé, bà nói như trong giấc mơ :

- Trân con… Vú tưởng con không còn nữa… ba me con mô ?

Quế Trân khóc ròng trong vòng tay người thân yêu bao ngày xa cách :

- Chết hết rồi ngoại ơi !

Vú Năm thảng thốt :

- Trời ơi ! Thê thảm quá.

Dì Yến nãy giờ lặng nhìn ngôi nhà thân yêu đã ghi bao kỷ niệm vui buồn tủi nhục của mẹ con mình, dì Yến hỏi Trân :

- Răng tất cả chết mà Trân thoát được ?

- Con bị lạc, ba me và tất cả anh chị đều chết, o Nhạn nói rứa…

- O Nhạn mô ?

- Dạ thưa bà Năm, o Yến…

Vú Năm và dì Yến quay lại, o Nhạn đứng ở ngưỡng cửa tự bao giờ. O Nhạn kể lại tất cả những biến cố bằng giọng buồn thảm. Vú Năm lặng nghe thỉnh thoảng chép miệng lắc đầu :

- Trời Phật ơi ! Răng mà khổ quá.

- Huế mình răng chịu nhiều đau thương quá.

Vú Năm ở lại Huế một tuần lo thu xếp nhà cửa nhờ người trông coi rồi đề nghị o Nhạn và Quế Trân cùng lên Đà Lạt sinh sống với mẹ con vú.

Trước ngày rời Huế, dì Yến và Quế Trân thăm tất cả những danh lam thắng cảnh miền thần kinh mà nay chỉ còn là những chứng tích đổ nát của một cuộc chiến tàn khốc đẫm máu vừa diễn ra…

Những con đường hun hút hai hàng cây lặng gió ngày xưa, những con đường có cái vắng im thường trực với hàng cây mướt lá nay chỉ còn là những con lộ nham nhở vết đạn bom với cây xác xơ lá héo rũ. Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp của những nàng áo tím tóc thề e ấp với chiếc nón bài thơ này đã gãy nhịp. Dòng sông Hương lặng lờ trong những đêm trăng sáng với tiếng hát của mấy cô lái đò nay như đã bị xáo động bởi tiếng khóc than ngút trời và bị vẩn đi vì hòa lẫn máu người. Đâu đâu cảnh vật cũng phủ màu tang tóc... Đó chính là những ám ảnh hãi hùng sẽ đeo đuổi Quế Trân cho đến phút cuối của cuộc đời.

Lần đầu tiên rời quê hương thân yêu và cũng là một thành phố quen thuộc với bao kỷ niệm để đi xa, Quế Trân buồn bã nước mắt rưng rưng…

Thị xã Đà Lạt hiện ra, cô bé nhìn với đôi mắt bỡ ngỡ như chú nai lần đầu tiên xa rừng...

Căn nhà xinh xắn của Vú Năm nằm giữa khu vườn nhỏ có trồng rau và mấy khóm hồng nhung, cúc tây…

Mấy ngày đầu cô bé Quế Trân ngỡ như mình không thể chịu đựng nổi cái lạnh của miền cao nguyên nhưng dần dần quen đi, cô bé đã thấy thú vị khi nhìn mấy khóm hồng nhung, cúc tây đang « run lên vì lạnh » cô bé thích ví von như vậy.

O Nhạn đã quen với nếp sống cơ cực nên vừa lên đến Đà Lạt o đã có thể theo Vú Năm đi buôn bán rau đậu, trái cây.

Quế Trân được dì Yến xin cho vào trường Bùi Thị Xuân.

Nếp sống mới, trường học mới, bạn bè cũng không thể làm cô bé quên được kỷ niệm chuỗi ngày thơ ấu ở Huế, quên nỗi bất hạnh của mình như chiều nay cô bé đang suy tư bên ô cửa…

- Ngồi mơ mộng chi rứa Trân ?

Tiếng dì Yến kéo Trân trở về với thực tại.

Trân quay lại đôi mắt sũng ướt :

- Con buồn quá. con nhớ Huế quá dì ơi.

Dì Yến bước đến bên an ủi :

- Đừng khóc nữa con, dì hiểu con nhiều lắm. Cái chi rồi cũng qua hết, con có than thở cũng không thể thay đổi được chi mô. Thôi, khép cửa sổ lại rồi vô ăn cơm đi, ngoại và o Nhạn chờ con nãy chừ…

Dì Yến với tay lấy chiếc khăn len vắt ở trên giường đoạn choàng lên cổ Trân và trách nhẹ nhàng:

- Lạnh như ri mà con không choàng khăn vào rủi bệnh răng?

Quế Trân nhìn dì xúc dộng. Từ ngày về ở với dì, dì lo cho cô bé từng chút từ miếng ăn đến giấc ngủ. Lúc nào cô bé cũng có cảm giác mình còn quá bé bỏng so với số tuổi mười sáu và dì Yến bao giờ cũng coi Trân như đứa trẻ thơ cần sự trìu mến nâng niu… Trước tình thương bao la của dì, Quế Trân ứa nước mắt, cô bé bỗng thấy dì Yến giống mẹ mình như tạc. Cô bé kêu lên : « Mẹ ơi ! Mẹ của con… »

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG II
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>