Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

CHƯƠNG II_TRONG VÙNG MÙ SƯƠNG


II


Buổi sáng sương mù chưa tan hẳn, vài tia nắng yếu ớt chạy dài trên mặt cỏ còn ướt hơi sương, cảnh vật như còn ngái ngủ.

Quế Trân ôm vở lầm lũi theo con dốc. Cô bé có vẻ mệt mỏi. Không hiểu sao cả đêm qua cô bé không thể chợp mắt, sáng nay gương mặt hốc hác khiến dì Yến lo ngại:

- Con bệnh ra răng phải cho dì biết, không được giấu, nếu mệt để dì ghé lại trường xin phép cho con nghỉ một ngày.

- Dạ, con đi học được...

Dì Yến ép cô bé uống cho hết ly sữa nóng, cô bé vâng lời và cố làm ra vẻ vui tươi khoác thêm chiếc áo len rồi ôm vở bước đi thoăn thoắt. Nhưng tất cả những cố gắng ấy không thể qua mắt vú Năm, bà nhìn theo chép miệng lắc đầu :

- Tội nghiệp con nhỏ…

Hơn ai hết, bà hiểu tâm trạng cô bé quen sống trong giàu sang nhung lụa từ tấm bé bỗng dưng mất tất cả trong cùng một lúc, trở thành mồ côi bơ vơ. Sự thay đổi môi trường sống một cách quá đột ngột như vết khắc sâu đậm trong tâm hồn cô bé. Biến cố ấy sẽ ám ảnh cô bé cho đến hết cuộc đời. Vú Năm biết dù bà có thương yêu chiều chuộng Quế Trân bao nhiêu cũng không thể lấp hết khoảng trống trong tâm hồn cô bé.

Đáng ra ở lứa tuổi cô bé phải được hưởng sự vô tư hồn nhiên nhưng định mệnh đã ra tay đưa đẩy cô bé vào sự khốn cùng khiến cô bé luôn luôn bị mặc cảm và bị vây hãm bởi sự suy tư khắc khoải.

Mặt trời đã lên cao hơn, ánh nắng trải rộng hơn nhưng chưa làm bớt đi khí lạnh của miền cao nguyên.
Quế Trân run run kéo lại mép áo len, khuôn mặt tái xanh, đôi môi mím chặt cố gắng cho hai hàm răng khỏi đánh vào nhau.

Cổng trường hiện ra từ xa, bước chân cô bé như muốn chùng lại. Chao ơi ! Cô bé lại nhớ Huế mất rồi. Nhớ làm sao những buổi sáng trong sân trường Jean d’Arc… Quỳnh Chi răng khểnh… Hoàng Yến mắt nai… mô rồi ?

Quế Trân miên man trong nỗi nhớ… Sau ngày xin vô nội trú không được, Quế Trân buồn rầu, ba tội nghiệp cho cô bé ghi tên vào học piano, Quỳnh Chi và Hoàng Yến là hai cô bạn Quế Trân mới kết thân sau những giờ học piano, và điều làm cho cô bé sung sướng là giờ bãi học cô bé khỏi « phải » về bằng xe hơi nữa mà được đi bộ với bạn bè, chính sự kiện đó khiến Quế Trân có thể gần gũi thân mật hơn được với hai cô bạn Quỳnh Chi và Hoàng Yến. Nhưng tình bạn chưa kéo dài được bao lâu thì tai họa giáng xuống khiến cô bé phải xa bạn, mất bạn.

Quỳnh Chi ơi ! Hoàng Yến ơi ! Còn mô những buổi học piano bên nhau… Còn mô những ngày mưa lướt thướt ba đứa đứng ở hành lang nhìn bong bóng nước mưa mơ chuyện « nàng công chúa với chiếc vương miện bằng bọt nước… » Còn mô những giờ học giáo lý với Sœur Thérésa và còn mô những buổi chiều ba đứa quỳ trong nhà nguyện… Có phải đó là những kỷ niệm hồng đã ngủ yên muôn đời trong ký ức em không ?   

Tiếng chuông vào học khiến cô bé giật mình bước nhanh về lớp, cô bé có cảm tưởng như hàng trăm đôi mắt đang dán trên tóc trên áo mình. Vào học gần nửa năm nay cô bé chưa tìm được một người bạn thân, buồn làm sao và lẻ loi làm sao.

Quế Trân chăm chú nghe cô Thu đang giảng thao thao bất tuyệt về Phạm Quỳnh và Nguyễn văn Vĩnh.

Gần thi rồi, bao nhiêu thì giờ Quế Trân đều dành để học bài, cô bé không muốn đầu óc mình bận rộn vì những chuyện không đâu. Cô bé nghĩ đến sự lo lắng mà ba người thân yêu nhất còn lại dành cho mình, cô bé tự nhủ mình phải cố gắng học… học thật nhiều.

Những giờ học cuối năm thật vui nhộn. Mặc dù bận lo bài vở cho kỳ thi Tú tài I sắp tới nhưng lớp Quế Trân cũng tổ chức ăn liên hoan, văn nghệ, picnic… Quế Trân đứng ngoài những cuộc vui ấy bởi vì cô bé không một người bạn thân, cô bé không tham dự vì không dứt bỏ được mặc cảm lẻ loi…

Càng gần ngày thi Quế Trân càng ráo riết học, cô bé mải miết đến quên ăn quên ngủ khiến vú Năm phải lo ngại, dì Yến phải kêu lên :

- Trân ơi ! Học chi mà dữ rứa, coi chừng loạn óc nghe con.

Cô bé lắc đầu mỉm cười rồi lại học…

Lật bật ngày thi đến nơi. Quế Trân ngồi trong phòng thi mà hồi hộp, lo lắng…

Tiếng chuông reo, đề thi được phát ra… đâu đây có tiếng reo vì đề thi trúng « tủ » lại có những khuôn mặt bí xị như… bánh đa nhúng nước.

Quế Trân cặm cụi làm bài, lòng mừng khấp khởi vì đề thi kỳ này quá dễ so với dự đoán của cô bé. Ba ngày thi rồi cũng qua… Quế Trân bồn chồn chờ đợi kết quả.  

Sự cố gắng của Quế Trân đã được kết quả tốt đẹp. Cô bé mừng rỡ đến rơi nước mắt khi biết mình đậu và điều bất ngờ nhất là cô bé lại đậu hạng Ưu. Sự trùng hợp ngẫu nhiên là vú Năm cũng thưởng cho cô bé chiếc áo dài lụa màu hoàng yến như me đã thưởng cho chị Thảo năm chị đậu toàn phần.

Mấy tháng hè nghỉ nhà, Quế Trân phụ với dì Yến tưới rau, trồng cây, chăm sóc mấy khóm hồng nhung. Cô bé không muốn ngồi yên một chỗ sợ mình phải đối diện vi nỗi buồn, với kỷ niệm.

Thu về…

Đâu đây thoáng hiện những chiếc là vàng…

Ngày khai giảng tới… Quế Trân đến trường với nỗi buồn man mác.

Cô bé nhìn đâu cũng thấy những môi cười hồn nhiên, từng nhóm tụm năm tụm bảy nói chuyện rộn rã. Quế Trân ôm vở đến tựa một gốc cây, cô bé chợt chú ý đến hai cô bé khác ít tuổi hơn mình đứng gần đó đang thì thầm với nhau thỉnh thoảng lại nhìn trộm mình. Cô bé tủi thân nhìn chiếc áo dài cũ kỹ sờn rách của mình dù dì Yến đã mạng rất khéo léo nhưng vẫn không giấu được những đôi mắt tò mò, xoi mói. Cô bé tự hỏi: “Có lẽ họ đang nói về sự nghèo nàn của mình?” Đang thắc mắc chợt một trong hai cô bé tiến lại gần Trân hỏi nhỏ:

- Xin lỗi chị, có phải chị là chị Quế Trân cháu Cụ Phủ ở ngoài Huế không?

Quế Trân xấu hổ vì câu “cháu cụ Phủ” mà cô bé xa lạ vừa thốt ra.

Xấu hổ vì “cháu cụ Phủ” mà rách rưới nghèo nàn như thế này sao?

Quế Trân lắc đầu lúng túng:

- Em lầm rồi, chị không phải cháu Cụ Phủ nớ mô.

Cô bé xa lạ cảm ơn đoạn quay lưng nói một mình nhưng cũng đủ cho Quế Trân nghe thấy:

- Rõ ràng là chị Quế Trân , răng chị nớ chối không nhận. Hồi trước học Piano cùng với chị Quỳnh Chi mà, mình không thể lầm được.

Nghe loáng thoáng có tên Quỳnh Chi, cô bạn thân thiết đã bị mất liên lạc từ biến cố Mậu Thân ngoài Huế, Quế Trân quên mặc cảm khi nãy vội gọi giật cô bé đó lại :

- Em ơi… cho chị hỏi thăm chút xí…

Cô bé quay lại mỉm cười. Quế Trân nóng nảy hỏi dồn:

- Em biết chị Quỳnh Chi? Quỳnh Chi chừ mô rồi?

Cô bé buồn buồn:

- Chị Quỳnh Chi là chị họ của em. Chị ấy bị đạn chết hồi Mậu Thân rồi chị nờ.

Quế Trân lảo đảo chực ngã phải dựa vào gốc cây. Cô bé em Quỳnh Chi hốt hoảng:

- Chị răng rứa?

Quế Trân lắc đầu:

- Chị hơi chóng mặt nhưng không răng mô. Cám ơn em, thôi em lại với các bạn em đi.

- Nhưng em muốn chị xác nhận lần nữa, chị có phải là chị Quế Trân học Jean D’arc ngoài Huế không?

Biết không thể giấu được nữa Quế Trân im lặng gật đầu. Trước khi quay đi cô bé nhìn Quế Trân với đôi mắt xót thương. Không cần hỏi cô bé cũng biết hoàn cảnh Quế Trân như thế nào. Bao gia đình giàu sang quyền thế chỉ vì biến cố Mậu Thân mà trở nên tay không cửa nhà, không nơi nương tựa.

Quế Trân cố gắng để khỏi khóc trước mọi người. Suốt buổi học đầu tiên Quế Trân như người mất hồn. Vì đã là nạn nhân của chiến tranh nên Quế Trân dễ bị xúc động mãnh liệt trước những sự thương tâm.

Khuôn mặt tái nhợt thất thần của Quế Trân khi về nhà khiến o Nhạn sửng sốt:

- Quế Trân em mần răng rứa? Chuyện chi đã xảy ra?

Vú Năm, dì Yến nghe tiếng hốt hoảng của o Nhạn cũng vội chạy lên.

Quế Trân đang gục mặt trên vai o Nhạn, vừa khóc vừa thuật lại cái chết của Quỳnh Chi. Dì Yến thở  ra:

- Có rứa mà con làm Dì lo quá, tưởng đại họa lại xảy tới cho gia đình ta nữa chứ.

Vú Năm an ủi,:

- Thời buổi chiến tranh mà con, chạy răng cho khỏi số trời. Con có khóc than thì Quỳnh Chi cũng mô có sống lại được nữa. Rồi con sẽ có những bạn bè khác… đừng khóc nữa, con có thương vú, thương Dì, thương O thì con ráng học cho giỏi. Năm ni thi nữa đó, con ráng cho xong cái toàn phần nghe Trân.

Trân hối hận vì đã gây lo âu cho những người thân yêu. Cô bé nhìn vú Năm trìu mến :

- Con hứa… con hứa sẽ làm vui lòng ngoại.

Vú Năm mỉm cười sung sướng.

Đúng như lời hứa với vú Năm, Quế Trân để tất cả tâm trí vào sự học. Cô bé nhất định kỳ này sẽ đem về cho gia đình một cái hạng ưu nữa.

Quế Trân say mê nghe thầy Tuấn giảng chương “đam mê”. Môn triết là môn khô khan khó nuốt  nhất nhưng thầy Tuấn giảng thật hay, cả lớp mấy chục đôi mắt đăm đăm nhìn thầy, chục cái tai như “vểnh” lên để thu tất cả những lời giảng hay nhất của thầy.

- Trân… Trân…

Cô bé giật mình quay sang bên cạnh:

- Chi rứa chị?

- Đừng gọi Nhi bằng chị, Nhi bằng tuổi Trân…

- …? …? …?

- Chút nữa ra chơi Trân cho Nhi nói chuyện này nha?

Trân toan trả lời chợt im bặt vì thầy Tuấn đang nhìn mình. Cô bé bị bắt gặp nói chuyện trong lớp nên lo lắng cúi đầu chờ đợi thầy la, nhưng thầy Tuấn chỉ mỉm cười im lặng… Tiếng chuông reo báo hiệu giờ ra chơi. Thầy Tuấn đứng dậy nói:

- Các chị ra chơi, lát nữa chúng ta sẽ học tiếp.

Thầy Tuấn vừa bước ra khỏi cửa, cả lớp đã ồn lên như cái chợ:

- Xuống bà Cai làm một chầu đậu đỏ bánh lọt không bà con?

- Bài chưa thuộc mà cứ lo ăn…

-  Úi giời ơi lo gì, chàng hiền “nhắm” không có la đâu mà sợ …

- Con khỉ, gọi thầy như vậy đó hử?

Vân Nhi kéo Quế Trân đến dưới gốc cây me tây. Quế Trân thắc mắc nhìn Vân Nhi:

- Nhi có chuyện chi cần nói với Trân rứa?

Vân Nhi thân mật nắm tay Quê Trân:

- Vô học lâu rồi sao Nhi thấy Trân không có một người bạn thân nào hết. Trân có vẻ buồn buồn và cô đơn làm sao ấy.

 Trân gượng cười che giấu:

- Mô có, Trân không buồn chuyện chi hết. Trân không có bạn thân vì… vì… 

Thấy Trân lúng túng không nói rõ nguyên do, Nhi thông cảm:

- Vì… Trân mặc cảm phải không? Hình như Trân tự vẽ một cái vòng ngăn cách để đứng vào giữa, Nhi nói đúng không?

Quế Trân nhận thấy phải xóa tan hiểu lầm trong ý nghĩ Nhi:

- Nhi không thể hiểu Trân và tất cả mọi người cũng rứa.

Nhi nhìn sâu vào đôi mắt buồn vời vợi của Quế Trân:

- Từ niên học trước Nhi rất có cảm tình với Trân, nhưng thấy Trân kín đáo quá Nhi không dám làm thân…

Trước lời bày tỏ thân mật của Nhi, Trân xúc động:

- Trân cứ nghĩ không ai muốn làm bạn với Trân. Trân một kẻ gặp nhiều bất hạnh lắm Nhi ơi. Mặc cảm? Đúng, Trân bị mặc cảm đó đeo đuổi từ ngày Trân bắt đầu vào học trường ni…

- Ồ, Trân đừng nói vậy. Trân hiền ngoan, Trân chăm học, ai cũng thương mến Trân cả. Trân có bằng lòng làm bạn với Nhi không?

- Nhi thân mến, đáng lẽ Nhi phải dành cho Trân câu nớ mới đúng…

- Tụi mình ngoéo tay đi Trân.

Ngón tay trỏ của hai cô bé vòng lại với nhau. Trân rưng rưng:

- Đừng khi mô ghét Trân nghe Nhi.

Nhi xiết tay bạn:

-  Làm sao mà Nhi ghét Trân cho được hở Trân?

Trân muốn mềm đi trước những lời ngọt ngào chân thành của bạn, cô bé hân hoan đón nhận tình bạn đó với tất cả nhiệt thành. Đã chịu quá nhiều thống khổ, nỗi sung sướng đến bất ngờ quá khiến cô bé lo sợ vu vơ.

Chuông vào lớp reo vang. Nhi giật mình kéo tay Trân chạy về lớp đứng xếp hàng. Tuấn từ văn phòng tiến đến ra hiệu cho tất cả vào lớp. Nhi nhìn nhanh Tuấn rồi thì thầm với Trân:

- Có chuyện này hay lắm, ly kỳ hấp dẫn lắm…

Vào lớp nghe giảng một lúc vẫn không nghe Nhi nói gì đến chuyện “ly kỳ hấp dẫn” kia, Trân giật áo Nhi hỏi nhỏ:

- Chuyện chi mà bí mật dữ rứa? Bật mí đi. ..

Nhi cười:

- Nóng ruột rồi hả bồ… Ờ mà cũng có liên quan đến bồ nữa.

Trân tròn mắt kinh ngạc toan hỏi, Nhi đã tiếp lời:

- Bên lớp 12B mấy chị nói thầy Tuấn khen Trân hiền ngoan, chăm chỉ lắm, hy vọng được lãnh thưởng hạnh kiểm cuối năm.

Đôi má ửng hổng, Quế Trân ngước lên nhìn Tuấn và bắt gặp ánh mắt chàng đang đậu lại trên cô bé, cô bé run ơi là run vội cúi mặt xuống, Nhi bấm Trân:

-  Nè, Nhi nghe thấy mấy chị 12B còn xì xào là thầy Tuấn để ý Trân từ hồi đầu niên học cơ…

Quế Trân thót người:

- Chết Trân rồi, mấy chị 12B đồn ác quá, lỡ cô nghe được mần răng.

- Thầy còn célibataire mờ, đã có cô đâu mà sợ. Thầy Tuấn cũng beau ghê đi, dáng dấp đó phải là một nghệ sĩ hơn là một Giáo sư, Trân nhỉ?

Tuấn nhìn Trân cười tủm tỉm. A! Bắt được rồi nhé, lần thứ hai cô bé nói chuyện trong giờ học. Hai cô bé vô tình vẫn chụm đầu vào nhau, trên tay lơ là cây bút, quyển vở trước mặt chưa có một chữ.

Tuấn lật quyển sổ điểm:

- Tôi kêu vài chị trả bài tuần trước. Chắc các chị đã coi kỹ bài “ký ức” chứ ?

Tuấn chơi trò ú tim. Cây bút dò từ trên xuống rồi lại từ cuối lên và dừng lại khoảng gần cuối trang. Những quả tim đập nhanh hồi hộ …

Trân bóp tay Nhi:

- Tim Trân đánh lô tô Nhi ơi…

- Công Tằng Tôn Nữ Quế Trân.

Quế Trân đứng dậy lúng túng tìm guốc đoạn ôm vở lên, cô bé lo lo… run run… Run chẳng phải vì không thuộc bài mà vì cô bé nhớ câu nói khi nãy của Nhi – “Thầy Tuấn để ý Quế Trân từ hồi đầu niên học cơ…” Quế Trân trao vở cho thày Tuấn bằng hai tay, cô  bé mắc cỡ quá hai tai nóng ran, đôi tay như thừa thãi cô bé xoắn nhẹ chéo áo… chờ đợi…

Tuấn hỏi đoạn nào Trân cũng trả lời trôi chảy và rõ ràng. Cô  bé vẫn cúi mặt nhìn đất không đủ can đảm ngước lên. Tuấn mỉm cười hài lòng, chàng trả lại quyển vở cho cô bé :

- Cám ơn, Trân về chỗ đi.

Khuôn mặt Quế Trân rạng rỡ, Nhi đón cô bé bằng nụ cười :

- Thoát nhé, Trân mở vở ra đi, hồi nãy Nhi thấy thày viết cái gì nhiều lắm.  

Trân mở vở. Trên mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ bằng nguyên tử đỏ. “Hôm nay bắt gặp hai lần cô bé nói chuyện trong giờ học đấy nhé” Trân mắc cỡ quá muốn chui xuống gầm bàn trốn cho rồi nhưng may quá tiếng chuông bãi học đã cứu Trân ra khỏi sự ngượng ngùng đang xâm chiếm cô bé..

Trân và Nhi đang xếp lại sách vở thì Bích Thủy và  Ái Liên tiến lại gần, Bích Thủy cười tinh quái:

- Tình ghê Trân ơi, chàng vừa hỏi bài nàng vừa viết thư tình ép vở cho nàng…

Trân đính chính ngay sợ bạn hiểu lầm:

- Trời ơi, Thủy nói rứa lỡ người khác tưởng thật thì mang tiếng cho thầy răng. Thư tình mô mà thư tình. Tại thày bắt gặp Trân nói chuyện trong lớp nên viết giấy cảnh cáo, Thủy không tin Trân đưa cho coi.

Nhi cản Trân lại và nói với Thủy:

- Sao Thủy hỏi kỹ quá vậy, chuyện riêng của Trân mà Thủy tò mò làm chi?

Ái Liên chen vào:

- Mắc gì tới Nhi mà Nhi cản Trân vậy, tụi tui thấy chuyện “mờ ám” nên muốn “điều tra” cho biết vậy mà…

Quay sang Trân, Ái Liên tiếp:

- Muốn cảnh cáo Trân sao thầy không nói công khai giữa cả lớp mà phải viết giấy riêng, chuyện phi lý có con nít mới tin…

Nhi cau mặt:

- Trân nó đã nói thật mà không tin thì thôi. Liên lộn xộn quá …

Ái Liên nóng tính nói to:

- Ai làm gì mà bà nói người ta lộn xộn, muốn tui tin thì đưa tờ giấy tui coi thử .

Nhi nhìn Liên đăm đăm thầm nghĩ – Có lẽ con nhỏ này “ngưỡng mộ” ông thầy đẹp trai quá nên mới ghen tức chứ gì – Cô bé nãy ra một ý nghĩ… Nhi nắm tay Trân kéo ra cửa và nói ởm ờ cốt ý trêu tức Ái Liên:

- Về thôi Trân, trể giờ rồi, nó muốn nghĩ sao cũng được, nó có quyền gì mà đi xe bốn bánh vào đời tư của mình chứ… Ừ thì thư tình đấy…

Ái Liên nhìn theo trề môi: 

- Con bé lọ lem mà mơ lấy hoàng tử.

Trân biết Ái Liên ám chỉ sự nghèo nàn của mình, cô bé nghẹn ngào chưa biết nói sao Nhi đã lên tiếng bênh vực bạn :

- Đời đáng buồn cười thật, tiểu thư « mái tây hiên » si hoàng tử đẹp trai nhưng hoàng tử chỉ yêu cô bé lọ lem dễ thương hiền dịu thôi.

Ái Liên tức đến cực độ nhưng không biết nói gì nữa đành nhìn theo Trân, Nhi với đôi mắt căm hờn.

Ra đến cổng Nhi hỏi Trân :

- Nhà Trân ở đường nào ?

- Đường Hnhưng còn phải lên một cái dốc nữa.

Nhi reo lên :

- A… Như vậy hai đứa mình về cùng đường.

- Răng mấy bữa đi học Trân không thấy Nhi đi đường nớ ?

- Nhi đi bằng xe nhà, bãi học có bác tài tới đón…

Cô bé đang nói chợt im bặt vì nhớ ra hoàn cảnh Quế Trân. Đáng lẽ cô bé không nên nói thẳng như vậy sẽ làm Quế Trân nhớ lại sự chênh lệch giữa hai người và biết đâu tình bạn sẽ vì vậy mà nhạt đi chăng.

Quả nhiên gương mặt Quế Trân chợt sa sầm. Ngày xưa đi học có xe đưa xe đón, bây giờ lủi thủi đi bộ một mình. Quế Trân làm ra vẻ thản nhiên :

- Thôi Nhi về đi kẻo bác tài đợi. Trân đi bộ được rồi.

- Không, Trân phải về chung xe với Nhi cơ.

Trân khăng khăng từ chối, Nhi năn nỉ hết lời. Trân do dự:

- Trân không muốn bạn bè nghĩ rằng Trân lợi dụng Nhi có xe rồi làm quen để…

Nhi gạt ngang:

- Trân cứ nghĩ gì đâu không à. Nhi làm quen với Trân trước chứ bộ.

- Nhưng mà…

-  Không nhưng với nhị gì cả…

Nhi nheo mắt trêu Trân:

- Đứa nào lôi thôi Nhi méc “chàng Tuấn” cho nó bị đòn…

Lần đầu tiên Nhi thấy nụ cười thật tươi trên môi Quế Trân. Nhi đến mang theo cả niềm vui cho cô bé. Sực nhớ ra điều gì Nhi vừa lục tập vở vừa nói:

- Lúc sắp về Nhi bắt gặp cái thư bỏ trong hộc bàn phía bên Trân, định nói nhưng kẹt vụ con Ái Liên nên Nhi quên mất, giờ mới nhớ ra... a... nó đây rồi.

Nhi chìa cho Quế Trân một mảnh giấy gấp tư. Trân toan mở đọc thì Nhi ngăn lại:

- Khoan đã, ra xe ngồi đọc. Tụi mình ở trong này lâu nhỡ bác tài về trước thì nguy.

Một chiếc xe hơi đỏ bóng lộn đậu bên kia đường đang bấm còi tin… tin… Nhi, Trân chạy vội qua. Sau khi yên vị Nhi mở tờ thư ra, hai cô bé chụm đầu lại, Nhi đọc vanh vách:

“Chị Quế Trân thân mến.”

- Suỵt, đọc nho nhỏ thôi, bác tài nghe chừ.

- Ăn nhằm gì, bao giờ thư của “người ấy” gửi mới sợ chứ, đọc tiếp nghe …

“Có lẽ chị ngạc nhiên ghê lắm vì sự đường đột của em và không hiểu em là ai? Thôi em tự giới thiệu với chị nha. Em là một trong hai cô bé “ngó trộm” chị hôm khai trường đó. Em là bạn của cô em họ chị Quỳnh Chi, chị đã nhớ ra chưa?

Em tên là Ái Vy, còn nhỏ bạn em là Cúc Nhật. Nghe Cúc Nhật nói về hoàn cảnh chị, em thương chị ghê nơi và mong được làm quen với chị. Lớp em đứa nào cũng khen chị hết trơn. Nói chị xinh, chị hiền và chị học giỏi nữa… Tụi nó bầu chị làm hoa khôi toàn trường đó.

Chiều qua lại trường tình cờ thấy chị ngồi học trong phòng này và ngồi ngay chỗ em, em mừng quá vội viết thư cho chị, chị bằng lòng nhận em làm “cô em hộc bàn” nghe chị. Chiều mai em có giờ học, chị nhớ trả lời thư cho em.

Thôi em ngừng bút nha. Viết thư cho chị trong giờ Việt Văn, cô giáo đang chiếu tướng em kìa.

Thương chị   
ÁI VY       
 
Nhi suýt xoa :

- Sướng nhé « cô em hộc bàn » còn tán chị, khen chị quá « chời » huống chi…

Trân giơ tay bịt miệng Nhi :

- Thôi… thôi… cho Trân xin hai chữ bình yên.

- Ơ hay... Trân biết Nhi sắp nói « kí » gì mà can…

- Biết chớ răng không, người ta thừa thông minh mà hiểu.

Nhi gật gù như “bà cụ non’’ :

- Cụ Nguyễn Công Trứ nói thông minh nhất là «  nam tử » mà quên rằng « nữ tử » cũng rất ư là thông minh.

Quế Trân đùa :

- Không phải thông minh mô, thông manh thì có.

Chợt Nhì kêu lên :

- Nhà Trân chỗ mô, tới chưa ?

 … Còn lên cái dốc nữa… bác tài ơi cho cháu xuống chỗ ni được rồi…

Xe chạy chậm và ngừng lại. Nhi mở cửa xe cho bạn :

- Thôi, Trân về nghe. Bữa nào rảnh Nhi lại thăm… phải cái nhà đó không ? Có cánh cổng sơn xanh đó… Ờ… Nhi biết rồi.

Trân cúi nhìn vào xe :

- Cám ơn bác tài nhé… ơ... ơ... bác Bảy…

Bác tài xế tên Bảy nhìn cô bé vài giây bỗng reo lên :

- Trời ơi ! Cô Trân. Chà, cô mau lớn quá tôi nhận không ra. Từ hồi chạy loạn lạc mất ông bà, tôi lên đây làm cho nhà cô Nhi, gần hai năm rồi tôi không được tin tức gì của gia đình cô… ông bà cũng lên sống trên này hả cô ?

Quế Trân buồn rầu :

- Chết hết rồi bác ơi.

Bác Bảy tròn mắt :

- Thê thảm vậy sao cô… Tội nghiệp quá…vậy cô ở trên này với ai ?

- Vú Năm, Dì Yến và O Nhạn. Bác còn nhớ những người nớ không ?

Bác Bảy vỗ trán mấy cái rồi gật đầu :

- Tôi nhớ rồi… thôi cô về kẻo nhà trông. Bữa nào tôi lại thăm…

Quế Trân chào bác Bảy và Nhi rồi quay mình bước nhanh, cô bé sợ mình sẽ không ngăn được nước mắt trước mặt người tài xế của gia đình mình ngày xưa.

Bác Bảy chép miệng quay xe trở lại. Nhi bây giờ mới lên tiếng :

- Bác Bảy quen gia đình Quế Trân hở ?

Bác Bảy giọng bùi ngùi, nói :

- Trước biến cố Mậu Thân tôi còn ở ngoài Huế làm tài xế cho gia đình cô Quế Trân bốn năm trời. Giòng họ cô ấy mấy đời làm quan lớn trong triều, giàu sang thế lực lắm. Dinh thự rộng lớn ruộng cò hay thẳng cánh. Ở Huế  ai mà không biết « Cụ Phủ », ông ngoại cô Quế Trân. Gia đình cô ấy thuộc hoàng phái mà. Ai ngờ một gía đình bề thế sang giàu như vậy thoắt tiêu tan vì  chiến tranh. Gia đình chết hết may mà cô Quế Trân còn sống sót. Và điều may hơn nữa là cô Quế Trân gặp lại được bà vú Năm và cô Yến...

Nhi tò mò :

- Vú Năm và cô Yến đó có họ hàng với Quế Trân hở bác ?

- Ông ngoại cô Quế Trân không có con trai nối dõi, lén lút lấy người hầu gái nhưng cũng chỉ có một đứa con gái thôi đó là cô Yến. Sự việc vỡ lở bà ngoại cô Trân sợ tai tiếng phải chấp nhận vú Năm nhưng sau khi chồng chết bà đàn áp bà vợ lẽ là vú Năm và đuổi hai mẹ con bà vú đi. Chắc mẹ con bà vú lên đây sinh sống, sau Mậu Thân về Huế thăm bà con, tình cờ gặp cô Trân chứ gì. Tôi còn nhớ hồi đó mẹ con vú Năm thương cô Trân lắm và cô ấy cũng thương mẹ con bà vú như là bà ngoại và mẹ ruột mình...

- Tội nghiệp quá, hèn chi từ hồi vào học lúc nào Quế Trân cũng buồn, cũng xa cách bạn bè. Có lẽ chẳng bao giờ Quế Trân dứt bỏ được mặc cảm đó.

Chiếc xe ngừng trước cổng một biệt thự sang trọng. Chị người làm nghe tiếng còi ‘’tin... tin…” vội chạy ra mở cổng, xe lăn bánh trên con đường trải sỏi trắng dẫn vào gara.

___________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG III

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>