Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Huyền Thoại Mùa Đông


- Chị Du ơi, chừng nào ông Noel tới gọi em dậy nha.

- Ừ, mà Ty viết thư cho ông í chưa?

- Em viết rồi ạ, em để dưới chiếu đây này.

Có tiếng bà Sáu ở dưới bếp vọng lên: Chúng mày còn nhí nháu cái gì đấy, sao không ngủ đi?

Du nhìn em cười, tay đưa lên môi: suỵt khẽ chứ, mà thôi ngủ đi.

Ty chúm chím bá cổ chị: nhớ kêu em nghe, không em méc ông Noel cho chị coi.

Du thoáng đỏ mặt xô nhẹ em nằm xuống: khỉ ạ, ngủ đi để chị xuống phụ mẹ.

Con Ty ngơ ngác nhìn theo bóng chị, rồi ngoan ngoãn nằm xuống kéo chăn lên tới cổ. Nó mỉm cười trong ước vọng thấy được thật nhiều quà, đôi mi chớp chớp... khép chặt.

Bà Sáu đang cắm cúi nhặt từng vỏ đậu, những sợi tóc lòa xòa theo làn gió hất ngược về sau, để rõ nét nhăn nheo khắc khổ của một người già trước tuổi.

Ngồi xuống cạnh mẹ, Du thọc hai tay vào thau đậu kêu lên: eo ơi lạnh quá, mẹ nghỉ đi mẹ để con làm cho.

- Mấy giờ rồi con, hôm nay con không học à?

Du cười:

- Mai Noel mẹ ạ, mà 9 giờ rồi đấy, mẹ đi nghỉ đi để đó cho con.

Bà Sáu nhướng mắt:

- Con không làm gì nữa sao?

- Dạ không ạ, ơ... mà có: con phải đi mua quà giáng sinh cho bé Ty.

Bà Sáu cau mày:

- Sao con không mua từ sáng, bây giờ muộn rồi, mà tiền đâu con mua?

Du buồn buồn:

- Tiền con để dành mẹ ạ, mẹ cho con đi nghe, chứ sáng con phải đi học, chiều lại gánh nước thuê, mẹ nghĩ xem có lúc nào con nhàn hạ. Mai Noel rồi, con muốn cho em Ty một món quà nho nhỏ.

Chừng như sợ phải khơi động những điều u tối hiện tại, bà Sáu khỏa lấp: đi nhớ về sớm nghe con. Bày vẽ hoài, tao nhớ có cậu Cường nào hứa cho nó rồi mà.

Du cười cười:

- Của người ta khác chứ, con đi nghe mẹ.

Trời Saigon như có mùa đông, chưa năm nào Du tiếp nhận giá buốt như năm nay... lạnh quá. Khoanh chặt hai tay Du rảo bước thật nhanh.

Những ngọn đèn mờ không đủ soi sáng ngõ hẹp gập ghềnh làm Du mấy lần suýt ngã. Gần đến đầu đường ánh sáng tương đối rõ hơn nhưng bước chân Du lại chậm dần: Du ngại ngôi lầu đèn đuốc sáng trưng mà mỗi sáng đi học, mỗi chiều gánh nước đi qua đều nghe nhột nhạt, nghe bước chân chùng theo tia nhìn của đôi mắt cậu: cậu Cường của mẹ đó, ông Noel của Ty đó.

Du cúi đầu thật thấp và cố đi nhanh hơn. May quá chẳng có gì cả. Du bình tĩnh trở lại và nghe dần trống vắng... Buồn. Sao không có người ta nhỉ?

Có tiếng xe két kẹt sau lưng, Du giật mình lúc lắc đầu tự trách: rõ là vớ vẩn, đi mua quà cho em mà toàn nghĩ chuyện không đâu, nhanh lên kẻo mẹ la bi chừ.

Vùng Khánh Hội đêm Noel thật ồn ào náo nhiệt, ánh sáng tỏa ra từ những ngọn đèn lấp lánh nhảy múa, như phản ảnh nét hoan vui của từng lớp người đi xem lễ.

Tiếng động cơ dòn tan hòa trong tiếng cười rộn rã, tiếng giày khua và tiếng áo bay là tất cả biến đổi đêm nay của Khánh Hội. Du nghe vui vui rồi lại buồn mang mang Du thấy mình kém thiếu. Với số tuổi 17 Du chưa được một lần toàn vẹn thỏa mãn ước mơ, cái mơ ước riêng tư của tuổi trẻ trong Du nghe thật xa vời ngăn cách. Du buồn nhưng không bi quan vì Du thương mẹ, một người mẹ cao cả suốt đời chỉ vì những đứa con, một người mẹ bất hạnh chịu lắm thiệt thòi trong vai trò làm dâu làm vợ. Đời mẹ là cả một vùng u đen, Du đâu thể làm cho nó tối mù thêm nữa.

Nhớ chuyện ngày xưa: chưa tròn 10 tuổi mẹ đã mất tình thương của ngoại, rồi ông Du lấy bà ngoại kế, cuộc đời mẹ thay đổi từ đó theo năm tháng roi đòn. Đến khi trưởng thành, mẹ gặp ba và hai người thương nhau nhưng họ hàng đôi bên đều không chấp nhận dù ba mẹ đã có sợi dây liên hệ là Du. Thế là ba mẹ thoát ly. 12 năm nữa lại trôi qua, Du có thêm ba đứa em nhưng chỉ nuôi được mỗi mình Ty là con út. Gia đình Du thật hạnh phúc dù nhu cầu vật chất không được đầy đủ. Và khung cảnh ngày xưa đó, sẽ hoài là một bức tranh tuyệt mỹ nếu không có câu chuyện của một mùa giáng sinh.

Một ngày trước giáng sinh, ba bảo đi mua quà cho Du cho Ty rồi ba đi mãi chẳng về. Ba đã chạy theo một bóng hình khác, để vô tình xóa hết những nét đẹp trong bức tranh bằng nhiều vệt đen nhớp nhúa, mà không chút xót thương luyến nhớ cho công trình của mười hai năm tạo dựng. Ba quên tất cả rồi.

Ngày ấy, Du đã biết thế nào là phải trái, nhưng vẫn chưa ý thức được rõ ràng nguyên nhân xảy ra câu chuyện. Du chỉ nghe người ta bảo ba tham phú phụ bần để khổ cho mẹ con Du, và thực tại sau đó là những gì gẫy đổ: Nhà Du túng quẫn hơn vì thiếu sự che chở của ba, mỗi bữa thay vì ở nhà đan áo mướn như ngày xưa, mẹ phải đi bán xôi chè, gánh nước thuê để kiếm tiền độ nhật. Cũng may là có bà Thịnh Lợi ở đầu ngõ, chịu bỏ ra một số vốn nho nhỏ giúp mẹ lập gánh bán hàng. Nếu không, cảnh sống chắc còn nhiều đau thương hơn nữa.

Tất cả khả quan dần theo thời gian Du lớn lên, Du giúp mẹ những công việc nặng nhọc và dạy dỗ em, năm nay Ty đang học lớp một và Du đệ nhị. Đã nhiều lần Du xin nghỉ học để đi làm giúp mẹ nhưng mẹ không cho, mẹ muốn rằng Du phải thành người với những văn bằng giá trị. Mẹ muốn Du học hoài trừ khi mẹ không còn đủ sức để nuôi Du.

Mộng ước của mẹ là động cơ mãnh liệt nhất, đưa Du đến những giây phút hoan vui khi cầm bảng danh dự trong tay, và hoàn cảnh hiện tại cũng đã chi phối thật nhiều con người Du: Du thích suy tư, Du yêu màu tím để bạn bè luôn hoài trêu chọc: Du sầu đông.

 - Ê, cô bé không mua cái gì thì đi ra chỗ khác cho người ta bán chớ.

Du ngượng ngập lí nhí xin lỗi và lủi nhanh về phía sau: eo ơi, sao hôm nay tư tưởng Du đi hoang thế hở, về nhà phải phạt cho một phát mí được.

Lại loanh quanh mấy vòng các tiệm, cuối cùng Du chọn mua một ông già Noel với số bạc 300đ. Món quà tuy không đẹp lắm nhưng cũng xoa dịu được một phần nào bất hạnh của chị em Du. Lúc nãy ở trong tiệm có bày bán những hang đá thật xinh, có cái bé tí teo, Du định mua nhưng không đủ tiền mà hang đá mới chính là món thích của bé Ty. Thôi để một lát Du dắt nó đi xem ở nhà hàng xóm vậy.

- Cô bé, cô bé.

Tiếng gọi quen thuộc làm Du quay lại: vẫn cái miệng luôn cười với mái tóc bồng bềnh lòa xòa trên đôi kính cận, anh Cường đến với Du thật bất ngờ trong mừng rỡ:

- Cô bé đi đâu đó?

Vừa hỏi anh vừa nhìn soi mói món quà trên tay Du. Tự dưng Du lúng túng nói chẳng ra lời: Du... Du...

Anh cười cười:

- Cô bé mua quà cho Ty hở, thế có mua cho anh không? A! Quên mất, để anh giới thiệu với Du đã: đây là Phượng sinh viên năm thứ hai trường dược, bạn của anh. Còn đây là Du, Du sầu đông mà có lần anh đã nói cho Phượng nghe đó.

Du nghe cổ mình nghèn nghẹn trong khi Phượng cười thật tươi:

- Thật vui sướng được quen biết Du, Du nghĩ sao?

Du cay đắng:

- Du không xứng vì Du chỉ là con số không, chào anh chị.

Cả hai người mở tròn đôi mắt, anh Cường nhíu mày: cô bé sao vậy, thôi cũng được, nhờ cô bé về nói với Ty một giờ anh đến.

Thật là vô tình, Du mím môi nghe hồn lạnh băng: Vâng, nhưng anh đừng gọi Du là cô bé nữa, du về.

Du quay gót bước đi như chạy, loáng thoáng đằng sau tiếng cười khúc khích của chị Phượng đuổi theo. Giọng cười như đưa Du vào xoáy chốt để thoáng qua hồn tiếng thủy tinh đổ vỡ. Ôi! Mảnh nhọn nào đang đâm thủng lòng Du.

Du cố xua đuổi, Du cố quên, nhưng vẫn là áo vàng, vẫn khăn pula đỏ, vẫn đôi mắt biếc, vẫn cái miệng xinh xinh chập chờn như trêu ghẹo. Thảo nào anh không có ở nhà để hồi nãy Du đi ngang qua... Màu vàng, màu vàng đang chói lòa trước mắt Du, Du phải xóa tan nó, Du phải hủy diệt nó, Du nhào tới... Có tiếng ai thét bên tai và tiếng gọi gấp rút Du, Du. Du cũng vừa nhận diện ánh đèn từ một chiếc xe nhưng tất cả đã muộn... Du nghe nhẹ bỗng và không còn biết gì nữa.

Mùi ê te ngột ngạt đưa Du dần về thực tại trong cơn đau thể xác, ê ẩm thật nhiều. Du không kềm hãm nổi rên la. Chung quanh có tiếng reo tỉnh rồi tỉnh rồi. Du mở choàng mắt, qua ánh sáng mờ mờ có ai ngồi xuống bên cạnh với bàn tay giá buốt xiết chặt tay Du: con, con tỉnh chưa con?

Giọng mẹ sũng nước mắt làm Du nghẹn ngào: mẹ, mẹ tha lỗi cho con, con đã làm khổ mẹ.

- Không, con không có tội gì hết, con cứ an tâm tịnh dưỡng cho khỏe mạnh là mẹ vui rồi.

Du chưa kịp nói gì thêm thì cô y tá bước vào. Cô xin lỗi và mời mẹ ra ngoài, mẹ lưu luyến không muốn rời xa, một lần nữa cô y tá phải năn nỉ: hãy để yên cho Du, chỉ một đêm nay thôi vì vết thương tuy không nặng nhưng Du mất sức khá nhiều, Du cần tịnh dưỡng.

Mẹ đứng lên lủi thủi ra về, nhìn theo bóng mẹ nước mắt Du nhòa nhòa. Du ân hận quá, giá Du đừng mù quáng, giá Du đừng gặp anh Cường. Anh Cường, anh Cường Du ghét anh mãi thôi. Nhớ ngày nào cũng mùa giáng sinh xưa trong căn nhà nhỏ hẹp, đang ngồi học Du chợt hét to vì một bóng người. Không, một ông già Noel. Ông Noel chui từ bếp lên mặt còn dính đầy lọ đối diện với Du với tất cả bất ngờ. Ông cười để lộ hàm răng trắng bóng và đôi mắt sau làn kính mỏng nhìn Du nheo nheo:

- Cô bé sợ gì thế, ta đây mà, vào gọi em ra đây ta cho quà. Mờ sao không đi lễ hở?

- Dạ, cháu ngoại đạo.

- À à.

Mẹ và Ty đều đã thức giấc, mẹ hấp tấp hỏi Du gì thế con? Du chỉ ông Noel, mẹ sững sờ trong khi Ty vỗ tay reo vui rồi chạy lại ôm chân ông hỏi tíu tít. Ông Noel để chiếc gùi xuống đất và lấy ra vô số đồ chơi. Ông bảo Ty thích cái nào ông cho cái đó. Bé Ty ranh mãnh lấy toàn món đẹp trong khi miệng không ngớt cám ơn ông.

Mẹ chừng như không chịu nổi nên gằn giọng hỏi ông là ai, ông Noel tháo chiếc nón, bộ râu, cười nhẹ: Dạ cháu là Cường, con trai bà Thịnh Lợi.

Mẹ nhíu mày:

- Bà Thịnh Lợi đâu có đứa con trai nào?!

- Thưa có cháu đấy ạ.

- Cậu nói lạ, tôi ở đây mấy năm rồi phải biết chứ.

Anh Cường xoa hai tay vào nhau: dạ cháu ở ngoại quốc mới về.

Mẹ thế à lộ vẻ ngạc nhiên và hỏi tại sao anh làm vậy. Anh nói rằng anh thích nhìn cái vui của trẻ con. Du xen vào giọng diễu cợt: nhưng nhà cháu với ông không quen biết, thế làm sao ông vào nhà cháu được? Anh cười tinh nghịch: ông là ông già Noel lẽ dĩ nhiên phải vào bằng ống khói, sao cháu của ông ngây thơ vậy. Du đỏ mặt chả biết nói làm sao và kể từ hôm đó Du quen anh.

Một năm nữa lại trôi đi, tình cảm của Du đối với anh theo thời gian cũng ít nhiều thay đổi: những buổi chiều. Ơi! Giải thích làm sao cho rõ nghĩa những buổi chiều ngồi cắn ngón tay thả tư tưởng vu vơ. Nhưng bây giờ xa xôi lắm chuyện ngày xưa dấu ái, tất cả đều như áng mây hồng vừa thoáng qua thật đẹp để nuối tiếc đong đầy khi đã vuột tầm tay.

Chuông bốn phía từng hồi reo lên thánh thót, Du giật mình trở về thực tại của một đêm Giáng sinh. Chống tay ngồi dậy, Du định ra ngoài tìm chút hương vị Noel qua màn huyền đang dát ngàn sao đêm kim tuyến: lóng lánh, lóng lánh tuyệt đẹp. Nhưng chưa kịp thực hiện Du đã phải nằm vật xuống và chợt ý thức được rằng mình đang bệnh: một cánh tay bó bột với sự mệt mỏi toàn thân. Cũng may, tai nạn này tương đối nhẹ. Nếu không chắc Du ôm hận suốt đời.

Tiếng cầu kinh vang vang trong gió nhẹ đến tai Du, Du nhắm mắt để hồn bay bay đến một góc thánh đường, lạy Chúa, cho con tất cả nghị lực làm người để trọn vẹn với mọi bóng hình quen thuộc.

Du tỉnh giấc sau một mũi thuốc khỏe, bóng hình đầu tiên nhận diện là dáng mẹ xanh xao, với đôi mắt sâu thẳm tràn đầy yêu thương của một đêm không ngủ làm lòng Du ướt sũng. Ấm áp làm sao những câu thăm hỏi mến thương để nước mắt Du thêm một lần ràn rụa. Một thoáng nghe có gì trống vắng, hiểu ra mới biết từ hôm qua chưa thấy mặt con bé Ty.

- Mẹ, Ty đâu mẹ?

- Nó ở ngoài đó với ba con.

Ba con? Du há hốc mồm rồi lắp bắp: mẹ, mẹ nói thật? Mẹ gật đầu Thế thì ba con đâu, ba đâu rồi?

- Ba đây.

Du quay lại. Trời ơi, đúng là ba của Du rồi. Ba vẫn như xưa, vẫn chiếc cằm chẻ, vẫn đôi mày rậm và ba chỉ thêm một chút phong trần. Xúc động dâng đầy, Du gục đầu vào tay ba nức nở: Du khóc thật nhiều và miệt mài như chưa bao giờ được khóc.

Thì ra ba chính là người đã lái xe đụng Du, ba đưa Du vào bệnh viện cho đến khi gặp mẹ thì mới xác nhận Du chính là con của mình. Dù sao trong năm năm xa cách, Du ở trong ba cũng còn một chút mơ hồ liên hệ: ba đã chú ý đến Du ngay phút đầu.

Nghe ba mẹ kể lại Du cũng đủ biết nỗi mừng tủi của hai người khi nhận diện nhau đến mức độ nào. Du trách mẹ là tại sao mẹ không cho Du biết sớm. Mẹ cười: tại cô y tá chứ đâu tại mẹ, với lại mẹ sợ con đang bệnh lỡ xúc động mạnh rồi làm sao thì sao? Du không tiếp lời mẹ vì đang nghĩ tới ba. Thời gian xa gia đình ba ở đâu, ba làm gì mà bây giờ ba hách xì xằng đến có xe hơi để cán Du.

Chừng như thấu đáo được nỗi lòng cô con gái, ba buông lời trầm ấm kể chuyện xa xưa: ba bảo rằng vì muốn nâng cao mức sống gia đình ba phải đi xa để lập nghiệp. Trong thời gian này ba có quen với dì Dung là em gái của người đã bỏ vốn cho ba làm ăn. Dì Dung thương ba và ba cũng mến dì Dung ba xin lỗi mẹ và hai người lấy nhau. Ba không dám nói rằng ba đã có vợ ba lại xin lỗi mẹ vì ba không muốn có chuyện lộn xộn xảy ra. Cũng như đã nhiều lần ba về thăm bến xưa nhưng không gặp mẹ con Du nhà Du đã dọn đến nơi khác còn đâu Cho đến bây giờ ba đã có một sự nghiệp vững chắc qua lốt áo thương gia. Lại xui khiến làm sao đêm qua, trong lúc về bên nhà dì Dung để cùng dự lễ dì Dung có đạo ba đụng Du để gặp lại mẹ con Du.

Xong câu chuyện Du hỏi mẹ: dì Dung là người thế nào, mẹ có gặp chưa? Mẹ hơi buồn nhưng giọng thành thực: dì ấy sang trọng lắm nhưng cũng ngoan lắm con ạ, nói chuyện với mẹ là một thưa hai gửi. Dì ấy còn tỏ vẻ trách ba con sao còn giấu dì chuyện này? Một thoáng Du nhíu mày nhưng có lẽ không sao, mẹ là một người tinh tế chắc không thể lầm được và Du xin ba mẹ cho được gặp dì Dung.

Đúng như lời mẹ nói, dì Dung là một người đàn bà hoàn toàn: không những đã đẹp ở thể xác lại còn đẹp cả tâm hồn. Thêm hai đứa em trai kháu khỉnh Du nghe hồn mình vui thật vui.

Giờ sum họp chưa đầy 48 tiếng nhưng tất cả đều như quen thuộc đã từ lâu: mẹ với tất cả nhẹ nhàng, dì Dung khép nép tế nhị, ba ít nói nhưng miệng luôn cười và Du, có lẽ người vui sướng nhất là Du. Mới đêm qua Du tưởng là đời mình vô vị nhất thế mà sáng nay, chỉ mới sáng nay thôi cả một bầu trời trong xanh đổ ập xuống người Du, Du hồn nhiên vui đùa trong vùng trời đó và quên cả cụm mây hồng xa tít mù xa.

Dì Dung mời mẹ về ở chung nhưng mẹ từ chối, mẹ bảo rằng mẹ đã quen với cuộc sống hiện tại, nhất là mẹ không thể xa rời những kỷ niệm ở đây với bao nhiêu người láng giềng tốt bụng. Mẹ cám ơn dì và chỉ cầu mong được thường xuyên thăm hỏi. Dì Dung trầm tư:

- Thôi được, em đợi chị.

Những giây phút sau đó là những gì hạnh phúc nhất của Du sau ngày ba bỏ đi. Câu chuyện xoay quanh mọi vấn đề nhưng chủ đích phần đông là Du. Ba hỏi, dì Dung hỏi, Du trả lời cứ thao thao bất tuyệt như đã quên đi tai nạn vừa mang. Cho đến 10 giờ hơn cô y tá bước vào, mọi người mới ra là đã phiền Du không ít. Cũng lúc bấy giờ mỏi mệt tràn đầy cơ thể Du, Du chỉ muốn ngủ một giấc nên tiễn chân người thân bằng đôi mắt chĩu nặng. Vài tia vui mừng còn sót lại chạy đều trên chùm nho tim tím. Du nghe hồn tràn đầy xanh lơ trong quả nho căng và màu tím mờ dần để buồn thôi thênh thang đổ giọt. Không, vẫn còn vài giọt lắng đọng trên bờ môi ươn ướt, Du vừa nhớ đến anh Cường.

Bây giờ là buổi chiều. Buổi chiều bệnh viện toàn mùi ête với hành lang hun hút sâu. Hai hôm nữa Du được về nhà và có lẽ phải một hay hai tháng nữa mới được tháo băng tay. Du mong cho chóng lành bệnh để khỏi như chiều nay thèm lang thang SNA. Hai hôm nữa Du có thể đi học nhưng không lẽ "thương nhân" thế này lại đi mơ mộng dưới trời me bay. Mà tại sao người ta lại thương lá me thế nhỉ? Du có con nhỏ bạn, ngày xưa nó ở tít Vũng Tàu. Ngoài đó nó có tật là thích ngồi ở lề đường DT để nhìn lá me bay. Chả thế mà con bé làm thơ rất khá. Du cũng thích lá me nhưng thích là thích thế thôi chứ không làm được gì, nói đúng hơn nó là một người bạn trung thành nhất để Du gởi gấm nỗi niềm riêng.

- Cô bé mơ mộng gì đó?

Du giật mình, anh Cường, anh đã đến rồi đó sao, mẹ bảo 6 giờ anh mới đến cơ mà. Nhưng anh còn đến làm gì nữa, Du có gì để anh nuối tiếc đâu?

- Sao cô bé im lặng?

- ...

- Cô bé giận anh hở?

Du nhíu mày:

- Du không phải là cô bé.

- A, thì ra thế, anh xin lỗi nhé. Thế hôm qua Du đi làm sao mà lại thế này?

Du mím môi trầm lặng: anh còn hỏi tại sao nữa sao? Thế ra anh không biết gì cả, hay là anh không cần biết vì trong anh Du chỉ là một đứa trẻ con, một cô bé, phải không? Anh có biết anh vừa khơi lại một vết thương đang hồi dịu vợi? Anh có biết là anh ác lắm không? Anh có biết là anh vô tình lắm không? Nhưng Du chẳng cần nữa đâu, Du đã có ba mẹ, hạnh phúc đang có trong Du. Cuộc sống sắp tới là tất cả toàn vẹn thì sá gì một chút vu vơ làm Du hoài mãi u sầu? Bây giờ với anh, Du chẳng dám đòi hỏi gì thêm nữa, ngược lại anh hãy để yên cho Du, anh về đi, anh về đi.

Du ôm đầu hét to trong cơn nấc nghẹn ngào.

Giọng anh hốt hoảng ở bên tai:

- Du, Du sao vậy?

- Không, không có gì cả nhưng anh về đi, chúng ta không còn gì để nói với nhau nữa.

- Thật lạ, anh hiểu Du không nổi rồi. Tại sao chúng ta lại không có gì để nói với nhau? Nhiều chuyện lắm chứ, chẳng hạn như cánh thiệp mời Du dự đám cưới của Phượng.

- Anh Cường.

Du lại hét to lên như để át đi lời anh nói, đám cưới chị Phượng thì kệ chị ấy, anh nói ra làm gì trong lúc này. Trời ơi! Du đã lầm, anh cũng chỉ là 1 kẻ tầm thường thôi.

- Làm gì mà Du sửng sốt thế? Đây này, để anh đọc cho nghe.

Du nhìn anh uất nghẹn, Du sợ anh Cường ơi.

- ... Vào ngày... tháng... năm... chúng tôi sẽ làm lễ thành hôn cho trưởng nữ của chúng tôi là cô Đỗ Kim Phượng đẹp duyên cùng cậu Hoàng Đình Bảo...

Hoàng Đình Bảo? Du mở tròn đôi mắt nhìn anh, lắp bắp:

- Tại sao lại là Hoàng Đình Bảo?

Anh nhìn Du cười tinh nghịch:

- Chứ không lẽ là anh, với lại anh cũng có người thương rồi. Chỉ buồn một điều là anh với người đó đang giận nhau, chung qui cũng tại thằng Bảo nó đi mua thuốc lá để Phượng lại với anh làm cho người ta hiểu lầm. Rồi người ta bị xe đụng, kể sao hết hốt hoảng của anh lúc đó, nếu người ta có mệnh hệ nào chắc anh khổ suốt đời. Du, Du muốn làm quen với người ta không để anh giới thiệu?

Du đỏ mặt:

- Không.

- Tiếc chưa, Du không muốn thì thôi vậy. Nhưng Du này, không hiểu người ta có thương anh thật tình không nhỉ?

- Du biết gì đâu mờ anh hỏi.

Anh cười dõi mắt xa mờ: hai năm nữa với mảnh bằng đủ sống anh mong rằng người ta sẽ không thất vọng. Nhưng người ta có chịu đợi anh hai năm nữa? Hai năm: ngắn ngủi phải không Du? Mong ước thật nhiều cho ngày đó, anh với người ta sẽ chung tên một thiệp.

Rồi anh vụt hỏi: Du, theo Du thì người đó có đợi anh không?

Du chớp nhanh đôi mắt: Du nghĩ, nếu cả hai cùng thành thật thì kết quả chắc chắn sẽ vẹn toàn.

Anh Cường nhìn Du đắm say: cám ơn, cám ơn Du nhiều lắm.

Một thoáng hồng nào cao xa bây giờ trở lại nghe. Chừng như thêm sắc đậm. Du cúi đầu hồi tưởng chuyện đã qua: ghét anh ghê nhé, ra là anh đã gạt Du.

Có tiếng động ngoài cửa, và ba mẹ, dì Dung bước vào, thoáng chốc lại có thêm bà Thịnh Lợi. Anh Cường nhắc khẽ: Anh đã nói hết cho ba mẹ nghe rồi Du ạ... Du nhìn anh trách móc: sao anh không hỏi ý kiến Du với. Anh cười: thì ra Du là người ta đó sao? Du chẩu môi: trời ơi, thấy tức ghê chưa, Du lại bị anh gạt rồi.

Ngoài kia Noel vẫn tràn đầy và thật đẹp với những gì hạnh phúc nhất hồn Du.


PHƯƠNG THỦY    

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 16, ra ngày 20-12-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>