Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

CHƯƠNG IV_TRONG VÙNG MÙ SƯƠNG


IV


Vân Nhi sốt ruột nhìn đồng hồ. Còn mười phút nữa vào học mà giờ này Quế Trân vẫn chưa thấy đến. Cô bé chạy xuống gara tìm bác Bảy :

- Bác Bảy đưa cháu lại nhà Quế Trân chút đi, không hiểu sao giờ này mà chưa thấy bóng nó.

Bác Bảy lau vội kính xe rồi mở máy.

Chiếc xe lướt nhanh lên con dốc ngừng lại trước cánh cổng màu xanh. Nhi bước xuống và dặn bác Bảy :

- Đợi cháu chút xíu, cháu vào thăm Quế Trân chút rồi ra liền.

Cô bé mở cổng và rụt rè bước vào. Cô bé ngập ngừng ở ngưỡng cửa. Một người đàn bà còn trẻ mà Nhi đoán là dì Yến bước ra hỏi :

- Em tìm Trân phải không ?

- Dạ...

Dì Yến thân mật kéo tay Nhi vào trong, vui vẻ:

- Em tên chi ?

-  Dạ... Vân Nhi...

- A... tôi đã nghe Trân nói rất nhiều về em... ngồi chơi, tôi sẽ gọi Trân chừ. Trân bịnh em nờ, hắn bị trúng gió tối qua. Chừ thì đỡ rồi, hắn còn ngủ...

Nhi đứng lên kiếu từ :

- Dạ... thôi để Trân ngủ cho khỏe. Cháu phải đi học bây giờ gần trễ rồi... trưa về cháu sẽ ghé thăm Trân... dạ... xin phép cháu đi học.

Dì Yến tiễn Nhi ra cửa :

-  Ờ... em đi học... xí trưa nhớ ghé thăm Trân hỉ.

- Dạ...

Vân Nhi đến trường một mình. Bạn cùng lớp thấy cặp bài trùng thiếu mất một bèn nhao nhao :

- Trân mô rồi Nhi ?

- Chắc hai đứa giận nhau rồi.

Nhi trả lời chung :

- Bữa nay Trân bịnh nên nghỉ một hôm.

Ái Liên nói một câu thật độc :

- Cô bé lọ lem mơ lấy hoàng tử đẹp trai nhưng chắc giấc mơ vỡ tan nên ốm tương tư chứ gì? Uổng quá, bữa nay có hai giờ của hoàng từ mà cô bé lọ lem lại nằm xó bếp...

 Nhi quắc mắt nhìn Liên :

- Liên là một người bạn xấu, chuyên môn nói xấu người vắng mặt.

Liên sừng sộ :

- Nhi biết gì mà xía vô ?

Nhi cười châm biếm:

- Biết chứ, biết rõ là khác. Tiểu thư “mái tây hiên” si tình hoàng tử đẹp trai nhưng hoàng tử chê nụ cười “mái tây hiên” và chỉ thương cô bé lọ lem xinh đẹp thôi.

Liên giận tái mặt vì nụ cười “hăng rô” của mình bị đem ra chế nhạo, bị Nhi ví như “mái tây hiên”. Cô bé mỉa mai:

- Ngoài cái mặt xinh kia nó còn có cái gì đáng khoe nữa không? Cái áo mạng vá cả trăm lỗ, đôi guốc thì chiếc xanh, chiếc vàng, cái tướng ngó … không giống con giáp nào. Gối rơm không an phận gối rơm mà cứ muốn trèo cao… trèo cao thì té nặng…

Nhi tròn mắt nhìn Liên, không ngờ Liên dám hạ nhục Trân đến như vậy chỉ vì ghen tức. Tình yêu đã làm Liên mù quáng. Nhi mừng thầm là hôm nay Trân nghỉ học, nếu có mặt không biết Quế Trân sẽ ăn nói ra sao, tủi thân bao nhiêu trước những lời tàn nhẫn đó!

Ngoài Thủy, Liên và Nhi, tất cả bạn bè không ai hiểu Nhi và Liên cải nhau về vấn đề gì? Họ ngơ ngác không hiểu những tiếng “hoàng tử đẹp trai”, “tiểu thư mái tây hiên” và “cô bé lọ lem” là để ám chỉ những ai?

Nhi thấy cần phải bênh vực cho cô bạn vắng mặt đáng thương của mình, thấy cần phải cho Ái Liên một bài học cho bỏ tính tự kiêu đó đi . Thấy Tuấn đứng ở cửa văn phòng, Nhi nói:

- Đó, hoàng tử đẹp trai đứng ở cửa văn phòng đó. Tiểu thư “mái tây hiên” có muốn gì thì lên đó khiếu nại.

Quay sang các bạn cô bé tiếp:

- Mấy bồ hiểu tui nói ai rồi chứ gì? Mấy bồ có công nhận”cô bé lọ lem Quế Trân” dễ thương không? Có khi nào mấy bồ nghe từ cửa miệng nó thốt ra những lời phách lối như cô nàng tiểu thư “mái tây hiên” kia vừa thốt ra không? Đừng ai nhìn vào sự nghèo nàn bề ngoài của Quế Trân mà đánh giá nó quá thấp như vậy. Gia đình nó thuộc dòng hoàng phái, dòng dõi nó mấy đời làm quan, nó là con một dòng họ sang giàu thế lực nhất nhì ngoài Huế, chỉ vì chiến tranh, biến cố Mậu Thân đã làm nhà cửa nó tan nát, cha mẹ chết hết nên mới trở thành đứa mồ côi bơ vơ như vậy. Tại sao mình không nhìn nó với đôi mắt thương yêu mà nỡ đem sự nghèo khổ của nó ra để nhạo báng. Không phải tui đề cao nó chứ trong lớp mình đã chắc có người nào hơn nó chưa? Nó xinh đẹp, tính nết hiền ngoan, học giỏi… chừng đó thứ đủ rồi, nó chỉ thua có bộ quần áo thôi chứ gốc gác nó cũng vẫn là con nhà trâm anh. Còn “ai đó” chỉ được có cái vỏ thôi, tính nết không bằng một góc Quế Trân, học hành chẳng ra gì mà vẫn cứ tưởng mình hay mình đẹp. Cái áo đâu có làm nên « nhà tu ». Đẹp thì mặc áo rách vẫn đẹp, vẫn sang. Đã lỡ mang thân phận “mái tây hiên” thì mặc áo giát ngọc ngà cũng vẫn “mái tây hiên”, vẫn “hàm răng ấp chiến lược”… Tui nói đây không phải tui bêu riếu, mà tui không nhịn được trước những lời nói khinh người kia… Quế Trân nó hiền nên mới chịu để thiên hạ áp bức, chứ tui hả… còn lâu ạ...

Trước  lời diễn thuyết đầy tính cách mỉa mai của Nhi. Ái Liên vừa xấu hổ, vừa ân hận. Giây phút này cô bé mới tỉnh trí, mới nhận thấy lời nói của mình thật nông nổi, mới nhận thấy Quế Trân thật là người đáng quí đáng trọng. Cô bé tự nhủ nếu cần sẽ gặp Quế Trân để xin lỗi và để kết thân…

Bạn bè chung quanh sau khi nghe Nhi dứt lời đều quay nhìn Ái Liên với đôi mắt thiếu thiện cảm. Những tiếng xì xào nổi lên:

-  Tại sao con Nhi lại dám gọi thày Tuấn là hoàng tử đẹp trai?

-  Mà mày không thấy ông ấy đẹp à? Beau ác liệt…

- Ông để ý con nhỏ Quế Trân à?

- Chắc vậy…

- Hèn chi con Liên nó không nổi ghen…

- Ghen lãng nhách… có quyền gì mà ghen chứ?

- Quyền… quyền của một kẻ si tình hạng nặng chứ quyền gì…

Ái Liên run người, ù tai trước những lời bàn tán đầy tính cách châm biếm của bạn bè. Cô bé vội chạy ra cổng, băng ngang đường... Một tiếng thét vang lên… Nhi và bạn bè hoảng hồn đổ xô ra… Cả trường nhốn nháo… Các giáo sư cũng vội ra cổng… Ái Liên nằm bất động trên vũng máu…

Nhi thấy hình ảnh đó ôm mặt bật khóc:

- Tại tui… tại tui hết… trời ơi!

Mọi người ngơ ngác nhìn Nhi không hiểu. Nhi vẫn nức nở, cô bé ngồi xuống lay vai Ái Liên:

-  Liên ơi… Liên đừng chết nghe… mở mắt ra đi… đừng nằm yên hoài Nhi sợ lắm…

Một chiếc xe tuần cảnh trờ  tới. Mọi người vẹt ra nhường chỗ cho ba cảnh sát viên vào lập biên bản. Thấy Nhi cứ vừa lay vừa gọi bạn, một viên cảnh sát liền nói:

- Cô đứng dậy đi, đừng làm sai vị trí nằm của nạn nhân để chúng tôi làm biên bản cho mau còn đem đi vào nhà thương chớ…

Bích Thủy kéo Nhi đứng dậy:

- Bình tĩnh lại một chút Nhi…

Nhi gục đầu vào vai bạn:

- Thủy ơi, lỗi ở Nhi hết… chỉ vì Nhi làm cho Liên xấu hổ…

Bích Thủy vỗ về:

- Không phải lỗi tại Nhi đâu… lỗi là do Liên, chính lời nói thiếu suy xét của nó đã đưa đến sự thể như vậy…

- Trời ơi! Nếu Liên nó có mệnh hệ nào chắc Nhi ân hận đến chết mất thôi…

Năm phút sau khi viên cảnh sát gọi máy, một chiếc xe hồng thập tự tới. Ái Liên được đặt nằm trên băng ca khiêng vào xe. Chiếc xe lao đi vội vàng… Nhi đòi đi theo đến nhà thương với bạn nhưng bạn bè cản lại.

Tiếng chuông vào học reo vang…

Mọi người trở vào trường xôn xao bàn tán…

- Sao con nhỏ kia lại khóc lóc kêu nó có lỗi… nó xô bạn ra đường hả?

- Đâu có, tui thấy chính nạn nhân chạy vội ra cổng mà… ông tài xế chiếc xe hơi cũng nói con nhỏ tự nhiên băng ngang nên ông thắng không kịp mà…

- Có người nói con nhỏ đó đâm đầu vô xe tự tử…

- Xí… tầm bậy… con nhỏ đó làm có đủ can đảm để đâm đầu vô xe… chắc có chuyện chi mờ ám đây…

Nhi muốn điên đầu vì những lời bàn tán đó. Gương mặt thất thần, cô bé theo các bạn vào lớp với những bước chân không hồn.

Tuấn vẫn giảng đều đều, giọng chàng ấm và quyến rũ nhưng hôm nay cả lớp nghe mà không thu thập được bao nhiêu, đầu óc họ còn bị xao động bởi tai nạn vừa qua. Họ biết nguyên nhân thúc đẩy Ái Liên đến hành động trốn chạy đó chính là những lời châm biếm của họ chứ không phải do Nhi .

Tuấn nhìn xuống dãy bàn thứ hai. Hôm nay trống một chỗ, hôm nay Quế Trân không đi học. Từ đầu năm, cô bé chưa hề vắng một giờ học nào của chàng. Có lẽ cô bé bệnh? Chàng hình dung cô bé có đôi mắt buồn vời vợi, mơ màng và ngơ ngác như chú nai khi bị chàng gọi tên. Mái tóc đen nhánh lòa xòa trên làn da trắng mịn như càng làm tăng cái sâu thẳm buồn tênh của đôi mắt. Dáng thanh thanh của cô bé và gương mặt dễ thương kia đã trở thành một ám ảnh màu hồng trong tâm tư chàng. Vắng một giờ đã nhớ vắng một phút đã mong. Một tuần, chàng chỉ mong cho mau đến giờ dạy lớp cô bé, thế mà hôm nay cô bé lại nghỉ. Chàng thấy uể oải chi lạ. « Vắng một người là trống rỗng toàn diện » thiếu cô bé chàng cảm thấy như mình cô đơn trong căn phòng rộng thênh thang. Tự dung chàng ngại ngùng khi nhìn lại lòng mình. “Mình yêu cô bé rồi ư?” Chàng kêu thầm.

Không còn hứng thú để giảng bài. Tuấn lật sổ điểm, cả lớp ngạc nhiên nhìn chàng đăm đăm. Chưa bao giờ chàng có thái độ kỳ lạ như thế, bỏ bài giảng nửa chừng để dò bài.

Mặc Lan, trưởng lớp lên tiếng:

- Thưa thầy, sao thầy không giảng tiếp ?

Tuấn nói nhanh, như sợ bốn chục đôi mắt kia đọc được ý nghĩ thầm kín của mình:

- Có lẽ các chị còn mất tinh thần vì tai nạn khi sáng, tôi thấy dường như các chị nghe đó  mà không thâu thập được mấy. Chúng ta tạm ngừng bài mới ở đây, tôi hỏi bài tuần trước.

Những gương mặt âu lo, tiếng ôn bài rì rào.

Tuấn liếc nhanh Vân Nhi Cô bé này bạn ruột của Quế Trân, mình có thể hỏi thăm… Cây bút nguyên tử đó trên tay chàng lướt nhanh và ngừng lại:

-  Hà thị Vân Nhi .

Cô bé thót người ôm vở đi lên. Hỏi bài xong, Tuấn vẫn nhìn vào quyển sổ điểm, chàng nói nhỏ:

-  Chị có biết vì sao hôm nay Quế Trân nghỉ học không?

Vân Nhi đám nhanh:

-  Dạ, Quế Trân bịnh…

-  Cho tôi gởi lời hỏi thăm và chúc mau bình phục.

-  Thưa vâng

-  Thôi, cám ơn chị.

Trao trả vở cho Nhi, Tuấn gọi thêm vài người nữa dò bài qua loa rồi gập sổ điểm lại. Những tiếng thở phào nhẹ nhõm khoan khoái… Tuấn nhìn đồng hồ Còn mười phút nữa mới hết giờ. Nhớ đến tai nạn của cô học trò trong lớp, chàng hỏi chung:

- Chị hồi sáng bị tai nạn tên gì vậy?

-  Thưa thầy… Ái Liên…

- Các chị có biết nguyên do nào đã gây ra tai nạn đáng tiếc đó không?

Im lặng hoàn toàn.

Tất cả đều cúi mặt. Họ không thể nói sự thật trước mặt chàng. Mặc dù trước sau chuyện này cũng sẽ nổ tung, chàng cũng sẽ biết, cả trường cũng sẽ biết và không chừng cả thành phố Đà Lạt cũng sẽ biết nhưng bây giờ thì không ai có đủ can đảm nói lên câu chuyện đó.

Tuấn ngạc nhiên nhìn mọi người. Nhi bị mặc cảm đã gây nên tai nạn cho Ái Liên, cô bé cúi nhìn trang vở không dám ngước lên. Tuấn không thể im lặng được nữa, chàng kêu trưởng lớp vặn hỏi:

- Mặc Lan chị có biết tại sao không?

Mặc Lan lúng túng, cô bé không biết trả lời sao. Là trưởng lớp bắt buộc cô bé phải rõ những chuyện trong lớp để trình bày với giáo sư chỉ đạo mà Tuấn chính là giáo sư chỉ đạo lớp cô… Nói không biết thì thật phi lý, mà trình bày sự thật lại càng khó nói hơn. Chẳng lẽ nói vì thầy là đầu gút của câu chuyện ư? Mặc Lan nhìn bạn bè cầu cứu, nhưng không ai có thể thay cô để trả lời câu hỏi đó. Hướng về phía Nhi, cô bé liều nói:

- Thưa thầy, chuyện này rất phức tạp, không thể đem trình bày trước mọi người, chị Nhi là người biết rõ hơn cả, thầy có thể hỏi chị ấy…

Tuấn lờ mờ nhận thấy câu chuyện có điều bí ẩn nên nói:

- Thôi được, lát bãi học chị Nhi ở lại cho tôi nói chuyện.

Đầu óc rối bời, Nhi thẩn thờ đáp:

- Dạ… vâng…

Mọi người trầm ngâm suy nghĩ. Bầu không khí trở nên ngột ngạt khó chịu. Tiếng chuông reo vang phá tan bầu không khí căng thẳng đó. Được nghỉ hai giờ sau tất cả lớp rủ nhau đến nhà thương thăm Ái Liên, chỉ còn Tuấn và Nhi ở lại trong lớp.

*

Thời gian trôi lê thê…

Tuấn bước ra khỏi lớp khuôn mặt đăm chiêu. Chàng không ngờ vô tình mình lại có liên quan đến câu chuyện rắc rối đó. Không hiểu rồi đây phải xử trí ra sao với Ái Liên nhưng công việc trước tiên là chàng phải vào thăm Ái Liên một chút, lúc này chắc các bạn Ái Liên đã có mặt ở đó chàng không sợ bị hiểu lầm.

Sau khi thuật lại với Tuấn sự việc đó bằng tất cả cố gắng. Nhi ôm vở lừ đừ bước ra cổng. Chiếc xe hơi đỏ bóng nhoáng đậu đó từ bao giờ. Nhi mở cửa bước lên, mệt mỏi gieo mình xuống nệm, ngả đầu ra sau đôi mắt khép lại. Thấy gương mặt tái xanh của Nhi, bác Bảy lo lắng:

- Sao mặt tái thế kia? Bịnh hả cô Nhi?

Nhi lắc đầu:

- Cháu hơi chóng mặt thôi, không sao đâu...

- Cô giấu tui, trông cô mệt mỏi làm sao ấy… Tui đưa cô lại bác sĩ Nhã nghe…

- Chóng mặt chút xíu mà cũng tới bác sĩ chi cho tốn tiền, bác đừng lo cho cháu một cách thái quá như vậy.

- Nhưng ông bà đã dặn tôi nếu cô bịnh bất thình lình thì đưa cô thẳng lại bà bác sĩ Nhã. Chỗ ông bà với bác sĩ Nhã thân quá mà lo chi vấn đề tiền bạc, vả lại ông bà chỉ có mình cô, không lo lắng cho cô sao được.

Nhi cương quyết:

- Trời ơi! Cháu đã nói không có bịnh chi hết mà bác cứ bắt cháu đi bác sĩ hoài à, thôi, bác có muốn tới thì tới một mình đi…

Vừa nói Nhi vừa mở cửa xe dợm bước xuống khiến bác Bảy vội vã:

- Tui lo cho sức khỏe của cô thôi, nếu cô không muốn đi bác sĩ thì tui đưa cô về. Bữa nay cô nóng tính quá…

Nghe lời trách nhẹ nhàng của bác Bảy và nhận thấy hành động nóng nảy của mình thật phi lý, Nhi ân hận dịu giọng:

- Xin lỗi bác Bảy nhé. Bữa nay nhiều chuyện làm cháu điên đầu qua, nên cháu vô tình làm bác buồn, bác đừng giận nghe.

Bác Bảy vui vẻ:

- Tui mà giận cô làm chi.

Xe về đến nhà, bác Bảy toan cho xe vào gara, Nhi vội dục:

- Bác cho cháu lại nhà Quế Trân chút, nó bị bệnh mà khi sáng vội đi học cháu chưa gặp được.

Chiếc xe lướt nhẹ lên con dốc và ngừng lại. Nhi mở cổng lách mình vào. Người đàn bà đứng tuổi đang chăm sóc mấy luống rau nghe tiếng người ngửng lên hỏi:

- O tìm ai rứa?

- Dạ… cho cháu gặp Quế Trân…

O Nhạn, người đàn bà ấy chính là o Nhạn chỉ vô nhà trong:

- O vô đi, hắn ở trong nhà a tề.

Nhi rón rén bước vào. Căn nhà trang hoàng sơ sài ngưng ngăn nắp và sạch sẽ. Nhìn quanh không thấy Trân đâu, cô bé khẽ gọi:

- Trân ơi… Trân…

- Ai rứa?

Nhận ra giọng Trân, Nhi không ngần ngại bước vào buồng trong.

Quế Trân nằm dài trên giường, chiếc chăn mỏng đắp ngang ngực, cô bé có vẻ mệt mỏi chi lạ. Quế Trân nhích người vào trong đoạn kéo tay bạn:

- Nhi ngồi chơi…

Nhi mới ngồi chưa được mấy giây cái giường đã có vẻ ọp ẹp như muốn gẫy. Nhi nhìn Trân, hiểu ý bạn Trân mỉm cười:

- Nhi đừng lo, cái giường không gẫy mô, hắn thấy Nhi tới thăm Trân nên hắn kêu lên mấy tiếng chào mừng đó chớ.

Nhi kín đáo quan sát, căn phòng của Trân còn thê thảm hơn căn phòng của chị bếp nhà Nhi. Giường như đứng không muốn vững, chiếu rách tươm, tấm chăn mỏng manh không đủ làm ấm người đắp nó. Một cái bàn nhỏ kê ở góc phòng, trên có để ngọn đèn dầu và chồng sách vở… Trước cảnh thiếu thốn của bạn Nhi cảm thấy xót xa. Trân nhanh mắt, biết Nhi đang quan sát căn phòng mình, cô bé gượng cười; nụ cười buồn hơn giọt nước mắt:

- Nhi thấy nhà Trân nghèo không?

Nhi nắm tay bạn:

- Nghèo không phải là một cái tội, sao Trân có vẻ bận tâm đến vấn đề đó quá vậy? Dù Trân giàu hay Trân nghèo, Trân vẫn là bạn của Nhi kia mà. Nhi mong rằng từ đây về sau Trân đừng bao giờ nhắc đến điều đó nữa, nghe Trân.

Trân gật đầu, cô bé chợt vui:

- Sáng ni lớp vẫn học bình thường chớ Nhi? Có chuyện chi mới lạ không kể Trân nghe với. Bịnh nằm nhà buồn qua, mong cho mau khỏi bịnh để đi học với Nhi…

- Có một buổi sáng Trân vắng mặt mà lớp mình xảy ra nhiều chuyện lắm Trân ơi.

Trân hồi hộp:

- Chuyện chi rứa? Chuyện chi mà có Trân trong nớ?

Nhi trầm giọng:

- Trân còn nhớ chuyện xảy ra bữa trước với Ái Liên không? Bữa nay cũng vì chuyện đó mà Ái Liên bị tai nạn…

Trân nhổm dậy tròn mắt:

- Trời ơi! Răng mà dễ sợ rứa Nhi. Chuyện có đáng chi mô mà đến nỗi Ái Liên rước họa vô người…?

Nhi thuật lại đầu đuôi nhưng cô bé không dám nói hết những lời tàn nhẫn của Ái Liên. Quế Trân đang bệnh, bất cứ chuyện gì cũng dễ làm cô bé xao động tinh thần. Nhi khôn ngoan tóm tắt câu chuyện và kết luận:

- Một phần lỗi do nó, vì nó bị tình yêu làm mù quáng nên phát ngôn bậy ba… Sự việc xảy ra bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của Nhi. Không hiểu nó có sao không? Nhi tính lên thẳng nhà thương nhưng nhớ tới Trân nên lại rủ. Trân thấy đỡ phần nào chưa? Có thể đi với Nhi một chút được không? Có bác Bảy đang đợi ngoài kia..

Dì Yến từ dưới bếp lên bưng vào cho Trân chén cháo còn bốc hơi nghi ngút, thấy Nhi dì reo lên:

- Nhi tới hồi mô rứa?

- Dạ mới tới được một lát thôi dì.

- Nhi ngồi chơi nói chuyện với Trân hỉ, mới nghỉ học một bữa mà hắn rên buồn luôn miệng…

Dì Yến đặt chén cháo xuống, đỡ Trân ngồi dậy và nói:

- Cháo còn nóng, Trân ăn mau cho xuất mồ hôi mới khỏe người.

Trân nói với dì gương mặt cố làm ra vẻ tỉnh táo:

- Con đỡ rồi, con muốn đi với Nhi lên nhà thương thăm nhỏ bạn, hắn mới bị tai nạn khi sáng.

Dì Yến phản đối:

- Mô được, con còn yếu như ri mà đi mô ?

Trân ôm tay dì năn nỉ:

- Con đi xí thôi… nghe dì?

-  Mai mốt khỏe rồi đi, làm chi mà nôn dữ rứa hè.

-  Trời ơi! Nếu để đến mai mốt thì nói chi…

Nhi xen vào:

- Xin phép dì cho Quế Trân đi với cháu, lúc về sẽ có xe đưa về, dì đừng lo.

Thấy hai cô bé năn nỉ, dì Yến chìu lòng:

- Rứa thì ăn hết tô cháo rồi đi… nhớ mặc thêm áo len, choàng khăn nữa…

Dì bỏ xuống bếp, Nhi cười ranh mãnh:

- Dì Yến cưng Trân quá xá, làm như Trân còn con nít. Mai mốt gả chồng cho Trân chắc dì Yến phải kiếm ông nào biết cưng chìu Trân như dì, dì mới chịu gả. Nhi phải báo trước cho Tuấn biết điều đó mới được.

Trân đỏ mặt đấm thùm thụp vào lưng Nhi. Nhi quên cả ý tứ, cười ngặt nghẽo:

- Tui có phải là Tuấn đâu mà bồ đấm lưng kỳ vậy?

Trân vẫn chưa hết đỏ mặt :

- Nhi nói tầm bậy tầm bạ quá, lỡ dì Yến nghe được tưởng Trân mới bi lớn mà đã… chi… chi… thì chết.

Nhi nheo mắt trêu chọc:

- Bồ sắp mười tám rồi mà chưa được quyền chi… chi… hả? Nhưng chi… chi… là cái gì đã chứ?

Trân hiểu Nhi cố tình bắt bí mình, cô bé lúng túng:

- Nhi biết rồi mà còn giả bộ… bồ ác quá…

Nhi làm bộ mặt rầu rĩ:

- Chời ơi… chời! Tui hiền lành, ngây thơ trong trắng vô số tội… ý quên… vô tội như vầy mà thiên hạ đổ tiếng ác cho tui…

Trân cười đến chảy nước mắt trước lời thở than một cách “tiếu lâm” của Nhi. Hai cô bé xuống chào dì Yến rồi kéo nhau ra cổng. Dì Yến nhìn theo mỉm cười.

Chúng nó vô tư quá, khóc đó rồi cười đó, buồn đó rồi vui đó. Tội nghiệp con Trân, phải chi nó đừng gặp chuyện bất hạnh có lẽ đời sống nó hoàn toàn hơn. Hồi sống trong nhung lụa thì thiếu bạn bè, lúc có bạn bè lại sống trong cảnh mồ côi nghèo túng. Lạy trời cho nó tìm được niềm vui.

Nhi đóng mạnh cửa xe và nói:

- Nhắc tới Tuấn, Nhi mới nhớ. Khi sáng ông kêu Nhi đọc bài và có hỏi thăm Trân. Nhi nói Trân bịnh, ổng có vẻ lo lắng và buồn buồn… Trân biết không, bữa nay ổng giảng bài gì đâu á, không hấp dẫn… chút nào, giảng bài mà cứ ngó xuống chỗ bồ hoài thôi, đang giảng bài thì cúp ngang để dò bài. Bồ thấy ổng có “mát” không”? Ồ… mà chung qui cũng tại bồ hết trơn…

-  Ơ… răng tại tui?

-  Tại bồ chớ sao, nghỉ học làm người ta buồn, người ta nhớ bắt chết…

Trân chỉ chỉ bác tài rồi xuống giọng “rên rỉ”:

-  “I” can “You” , “I” van “You” ,”You” tha cho “me”, “You” làm ơn vặn cái máy nói nho nhỏ bớt lại dùm “me”.

Thấy “hành hạ” Trân như vậy đủ rồi, Nhi gật đầu:

-  Ừ… thì ta tạm tha cho nhà ngươi… làm ơn làm phúc để đức cho con cháu nhờ.

Trân chợt hỏi:

- Không biết sáng nay có thư của cô em hộc bàn không hè?

Nhi đập tay lên cặp:

- Bồ không hỏi tui quên mất, có đây nè.

Cô bé lục cắp lôi ra tờ giấy nhỏ, hai cô bé lại chụm đầu vào…


Chị Quế Trân dấu ái.

Viết thư cho chị trong giờ toán, nãy giờ em bị giáo sư “chiếu tướng” dữ lắm nhưng vẫn cứ liều… Chị biết tại sao không? Mỗi buổi học không viết được thư cho chị, em cứ thấy áy náy làm sao. Em biết chị mong thư em và em không thích thấy chị buồn vì cái “hộp thư” trống trơn.

Em mới điều tra biết được tên “cái chị bồ ruột” của chị rồi. Chị ấy tên Vân Nhi phải không? Chị Nhi cũng dễ thương ghê. Con nhỏ Tỷ Muội (bạn em) cũng mong được làm “cô em kết nghĩa vườn đào” với chị Nhi ghê lắm, chị hỏi chị Nhi dùm em, nếu chị Nhi bằng lòng nhớ viết thư cho em biết đặng báo tin mừng cho nó.

À! Thứ bảy tới sinh nhật em, em mời cả chị và chị Nhi tới dự. Sẽ giới thiệu Tỷ Muội với chị Nhi trong dịp này.

Chị lại nhà em đường X… biệt thự số 6

Thương chị nhiều nhiều
Ái Vy           
                                                                                                                                                                                                                                                                    
Trân gấp lá thư bỏ vào cuốn sách đoạn cười với Nhi:

- Khoái hỉ, mai mốt có “em kết nghĩa vườn đào” là hết thở than rằng “Trân nó thương em nó hơn tui...”

- Chớ sao… tui cũng phải có cô em để sưởi ấm “cõi lòng” trong những “mùa đông rét mướt sình lầy” chớ bộ…

Cổng bệnh viện hiện ra, Nhi kêu lên:

- Bác Bảy cho tụi cháu xuống…

Xe ngừng. Hai cô bé cám ơn và chạy vào “phòng cấp cứu”. Bạn bè trong lớp đang xì xào bàn tán. Thấy chiếc Vespa của Tuấn dựng cửa, Nhi hỏi:

- Ông Tuấn tới hả?

Bích Thủy gật đầu:

- Ổng mới tới.

- Đâu rồi?

- Vô gặp bác sĩ, dường như ông bác sĩ ở đây là anh họ ổng.

Bây giờ bạn bè mới chú ý Trân đứng sau lưng Nhi. Cẩm Tú nhìn Trân:

- Ủa, nghe nói Trân bịnh mà ?

Nhi đáp thay lời Trân:

- Trân bịnh nhưng cứ nhất định đòi lại thăm Liên.

Cẩm Tú tò mò:

- Trân biết hết rồi hỉ?

Trân buồn buồn:

- Trân biết nhưng Trân không giận Ái Liên mô, bịnh tình Ái Liên ra răng. Tú có biết không?

Cẩm Tú bùi ngùi :

- Tú không biết nơi. Nãy giờ tụi này sốt ruột ghê mà chưa thấy ai ra để hỏi thăm.

Cẩm Tú chỉ vào cánh cửa đang khép kín:

- Ái Liên đang ở trong nớ.

Thốt nhiên Quế Trân rùng mình. Hai chữ đỏ “phòng lạnh” nổi bật trên tấm bảng trắng khiến Quế Trân hãi sợ. Cô bé lẩm bẩm “Trời ơi! Chắc Ái Liên bị nặng lắm… Lạy Trời cho Ái Liên qua khỏi…” Cô bé hình dung đến những cái chết thê thảm mà cô bé được mục kích trong biến cố Mậu Thân và một luồng hơi lạnh chạy dọc theo sương sống. Cô bé như tưởng tượng ra Ái Liên bất động dưới bánh xe hơi với thân thể bê bết máu. Cô bé gục mặt vào đôi tay, đôi mắt nhắm nghiền. Có tiếng Đỗ Quyên:

- Ai như ba má Ái Liên tới tề, rằng chừ mới tới không biết?

Cả bọn lao nhao dồn ra cửa. Trên chiếc xe hơi đen bóng nhoáng bước xuống là một cặp vợ chồng đứng tuổi mà Nhi đoán là ba má Ái Liên. Người đàn bà trạc ba mươi, với những đường nét sắc sảo trên khuôn mặt và những nếp nhăn được khéo che đậy bởi những đường chì tô thật đậm nơi đuôi mắt, sống mũi cao, gọn và đôi môi hơi mỏng tạo cho khuôn mặt một vẻ trang nghiêm đến độ lạnh lùng. Người đàn ông đi bên cạnh trông bệ vệ và đĩnh đạc, người cứng ngắc như đóng khung trong bộ complet màu xám.

Nhi đăm đăm nhìn người đàn bà đứng tuổi đó, cô bé thất vọng khi không tìm thấy một đường nét nào của Ái Liên trên khuôn mặt bà ta. Tội nghiệp, nếu Ái Liên giống mẹ hẳn cô bé xinh lắm. Nhi thầm tiếc.

Ba má Ái Liên đã lên đến bực thềm. Nhi chờ đợi một thái độ hốt hoảng của người mẹ khi biết đứa con gái mình đang giằng co với cái chết bên trong cánh cửa khép kín kia. Nhưng không, người đàn bà vẫn thản nhiên, một sự thản nhiên tàn nhẫn.

Nhi quay nhìn người đàn ông, ông ta đang hỏi Bích Thủy một câu gì đó, Nhi không nghe thấy, chỉ thấy Bích Thủy chỉ vào cánh cửa trắng và người đàn ông bước tới gõ nhẹ mấy tiếng… Cánh cửa hé mở, cả bọn ùa tới nhưng chưa kịp thấy gì cửa đã vội khép lại sau khi người đàn ông lách người vào trong.

Ngoài này chỉ còn lại người đàn bà và nhóm bạn Ái Liên.

Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào người đàn bà, người đàn bà trẻ đúng hơn, phải có thì giờ quan sát kỹ mới thấy bà ta không “đứng tuổi” như nhận xét của Nhi khi bà ta còn ở đàng xa.

Nhi thắc mắc về thái độ hờ hững của bà ta trước nguy hiểm một phần sống mười phần chết của Liên. 
Nhi thầm  thì với Trân, mắt không rời người đàn bà:

- Nhi nghi bà ta không phải là má của Ái Liên, Trân thấy thái độ của bà ta không?

Trân gật đầu:

- Trân cũng thấy lạ ghê nơi.

Bích Thủy nghe mẩu đối thoại của Trân và Nhi liền nói với giọng buồn buồn:

- Bà ta là má ghẻ đó. Mẹ ruột của Ái Liên đã chết từ hồi nó lên tám cơ. Cảnh của nó cũng tội. Mẹ ghẻ ghét bỏ, cha ruột thương con nhưng quý và nể người vợ trẻ đẹp thành ra chỉ thương ngấm ngầm. Đúng ra Ái Liên bị nghỉ học lâu rồi nhưng bà nội nó thương con dâu bạc số, thương  đứa cháu mồ côi mẹ nên nhất định phản đối ý muốn kia của người con dâu «bất đắc dĩ» đó và má ghẻ con Liên chỉ chịu nhượng bộ một lần thôi. Sống thiếu tình thương, con Liên luôn luôn mang trong mình mầm mống bất mãn, sẵn sàng ghen tức với tất cả những kẻ có diễm phúc hơn mình. Nó yêu ông Tuấn ngay từ buổi học đầu tiên, nó nói chỉ có tâm sự với mình Thủy thôi. Ông Tuấn đối với nó như một thần tượng. Nó yêu trong câm nín. Dù nó biết không bao giờ ông Tuấn yêu nó, không bao giờ nó được cái diễm phúc làm người yêu nhưng nó muốn giữ riêng thần tượng đó là của nó. Lần đầu tiên nó bắt gặp cái nhìn trìu mến của ông Tuấn trao cho Trân, nó đã buồn đến ngẩn ngơ, cả buổi học nó thơ thẩn như người mất hồn... bây giờ thì nó nằm đây.

 Nhi và Trân không hẹn mà cùng nói :

- Tội nghiệp Ái Liên quá...

Trân buồn ít nhưng Nhi buồn nhiều, bây giờ cô bé mới cảm thấy lỗi của mình càng nặng hơn. Ái Liên ơi ! Tha thứ cho Nhi – Nhi cúi mặt để giòng nước mắt từ từ lăn xuống má, mặn đôi môi.

Người đàn bà ngồi chờ với vẻ nóng ruột. Thấy bọn nữ sinh nhìn mình với đôi mắt soi mói không mấy thiện cảm, bà ta ngước mặt lên nhìn lại với vẻ nửa như khiêu khích nửa như thách thức. Trong cái nhìn ấy Nhi đọc thấy và cảm thấy như vẻ dữ dội đang dấy lên từ vực thẳm tâm hồn. Cái dữ dội và khốc liệt đó là nguyên nhân đến người cha không dám công khai tỏ tình thương riêng của mình.

Cánh cửa trắng được mở hẳn ra. Người đàn ông bước ra đầu tiên, vầng trán có mấy nếp nhăn. Trên khuôn mặt ông ta hiện lên vẻ đau khổ, ông ta đến trước người đàn bà, hai bàn tay buông thõng trong tư thế bất động, ông ta nói từng tiếng rõ và dường như vang to thành tiếng sấm động :

- Muộn hết rồi... bây giờ chắc bà đã hài lòng... ?

Người đàn bà đứng phắt dậy :

- Bây giờ ông ghép tội cho tôi ?

- Chỗ này không phải để bà gây sự và làm ồn...

- Tôi không gây sự nhưng ông không có quyền gieo tiếng ác cho tôi. Con Ái Liên tự nó đâm đầu vào xe hơi, không phải tôi xô nó...

Giọng người đàn ông đượm chán nản :

- Phải, bà không tự tay xô nó vào cái chết nhưng cách cư xử khắc nghiệt của bà. Tối qua bà đã đánh nó, đã nói gì xúc phạm đến mẹ nó? Bà không buông tha cho người sống mà bà cũng không buông tha cho kẻ đã chết. Bây giờ thì bà đã nhổ được cái gai, bà thỏa mãn rồi chứ ? Điều bà mong mỏi từ lâu đã thành sự thật : Nó đã chết.

« Nó đã chết ». Ba tiếng ấy như nhát búa bổ xuống. Nhóm nữ sinh bàng hoàng, nhốn nháo... Chiếc băng ca được khiêng ra. Ái Liên nằm bất động dưới lớp « ra » trắng phủ kín lốm đốm những vết máu... Nhi không còn giữ gìn được nữa, cô bé òa khóc gọi tên Ái Liên… Trân và đám bạn cùng khóc theo trong lặng lẽ.

Người đàn bà bỏ về từ lúc nào. Ba Ái Liên ngồi xuống chiếc ghế hai tay ôm mặt Bây giờ ông mới cảm thấy phần đời còn lại sau khi người vợ dấu yêu, người mẹ hiền dịu của đứa con gái ra đi từ nay mới thực sự mất hẳn. Ông lầm bầm nói : « Ái Liên của ba, con hãy tha thứ cho ba… Tuấn nãy giờ đứng yên chợt bước tới đặt tay lên vai người đàn ông :

- Tôi thành thực chia buồn với ông về cái chết của em Ái Liên.

Người đàn ông ngửng lên, đôi mắt đẫm lệ :

- Cám ơn ông. Ông là thày dạy của cháu ?

- Vâng.

Nhóm nữ sinh đã theo nhau ra ngoài. Trong căn phòng chỉ còn lại hai người đàn ông với nỗi tiếc thương kẻ vắn số.

Đám tang Ái Liên diễn ra trong một buổi chiều mưa rơi lất phất. Nhi và Trân đi lẫn lộn trong đoàn thân nhân và bạn bè Ái Liên. Nhi để ý không thấy người đàn bà trẻ mà chỉ có ba Ái Liên và một bà cụ có lẽ là bà nội Ái Liên. Giờ hạ huyệt… Từng nắm đất được ném xuống trên nắp quan tài… rồi từng cánh hoa… Nắm đất cao dần trong tiếng khóc than kể lể và tiếng cầu kinh. Trân nghĩ tới cái chết của cha mẹ, họ hàng, cô bé ngồi xuống khóc thầm Liên ơi ! Hãy ngủ đó một giấc bình yên với những hàng thập tự trắng, với tiếng cười cỏ lá và tiếng hát muông chim…

_________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>