Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

CHƯƠNG NĂM_TRIỀN DỐC


chương kết


Nguyên đoán giờ này chắc Thạch đã qua bắc Mỹ Thuận, sắp về tới nhà.

Trong khi đó chiếc xe của Nguyên cũng đã rời khỏi Định Quán, nơi hành khách vừa được mời xuống dùng bữa cơm trưa Đã được gần nửa đường rồi!

Sáng nay khi chia tay nhau để mỗi thằng trở về với gia đình, Thạch hí hửng như một đứa trẻ, ngược lại Nguyên tự nhiên cảm thấy buồn buồn một cách lạ kỳ, nhưng rất mơ hồ khiến chính Nguyên cũng ngạc nhiên về mình, trái hẳn với những háo hức rộn ràng trong những ngày nằm trong bệnh viện, Nguyên bảo Thạch:

- Lâu lắm tụi mình mới lại gặp nhau, mày nhỉ!

- Hai tháng nữa chứ mấy!

- Nếu không có gì trở ngại, mày tìm dịp lên Đàlạt với tao.

- Tao có linh cảm là sẽ được gặp mày và Diễm!

- Nhớ viết thư thường xuyên cho tao.

- Mày cũng đừng quên đấy nhé!

Khi xe tách rời bến, Nguyên còn ngoái cổ nhìn lại người bạn đang giơ tay vẫy mình. Nguyên không vẫy trả lại nhưng ánh mắt như gắn chặt, như thu trọn hình ảnh Thạch có bao giờ như thế đâu! Những lần chia tay trước đây cả Nguyên và Thạch không hề tỏ một cử chỉ quyến luyến xách cho nhau hành lý tới bến xe rồi đứa nào lo việc đứa nấy rồi xe chạy không bao giờ có những vẫy tay, dặn dò hay ngó theo, nhìn lại. Bịn rịn, xúc động... là của đàn bà! Thạch nói vậy và Nguyên cũng cười biểu đồng tình. Nhưng lần này, cả hai đứa đều có những bộ điệu vẫn bị ghét từ trước. Giờ đây nghĩ tới Thạch, Nguyên thấy nhớ và thương bạn vô cùng.

Nguyên xua đuổi những ý tưởng vẩn vơ và đưa mắt nhìn bên ngoài qua cửa kính xe. Hôm nay trời hơi tối vì thiếu nắng. Những đồi núi thâm sẫm lại, nối nhau về tận chân trời xa thẳm. Thỉnh thoảng có những mái tranh đứng chơ vơ giữa những triền dốc. Nguyên đoán có lẽ đó là nhà của những người thượng. Cảnh vật trĩu buồn nhưng thơ mộng. Không khí nhẹ, mát và thơm mùi gỗ rừng. Nguyên hít mạnh và cảm thấy thanh thoải.

Chiếc xe từ từ dừng lại ở một trạm kiểm soát trước khi vào đèo Bảo Lộc. Mấy người lính nai nịt gọn gàng, súng đeo vai, leo lên tận lòng xe xét hành lý và hỏi căn cước những đàn ông, con trai. Nguyên trình kiểm tra, thẻ sinh viên nhưng bị đòi thêm "chứng chỉ hợp lệ tình trạng quân dịch". Có bao nhiêu giấy tờ, kể cả thẻ mượn sách ở thư viện, thẻ sinh viên vụ, thẻ ra vào câu lạc bộ, Nguyên đưa hết. Người lính gật gù đầu rồi đưa trả lại Nguyên, không nói lời nào.

Bây giờ Nguyên mới để ý vị trí của trạm kiểm soát. Trạm nằm sát xa lộ, chắn ngoài những dẫy nhà gỗ đồng kiểu, bám đầy bụi đất đỏ. Một tấm bảng lớn kẻ chữ trắng trên nền xanh cho biết đây là làng định cư của Việt kiều hồi hương. Một phòng đọc sách được thiết lập cạnh một chi thông tin, xa hơn là ngôi trường tiểu học mà bên trong Nguyên chỉ thấy trỏng trơ những bàn ghế. Nguyên ngạc nhiên nhưng sau nhớ ra là đang mùa hè, học trò được nghỉ. Mắt Nguyên đảo quanh rồi dừng lại trên hàng chữ "Ty Y Tế Lâm Đồng". Dấu hiệu chữ thập đỏ nhắc nhớ Nguyên về một dĩ vãng rất gần những ngày nằm bệnh viện và Loan, người y tá được gọi là "thiên thần bản mệnh". Nguyên như thấy một cái gì rất nhẹ thoáng qua như một áng mây tan loãng như một cơn gió làm cau mặt hồ nước như một tiếng chim buông giữa đêm tịch. Rồi tất cả lại trở về bình thường như đã không có gì xảy ra.

Buổi tối, trước ngày Nguyên được phép xuất viện, cũng đúng vào phiên trực của Loan, nàng đã tới với Nguyên ; hai người nói chuyện rất lâu ở hành lang bệnh viện. Gần Loan, Nguyên không còn có những bối rồi, ngượng ngập như những ngày đầu mới vào điều trị. Lời nói thật ấm, thật dịu, ánh mắt long lanh, thật tình tứ, thật huyền mơ không gây được nữa những giao động mạnh trong Nguyên. Có lẽ niềm vui được thoát khỏi bốn bức tường vôi trắng tù túng, sắp được gặp lại những người thân và nhất là sự lâng lâng gần như triền miên do lá thư của Diễm đem lại... đã làm nhạt nhòa hết những rung cảm đáng lý phải có trong Nguyên bởi những cử chỉ, ngôn từ chất chứa thân ái của Loan. Nguyên cố tạo một bề ngoài thật gần gũi Loan chàng sợ Loan buồn. Trước những câu hỏi của Loan về gia cảnh, về cuộc sống hiện tại, về những ước nguyện tương lai, Nguyên trả lời rất thành thật, cởi mở, không giấu giếm, không quanh co, nhưng khi Loan vừa cười vừa hỏi Nguyên : "anh Nguyên đã có một... hình bóng nào chưa?" thì Nguyên lại lúng túng chối ngay : "tôi... tôi chưa nghĩ tới". Sau đó Nguyên ân hận đã không lợi dụng cơ hội thuận tiện để cho Loan hiểu không nên tiến tới. Nguyên tự trách mình đã không bao giờ dứt khoát trong vấn đề tình cảm dù vẫn biết nhiều khi kết quả sẽ không đi đến đâu. Cuối cùng chàng lại thầm nghĩ trong đầu thôi kệ, đến đâu hay tới đó.

Sáng ngày Nguyên rời bệnh viện, Loan tiễn chàng ra tận xe khuôn mặt thật buồn như sắp khóc. Nguyên lẩn trốn những ánh nhìn trìu mến của Loan, nhưng rồi vẫn bị xúc động.

Trước khi lên taxi Nguyên mạnh bạo nhìn sâu trong mắt Loan:

- Cô Loan ở lại mạnh khỏe.

Tay vân vê tà áo, mặt giấu trong làn tóc xõa, Loan nói trong hơi thở:

- Loan cũng... chúc anh... khỏe luôn.

- Cám ơn cô Loan đã giúp tôi nhiều trong những ngày nằm ở đây.

- Anh về... Đàlạt nhớ... viết thư cho Loan nhé.

Nguyên gật đầu. Loan ngước lên tha thiết:

- Khi anh vào học thỉnh thoảng... ghé thăm Loan.

Nguyên gật đầu lần nữa.

Xe chạy xa rồi Nguyên còn thấy Loan đứng nhìn theo bóng hình thật đơn côi. Lúc đó Nguyên thương cảm nàng hết sức. Tuy nhiên khi về tới căn gác trọ, hàng xóm qua hỏi thăm vui vẻ ; ai cũng khuyên Nguyên : "giờ coi bảnh dữ há!" Nguyên lại quên những giao động vừa rồi.

Nhớ lại, Nguyên thở dài, chép miệng thôi được, mình sẽ viết thư thăm Loan muốn tới đâu thì tới!

Khi chiếc xe chạy tới giữa đèo thì trời sẫm tối, rồi đổ mưa. Hành khách lục đục, người quay cửa kính lên, người lấy dù, lấy nón, áo tơi che những giọt nước bắn vào. Nguyên ngồi thu mình, nhìn vạn vật bên ngoài lờ mờ trong làn mưa. Trong xe tối lại nhưng chàng cảm thấy ấm cúng. Nguyên nghĩ tới căn nhà dấu ái với cha mẹ và các em. Chàng mong chóng tới nơi để gặp lại những người ruột thịt chắc mấy đứa nhỏ sẽ lạ mình lắm, hẳn có đứa sẽ đòi mình mở băng ra để xem vết mổ sau cổ. Nguyên mỉm cười trước những điệu bộ hồn nhiên của lũ em do trí óc chàng tưởng tượng ra.

Xa dần hình ảnh của những người thân, Nguyên nghĩ tới Diễm sáng mai mình phải lên thăm Diễm ngay chắc Diễm cũng sẽ ngạc nhiên lắm.

Nguyên hình dung ra hoạt cảnh : Vừa trông thấy chàng từ đàng xa Diễm đã chạy ùa tới, nhưng vẫn bẽn lẽn:

- Anh... anh Nguyên mới về?

Nguyên cũng bối rối, trả lời:

- Vâng, tôi... về tối hôm qua. Diễm (mình phải bỏ tiếng "cô" đi như Diễm vẫn bảo, chỉ gọi "Diễm" cho thân mật, để Diễm vui lòng) Diễm mạnh khỏe chứ?

- Cảm ơn anh Nguyên, Diễm vẫn như thường.

Rồi nàng đưa mắt quan sát Nguyên, mỉm cười nói:

- Anh Nguyên giờ coi lạ ghê!

Chàng giả vờ ngạc nhiên hỏi lại:

- Lạ gì, Diễm?

- Cắt cái bướu đi, anh Nguyên... đẹp trai hơn trước nhiều!

Nguyên đỏ mặt trước lời khen thẳng thắn của Diễm. Rồi hai người sánh bước trên những lớp lá vàng mà Diễm đã không cho ai quét đi trong suốt thời gian Nguyên học ở Sàigòn. Thế rồi đột nhiên Diễm bỏ chạy vào trong nhà trước sự ngơ ngác của Nguyên. Ít phút sau nàng xuất hiện với một quyển sách trên tay:

- Đố anh Nguyên có cái gì trong này?

Nguyên cau mày có vẻ suy nghĩ rồi lắc đầu:

- Xin chịu!

Diễm phụng phịu:

- Thế mà anh Nguyên bảo là sẽ không bao giờ quên! Ghét anh ghê đi! Nè, chiếc hoa mầu tím mà anh hái tặng Diễm buổi chiều ngày anh đi đó, anh nhớ chưa nào?

- À!

- Diễm đã hứa sẽ giữ nó mãi để về khoe anh, bây giờ anh Nguyên thưởng Diễm cái gì đi!

Vừa cảm động, vừa lúng túng, Nguyên không biết trả lời sao thì Diễm đã lên tiếng:

- Diễm biết mà, Sàigòn làm anh Nguyên quên hết... Đàlạt rồi, anh đâu còn nhớ gì!

Nguyên vội vàng xin lỗi Diễm đồng thời hứa sẽ đền Diễm gấp đôi. Hai đứa nắm tay nhau, thân ái giữa tiếng thông reo vi vu, giữa tiếng suối rừng róc rách, giữa những bông hoa mầu tím nở đầy bên lối đi...

Nguyên ngất ngây với hình ảnh ngà ngọc trên.

Chàng lại nghĩ ra hoạt cảnh khác : Hai đứa sẽ ngồi chung trên ghế xích đu ở sân nhà nàng. Diễm tựa đầu vào vai Nguyên, thì thầm với giọng nói nũng nịu:

- Nếu Diễm biết trước, Diễm sẽ không để anh Nguyên cắt cái bướu đi đâu.

Nguyên ngạc nhiên:

- Sao vậy?

- Tại Diễm thấy anh... xa lạ hẳn đi!

- Nhưng anh (mình sẽ đánh bạo xưng "anh" cho thân mật hơn nữa) sẽ không còn mặc cảm, anh sẽ giống mọi người về hình hài, sẽ không còn ai gọi anh là "thằng có bướu ở cổ", anh sẽ không còn là một thứ Quasimodo, dù Diễm vẫn luôn luôn là hiện thân của Esméralda, anh sẽ không làm Diễm phải tủi hổ trước bạn bè.

- Tại anh cứ nghĩ quẫn. Với Diễm, tâm hồn mới đáng trọng, còn thân xác không phải là một yếu tố tuyệt đối quyết định tình cảm. Hơn nữa Diễm muốn... người thương của Diễm phải khác những người con trai khác, dù sự khác biệt đó là một cái gì xấu xa dưới mắt người đời, nhưng với Diễm lại là cái gì dấu ái, gần gũi.

- Đó chỉ là vấn đề tình cảm, còn thực tế nữa chứ!

- Không phải mình Diễm nghĩ vậy, mà nhiều người. Cách đây chừng hai tháng, Diễm đọc trong một cuốn tiểu thuyết thấy hoàn cảnh của các nhân vật trong truyện giống trường hợp của chúng mình ghê vậy đó : một anh chàng có bàn tay sáu ngón được một cô gái thật đẹp yêu thương. Những khi nằm bên nhau cô gái thường vuốt ve cái ngón dư đó. Sau vì muốn như những người bình thường khác, anh chàng cắt ngón thứ sáu đi . Anh Nguyên biết cô gái đó phản ứng ra sao không?

- Không!

- Cô ấy... bắt đền, vì từ đó không còn được vuốt ve ngón tay "độc đáo" của người yêu.

- Lãng mạn quá nhỉ.

- Nhưng thơ mộng chứ, phải không anh?

- Thế bây giờ anh đòi ông bác sĩ... khâu lại trả anh cái bướu cũ nhé?

Biết Nguyên trêu mình, Diễm cắn mấy cọng tóc bay vào miệng, che khuôn mặt ửng hồng:

- Ứ ừ... Anh cứ chọc quê Diễm thôi! Diễm bắt đền cho xem!

- Bắt đền anh nhiều thế làm sao anh đền được!

- Ai bảo cứ trêu "người ta"!

- Thế Diễm muốn anh đền những gì nào?

- Hổng biết!

- Anh đền Diễm bằng cả... cuộc đời của anh nhé, Diễm chịu không?

- Anh!

Diễm xấu hổ, giấu mặt vào vai Nguyên đồng thời tay véo liên tiếp trên tay Nguyên, nũng nịu:

- Anh nói kỳ quá à... Diễm hổng chịu đâu!

Đang miên man với những hình ảnh của một tương lai diễm tuyệt, Nguyên bỗng bị hất mạnh về đàng trước ; đầu đập vào thành ghế. Chiếc xe nhẩy chồm lên, lảo đảo. Hành khách nhốn nháo, rối loạn, la hét. Liếc nhanh qua cửa kính, Nguyên kinh hoàng thấy xe chạy sát ngay trên bờ vực. Phía dưới lô nhô những tảng đá khổng lồ. Trong khi đó người tài xế luống cuống quật tay lái vào phía trong, nhưng vô hiệu vì mặt đường quá trơn, bánh xe vẫn trẹo đi. Nước mưa hắt xối xả vào cửa kính. Cái gạt nước đã đứng lại từ hồi nào. Những tiếng la thất thanh vang dậy mạnh hơn trong xe. Nguyên lấy thân hình đẩy cửa xe rồi nhẩy vội ra ngoài, đúng lúc chiếc xe đò cũng lao xuống vực.

Người Nguyên dội mạnh , đầu va vào tảng đá, cổ nguyên, chỗ vừa được giải phẫu, đập vào một cành cây khô... Nguyên nghe văng vẳng những tiếng thét buốt óc, những âm thanh chát chúa của sắt, thép. Nguyên thấy lại cả cuộc đời mình, thấy rõ hình ảnh cha, mẹ, những đứa em, thằng Lâm, con Huyền, thằng Đạt, thấy cả Diễm, Loan, cả Thạch. Nguyên thấy thằng gù ở đền Đức Bà hiện ra nhẩy múa. Nguyên thấy từng lũ người nối nhau đang vất vả trèo lên những triền dốc đầy đá nhọn ; có nhiều người vấp ngã, kiệt sức lăn xuống vực sâu... Nguyên lịm dần... lịm dần...

Trời vẫn mưa to. Cây cối đứng ủ rũ, trĩu nước.


Sàigòn, ngày 30-4-72
HOÀI MỸ        
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>