Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Me Kể Chuyện Ma


Chị em tôi đứa nào cũng có một cố tật : sợ ma! Sợ ma nhưng lại rất ưa nghe kể chuyện ma. Đối với cái đầu óc non nớt của chúng tôi thì chuyện ma có nhiều thú vị cũng ngang với sự ghê sợ. Chúng tôi ngồi tụm lại, cố len cách nào để mình lọt vào giữa, như vậy mới yên tâm mà chong mắt, lắng tai nghe chuyện.

Me tôi cho đó là một nết xấu cần sửa đổi và đặc biệt không bao giờ me chịu xác nhận là có ma.

- Ma quỉ là cái gì? me nói ma là chuyện bịa đặt, vẽ vời để dọa những đứa... ngu khờ... chuyện tưởng tượng của những đầu óc ấu trĩ, mê tín...

Chúng tôi nhìn nhau xanh mắt, vì me đã nói đến vấn đề ma quái trong đêm tối, đây rồi chốc nữa, chúng tôi phải từng đứa một về phòng riêng, mà me còn bắt phải mở cửa sổ ngủ cho thoáng, đèn thì tắt ngấm... Biết đâu chả có một bàn tay hay cái lưỡi dài ngoẵng thò vào song cửa hỏi thăm sức khỏesự can đảm của chúng tôi? Hừ, me cứ nói cho sướng miệng, chứ lúc đó me làm sao có mặt để bảo vệ cho các con me? Vì me phải nằm với em Bé, đứa con út can đảm phi thường của me, đứa lúc nào cũng tuyên ngôn ỏm tỏi lên rằng : "Bé phải ngủ với me để lỡ có ông già tới thì Bé binh me, chớ để me một mình tội me!" Mà rồi mười lần như một, động me có rời chỗ nằm sang phòng chúng tôi một phút là nó nhổm theo ngay vì... sợ!

Chúng tôi bất bình hết sức. Me từng nói rằng me không ưa nói chuyện đó, sao tự dưng đêm nay me lại khơi ra? Nhưng không chỉ thế, me còn làm chúng tôi tò mò hơn, vì câu tiếp theo:

- Me biết tụi con ưa nghe chuyện ma, sợ mà vẫn nghe. Vậy nếu muốn me kể ngay cho một chuyện ma, chuyện có thật...

Thằng Hùng vỗ tay giòn giã:

- Me kể đi me! Tụi con muốn nghe...

Mai lườm nó:

- Muốn nghe! Hừ, muốn nghe rồi lát nữa đừng có quấn mền kín đầu, tao mách me đó, nói trước cho mà liệu!

Chị Thu gắt:

- Im đi! Mỗi chút mỗi cãi nhau, để yên me kể cho nào!

Thế là me tôi bắt đầu. Me nói:

- Năm đó me học lớp nhất trường làng. Me học rất khá. Bên con gái thì me, bên con trai thì Thành dẫn đầu. Hai đứa thay phiên nhau đứng đầu lớp. Nhà nó sát bên nhà ông bà ngoại và cha mẹ nó nghèo lắm. Nó là đứa con độc nhất của cha mẹ nó, nên dù nghèo, Thành rất được cưng chiều. Cũng vì vậy Thành mới được đi học chớ trong vùng nhiều nhà khá hơn nhà nó mà con cái đều phải chăn trâu. Me nói vậy, các con đừng tưởng là Thành thong thả đâu. Nó cũng chăn trâu như các trẻ khác. Có điều nó được hưởng đặc ân : chỉ chăn trâu ngoài giờ học và ngày lễ, ngày nghỉ học mà thôi. Cổ Thành mang tua tủa những lá bùa bọc vải bên ngoài và vẽ ngoằn ngoèo những chữ là chữ, cái màu xanh cái màu đỏ, nhưng buồn cười nhất là tóc nó : tóc không cạo trụi không cúp rẽ, không cúp carê mà được cạo nhẵn quanh đầu, chỉ chừa lại một chỏm chính giữa mỏ ác, dài ra, vắt qua bên mép tai! (nguyên do là vì mẹ Thành sinh nhiều lần mà đều yểu mạng, chỉ nuôi được mỗi mình cu cậu). Cha mẹ nó cho nó chăn trâu cũng vì có cái ý nghĩ ngây ngô như tất cả dân quê thời ấy : người khuất mặt khuất mày nghĩa là ma quỉ không bao giờ động đến trẻ chăn trâu. Cho nó chăn trâu, người khuất mặt sẽ tránh nó, không bắt nó đi như các anh, các chị nó. Và Thành, bạn học của me cũng biết lợi dụng ưu thế dành cho mình : mỗi lần đi chăn trâu về là lẻn vô đình làng, ăn cắp xôi chè, bánh, chuối đem chia cho me. Ác một nỗi, me lúc đó là thành phần con nhà giàu và cũng như tất cả con nhà giàu khác : ở nhà có món ngon thức lạ không thích, lại thích những món của bạn chăn trâu!

Tuy nhiên, ngoài cái thói ăn cắp thức ăn trong đình, Thành có đầy đủ nết tốt của một học sinh ngoan, đã ngoan, Thành còn là một học sinh ưu tú, đôi khi thầy giáo còn tỏ ra ưu đãi Thành hơn me, làm me không khỏi ghen thầm. Thầy nói:

- Trò Liên giỏi là phải. Nhà trò giàu có, còn Thành mới đáng khen : nhà nó nghèo, phải đi chăn trâu mà biết lo học...

Nghe tới đó, me ù tai lại vì tức : trong vùng đâu phải mình me là con nhà giàu? Thằng Dũng, thằng Sinh, con Loan, con Cúc... Tụi nó có học giỏi đâu nào. Sao thầy không nhắc tới? Trong lúc me còn đang hậm hực như thế thì thầy tiếp:

- Kỳ thi đến, thầy đặt hy vọng vào các trò nhiều lắm đó, đừng để thầy phải thất vọng, nghe? Các trò phải làm rạng mặt thầy và danh dự trường mình. Nhất là trò Liên, trò Thành, trò...

Thôi, vậy là me bằng lòng rồi : có tên me trong danh sách thầy kỳ vọng. Nghĩ cho cùng, me thấy cũng không nên đòi hỏi thầy phải yêu riêng mình làm chi, vô ích, thầy rất công bằng.

Một bữa, thầy gọi cả bọn lại khi me và các bạn sắp ra về:

- Các con có xin phép cha mẹ để bắt đầu ngày mai mỗi chiều ở lại một giờ để thầy luyện toán thêm chưa? Sắp tới kỳ thi rồi.

- Dạ thưa thầy có, cha mẹ con bằng lòng rồi, mà... (Thành ấp úng)

- Mà... thì cái gì? Thầy không đòi tiền lương đâu mà sợ? Thầy dạy không...

- Dạ không phải sợ vụ tiền, tụi con sợ... sợ...

Đến lượt me ấp úng. Thầy gặng:

- Sợ gì? Con cứ nói đi...

Thành nói mau:

- Dạ, tụi con sợ ma... dạ, mấy trò kia không sao, con với trò Liên phải đi qua đình, trời tối...

Cả lớp cười ầm lên. Có tiếng xì xào:

- Ai ngờ hai người học giỏi mà cũng nhát gan!

Me rất tức : tụi nó làm như tụi nó can đảm lắm ấy. Thử cho tụi nó đi ngang đình lúc nhá nhem coi! Lại không xanh mặt như tàu lá chuối ấy à? Me quay sang đứa nói câu đó, trả đũa:

- Dóc! Đứa nào không sợ ma giơ tay lên cho thầy thấy đi, tao kêu bằng chị cả!

Thành thì đứng nguyên vị trí cũ, hai tay khoanh lại, mặt đỏ gay. Thầy cũng bật cười theo, rồi thầy thong thả đi xuống tận chỗ Thành đứng, vỗ nhẹ vào đầu đứa học trò yêu:

- Con trai gì mà nhát như cáy! Định làm trò cười cho con gái sao?

Nói đoạn, thầy giơ tay vuốt ve chỏm tóc trên mỏ ác Thành, kéo xuống tận cằm và trả về vị trí cũ, nơi mép tai. Dưới bọn học trò, tiếng cười lại nổi lên như pháo. Thầy không cười, thầy ra hiệu mọi người im lặng và nghiêm nghị nói:

- Các trò, nhất là con trai phải tập cho mình tánh can đảm tự tin, đừng để bị mê hoặc vì những điều vu vơ. Dù cho có ma thật đi nữa, với đức tự chủ, tự tin mãnh liệt và sự thẳng thắn của mình, ma vẫn chịu thua. Ma cỏ nếu có, chỉ ám hại kẻ hèn nhát, gian giảo mà thôi! Người lương thiện, ngay thẳng không có gì phải sợ.

Thở một hơi dài, thầy nói với Thành:

- Về phần con, đây rồi chắc thầy phải đến nhà con nói chuyện với cha mẹ con đặng hai người bằng lòng cho con cắt bỏ mái tóc kỳ cục đi, chớ để vậy chừng lên tỉnh thì, mãi bị học trò tỉnh chúng cười đủ khớp, làm sao mà tỉnh trí lo bài vở được!

Thành thật thà nói:

- Thưa thầy, chắc không được qua! Thầy nói mất công...

- Sao con biết không được?

- Dạ, con xin cha mẹ con rất lâu rồi mà cha mẹ con không cho, sợ...

Thầy khoát tay:

- Chuyện đâu còn đó, chừng nào gần thi sẽ tính cái đầu tóc của trò Thành. Bây giờ tính chuyện học toán, nghe chưa? Bắt đầu ngày mai, thầy dạy thêm một giờ toán buổi chiều đó. Về coi xin phép mẹ đi!

*

Bắt đầu hôm sau, cả bọn đều ở lại để thầy luyện thêm toán mỗi chiều. Và cũng từ bữa đó, me không bao giờ dám về trước hay trụt lại sau với các bạn mà phải đi kèm bên Thành đặng khỏi sợ ma. Buổi chiều trời tối sập, rất mau. Các bạn khác tản mát khắp bốn hướng, trong một nhoáng. Còn lại hai đứa, hai đứa vốn ít thân nhau chỉ vì học giỏi nên ganh nhau từng điểm bỗng thấy cần nương tựa vào nhau, thấy thân nhau hơn bao giờ cả! Đúng là trong cơn hoạn nạn trong lúc cô đơn người ta thấy tình bạn thật là cần thiết, là cao quí!

Thấm thoát mà hơn tháng trời trôi qua, me và Thành đi ngang đình một cách yên lành. Để cho vững lòng hơn, me và nó thường nhắc lại lời thầy, cốt để trấn an chính bản thân mình. Chẳng hạn:

- Thầy nói đúng đó trò Thành ơi! Ma quỉ làm gì có? Mà nếu có thì chỉ hại được kẻ hèn nhát, kẻ bất lương chớ còn tụi mình không việc gì mà sợ nó!

Me nói xong tiếng thì thấy gai gai cả người, nhưng may thay, Thành hưởng ứng liền:

- Chớ sao! Mình là người có trí khôn, biết suy nghĩ, còn ma chỉ là thứ vô hình, thứ tưởng tượng mà thôi... Sợ chi? Thầy nói những đứa hèn nhát không làm gì nên. Tụi mình đâu có hèn nhát?

- Phải! Phải!

Tuy miệng nói vậy, nhưng để phòng xa, me vẫn không quên cong hai ngón cái bấm chặt vào lòng bàn tay mỗi khi ngang đình. Đó là một cách bắt ấn rất linh nghiệm để ma khỏi quấy rầy mình (do con Cúc dạy me từ hôm bắt đầu ở lại học thêm). Và me liếc qua bên cạnh thì thấy anh bạn đồng môn can đảm cũng cùng dáng điệu!

Gặp những hôm trời không có mây mù và không báo hiệu chuyển mưa thì thật là thích thú. Học trò dềnh dàng tốp năm, tốp ba náo nên như đàn ong vỡ tổ. Tiếng cười đùa vang rộn, vô tư trong bầu không khí khoáng đãng của đồng quê. Mặt trời biệt dạng trong khi vầng trăng non phơn phớt dịu dàng lơ lửng trên nền trời cao, lẫn trong không khí trong lành có mùi thơm của lúa sớm ngào ngạt. Dưới ruộng, cá đớp mồi búng nghe tành tạch. Vài chú cá lớn hơn phóng mình qua mương nước lọt phải hầm sâu đập đuôi phần phật, giận dữ.

Một bữa, thầy cho cả bọn một đề toán lạ hoắc chưa được nghe giảng bao giờ. Học trò phần đông làm được đoạn đầu rồi cắn cán viết ngó mông ra sân. Những đứa giỏi trong đó có Thành và me lấm tấm mố hôi trán loay hoay một cách tuyệt vọng. Riêng me nỗi hãi hùng khi nghĩ đến chốc nữa đi ngang đình lấn át cả chuyện không tìm ra đáp số cho bài toán khó xơi!

Khi thầy nói:

- Thầy thử các con đó mà! Thôi về đi, ngày mai thầy sẽ giảng cho. Về đi! Kẻo tối.

Me quên cả câu lễ phép chào thầy, hấp tấp bước ra cổng. Thành cũng rảo chân bên me. Trời tối mịt. Không đứa nào cất tiếng, chỉ bước nhanh chân thôi.

Ngôi đình cũ kỹ phủ đầy rêu xanh đã lờ mờ hiện ra phía trước, tắm bóng đêm nó đổi thành mầu xám ngoẹt. Mấy cây đa già cao lớn, gốc to, thân sù sì, vô số rễ dây dài bám vào thân cây như những con rắn bò lổm ngổm ngang dọc trông càng dễ sợ. Đã vậy, mấy cây đề kế cạnh tuy hết mùa nhưng trái khô còn sót, gió thổi chạm nhau nghe lộp cộp tăng thêm nỗi hãi hùng trong bóng tối bao quanh.

Me và Thành cùng nện mạnh chân xuống mặt đường đất nghe thùi thụi. Phải làm ồn lên, phải tỏ ra mình dạn dĩ, bình tĩnh mới được. Me gợi chuyện:

- Thành! Hồi chiều tụi lớp nhất B nó làm tôi tức quá : tụi nó nói "học trò thầy Lựu phải lo tưới cây Lựu!" rồi tụi nó cười vang lên...

Thành như quên cả sợ ma, hấp tấp ngắt lời me:

- Rồi trò để yên sao? Không biết nói gì sao?

- Nói gì? Thình lình quá làm sao mình nghĩ kịp một câu để trả thù? Rối trí quá mà...

- Phải như tôi, tôi không để yên đâu, tôi sẽ nói lại liền. Con gái làm gì cũng chậm chạp hết.

Phải chi lúc khác, me không nhịn Thành đâu, nhưng lúc này không tiện, me gặng Thành:

- Nếu là trò, trò nói gì? Nói nghe, tôi phục trò liền.

- Tôi nói : "Học trò thầy Khuê, đi chăn dê, lượm phân dê về làm thuốc tể". Đó, nói vậy, coi thử ai xấu hổ hơn ai? Tưới lựu có sao đâu, đi chăn dê mà còn lượm phân về làm thuốc tể mới là xấu chớ!

- Hay lắm! me khen lần sau tụi nó biết tay tôi. Tôi sẽ nói vậy, không cần tụi nó giận, ai biểu tụi nó chọc tức mình trước làm chi? Mình có khi nào...

Đột nhiên, me ngừng lại vì nghe có tiếng lọc cọc, lọc cọc vang lên, Thành cũng cùng tâm trạng me, nó đi sát lại bên me và lạ quá : tiếng lọc cọc lần này lại to hơn, rõ hơn mới là đáng ngại. Thành buột miệng:

- Trò Liên ơi! Cái gì giống như tiếng ma gáo quá!

- Bậy! me gắt nó trong lúc me cũng nghĩ không khác hơn nó ma cỏ gì, thầy nói...

Và không ai nói với ai mà me và Thành đều đưa tay nắm tay nhau và... chạy, chạy chớ không phải đi mau như trước. Tai hại một điều là càng chạy tiếng lọc cọc càng to, càng gần và ghê gớm nhất là y như con ma gáo lăn theo Thành sát gót!

Mồ hôi hai đứa tuôn như tắm. Bóng tối phủ dày thêm. Tuy là chạy, chạy hết sức mà me có cảm tưởng như bị một sức mạnh vô hình trì lại, đứng nguyên một chỗ. Me kêu thầm:

- Thầy ơi! Thầy đâu thương tụi con, nếu thầy thương thì thầy đã chịu khó đưa tụi con về nhà, đâu đến nỗi này...

Huỵch một cái, Thành vấp rễ cây, bổ chúi xuống, me cũng chúi theo, may gượng kịp. Và kỳ quái thay : ma cũng ngừng đuổi theo. Tiếng lọc cọc ngừng lại. Me nghĩ mau : nó định giở trò gì đây? Hay là nó tưởng mình sắp đánh nó nên bỏ chạy? Chợt nhớ bạn đang nằm xoài rên rỉ dưới đất, me cúi đỡ Thành, miệng hỏi:

- Có sao không? Tội quá! Coi chừng rách quần áo bị đòn đa!

Thành vẫn không ngớt rên, và giữa hai tiếng rên, cu cậu nói:

- Chắc tôi gãy chưn rồi, trò Liên ơi! Đau quá!

Me phát hoảng, nhưng lần này không phải cái hoảng do ma, mà do lo cho cái chân của bạn. Me sờ soạng tìm hai chân Thành, may quá, không có gì đáng sợ, me trấn an nó:

- Không có gì đâu, trò bị sướt da một chút chỗ ống quyển thôi... chảy máu một chút thôi. Để tôi phủi bụi cho.

Thành gượng đứng lên trong lúc me phủi mạnh sau lưng, trước ngực cho nó. Đến chỗ hai túi áo tay me đụng một vật cứng và tiếng lọc cọc lại từ đó phát ra : thì ra hộp calmine không, Thành đã cất mấy đồng xu trong đó. Thường thì không sao, khi đi mau hay chạy nhanh, xu chạm vào thành hộp, tiếng lọc cọc vang lên. Vỡ lẽ ra, hai đứa cười ngất. Thành quên cả đau, pha trò:

- Ma gáo ở trong túi tôi, trò thấy không? Vậy mà sợ, ngu quá! Thầy nói đúng quá...

Phần me, me đã tưởng tượng một cái gáo dừa tròn, với hai con mắt thao láo cứ lăn còng cọc theo chân mình... bây giờ mới thấy không phải, cũng hơi tiêng tiếc làm sao...

- Chuyện ma của me chứng tỏ lúc nhỏ mẹ cũng sợ ma, khác gì tụi con đâu?

- Nhưng lúc nhỏ me ở nhà quê, làm gì có đèn điện như bây giờ?

- Cãi nhũng nhẵng hoài, con muốn me cho con biết một điều : anh bạn đồng môn của me khi lên tỉnh thì có được cha mẹ bằng lòng cho cắt tóc không?

- Có chớ! Sau vụ ma gáo Thành trở thành bạo dạn hơn và sau đó, thầy đến nhà thuyết phục thêm vài câu là Thành được cắt bỏ món tóc kỳ quái để đồng hóa với học sinh thành phố.

- Và me với anh đó có đậu không?

- Chắc chắn là đậu rồi, đậu cao là khác.

- Đừng hớt lẻo đi!

- Em không hớt lẻo, me kể chuyện đó cho em nghe lâu rồi. Me được thưởng cái dù màu này, sách vở nữa này, còn anh Thành thì một cái nón nỉ này...

Me tôi cười, xác nhận:

- Đúng đó! me còn nhớ rõ nét mặt hớn hở của thầy Lựu, thầy nói khi về trường : "May chớ thằng Thành mà để cái món tóc dị kỳ đó thì nguy quá! Mất mặt thầy còn gì?"


SONG PHƯƠNG    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 132, ra ngày 1-7-1970)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>