Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

CHƯƠNG BỐN_TRIỀN DỐC


bốn


Cuối niên học năm thứ nhất, vào đầu mùa hè, sau khi nghiên cứu kỹ luõng, giáo sư bác sĩ Ali Mac Graw quyết định giải phẫu cái bướu trên cổ cho Nguyên. Với lòng tin tưởng vào bác sĩ Ali Mac Graw, vị giáo sư ngoại quốc mà Nguyên cảm kính nhất về tài năng và đức độ, Nguyên rất an tâm trao phó sinh mệnh. Tuy nhiên Nguyên không muốn cho cha mẹ lo lắng, chỉ viết thư về gia đình nói đại khái vì cần giải quyết nhiều công việc khẩn thiết nên sẽ về nghỉ hè chậm một tháng. Thạch, trong thâm tâm tuy muốn ngăn cản cuộc giải phẫu, nhưng không dám nói ra, sợ Nguyên buồn. Thạch cũng quyết định ở lại Sàigòn để giúp Nguyên.

Trước ngày mổ một tuần lễ Nguyên vào y viện dành riêng cho sinh viên để hoàn tất các thủ tục thông thường như chiếu điện, thử máu... Ngày nào Thạch cũng vào thăm Nguyên và tiếp tế những vật dụng cần thiết. Chàng thường trêu bạn:

- Sau khi thanh toán "của nợ", chắc mày càng đẹp trai hơn nữa, em Diễm của mày tha hồ chết mệt. Hết lý do để tả oán nữa nhé.

Nguyên cười đồng thời cảm thấy vui vui khi tưởng tượng cha mẹ và Diễm sẽ ngạc nhiên trong ngày chàng trở về, do đó trước câu nói đùa của Thạch, Nguyên cũng phụ họa theo:

- Nhưng nhỡ tao "tịch" luôn thì sao?

- Đừng nói bậy!

- Có thể lắm chứ! Ở đời vẫn luôn luôn có những chuyện bất ngờ. Chẳng hạn ông bác sĩ thay vì cắt cái bướu lỡ tay "đi" luôn cả cái cổ tao hay khi khâu lại vết thương ông ta để quên cái kéo trong đó thì cũng kể như  "bế mạc" luôn.

Thạch và Nguyên cùng cười. Tình bạn thắm thiết hơn bao giờ!

Buổi chiều trước ngày chịu giải phẫu, sau khi được các y tá làm "toa lét", còn đang nằm thoải mái trên giường, Nguyên bỗng ngồi bật dậy khi thấy ông Cả từ ngoài bước vào đang dáo dác tìm kiếm. Nguyên ngạc nhiên tột độ, không hiểu sao cha mình có thể biết chuyện này mà đến đây? Tuy nhiên Nguyên chưa kịp tìm ra câu trả lời thì ông Cả đã được một người đồng phòng với Nguyên dẫn tới.

- Thầy xuống hồi nào vậy?

- Lúc trưa.

Nguyên kéo tay ông Cả ngồi xuống mép giường, dò hỏi:

- Sao thầy biết mà xuống?

- Mày thật đoảng! Chuyện nguy hiểm như vậy mà giấu bố mẹ. Nếu không nhận được điện tín của cậu Thạch, chắc mày có chết chúng tao cũng không hay!

Nguyên chợt hiểu, lẩm bẩm:

- Thằng vô tích sự!

- Mày nói gì?

- Dạ... dạ... không!

- Mẹ mày ở nhà khóc hết nước mắt!

Nguyên nhói đau trong lồng ngực. Chàng cắn môi, tay quấn chặt tấm "dra" trải giường để dằn cơn xúc động. Tiếng ông Cả vẫn trầm trầm:

- Tao đã bảo bây giờ thời đại nguyên tử, bác sĩ mổ người như mổ cá việc gì mà sợ, thế mà mẹ mày vẫn cuống cả lên, cứ giục tao phải đi ngay.

Để trấn an cha mình, Nguyên nói thêm vào:

- Vâng bây giờ mổ là thường!

- Nhưng tao cũng vẫn... lo cho mày!

- Thầy an tâm, người ta mổ cả tim, cả phổi, cả óc còn được nữa cơ mà. Đâu có sao!

- Tao thấy hồi xưa ở ngoài mình cũng có mấy người chết vì mổ bướu đấy... Hay mày nghe tao, đừng mổ nữa, trốn về đi!

Nguyên bật cười:

- Đâu được, thầy. Người ta đã sửa soạn xong cả rồi. Với lại con đã nói với thầy ngày nay người ta có nhiều dụng cụ tối tân, bác sĩ giỏi thì dễ gì chết như hồi xưa!

Ông Cả làm thinh. Lợi dụng cơ hội, Nguyên chuyển sang câu chuyện khác:

- Ở nhà mẹ con và các em vẫn khỏe chứ thầy?

- Ừ!

Vườn tược dạo này có khá hơn trước không? Con nghe nói trận mưa đá vừa rồi làm thiệt hại rau cỏ nhiều lắm?

- Nhờ ơn trên chỗ mình lại không việc gì, nhưng trong Tùng Lâm thì bị nặng!

Nguyên định đưa đẩy câu chuyện để hỏi thăm về Diễm, nhưng vòng vo mãi Nguyên vẫn không biết nói thế nào cho tự nhiên để cha mình khỏi nghi ngờ, cuối cùng đành thầm hứa sẽ chờ dịp khác.

- Nguyên này.

- Dạ?

- Mày dạo này hư lắm đấy!

Nguyên giật mình, đưa mắt nhìn ông Cả, lo lắng:

- Dạ con đâu làm gì?

- Con không làm gì! Sao cả ba năm nay mày không thèm lại chơi đàng nhà chú Bá?

Nguyên thở ra nhè nhẹ như vừa thoát khỏi một sự nguy hiểm, cúi đầu che giấu nụ cười mỉm:

- Tại con... bận quá!

- Bận thì bận chứ, là con cháu thì phải ăn ở cho phải đạo. Hồi trưa tao về đàng đó, chú thím ấy trách mày hết nước hết cái!

- Thôi để mai mốt ra nhà thương con về thăm! À, thầy có gặp thằng Thạch không?

- Có. Gớm chúng mày ở gì mà khó tìm thế, nếu không nhờ có cái cô gái ở gần nhà chúng mày đi học về thì... tao cũng đến chịu!

- À cô đó là... vợ của thằng... Thạch đó!

Ông Cả trợn mắt:

- Cậu Thạch có vợ rồi à?

- ... Nó sắp cưới!

- Gớm, chúng mày mới nứt mắt mà đã vợ với con!

Nguyên thích thú vì vô tình tìm được dịp "trả thù" tội Thạch đã âm thầm đánh điện tín về báo cho ông bà Cả biết chuyện Nguyên bị mổ.

Hai cha con ngồi nói chuyện với nhau cho tới tối. Nguyên tiễn chân ông Cả ra tận sân bệnh viên. Trước khi leo lên xe, ông Cả còn ngoái cổ lại dặn Nguyên:

- Mày nhớ thầm thĩ cầu xin cho được bằng an.

Nguyên cố tạo bộ mặt nghiêm trang:

- Vâng!

- À, sáng mai mấy giờ mổ?

- Khoảng tám giờ!

- Mai tao tới sớm. Thôi đi vào đi không có sương!

Nguyên chờ cho xe đi khuất mới quay gót.

Và cả đêm Nguyên đã ngủ một giấc thật ngon...

Nguyên mở choàng mắt khi cảm thấy một bàn tay lay nơi vai. Cô y tá Loan trong chiếc "bờ lu" trắng mỉm cười với Nguyên. Từ ngày vào viện đây là lần đầu tiên Nguyên mới nhận ra vẻ đẹp dịu hiền của người nữ y tá mà những người đồng phòng thường gọi là "Loan, thiên thần bản mệnh". Tự nhiên Nguyên cảm thấy như ánh sáng chan hòa căn phòng, toàn thân chàng nhẹ bổng. Tuy nhiên người ta không để Nguyên tận hưởng niềm lâng lâng hiện hữu.

- Mời anh sửa soạn lên... phòng giải phẫu.

Nguyên thành thật:

- Nhưng tôi chưa đánh răng, rửa mặt!

- Xin anh nhanh tay cho kẻo ở trên họ chờ.

- Hay cô Loan cứ lên trước đi, tôi lên sau, tôi biết chỗ rồi.

Cô y tá Loan cười nhẹ:

- Đâu được! Anh nằm trên xe băng-ca để ngoài hành lang kia rồi có ông lao công đẩy anh tới tận nơi.

Nguyên khôi hài:

- Sao nghi thức long trọng thế?

Năm phút sau Nguyên đã nằm trên chiếc xe sơn trắng, toàn thân được phủ vải trắng. Những người bạn đồng phòng, người còn ngồi trên giường, kẻ ra tận nơi chúc Nguyên may mắn. Riêng Nguyên, tới giờ phút này, chàng cũng không hiểu sao mình có thể bình tĩnh đến không ngờ, thật trái ngược với những ngày đầu khi mới vào y viện, thỉnh thoảng Nguyên hốt hoảng, lo sợ vu vơ mỗi lần nghĩ tới lúc lên bàn mổ.

Chiếc xe được đẩy sát bên bàn giải phẫu ; Nguyên chỉ cần nhích người một chút là đã đổi được vị trí. Nguyên ngẩng đầu lên để quan sát chung quanh : Bốn mặt tường đều được lát bằng loại gạch men xanh nhạt. Ngay trên mặt Nguyên là một cái chụp đèn cực lớn mà Nguyên đoán lát nữa đây sẽ được kéo xuống thật thấp để chiếu vào chỗ giải phẫu. Trong góc phòng, chừng bốn năm nam nữ y tá đang lúi húi sửa soạn những y cụ. Bên tay trái Nguyên, một bà phước áo trắng đang gắp các ống chích từ trong một cái soong nhỏ rồi đặt trên chiếc khay trắng có trải bông. Không ai nói với ai một lời. Nguyên liếc nhìn đồng hồ tròn gắn trên tường : 8 thiếu 10. Bà phước áo trắng đến phía trên đầu Nguyên, nói giọng rất êm:

- Con có sợ không?

Nguyên lắc đầu:

- Thưa "sơ" không.

- Giỏi! bây giờ con cởi quần áo ra.

Nguyên thẹn chín người, mở tròn mắt nhìn bà phước:

- Thưa...

- Lẹ đi con, bác sĩ sắp tới rồi.

- Thưa... thưa...

- Con cứ nằm đắp "dra" như vậy rồi chuồn quần áo ra.

Nguyên luống cuống làm theo lời bà phước. Đồng hồ treo trên tường buông tám tiếng rõ rệt. Nguyên nghe được những âm thanh lách cách trong góc phòng. Bà phước đập một ống thuốc mầu nâu đậm, hút vào ống chích, giơ lên cao, đo lượng thuốc rồi bảo Nguyên:

- Con ruỗi tay trái ra.

Bà phước lấy một sợi ống cao-su nhỏ bằng cây đũa, cột vào bắp tay Nguyên, cầm miếng bông gòn nhấp vào lọ "an côn", thoa vào những đường vein nổi xanh trên tay Nguyên. Chàng theo dõi từng cử chỉ nhỏ mọn của bà phước. Tuy không hiểu mình sắp bị tiêm thứ thuốc gì Nguyên cũng biết giờ phút quan trọng đã đến. Bà phước nhìn vào mắt Nguyên, nói như dỗ dành:

- Con ráng nhớ hết rồi sau kể cho ba má nghe nhé.

Chưa kịp trả lời, Nguyên đã cảm thấy đau nhói ở tay rồi... không biết gì nữa...

*

- Tỉnh rồi bác ơi!

Nguyên nghe mơ hồ tiếng ai văng vẳng. Dần dần sự ý thức trở lại với cháng. Mùi "ê te" nồng nặc xông lên mũi. Dường như có một vật gì đặt ngang hàm răng ; Nguyên định cho tay lấy ra nhưng bị giữ lại. Chàng oằn người lên vì đau. Toàn thân Nguyên như bị xé nhỏ. Chàng có cảm tưởng cơn đau đã lên tới tột đỉnh mà chỉ cần nhích lên một chút nữa là Nguyên chết và Nguyên mong điều đó xảy ra vì chàng không chịu nổi nữa. Trong cổ họng cháy khô lại, Nguyên thèm nước. Chàng ú ớ gọi, nhưng âm thanh không phát ra được. Nguyên cố mở mắt nhưng vẫn chưa nhận rõ được những vật chung quanh dường như có hai ba bóng đen di động dường như ánh sáng vàng đục? bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ? và đây là đâu? mình nhớ là người ta đã chở mình vào phòng mổ có phải chính bác sĩ Ali Mac Graw đã giải phẫu cho mình? Sao mình không được gặp? à, còn cha mình nữa, sao không tới sớm như đã hứa?... Nguyên cố gắng tập trung tư tưởng nhưng tâm thần như còn dại đi.

Trong khi đó cạnh Nguyên ông Cả ngồi nhìn con không chớp mắt. Ông hơi an tâm khi thấy Nguyên đã tỉnh. Hồi sáng ông vừa tới thì cũng vừa đúng lúc chiếc xe băng ca đưa Nguyên vào phòng giải phẫu. Ông đã đứng chờ ngoài cửa suốt ba tiếng đồng hồ, miệng không lúc nào ngớt lâm râm cầu nguyện. Và ông đã không cầm được nước mắt khi người ta đưa Nguyên ra tất cả được phủ trắng như một xác chết. Ông đã nghĩ thế là mất đứa con! Cô Loan y tá sau khi được biết ông Cả là thân sinh của bệnh nhân đã an ủi ông:

- Thưa bác thế là xong rồi!

- Có sao không cô?

- Thưa không, lát nữa là anh ấy tỉnh.

Cũng may có Thạch luôn ở sát bên ông Cả nên ông cũng đỡ lo một phần. Hai người túc trực bên Nguyên giúp cô Loan y tá giữ Nguyên kẻo chàng cào vào vết thương. Tuy đang lo và thương bạn tột cùng, nhiều lúc Thạch muốn phì cười khi thấy Nguyên dẫy dụa mạnh lúc thường nó đi qua cầu gió thổi cũng bay thế mà bây giờ nó nặng và khỏe quá. Nghĩ như vậy rồi Thạch lại mím môi dằn chân Nguyên xuống.

Cô y tá Loan chốc chốc lại ghé giường Nguyên, khi thăm mạch, lúc đặt tay lên trán Nguyên hoặc điều chỉnh tốc độ ống truyền máu và nước biển. Mặc dầu trong nghề đã khá lâu Loan vẫn không tránh được những giao động nhẹ khi nhìn Nguyên thiêm thiếp hay tỏ dấu đau đớn. Trong số những bệnh nhân của dãy C này, Loan đã thầm dành cho Nguyên nhiều cảm tình, chỉ vì chàng hiền lành và nhã nhặn với nàng. Tuy hơn Nguyên một tuổi, Loan vẫn kính trọng Nguyên như một người anh, do đó trong những giờ phút nguy kịch của Nguyên, Loan đã tận tình chăm sóc chàng.

Ba người, ông Cả, Thạch và cô y tá Loan đều lộ vẻ mừng khi thấy Nguyên đã tỉnh hẳn. Nguyên rên đau rồi đòi uống nước. Loan lấy chén nước lọc để trên kệ sắt, nhỏ một hai giọt vào miệng Nguyên. Nguyên hớp tham lam như con chim non đớp mồi từ mỏ chim mẹ. Chàng thều thào:

- Cho... tí... nữa...

Loan cúi xuống dỗ dành:

- Để mai anh Nguyên khỏe sẽ tha hồ uống nhé.

Ông Cả nhìn con ái ngại rồi quay sang Loan:

- Cô cho em nó uống thêm một chút nữa kẻo tội nghiệp!

- Thưa bác, mới mổ xong mà uống nước nhiều sợ máu chảy ra, có thể nguy hiểm.

Nghe vậy ông Cả vội cúi xuống, nói nhỏ vào tai Nguyên:

- Chịu khó đi con!

Nguyên thèm nước đến cháy cổ, lớp da trên môi như muốn bong ra, trong họng như bị hơ lửa. Thỉnh thoảng Nguyên lại rướn người  lên, rên rỉ:

- Ôi... đau quá...

Mỗi lần như vậy, ông Cả lại vỗ nhẹ vào tay Nguyên, an ủi:

- Chịu khó đi con!

Nguyên nhăn nhó:

- Biết thế... không mổ nữa cho xong!

Lúc đó biết là cô y tá Loan đã qua phòng khác, Thạch nói thật nhỏ với Nguyên như sợ người thứ ba nghe thấy:

- Mặt mày nhăn lại coi tức cười lắm. Em Diễm của mày mà được chứng kiến cảnh này chắc cũng... sợ luôn!

Nguyên rên rỉ:

- Tao... tao đau quá, mày ạ!

- Biết rồi! Nhưng mày này, cần giữ... thể diện một chút, tao thấy cô y tá Loan có vẻ... chịu mày rồi. Ráng khỏe còn "làm ăn" chứ. Tao không mách Diễm của mày đâu.

Dù đang đau đớn đến chết được, trước câu pha trò của bạn, Nguyên cũng gắng gượng cười nhẹ ; miêng Nguyên méo xệch đi, coi đến thảm não!

Đến ngày thứ ba Nguyên đã tương đối tỉnh, đi lại được. Giáo sư bác sĩ Mac Graw hàng ngày đến theo dõi sức khỏe của Nguyên. Ông lạc quan ra mặt. Bè bạn, hàng xóm tới thăm và cho Nguyên quà khiến chàng cảm động. Thấy mình đã khỏe Nguyên thúc giục ông Cả về Đàlạt sớm kẻo ở nhà mẹ nóng ruột. Trước ngày về, ông Cả dặn đi dặn lại Nguyên những điều mà ông đã nói nhiều lần:

- Mày phải cẩn thận, giữ gìn đấy!

- Đứng có ăn thịt bò, rau muống, tôm cua mà "nó" nổi sẹo lên thì xấu lắm.

- Chịu khó nằm nghỉ, đừng đi lại nhiều kẻo vết thương nó bung ra thì khổ!

- Phải thầm thĩ cám ơn bề trên đã cho mổ bằng an!

- Hôm nào về nhớ viết thư cho nhà biết để tao cho các em mày ra đón. Mà đi đường phải cẩn thận đấy nhá!

Lúc đầu Nguyên còn sốt sắng lắng nghe, nhưng sau chỉ vâng dạ cho cha mình an lòng.

Những ngày kế tiếp trong bệnh viện đối với Nguyên hết sức tù túng. Chàng thấy nhớ căn gác chật chội, nóng bức nhưng chia nhiều vui buồn với Nguyên, với Thạch ; chàng thèm được vội vã phóng xe tới lớp học rồi lại bù đầu trong sách vở hay tối tăm mặt mũi với những việc làm kiếm sống. Nguyên tự ví mình như con chim bị nhốt trong lồng, đứng nhìn trời xanh mà nuối tiếc. Điều làm Nguyên ray rứt nhất là sáng sáng đứng trong hành lang hay khi đi dạo trong khuôn viên bệnh viện, nhìn thấy những tà áo trắng bước chân sáo tới trường hoặc những cậu trai chạy xe song song trên đường nhựa. Nguyên có cảm tưởng như mình bị tách xa khỏi thế giới thần tiên của học trò. Buổi chiều, nhìn những con chim nhạn phát xuất từ mái ngói bệnh viện vút lên không trung, Nguyên mới ý thức tự do là vô giá còn những một tuần lễ nữa người ta mới tháo kẹp ở vết mổ, rồi một tuần lễ nữa điều trị, rồi nếu không có gì biến chứng Nguyên mới được thoát khỏi bốn bức tường vôi trắng này. Thời gian quả thực chậm lại như lê lết từng giây từng phút.

Có lẽ hiểu tâm trạng Nguyên, cô "Loan thiên thần bản mệnh" vẫn đến nói chuyện với Nguyên như chiều hôm qua cô Loan đã tháo băng rồi cho chàng mượn cái gương và giúp chàng soi vết mổ. Những người đồng phòng gọi Nguyên là "người có phước" vì có "thiên thần bản mệnh". Nguyên thẹn chín người nên thường tránh gặp Loan. Tuy nhiên những buổi trưa oi ả khó ngủ hay những đêm trằn trọc, hình ảnh Loan hiện đến trong tâm trí Nguyên đúng như một "thiên thần". Và Nguyên vẫn miên man với những ý nghĩ vu vơ. Thằng Thạch bảo em Loan "trồng cây si" mày rồi, Nguyên cãi lại mày chỉ nói nhảm, bằng cớ đâu? Tao cứ nhìn vào con mắt là biết ngay, con mắt có khói đấy mày. Sự thật Nguyên cũng thấy Loan có những tia nhìn khác lạ nó làm sao ấy, khó diễn tả nó như có ma lực khiến Nguyên bối rối, rùng mình nó làm Nguyên khó chịu nhưng lại nhận đó là thứ khó chịu thú vị vì Nguyên nhiều lúc nhớ và cần thiết nó. Đôi khi Nguyên cũng muốn òa vào ngất ngây trong sự say đắm của ánh nhìn nhưng lại sợ, một cái sợ mơ hồ như một kẻ muốn phiêu lưu, mạo hiểm mà còn do dự.

Đang ngồi nghĩ ngợi Nguyên chợt nghe phía sau lưng có tiếng chân ; những viên sỏi xao động rõ rệt trong cái thinh lặng của buổi chiều trong khuôn viên bệnh viện. Nguyên đã đoán biết ai, nhưng vẫn vờ nhìn mông lung lên ngọn cây... trong khi thực sự nhịp thở của Nguyên  đã lệch nhịp, mạch máu như căng phồng dưới làn da. Tiếng chân tới gần hơn, dừng lại rồi một tiếng hắng giọng nổi lên. Nguyên quay người lại, làm một cử chỉ ngạc nhiên giả tạo, mở lớn mắt và nói cuống quít:

- Ủa cô Loan! Tôi xin lỗi đã không biết cô ra!

Loan khoanh tay trước ngực, đong đưa thân hình:

- Anh còn đang mải... mơ mộng mà!

- Tôi có mơ mộng gì đâu!

- Không mơ mộng mà Loan tới từ nãy cũng không hay. Đúng là nhớ... cô nào rồi!

Nguyên vừa cười vừa nhích lại nhường một đầu ghế đá cho Loan đồng thời cũng tỏ ra dạn dĩ trong câu nói:

- Nếu có để mà nhớ thì... đã phúc!

- Loan không tin!

Nguyên không muốn dừng lại ở câu chuyện này, sợ Loan hỏi thêm thì chàng sẽ không giấu nổi tình cảm của mình nên nói lảng:

- Hình như tan giờ làm rồi, cô Loan chưa về sao?

- Tôi nay Loan trực.

- Làm nghề này cũng cực lắm nhỉ?

- Thì nghề nào cũng có cái sướng, cái khổ của nó.

- Cô Loan làm ở đây được bao lâu rồi?

- Chừng bốn năm tháng.

Chuyện qua lại Nguyên được biết Loan mồ côi cha, vừa học xong đệ tứ thì thi vào lớp cán sự y tế, sau ba năm tốt nghiệp, đi làm nuôi mẹ già và ba em nhỏ. Với Nguyên, chàng rất cảm mến những ai phải phấn đấu trong cảnh ngộ khắc nghiệt. Chàng cảm thấy có một sự gần gũi, sự tương cảm. Cũng vậy, hoàn cảnh của Loan gây giao động trong Nguyên. tuy nhiên khi muốn bầy tỏ sự cảm thông của mình với Loan thì Nguyên lại thấy khó khăn, không biết phải nói những gì, dường như các ngôn từ đã chạy trốn hết trong đầu óc Nguyên khiến chàng cảm thấy dáng ngồi của mình trơ trẽn, tay chân thừa thãi, thời gian như ngừng lại. Trong khi đó Loan cũng làm thinh đưa mắt nhìn xa vời như đang sống lại với dĩ vãng còn hồn nhiên trong chiếc áo dài học trò. Sự yên lặng của hai người tưởng như không biết đến bao giờ chấm dứt nếu không có sự xuất hiện của Thạch từ ngoài cổng, Nguyên như người chết đuối vớ được mảnh gỗ, nói như reo:

- Thằng Thạch!

Loan ngẩng đầu lên. Thạch đang tiến lại với những bước chân uể oải. Nguyên ngạc nhiên, lẩm bẩm:

- Ủa, sao hôm nay nó đi bộ?

Thạch tới nơi, nhếch mép cười một cách khó khăn, chào Loan rồi hỏi Nguyên sau một cái nheo mắt trêu chọc:

- "Khá" chứ mày?

Nguyên không để ý câu thăm hỏi ngầm hai ý nghĩa của Thạch, vẫn ngạc nhiên về việc Thạch đi bộ đến:

- Xế mày đâu?

Thạch nhún vai:

- Thì tao lết chân tới đây ắt mày thừa hiểu việc gì đã xảy ra. Mất rồi!

Nguyên mở tròn mắt:

- Mất rồi? Bao giờ?

- Ừ mất rồi. Hồi nãy.

- Không đùa chứ mày? Xe đó có vứt bẩy ngày cũng không có ai thèm lượm!

- Tao cũng nghĩ như mày nên có bao giờ khóa đâu! Ấy vậy mà tụi nó vẫn "thổi" như thường!

- Mày để ở đâu?

- Nhà thằng Huỳnh cận. Đúng là cái số mày ạ ; mọi lần tới nhà nó, tao chuyên môn vứt bừa bãi thì không sao, lần này tao bầy đặt cẩn thận đem vào tận trong sân, dựng sát ngay cửa ra vào thì lại mất. Chó má thật!

- Bây giờ mày tính sao?

- Còn tính cái khỉ gì nữa!

Loan góp chuyện:

- Anh Thạch cũng nên trình cảnh sát để tránh những chuyện phiền phức sau này.

- Có lẽ cũng phải như vậy cô Loan ạ.

Loan cười cười:

- Mất xe mà anh Thạch có vẻ như mừng...

Thạch cũng cười theo:

- Thì biết làm sao bây giờ, chẳng lẽ khóc?

- Bộ anh Thạch không tiếc của sao?

- Dĩ nhiên là có rồi, nhưng tôi nghĩ mình buồn thì cũng vậy thôi, không hy vọng tìm lại được. Nói thật với cô Loan hai thằng tôi mất xe kể như bị... chặt chân, đi học cũng nhờ nó, kiếm ăn cũng nhờ nó mà vi vút cũng nhờ nó. Thế mà thiên hạ cũng không thương tình chứ!

Nguyên ngồi trầm ngâm trong khi Thạch và Loan trao đổi câu chuyện. Chàng biết tuy bên ngoài Thạch nói vui vậy, nhưng thật sự ngấm ngầm một nỗi khổ tâm. Nguyên nhận thấy cuộc đời có nhiều chuyện trớ trêu và khôi hài. Những kẻ nghèo túng lại hay gặp những cảnh cùng quẫn. Như chàng, như Thạch, những người tìm sống từng bữa, oằn vai, è cổ để vươn lên từ lòng dời sỏi đá, bằng chính những mồ hôi, nước mắt, bằng chính những nghị lực, tranh đấu... nhưng rồi vẫn luôn gặp những bất hạnh, Nguyên có cảm tưởng cuộc đời được kết tạo bằng những triền dốc trùng điệp mà con người phải liên tục vượt qua nếu muốn đặt chân tới vùng ánh sáng, một thứ đất hứa nhưng được bao kẻ đi tới đích hay đa số đã ngã gục giữa đường, bị gai lửa vùi dập hoặc bị lăn xuống vực thẳm?

Càng nghĩ Nguyên càng thương bạn mình vô cùng. Nhớ lại những ngày tháng qua Nguyên thấy Thạch quả thực là một thứ tri kỷ hoàn toàn với nghĩa của nó. Những tư tưởng bi quan, chán chường, mặc cảm trong Nguyên dần dần tan đi cho lạc quan và tin yêu ngự trị. Đó chính là thành quả của những ý kiến, những khích lệ do Thạch đem đến. Nguyên buồn buồn khi thấy Thạch gặp nạn mà mình không giúp bạn được việc gì.

- Thôi hai anh ngồi nói chuyện, Loan phải vào, tới giờ trực rồi.

- Cô Loan cứ tự nhiên.

Loan vừa đi khỏi, Thạch phá lên cười, vung tay, vẽ một đường tròn trong khoảng không:

- Thằng Nguyên có số đào hoa thật!

- Ơ, tao làm gì đâu?

- Vừa "ăn vụng" lại còn chối!

- Tụi tao nói chuyện tử tế mà!

- Thì tao có bảo mày làm chuyện gì bậy bạ đâu. Có tật giật mình! Thằng này ghê quá!

Nguyên lắc đầu tỏ vẻ chán nản:

- Thôi mày ơi! Đang buồn về vụ mất xế mà mày cứ nói chuyện nhảm hoài!

- Buồn làm quái gì? Dù sao cũng đã xẩy ra rồi!

- Tao bàn với mày chuyên này, tháng tới tụi mình đều về nghỉ hè, chắc là không tiêu gì nhiều, tao với mày gom tiền dạy học tháng này lại mua một chiếc "xe chùa" nào đó. Mày tính sao?

- Được rồi, hạ hồi phân giải, chờ mày xuất viện hãy tính. Bây giờ tụi mình nói chuyện thực tế và gần nhất đã.

- Chuyện gì?

- Chuyện mày với "em Loan" đó!

- Trời!

- Có cháy nhà đâu mà mày kêu trời!

- Tại sao không nói về mày mà cứ lôi tao ra làm đề tài?

- Xong rồi! Tối hôm qua tao mới viết một lá thư thật dài rồi dùng dây thung bắn sang gác nhà em vẫn hay "chiếu tướng" tụi mình. Thế là tao đã khởi dự đi vào "thiên tình sử... dây thung". Bằng lòng chưa?

- Coi chừng hàng xóm mà biết thì vỡ mặt cả lũ!

- Khỏi lo, không ai biết đâu. thôi dẹp chuyện của tao lại, mới ở giai đoạn một, chưa có gì hấp dẫn, của mày với... em Loan mê ly hơn!

- Quanh đi quẩn lại vẫn chuyện đó! Hay là chính mày đã... "si" em Loan rồi?

Thạch vỗ đùi, cười lớn:

- Trúng phóc, mày thấy em Loan thế nào?

Nguyên đắn đo, có vẻ suy nghĩ:

- Cũng được, hiền này, ngoan này, dịu dàng này, đảm đang này...

- Vậy thì chính mày mới là thằng để ý em Loan!

Biết mình mắc bẫy bạn, Nguyên đỏ mặt:

- Bậy!

- Không để ý mà mày biết rõ thế?

- Thôi tao xin mày, đứng đắn lại mày!

Thạch xốc cổ áo, ngồi ngay ngắn lại, lấy giọng trịnh trọng nói:

- Vâng xin đứng đắn! Vậy xin hỏi ý kiến "ngài" : giữa Diễm Đàlạt và Loan Sàigòn, "ngài" chịu em nào hơn cả?

Nguyên tức giận thực sự, đứng dậy bỏ đi. Thạch vội chạy theo giữ tay Nguyên lại:

- Đừng "mát" nữa mày. Tao nói đùa mà!

Nguyên không nói gì, vẻ mặt còn tức. Thạch hạ giọng:

- Tại tao đang... buồn vụ mất xế nên muốn nói bất cứ chuyện gì cho vui.

Nguyên nhìn Thạch, nghi ngờ:

- Thật không?

- Tao có bao giờ nói dối mày đâu?

- Sao lúc nãy mày có vẻ tỉnh bơ?

- Tao không muốn mày lo lắng khi đang dưỡng bệnh.

Nguyên nắm chặt tay, đè giấu sự xúc động , nhìn bạn thương hại. Cả hai không nói gì thêm.

Một lúc sau, trong khi Nguyên bầy thức ăn trên mặt chiếc bàn nhỏ, Thạch chạy ra ngoài mua thêm bánh mì. Nguyên muốn giữ Thạch ở lại dùng bữa "cho biết mùi cơm bệnh viện". Hiện tại với Nguyên, không gì đẹp bằng tình bạn.

Vừa và miếng cơm thứ nhất, chưa kịp nhai, Nguyên bỗng buông đũa bát, ngó trân trân ra cửa. Thạch ngạc nhiên:

- Gì vậy mày?

- Hình như... bà bô tao kìa!

Lúc đó ngoài sân, một người đàn bà đứng tuổi với dáng vẻ rụt rẻ, tay dắt một đứa trẻ khoảng sáu bẩy tuổi, đang dớn dác nhìn vào hành lang như muốn tìm kiếm vật gì.

Trong phòng, sau khi nhận chắc người đàn bà đó là mẹ mình, Nguyên xô ghế chạy ra.

Hai mẹ con gặp nhau giữa những thềm gạch lên hành lang. Nguyên nghẹn ngào:

- Mẹ!

Bà Cả nhìn con mình gầy gò, xanh xao, cũng không cầm nổi nước mắt:

- Tao... tưởng mày... chết kỳ này!

Nguyên nắm tay mẹ, bàn tay gầy guộc và đầy những vết chai. Chàng xót xa:

- Con khỏe rồi mẹ vô làm gì ; mẹ đi xe đã không quen!

- Thầy mày về nói mày đã bằng an, nhưng tao vẫn sốt ruột quá. Từ dạo nhận được điện tín nói mày phải mổ, chả đêm nao tao chợp mắt được!

Nghe mẹ nói Nguyên muốn ào vào lòng mẹ mà khóc nức nở vì cảm động, vì xót thương mẹ... Mẹ! Mẹ không nói ra con cũng đã hiểu. Cứ nhìn khuôn mặt hốc hác, quầng đen chung quanh mắt... con biết mẹ đã qua những đêm thức trắng, đã bỏ cả ăn vì lo cho sinh mạng con. Những ngày qua chắc hẳn tay cuốc vườn, trồng rau nhưng trí óc mẹ đã bay về đây với con, nước mắt mẹ chảy xuống nhào trộn trong luống đất... Tình mẹ thương con thật ngút ngàn, thật tận cùng trời đất! Những lo âu, những khắc khoải đã thúc đẩy mẹ bất chấp cuộc hành trình xa xôi, vất vả, những cơn say xe, bất chấp cả những "lạ nước lạ cái" với thành phố rộng lớn và hoa lệ này... Mẹ muốn đến tận nơi để chính mẹ được nhìn thấy con của mẹ đã thực sự được bằng an sau cuộc giải phẫu. Mẹ ơi! Con cũng thương mẹ lắm, thương nhất trên đời này!

- Mày xanh xao quá, Nguyên ạ!

- Tại mổ mất nhiều máu đấy mẹ.

- Biết ăn bao giờ cho lại sức. Khổ, suốt đời chỉ những bệnh với tật!

Nguyên cúi xuống dắt tay đứa em, hỏi mẹ:

- Mẹ đi đường chắc mệt lắm?

- Gớm đi xe nhỏ nó làm chóng cả mặt! Tao đã không dám ăn gì trước khi đi thế mà cũng nôn tận mật vàng!

- Chắc mẹ đã lại đàng chú Bá?

- Tao phải nằm ở đấy cả mấy tiếng đồng hồ mới tỉnh người.

- Mẹ còn nhớ đường vào nhà chú Bá?

- Không nhớ rõ nên hỏi thăm mới tìm thấy, còn đến đây tao nói tên nhà thương là xe họ biết ngay.

Nguyên đưa mẹ và em vào phòng mình ; thằng bé cứ nhìn Nguyên như muốn khám phá ra những gì đã đổi khác ở trên người anh nó. Nguyên xoa đầu nó, mỉm cười hỏi:

- Sàigòn có đẹp hơn Đàlạt không Đạt?

Nó gật đầu, không nói gì.

- Đi xe có sợ không?

Nó lắc đầu rồi đi nép vào bà Cả.

Thạch đang thu dọn những bát đĩa trên bàn, thấy mẹ con Nguyên vào vội dừng tay cúi đầu chào:

- Thưa bác mới ra?

- Phải! Nghe tin em Nguyên nó mổ mà tôi cứ nóng cả ruột!

Nguyên đỡ chiếc nón lá trên tay mẹ, treo lên chiếc cột màn, giới thiệu bạn mình với bà Cả:

- Thằng Thạch đó mẹ.

Thạch kéo ghế mời:

- Bác ngồi cho đỡ mỏi chân.

- Cậu cứ kệ tôi. Nghe em Nguyên nó nói nhiều về cậu hôm nay mới được gặp. Thật em Nguyên nó có phúc, vô trong này có cậu lo cho nó. Vợ chồng chúng tôi hay nói với nhau cậu Thạch thật là người tốt.

- Bác dậy quá lời, anh em thì phải giúp đỡ nhau chứ, cháu có...

- Em Nguyên tuy lớn đầu nhưng còn dại lắm, có cái gì cậu cứ chỉ bảo nó!

Nguyên mím môi giữ lại tiếng cười, nheo mắt nhìn bạn trong khi Thạch cũng tủm tỉm thưa lại:

- Nguyên dại mà cứ bắt nạt cháu hoài bác ạ ; anh ấy lại còn hơn cháu nhiều thứ lắm, chẳng hạn...

Nguyên hoảng hốt, sợ Thạch nói tới những chuyện tình cảm của mình với bà Cả, vội cắt ngang câu nói của Thạch bằng câu chuyện khác:

- Thạch vừa mất xe, đó mẹ!

Bà Cả ngạc nhiên:

- Mất xe gì?

- Honda!

- Tội nghiệp! Thế cậu Thạch để đâu mà mất?

- Thưa bác cháu để ở nhà người bạn.

- Thời buổi khó khăn này hễ hở cái gì ra là mất cái đó! Bây giờ lấy gì mà đi học?

- Cũng may là đã nghỉ hè, nếu không chắc hai anh em đi bộ đến gẫy chân!

- Thế cậu Thạch đây học cùng trường với em Nguyên?

- Dạ không, cháu học sư phạm.

Nguyên chen vào:

- Mai mốt nó làm thầy giáo, đó mẹ.

- Ừ, làm nghề đó mà nhàn hạ!

Thạch cười:

- Nhưng thưa bác, không oai bằng bác sĩ!

- Úi giào, lại suốt ngày... chích với chiếc cũng đủ mệt, quí báu gì!

Trong giọng nói của bà Cả le lói niềm hãnh diện. Nguyên nhận ra điều đó và cảm thấy vui.

Câu chuyện sau đó bao quanh đủ mọi vấn đề. Nguyên mời mẹ cùng dùng cơm nhưng bà Cả bảo để dành bụng lát nữa về nhà ăn đàng chú Bá, đồng thời giục Nguyên và Thạch ăn tiếp theo đi kẻo thức ăn nguội. Thạch cứ thích xoa đôi má ửng đỏ của thằng Đạt, cho rằng chỉ có trẻ em Đàlạt mới có má hồng và coi khỏe mạnh, khác hẳn làn da nhờn nhợt và vẻ gầy yếu của trẻ con Sàigòn. Thằng Đạt lúc đầu còn nhút nhát nhưng sau đã bạo dạn, đòi Nguyên cho những hộp giấy đựng thuốc...

Mãi đến tối khuya bà Cả mới ra về. Ra tới gần cổng bệnh viện bà dừng lại, lấy một vật gì trong túi áo cánh, đưa cho Nguyên:

- Nguyên này, có cái thư của cô Diễm!

Nguyên giữ lại trong cổ họng tiếng kêu mừng rỡ, cố lấy giọng tự nhiên hỏi bà Cả:

- Đâu hả mẹ? Sao lúc nãy mẹ không đưa cho con?

- Có cậu Thạch ở đấy làm sao tao đưa?

- Nó là bạn của con mà!

- Thì cũng phải giữ ý, giữ tứ một chút chứ!

- Cô Diễm gửi cho con hồi nào?

- Chiều hôm qua. Ở trên ấy họ tốt thế đó, nghe tin mày mổ hết ông bà Hoàng lại tới cô Diễm lui tới hỏi thăm!

Cầm lá thư trong tay của một người con gái lần đầu tiên trong cuộc đời Nguyên hồi hộp như vừa nhận được một món quà quí giá, bất ngờ từ phương xa gửi về. Nguyên muốn được bóc ra ngay để được biết Diễm viết những gì, để được nhìn những nét chữ mềm mại, để được tưởng tượng sống lại những giây phút thơ mộng bên cạnh Diễm, được thoáng ngửi thấy mùi thơm từ chiếc áo len mới của Diễm tỏa ra, được có cảm tưởng Diễm đang thì thầm bên tai bằng những lời dịu ngọt...

Chiếc xe xích lô chở bà Cả và thằng Đạt vừa chuyển bánh, Nguyên đã vội vàng quay gót vào phòng. Thạch nhìn Nguyên bỡ ngỡ:

- Vớ được cái gì mà mày hí hửng vậy?

- Có thư của Diễm!

- Đâu, tao xem với!

Nguyên ngồi xuống giường, trịnh trọng bóc phong bì, lấy ra một tờ giấy phơn phớt xanh. Thạch cũng tíu tít không kém:

- Chà, giấy viết thư đẹp "can không nổi"! Mầu hy vọng!

Nguyên giở lá thư trong khi Thạch nheo mắt hít hà:

- Hình như có mùi nước hoa nữa mày ạ?

Nguyên đưa lên mũi ngửi, đơn sơ:

- Đâu có gì!

- Thì cứ... tưởng tượng đại ra cho có vẻ... tình tứ!

Hai chiếc đầu chụm lại, bốn mắt cùng chăm chú trên những dòng chữ xanh đậm:

Đàlạt, ngày... tháng... năm...

Anh Nguyên rất mến,

Được biết bác gái vô Sàigòn, Diễm vội viết ít chữ thăm anh.

Ba má và Diễm đều mừng khi được tin anh Nguyên đã mổ bằng an. Chắc anh Nguyên bây giờ đổi khác lắm nhỉ? Hôm nào anh Nguyên về, Diễm dám không... nhận ra quá! Giải phẫu có đau lắm không anh? Nghe ba nói mổ "kyste" rất nguy hiểm và bác sĩ giải phẫu cho anh phải là người giỏi lắm mới thành công thú thật với anh Nguyên, ở Đàlạt Diễm cũng lo cho anh ghê vậy đó, cầu nguyện cho anh Nguyên hoài à! Mai mốt nhớ thưởng Diễm... kẹo nghe anh Nguyên.

Diễm tiếc ghê, nếu ở Sàigòn thì thể nào Diễm cũng đến bệnh viện thăm anh. Mà thôi, đằng nào anh Nguyên cũng về Đàlạt để nghỉ hè và dưỡng bệnh luôn thể nhỉ?

Diễm ngừng bút ở đây nghe anh Nguyên. Chúc anh Nguyên chóng khỏe này, mau bình phục này và sớm về Đàlạt nữa chứ!

DIỄM.

Nguyên lâng lâng như đang ngất ngây sau  những hớp rượu mạnh. Dĩ vãng sống dậy dạt dào trong Nguyên. Chàng muốn bay ngay về thành phố mộng mơ để được bộc lộ với Diễm tất cả những tình cảm đang dâng trào trong tim. Nếu không có tiếng Thạch vang lên bên tai có lẽ Nguyên đã xa rời khỏi thực tại không biết đến bao giờ:

- Diễm viết dễ thương chứ hả mày?

Nguyên nói thật nhỏ, như chỉ để một mình nghe:

- Phải, dễ thương lắm!

- Tao hỏi thật mày cái này nhé?

- Ừ!

- Mày đã... yêu Diễm chưa?

Nguyên lúng túng, đưa mắt nhìn vào khoảng trống, do dự.

Bởi vì chính đó là câu hỏi mà Nguyên đã nhiều lần đặt ra cho mình để rồi chưa bao giờ trả lời được. Nay đến Thạch hỏi Nguyên cũng chỉ đáp mơ hồ:

- Tao cũng không biết rõ nữa, nhưng có điều tao đã dành cho Diễm thật nhiều cảm tình.

- Mày đã nói hết cho Diễm biết tình cảm của mày chưa?

- Chưa!

- Như vậy hay hơn. Theo tao tình cảm sẽ giảm mất vẻ dẹp khi nó đã lộ liễu. hãy để nó ẩn hiện qua ánh mắt, ngôn từ và cử chỉ.

- Nhưng sợ Diễm... không hiểu thì sao?

- Mày đừng lo, cái gì chứ cái đó con gái họ tinh lắm.

- Nhiều khi tao nghĩ là tao với quá cao, nuôi quá nhiều tham vọng!

- Đó là tuổi trẻ. Dễ thương cũng ở những điểm đó.

- Nhưng dù sao...

- À, mày có tính chuyện tiến tới không?

- Bây giờ thì không. Tao muốn ít nhất phải học xong đã.

- Quan niệm như vậy là đúng. Tao hoàn toàn đồng ý. Phải có sự nghiệp trước khi thực hiện tình yêu. Nhiều thằng trẻ như tụi mình đã quá vội khi tay còn trắng sự nghiệp, chưa có gì đảm bảo cuộc sống mà đã "dấn thân" để rồi cuối cùng phải bất mãn hay chịu cảnh tan vỡ!

Rồi như sực nhớ ra điều gì, Thạch hỏi Nguyên vồn vã:

- Thế còn... Loan ở đây, mày thấy thế nào?

- Mày lại nói nhảm nữa!

- Lần này tao bảo đảm đứng đắn! Ý tao muốn nói tình cảm của mày đối với Loan ra sao?

- Rất mến. Thế thôi!

- Theo tao thấy Loan có vẻ rất "chịu" mày!

- Tao biết, nhưng...

Nguyên bỏ dở câu nói, vì thực ra chàng cũng không biết phải giải thích làm sao, cuối cùng rủ Thạch ra vườn ngồi nói chuyện tiếp theo cho mát.

Giờ này, bệnh viện đã khởi sự chìm trong im lặng của đêm. Từng cơn gió thoảng ngoài hiên. Lá cây trong khuôn viên xao động nhè nhẹ. Trên nền trời, có những vì sao nhỏ, đậu thật cao, lấp lánh.

Nguyên và Thạch đi bên nhau, không nói gì.

Ra ngồi trên băng đá, Thạch chỉ tay về phía phòng y tá trực. Nguyên dõi mắt theo : một bóng hình người con gái in đậm trên khuôn kính trắng đục. Nguyên nhận ra đó là Loan. Tâm hồn chàng lắng dịu phẳng lặng như mặt hồ nước. Ánh điện trong phòng được giảm đi, chỉ còn lại ngọn đèn nhỏ ; bóng hình trên khung kính mờ theo, nhạt dần. Nguyên nhìn lên không gian tối đen. Một vì sao nhỏ vừa đổi ngôi.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>