Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

CHƯƠNG HAI_TRIỀN DỐC


hai


Tay cầm tờ giấy "sự vụ lệnh" Nguyên cảm thấy dửng dưng. Người ta đã chấp thuận cho Nguyên làm thư ký tại Hội Đồng Xã. Nguyên nghĩ thế là từ nay mình nghiễm nhiên trở thành công chức một thứ sáng vác ô đi, tối vác về một thứ đều đặn giờ giấc và mọc rễ trên ghế. Với mảnh giấy đơn giản này cuộc đời Nguyên bị đẩy qua một khúc rẽ. Nhịp sống độc điệu sẽ ru Nguyên vào một thế giới của những kẻ an phận không dám chấp nhận một thay đổi hay một hành động nhỏ nhặt phản kháng nào Đều đều Như những con chuột bạch đánh vòng. Tôi cũng sẽ là một con chuột bạch trong cái vòng tròn quay đều đều đó. Như không có khởi điểm mà cũng không biết đến bao giờ chấm dứt. Ngày này qua ngày khác, không có một biến diện. Tôi sẽ chôn vùi tuổi trẻ và những gì tôi học hỏi được trên ghế nhà trường vào những câu văn công thức. Nguyên nghĩ và Nguyên chán nản. Những giấc mơ ngà ngọc như bị chết ngột theo những từ ngữ trên tờ giấy: "kể từ ngày chính thức nhận việc, sau ngày duyệt ký sự vụ lệnh này đương sự được xếp vào hạng thư ký đồng hóa công nhật hạng BI/I". Hình ảnh Diễm lại hiện đến. Nhưng như một bông hoa đứng giữa rừng cây. Như lưỡi trăng treo trên đỉnh núi. Nguyên chỉ thinh lặng mà nhìn, mà ngắm chứ không bao giờ có thể giơ tay hái hay leo lên đem xuống. Như huyền thoại Thằng Gù ở đền Đức Bà phải gắn chặt trên gác chuông, thế giới của nó, thế giới cách biệt hẳn thế giới loài người. Esméralda xuất hiện chỉ để cho nó thấy rõ hơn thân xác kỳ cục của nó, thấy rõ hơn thân phận của nó. Nguyên là một thứ thằng gù. Và Diễm hiện thân của Esméralda. Thằng gù ở trên gác chuông như Nguyên ẩn náu trong chiếc vỏ mặc cảm. Esméralda lộng lẫy kiêu sa thì Diễm cũng vời vợi trên đỉnh giầu sang và nhan sắc.

Nguyên thở dài, xốc lại cổ áo. Làm vải cọ vào da chiếc bướu.

Căn nhà bằng gỗ của gia đình Nguyên nằm trên lưng đồi. Đứng ở trước nhà, Nguyên có thể thấy bao quát vườn rau. Dưới thung lũng cha mẹ Nguyên đang trồng những gốc cây "xú". Nguyên muốn chạy xuống báo cho ông bà Cả biết đã có việc làm Chắc cha mẹ vui lắm. Thật tội nghiệp cho cha mẹ! Bất cứ cái gì xa lạ với cuộc sống lam lũ hiện hữu cũng có thể làm cha mẹ hãnh diện. Với đầu óc chất phác, mộc mạc của cha mẹ chức thư ký hẳn là... lớn lắm Thầy ký! Một người làm quan cả họ được nhờ!

Từ khi biết Nguyên đi làm công chức ông bà Cả thoáng để lộ niềm vui trên nét mặt, mặc dầu bà Cả cũng nói:

- Thì mầy cứ học cái y khoa, y khiếc gì đó, chạy cho mầy ăn học từng ấy năm còn được, huống gì mấy năm nữa.

Nguyên chậm rãi trả lời mẹ:

- Thôi mẹ ạ, để con đi làm thêm cặp với thầy mẹ được đồng nào hay đồng nấy.

Lý do chính yếu khiến Nguyên quyết định thôi học là vì muốn giúp gia đình. Nguyên nghĩ cha mẹ đã già yếu, đúng ra với số tuổi này cha mẹ phải được khề khà bên chén trà, được con cháu hầu hạ miếng cơm bát nước, thế mà ngày ngày vẫn dậy từ khi sương mù còn phủ đặc rừng núi để xuống vườn bắt nước tưới rau rồi quần quật sáng chiều cho tới tối mịt mới lên nhà. Số tiền kiếm vào chỉ đủ ngày hai bữa cơm thanh đạm và thanh toán khoản học phí cho mấy đứa con. Thằng Lâm, cái Huyền, thằng Đạt, em của Nguyên còn bé quá không được chăm sóc kỹ lưỡng, rong chơi bẩn thỉu. Nhìn da mặt, tay chân của chúng cáu ghét, nứt nẻ và rám nắng đến mốc meo, Nguyên xót xa trong lòng. Nhiều lúc Nguyên muốn làm một cái gì đó để thay đổi kiếp sống đen tối của gia đình. Nguyên ao ước một phép lạ. Nhưng Nguyên đã thất vọng. Nguyên nghĩ giá hai người anh trên Nguyên không mất sớm thì bây giờ gánh nặng đâu đến nỗi đè oằn trên vai Nguyên... Nhưng dù sao Nguyên không thể để cho cha mẹ tiếp tục hy sinh tột độ vì mình và các em nheo nhóc.

Thật ra chính Nguyên cũng không ngờ những ngày tháng đèn sách của mình cấm dứt mau lẹ. Thời gian trước đây Nguyên vẽ vời biết bao dự tính. Biết thân phận nghèo và tật nguyền, Nguyên muốn vươn lên khỏi những khinh khi, chế giễu của những người chung quanh, của những thằng bạn lành lặn, giầu có nhưng kênh kiệu. Nấc thang để Nguyên leo lên cho người đời phải chấp nhận giá trị và sự hiện diện của mình là phải tạo một ngôi vị có máu mặt trong xã hội, một chỗ đứng ngạo nghễ dưới ánh mặt trời. Đối tượng lý tưởng đó của Nguyên là hình ảnh một vị y sĩ. Phải, Nguyên sẽ trở thành một vị y sĩ! Trong thầm lặng Nguyên nuôi nấng vun trồng hình ảnh tuyệt vời này. Người đời sẽ quên chiếc áo vải sờn cổ, bạc mầu, chiếc quần vá nhiều chỗ, nhất là sẽ quên chiếc bướu nằm sau cổ của Nguyên và gia đình Nguyên sẽ đoạn tuyệt cuộc đời sỏi đá, giã biệt những luống đất cằn cỗi và thoát ly khỏi vùng trời buốt lạnh này để hóa thân trong giai cấp thượng lưu của xã hội trong một biệt thự khang trang, giữa một thành phố lớn nhất Việt Nam...

Nhưng thực tế đã bẻ gẫy những chồi non và trẩy sớm những trái xanh trong Nguyên. Khi sáng tạo hình ảnh tương lai dấu ái Nguyên đã trốn chạy thực tế để rồi bây giờ thực tế mở mắt cho Nguyên. Bao nhiêu gai lửa ùa tới như vỡ bờ cuốn trôi luôn mộng ước. Nguyên chỉ thấy cái cùng đích chói lọi mà quên đoạn đường phải đi, những cạm bẫy phải thắng, những vực thẳm, sông biển, núi đồi phải vượt. Đối diện với những thứ đó Nguyên đã buông xuôi tay. Điều mà Nguyên chưa một lần nghĩ tới thì nó lại thành hình. "Nghề" công chức không phải là một thứ cứu tinh mà chua xót thay Nguyên phải thực hiện... Để tự an ủi Nguyên nhủ thầm mình chỉ chấp nhận đây là một giai đoạn mà thôi, mình sẽ vượt triền dốc này để đến vùng ánh sáng. Vừa đi làm vừa ghi danh phân khoa Chính Trị Kinh Doanh ở viện Đại Học Đàlạt được Nguyên dùng làm phương thức xoa dịu thực tế ngột ngạt. Tuy nhiên hình ảnh con chuột bạch đánh vòng đều đều vẫn ám ảnh tâm trí Nguyên và làm Nguyên nặng trĩu buồn bực.

Đứng trầm tư một lúc, bất giác Nguyên chép miệng thôi kệ đến đâu hay tới đó, nghĩ mãi càng rối bời ruột gan Cho tờ giấy gọi đi làm vào túi Nguyên chạy xuống vườn.

Thấy Nguyên, ông bà Cả ngừng tay, ngạc nhiên về sự có mặt bất thường của đứa con:

- Xuống đây làm gì, lên nhà đi.

Nguyên cười, nửa đùa nửa thật:

- Mẹ để con tưới rau cho.

- Có mà ăn!

Nguyên nói vậy chứ thật ra Nguyên cũng biết không khi nào cha mẹ để Nguyên làm những công việc tay chân nặng nhọc, dù chỉ trong chốc lát. Trong số những người con ông bà Cả vẫn bảo Nguyên là đứa hay đau yếu nhất lại không được may mắn. Thấy con tật nguyền, ông bà Cả dành cho con một tình thương đặc biệt, cao vời hơn ở những đứa con khác. Cũng vì vậy, Nguyên được gởi lên Sàigòn trọ học. Trong những kỳ hè, dịp tết trở về với gia đình, nhiều khi Nguyên muốn hòa mình với cuộc sống của những người ruột thịt, giúp đỡ tí việc lặt vặt, nhưng ông bà Cả thường gạt đi:

- Để giờ mà coi lại sách vở!

Hoặc:

- Lo dưỡng sức để sang năm mà học!

Hay:

- Về nghỉ mà còn làm việc thì nghỉ làm cái gì!

Thời gian Nguyên ở nhà, trong các bữa cơm thức ăn bao giờ cũng có thịt hay cá. Trứng gà thay vì đem bán như mọi lần được giữ lại để Nguyên ăn sáng. Bà Cả bảo: "Để thằng Nguyên tẩm bổ. Tội nghiệp nó cả năm sống xa gia đình!" Nguyên chỉ biết cảm động đến ứa lệ trước những săn sóc và tình thương bao la của cha mẹ.

Bà Cả lại giục Nguyên lên nhà đồng thời hỏi:

- Mấy đứa nhỏ đi đâu hết rồi?

- Có lẽ chúng nó chơi ở sân nhà ông Hoàng.

Ông Cả cầm chiếc mũ nhà binh đã rách viền phe phẩy, nói với vẻ mặt hơi cau lại:

- Đã dặn bao nhiêu lần không được lên đó mà... mà... không biết nghe lời gì cả. Chúng nó về thế nào tôi cũng cho một trận!

Trước cơn nóng của chồng bà Cả dịu giọng như muốn bênh đỡ những đứa con cứng đầu:

- Tại cô Diễm hay cho kẹo nên chúng nó mới quen mùi!

Nghe mẹ nhắc đến Diễm tự nhiên Nguyên thấy xốn xang trong người. Nguyên chú ý nghe hơn.

- Cô ấy tốt thì mình lại càng phải giữ hơn chứ. Nhà người ta sang trọng như vậy mà ăn bẩn thỉu mà lên à?

- Trẻ con thì chúng nó biết gì!

- Bà này lại còn bênh nữa. Phải cho một trận nhừ tử mới biết thân!

Thấy cha càng lúc càng thêm giận dữ, Nguyên vội lên tiếng, đưa câu chuyện về hướng khác:

- À, tí nữa con quên mất. Ở Hội Đồng Xã người ta gọi con đi làm rồi đó.

Đúng ý của Nguyên, ông bà Cả như quên hẳn chuyện mấy đứa nhỏ, vội hỏi:

- Người ta gọi rồi à?

- Vâng!

- Cũng mau đấy chứ nhỉ.

- Con cũng không ngờ được nhanh như vậy.

- Người ta cho làm cái gì?

- Thì làm thư ký!

- Có nhàn không?

- Con đoán cũng chẳng có việc gì!

Các câu hỏi, trả lời dồn dập một lúc rồi ngưng. Nguyên giở tờ sự vụ lệnh đọc cho cha mẹ nghe. Toàn những từ ngữ xa lạ! Tuy thính giác không bỏ sót một tiếng nào nhưng ông bà Cả không hiểu người ta muốn nói gì trong tờ giấy đó. Chờ Nguyên ngừng tiếng, bà Cả ngập ngừng hỏi:

- Thế một tháng... họ trả cho được bao nhiêu?

Nguyên biết đây mới là vấn đề thiết thực đối với cha mẹ nên thận trọng trả lời:

- Thưa mẹ, con đoán khoảng chừng tám, chín ngàn gì đó.

- Tám, chín ngàn cơ à?

Sự ngạc nhiên của mẹ làm Nguyên xúc động và cảm thấy thương cha mẹ ngút ngàn. Đối với Nguyên số lương bổng vừa nói chỉ là một ngân khoản còm cõi trước giá sinh hoạt cao ngất hiện nay ; lương công chức không phải là một phương tiện cứu tinh cho bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên Nguyên hiểu vì suốt đời nghèo mạt, chưa lần nào được vân vê một mớ giấy bạc lớn trong tay nên bây giờ nghe đến tám, chín ngàn trí tưởng tượng của cha mẹ như bay bổng. Nghĩ vậy nhưng Nguyên không dám giải thích, sợ làm mờ đi niềm hy vọng vừa vụt hiện nơi cha mẹ.

Tiếng ông Cả vọng lên:

- Tao nghe nói nhà bác Thái Sói, cả vợ con lương cũng chỉ được bảy ngàn rưỡi.

- Tại bác ấy làm thư ký đánh máy.

Bà Cả tỏ vẻ thông thạo:

- Đàng đó thì... bằng cấp gì. Ấy cũng may nhờ thời kỳ ở lính nên biết cái nghề đánh máy nếu không thì cũng... được khối ra đấy!

Giọng nói của bà phảng phất niềm hãnh diện về Nguyên hay đúng hơn về mảnh bằng tú tài của Nguyên. Chẳng thế mà trong những ngày gần đây, khi chuyện trò với những người hàng xóm, cha mẹ Nguyên thường tìm cách chêm vào câu chuyện về việc Nguyên thi đỗ. Do đó với những người đầu tắt mặt tối này, Nguyên đã trở thành một đối tượng đáng khâm phục. Lúc đầu Nguyên cảm thấy khó chịu trước những lời tán tụng, nhưng đồng thời cũng nghĩ đó là điều tự nhiên nơi những người chất phác, hơn nữa biết đâu cũng là một điều hay : làm vui lòng cha mẹ không hẳn là đem về nhiều tiền, cung phụng bằng vật chất, nhưng có lẽ quan trọng hơn là tạo được những cơ hội khiến cha mẹ "nở mày nở mặt" với những người chung quanh. Bởi vậy Nguyên chỉ cười nhẹ mỗi lần cha mẹ đem mình ra khoe.

Nói chuyện vui với ông Cả một lúc lâu, Nguyên lại lững thững lên nhà, tìm sách đọc. Những dòng chữ trở nên vô nghĩa, không quyến rũ ; sách vở bỗng xa lạ hẳn đi. Con mọt sách hấp hối trong Nguyên. Ở Nguyên có cái đam mê thứ nhất là đọc sách để phong phú hóa kiến thức để bắt gặp những tư tưởng mới lạ để thấy những chân trời mở rộng vượt khỏi không gian và thời gian hiện hữu. Nhưng bây giờ sách vở giúp ích gì nữa? Nghề công chức đâu cần những sáng kiến, những cách mạng? Khuôn mẫu đã có sẵn, người ta chỉ việc làm theo, càng đúng khuôn nhiều càng tốt. Như con chuột bạch đánh vòng! Làm gì có chất sáng tạo trong văn thư công thức? Mà nếu có ai muốn đem vào một sự đổi thay, một cải tiến mới lạ nào đó liền bị loại bỏ ngay. Các cây cổ thụ mọc rễ trên ghế sẽ quật gẫy mầm non... Nghĩ vậy Nguyên liệng cuốn sách vào góc giường, rồi đi lang thang vào rừng.

Thiên nhiên tươi mát làm Nguyên dễ chịu.

Đến chiều mẹ Nguyên lên nhà sớm hơn thường lệ, bắt một con gà làm thịt. Trong bữa cơm, ba Nguyên uống rượu. Ai cũng vui. Nguyên biết lý do nên cố gắng tạo một diện mạo rạng rỡ như để hòa vào niềm vui gia đình.

*

Sáng ngày nhận việc, Nguyên dậy sớm. Nguyên nghe một cái gì là lạ mơ hồ trong tâm hồn. Sự đổi thay nào không gây giao động. Nguyên có cảm giác của một cậu bé trong ngày nhập trường vừa háo hức, vừa lo lo.  Nguyên khởi sự bước vào một cuộc hành trình mới.

Từ nhà Nguyên đến văn phòng Hội Đồng Xã cũng khá xa, khoảng gần hai cây số. Nguyên thấy sáng nay lạnh kinh khủng. Hai tay giấu trong túi quần mà vẫn cóng, da mặt tê dại đi. Ba lần áo ấm vẫn không cản nổi khí lạnh bên ngoài. Thân thể Nguyên nổi gai ốc và những cơn rùng mình liên tiếp chạy nối nhau trên da thịt. Nguyên cố giữ cho hai hàm răng không đập vào nhau. Khói phà ra theo nhịp thở. Nguyên nghe nói chưa có năm nào lạnh bằng năm nay, có lẽ do ảnh hưởng của bão rớt ở miền Trung, vả lại cũng đang cuối mùa thu, sửa soạn bước sang đông rồi còn gì. Nguyên dõi mắt về phía trước nhưng không thấy được xa. sương mù dầy đặc xuống thật thấp. Loáng thoáng những ngọn thông nhô lên hoặc ẩn hiện như trong một bức tranh thủy mạc. Thiên nhiên chưa thức giấc Lạnh. Nhưng Nguyên vẫn thấy rừng núi tuyệt đẹp, dấu yêu lạ lùng.

Nguyên trù tính đi bộ mất chừng nửa tiếng, nhưng khi tới nơi Nguyên ngạc nhiên thấy văn phòng Hội Đồng Xã vẫn đóng cửa im lìm. Xem lại đồng hồ, thấy 8 giờ 5 phút, Nguyên không tin là mình nhìn sai hay đồng hồ chạy nhanh. Nguyên đi đi lại lại, chốc chốc lại giơ tay xem giờ. Chiếc kim dài chỉ số 6, vẫn không người tới.

Sương mù đã tan mỏng ra như khói. Trên đường phố người người di chuyển đã khá đông. Ai cũng như co mình lại trong áo ấm. Nhưng nổi bật nhất vẫn là những cô nữ sinh trong đồng phục áo dài trắng và áo len xanh đậm. Hoạt cảnh trước mắt khơi dậy trong trí Nguyên dĩ vãng. Nguyên nhớ trường học, nhớ sách vở. Mới đây mà Nguyên nghe như đã xa. Những ngày tháng học trò trở thành kỷ niệm. Thôi vĩnh biệt bóng mát...

Không muốn chìm sâu trong những hình ảnh quá khứ, Nguyên trở lại với thực tại. Nguyên thầm ước bất chợt tìm gặp được một hình bóng quen thuộc trong đám nữ sinh kia. Trí tưởng của Nguyên vẽ đậm nét hình bóng đó. Nguyên thầm gọi : Diễm! thế rồi Nguyên bối rối thật sự, xấu hổ. Mặc dù trời lạnh Nguyên vẫn có cảm giác mặt mũi mình nóng ran, đỏ ửng.

9 giờ. Một người đàn ông mở cửa văn phòng nhìn Nguyên, không nói gì rồi lại biến mất. Nguyên đoán là gác-dan. Qua khung cửa sổ Nguyên thấy bên trong văn phòng có năm sáu cái bàn, hai cái tủ và những chồng giấy. Tất cả mang vẻ hoang lạnh. Nguyên nghĩ có lẽ đây là nơi mình nhập cuộc.

9 giờ 15. Một người đã đứng tuổi co ro trong chiếc áo mưa màu nâu của quân đội Huê kỳ chậm rãi bước vào văn phòng. Nguyên mừng thầm. Người đó chà hai tay vào nhau, xuýt xoa, kêu lạnh chi mà lạnh dữ ni trời, rồi ngồi xuống ghế, lấy trong túi áo mưa ra một tờ báo, trải rộng trên bàn, chăm chú đọc. Nguyên tiến lại, tay cầm giấy tuyển dụng, rụt rè:

- Thưa bác... con tới... nhận việc.

Người công chức già ngẩng đầu lên, nhìn Nguyên như dò xét:

- Mô?

Nguyên đưa tờ sự vụ lệnh. Người đó vừa đọc vừa gục gặc đầu:

- Thư ký đồng hóa công nhật... Có tú tài hai... Được... được... Chừ cậu ngồi chỗ nớ đi, ông chủ sự cũng sắp tới rồi... À mà cậu ở mô?

- Dạ trong đồn điền bác sĩ Hoàng.

- Cũng xa há!

- Vâng.

- Răng cậu không đi học mà lại đi làm rứa?

Câu hỏi hơi bất ngờ khiến Nguyên thấy khó trả lời. Dĩ nhiên không phải bất cứ ai Nguyên cũng có thể nói thật về hoàn cảnh của mình. Nguyên vội trả lời cho xong:

- Tại cháu... học kém, không đủ sức lên đại học!

Không hiểu người công chức già tin hay không, Nguyên thấy ông ta không nói gì thêm, lại chúi mũi vào tờ báo.

Ít phút sau tiến vào hai cô gái, một bé nhỏ, một to béo. Họ trân trối nhìn Nguyên, xoi bói từ đầu xuống chân rồi dừng lại cục bướu trên cổ Nguyên. Hai người ghé sát vào nhau, thì thầm, Nguyên đoán là họ đang phê bình mình. Toàn thân Nguyên nóng bừng, cảm thấy chân tay thừa thãi, chỉ muốn biến mất khỏi căn phòng này. Ý tưởng hối hận đã đi làm thoáng hiện trong trí khiến Nguyên buồn bực hơn. Người ta đã đón Nguyên bằng những lạnh băng và khinh khi ngay trên những bước chập chững vào đời. Nguyên ác cảm ngay với những người hiện diện.

Mãi hơn mười giờ ông trưởng phòng mới tới. Ông coi còn trẻ, khoảng gần ba mươi. Nhìn qua nét mặt, Nguyên đoán ông ta thuộc loại hoạt bát, phóng khoáng. Nguyên lên trình diện. Liếc mắt qua tờ sự vụ lệnh, ông ân cần hỏi:

- Chú là Lê Thành Nguyên?

- Thưa vâng.

- Tốt lắm, tôi đang cần người. Công việc của chú cũng đơn giản chứ không khó gì, chú giúp tôi về các vấn đề hộ tịch, quân vụ. Thế nào, được không?

- Thưa ông chủ sự tôi sẽ cố gắng.

- Được. À, vợ con gì chưa?

Nguyên đỏ mặt ấp úng:

- Dạ... chưa.

- Tốt. Thế còn lính tráng?

- Tôi còn được hoãn dịch vì lý do học vấn.

- Đi làm thì kể như hết rồi. Chắc cũng chỉ được một thời gian ngắn nữa. Tháng trước cũng có người trong tình trạng như chú, vào làm được ít hôm, mới quen công việc là có lệnh gọi. Thật khổ! Chiến tranh mãi, công vụ thì nhiều, mà nhân sự lại không có... Thôi được ngày nào hay ngày đó... Bàn của chú kia kìa, cạnh bác Hạnh đó.

Nguyên về chỗ ngồi. Bây giờ đầu óc Nguyên lại rơi vào những rối bời mới. Những lời nói của ông trưởng phòng như còn vang bên tai Chuyện lính tráng! Một vấn đề mà Nguyên chưa từng nghĩ tới trước khi đến đây. Không hẳn vì Nguyên sợ thành một quân nhân thanh niên trong thời chiến sao tránh khỏi chiến trường ai cũng tới lượt nhưng Nguyên tiếc vì dự tính của mình vừa chớm thành hình đã bị phá vỡ. Thôi học để giúp gia đình, nhưng nếu chỉ mới đi làm được một hai tháng thì kết quả không là bao, hơn nữa nếu Nguyên bị gọi nhập ngũ, chắc chắn cha mẹ sẽ mòn mỏi vì lo lắng. Tâm thần Nguyên như bị lửa đốt, Nguyên nghĩ cuộc đời sao lắm những khúc mắc, khó khăn. Riêng với lứa tuổi sửa soạn vào đời biết bao vấn đề chi phối cuộc sống nào sự nghiệp, nào tình yêu, nào chọn hướng đi, nào học vấn, nào quân ngũ, nào chiến tranh... cái gì cũng có tính cách khẩn trương thúc bách, đòi hỏi được thỏa mãn, được giải quyết lập tức khiến tuổi mới lớn tối tăm mặt mũi, làm khô cằn mầm sống. Thật đáng trách những ai kết án tuổi trẻ là vô tư, ăn chưa no lo chưa tới. Họ đứng trên đỉnh tháp ngà mà la hoảng trong khi tuổi trẻ cô đơn với những dằn vặt ngút ngàn. Những tiếng cười nói oang oang hay những phá phách thác loạn chỉ là phiến diện còn bề sâu của tuổi trẻ không khác gì trong một miệng của một hỏa diệm sơn. Nhưng mấy ai chịu hòa đồng tìm hiểu và cảm thông với tuổi trẻ! Để rồi cuối cùng, thật tiếc, những ước vọng đó vẫn phải chín rụng một cách tội nghiệp trong tim hồng của tuổi trẻ.

Nguyên ngồi nghĩ lan man đến gần hết giờ, chưa kịp bắt tay vào việc. Trên đường về nhà những suy tư vẫn theo đuổi bu đầy trong đầu óc Nguyên. Trong bữa ăn, những câu thăm hỏi của cha mẹ về công việc làm, những tiếng cười nói rạng rỡ hồn nhiên của bầy em làm Nguyên khuây khỏa. Tuy nhiên, Nguyên vẫn giấu kín câu chuyện lính tráng sợ cha mẹ buồn, thất vọng. Thôi kệ, tới đâu hay đến đó. Nguyên nói thầm như vậy trong đầu rồi và cơm nhanh hơn.

Lấy quyển tiểu thuyết đọc để dỗ giấc ngủ trưa, cho đến khi chợt tỉnh dậy Nguyên giật mình nhìn đồng hồ thấy đã trễ giờ đi làm. Nhà vắng tanh, ông bà Cả đã xuống vườn, các em đi học cả rồi. Chạy xuống bếp rửa mặt qua loa, mặc vội áo quần, Nguyên hành động như một cái máy. Ra khỏi nhà được mấy bước, không hiểu nghĩ thế nào, Nguyên quay trở lại Ngày đầu mình nên giữ kỷ luật, đi về đúng giờ để lấy cảm tình với những người trong phòng Nguyên vào buồng lấy chiếc xe đạp của ông Cả lau qua cái yên rồi nhảy lên đạp vội. Tuy nhiên tới sở làm Nguyên nhận thấy mình vẫn là kẻ có mặt đầu tiên.

Nguyên mượn cớ xin chỉ công việc để làm quen với những người đồng nghiệp. Ngoài bác Hạnh ít nói, mang vẻ an phận, mê đọc báo, kể cả những dòng quảng cáo, những cáo phó, tin vui hơn là viết công văn hay nói chuyện vớ vẩn ; ông chủ sự trẻ trung, độc thân, cởi mở, Nguyên còn được biết có Họa My, người có thân hình bé nhỏ, gương mặt xương xương, đôi mắt mơ màng, giải quyết hồ sơ rất nhanh, nhưng vẫn để dành nhiều thời giờ hơn vào việc đan áo, sang sửa mái tóc hay bàn về các loại mỹ phẩm, thời trang... và cô Tình đúng là trường hợp tên sao người vậy có ánh nhìn và điệu bộ rất lẳng lơ, nhịp đi nhún nhẩy đến khôi hài chỉ vì tấm thân nhiều mỡ hơn thịt, ăn quà vặt và nói chuyện huyên thuyên suốt ngày. Ngược lại, những người trong phòng đã lột bỏ dần vẻ mặt băng lạnh và không còn xầm xì về cái bướu của Nguyên nữa, đã khởi sự hỏi Nguyên về việc học, chuyện Sàigòn, và cả về tình yêu, một vấn đề khiến Nguyên ngập ngừng, chối quanh, để rồi chẳng biết trả lời ra sao cho hợp lý.

Tan giờ làm, thấy chiều đẹp, nắng còn nhẹ và gió hây hây, Nguyên đạp xe thong thả, vòng hết dãy phố nọ đến con đường khác. Tâm hồn Nguyên như bay bổng. Nguyên huýt sáo một điệu nhạc dân ca. Như những lúc này Nguyên không muốn làm bận tâm trí, trái lại như để toàn thân hòa tan trong tiếng thì thầm của lá thông, trong khí lành lạnh của cao nguyên, trong sự trùng điệp của rừng núi.

Khi Nguyên đang thả cho xe đạp chạy xuống con dốc đưa về nhà thì bỗng nhận ra ở phía xa có một bóng dáng quen quen. Chiếc áo len đỏ tươi, chiếc quần "pát" trắng nổi bật giữa màu xanh của cây cỏ bên đường ; dáng uyển chuyển quí phái. Nguyên đã nhận ra ai rồi. Tim Nguyên đập dồn dập trong lồng ngực. Nguyên do dự muốn dừng lại, nhưng chiếc xe vẫn lao đi. Suối tóc đen mượt chợt quay lại. Nguyên chỉ kịp nhìn thấy ánh mắt long lanh rồi như không còn biết gì nữa.

- A anh Nguyên!

Nguyên luống cuống dừng xe lại, ấp úng trong cổ họng:

- ... Cô Diễm!

- Anh Nguyên đi đâu về vậy?

- Đi làm... Thế còn cô Diễm?

- Diễm đến nhỏ bạn mượn cuốn vở về chép bài học.

- Sao cô Diễm không... đi xe hơi?

- Bác tài đau rồi nên không ai đưa Diễm đi, ba thì bận xuống thăm bệnh nhân. Hồi đi Diễm còn đón được taxi, lúc về không có lấy một chiếc, đi bộ muốn chết chân luôn!

Nguyên dắt xe đi sóng bước bên cạnh Diễm. Những câu trêu đùa của cô Họa My và cô Tình hồi chiều sống dậy trong đầu óc Nguyên. Chàng liếc nhanh Diễm, nghĩ vu vơ. Bất giác, Nguyên mỉm cười vừa đúng lúc Diễm vô tình nhìn qua Nguyên:

- Anh Nguyên có chuyện gì vui vậy?

Nguyên thẹn, nói dối:

- ... đâu có, cô Diễm!

- Diễm vừa thấy anh cười nè.

Nguyên đành nói vòng vo chung quanh sự thật:

- À... tôi... nghĩ tới mấy... cô cùng làm chung phòng.

Diễm bật cười thành tiếng:

- Không ngờ anh Nguyên có số đào hoa, mới đi làm mà đã có người để... nhớ!

Nguyên luýnh quýnh như muốn giảng giải:

- Ơ... ơ... không phải vậy!

- Hôm nào anh Nguyên phải giới thiệu cho Diễm biết mặt đấy.

- Ơ... cô Diễm, tôi đâu có gì!

- Anh giấu Diễm hé! thôi được Diễm sẽ tới tận nơi anh Nguyên làm việc để... ra mắt cho phải phép của một người em!

Nguyên càng lúng túng hơn. Tay Nguyên vẫn nắm chặt chiếc ghi đông mà chiếc xe đạp chỉ chực ngã. Chân Nguyên bước như không đặt sát xuống đường. Trong khi đó Diễm cười rất tự nhiên trước "thế yếu" của Nguyên. Và khi Nguyên còn ngơ ngác như con nai sợ hãi trong chuồng, chưa biết phải đối đáp ra sao thì Diễm lại nói đến một câu bất ngờ:

- Thôi Diễm hết lết nổi rồi, mỏi chân quá, anh Nguyên chở Diễm nhé!

Nguyên sững sờ trước đòi hỏi của Diễm. Cảnh gò lưng đạp xe Nguyên không bao giờ muốn Diễm nhìn thấy huống hồ chở Diễm trên chiếc xe đạp tồi tàn này. Nhớ tới chiếc xe hơi mầu đen lộng lẫy với nệm trắng toát của ông Hoàng, Nguyên thấy câu nói của Diễm là một mỉa mai. Tuy nhiên Nguyên cũng không tìm được câu trả lời cho khéo để Diễm hiểu. Thấy Nguyên im lặng Diễm tưởng không nghe rõ, lại thúc giục:

- Anh Nguyên chở Diễm đi!

- Nhưng...

- Anh không thích chở Diễm hả?

- Không phải, nhưng...

- Hay là anh Nguyên... ghét Diễm?

- Đâu có! Nhưng tôi thấy...

- À, Diễm hiểu rồi, đúng là anh Nguyên sợ có gì ở trong sở anh bắt gặp chứ gì?

- Ơ... ơ...

- Không sao đâu, có gì anh Nguyên cứ giới thiệu Diễm là em gái của anh Nguyên.

Tiếng Diễm liến thoắng không để Nguyên kịp trả lời câu nào. Nguyên có cảm tưởng Diễm là một cô bé nghịch ngợm nhất trần gian này. Nhưng rồi không biết vì tự ái hay tức giận, Nguyên trở nên mạnh bạo:

- Tôi ngán gì ai!

- Hoan hô anh Nguyên! Thế chở Diễm nhé?

- Chỉ sợ không xứng đáng với cô Diễm!

- Bầy đặt! Anh Nguyên khách sáo há!

Nguyên lên xe và Diễm, không cần đợi Nguyên mời, ngồi ngay lên phía sau. Đang ở giữa triền dốc, chiếc xe ngon trớn lăn mau. Gió mát làm dịu làn da căng nóng trên mặt Nguyên. Một sự thích thú mơ hồ len thấm vào những tế bào. Thỉnh thoảng khuôn mặt của Diễm va chạm vào lưng Nguyên tạo những làn sóng chờn vờn trong Nguyên. Tuy nhiên Nguyên không dám để những hình ảnh tưởng tượng trong tâm trí bay xa. Bằng một giọng thân mật Nguyên hỏi vọng lại:

- Được không cô Diễm?

- Được gì cơ anh Nguyên?

- Tôi hỏi là cô Diễm ngồi như vậy có được không?

- Được chứ!

- Sợ cô không quen!

- Xí. Diễm đi picnic hoài với tụi bạn bằng xe đạp chứ bộ!

Câu nói của Diễm vô tình đem Nguyên về với hình ảnh sáng hôm nào Diễm ngồi trên chiếc xe hơi thể thao cùng một số bạn bè, trong đó có những người con trai, đi picnic ở thác Prenn. Sự cách biệt về hình hài và địa vị xã hội với những người con trai khác lại nổi lên làm Nguyên buồn buồn. Mải nghĩ ngợi không tránh kịp ổ gà nằm giữa đường khiến chiếc xe đảo đi. Phản ứng tự nhiên Diễm ôm vội lấy lưng Nguyên rồi như để che giấu cử chỉ đột ngột của mình Diễm chữa thẹn:

- Tý nữa thì anh Nguyên đã làm Diễm ngã!

- Tại cái hố!

- Chắc anh Nguyên đang mơ mộng nên không nhìn thấy phải không?

Nguyên nói liều:

- Gần đúng!

- Thế anh Nguyên... mơ mộng gì vậy?

Nguyên nhìn xuống chân thung lũng, nói:

- Cô Diễm có thấy những cụm sương trắng dưới kia không?

- Có. Mà sao anh Nguyên?

- Cô Diễm thấy thế nào?

- Giống mây ghê vậy đó!

- Thế cô Diễm có nghĩ gì không?

- Không! Ngày nào mà chẳng thấy!

- Tại cô Diễm ở Đàlạt nên không để ý, còn tôi thì... tôi thấy... đẹp tuyệt!

Diễm cười. Nguyên làm thinh nhưng đầu óc Nguyên vẫn theo đuổi những hình ảnh huyền diệu. Nhìn những cụm sương mù trắng dưới chân đồi, Nguyên có cảm tưởng như đang sống ở một nơi thần tiên nào đó của một thế giới riêng như trong cõi Thiên thai chiếc xe đạp này đã thành chiếc cẩm vân đang lướt trên mây còn Nguyên là anh chàng Từ Thức và Diễm là nàng tiên Giáng Hương xa loài người xa cuộc đời Diễm và Nguyên sống giữa một cảnh trí hùng vĩ mơ màng, có ánh sáng muôn mầu chẩy chan hòa lên những lâu đài cung điện thần tiên, với những cung đàn réo rắt, nhẹ lướt như đường tơ, với những loài hoa lạ thơm ngát nở đầy khắp nơi, không khác gì những tinh tú lấp lánh trên nền trời. Hạnh phúc sung sướng sẽ dâng tràn trong cuộc sống ngà ngọc của Nguyên và Diễm...

- Kìa anh Nguyên! Tới rồi!

Nguyên giật mình, vội vàng dừng xe lại. Nếu Diễm không gọi có lẽ Nguyên không còn ý thức về hiện tại nữa!

- Cám ơn anh Nguyên.

Khi Diễm vừa quay gót, như có một sức mạnh vô hình thúc đẩy, Nguyên gọi với theo:

- Cô Diễm!

Diễm quay lại:

- Gì thế anh Nguyên?

Nguyên đỏ mặt, bao nhiêu nghị lực trong Nguyên thoáng tan hết... để rồi Nguyên đứng chôn chân xuống đất.

- Anh Nguyên định bảo Diễm cái gì?

- Ơ... không...

- Anh Nguyên không nói nhất định Diễm không về nữa.

- ...

- Anh Nguyên nói đi, Diễm chờ nè!

Tay nắm chặt yên xe, tay xoay tròn chiếc bọc nhựa ở ghi đông, Nguyên cúi mặt nói thật nhanh:

- Cô Diễm có... bồ chưa?

Diễm chúm chím đôi môi:

- Có rồi!

Nguyên ngẩng mặt lên, hơi nhíu mày:

- ... Rồi...?

- Diễm có nhiều, nhiều lắm... Bồ... cạp thiếu gì ở vườn nhà Diễm!

Nói xong Diễm cất tiếng cười vang, nhẩy chân sáo theo con đường trải sỏi trắng đưa vào ngôi biệt thự. Nguyên thở ra nhè nhẹ, nhìn theo đến khi Diễm biến mất sau cánh cửa...

Cả đêm đó Nguyên nằm trằn trọc, cố dỗ giấc ngủ bằng mọi cách nhưng không tài nào chợp mắt được. Những giây phút thần tiên trên xe đạp hồi chiều, hình ảnh của Diễm, tiếng nói, tiếng cười thủy tinh của Diễm đảo đảo trong tâm trí Nguyên. Mãi quá nửa khuya Nguyên mới thiếp đi, nhưng trong giấc ngủ Nguyên mơ thấy Thằng Gù ở Đền Đức Bà!

*

Tay cầm những tờ giấy bạc Nguyên cảm thấy bị giao động nhiều, tuy nhiên không thể phân định rõ mình đang vui nhiều hơn hay buồn nhiều hơn. Đây là tháng lương đầu tiên trong cuộc đời của Nguyên. Chàng vui vui vì được nắm trong tay sự thành hình trọn vẹn công lao làm việc của mình và vì lát nữa đây Nguyên sẽ đưa cho mẹ những đồng tiền này để mẹ hãnh diện, nhưng đồng thời Nguyên cũng buồn buồn vì có cảm tưởng cuộc đời mình bị gắn chặt hơn vào thế giới của những kẻ an phận, vào sự máy móc và điều hòa. Nguyên lại nghĩ tới con chuột bạch đánh vòng.

- Cậu Nguyên! Gì mà ngồi thừ người ra vậy? Đi với tụi này không?

- Đi đâu vậy chị Tình?

- Ra chợ ăn phở!

- Dạ thôi...

Tội gì ngồi đây, ngày lãnh lương mà!

Tình và Họa My bước ra đem theo cả sự ồn ào.

Còn lại trong phòng chỉ có một mình Nguyên. Ông chủ sự đã kéo bác Hạnh đi nhậu dưới nhà ông gác dan sau khi dặn Nguyên: "nếu có điện thoại hay chuyện gì khẩn chú xuống gọi tôi nhá".

Thế mà đã một tháng rồi, mau thật! Trong suốt quãng thời gian vừa qua, hơn bao giờ hết Nguyên sống trong dằn vặt. Tương lai hết sức bấp bênh. Hình ảnh quân trường làm Nguyên hốt hoảng mỗi khi nghĩ đến. Tuy nhiên thực tại mới chính là yếu tố khiến Nguyên xây xẩm mặt mày : Những người đồng phòng và những người khách tới xin giấy tờ thường xuyên khơi dậy niềm mặc cảm trong Nguyên. Người ta rất nhiều khi quên tên Nguyên để đặt cho chàng một tên khác : ông có bướu ở cổ! Chẳng hạn muốn chỉ cho người khách hỏi việc, những người đồng phòng thường nói:

- Lại ông có bướu ở cổ kia kìa.

- Ông có bướu ở cổ phụ trách công việc đó mà!

- Xin mời lại ông có bướu ở cổ ngồi ở góc phòng kia...

Nhiều lần Nguyên nghe được mấy người khách to nhỏ mách nhau:

- Ông có bướu ở cổ dễ tính lắm, đến ông mà xin.

- Sao lục giấy tờ thì cứ lại ông có bướu ở cổ.

- Đó! Ông có bướu ở cổ làm việc này!

Nguyên cắn môi chịu đựng, nghĩ đến thân phận của một kẻ không được may mắn mang hình hài của những người bình thường, Nguyên không muốn trở thành đối tượng cho những mỉa mai, châm biếm hay diễu cợt. Nguyên cũng đã có ý định bỏ rơi, kể cả nghỉ việc để trở về với bóng tối của riêng mình. Nhưng hình ảnh những người ruột thịt vất vả và cực khổ lại hiện đến khuyên can, không để Nguyên thực hiện ý muốn cá nhân. Có một sự giằng co mãnh liệt trong nội tâm của Nguyên để rồi Nguyên vẫn phải hiện hữu giữa những khắc khoải uất nghẹn.

Đang nghĩ miên man Nguyên bỗng giật mình vì ngoài sân rầm rầm tiếng xe gắn máy và tiếng nói cười xôn xao. Nguyên nhướn mình lên nhìn qua cửa sổ. Chàng không tin ở thị giác của mình. Có thể như thế được sao? Diễm đến đây làm gì? Phải chăng Diễm thực hiện câu nói chiều nào : "Diễm sẽ tới tận nơi anh Nguyên làm việc để ra mắt... cho phải phép một người em". Nguyên trở nên mất bình tĩnh, không biết sẽ phải xử trí ra sao, đành ngồi xuống, tay cầm bút, mắt dán vào một tờ giấy trên bàn như đang chăm chú vào công việc. Tim Nguyên đập mạnh như muốn phá tan lồng ngực. Trời lạnh mà Nguyên có cảm tưởng mồ hôi rịn ra trên da thịt. Chiếc áo len trở nên chật chội làm Nguyên bực bội. Nguyên cắn chặt môi để điều hòa hơi thở.

- Anh Nguyên!

Nguyên giật bắn mình. Mặc dầu Nguyên đã biết trước nhưng tiếng gọi vẫn dư thừa sức mạnh đẩy bổng Nguyên vào khoảng không. Nguyên chưa kịp lên tiếng, Diễm và những người bạn, cả trai, cả gái đã ùa vào căn phòng vây quanh bàn Nguyên.

- Diễm đến nhờ anh Nguyên một việc.

Nguyên ấp úng:

- Việc... việc gì đó cô Diễm?

Diễm quay người lại giật trên tay cô bạn đứng sau một cuộn giấy, trải ra mặt bàn, nhìn Nguyên, nói:

- Nhỏ này cần bổ túc gấp hồ sơ xin du học, anh Nguyên giúp nó sao văn bằng này.

Nguyên thở ra như vừa thoát khỏi một sự nguy hiểm. Chàng đỡ lấy những tờ giấy, làm thủ tục như một cái máy. Và sau khi chạy xuống nhờ ông gác dan xin ông chủ sự chữ ký trên bản sao, Nguyên trao lại cho Diễm:

- Xong rồi đây, cô Diễm.

- Nhanh vậy anh Nguyên?

- Người... nhà... mà.

- Cám ơn anh Nguyên!

Nói xong Diễm đưa lại những tờ giấy đó cho cô bạn đồng thời nheo một bên mắt cười hóm hỉnh:

- Cám ơn anh tao đi mày!

Cô gái nhún người xuống, nghiêng đầu như kiểu chào của tây phương. Những người khác phá lên cười. Nguyên thẹn đỏ mặt mũi, thầm trách Diễm và khó chịu những anh chàng, những cô nàng đang đứng trước mặt. Tên đeo kính đen, miệng nhai kẹo cao su, bún tay ra hiệu cho cả đám:

- Rút lui tụi bay!

Tiếng ồn ào ùa ra khỏi cửa. Bỗng Diễm quay trở lại, chạy tới gần Nguyên nói nhỏ:

- Chị... Nguyên đâu anh? Giới thiệu cho Diễm biết mặt đi.

Rồi không chờ Nguyên trả lời hay phản ứng gì, Diễm cất tiếng cười lanh lảnh chạy theo lũ bạn. Tiếng cười của Diễm, Nguyên có cảm tưởng như những mảnh thủy tinh sắc cạnh cắt mạnh trên da thịt và tâm hồn Nguyên. Buông người xuống ghế, Nguyên lại rơi vào những suy tư rối bời. Sự kiện vừa xảy ra càng cho Nguyên thấy rõ vị trí của mình trong cuộc đời. Nguyên thấy mình thua kém mọi người ; nhất là với Diễm Nguyên nghĩ mình không có một nghĩa lý gì cả. Nguyên cho rằng Diễm giầu, Diễm đẹp dĩ nhiên chỉ giao du với những nơi xứng đáng. Hình ảnh Diễm đang nói cười vui vẻ, đang đùa bỡn với những người con trai nhà giầu, tân tiến làm Nguyên sầu khổ. tự nhiên Nguyên thấy ghét Diễm thật tình. Ý nghĩ mong cho Diễm chết đi thoáng hiện trong đầu óc Nguyên. Nhưng rồi không muốn để những ám ảnh bủa vây tâm trí, Nguyên uể oải xếp dọn chồng hồ sơ trên bàn, định ra về sớm.

Nguyên vừa bước chân ra khỏi cửa, một giọng nói gọi giật lại:

- Cậu Nguyên! Cậu Nguyên!

Nhận ra bà vợ của ông gác dan, Nguyên mỉm cười gượng gạo:

- Gì đó bác Tám?

- Cậu có cái thư.

Nguyên mừng ra mặt, chạy lại đỡ lấy phong thư trên tay người đàn bà.

Nguyên định ngồi lại đọc thư nhưng không hiểu nghĩ sao lại thôi.

Chiều nay trời Đàlạt thật đẹp, mặc dầu tâm tư đang rối bời với những tính toán và giao động bởi sự có mặt của Diễm, Nguyên cũng nhận ra điều đó. Gió thổi hây hây, đủ làm mát rượi da thịt. Ánh nắng vàng thật nhẹ chờn vờn trên ngọn cây. Bầu trời xanh mướt như xa vời vợi. Vài đóa mây trắng lơ lửng như muốn xòa xuống ôm lấy những đỉnh núi. Các mái nhà hầu hết bằng ngói đỏ hay mái tôn được sơn đỏ nổi bật giữa mầu xanh của đồi núi, của cỏ cây.

Nguyên bước đi chậm rãi ; gót giầy nện xuống mặt đường tạo những âm thanh khô khan. Thỉnh thoảng những chiếc xe hơi hay xe "Lam" vượt qua ; có một cô gái ngồi trên xe giơ tay vẫy Nguyên trêu chọc có lẽ họ nghĩ mình đang bị... thất tình Nguyên nghĩ vậy rồi khẽ nhếch môi cười. Nguyên chợt nhớ đến Diễm Nàng giờ này chắc vẫn còn đi chơi. Diễm thật hồn nhiên, cười nói bất cứ lúc nào và ở đâu, do đó Diễm đâu thèm để ý tới mình, đâu biết những tình cảm dạt dào mình dành cho Diễm, hay có lẽ Diễm cũng đoán ra nhưng vì... mình nghèo, mình tật nguyền nên Diễm không đặt thành vấn đề và giữ thái độ xa lạ Thật ra cũng tại mình, không biết thân phận, thua kém người khác đủ mọi phương diện, kể cả tương lai mù mịt mà còn với cao. Có thể Diễm đã cố tình cho mình nhận ra sự cách biệt đó qua những lần Diễm vui đùa với bạn bè mà Nguyên vẫn mù quáng? Tốt hơn mình nên quên Diễm đi, diệt bỏ những mộng ảo!

Ý nghĩ sau càng làm Nguyên nhói đau trong tâm thần. Nguyên buồn nhiều và cảm thấy không còn thích sống nữa.

Mải mê với những suy tư Nguyên đã đến ngọn thác gần nhà lúc nào không hay. Nhìn những cặp tình nhân dìu nhau trong tiếng nước chảy độc điệu muôn thuở, Nguyên thèm được như họ. Chàng chọn một chiếc ghế vắng người, nơi mà Nguyên vẫn thường ra ngồi để đọc sách, để nghĩ ngợi hay chẳng để làm gì cả... Những thân cây đó hầu hết được Nguyên dùng dao khắc hai chữ "N" và "D" quấn lấy nhau. Nguyên thường nghĩ chỉ có thiên nhiên hiểu và cảm thông với mình : những tiếng rì rào của lá thông hòa nhịp với những nức nở của con tim và những thân cây kia như chứng giám sự bất biến của những tình cảm dấu yêu mà Nguyên đã trọn vẹn dành cho hình ảnh Diễm, người con gái sang giầu, người bạn tuổi ấu thời của Nguyên nhưng cũng là người con gái đầu đời vẫn vô tình gây những nhức buốt nội tâm cho Nguyên.

Nhớ tới phong thư trong túi, Nguyên lấy ra đọc. Những dòng chữ quen thuộc của Thạch, người bạn thân nhất của Nguyên, khơi dậy những ngày trọ học dưới Sàigòn, những lúc Nguyên ngồi tâm tình với Thạch trong một quán nước nghèo nàn:

Sàigòn, ngày... tháng... năm 1972,

Nguyên mày,

Nhận được thư mày tao vội hồi âm ngay. Có nhiều điều muốn nói với mày.

Tao không ngờ cuộc đời mày thay đổi đột ngột như vậy. Trước đây khi nghe mày bận tao những tưởng đó chỉ là những dự định viển vông hay ít nữa còn lâu mới được thành hình, nhưng nay mày đã thực hiện tất cả rồi!

Là bạn của mày tao hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của mày tuy nhiên phải thú thật là tao không hoàn toàn đồng ý với lối giải quyết của mày. Đã nhiều lần tụi mình giúp nhau ý kiến và nghe theo nhau để thoát khỏi những bế tắc thì tao tin tưởng lần này sau khi đọc những dòng chữ này, mày cũng không nỡ để tao thất vọng.

Nguyên mày,

Chắc chắn mày đã thừa hiểu bọn trẻ chúng mình thường phải đối diện với nhiều vấn đề. Như mày, như tao, như bất cứ một thằng con trai nào... cũng vướng phải những giăng mắc đó. riêng với mày, chọn nghiệp và tình yêu là hai vấn đề lớn như mày đã viết cho tao.

Tao thương cảm gia cảnh của mày. vì muốn giúp đỡ cha mẹ, mày hy sinh luôn việc học, hy sinh luôn cả tương lai rất có thể rực sáng của mày. Tao phục mày lắm, Nguyên ạ. Nhưng bây giờ tao cũng xin mày nghĩ lại : Sự hy sinh của mày liệu có giải quyết được toàn diện vấn đề không? Liệu có hữu hiệu như ý muốn không? Liệu thành quả kéo dài được bao nhiêu lâu?

Tao thẳng thắn nói với mày là việc giải quyết của mày chỉ có tính cách giai đoạn, vá víu. Đã đành mỗi tháng mày đem về bảy tám "ghim" cho bà bô nhưng tao nghĩ mày đâu có giải thoát được cho gia đình mày khỏi cảnh sống hiện tại, nghĩa là ông bà bô mày ngày ngày vẫn phải thức giấc sớm giữa cái rét tận xương tủy của Đàlạt, vẫn oằn vai gánh rau, vẫn mím môi leo đồi... và các em mày vẫn lem luốc như từ trước  đến nay.

Vậy thì theo tao mày nên thực hiện giải pháp khác hữu hiệu hơn khả dĩ đưa vĩnh viễn gia đình khỏi cơn tối tăm như mày vẫn mơ ước. Dẹp quách nghề công chức đi và lên Sàigòn tiếp tục học! Đó là giải pháp tao đề nghị với mày.

Chắc mày đã biết hoàn cảnh của tao, có khi còn bết hơn trường hợp của mày, thế mà tao đâu có "nghĩ quẫn" như mày. Ba tao mất sớm, để lại cho mẹ tao bẩy đứa con. Gánh hàng rong ở tỉnh lẻ không đủ nuôi tám miệng ăn, hai đứa em gái lớn của tao phải nghỉ học đi bán vé số, tao lên Sàigòn học do chính những đồng tiền tao kiếm ra bằng cách đi kèm trẻ, không phải vì tao ích kỷ chạy trốn trách nhiệm hiện hữu để sống yên thân cho cá nhân mình, nhưng tao tính chẳng thà tiếp tục chịu cực khổ trong một thời gian nữa rồi mãi mãi thoát khỏi cảnh sống nghèo hèn còn hơn bây giờ tuy được thêm mấy ngàn mỗi tháng mà vẫn kéo lê số phận lầm than, bởi vậy tao nhất định học cho thành tài... Nên bắt chước tao, Nguyên ạ.

Như mày viết trong thư "từ khi di cư vào đây đã gần 20 năm rồi gia đình tao sống trong cay đắng" như vậy nếu tiếp tục "sống trong cay đắng" thêm vài năm nữa để mày ăn học, tao nghĩ ông bà bô mày cũng dư sức chịu đựng, không những không trách mày, trái lại còn hãnh diện vì mày.

Lên Sàigòn học với tao! Khoảng nửa tháng nữa y khoa mới nhận đơn. Với sức học của mày, tao tin chắc mày sẽ đậu dễ dàng. Mày đừng lo về phương tiện sống và chỗ ở. Tao đã trù liệu hết cho mày. Hiện tao có tới sáu chỗ kèm trẻ, tao sẽ "sang lại" cho mày một nửa. Trong những giờ rảnh tụi mình sẽ viết báo, viết sách để kiếm thêm "tiền cà phê". Như vậy không những tụi mình sẽ sống phây phây mà còn dư "điều kiện" (có khi hơn gấp hai lần số lương công chức hiện tại của mày để gửi về cho gia đình). Đời đẹp chứ mày? Căn gác trọ của tao tụi mình ở còn rộng chán. Sống với nhau tụi mình sẽ khuyến khích và giúp nhau được nhiều. Mày đồng ý với tao không nào?

À Nguyên này, Diễm của mày thế nào rồi? Mày đa tình lắm đấy nhưng không sao! Tuổi trẻ có thằng nào tránh được cái "luật tự nhiên" đó, có thằng nào thoát được một hình bóng làm bận rộn trí óc và cuộc sống? Chia mừng với mày đã kiếm được một thần tượng mày tiến bộ hơn tao! Nhưng Nguyên này, tại sao mày mặc cảm? Tao thấy mày nói nhiều trong thư về những từ ngữ "tật nguyền" và "giầu nghèo". Theo tao hai khía cạnh đó không phải là hai vấn đề đáng để mày khổ sở. Chắc mày đang nghĩ tao lại giở cái tính lạc quan ra rồi? Cũng được đi! Không lạc quan không sống nổi giữa cuộc đời ô trọc này! Vả lại chính mày cũng xác nhận là Diễm không đến nỗi... ghét mày (đẹp trai, ăn nói có duyên và "con nhà lành" như mày, "sức mấy" mà "em" nào ghét nổi!) hơn nữa mày đang ở một ưu điểm là đã có với Diễm nhiều kỷ niệm thuở nhỏ. Hay nói khách quan hơn dù cho hai điều mày nói ở trên có thực đi nữa thì vấn đề cũng không có gì nan giải. Điểm chính yếu là mày hãy tự hỏi mày đã "xứng đáng" với Diễm chưa? Ở đây tao muốn nói trong tình yêu bao giờ cũng có sự chinh phục mà phương tiện không phải là tiền hay một hình thức hào nhoáng, những thứ có tính cách nhất thời, nhưng chính là tâm hồn và tài năng Gái tham tài, trai tham sắc mà mày! Vậy theo tao nghĩ ở lứa tuổi chúng mình nên gây dựng sự nghiệp trước sau đó hãy thực hiện giấc mơ tình yêu. Mày chưa thể dừng lại như hiện tại. Không phải tao đạo đức hay dạy đời gì, nhưng với tất cả chân tình của một thằng bạn tao khuyên mày nên vượt thắng những trở ngại hiện hữu để tạo tương lai mà việc thực tế nhất là mày hãy tiếp tục học. Sau này thành tài mày có quyền muốn... làm gì thì làm, dĩ nhiên cả việc... cưới Diễm về.

Thôi thư cũng đã khá dài, tao dừng bút đây. Gặp nhau lại tụi mình sẽ hàn huyên nhiều hơn.

Mong mày vui luôn!

Cho tao gửi lời thăm... Diễm của mày!

Bạn mày
Thạch

T.B : Nhận được thư tao, đừng hồi âm, nhưng sửa soạn hành trang lên đường ngay.

*

Những dòng chữ của Thạch như chong chóng xoay tròn trong đầu óc Nguyên, theo Nguyên trên đường về. Chàng suy nghĩ nhiều. Nguyên công nhận bạn mình có lý, tuy nhiên, dù chưa thực hiện hay quyết định gì, Nguyên đã cảm thấy mình như sắp bước vào một cuộc phiêu lưu ghê gớm. Với bản tính hiền hòa, Nguyên sợ những gì thay đổi đột ngột và lớn lao. Từ ngày chơi thân với Thạch, Nguyên vẫn thầm phục tính tháo vát và tự tin của Thạch và thường ước ao cũng được như bạn. Nay Thạch đưa đến cho Nguyên những đề nghị nhằm mục đích tạo một lối thoát cho Nguyên trong lúc tương lai đen tối thì Nguyên lại do dự, sợ rằng đó chẳng qua là do bản tính lạc quan cố hữu của Thạch. Nếu mọi chuyên dễ dàng như Thạch viết thì... cuộc đời đã đẹp biết bao và Nguyên đâu phải chật vật với những toan tính cho tương lai. Lá thư của Thạch như càng đẩy Nguyên vào tận cùng những rối bời.

Nguyên về đến nhà thì ông bà Cả đã không còn ở dưới vườn nữa. Nguyên cũng ngạc nhiên nhưng không quan tâm lắm vì còn bận với những ý nghĩ trong đầu. Thấy con về, bà Cả dừng tay băm rau heo, hỏi:

- Sao hôm nay về muộn thế con?

Nguyên ngồi xuống cạnh mẹ, trả lời:

- Tại con ghé lại thác Cam Ly.

- Ở đó làm gì cho nó rét, về sớm mà nghỉ có phải khỏe hơn không?

Nguyên không nói gì thêm, lấy trong tú ra số tiền lãnh hồi chiều đưa cho mẹ:

- Con lãnh lương rồi mẹ này.

Bà Cả nhìn Nguyên, chớp mau mi mắt, cảm động:

- Người ta phát lương rồi cơ à?

Nguyên "vâng" rồi đứng lên vào nhà thay quần áo. Sợ những ý nghĩ về lá thư của Thạch lại kéo về làm mệt đầu óc, Nguyên hát to một điệu nhạc kích động.

Trong bữa cơm tối ai cũng vui vẻ. Ông Cả, sau hớp rượu thuốc, khề khà nói với Nguyên:

- Hồi chiều lúc mày chưa về ông Hoàng cũng tới chơi.

Nguyên ngừng nhai, chăm chú nghe tiếp câu nói.

- Ông ấy hỏi về việc làm của mày rồi...

- Rồi sao hả thầy?

- Ông ấy hỏi mày còn có ý muốn học bác sĩ nữa không?

- Thế thầy trả lời sao?

Ông Cả yên lặng, nâng ly rượu lên môi. Mẹ Nguyên vội tiếp lời:

- Thì thầy mày cũng nói như mày là mày cũng muốn học nữa nhưng vì gia đình nghèo nên phải đi làm...

Nguyên thở ra nhè nhẹ, gắp cọng rau cho vào bát, cố lấy giọng tự nhiên hỏi mẹ:

- Ông Hoàng có nói gì nữa không mẹ?

Thoáng chút do dự, bà Cả ngập ngừng kể:

- Ông ấy ngỏ ý muốn giúp mày ăn học ; ông ấy bảo mày cứ an tâm học cho tới khi nào thành tài, tiền bạc không phải lo nghĩ gì cả...

Nguyên không còn nghe mẹ mình nói gì nữa. Những dòng chữ trong lá thư của Thạch lại nổi lên trong đầu óc Nguyên, thôi thúc mãnh liệt ; từ đó Nguyên trở nên ít nói, không để ý đến những câu đối thoại giữa cha mẹ, những tiếng cười đùa của đàn em.

Đến đêm, cả nhà đã ngon giấc mà Nguyên còn lạc vào những con số, những bài toán nát óc. Lời nói của ông Hoàng như một thách thức cho Nguyên, làm đau xót tự ái của Nguyên... để rồi cuối cùng đẩy Nguyên tới một quyết định dứt khoát cho khúc quanh của cuộc đời Nguyên... Và Nguyên đã trở lại thanh thoải sau đó, mỉm cười đi vào giấc ngủ dịu êm.

Ngoài trời, gió rít từng cơn trên những ngọn thông.

_________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG BA


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>