Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Nốt Ruồi


Bé ngồi chễm chệ trong lòng Ba, đôi mắt bồ câu long lanh không chớp. Khung ảnh truyền hình có cái gì hấp dẫn Bé quá đi thôi. Chả là một tuần Ba chỉ cho xem có hai ngày : thứ bảy và chủ nhật ; kỳ dư, Ba bắt Bé đi ngủ sớm để sáng dậy học bài. Lúc đầu, Bé tức ba ghê. Sao lại chỉ cho Bé xem có hai ngày trong khi con Hoa, con Cúc ngày nào cũng được Ba Má cho xem. Nhiều hôm đến trường chúng nó kể chuyện mà Bé chả biết gì, tuy cũng gật đầu lấy lệ lúc hai đứa nó hỏi. Nhưng chừng một tháng, Bé mới thấy Ba có lý. Chỉ một tháng thôi mà con Hoa, con Cúc học kém hẳn Bé. Trước kia ba đứa thay nhau dẫn đầu lớp, giờ chỉ còn mình Bé. Tháng đầu, hôm đem khoe bảng danh dự, Bé tưởng thế nào Ba cũng cho coi truyền hình để thưởng, nhưng Ba vẫn bắt Bé đi ngủ sớm, lý do : chưa đến thứ bảy ! Bây giờ Bé đã quen lệ rồi, cứ tám giờ tối là leo lên giường đánh một giấc đến sáu giờ sáng ; mặc ngoài phòng khách tiếng nhạc, tiếng ca vang thánh thót, tiếng anh Hoài phê bình nọ kia.
 
Gương mặt của cô đào cải-lương càng lúc càng to thêm như muốn vượt khỏi khung máy. Bé chăm chú nhìn. Chao ơi là đẹp ! Nhưng… kìa ! Sao trên má cô ta lại có một chấm đen. Bị mực Tàu dính ? Chẳng lẽ cô không soi gương trước khi ra trình diễn. Hay ăn vụng ? Không lẽ cô ta lại thèm ăn vụng như Bé đã có lần ! Thế thì sao ? Bé ngước nhìn Ba hỏi :
 
- Ba ơi, cô ấy có gì ở má thế ?
 
Ba cúi xuống, đôi kính phản chiếu ánh sáng từ máy lóng lánh. Ba vuốt tóc Bé rồi vừa cười vừa trả lời :
 
- Nốt ruồi đấy Bé à.
 
- Nốt ruồi để làm gì vậy Ba ?
 
Anh Hoài nãy giờ vẫn im lặng mới bật cười, bảo Bé :
 
- Thì để làm duyên chứ gì, cứ vớ vẩn.
 
Bé ngây thơ :
 
- Em tưởng cô ấy ăn vụng !
 
Cả Ba, Má, anh Hoài cùng cười dù trên kia, tuồng hát đang đến đoạn bi thương. Bé cũng cười theo, miệng lẩm nhẩm : “Nốt ruồi duyên”. Một cơn gió thoảng qua mang đầy hơi lạnh, Bé khẽ rùng mình.
 
*
 
Buổi sáng chủ nhật mới thật nhàn hạ. Vào giờ này mọi khi Bé đã đem đồ chơi ra bày biện một mình, thỉnh thoảng lại nhờ anh Hoài làm hộ vài cái nhà bằng giấy nữa ; nhưng sao hôm nay, mấy cái nhà giấy quen thuộc, con búp bê mũm mĩm, con chó xù bằng lông thỏ không còn khiến Bé lưu tâm nhiều nữa. Bé chỉ nghĩ đến “nốt ruồi duyên” cơ.
 
Đêm qua, khi đi ngủ, Bé tự hỏi rằng cô đào kia đã đẹp sẵn rồi, lại còn chấm thêm nốt ruồi ắt là phải có ý muốn tăng thêm vẻ đẹp chứ gì. Vậy sao Bé lại không thử… chấm một nốt ruồi xem sao. Chắc là phải đẹp lắm đấy. Cô giáo vẫn thường bảo Bé dễ thương kia mà. Nhất định Bé phải có một nốt ruồi duyên. Rồi Bé chìm vào giấc ngủ, tuôn theo cơn lốc mơ màng. Bé thấy mình tươi đẹp tựa nàng tiên trong cổ tích của Má, tựa những bà Hoàng trong truyện Tây phương của anh Hoài, tựa những nhân vật trong tiểu thuyết của ba, và nhất là hơn cả cô đào cải-lương hôm qua nữa.
 
Có làm mới biết khó, đêm qua Bé chỉ nghĩ đến nốt ruồi chứ chả bao giờ nghĩ đến việc làm thế nào để có nốt ruồi. Đầu tiên, Bé loay hoay với lọ mực Tàu của anh Hoài. Tìm mãi mới được cây cọ bé tí, Bé lại khổ công chấm thử vào giấy, khốn nỗi, chấm nào cũng to như hạt đậu đen. Lựa mãi, Bé mới ưng ý một mẫu xinh xinh. Bé hí hửng đem đồ nghề lên bàn học, lôi ra cái gương con xinh xắn, cái gương Bé ít khi dùng đến. Khuôn mặt Bé vụt hiện trong gương. Bé nhúng cọ vào mực Tàu. Nhưng, chấm ở đâu bây giờ ? Ở trán ư ? Trông cứ như ông tướng trời ba mắt vậy. Ở cằm ư ? Chả lẽ Bé lại đi làm râu cho mình ! Thế ở má đi, cứ bắt chước cô đào hôm qua thế mà hay. Quyết định rồi, Bé mới chấm đại lên má bên phải một chấm con con. May thật, mới vừa vặn làm sao ! Bé đắc chí ngắm mình tự nhủ : “Thế là mình cũng có nốt ruồi duyên như ai đấy chứ”.
 
Khoái quá, Bé khe khẽ đập chân, miệng hát nho nhỏ. Trông Bé chả khác nào nàng Bạch-Tuyết lúc vui đùa cùng chim muông chốn rừng xanh ấy. Bé cứ ngắm mãi khuôn mặt mình mà tấm tắc khen thầm. Cho đến khi niềm vui sắp cạn, Bé mới nghĩ đến việc “thu dọn chiến trường”.
 
Mới khổ thân Bé chứ ! Chiếc cọ quái ác mà khi nãy vì lơ đễnh Bé bỏ quên trên mặt bàn đã gây nên một “nốt ruồi duyên” bất đắc dĩ vào dung nhan vàng vọt của nó. Bé thầm than khổ và tìm khăn lau ngay vết mực. Nhưng vẫn chưa yên, cái khăn khốn nạn lại “lưu luyến” quết vào lọ mực Tàu khiến cả cái thân hình thủy tinh đen đủi ngã nhào xuống rồi từ từ lăn đến mép bàn để chu du đến nền gạch men bóng láng. Đến nơi, lọ mực còn như sung sướng lắm, hét vang một tiếng “xoảng” khiến cả nhà nghe thấy. Rồi như một cơn gió, Ba, Má, anh Hoài tràn vào. Má kêu ầm lên :
 
- Cơ khổ, sao Bé lại lấy mực Tàu của anh Hoài ra nghịch. Lại lau nhọc thôi.
 
Anh Hoài nhăn nhó, vừa gãi đầu vừa than :
 
- Thế là toi bình mực !
 
Chỉ có Ba còn để ý đến Bé. Trong lúc Má và anh Hoài lo quét dọn, Ba đến cạnh Bé. Qua màn lệ, Bé thấy ba nâng cằm Bé, lấy khăn lau nước mắt cho Bé ra chiều âu yếm lắm. Bỗng Ba kêu lên :
 
- Trời ơi ! Mực bắn cả vào mặt Bé thế này cơ à ?
 
Bé biết ba nói đến “nốt ruồi duyên” nên vội cải chính :
 
- Không phải…
 
Nhưng ba đã thấm nhanh giọt mực trong khi Bé dẫy nẩy :
 
- Nốt ruồi của con…
 
 
Nguyễn-Thái-Hải    
 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 92, ra ngày 15-6-1968)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>