Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

2 Gươm 8 Giáo


Một bên gánh, dưới cùng là chậu nước rửa. Trên chậu nước rửa là thúng đựng bún và rau sống : rau muống chẻ, bắp chuối thái nhỏ, rau thơm... nắp thúng úp đầy những tô lớn, hũ dấm ớt, chai nước mắm. Hộp guigo mầu bạc đầy ắp những chiếc đũa tre. Phía bên kia gánh, cái bếp lửa âm ỉ hâm nóng thường trực nồi riêu.

Bà hàng ngồi trên chiếc ghế con, gắp bún vào tô rồi mở nắp nối riêu, thuận tay với lấy cái mui lớn khoác ở đầu gánh, khoắng nồi riêu một cái. Mùi thơm từ đám gạch cua, hành, mỡ... được từng làn khói chở lên cao loãng ra, lan dần vào mũi khách.

Tự nhiên khách nuốt nước bọt đánh ực một cái, nhìn chăm chăm vào tô bún đang được chan riêu. Những váng mỡ lấp lánh đủ mầu trong mui riêu úp chụp xuống những sợi bún trắng nõn. Bà hàng trao cho khách. Khách đón lấy, gắp thêm ít rau sống, chan ít nước mắm ớt, trộn đều.

Gạch cua, bún, rau, ớt... màu mè của chừng đó thứ, mùi vị của chừng đó thứ là tác nhân kích thích tuyến nước bọt của khách (và không chừng của cả các bạn nữa đấy). Thế rồi...

Ba cái chấm lửng kết thúc đoạn thuật sự trên đây quả là ba cái chấm lửng vô duyên, bạn nhỉ.

Nhưng việc gì rồi mà chẳng đến đoạn kết. Đoạn kết lại có nhiều loại, có thể vui, có thể buồn, có thể gây một cảm tưởng tốt, cũng có thể gây một tiêng tiếc, thèm thèm. Chẳng hạn như đoạn kết của đoạn thuật sự trên ấy mà.

Kẻ này cam đoan là bạn thừa tài để tưởng tượng ra những thứ tiếp nối hai chữ "thế rồi... ", đồng thời, cũng thừa khả năng để tưởng tượng hình ảnh ứng với đoạn văn. Hình ảnh một người đang ăn bún riêu cua. Chao ơi! Mới là ngon lành!

Ấy vậy mà con vật đã cho ta món ăn khoái khẩu đó lại chỉ là một con vật với hình dáng chẳng mấy thanh tao, dễ mất cảm tình là khác. Eo ơi! Cái mai to tướng đỡ bởi bốn đôi chân, hai con mắt hệt như hai hột đu đủ, thêm hai cái càng chẳng khác nào hai cái mỏ lết của các bác thợ sửa xe, mà lại là hai cái mỏ lết tự động mới chết chứ. Nghĩa là nếu bạn thò tay khiêu khích, bạn phải kêu lên một tiếng não nùng ai oán, kèm theo lời cầu cứu : "Ối giời ơi, cua nó kẹp tôi".

Vâng. Chính thị là nó. Con cua.

HỌ HÀNG NHÀ CUA

Họ hàng nhà cua xem ra cũng khá đông đúc. Bạn có thể phân biệt được những tên : cua biển, cua đồng, còng, rạm, ba khía, dã tràng, cáy...

Anh chàng (hoặc cô nàng) cua biển có thân hình đồ sộ hơn cả, khoảng hơn kém một tấc, trong khi cua đồng nhỏ hơn, chừng bốn năm phân ; cáy, dã tràng... còn nhỏ hơn nữa, hai hoặc ba phân mà thôi.

Lai lịch của các bác cua biển, các anh cua đồng... không thấy được thuật lại trong các chuyện cổ tích. Cũng như chẳng có chuyện nào giải thích tại sao cua biển thì lớn, cua đồng thì nhỏ? Vào một sáng đẹp trời, trên không lơ thơ vài ba sợi mây trắng mỏng (bạn xem văn chương không?) kẻ này chợt nhớ đến một chuyện văn chương tiếu lâm giải thích về... cái mũi. Chuyện kể rằng ngày xưa loài người chưa có mũi, ông già Nô en thấy thế mới tội nghiệp, xách một giỏ lớn toàn là... mũi xuống làm quà cho loài người. Dân da trắng may mắn được phát mũi trước, những cái mũi để phía trên giỏ, nên mũi họ cao chót vót như bạn thường thấy, còn dân da vàng, tội nghiệp, được phát mũi sau, những cái ở tận dưới đáy giỏ, đành chịu mang những cái mũi... tẹt.

Kẻ này bèn làm một đường tưởng tượng và cũng dựa theo đấy để giải thích tại sao cua biển lờn, cua đồng nhỏ? Giải thích rằng thì là ông già Nô en (lại cũng ông ấy nữa) xách một giỏ cua đem tặng thế giới. Vẫn cái tính thiên vị, ông định phát cho người da trắng trước, chẳng ngờ, lần này bay ngang biển Thái Bình Dương, ông hứng chí thế nào mà làm đổ ùm cả giỏ cua xuống biển, chỉ còn sót lại ít con bé tí ở đáy giỏ. Ông tiếc ngẩn ngơ một lúc, và bấy giờ mới thấy hối hận đã thiên vị người da trắng quá. Ông bèn quyết định đem số cua còn lại phát riêng cho dân da vàng. Ai ngờ đâu khi bay ngang nước Việt Nam, lũ cua nhìn xuống, thấy đất nước này có hình chữ S, đôi mắt kẻm nhẻm kèm nhèm của chúng lại tưởng là con sâu, một món ăn béo bở. Thế là cả bọn rủ nhau nhào xuống biển kiếm ăn. Để rồi tới nay, sau bao năm biến đổi, chúng trở thành những con cua đồng. và bởi vậy, chúng có vóc dáng nhỏ hơn cua biển khá nhiều.

Chắc đến đây thế nào cũng có bạn hạch kẻ này rằng:

- Thế sao con dã tràng sống ở biển lại bé tí ti?

Thế là bạn nhầm rồi. Dã tràng sống ở ven biển chứ có sống dưới biển đâu nào? Vả lại, riêng dã tràng có cả một truyện cổ tích. Và truyện ấy thế này:

Ngày xưa, có anh chàng thợ săn tên là Dã Tràng. Một hôm Dã Tràng đi săn, bắt gặp một con rắn cái bỏ ổ đi tình tự với trai. Thấy đạo lý luân thường không được tôn trọng anh bèn ra tay trừng trị. Con rắn cái bị trúng tên, cố lết về ổ cũ thì gục chết. Rắn chồng về đến ổ, thấy vậy, liền tìm Dã Tràng để trả thù. May cho Dã Tràng, nó đến nhà anh ta vừa lúc anh ta kể cho vợ nghe chuyện anh giết rắn. Rắn chồng cho là anh ta làm việc phải, tặng anh ta một viên ngọc. Đặc điểm của viên ngọc rắn này là nó khiến Dã Tràng có thể nghe và hiểu được tiếng của loài vật.

Hôm nọ, Dã Tràng được một con quạ đến báo nó tìm thấy một con nai chết, dặn anh đi lấy thịt nai, nhớ để cho nó bộ lòng. Dã Tràng đi lấy thịt nai rồi quên khuấy mất. Quạ đến nhà đòi, Dã Tràng nổi giận giương cung bắn. Quạ liền tha tên đi cắm vào một cái xác chết trôi. Thế là Dã Tràng bị bắt về tội giết người mà không sao kêu oan được.

Ở trong ngục, Dã Tràng nghe lũ kiến kháo nhau rằng chúng đã phá hết kho lúa của nhà vua rồi rủ nhau tìm chỗ cao ẩn núp vì sắp có lụt. Anh đem chuyện nói với cai ngục, người này nói lại với vua. Vua truyền mở kho lúa ra xem thì quả đúng như lời Dã Tràng nói. Rồi ít hôm sau, quả nhiên có lụt.

Vua cho đòi Dã Tràng để hỏi tự sự. Dã Tràng đem chuyện viên ngọc rắn ra kể. Vua thích ngọc, truyền tha tội cho Dã Tràng với điều kiện anh ta phải nhường viên ngọc cho vua.

Từ ngày được viên ngọc, vua thích chí lắm, chỉ mải miết đi đây đi đó nghe loài vật trò chuyện. Để rồi một hôm vua ra biển mải nghe cá nói chuyện, làm rơi viên ngọc xuống biển. Vua cho người xuống mò tìm nhưng không thấy. Dã Tràng nghe tin, tiếc viên ngọc, ra công tìm kiếm. Những nơi nào anh đã tìm rồi anh lấy cát lấp để đánh dấu. Ngày qua ngày, Dã Tràng nhuốm bệnh rồi chết. Thượng đế thương hại, hóa kiếp anh thành con dã tràng, ngày ngày se cát lấp biển để tìm ngọc.

Do đó, người mình có câu rằng:

Dã Tràng se cát biển Đông
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.

CUA VÀ KHOA HỌC

Động vật học xếp cua vào lớp giáp xác (tức là có vỏ cứng), ngành hữu tiết (tức là có đốt).

Cua gồm có một vỏ cứng (mai) hình bầu dục, có nhiều mầu, mầu xanh nhạt  hoặc xám, hoặc nâu. Lớp vỏ này bằng chất ki tin có tẩm chất vôi, cho nên nếu bạn nghịch một tí, lấy vài giọt acid nhỏ lên mai cua, bạn sẽ thấy có những bọt nhỏ sủi lên. Những bọt đó là khí carbonic CO­­2 trong chất vôi CACO3 được phóng thích. Mầu xanh của lớp vỏ sẽ biến thành mầu đỏ khi bị nấu chín.

Đầu cua có hai mắt lồi, hai đôi râu giữ vai trò xúc giác và thị giác. Bụng cua nhỏ, hình tam giác, áp vào phía dưới ức (còn gọi là yếm cua). Tám chân và hai càng đều có đốt để dễ bò và dễ... kẹp. Dĩ nhiên, cua bò ngang.

Cua thở bằng go, nghĩa là phải sống dưới nước, nhưng nhờ go cua có nhiều buồng, tích trữ được nhiều nước, nên thỉnh thoảng, cua nhà ta vẫn có thể phất phơ lên bờ dạo mát hoặc hóng gió.

Trứng cua sẽ nở thành cua con trong bụng mẹ. Những chú cua con được cho ra ngoài chơi sẽ lớn nhanh như thổi. Cua là loài ăn thịt, nó bắt cá, bắt sâu, hoặc ăn thịt các động vật chết dưới nước... Cua sẽ trưởng thành sau nhiều lần lột xác. Để rồi, vào một ngày đen tối nào đó, cua nhà ta bị bắt bởi một bàn tay to lớn thò vào hang lôi cổ ra hoặc vì bị bẫy Số phận sẽ tùy từng bà nội trợ.

Cua ăn rất bổ (xin quảng cáo không công cho các bà hàng cua). Khoa học giải thích thế này : thân thể con người cần nhiều chất Ca. Này nhé, bắp thịt muốn vận động khỏe : cần Ca. Xương muốn tăng trưởng : nhờ Ca. Khi bị thương (như đứt tay chẳng hạn), nếu không có Ca, máu sẽ không ngưng chảy, vì Ca là một hóa chất cần thiết cho sự đông máu. Tóm lại, Ca rất cần thiết cho cơ thể con người, mà cua lại có nhiều chất Ca. Suy ra, ăn cua thì bổ.

Ngày xưa, các cụ chẳng biết Ca là cái mô tê chi cả, thế mà các cụ cũng biết là ăn cua bổ. Ở một vài vùng, các cụ giã cua, thêm nước rồi bỏ cái, lấy nước cua uống sống để chữa bệnh nhức mỏi, mệt nhọc. Uống nước cua sống thì nhất định là phải tanh và có vẻ thiếu vệ sinh rồi, nhưng theo lời các cụ thì công hiệu như thần, bổ ra phết!

Ngày nay chắc là chẳng bạn nào dám tẩm bổ bằng cua theo kiểu vừa kể, nhưng theo những kiểu khác thì kẻ này tin là các bạn chẳng chê lấy một tí chê. Chẳng hạn, tẩm bổ theo kiểu ăn cua nướng, cua rang muối, cháo cua, canh cua, bún riêu cua...

Lạy giời cho kẻ này đoán đúng!

CUA VÀ VĂN CHƯƠNG

Gì chứ người Việt mình thì nghệ sĩ hạng nhất rồi. Văn chương thi phú chẳng tha một thứ gì, kể cả... cua.

Các cụ xưa đâu cần mô tả con cua thế này, thế nọ như mấy nhà vạn vật học bây giờ. Thế mà nghe qua những câu thơm những câu ca dao, bới trí óc một tí, ai cũng biết ngay các cụ muốn tả con gì rồi:

Đã có mai xanh lại yếm vàng
Ba quân khiêng kiệu, kiệu nghênh ngang
Xin theo ông Khổng về đông lỗ
Học thói bàn canh nấu chín thang

Những câu tượng hình hơn:

Một ông chứa đám, tám ông làm cai
Rước hòn đá mài về chùa Hương Tích.

Hai gươm, tám giáo
Mặc áo da bò
Thập thò cửa lỗ.

Ấy là con cua. Ấy là một món ăn béo bổ. Cho nên mới có câu ca rằng:

Gió đưa gió đẩy
Về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá
Về đồng ăn cua

Nếu đất nước thanh bình, thì nhất định kẻ này sẽ cùng bạn khăn gói về tuốt dưới quê để được... ăn cua. Nhưng bây giờ thì có hơi phiền một tí, có muốn đi người lớn cũng cản ngăn, đành phải xuống nước năn nỉ: "Không cho đi thì xin cho ăn một bữa cua vậy". Thế là:

Cái bống đi chợ cầu canh
Cái tôm đi trước, củ hành đi sau
Con cua lạch đạch theo hầu
Cái chầy rơi xuống, vỡ đầu con cua.

Cái chầy rơi xuống, con cua vỡ đầu. Rồi sao nữa? Rồi con cua nát ra. Rồi cái xác nát ấy được bỏ vào nồi, thêm ít nước, trộn đều để các chất bổ, chất béo ngấm ra nước. Gạn lấy nước. Làm thêm hai ba lần nữa để tận dụng hết thảy tinh túy của cua. để rồi, món canh cua, hoặc riêu cua... thành hình.

Cũng như các món ăn quê hương khác, món canh cua được kể là một món ăn của tình nghĩa, đặc biệt là tình nghĩa vợ chồng:

Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Món ăn quê hương và tình cảm. Một mối liên lạc tưởng chừng không có, mà thực sự hiện diện, bền vững. Lớn hơn tình nghĩa vợ chồng, món ăn quê hương, mà món cua là một, còn là mối ràng buộc tình cảm người dân với chính mảnh đất thân yêu nơi sinh trưởng của mình nữa. Để một lúc nào đó, phải xa quê, mới thấy nhớ, thấy thèm một tô canh cua, một bát bùn riêu cua, mà ngày còn ở quê, có thể, có một lúc, mình chê món ăn quê mùa đó.

CUA VÀ BÓI TOÁN

Phần này xin được tặng riêng các bạn sinh từ 22-6 đến 23-7 (nhưng nếu các bạn khác có đọc cũng chẳng hề gì).

Tây Phương cũng như Đông Phương mình, dù họ tự hào là giỏi khoa học, nhưng tin vào bói toán thì cũng chẳng thua gì người mình. Chẳng thế sao có khoa tử vi Tây Phương. Khoa này cũng đặt ra mười hai tuổi cho mọi người, nhưng thay vì Tý, Sửu, Dần... họ lại đặt: Dương Cưu, Thiên Xứng, Hải Sư... căn cứ theo ngày tháng sinh.

Các bạn sinh trong khoảng 22-6 đến 23-7 được xếp vào tuổi Cancer, tiếng Việt mình là tuổi Bắc Giải, mà tượng trưng là con cua và mặt trăng.

Con cua thích sống trong hang nên bạn cũng rất thích có một mái nhà êm ấm, con cua khi kẹp một vật gì, thì nhất định không chịu buông, bạn cũng thế, giữ được vật gì thì giữ hoài. Mặt trăng chỉ sáng chói vào đêm khuya, nên bạn rất hợp với khung cảnh tĩnh mịch của đêm trường.

Một năng khiếu của những người có tuổi con cua : nhiếp ảnh.

Tiện đây, xin phép được bói hộ các bạn một quẻ (kể cả các bạn không có tuổi con cua nữa) : Quẻ bói rằng: mai sau lớn lên, nếu bạn không làm bất cứ nghề gì ngoài nghề chụp ảnh, thì bạn sẽ làm nghề chụp ảnh!

Ấy, bạn đừng cười. Rồi bạn xem, kẻ này nói không sai đâu. Lúc ấy, bạn nhớ xách máy lại nháy cho gia đình Tuổi Hoa một tấm nhé. Và riêng kẻ này, chắc bạn chẳng hẹp hòi gì mà không chụp tặng một pô thật độc đáo: pô hình trong đó, kẻ này đứng cạnh một con... cua. Biết đâu chừng nhờ tấm ảnh đó mà bạn lại đoạt một giải thưởng nhiếp ảnh quốc nội hay quốc tế?

Đến đây, kẻ này xin đoán già thêm tí nữa. Rằng các bạn có tuổi con cua sẽ cười xòa một tiếng mà rằng:

- Còn lâu! Cái ngữ nhà anh thì ai thèm chụp ảnh cho. Được mỗi bộ tán dóc!

Và các bạn không có tuổi con cua sẽ nhăn nhó, nếu không muốn nói là sẽ nổi giận, mắng kẻ này:

- Ơ hay, sao lại lôi tôi vào cái vụ chụp ảnh, tặng ảnh ấy nhỉ! Tôi có phải tuổi con cua, con còng gì đâu nào. Cái nhà anh này nói mà không biết ngượng, gì đâu mà ngang như...

Vâng ạ, quả là kẻ này nói ngang như cua mất rồi. bạn có thấy tội nghiệp không? Ấy cũng chỉ vì viết về cua mà nên nỗi.


NGUYỄN THÁI HẢI    
4-1970                


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 150, ra ngày 1-4-1971) 

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>