ba
Chiếc xe từ từ chuyển bánh, bỏ lại sau lưng thành phố còn ngái ngủ. Nguyên lấy tay lau hơi nước bám trên tấm kính để nhìn rõ bên ngoài. Hầu hết các cửa hàng còn đóng cửa kín mít. các dẫy nhà như co lại trong khí lạnh. Trên hè phố, thưa thớt người qua lại ; ai cũng thu mình trong những chiếc áo ấm dầy cộm, di chuyển với một dáng vẻ vội vã. Những làn sương mù bay thật thấp như quyện lấy mặt đường, cỏ cây.
Nguyên mở to mắt nhìn cảnh vật, muốn thu hết mọi hình ảnh vào thị giác, vào ký ức như sợ sẽ không còn bao giờ trở lại thành phố dấu ái này.
Đổ dốc, chiếc xe lao đi vun vút. Gió quật vào cửa kính tạo những âm thanh khô khan. Những hàng thông như quay tròn làm chóng mặt. Trên xe, lúc đầu hành khách còn ríu rít nói chuyện nhưng rồi chỉ một chốc lại im lặng. Nhiều người thiu thiu ngủ hay lơ đãng nhìn ra ngoài.
Nguyên đổi thế ngồi, ngả người vào thành ghế cho đỡ mỏi rồi thu tay vào hai vạt áo dạ. Đôi mắt lim dim, Nguyên không nhìn ra bên ngoài nữa, nhưng có vẻ tư lự. Hình ảnh những người thân hiện rõ trong tâm trí Nguyên. Chàng nhớ cha, nhớ mẹ, các em và ngôi nhà thân yêu. Sau khi quyết định được một tuần lễ, Nguyên âm thầm thu xếp một vài công việc cần thiết như nghỉ làm, sao lục ít giấy tờ hộ tịch... Những người đồng nghiệp, từ ông chủ sự đến bác Hạnh, từ cô Họa My tới cô Tình đều ngạc nhiên. Nguyên phải giải thích mãi họ mới tỏ ra thông cảm. Trước ngày Nguyên từ giã họ ông trưởng phòng tổ chức một bữa tiệc nhỏ "để gọi là chúc cậu Nguyên lên đường may mắn". Trong bữa ăn, thỉnh thoảng cô Tình lại trêu Nguyên:
- Uổng quá, có bốn cô em gái định để cho cậu Nguyên... tha hồ chọn thế mà... hụt!
Nguyên cũng vui vẻ đánh bạo trả lời:
- Không sao đâu chị Tình, chị cứ "giữ phần" cho tôi, thể nào sau này cũng phải nhờ chị rất nhiều!
Cô Họa My chen vào:
- Cậu Nguyên đừng thèm em chị Tình, tôi đã nhắm cho cậu một "món" này đẹp dễ nể luôn!
Thấy nhân viên vui, ông trưởng phòng cũng phụ họa theo:
- Hai cô lo cho mình chưa xong lại còn "đèo bòng" việc của kẻ khác! Cứ thờ "chủ nghĩa độc thân" như tôi mà lại khỏe, chú Nguyên ạ!
Nghĩ đến họ Nguyên cảm thấy trìu mến. Khởi đầu Nguyên những tưởng không thể chịu nổi những bộ mặt lạnh đến khinh khỉnh, nhưng sau Nguyên thấy ai cũng có lòng tốt và dễ chịu.
Nguyên lại nhớ buổi tối báo cho cha mẹ biết quyết định của mình ; ông Cả trầm ngâm bảo:
- Mày đã lớn, biết suy nghĩ rồi, tao với mẹ mày để tùy ý mày định liệu.
Mẹ Nguyên cũng bầy tỏ sự đồng ý về việc Nguyên muốn học lên nữa, nhưng còn chuyện Nguyên tính sẽ tự túc về tài chánh thì bà Cả do dự:
- Mày cứ để tâm vào việc học, còn tiền nong tao sẽ thu xếp gửi vào cho, chứ vừa đi làm vừa đi học thì mày còn sức đâu, ốm ra đấy lại chẳng bõ!
Để trấn an cha mẹ Nguyên lấy giọng thật vui vẻ kể về những việc làm tương lai của mình, nào dạy học, nào viết báo... mà những lý lẽ Nguyên đưa ra đều dựa vào lá thư của Thạch. Câu chuyện kéo dài rồi không hiểu sao lại quay về việc ông Hoàng muốn giúp Nguyên ăn học. Mẹ Nguyên chép miệng:
- Thằng Nguyên nó cứ dở người chứ người ta giúp mình vì thương mình, bây giờ mình nghèo thì cứ nhận đi rồi sau này trời cho mình làm ăn ra lại trả sau chứ mình có ăn không của ai đâu mà lo.
Nguyên lập lại câu nói đã nhiều lần thưa với cha mẹ:
- Như con đã nói với thầy mẹ con không thể nhận sự giúp đỡ của ông Hoàng, con không muốn mang ơn ai để sau này khỏi áy náy, hơn nữa con muốn được tự lập, mai này nếu thành tài mình cũng hãnh diện là đã tự mình cố gắng gầy dựng nên.
- Ấy thì tao cũng nói vậy thôi chứ còn tùy ở mày, tại tao nghe nói ông Hoàng đã giúp đỡ nhiều người rồi, cứ thấy ai ham học mà gia đình túng bấn là ông ấy cấp tiền hay mua sách vở cho, ông ấy bảo bây giờ mình cần nâng đỡ cho bọn trẻ để về sau chúng nó giúp gia đình, giúp xã hội.
- Con cũng công nhận ông Hoàng là người rất tốt, hiếm có ở đời này, nhưng con cũng không muốn quấy quả ông ấy... Mà thôi, để đến gần ngày đi Sàigòn con lên chào rồi cám ơn ông ấy luôn một thể.
Chiều hôm qua, sau khi ăn mặc tươm tất, Nguyên lên nhà ông bác sĩ Hoàng, những bước chân ngại ngùng của Nguyên đặt trên nền gạch hoa láng bóng. Thấy người lạ, mấy con chó Nhật xồ ra sủa ầm ĩ. Diễm hiện ra trên ban công nhìn xuống:
- Anh Nguyên!
Nguyên ngẩng lên. Diễm lúc nào cũng tươi mát như một bông hoa hé nở dưới nắng sớm, như một trái cây ương mọng. Diễm giơ tay vẫy mà Nguyên liên tưởng đến hình ảnh nàng công chúa trong truyện cổ tích vung tay ném trái cầu duyên.
- Chờ Diễm xuống nhé!
Tự nhiên Nguyên thoáng chút nuối tiếc quyết định ra đi của mình. Diễm đẹp và dễ thương quá! Nguyên sợ hình ảnh dấu ái này sẽ phai mờ trong thời gian chàng xa vắng. Tình cảm cũng như cây non cần được chăm sóc để lớn mạnh. Tuy nhiên ý nghĩ của Nguyên bị cắt đứt khi Diễm ào ra từ cánh cửa.
- Cô Diễm!
- Gớm lâu lắm anh Nguyên mới lên nhà Diễm chơi!
- Tôi định lên chào hai bác và cô Diễm để ngày mai đi.
- Anh Nguyên đi đâu?
- Sàigòn!
- Chi vậy anh?
- Tôi đi học cô Diễm ạ.
- Sao trước đây anh Nguyên nói là về ở đây luôn?
- Tôi nghĩ lại thấy tiếc việc học nên đổi ý.
- Phải đó anh Nguyên, học được vẫn hơn chứ. À anh Nguyên dự định theo phân khoa nào?
- Y khoa.
- Chà, oai ghê vậy đó! Mai mốt anh Nguyên trở thành bác sĩ thì thể nào...
- Đến được đó chắc vất vả lắm.
- Anh Nguyên có chí, sợ gì!
- Dù sao cũng lo lắm chứ!
Rồi như sực nhớ ra điều gì, Nguyên đưa mắt nhìn vào trong nhà:
- Để tôi vào chào hai bác.
Diễm cười ; hàm răng trắng bóng, mắt long lanh:
- Ba mẹ Diễm đi vắng rồi, có lẽ tối khuya mới về hay sáng mai không chừng.
- Tiếc quá!
- Thôi để Diễm về nói lại với ba mẹ cho.
- Cám ơn cô Diễm!
Tự nhiên, không ai bảo ai, hai người sánh bước trên sân gạch. Thinh lặng. Những chiếc lá vàng như đùa giỡn, bay là là. Chợt Diễm nói bâng quơ:
- Đã vào thu rồi anh Nguyên nhỉ!
Nguyên chưa kịp trả lời thì tiếng Diễm lại tiếp nối:
- Diễm thấy những chiếc lá vàng dễ thương ghê đi! Sau này có nhà riêng, Diễm sẽ không cho ai quét lá vàng, Diễm để ngắm và đi trên đó.
- Cô Diễm lãng mạn đấy!
Diễm nghiêng nghiêng mái tóc, mở đôi mắt nai nhìn Nguyên:
- Lãng mạn có gì xấu không anh? Tụi bạn vẫn trêu Diễm như vậy đó!
- Không có gì xấu cả! Thỉnh thoảng mình cũng nên thả hồn bay bổng khỏi những ràng buộc của thực tế để sống trong thế giới riêng của mình.
- Thế anh Nguyên có hay lãng mạn không?
- Cũng có chứ, nhưng...
- Nhưng sao anh Nguyên?
- Lãng mạn rồi lại buồn!
- Lạ vậy anh Nguyên?
Nguyên trầm ngâm, nửa muốn nói hết ý tưởng của mình, nửa ngại ngùng, sau có lẽ nghĩ ngày mai sẽ xa Diễm, Nguyên trở nên mạnh dạn:
- Tại những điều mơ ước tôi biết chắc mình sẽ không bao giờ thực hiện được.
Diễm nhìn Nguyên, chớp chớp hàng mi cong vút như ngạc nhiên trước những lời nói của người bạn sắp đi xa:
- Anh Nguyên mơ ước những gì nào, kể cho Diễm nghe đi!
- Nhiều thứ lắm cô Diễm ạ.
- Để Diễm đoán nhé : anh mơ ước học thành tài này, muốn giúp đỡ gia đình này. Đúng không nào?
- Cũng... gần đúng!
- Như vậy thì Diễm thấy anh Nguyên đã khởi sự thực hiện và Diễm tin chắc anh Nguyên sẽ thành công, thế sao anh Nguyên lại nói "không bao giờ thực hiện được"?
- Còn một điều quan trọng nhất cơ, và chỉ liên quan đến cá nhân tôi mà thôi.
- Khó quá nhỉ! Để Diễm lại làm thầy bói nữa nhé – việc học rồi nè, sự nghiệp rồi nè... À, phải rồi... tình yêu, đúng không?
Nguyên giật mình, như đột nhiên bị ném vào khoảng không. Phản ứng tự nhiên, Nguyên đứng sựng lại trong khi tiếng Diễm vẫn lanh lảnh:
- Anh Nguyên có người yêu rồi mà giấu Diễm há!
- Ơ... ơ... không...
- Hay anh Nguyên đã yêu cô nào mà không dám nói phải không nào? Thôi để Diễm làm mai cho. Có phải cái cô làm chung phòng với anh Nguyên không?
- Đâu có!
Như người bị dồn vào chân tường, Nguyên hối hận đã khơi mào ra câu chuyện "lãng mạn" để rồi chính mình trở thành nạn nhân. Nguyên muốn biến khỏi đây hay bỏ Diễm lại mà vào rừng lang thang. Chàng như con thú bị thương mà Diễm không tha, vẫn hỏi dồn : "đúng không anh Nguyên?", mặc dầu chàng đã phủ nhận nhiều lần. Cuối cùng, như cùng đường Nguyên đâm liều:
- Tôi không dám xác định là đã yêu chưa, nhưng...
- Nhưng anh Nguyên đã nuôi hình ảnh người đó trong tâm hồn?
- Đúng vậy, nhưng người ta lại xa lạ với tôi!
- Ai mà... dại vậy anh Nguyên? Phải cái cô người nho nhỏ ở trong sở anh Nguyên không?
- Không! Tôi coi họ như những người chị ; người này đẹp lắm, cao sang lắm, giầu có lắm...
Nói được câu trên, Nguyên cảm thấy nhẹ nhõm, khoan khoái – như có làn gió nhẹ lướt trong tâm hồn. Chàng liếc nhanh sang Diễm, mặt nàng hồng lên. Như được trợ lực, đến lượt, Nguyên dồn Diễm vào cơn xoáy:
- Thế cô Diễm có... người yêu chưa?
Diễm cúi mặt lắc đầu:
- Anh Nguyên hỏi kỳ quá à!
- Sao mà kỳ? Tuổi mới lớn mấy ai tránh khỏi luật tự nhiên đó!
- Nhưng Diễm... chưa nghĩ gì về vấn đề đó, giờ thì Diễm chỉ biết học và vui chơi thôi.
- Chắc sau này người yêu của Diễm phải là người... đẹp trai, con nhà giầu...
- Diễm không chịu anh Nguyên nói vậy nữa đâu, Diễm giận cho mà xem!
Nhìn dáng điệu phụng phịu của Diễm, Nguyên thấy nàng hết sức dễ thương – như một trái cây mọng nước làm người nhìn thấy thèm thuồng muốn cắn. Nửa muốn trêu Diễm để được nhìn nàng thẹn thùng, nũng nịu, nửa sợ Diễm giận hoặc nước mắt chạy dài, Nguyên đành chuyển hướng câu chuyện về những vấn đề vu vơ.
Nguyên và Diễm đã đi hơn một vòng sân rồi rẽ xuống vườn. Khi ngang qua một cụm hoa, Nguyên đưa tay chỉ cho Diễm:
- Cô Diễm thấy bông hoa tím kia không?
Diễm reo lên như đứa trẻ được quà:
- Đẹp quá! Diễm đâu ngờ vườn nhà mình lại có bông hoa này.
Nguyên lách chân bước nhẹ vào vườn, bứt lấy bông hoa tím mầu mực học trò:
- Đền cô Diễm bông hoa mà trước đây tôi đã làm hư.
- Cám ơn anh Nguyên.
Diễm đỡ lấy bông hoa. Vô tình tay Nguyên chạm vào tay Diễm, cả hai ngượng ngập ; từ đó Nguyên và Diễm như mất tự nhiên, đi bên nhau nhưng không ai nói câu nào, mãi đến khi Nguyên nhận ra chiều đã đổ thấp mới nhỏ nhẹ nói với Diễm:
- Thôi tôi về, cô Diễm.
Diễm choàng tỉnh, ra khỏi cơn mê, nhìn Nguyên:
- Anh Nguyên về à?
Nguyên gật đầu. Diễm hỏi thêm:
- Sáng mai anh Nguyên đi sớm?
Nguyên lại gật đầu, nhìn Diễm chăm chú khiến nàng phải cúi mặt ; tay vân vê bông hoa tím mầu mực học trò.
- Cô Diễm ở lại mạnh khỏe nhé.
- Dạ, cám ơn anh Nguyên.
- Cho tôi gửi lời chào hai bác.
- Dạ!
- Xuống Saigon tôi sẽ viết thư về xin lỗi hai bác.
Diễm ngước mắt, mỉm cười:
- Anh Nguyên... viết thư cho cả Diễm nữa nhé, kể chuyện Sàigòn cho Diễm nghe.
- Thế cô Diễm cho phép chứ?
- Lúc nào anh Nguyên cũng khách sáo!
- Vậy cô Diễm nhớ hồi âm đấy.
- Diễm hứa!
- Tôi sẽ viết cho Diễm thật nhiều, thật dài, cô Diễm chịu không nào?
- Chỉ sợ Sàigòn làm anh Nguyên quên... Đàlạt thôi!
Nguyên vận dụng tâm trí, chọn một câu nói bao gồm nhiều ý nghĩa:
- Không bao giờ! Đàlạt đối với tôi luôn luôn tuyệt vời, không những không bao giờ quên mà sau này, với bất cứ giá nào, tôi cũng sẽ trở về với Đàlạt...
Nguyên ngừng tiếng như muốn dò xét một vài biến đổi nào đó trên khuôn mặt xinh xinh và trong đôi mắt hạt huyền của Diễm rồi nói tiếp:
- Chỉ sợ khi tôi về cô Diễm đã... đã lấy chồng rồi!
diễm giậm hai chân vào nhau như đứa trẻ dỗi hờn:
- Không thèm chơi với anh Nguyên nữa! Anh nói kỳ quá à!
Nguyên vội vàng:
- Thôi xin lỗi cô Diễm, tôi nói đùa mà!
Diễm tươi nét mặt lại, nhưng giọng nói vẫn phụng phịu:
- Lần sau anh Nguyên còn nói vậy nữa Diễm sẽ giận anh Nguyên luôn vậy đó.
Nguyên gật đầu:
- Xin ghi nhớ!
Trước khi quay đi Nguyên chỉ bông hoa tím mầu mực học trò trong tay Diễm, nói nhỏ:
- Thử xem cô Diễm giữ bông hoa này được bao lâu.
- Diễm sẽ ép vào sách và khi nào anh Nguyên về sẽ đưa cho xem, nhưng anh nhớ phải thưởng Diễm đó.
- Nhất định sẽ không quên... Thôi tôi về cô Diễm.
- Vâng, mai anh Nguyên đi bằng an.
Khi Nguyên vừa quay bước thì tiếng Diễm gọi giật lại:
- Anh Nguyên!
Nguyên dừng lại. Diễm nói thật nhanh như sợ ai ngắt quãng:
- Viết thư cho Diễm anh Nguyên đừng gọi Diễm là "cô Diễm" nữa nhé, gọi Diễm như hồi chúng mình còn bé đó.
Nét xúc cảm hiện trên mặt Nguyên. Chàng muốn nói một câu hay làm một cử chỉ nào biểu lộ những cơn sóng dạt dào trong nội tâm, nhưng không hiểu sao lúc này người Nguyên như mụ đi, nặng chịch khiến chàng đứng ngây người, rồi Nguyên quay đi trong khi vẫn biết Diễm đang đứng nhìn theo mình...
Nghĩ lại dĩ vãng Nguyên cảm thấy thân ái. Những hình ảnh yêu dấu linh hoạt trong tâm trí như cho Nguyên sống thật với hoàn cảnh diễm tuyệt chiều qua. Tuy nhiên Nguyên vẫn cảm thấy có một cái gì nuối tiếc ; những giờ phút ở bên Diễm đối với Nguyên sao đi quá nhanh, những lời nói mà Nguyên đã sửa soạn, đã chọn lựa để khi gặp Diễm sẽ nói, lại biến đi hết để rồi Nguyên chỉ nói những chuyện không đâu vào đâu, nói rất ít, không hay, không bằng một phần nhỏ những câu nói có sẵn. Dù vậy Nguyên cũng tự bằng lòng phần nào vì đã khá bạo dạn trước mặt Diễm, đã nói được một vài lời có ý nghĩa – kể ra mình cũng đã... tiến bộ – Nguyên mỉm cười với ý nghĩ này.
Chiếc xe vẫn lao nhanh như một mũi tên, bỏ lại đằng sau đồi núi. Nắng đã lên cao, gần thẳng đỉnh đầu. Hầu hết hành khách đã cởi áo lạnh và kêu nóng. Nguyên cũng trút bỏ cái áo dạ, nhét vào sắc tay – còn lâu lắm mình mới lại dùng tới nó. Cảm nghĩ này đưa Nguyên tới một tương lai mù sương. Còn lâu lắm! Phải, còn lâu lắm Nguyên mới thực sự được sống ở Đàlạt, thành phố của tình yêu và mơ mộng. Thời gian còn dài. Rất nhiều trở ngại, khó khăn, cực khổ, có thể có cả những uất nghẹn, những nước mắt... sẽ trải đầy trên những bước chân của Nguyên. Để tới được cánh vườn ước mơ với những bông hoa rực rỡ ngạt ngào hương thơm, với những tiếng chim ríu rít và bầu trời xanh thẳm... Nguyên sẽ phải trèo, phải vượt qua không biết bao nhiêu triền dốc ngổn ngang đá nhọn của cuộc đời.
Từ bây giờ đến đó chắc sẽ có nhiều đổi thay. Không có gì tồn tại mãi với thời gian. Liệu lá cây rừng có còn xanh khi Nguyên thành tài? Thành phố cao nguyên có luôn mãi diễm tình hay chỉ là một thứ không gian trơ trẽn sầu đau? Và bông hoa kỷ niệm có còn tím mầu mực học trò? Và Diễm có còn là Diễm của ngày hôm qua, hôm nay nữa không? Thằng Thạch khuyên mình nên học để gây dựng sự nghiệp trước khi thực hiện giấc mơ tình yêu nhưng hỏi rằng khi công thành danh toại rồi thì tình yêu có còn giữ nguyên vẹn hình hài hay đã chắp cánh bay xa? Nếu tất cả đều ngược chiều với những mơ ước thì buồn lắm nhỉ! Đúng là dã tràng xe cát biển đông! Cuộc đời thật lắm rối bời gai lửa, được cái nọ thì mất cái kia, vấn đề nào cũng lớn, cũng có tính cách khẩn cấp. Với tài sức nhỏ bé mà Nguyên như muốn ôm cả vũ trụ trong vòng tay. Phải chăng tuổi trẻ quá tham vọng nhưng cũng đầy đa nghi? Mới chất chứa hy vọng đấy mà những hoài nghi đã vụt đến. Nguyên thở dài, thầm nói một câu mà Nguyên vẫn hay dùng mỗi khi buồn chán, nghi ngờ hoặc gặp một vấn đề không lối thoát – thôi mặc kệ, tới đâu hay đến đó ; nếu quả thực có số mệnh thì mọi sự đã được an bài, lo nghĩ chỉ làm cằn cỗi cuộc sống. Nghĩ rồi Nguyên trả lại sự thanh thoải cho tâm thần rồi đưa mắt nhìn ra ngoài.
Xe đã gần vào Sàigòn. Cái nóng hừng hực phà xuống thân thể làm Nguyên muốn ngạt thở. Nguyên thấy nhớ căn nhà dấu yêu của cha mẹ, nhớ những người thân, thấy thèm cái lạnh mát của không khí cao nguyên...
Sau một hồi loay hoay chiếc xe mới nằm yên một chỗ trong bến. Nguyên vẫy một chiếc xích lô, thuê chở về địa chỉ của Thạch. Một niềm vui nhen nhúm trong Nguyên. Nhìn cảnh tấp nập của đường phố, nhìn những cơn nắng quần quật trên nóc nhà, dưới mặt nhựa, Nguyên như thấy mở ra trước mắt chàng một cuộc đời mới dẫy đầy thử thách. Nguyên sẽ phải chen mình vào những đám đông kia để tranh sống. bây giờ mới thực sự khởi đầu giờ phút học tập sống cuộc đời tự lập và đối diện thực tế. Đây mới là lúc áp dụng câu danh ngôn "sống là chiến đấu" mà hồi còn học trung học các thầy giáo hay cho Nguyên nghị luận và Nguyên đã sẵn sàng.
Trả tiền cho người phu xe xong, Nguyên xách hành lý tiến vào một căn nhà có căn gác bằng gỗ mà Nguyên đoán là nơi Thạch mô tả trong thư. Dưới nhà đóng cửa, Nguyên đi vòng ra phía sau, leo lên chiếc cầu thang ọp ẹp gần như thẳng đứng. Nguyên cất tiếng gọi:
- Thạch! Thạch ơi!
Có tiếng động bên trong rồi cánh cửa xịch mở. Thạch mình trần, mặc chiếc quần đùi dài tới đầu gối, hiện ra, reo lên:
- Nguyên! Mày ra hồi nào?
- Thì mới đây!
- Sao không báo cho tao biết?
- Mày bảo đừng hồi âm mà.
Thạch nói ừ nhỉ rồi đỡ chiếc va-li ở tay bạn. Nguyên hỏi:
- Mày đang làm gì trong "tháp ngà" của mày thế?
- Ngủ!
- Cũng bầy đặt ngủ trưa nữa à?
Thay câu trả lời, Thạch nói như ngâm thơ:
- Phong lưu nhất ai bằng chú... Thạch!
Hai người cười. Bây giờ Nguyên mới để ý chỗ ở của Thạch. Căn gác không rộng lắm, vuông vức khoảng chừng sáu chiếc chiếu ; hai cửa sổ mở rộng trông qua nhà hàng xóm nhưng cũng đủ cho người bên trong nhìn thấy một khung trời và hít được gió mát ; trần nhà bằng "các tông" sơn trắng đã ngả mầu vàng và đôi chỗ loang lổ vết nước mưa ; chung quanh tường gỗ, trên một sợi dây thép căng cẩu thả, chỗ này mắc chiếc áo, chỗ kia cái quần. Nguyên nghĩ đúng là phòng của con trai độc thân. Trong góc phòng kê một chiếc tủ cao không quá đầu người, cạnh đó là một cái bàn, hai cái ghế bằng gỗ mộc mà trên mặt còn in đậm những hàng chữ mầu đen "Handle with care".
- Làm gì mà ngây người ra vậy?
Nguyên giật mình bởi câu nói của Thạch, cười, trả lời:
- Mày ở bê bối quá!
- Trai chưa vợ mà mày!
Sau khi đặt chiếc vali xuống ghế, Thạch chỉ cho Nguyên:
- Bây giờ trên nguyên tắc mỗi thằng một "giang sơn", mày muốn ở mé trong hay phía ngoài cũng được. Chiều, tao mua ít thùng gỗ ở chợ Bến Thành về đóng cho mày bàn học ; tối tao với mày trải chiếu ra sàn ngủ, được không mày?
- Được, nhưng sao mày không kê bàn học của mày ở cửa sổ có phải mát hơn không?
- Trước tao cũng kê như vậy nhưng sau "kẹt"!
- Kẹt gì?
Thạch cười như có vẻ e thẹn:
- Nhà bên kia có... mấy "em" cứ hay... "chiếu tướng" tao!
- Cha! Giờ cũng bầy đặt đạo đức ta!
- Không phải, tại tao sợ... lo ra, không học được mỗi lần các "em" xuất hiện. Hơn nữa nhiều khi nóng tao hay cởi trần, sợ "người đẹp" chê là không có... óc mỹ thuật!
Nguyên cởi áo ngoài vắt lên sợi dây mắc dài trên vách tường, quay lại nói với Thạch:
- Mai tao sẽ dọn dẹp cho sạch sẽ, mua mấy bức tranh về treo cho đẹp căn gác.
- Trước tao cũng treo mấy tấm "playboy" nhưng con nhà Thuận râu tới chơi mê quá rồi rinh về luôn!
- À, bây giờ tên đó đâu rồi?
- Chàng thi rớt nên giận đời về quê đòi má cưới vợ để chờ ngày đi Thủ Đức!
- Còn con nít mà vợ với con cái gì! Mày sạo!
- Bố thằng nào sạo! Chính tao phù rể nó này! Ở tỉnh lẻ như vậy đã bị coi là... ế vợ rồi đó mày!
Nguyên ngả lưng xuống sàn gác. Các gân cốt trong người dãn ra thoải mái sau những giờ gò bó trên xe. Thạch quẳng cho Nguyên bao thuốc lá và hộp diêm. Rút một điếu, châm lửa, rồi Nguyên như chợt nhớ ra điều gì quan trọng ngồi bật dậy, hỏi Thạch:
- Chủ nhà ở dưới phải không mày? Để tao xuống chào cho phải "đạo làm người"!
- Miễn! Bà ta với cô con gái đi vắng đến tối mới về.
- Nhà có hai mẹ con thôi sao?
- Góa chồng, ở vậy nuôi con!
Nguyên nằm xuống lại, nói đùa với Thạch:
- Mày sơ múi gì con gái nhà người ta chưa?
- Tầm bậy! Nó mới mười hai tuổi!
- Mấy hồi! Chừng một hai năm nữa là trông em hết hồn ngay!
- A, thằng này mới về Đàlạt có mấy tháng mà ăn nói có vẻ tiến bộ ghê!
- Còn phải nói!
Thật ra chính Nguyên cũng ngạc nhiên về những ngôn từ mình dùng hôm nay ; dường như chàng thoát ra từ một con người khác với con người thường nhật rụt rè, thận trọng và mặc cảm của Nguyên. Phải chăng vì Nguyên đang vui hay vì Nguyên đã sẵn sàng nhập vào một cuộc đời mới? Tuy nhiên Nguyên không kịp nghĩ ngợi xa hơn nữa, cơn mệt mỏi của cuộc hành trình trên 300 cây số đã nhẹ đưa Nguyên vào giấc ngủ.
Thạch nhìn bạn, mỉm cười vu vơ...
*
Nguyên đã quen dần nếp sống mới. Trong khi chờ ngày thi vào y khoa, tối tối Nguyên đi kèm trẻ học tại tư gia. Chàng có hai chỗ làm do Thạch giới thiệu nên số tiền kiếm được cũng đến chục ngàn. Nguyên dự tính từ tháng tới, sau khi mua sắm ít đồ dùng cần thiết, sẽ gửi tiền về giúp cha mẹ. Đã hơn một tháng xa gia đình Nguyên cũng viết về cho nhà hai lá thư, vừa kể những sinh hoạt mới của mình, vừa để trấn an cha mẹ. Ngược lại Nguyên cũng được hồi âm một lần ; trong lá thư của cha mẹ, một điều làm Nguyên suy nghĩ là việc ông bác sĩ Hoàng tăng lương gấp đôi cho ông bà Cả kể từ khi Nguyên ra đi. Cha mẹ chàng biểu lộ một nỗi vui mừng khôn tả, nhưng với Nguyên, chàng đã hiểu ý nghĩa việc làm của ông Hoàng : vì Nguyên muốn tự lực nên ông Hoàng tìm cách giúp đỡ chàng bằng cách tăng lương cho cha mẹ Nguyên. Chắc ông Hoàng muốn Nguyên được an tâm, không phải lo nghĩ về vấn đề tài chánh của gia đình? Lời ông Hoàng nói hôm nào như còn văng vẳng bên tai Nguyên : "Bác rất mến những người có trí, hiếu học. Hồi còn thanh niên bác đã bị đời dối gạt, lợi dụng sự hăng say và nhiệt huyết của bác để mưu cầu tư lợi. Bác đã tự hứa sẽ "trả thù" đời bằng ý muốn thay đổi toàn diện cuộc đời, nên thấy những người trẻ nào vị tha, chân tình... bác khuyến khích và hết lòng giúp đỡ ngay vì xã hội trông chờ vào lớp người trẻ đó..." – Nguyên cảm phục ông Hoàng và nhận thấy ông thật là một người tốt, hiếm có trong cuộc đời. Chàng nghĩ thêm nếu trong đời có những bậc đàn anh biết âm thầm hy sinh cho cộng đồng thì chắc chắn xã hội đã tiến xa và có một bộ mặt tuyệt hảo.Nhưng tiếc rằng ở đâu và vào thời nào loài kên kên vẫn đông đảo hơn bồ câu – những con én không làm nổi mùa xuân! Ông Hoàng là ân nhân của gia đình Nguyên và sau này nếu thành tài Nguyên là người đầu tiên phải chịu ơn ông... Tuy nhiên tương lai còn xa, còn ngoài tầm tay của Nguyên và chàng còn phải vượt biết bao triền dốc của cuộc đời để tới đích.
Ý nghĩ này đưa Nguyên về một thực tại gần nhất : kỳ thi vào trường đại học y khoa sắp tới! Mặc dầu học khá trong lớp, chương trình thi Nguyên đã tương đối thông làu, nhưng Nguyên vẫn lo sợ. Những lời đồn đãi làm Nguyên ít hy vọng vào kết quả. Chẳng thế mà Thạch đã bỏ ý định thi y khoa để vào đại học Sư Phạm vả nếu trượt sẽ học luật khoa – nào muốn trúng tuyển kỳ thi nhập trường y khoa phải "chạy thuốc", tối thiểu năm trăm ngàn! Đó là chưa kể những năm sau này muốn được lên lớp đều đều cũng phải mất những số tiền tương đương như vậy – nào chỉ những thí sinh đã theo học các lớp luyện thi sư-y-dược do các giáo chức của các phân khoa đó tổ chức mới hy vọng thi đậu... Nguyên nghĩ đến những điều đó mà thật thì đúng là học đường đã trở thành cái chợ buôn bán bằng cấp! Nguyên cũng đã dự tính nếu vì nghèo, không có tiền "chạy thuốc" để được vào học y khoa, chàng sẽ cùng Thạch dự thi vào sư phạm, và nếu thất bại nữa, Nguyên nói với bạn : "tao sẽ về... làm vườn với ông bô bà bô". Chàng thấy thật buồn cho thân phận Việt Nam nói chung, đặc biệt cho những người trẻ. Trường ốc ít, giáo chức thiếu nên các phân khoa đại học, các trường cao đẳng có tính cách chuyên môn đặc biệt như y-dược-khoa, kỹ thuật, nông nghiệp... đã trở thành giấc mơ của các sinh viên. Mấy ai được học hành đúng theo khả năng và sở thích của mình. Không nói đâu xa, chỉ việc thi tuyển nhập học cũng đủ là chuyện "lấp biển vá trời". Một thí sinh phải "hạ" có khi cả ngàn người bạn của mình mới có hy vọng trúng tuyển. Trong khi đó các phân khoa được mệnh danh là "vào cửa tự do" như luật và văn khoa lại chật ních sinh viên mà đa số là những người đã thi rớt vào các phân khoa chuyên môn. Nguyên bật cười khi thấy những thằng bạn đi trước, hồi còn ở bậc trung học theo ban toán, ban khoa học để mơ thành những bác sĩ, dược sĩ, những kỹ sư, nhà giáo... để rồi cuối cùng đã bất mãn ghi danh vào luật hay văn khoa. Có thằng bạn đã nói khôi hài với Nguyên:
- Mày biết không, ở luật với ở văn, sinh viên đông như nêm cối, nhưng đa số học lè phè, học để có "chứng chỉ hợp lệ quân dịch", nhưng mỗi giờ học, nếu mày có máu siêng năng thì phải đi trước ít nhất cả ba bốn tiếng đổng hồ mới mong có ghế tử tế mà ngồi, nếu không thì đứng ngoài hành lang hay ngồi trên cửa sổ mà chõ tai vào mà nghe các "ổng" lè nhè, bởi vì các phòng học rất chật chội, ghế thì chân "chiếc rụng chiếc lung lay", xung quanh trường thì bẩn ôi là bẩn, đến nỗi nếu không phải là người trong "nghề" thì khi đi ngang không ai biết đó là một trường đại học. Đấy, mày đã thấy trường Văn Khoa yêu quí của tao, "không giống ai" hết! Chúng tao đã đề nghị đổi "trường văn khoa, nơi đào tạo các tinh hoa của đất nước" thành "văn khoa, thùng rác đô thành"!
Nguyên nghe buồn buồn trong tâm tư.
Bên ngoài, trời đã xuống thấp, bóng tối nhá nhem đã làm nhạt nhòe cảnh vật. Nguyên không muốn bật đèn, lững thững ra đứng tỳ tay vào thành cửa sổ nhìn ra ngoài. Nguyên nhếch mép cười khi ánh mắt chợt dừng lại phía cửa sổ căn nhà đối diện, nơi mà Thạch gọi đùa là có những người đẹp chiếu tướng. Ý nghĩ không hiểu có đôi mắt nào nấp trong bóng tối chiếu tướng mình không làm Nguyên nóng bừng mặt mũi. Tự nhiên Nguyên đứng ngay ngắn lại và nhích vào bên trong như cho điều mình nghĩ là thật. Dần dần các ý tưởng trong đầu óc đưa Nguyên về với gia đình ; tuy nhiên hình ảnh của những người thân chỉ thoáng qua, còn đậm nét và ở lại lâu nhất vẫn là hình ảnh của Diễm – Giờ này Diễm đang làm gì nhỉ? có giây phút nào Diễm chợt tư lự nhớ đến mình không? Diễm còn nuôi ý thích không quét đi những chiếc lá vàng trên sân để được dẫm lên? Sách của Diễm có ép bông hoa tím mầu mực học trò mà mình đã tặng Diễm trong buổi chiều từ giã? Nguyên quanh quẩn với những câu hỏi đó để rồi lúc lo lắng, lúc hy vọng. Nguyên nhớ lại trong lá thư viết gửi ông bà Hoàng sau ngày rời Đàlạt để cáo lỗi đã không gặp được ông bà đồng thời cám ơn lòng tốt của ông bà Hoàng, chàng cũng đã viết vài dòng chữ hỏi thăm Diễm và đây, theo Nguyên, mới là điều chính yếu chàng muốn bầy tỏ. Nguyên chưa dám viết riêng cho Diễm, sợ ông bà Hoàng biết, do đó chàng coi những lá thư gửi cho ông bà Hoàng như những dọn đường cho những lá thư riêng sau này cho Diễm. Có lẽ Diễm sẽ trách Nguyên không giữ đúng lời hứa là sẽ viết thư ngay cho Diễm khi tới Saigon, nhưng sau này Diễm sẽ hiểu lý do.
Khi ở Đàlạt những lúc nhớ Diễm, Nguyên đã nhiều lần tự hỏi lòng mình đã yêu Diễm chưa hay chỉ là những giao động của một người con trai đang ở chóp đỉnh tuổi mới lớn, nhưng không lần nào Nguyên tìm ra được câu trả lời. Bây giờ xa Diễm, xa khung cảnh thơ mộng và diễm tình, Nguyên coi là một cơ hội để trắc nghiệm lòng mình. Theo Nguyên quan niệm, chỉ thật sự yêu khi nào cảm thấy mình không thể thiếu người đó trong cuộc đời. Rồi đây khi đối diện với thực tế, va chạm với hoàn cảnh, tiếp xúc với nhiều người khác, hình ảnh Diễm có còn chiếm ngôi vị của một thần tượng hay sẽ chìm lắng trong vùng tiềm thức tăm tối? Nguyên không thể suy đoán trước được, chỉ biết hơn một tháng nay xa Đàlạt Nguyên nhớ Diễm đến quay quắt và thường rùng mình hốt hoảng mỗi khi nghĩ sẽ mất Diễm mãi mãi...
Nguyên vừa nghĩ đến đây thì cũng đúng lúc xe của Thạch quẹo vào sân ; ánh đèn quét một đường dài giữa bóng đen rồi tắt ngúm theo tiếng máy. Nguyên bật đèn trong nhà, thay vội quần áo, với quyển sách rồi chạy xuống nhà. Gặp Thạch dưới chân cầu thang Nguyên hỏi:
- Hôm nay mày về trễ?
- Xế hết "săng" bất tử phải dắt bộ đến gần nửa tiếng đồng hồ mới tìm ra chỗ xăng bán lẻ. Có trễ lắm không?
- Không sao!
- Nguyên này, lát nữa về tao nói mày chuyện này hay lắm!
- Chuyện gì?
- Rồi sẽ biết.
Tiếng máy xe lại vang lên rồi vụt đi.
Tối nào cũng vậy, Nguyên chờ Thạch đi dạy học về rồi lấy xe đi kèm trẻ. Lúc đầu Nguyên còn bỡ ngỡ với việc làm mới nhưng sau quen dần và thích thú. Học trò của Nguyên tuy là con nhà giầu nhưng ngoan và chịu khó học. Khi Nguyên mới tới dạy, chúng nhìn chàng rồi che miệng cười. Nguyên hiểu lý do. Chiếc bướu bằng nắm tay nằm phía sau cổ Nguyên đối với chúng rất lạ. Nếu như trước đây thể nào Nguyên cũng buồn vì mặc cảm, nhưng rồi Nguyên nghĩ đã chấp nhận vào đời thì phải vượt thắng hoàn cảnh, gạt bỏ những tình cảm thường tình để vươn lên, do đó, không những coi như không có gì, Nguyên còn nói đùa với chúng về cái bướu của mình, cho chúng lại gần quan sát và sờ tay lên đó. Thái độ cởi mở của Nguyên đã chiếm được sự cảm mến của lũ trẻ. Nhưng sau vài ngày Nguyên bắt đầu nghiêm lại, buộc chúng phải học đàng hoàng. Cha mẹ chúng thấy Nguyên tận tâm, thấy các con tấn tới, nhất là khi biết hoàn cảnh của Nguyên, đã dành cho chàng nhiều thiện cảm và ưu đãi. Nguyên cho mình là người may mắn, bởi vì Nguyên được nghe nhiều thằng bạn "trong nghề" kể lại rằng "nghề gõ đầu trẻ" tại tư gia rất bạc bẽo, có những phụ huynh đã dùng đồng tiền khai thác các ông thầy bất đắc dĩ này một cách triệt để, họ cằn nhằn hoặc bớt thù lao mỗi khi các ông thầy bất đắc dĩ đó tới trễ hay vì một lý do nào đó không tới dạy. Một thằng bạn đã chua xót nói với Nguyên:
- Thời buổi này người khôn của khó, mướn người làm thì hiếm lại đắt nên nhiều nhà đã nghĩ ra cách thuê mấy ông thầy vừa kèm trẻ, vừa coi con cái cho họ, vừa rẻ lại vừa sang! Đời chó má thật!
Nguyên đã buồn từ thuở đó đồng thời quan niệm ở đâu và thời nào người nghèo thường bị thiệt thòi.
Đêm nay sau khi dạy ba đứa trẻ suốt hai tiếng đồng hồ, Nguyên được cha mẹ chúng "mời cậu giáo vào chúng tôi có chút việc muốn thưa với cậu giáo". Nguyên ngồi xuống chiếc ghế bành bọc vải xanh, trước mặt hai vợ chồng:
- Thưa ông bà có chuyện chi dạy bảo?
- Chúng tôi không dám! Chả giấu gì cậu giáo, vợ chồng chúng tôi thấy cậu giáo là người tận tâm với các cháu – (Người vợ nói, còn người chồng chăm chú theo dõi với điếu thuốc trên tay) – Các cháu đây cũng mến cậu giáo. Chúng tôi xin gửi cậu giáo chiếc phong bì này (Nguyên đoán biết đó là thù lao của mình, khẽ đáp lại cám ơn ông bà) – Từ tháng sau chúng tôi sẽ đưa thêm cậu giáo một ngàn nữa gọi là một chút... – (Nguyên không để bà ta nói hết câu, vội thưa ông bà quá tốt đối với tôi, xin cảm ơn ông bà nhiều) – À, hình như ngoài đây, cậu giáo còn dạy ở chỗ khác nữa phải không ạ?
- Thưa bà vâng, cứ một tối tôi lại đây, một tối tôi lên đàng Chợ lớn.
- Tận Chợ lớn?
- Vâng.
- Xa xôi quá nhỉ!
- Vâng! Cũng may tôi mượn được chiếc xe của anh bạn, nếu không chắc cũng không dám nhận trên đó.
- Thế ở trên ấy họ có được... tử tế lắm không?
- Dạ thưa họ cũng rất tốt, tuy không được như... ông bà ở đây.
- Nhưng mà phải... đi xa quá nhỉ!
- Vâng!
- Hay chúng tôi đề nghị với cậu giáo như thế này nhé : cậu giáo nghỉ dạy trên đó đi rồi tối nào cũng lại đây giúp các cháu cho tiện.
Nguyên thoáng nghĩ trong đầu : "thì ra vậy, hèn chi bà ta cứ nói vòng vo mãi ; họ muốn giữ mình "độc quyền". Kể ra đó cũng là một điều may cho những người đi kèm trẻ như mình nhưng đặt giả thuyết bây giờ họ tử tế, nhỡ sau này vì một lý do nào đó họ không còn dùng mình nữa, mình sẽ thất nghiệp ngay. Nên thực tế thì hơn, dạy hai nơi, nếu mất chỗ này, còn chỗ kia. Nghề kèm trẻ đâu có gì bảo đảm. Nguyên từ tốn thưa lại:
- Tôi không biết phải nói gì trước lòng tốt của ông bà. Tuy nhiên tôi đã lỡ hứa với họ là sẽ dạy hết niên học, trên đó cũng có một đứa thi vào đệ thất như cháu Tuấn ở đây và một đứa thi vào đệ ngũ kỹ thuật.
- Chúng tôi không dám ép cậu giáo, nhưng nếu thu xếp được thì cậu giáo giúp các em ở đây nhé.
- Vâng, đối với ông bà không bao giờ tôi dám quên ơn.
- Ơn với huệ gì đâu ; chính chúng tôi chịu ơn cậu giáo mới phải!
- Dạ, tôi không dám!
- Thôi để cậu giáo về kẻo khuya!
- Dạ, xin phép ông bà...
- Vâng, cậu giáo về!
Nguyên bắt tay người chồng ; bây giờ ông ta mới lên tiếng:
- Chắc cậu giáo chưa dùng cơm?
Nguyên nói dối:
- Thưa rồi!
Sau đó Nguyên cúi chào bà vợ rồi ra cửa.
Nguyên cho xe chạy thật nhanh. Gió đêm như quét sạch hết những cơn mệt nhọc trong cơ thể Nguyên. Đường phố đã vắng xe cộ qua lại. Dãy nhà hai bên hầu hết đã đóng cửa. Một vài nơi, trẻ con ra vỉa hè hay xuống đường nhựa đánh vũ cầu. Nguyên cảm thấy đói và khát. Chàng nẩy ra ý định về kéo Thạch đi ăn tiệm. Niềm vui lâng lâng như thúc giục Nguyên lái xe nhanh hơn. Nghĩ tới những món ăn ngào ngạt hương vị, bốc khói, tới ly nước đá lạnh, Nguyên nuốt nước miếng liên tiếp mặc dù cổ đã khô từ bao giờ.
Vừa đỗ xe lại Nguyên để dựa ngay vào tường thay vì chống chân rồi chạy như bay lên gác. Thạch đang cởi trần nằm hát nghêu ngao. Nguyên gọi:
- Ê Thạch, mặc áo vào đi với tao.
- Đi đâu?
- Nhậu!
- Còn cơm để phần dưới nhà?
- Dẹp!
- Chắc bữa nay thằng này trúng số?
- Cứ coi như vậy.
Trong khi Thạch mặc áo quần, Nguyên lại bàn, cầm chai nước lên tu. Chất lạnh làm Nguyên khoan khoái. Ít phút sau hai người đã khoác vai nhau xuống cầu thang. Nguyên định ghé vào nói cho bà chủ nhà và cũng là người nấu cơm tháng cho Nguyên và Thạch, là hai chàng bỏ cơm, nhưng chỉ thấy đèn sáng mà không có ai nên Nguyên lại thôi. Thạch đã cho xe nổ máy, ngoái cổ hỏi Nguyên:
- Mày cho bà Tám biết chưa?
- Khỏi!
- Đâu được mày! Bà ấy chờ thì sao?
- Nhà có ma nào đâu! Chắc hai mẹ con đi coi tivi bên nhà ông xích-lô máy.
Thạch không nói gì thêm, cho xe chạy. Nguyên ngồi phía sau kể cho Thạch nghe việc mình được gia đình học trò mời "dạy độc quyền" và cách thức giải quyết của mình. Thạch đồng ý với Nguyên và khen đó là óc thực tế cần thiết phải có ở đời.
Xe đã chạy qua mấy con phố, mải nói chuyện, lúc sau Thạch mới sực nhớ địa điểm, vội hỏi Nguyên:
- Mày tính nhậu ở đâu?
- Tùy mày!
- Mày khao mà!
- Thì tao mới để mày chọn.
- Bánh đập, chạo tôm nhá?
- Chịu gấp.
Thạch tìm mãi mới được một chỗ dựng xe. cả khu vực này còn rất nhộn nhịp. Dường như không có đêm nào ở đây các tiệm ăn, hàng quà lại ngớt người ra vào – Nguyên thấy lạ, mặc dầu kêu giá sinh hoạt cao, lương bổng không đủ sống nhưng dân Sàigòn vẫn chịu ăn nhậu lắm. Đó là điều mâu thuẫn đến không hiểu nổi. Thật khôi hài!
Nguyên và Thạch chọn một cái bàn trong góc sâu. Gọi thức ăn đồ uống xong Nguyên hỏi Thạch về câu chuyện hồi tối:
- Mày hứa nói với tao chuyện gì đâu?
- Ừ tí nữa tao quên. mày còn nhớ ông thầy Khoan Việt văn không?
- Nhớ chứ! Vua đi giầy không bí tất và không bao giờ ủi quần áo?
- Đúng đấy. Hồi chiều tao gặp thầy Khoan ở gần La Pagode. Hiện giờ thầy Khoan đang chủ trương một tủ sách cho lứa tuổi mới lớn. Thầy nói rằng thật ra sách báo dành cho thanh thiếu niên không thiếu nhưng toàn là thứ độc hại, tục tĩu, do đó thầy muốn ra một loại lành mạnh, hữu ích. Hai ba cuốn đầu rất được giới phụ huynh tán thưởng và ủng hộ. Thầy bảo đang tìm những học trò cũ để cùng góp sức với thầy. tao nghĩ đây cũng là một dịp rất hay để tụi mình thực hiện điều mong ước từ lâu là có chỗ viết lách để góp phần làm đẹp tuổi trẻ đồng thời cũng là một phương tiện để... kiếm thêm "địa". Mày nghĩ thế nào?
- Được như vậy không còn gì hay bằng, nhưng tao sợ tụi mình sẽ không có thời giờ, nào đi dạy, rồi mai mốt đi học nữa, làm sao viết?
- Nếu tủ sách đứng vững tụi mình sẽ bớt giờ dạy, ở nhà viết khỏe hơn nhiều. Theo tao mỗi ngày tụi mình chỉ cần bỏ ra một tiếng đồng hồ là chắc ăn rồi.
- Như vậy mình phải dẹp những bài viết cho các nhật báo, nguyệt san?
- Có viết thêm cũng chẳng sao, ăn thua là mình biết sắp xếp thời khóa biểu thì công việc trơn tru ngay.
- Thôi được, lát nữa về tụi mình bàn tiếp theo, bây giờ ăn cái đã, đói rồi!
Người giúp bàn đã mang thức ăn ra. Vì đói, cả Nguyên và Thạch đều ăn rất ngon. Câu chuyện của hai người trao đổi nhau bao quanh vấn đề sách báo, việc học và tương lai, trong đó Nguyên đã khơi động bóng hình của người con gái hiện sống ở miền đồi núi. Nguyên đang say sưa nói về Diễm thì Thạch đá vào chân chàng ra hiệu nhìn về phía trước : một lũ đến năm sáu cô gái ở lứa tuổi mười lăm, mười bẩy đang cười nói, tiến vào. Họ chọn cái bàn sát ngay bên Nguyên và Thạch. Có những tiếng cười khúc khích, tiếng thầm thì bay vào tai hai chàng. Nguyên hiểu họ đang đàm tiếu về chiếc bướu trên cổ chàng. Thạch nhìn lại đám con gái như thách thức. tiếng cười nói vang to hơn. Thạch biết là bình thường nếu có một mình thì người con gái bao giờ cũng nhút nhát, nhưng khi tụ đông họ lại trở thành bạo dạn. Sợ Nguyên buồn, Thạch muốn đánh lạc chuyện:
- Nguyên, mày thấy cái em lớn nhất mặc áo xanh không?
- Thấy, sao?
- Hình như tao đã gặp ở đâu, coi quen quá. Mày không để ý là từ nãy đến giờ em "chiếu tướng" tao à?
Nguyên nhấp ly la-ve, nói đùa:
- Tại mày đẹp trai!
- ... Có lẽ!
- Nhưng không hấp dẫn bằng... cái bướu của tao!
Thạch nhìn bạn. Nguyên vẫn bình tĩnh nói như không để ý vào câu chuyện.
- Mày tưởng tao buồn nên nói lảng. Sức mấy! Trước đây tao thật là ngu, mỗi lần ai nhìn, hay nói động đến "nó" là tao co rúm người lại. Nhưng nay tao nghĩ còn nhiều chuyện quan trọng và khẩn thiết phải nghĩ tới hơn là cục thịt dư đó đó. Nhiều khi tao lại thấy vui vui khi thiên hạ "chiêm ngưỡng dung nhan" nó. mày tin không?
- Tin!
- Vậy cạn ly đi, trăm phần trăm!
Hai chiếc ly cụng nhau, giơ lên, một lúc cùng úp xuống, không còn một giọt la-ve!
Thạch ra hiệu cho người giúp bàn mang hai chai bia nữa. Nguyên nói với bạn:
- Con người thật buồn cười, họ cho là kỳ lạ khi thấy một đối tượng nào đó có những điểm không giống họ. Sở dĩ tao là cái đích cho bao con mắt dòm ngó chỉ vì cái cổ của tao không trơn tru như của họ. Tao thí dụ bây giờ mọi người đều có cái bướu, ngược lại tao không có thì lập tức tao trở thành kỳ lạ trước mắt họ. Tất cả cũng chỉ là do quen mắt thôi. À, mày đã đọc truyện ngắn hình như đề tựa là bàn tay sáu ngón hay cái gì đó của Bình Nguyên Lộc chưa?
- Chưa.
- Đại để có một anh chàng thư ký ở Bưu Điện, có một bàn tay sáu ngón. Hắn rất khổ sở khi mọi người cứ nhìn hắn chòng chọc. Sau hắn được một bác sĩ cắt ngón thừa đó đi ; hắn đi làm lại, những tưởng mọi người ra vào sẽ trầm trồ khen hắn, nhưng người ta vẫn đi lại bình thường, không một ai để ý tới bàn tay hắn. Cuối cùng, hắn lại tiếc biết thế cứ để bàn tay sáu ngón lại hơn.
- Mày có bao giờ nghĩ nhờ một bác sĩ giải phẫu cái bướu đó đi không?
- Có, nhưng tao thấy hơi khó... bởi vì nếu được thì "ông bố vợ" tao ở Đàlạt đã "thanh toán" rồi!
Nguyên nói tiếng "ông bố vợ tao" một cách hết sức tự nhiên, đồng thời Thạch cũng hiểu bạn mình muốn ám chỉ ai nên cả hai đều cất tiếng cười vang.
Khi rời bàn ăn Nguyên và Thạch đều choáng váng, có lẽ hơi men làm Thạch bạo dạn nên khi đi ngang bàn những người con gái, chàng nhìn chằm chằm như khiêu khích vào người mặc áo xanh khiến cô ta phải gằn giọng:
- Làm gì mà nhìn người ta dữ vậy?
- Nhìn cái mặt đẹp của cô, không được sao?
- Người gì mà không có chút lịch sự!
- Nhưng vẫn còn kém cô!
- Đồ vô duyên!
- Vẫn thua cái mặt cô một bực!
Nguyên vội kéo tay Thạch đi, nói nhỏ:
- Trêu người ta làm gì?
- Phải cho tụi nó một bài học! À, mày thấy tao ứng khẩu có được không?
- Chì lắm, nhưng may cho mày đấy!
- May gì?
- Không có tao thì tụi nó cho mày ăn... gót guốc rồi!
Cả hai lại cười to, khoác vai nhau đi ra.
Tiếng xe nổ phá tan sự im lặng của thành phố về đêm. Thạch phóng xe thật nhanh và chạy chữ chi giữa đường khiến Nguyên phải nhiều lần la lên:
- Bộ điên sao mày?
Như muốn trêu bạn, Thạch rú ga hơn nữa.
- Thạch! Chết cả lũ bây giờ!
Thạch ngoái cổ lại nói như hét vào mặt Nguyên:
- Yên chí lớn! Những lúc say rượu là những lúc lái xe cừ nhất. Coi nè!
Chiếc xe lại nghiêng đi. Nguyên hoảng hốt ôm chặt lấy lưng bạn:
- Mày say quá rồi. để tao lái!
- Sức mấy! Coi nè!
Thạch vừa dứt câu thì chiếc xe đâm sầm vào lề đường. Hai thân người văng ra. Nguyên lồm cồm bò dậy trước, khập khiễng lại phía Thạch đang nằm bất động. Nguyên lo sợ, nghĩ bạn mình bị nặng, nhưng khi chàng vừa đặt tay lên ngực tìm nhịp tim đập thì bỗng Thạch ngồi phắt dậy, cười ha hả:
- Còn sống mà mày!
Bất giác Nguyên cũng ngồi phệt xuống đất, ôm Thạch cười nghiêng ngả. Nếu có kẻ nào không biết đi ngang thấy cảnh này chắc sẽ không khỏi nghĩ tới hai thằng điên vừa trốn khỏi dưỡng trí viện!
Một lúc sau, chiếc xe lại rít lên, lao vào sự yên lặng của đêm đen, mang theo hai chàng trai yêu đời.
*
Nguyên không tin vào thị giác mình, lấy tay dụi mắt để nhìn rõ vật trước mặt. Đúng là tên Nguyên trên tờ giấy ronéo in kết quả kỳ thi nhập học trường Đại học Y Khoa. Nguyên lách đám đông, băng người ra với Thạch đang ngồi trên xe chờ.
- Thế nào Nguyên?
- Xong rồi!
- Tao biết trước mà, mừng mày!
Hai bàn tay xiết chặt nhau, như muốn truyền sang nhau niềm vui vỡ bờ. Thạch nhích người xuống yên sau nhường ghi đông xe cho Nguyên lái. Chiếc Honda cũ kỹ vụt nhanh, chen vào rừng xe cộ đang di động trong cơn nắng còn gắt của buổi chiều Sàigòn. Nguyên ngoái cổ lại nói với Thạch:
- Giá mày thi cũng đậu.
- Tao biết sức tao chứ.
- Tuần sau tới mày hả?
- Ừ.
- Chắc chắn mày cũng qua luôn!
- Sư Phạm cũng khó ăn lắm chứ mày tưởng!
- Số tao với số mày giống nhau, tao xong mày cũng xong!
- Không mong gì hơn!
- Giờ đi đâu mày?
- Cà phê. Tao khao.
- Sao mày bảo đi dự sinh nhật "em" nào mà?
- Tối!
Trong quán đông người, Nguyên và Thạch chọn cái bàn kê ngay ngoài vỉa hè. Một điệu nhạc thời tiền chiến chen lẫn tiếng ồn ào và khói thuốc vang ra bên ngoài. Sau khi gọi hai ly cà phê đen, Nguyên và Thạch nói chuyện về những dự tính tương lai – vẫn là những mộng ước mà hai đứa đã xây dựng từ lâu – nhưng lần này giọng nói có vẻ say sưa và tin tưởng hơn.
Mãi đến khi thành phố hết nắng, đèn đường bật sáng, Nguyên và Thạch mới đứng lên. Nguyên nhất định buộc Thạch phải lấy xe đi còn mình đi bộ về nhà. Thạch do dự một hồi rồi rồ máy.
Đã lâu lắm Nguyên mới có một buổi tối rảnh rang. Chàng thích thú thả bước theo đại lộ, đồng thời ngắm nhìn sự sống dậy của thành phố về đêm. Đèn muôn mầu sáng trưng và lập lòe như trong một cõi thần tiên. Các quán ăn, cửa hàng tấp nập người và âm thanh. Nguyên có cảm tưởng Sàigòn mới thật sự sống cho mình khi đêm về – kể cũng lạ, trong một nước có chiến tranh tàn khốc và dai dẳng lại có những cảnh náo nhiệt như trước mắt – hèn gì những người ngoại quốc sống ở Sàigòn đã tuyên bố có một sự mâu thuẫn đến ngạc nhiên tại Việt Nam : ở thôn quê và những tỉnh nhỏ người dân sống trong lo sợ, giữa những hàng rào dây thép gai, những tiếng bom rơi, đạn rít, giữa khói lửa và thây người... thì tại những thành phố lớn, đặc biệt ở Sàigòn, dường như thị dân không biết chiến tranh là gì, và Nguyên đã nghiệm thấy đúng, ít nhất trong hiện tại, trước mắt Nguyên.
Mải suy nghĩ Nguyên về đến nhà lúc nào không hay. Nhìn vào nhà dưới thấy không có ai Nguyên đoán hai mẹ con bà chủ lại đi xem tivi. Mâm cơm chờ Nguyên và Thạch được đậy trên bàn. Nguyên không cảm thấy đói, có lẽ vì ly cà phê hồi chiều, nhưng nhiều hơn vẫn là vì niềm vui thi đậu đang dạt dào trong lòng. Nghĩ đến cha mẹ Nguyên muốn chuyển niềm vui hiện hữu về với những người thân – chắc thầy mẹ sẽ vui và hãnh diện lắm – ý tưởng này thúc đẩy Nguyên thay quần áo thật nhanh rồi ngồi vào bàn học, lấy giấy viết thư.
Xong lá thư cho gia đình, Nguyên Nghĩ đến ông Hoàng, người mà Nguyên vẫn tin là ân nhân của mình. Chàng đã thầm hứa sẽ không bao giờ quên con người đại lượng và vị tha đó. Những dòng chữ Nguyên đang viết diễn tả niềm vui và hy vọng đồng thời cũng bộc lộ sự biết ơn của Nguyên. Đến cuối thư, như những lần trước, Nguyên định thêm vài hàng hỏi thăm Diễm, nhưng Nguyên chợt dừng bút, nghĩ tại sao mình không "lợi dụng cơ hội" để viết riêng cho Diễm? Mới có ý nghĩ mà Nguyên đã cảm thấy xao xuyến tâm thần. Chàng có cảm tưởng như đang hiện diện gần Diễm và chàng... sắp sửa tỏ tình – mà biết viết gì đây? – chả lẽ lại báo tin thi đậu? Chắc là khi nhận được thư của mình thể nào ông Hoàng cũng đọc cho cả nhà nghe – không lý mình đi nói lại một chuyện mà Diễm đã biết? – hay kể chuyện Sàigòn? – như vậy cái cớ viết thư riêng cho Diễm lại không vững – nói về cuộc sống hiện tại của mình? – cũng không được! Biết đâu Diễm lại nghĩ mình có ý khoe khoang?... hay là... thôi? – nếu vậy mình rất có thể sẽ không còn dịp nào khác để viết thư riêng cho Diễm...
Các nghi vấn rối bời trong đầu óc Nguyên để rồi sau khi hoàn tất lá thư gửi ông Hoàng, trải tờ giấy trắng khác trước mặt, Nguyên vẫn chưa biết mình cò nên hay không viết thư riêng cho Diễm và nếu có thì mình sẽ viết những gì?
Còn đang do dự bỗng Nguyên để ý thấy một con bướm nhỏ không biết từ bao giờ bay vào đậu trên chụp đèn. Hai cánh nhỏ của nó mầu đen, nổi bật những vòng tròn vàng, trắng, nhìn rất đẹp. Nguyên giơ tay đuổi. Con bướm bay lên rồi trở về điểm cũ. Nguyên đuổi hai ba lần nữa nhưng cuối cùng con bướm cũng chỉ bay quanh quẩn trong vùng ánh sáng và không xa rời cái chụp đèn. Nguyên hơi ngạc nhiên. Chàng nghĩ tới những truyện thần thoại đời xưa. Có những oan hồn các nàng thiếu nữ thường hiện hình thành những con vật bé nhỏ để trêu chọc các chàng thư sinh. Từ ý tưởng này Nguyên lại nghĩ tới những chuyện thần giao cách cảm – nơi những người thương nhau, hay liên hệ ruột thịt với nhau, dù cách biệt về không gian, vẫn có thể giao cảm với nhau được dưới hình thức này hay dấu hiệu khác. Nhìn con bướm Nguyên tưởng tượng Diễm cũng đang nghĩ tới chàng nên mượn hình con bướm để đến với chàng, chia vui và khích lệ chàng. Hiện về trong đầu óc Nguyên hình ảnh những người vợ thời xa xưa đêm đêm ngồi quay tơ bên cạnh chàng cắm cúi đèn sách – thật thơ mộng – thật ấm êm – thật hạnh phúc. Nguyên thầm ước mình cũng được như vậy.
Chàng đưa tay chụp bắt con bướm rồi tìm một cái lọ thủy tinh bỏ vào. Con vật đập cánh một hồi rồi nằm yên. Nguyên nhận thấy con bướm bị nhốt trong lọ không đẹp bằng hình ảnh nó bay lượn nhởn nhơ bên ngoài. Nguyên thoáng nghĩ chắc tình yêu cũng vậy, khi còn ngoài vòng, còn đang đeo đuổi, người ta sống nhiều trong ảo tưởng nên đã ban cho tình yêu những hào quang rực rỡ, thi vị hóa nó với những mầu sắc diễm tuyệt... nhưng khi đã chiếm đoạt được, người ta mới khám phá ra tình yêu cũng đầy gai góc, đầy lửa bỏng và mật đắng. Bởi vậy ở lứa tuổi vừa lớn, những người trẻ thường nhìn đời qua lăng kính mầu hồng, thường bị chóa mắt bởi những giao động nội tâm đầu tiên để rồi lầm tưởng mình đang được đắm đuối trong hương vị tình yêu... Nghĩ tới đây Nguyên vội cắt đứt dòng tư tưởng, sợ phải phân tích trường hợp của mình. Nguyên dốc ngược lọ thủy tinh, thả con bướm ra, ngồi nhìn nó nhởn nhơ trong ánh sáng mầu vàng.
Tờ giấy trước mặt vẫn còn trắng. Nguyên khổ sở vì không biết phải mở đầu ra sao. Tuy Nguyên đã thầm bảo trong đầu là cứ tưởng tượng như mình đang nói chuyện với Diễm, nhưng khi cầm bút dường như bao nhiêu vốn liếng từ ngữ, bao nhiêu khả năng về Việt văn đã trốn chạy tự bao giờ. Lá thư gửi cho cha mẹ dài ba trang mà Nguyên viết không đầy mười phút, nhưng với Diễm, Nguyên cảm thấy khó khăn vô củng. Chàng đã xé đi mấy tờ giấy để rồi vẫn chưa vào đề được. Trong những lá thư khác, nếu viết sai chữ nào hay câu văn nào không xuôi, Nguyên gạch đi – không thắc mắc – nhưng ở đây, viết cho Diễm, Nguyên xé tờ giấy đi ngay nếu có một chữ sai. Chàng sợ những dấu vết tẩy xóa sẽ khiến Diễm chê mình là... kém! Ngoài ra cách xưng hô trong thư cũng làm Nguyên nghĩ ngợi. Nguyên đã viết chữ "anh" nhưng lại vội xóa đi vì cho như vậy là... táo bạo! – Xưng "tôi"? Nguyên thấy xa lạ quá, mặc dầu đó là tiếng Nguyên vẫn dùng khi nói chuyện với Diễm hồi còn ở Đàlạt – hay dùng tên mình : Nguyên! – Chàng ngột ngạt vì không muốn tỏ ra thân mật ngay trong lá thư đầu, có thể Diễm sẽ khinh! – Cuối cùng, bất đắc dĩ khi nói tới mình, Nguyên chỉ viết vỏn vẹn có chữ "N".
Cắm cúi đến gần hai tiếng đồng hồ Nguyên cũng lấp đầy được một mặt giấy, nhưng khi đọc lại chàng cho rằng "văn chương cải lương" quá! Nguyên chậc lưỡi rồi vo tròn tờ giấy ném vào sọt rác, đứng lên, miệng lẩm bẩm:
- Cả quỷnh thật!
Nhìn đồng hồ : 10 giờ 30, Nguyên nhớ tới Thạch – chắc hắn cũng sắp về. và Nguyên tươi nét mặt – hắn có thể "cố vấn" cho ta về lá thư gửi cho Diễm, tuy lém lỉnh nhưng lại được việc, tên này mà "tán"... "em" nào là phải dính ngay. Bất giác Nguyên giơ tay đấm vào không khí rồi nhẩy lại giáng vào tường hai ba cái liền để rồi thu tay về cho lên miệng thổi, xuýt xoa:
- Đau quá!
Bên kia cửa sổ nhà hàng xóm, trong bóng tối, có cặp mắt đen láy đang thu hết những động tác của Nguyên.
Ngoài trời, gió man mác ùa vào căn gác nhỏ hẹp.
_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN