Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Bách Niên Giai Lão



"Mỗi ngày là một tặng phẩm 
khi bạn đã qua tuổi 100"

Trong ngôi làng nhỏ Kutol nằm dưới chân rặng núi Caucase thuộc miền Nam Nga-Sô, có một lão bà tánh tình rất vui vẻ tên là Kifaf Lasuria hiện sinh sống tại đấy. Dáng người cụ thấp bé cao chưa đến 1,50m tóc trắng xóa, và cụ rất hay khôi hài. Tôi đến thăm cụ vào một sáng mùa Xuân và đã gặp cụ ngoài vườn đang cùng con cháu chăm sóc bầy heo gà. Tôi đã được tiếp đón nồng hậu và chúng tôi đã nâng ly chúc mừng nhau, trước tiên là rượu Vodka đặc biệt của nước Nga. Chúng tôi đã nói chuyện rất thân mật.

Cụ đã ôn lại quãng đời của mình, hiện tại cũng như quá khứ. Cụ có rất nhiều chuyện để nói vì trí nhớ của cụ bà còn rất tốt mặc dù tuổi cụ đã ngoài 130. Một người con trai hiện sống bên cạnh cụ, nay cũng đã 82.

Cụ nhắc tới một biến cố "mới" nhất, đó là trận mưa tuyết dữ dội năm 1910. "Lúc ấy con trai tôi cũng đã lớn, còn tôi bấy giờ mới 70. Tuyết rơi thật nhiều, phủ dày đến gần 2m và tôi phải phụ một tay với thằng con xúc tuyết xuống khỏi mái nhà".

Còn hiện tại ra sao? Cụ vừa đi thăm họ hàng, ngụ ở một làng xa. Cụ đã đi và về một mình bằng xe buýt. Cụ chỉ mới nghỉ làm việc từ năm 1970. Trước kia cụ làm việc ở trong một nông trại công cộng ở địa phương. Khi đã ngoài trăm tuổi khoảng thập niên 1940 50 cụ còn chiếm giải "Người hái trà nhanh nhất" trong nông trại!


Tìm câu trả lời:

Tôi hiện làm việc trong một bệnh viện toàn khoa lớn và đã được chứng kiến những sự không may xảy đến cho người già và vì thế tôi rất hăng say tìm xem do đâu về già vẫn có người khỏe mạnh, tráng kiện. Trong 2 năm qua, tôi đã đi thăm ba miền núi xa xôi, nơi ấy con người đã sống lâu dài hơn, Sức khỏe lúc già vẫn dồi dào hơn lớp người cùng tuổi sinh sống tại các xã hội tân tiến. Đó là làng Andean ở Vilcabamba thuộc Ecuado ; miền Hunga ở rặng Karakoram, phía nam liên bang Sô Viết, có tên là Abkhazia.

Con số người sống trên 100 tuổi ở vùng Caucase nhiều nhất. Thống kê năm 1970 ; số người này lên tới 4.500 5.000. Riêng Cộng Hòa Azer Baijan có 2.500 người.

Làm cách nào giải thích tuổi thọ của những người miền núi này?


Tôi cùng nhiều bác sĩ khác đã nghiên cứu về thói quen ăn uống của dân chúng tại ba miền nghiên cứu trên.

Chúng tôi đã đi đến một kết luận, dầu cho họ ăn những gì đi chăng nữa, điều thiết yếu là những người già này đã tham dự vào những hoạt động cơ thể. Công việc đồng áng cổ truyền và những việc trong gia đình đòi hỏi những hoạt động khó nhọc và tất cả đã được làm quen từ ngày còn bé cho tới ngày cuối cùng của cuộc sống. Chồng chất trên sự vất vả thông thường ấy là địa thế núi non. Chỉ vượt những ngọn đồi bằng "lô ca chân" trong việc làm đòi hỏi hằng ngày đã giữ cho sự tuần hoàn và tính cường cơ ở mực độ cao.

Bác sĩ David Kakiashvili, một chuyên gia về tim đã nghiên cứu tuổi già và các bịnh ở tuổi này suốt 12 năm qua, đã nhìn nhận rằng sự luyện tập thân thể là yếu tố chính cho sự trường thọ. Ông đã thử nghiệm trên tim và phổi của những người già này với những kỹ thuật tối tân và ông nhận thấy rằng họ mang đủ các chứng bệnh về hệ tuần hoàn. Ông nói : "Nhưng họ dường như chịu đựng được sự tấn công ở tim hơn nhiều người thành phố. Sự luyện tập thân thể thường xuyên ấy cải thiện được cơ năng tim phổi, kết quả là sự cung cấp oxygen cho cơ tim cao hơn người thành phố". Như vậy, dù người già mắc bịnh tim nhưng căn bệnh chỉ âm thầm, không bộc phát.

Trong chuyến viếng thăm Abkhazia, tôi nghe nói đến một ông già thường quen sống mùa hạ trên những cánh đồng cỏ ở độ cao 1.500 1.800m, cùng đàn dê của ông. Điểm đặc biệt là ông ta đã hơn 100 tuổi khiến tôi quyết định đến thăm ông và để xem hoạt động hàng ngày của ông.

Với 3 người bạn, tôi đã khởi hành từ lúc rạng đông vì sẽ phải đi bộ lên núi mất khoảng 6 giờ. Con đường mòn đầy bùn lầy lội trơn trợt và dốc đến nỗi chúng tôi đã phải leo chứ không phải đi. Hai người đã bỏ cuộc và quay về. Nhiều lần tôi cũng có ý định trở lại nhưng cuối cùng, khoảng 1 giờ chúng tôi đã ra khỏi khu rừng và đặt chân lên một sườn đồi phủ cỏ. Chính tại đây chúng tôi gặp cụ Kosta Kashig. Chúng tôi đã suýt xỉu vì kinh ngạc khi nghe ông nói rằng ông đã 106 tuổi và thường xuyên cuốc bộ trên quãng đường tôi vừa trải qua chỉ mất bằng nửa thời gian chúng tôi đã mất! (tôi chỉ mới 52 tuổi).


Hy vọng lớn:

 Người ta đã tin chắc vào sự quan trọng của các yếu tố di truyền và theo kinh nghiệm của tôi, những người trăm tuổi đều có cha hay mẹ sống trên 100 tuổi. Người ta chưa biết một di thể nào về tuổi thọ ; chỉ có sự thiếu những di thể xấu, những di thể làm gia tăng bệnh tật chết người.

Nếu hỏi một thanh niên Abkhazia : "bạn hy vọng sống đến bao nhiêu tuổi?" anh ta sẽ trả lời : "Đến 100". Và khi đáp như thế, trong đầu họ luôn luôn có hình ảnh một cuộc sống hoạt động.

Giáo sư Pitzkhelauri đã thu thập vài dữ kiện về tình trạng hôn nhân liên hệ tới tuổi thọ. Nghiên cứu trên 15.000 người hơn 80 tuổi, ngoài rất ít trường hợp ngoại lệ, ông nhận thấy chỉ những người đã lập gia đình mới đạt tuổi thọ cao. Nhiều cặp đã lấy nhau từ 70 80 hay 100 năm trước, ông kết luận rằng hôn nhân ảnh hưởng quan trọng đến tuổi trường thọ.

Phụ nữ đã có con cũng thường sống lâu.


Nếu không có tôi...

Nhiều cụ bách tuế miền Caucase nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự do, độc lập ngay trong nếp sống gia đình thường nhật, được làm bất cứ việc gì ưa thích. Họ cũng quan tâm đến tình trạng yên tĩnh của trí não, tránh sự lo lắng và căng thẳng. Ông Kvedeznia 109 tuổi đã phê bình : "Ở nơi khác họ không sống lâu được chỉ vì họ không được sống thoải mái, họ phải lo nghĩ nhiều và không được thỏa mãn điều ưa thích".

Tình trạng xã hội của người già cũng không thể bỏ quên. Những người sống lâu đều được sống cùng gia đình, sát cạnh họ hàng quyến thuộc thành một đại gia đình họ được mọi người kính trọng và mến yêu. Họ vẫn tiếp tục làm việc ngay cả việc nhổ cỏ ngoài đồng, hái trà, cho gà vịt ăn uống, ủi đồ, lau nhà, chăm sóc cháu chít, nghĩa là làm tất cả những công việc đều đặn hàng ngày.

Ở cả 3 nơi vừa kể trên, không nơi nào ấn định một tuổi hưu trí. Cụ Khfaf Lasuria chỉ mới nghỉ việc cách đây khoảng 2 năm. Khi hỏi cụ Seliac Butba, 113 tuổi phài chăng cụ đã phụ 1 tay vào việc xây cất ngôi nhà bên cạnh, cụ đáp ngay : "Dĩ nhiên rồi. Không có tôi họ làm sao làm được việc!"

Cụ ông Vemur Tarba, vừa ăn mừng ngày sinh nhật thứ 100 bà tuần trước khi tôi đến thăm, đã nói với tôi : "Tuổi trẻ vẫn hơn hết. Nhưng tôi vẫn dồi dào sinh lực, con cháu đề huề". Trầm ngâm một lát, cụ tiếp : "Mỗi ngày là một tặng phẩm khi bạn đã qua tuổi 100".


PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ
ÁNH MINH            

(Trích dịch theo bài của Dr. Alexander Leaf, N.G. Jan 1973)


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>