Văn từ từ đưa chiếc quạt phẩy qua mặt đứa cháu đang ngủ say. Cái chấm đen bên mũi nó vẫn không cử động. Văn đưa ngón tay trỏ phủi nhẹ, thì ra đó không phải con ruồi. Nghe nhột, thằng bé khẽ nhíu mũi một cái rồi lại im ngủ. Đôi môi nó nhóp nhép trông thật đáng yêu. Văn muốn cúi xuống hôn mạnh lên mặt cháu kẻo chốc nữa đây nó đi xa thì... nhớ nhớ... thương thương... nhưng sợ nó mất ngủ chàng đành ngồi nhìn, rồi cười tủm tỉm một mình.
- Thằng Cu dậy chưa Văn?
Tiếng chị Cúc ở ngoài sân vọng vào. Văn vội đáp:
- Chưa chị ạ!
Chị Cúc là chị ruột của Văn, đã có chồng và mới sinh được đứa con đầu lòng. Theo thông lệ thôn quê người ta gọi ngay nó là thằng Cu. Chị Cúc theo chồng vào Saigon, lâu lâu mới có về thăm nhà ít ngày, chỉ lần này chồng chị đi học quân y ở xa nên chị về quê thăm nhà ba tháng. Ba tháng! Ngày đầu đón chị Cúc, Văn thấy sung sướng vì thời gian khá lâu. Thế mà nay đã hết rồi : Văn sắp xa chị Cúc, sắp xa thằng Cu ; ngày lại ngày trong gia đình sẽ chỉ còn có hai bóng : mẹ Văn và Văn.
Mẹ Văn đang lúi húi gói quà cho cháu, ngừng tay mắng yêu:
- Thằng Cu nó ngủ dữ!
Chị Cúc bước vào thu xếp va li. Mặc mẹ và chị loay hoay, Văn ngồi im bên cháu, thả tâm hồn quay ngược thời gian. Văn nhớ rõ, hôm chị Cúc mới về, chưa tới ngõ, thằng Cu đã reo lên:
- Ngoại, ngoại! Cậu Văn, cậu Văn!
Rồi nó sà ngay vào lòng Văn đòi bế, vòi vĩnh đủ điều.
Cu mới lên ba, trông nó thông minh đĩnh ngộ lắm. Vầng trán nó cao, sống mũi thẳng giống hệt anh Nguyên, cha nó. Còn đôi mắt, cái miệng thì thật chẳng khác chị Cúc. Nó bi bô nói chuyện cả ngày, hỏi hết việc nầy đến việc khác, việc gì nó cũng hỏi, hỏi cho rõ mới nghe. Thế nhưng đến khi nó nghịch thì nghịch đáo để, muốn gì nó làm cho bằng được.
Thằng Cu vẫn ngủ yên. Có lẽ trong giấc mơ nó thấy chi vui nên nhoẻn miệng cười để lộ mấy chiếc răng sún. Vì mấy chiếc răng ấy, Cu thường bị "cậu Văn" trêu. Lắm lúc nó hốt hoảng đòi đem đến thợ vàng trồng vào. Buồn cười nhất là khi có khách lạ, Cu thường mím chặt đôi môi để che giấu hàm răng thiếu sót...
Cu là nguồn vui của cả nhà. Cái vui của nó lan truyền sang mọi người, giúp mọi người đều vui. Cu hay hát nghêu ngao:
"Chị ơi! "Cu" có con mèo
Nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ!".
Hay "một đoàn học sinh bé tí ti, bé tí ti theo mẹ đòi ăn...". Nó nói chưa rõ nên có nhiều tiếng có âm điệu vừa Tây vừa Tàu làm ai cũng cười ngất.
Trong số những người quen, Cu thích anh Huy nhất vì anh chiều nó. Huy thường chỉ tấm ảnh của nó rồi hỏi:
- Đố Cu ai đây?
- Thằng Cu đấy.
- Thằng Cu tên gì?
Nghe hỏi tên, Cu làm ra vẻ quan trọng giương mắt nói lớn:
- Cí Tông (Chí Thông).
Cu hay đem khoe với anh Huy tất cả mọi việc nó nhớ được : nào... bữa nay thằng Cu – nó vẫn tự xưng là thằng Cu với mọi người – ăn một quả trứng gà, nào... má mua kẹo nhiều nhắm, cậu Văn có tập báo "Tuổi Hoa" đẹp "tảng". Nó kể tất cả, có điều thời gian nó không định rõ, bất cứ lúc nào cũng "bữa nay".
- Văn! Thức cháu dậy thì vừa đó con ạ.
Tiếng mẹ Văn tuy không lớn nhưng cũng đủ làm cho Văn giật mình. Chàng khẽ nâng cháu dậy, đi rửa mặt và thay quần áo cho nó. Hành lý đã sửa soạn xong, thằng Cu từ giã bà ngoại bằng mấy cái hôn. Văn bế cháu theo chị Cúc ra cổng. Dọc đường, cậu cháu rối rít những chuyện không đâu.
*
Đợi cho đoàn tàu mất hút trên con đường sắt Văn mới quay về. Đoạn đường bây giờ như dài thêm ra. Văn thấy buồn man mác như thiếu đi một nửa tâm hồn. Đến nhà, Văn ngả mũ dừng chân tại cửa ngõ. Không khí như trống trải thênh thang. Mẹ Văn từ vườn sau đi lên, Văn định nói:
- Thằng Cu đi rồi vắng gớm!
Nhưng chưa kịp thốt ra lời thì Văn đã nghe mẹ nói:
- Nó đi rồi vắng gớm!
Văn ngẩng lên nhìn trời. Con chim chiều từ ngọn bàng tơ sà xuống mái nhà. Có tiếng xa kéo chỉ từ xóm vọng sang.
Cảnh vật trông càng vắng...
VĂN SƠN (Huế)
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 30, ra ngày 25-7-1965)