Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Còn Giây Phút Sống Bên Nhau


- Hà cái lầy pán 1 tặng 1, trả tiền 2 gói...

- (Hì hì) Mà nị pán cái gì ló?

- Hà, ngộ pán quảng cáo thuốc dán hiệu con thằn lằn. Chuyên trị xương nè, lông nè, tóc nè.

- Xích ra để ngộ lói, ngộ quảng cáo hay hay lát nữa nị nhớ mua giùm nghe.

- Thuốc dán đau cái tay, dán cái cẳng, đau cái pụng dán cái lưng, đau sau ót, dán cái trán... bảo đảm thần dược... phèng phèng (phèng miệng).

Anh Nguyên nổi hứng xía vô vài câu, lúc đó mới tạm gọi là hài lòng ngồi xuống, để anh Quốc tiếp tục độc diễn màn hài hước (hát cương).

Thày Tổng thư ký và thày hướng dẫn du khảo vừa đến trong tràng pháo tay. Cả hai thày đều chịu khó tụt giày và ngồi bẹp xuống chiếu. Anh Khánh Trưởng ban Văn nghệ ăn gian bước ra "sân khấu" tuyên bố để mở đầu chương trình văn nghệ... Không rõ các bạn sưu tầm hay sáng tác mà lại trình diễn bài ca Nông lâm mục hành khúc và Việt nam Việt nam, làm toàn thể thày trò đều ngạc nhiên rồi tán thưởng ba ca sĩ vô cùng. Tuần tự không cần giải thưởng, đoàn chúng tôi nối tiếp chương trình văn nghệ, không sắp đặt, bất ngờ và đơn giản, đầy đủ tiết mục trong đêm. Sân khấu tranh tối tranh sáng với hai ngọn đèn bão nhỏ đặt hai bên chỗ lõm vào của hồ thủy tạ. Đó là khu vực sân nhà rộng rãi, mà anh Trưởng lớp và anh Trưởng ban tổ chức đã mượn được để chúng tôi tạm trú. Biển chỉ cách vài trăm thước nhưng hơi người khiến chúng tôi cảm thấy nóng. Đã có vài bạn len lén khăn, áo... đi vòng, leo qua hàng rào để tắm biển đêm. Sóng biển vẫn rì rào, vừa lên tiếng rủ rê du khách vừa đáp tín hiệu đèn pha quét dài lằn sáng từ trên chóp núi cao. Không vì bóng đèn chong của căn biệt thự bên phải và ngọn đèn điện 75 watt của ông thầu xây cất nhà cửa cho mượn giăng bên trái soi rõ mặt nhau, chúng tôi vẫn quen thuộc nhiều... Gần một ngày nối vòng tay lớn bên nhau, lại sắp trải qua một đêm đầy kỷ niệm. Chúng tôi bây giờ ngồi, nằm... tự do. Thoải mái bù cho cả ngày ngồi bó rọ trên hai chuyến xe đò bao. Những trạm Cẩm Giang, Trảng Bàng, Suối Cụt, Linh Xuân Thôn, Biên Hòa, Long Bình, Bà Rịa... thày dạy môn Thổ Nhưỡng cho xe dừng lại. Chúng tôi khoan khoái kéo xuống để vừa rãn gân cốt vừa khảo sát trắc diện đất đai thay đổi tùy theo vùng. Những cặp mắt tò mò quan sát tầng lớp đất đủ màu sắc do cái khoan sắt của thày rút lên. Những câu hỏi đặt ra kèm theo sự ghi chép vội vàng, phòng hờ một bản phúc trình thực tập. Có đi đó đây và thực hành tận nơi, chúng tôi mới dễ dàng hấp thụ và hiểu thêm phần bài học nặng mấy chục giờ lý thuyết khô khan này. Hai nữ sinh viên dự cuộc du khảo lui cui thâu thập mẩu đất bỏ vào túi nylon nhỏ (chu đáo thật), chẳng biết rồi hai chị còn giữ mãi hay vứt một xó thôi. Ngoài hai máy chụp hình chung, cũng có một số bạn tách nhau tìm những kiểu hình riêng biệt, rồi xem bóng nắng, rồi ngắm nhau...

Chúng tôi viếng thăm Thích Ca Phật Đài trong khoảng 15 giờ đến 16 giờ. Lại một dịp để chụp hình chung hay riêng. Các tiệm bán hải vật miền biển quyến dụ mọi người dốc túi, chẳng một ai tiếc tiền làm gì. Chúng tôi luyến tiếc khi rời những vỏ ốc, vỏ đồi mồi, carte postales... để đến Bãi Sau tắm biển. Đi đâu cũng gặp đoàn thể bạn. Đông nhất phải kể các đoàn Hướng Đạo, các trường Trung, Tiểu học từ khắp nơi gần xa... Hai tiếng đồng hồ giỡn sóng quá đủ để chúng tôi tản ra Bãi Trước lo vấn đề bao tử bằng cách tự túc. Một vài bạn trễ hẹn, tưởng đi lạc như họ vẫn tìm ra địa điểm nghỉ đêm đã thông báo trước. Toán, nhóm... tuy phân biệt đàng hoàng ban sáng, giờ đã trải poncho, tấm tăng, chiếu nylon... (mượn ở Ty thanh niên Vũng Tàu) san sát và sắp đồ tùy thân lẫn lộn, thân mật lắm thay. Chương trình văn nghệ vẫn hào hứng, sôi động với kịch vui, với tân nhạc đủ loại từ tình cảm loại phông tên, ướt át hay tiền chiến êm dịu. Rồi nào du ca, dân ca, nhạc ngoại quốc... chỉ thiếu có nhạc kích động và ảo thuật, vọng cổ nữa là có thể gọi chương trình tạp lục tùm lum.

Các tài tử không nhà nghề vẫn truyền cảm qua các nhạc phẩm Mộng dưới hoa, Bây giờ tháng mấy, Còn tuổi nào cho em, Như cánh vạc bay, Sương trắng miền quê ngoại, Cảm ơn, Đèn cù, Tiếng hò miền nam, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Mai, Love Story, Người yêu tôi bịnh... Lại còn câu đố, câu hò, chuyện chữ T, kịch giễu : Giỏi hơn bác sĩ, và Thợ giác lưng... Mời hoài nhưng nữ ca sĩ e ngại vì thiểu số nên không ra góp tiếng, họ chỉ là ba cô em họ của hai chị sinh viên duy nhất là những cánh hoa trong chuyến du khảo của chúng tôi. Dù sao đêm cũng dần tàn trong sự vui tươi thân ái. Thày Tổng thư ký và thày Thổ Nhưỡng đã ra về nhường chỗ cho chúng tôi sinh hoạt lặng lẽ trong đêm nếu còn hơi sức. Nhóm đánh cờ Domino, nhóm châu đầu ca rỉ rả, nhóm kể chuyện tiếu lâm. Bên cạnh những đống cuộn lù lù trong mền nhà binh bằng nylon vẫn còn những bạn ăn "cơm tay cầm" hay gạo sấy.

Muốn đi tắm nhưng không có bạn tôi thẫn thờ ngồi ôn chuyện cũ. Muốn thả đi rong nhưng chỉ có thể thả hồn mà thôi. Mấy bạn lôi đồ ngủ ngoài bãi bị NDTV đuổi vào khu vực đã xin phép. Họ lục tục chui vào các băng trên xe đò. Lửa đóm thuốc nhấp nháy với sao đêm trên biển. Đêm nay không trăng, nếu có đếm bước hoang liêu trên bãi vắng, tôi sẽ khó thấy sóng bạc đầu nhấp nhô xa xa. Hai năm trước cũng khoảng mùa hè, tôi theo đoàn cắm trại trong khu vực nghỉ mát của binh chủng Biệt động Quân. Thuở ấy bãi biển trống trải, thơ mộng và thiên nhiên chứ không có nhà cửa san sát để khai thác du lịch như bây giờ. Không khí lửa trại với cành phi lao nổ theo dầu lửa như hiển hiện. Tiếng cây tươi nổ lốp đốp hòa theo tiếng hát đồng ca với trò chơi lớn. Hình như gió nhẹ và mưa lắc rắc. Hai đoàn, nhiều đội vẫn sinh hoạt hào hứng, tranh đua để đoạt giải. Phần văn nghệ vẫn không ngoài các tiết mục đơn ca, hợp ca, đồng ca trong tiếng vỗ tay đánh nhịp ; xen kẽ với các giải thưởng phát cho cá nhân xuất sắc, tháo vát, đội kỷ luật, ẩm thực, sinh hoạt, lều trại... về nhứt. Kể làm sao hết giây phút sống tập thể bên nhau, buồn vui, hờn giận, thương yêu... lẫn lộn trong ký ức ngày xanh. Tôi tìm từng chi tiết của quang cảnh xa xưa, nay còn đâu bạn bè thân mến cũ... bởi cũng thành những đợt sóng lênh đênh dồn dập theo thời gian, khó mong họp mặt đông đủ như ước mơ. Tôi dõi trông một ánh sao rơi trên biển, nhưng ngồi trên hàng rào, rồi leo cả lên mui xe đò cũng chỉ thấy nhàn nhạt lân tinh của hải vật đại dương. Tôi không thể thức trắng đêm vì còn dành cho chuyến trở về ngày mai. Nhưng rốt cuộc vẫn phải nhập bọn nghe "ông già đầu bạc" nói chuyện khào. (Ông là ông chủ thầu xây cất nhà cửa tốt bụng đã cho mượn đèn, sân, hành lang, sô đựng nước, ca, ly...) ông vừa mời mấy đứa tôi hạt dưa, vừa mơ màng kể lại cái quãng đời sống động của ông theo một lời yêu cầu hơi tò mò. Nào khi xưa ông làm quản lý nhà bếp, quản lý bồi phòng, quản lý chuyên pha trên 600 thứ rượu Âu Mỹ... cho các đại khách sạn ngoài Bắc... rồi đa tài nên ông lưu lạc sang tận Lào Kay, Vân Nam làm cho Trung Hoa. Mãi đến Hoa, Nhật chiến tranh (trước 1945) ông và một số bạn bè hồi hương, có vàng lá nhét trong đế giày, có cả một toán quân lính hộ tống để bảo vệ chống cướp. Nhưng giàu có, phong lưu và xài lớn, nên có lúc ông vẫn hoàn tay trắng...

- Rồi vợ con bác ở đâu?

- Vợ trước và ba con ở ngoài Bắc. Vợ bác chết rồi. Trước thì còn thư từ qua ngõ Ba-Lê, về sau chỉ còn nghe phong thanh tin 2 đứa con trai lớn hoặc đi Nông Trường hoặc làm lớn bên kia... Đáng nhẽ bác dư sức khuếch trương nghề nghiệp, vài ông chủ nhà hàng lớn ở Đa Kao xưa là học trò của bác đó. Bác chỉ hùn vốn, chỉ dẫn bí quyết với kỹ thuật nấu phở ngon cho rất nhiều chi nhánh của hiệu phở... Bác kiếm một số tiền rồi để mặc họ khai thác. Các hàng phở của bác nổi tiếng lắm.

- Có lẽ bác nên lên Tây Ninh mở một tiệm.

- Bác cũng định bỏ nghề thầu xây cất tạm bợ này, bán quách 2 căn nhà để lên Tây Ninh sống. Vào đây bác có thêm 2 thằng con trai, một đứa chết trận Hạ Lào và một đứa mới vừa chết trận Bình Long, chẳng đứa nào có vợ con. Bởi vậy bác không biết sống làm gì, làm giàu cho ai? Bác sẽ theo đạo Cao Đài nè, chừng chết dù không bà con thân thích, người ta cũng lo cho mình một cỗ hòm với cái huyệt...

- Bác nói nghe cũng được. Chứ còn cháu thì hơi hiếu thắng, cháu có vốn cháu mở sân trượt Patin.

- Patin ấy à, ba cái quỷ đó là phong trào, xẹp lần lần chứ đâu có trường tồn. Nó có từ hồi xưa, cái hồi bác đi trên đường tráng nhựa, vừa thi ăn với uống. Té trặc cả giò, u cái đầu... chớ phải tay mơ đâu. Ừ mà nhắc đến ăn uống bác mới nhớ. Tụi cháu bộ không có nấu nướng gì sao?

- Làm biếng đem lò, nồi... theo lỉnh kỉnh quá bác ơi. Vả lại đi du khảo chớ đâu phải đi cắm trại trong nhiều hôm, đem chi cho mệt xác...

- Nếu biết trước bác sẽ cho mượn lò, nồi. Các cháu chỉ việc mua dầu, gạo, thức ăn... Nấu nướng thì mấy hồi và rất ít tốn kém.

- Bác nói cũng đúng. Ăn mì, phở hay cơm dĩa... tiệm nó "chém" tụi cháu thẳng tay đó bác.

- Đây bác chỉ cách, rút kinh nghiệm cho lần sau. Nếu có mua thức ăn sẵn hay ngoài chợ thì thôi. Bằng không đợi tảng sáng ghe đánh cá cặp bến, xuống bãi lựa vài ký về nấu canh chua, nấu ngót, kho hay chiên... Bác đưa nồi, chảo. Hết toán này đến toán khác luân phiên nấu, rồi ăn chung cho vui.

- Mà cá gì, bán rẻ không bác?

- À, cá dầu, loại nho nhỏ họ lựa để đóng hộp hay làm bột cá đó mà. Rẻ rề, 15đ hay 30đ 1kg. Mua 1 chục ký là kho, nấu... ăn cả xe... Chịu khó hùn tiền và hùn công lại, có mấy cô thì lo gì vấn đề bếp núc. Mà bác dặn : "có mua thì giả bộ đi lẻ tẻ hay 3 người thôi, trả giá đàng hoàng, đừng có mà ùa đông xuống, tụi ngư phủ nói thách liền."

- Rồi muốn mua đem về nhà phải làm sao hả bác?

- Dễ, mua đem lên chặt đầu móc ruột sơ sơ, bỏ dúm muối rồi tống vào nồi lớn của bác cho mượn, luộc tạm để khỏi ươn. Vậy là yên tâm, cá vẫn ngon tươi khi chiều mang về nhà. À, có cháu nào mua mắm ruốc thì nói, sáng bác gọi dùm một hiệu ngon, hãng gần đây nè. Tuy vậy chớ không rẻ hơn, bán đúng giá như mọi du khách khác thôi nhưng bảo đảm.

- Có cháu... Sáng bác nhớ gọi giùm.

- Lần sau chắc tụi cháu phải tổ chức nấu cơm, ẩm thực sốt dẻo. Chớ cái điệu tối ngày gặm bánh mì nó dộp miệng, khô cổ và khát nước quá xá...

- Ừ, lần sau ra ngay đây, cứ việc kiếm bác mượn chỗ mượn vật dụng... bác sẵn sáng giúp bất cứ đoàn thể học sinh nào. Các cháu biết đoàn thể nào ra đây cứ chỉ giúp họ. Cứ việc hỏi thăm : "ông già đầu bạc hay ông già hippy ở Bãi Sau" là ai cũng biết ngay.

- Trông bác giống tài tử Đoàn Châu Mậu ghê.

- Thôi đừng ngạo bác, bác về cho các cháu ngủ. Khuya quá rồi.

- Hổng sao, bác ở lại cho vui, tụi cháu đây thực hiện "đêm không ngủ".

Cầm giữ cách mấy ông già cũng ra về. Lúc này mới thật sự im lặng để nghe rõ tiếng sóng vỗ lao xao với tiếng động cơ xe tuần cảnh đủ để bảo đảm an ninh. Mấy đứa giỏi thức bằng miệng bắt đầu lăn lóc dưới chân các bạn đã ngủ say. Sương đêm rơi nhiều lắm. Hai ngọn đèn bão đã cạn dầu.

Sáng ngày chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ, cám ơn "ông già đầu bạc" và rút lui, hẹn ngày tái ngộ. Trả poncho, chiếu... rồi lại lo ẩm thực, mua thêm quà cáp. Món mắm ruốc được chiếu cố, nhưng không ai có thì giờ mua cá đem về theo cách chỉ dẫn của ông già. Trước khi tắm ở Bãi Dâu, chúng tôi vòng quanh núi lớn, có dừng lại hai chỗ đang khai thác đá núi để học hỏi tiếp. Lúc này sự học đã bớt vẻ hăng hái và liên tục. Tội nghiệp, thày phải cố lớn giọng trong máy phóng thanh cũng mướt mồ hôi.

Vậy là xong chuyến du khảo. Theo lời thày trên đường về, chúng tôi chỉ dừng lại học trạm chót ở trước cổng làng Cô Nhi Long Thành nữa mà thôi. Bãi Dâu để vài kỷ niệm cho 5 bạn không may bị đá ngầm chém vào chân. Chuyến về trong uể oải, những cái miệng gào rống các bài ca cộng đồng vẫn không đánh thức nổi những cái đầu gục tới gục lui vì ngủ không đã. Dân ca bài Clémentine được áp dụng triệt để câu "Ôi em yêu kiều như tiên trên trần... Ôi em yêu kiều, ôi em yêu kiều... Khi đi ngang các nhóm du khách hay đoàn thể bạn, những cái vẫy tay chào từ giã thò ra, nhờ bài dân ca nên được các nàng Clémentine bất đắc dĩ tươi cười và vui vẻ chào đáp lại. Đường phố Vũng Tàu chậm chạp rời bỏ sau lưng, Bãi Thùy Dương, Bãi Trước, Ty Thanh Niên, trường Thiếu Sinh Quân... để rồi chúng tôi thẫn thờ nuối tiếc.

Trên xe, với kết quả khả quan trong kỷ luật và trật tự, anh Trưởng Lớp loan báo : "Hy vọng chúng ta sẽ có được giây phút nối vòng tay lớn, lần này thật lớn... cho chuyến du khảo thứ nhì. Với các thày Nông Học, Lâm Học, Thực Vật, Thổ Nhưỡng cùng hợp tác hướng dẫn trên một lộ trình dài hơn. Chúng ta, sau các môn thi xong, sẽ đi từ Tây Ninh, Sàigòn, Phan Thiết, Phan rang, Nha Trang, Tuy Hòa, Qui Nhơn rồi vòng về Đà Lạt, Bảo Lộc... trong thời gian 1 tuần lễ." Tất cả đều phấn khỏi bàn tính cho chuyến du khảo vẽ vời trong tương lai. Ai cũng mong còn giây phút sống bên nhau, kẻo mai này trên đường đời vạn ngả sẽ không có dịp để hưởng trọn ngày thanh xuân của kiếp miệt mài. Một mình anh Trưởng Lớp vẫn trình bày kết quả, chi phí tổ chức, ưu khuyết điểm... bọn chúng tôi sật sừ nghe anh ru ngủ, trong đầu là những ước mơ và hy vọng chập chờn.


(Kỷ niệm chuyến du khảo cuối tháng 5).
PHAN KHƯƠNG THÁI            


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 99, ra ngày 22-7-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>