Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

CU TÝ


 Cu Tý 
 
Chân trái ba cu Tý bị băng hơn hai tháng trời. Mấy hôm đầu bột trắng như mấy viên phấn nụ má cất trong hộp. (Má cất kỹ thế thôi chứ chẳng mấy khi dùng, ba ghen có hạng đấy mà). Bây giờ thì nham nhở, đầy cáu ghét, bẩn quá sá .

Cu Tý còn nhớ cái hồi mới ở nhà thương về, ông y tá dặn đi, dặn lại là ba đừng có đi nhiều, và giữ cái chân bột cho sạch. Ba dạ dạ cẩn thận lắm. Được đâu một tuần, ba không rời khỏi giường. Bao nhiêu chuyện có má lo hết. Sang tuần thứ hai, ba đã bực mình vì bị tù túng. Mỗi lần má phải ra ruộng là ba nhổm dậy, nhìn quanh thấy không có ai là a lê, bước xuống giường, lò cò ra ngõ hít khí trời. Má về, biết là la um sùm. Nhưng rồi thương chồng, bà thỉnh thoảng dìu chồng ra chõng tre đặt ngoài sân, hóng mát mỗi chiều. Cái chân bột của ba dần dần trở nên tấm bảng trắng một cách bất đắc dĩ. Ba viết lên hàng chục câu khác nhau, câu nào cũng ngộ nghĩnh nhưng xót xa thế nào. Cu Tý đợi ba ngủ mới tò mò chạy tới đọc lẩm nhẩm. Tý học trường bình dân buổi tối do cô Hoa dạy. Cô Hoa lớn tuổi, chưa chồng, nhưng hiền. Phải cái cô không đẹp. Cô có những cái đi ngược với mỹ quan thiên hạ. Da cô trắng nhưng sần sùi vì mấy nốt mụn đỏ lấm tấm trên má. Mũi cô đỏ. Hai mắt thật lớn nhưng lồi ra nhiều quá đôi khi trông như dữ tợn. Được cặp môi rất tươi, hay cười và hàng răm trắng đều. Thế nên cô Hoa vui vẻ luôn. Cu Tý chả thấy cô bí xị bao giờ. Trong lớp cô thương Tý nhất vì Tý chăm học, lại ngoan đáo để. Nhờ cô, cu Tý trong mấy tháng là đọc được.

Trên cái chân bột của ba, cu Tý đọc thấy nào là : « Đời là đau khổ », « Ôi, Trời sinh ta sao còn sinh chúng nó » cu Tý đọc và cười, nhưng chẳng hiểu gì hết. Mỗi lần ba thức mà cu Tý lại gần, hai mắt có ý lấm lét đọc mấy câu bất hủ trên chân ba, ba lấy hai tay che đi, đuổi cu Tý ra sân « Đi ra ngoài nớ mà chơi ! Con nít không được đọc ». Cu Tý cười, lẩn đi nhưng thấy ba thật khôi hài. Nếu muốn cu Tý đừng đọc, ba phải ngủ ngồi, tay ôm khư khư cái chân trái của ba mới được. Có lần cu Tý thấy ba lấy bút chì xóa xóa mấy câu gì đó. Hẳn ba sợ cu Tý hư người khi đọc được chúng chăng ?

À, mà cu Tý quên nói tại răng ba cu Tý bị gãy chân hỉ. Ba cu Tý là lính đó, lính giữ làng í mà. Ba cu Tý được phát súng, khẩu súng dài thế này này, đen như... như súng í. Ba cấm không cho Tý sờ vào khẩu súng đó, sợ nó nổ bất tử thì có ngày chầu Diêm Vương sớm. Cu Tý nói giọng hờn dỗi : « Ít nữa con lớn, con cũng đi lính cho coi, con mang hai khẩu súng hai vai, bắn pằng pằng như ông Quận ». Cu Tý đưa hai tay trước bóp cò tưởng tượng. Mắt nó nheo nheo khiến cả nhà cười bể bụng. Từ cái đêm má bồng cu Tý chạy xuống hầm núp, và bà nội vừa chắp tay vái trời vái đất vừa khóc trong tiếng đạn réo và nổ ầm ầm, thì ba cu Tý đành làm thương binh một giò.

Ba có vẻ hận lắm, cứ mong cho chân chóng lành mà đi nữa. Má thì luôn mồm bảo : « Chân đã gãy mà cứ đi lắc nhắc hoài làm răng cho hắn lành ? Mấy thầy (ý má bảo mấy ông Y tá) đã dặn, rứa mà không chịu nằm yên. Coi chừng cả đời phải chống nạng rồi còn lính với liếc, bắn với chác chi nữa mà la ! » Má vừa nói vừa háy ba. Còn ba thì cười hì hì... « Má hắn thử nằm không nhúc nhích một ngày tui coi nờ. Được cái miệng là không ai bằng ». Nói xong, ông úp sấp người xuống chiếu, nằm yên như ngủ để khỏi nghe « má hắn » cằn nhằn thêm. Những lần như rứa, cu Tý thấy má ngó ba, rồi bật cười. Má vừa đi ra khỏi phòng, vừa nói lớn : « Đồ lớn rồi mà như con nít. Răng mà hắn giống thằng cu Tý rứa không biết ». Ba ngẩng đầu, vừa cười vừa nói với theo : « Ừ, thì con nào cha nấy mà lại ». Má di thẳng không ngoái lại nhưng mắt má sáng cả nét cười.

Má cu Tý còn trẻ, nổi tiếng đẹp và đảm. Má người miệt Phan Rang giọng nói hơi pha miền quê mẹ. Từ hồi theo chồng về đây, má đổi giọng đi nhiều, uốn lưỡi theo tiếng địa phương, lâu dần má như bỏ giọng cũ. Người trong làng có cảm tưởng như má sinh ra và lớn lên ở đây. Bà nội cu Tý hồi xưa nổi tiếng đanh đá. Vậy mà từ khi có dâu, có cháu, bà bỗng hiền khô. Thương dâu còn hơn thương con nữa.

« Dâu hắn săn sóc mình chớ thằng Hai thì chỉ làm mặt, hỏi qua loa rồi thôi, chẳng được tích sự chi cả ». Bà thường đem câu đó ra chứng minh cho cái tình nồng đượm bà dành cho má cu Tý. Hẳn từ xưa bà chưa được ai săn sóc chu đáo, thương yêu như má cu Tý đối với bà.

Hôm má đi, bà nội một tay dắt Tý, một tay ôm nải chuối tiêu. Má giành cầm dùm mấy, bà nội cũng không chịu. Bà nhìn đống hàng trên tay má, rồi lớn giọng nói như mắng : « Xách chừng nớ, tay mô nữa mà cầm dùm. Khi mô mỏi tao nhờ thằng Tý ôm cũng được ». Má phải vâng lời nhưng thỉnh thoảng liếc nhìn nải chuối chĩu trên tay gầy khô của bà mà ái ngại.

Ba đi một bên má, khập khiễng. Chân ba chưa lành nên không đem dùm chi cho má được, ba có vẻ băn khoăn lắm. Con đường từ làng ra ga xép không xa mấy. Cu Tý vẫn thường ra đây ngắm mấy toa tầu vừa nhỏ vừa đen đủi chạy qua, phì khói đen xì, dơ ác. Đôi khi cu Tý vẫy tay với những hành khách trên toa xe. Có người ngó cu Tý cười, có người vẫy trả. Cu Tý thấy vui vui. Họ toàn là dân ở các làng bên cạnh, làm người buôn bán, chả mấy khi Tý trông thấy những người sang trọng, đem chút hơi hướng của kinh thành hào nhoáng về. Dường như mỗi lần có người lên thành sống là đi mãi mãi, không trở về nữa. Cu Tý tự hỏi, tại sao thế nhỉ.

Bốn người tới ga chẳng sớm chi mấy. Thiên hạ đã nhốn nháo, người loay hoay khiêng hàng hóa lên tầu, kẻ thì tay xách nách mang, nhớn nhác tìm người quen. Má cu Tý đến toa gần đầu máy nhất, leo lên bỏ hết nào xách, nào va li xuống dưới gầm ghế. Xong má leo xuống, đứng cạnh bà nội, ba và cu Tý. Bà nội run run đưa nải chuối cho má :

- Đem theo mà ăn dọc đường cho khỏe nghe con. Vô trong nớ, thu xếp mau mau mà về. Nhà không có ai, tao thì già lẩm cẩm, ba thằng Tý thì què quặt...

Bà nội sụt sùi khóc. Má cũng rưng rưng nước mắt an ủi bà :

- Mạ đừng lo. Con vô chừng một hai ngày là con về liền. Rồi mạ cũng đi cho rồi chớ ở chi một mình, một thân ai lo cho mạ ? Kệ, nghèo túng chật chội mà có mạ có con vẫn hơn mạ hỉ, mạ đi với tụi con nghe mạ ?

Bà nội lắc đầu, vẫn khóc :

- Thôi, tao ở đây. Đi hết rồi để nhà cửa mồ mả cho ai ? Tao già rồi, đi mô cũng chừng nớ.

Bà vỗ đầu cu Tý đang nép sát vào người bà :

- Thằng chó ni rồi cũng quên tao mất thôi.

Tiếng còi tàu ré lên như con vật già nua chợt nổi giận. Bà nội hốt hoảng đẩy má cu Tý đi :

- Thôi, mau lên cả tầu hắn chạy đi chừ. Mau lên mà về nghe con.

Má cu Tý ôm cu Tý vào lòng, hôn lên má cu Tý như mưa bấc, rồi vội vã quay đi.

Khi chuyến tàu đi xa, ba còn đứng nhìn theo, bà nội vẫn sụt sịt. Lần thứ nhất, cu Tý thấy bà khóc nhiều đến thế. Khi về cu Tý hỏi :

- Tối nay má có về không bà ?

Bà nội gật gật đầu, nói không ra tiếng.

Đêm hôm ấy, cu Tý nhất định thức chờ má về, cu Tý vẫn quen lệ đêm đêm thu mình trong lòng má. Mùa đông, má là lò sưởi tốt nhất, mùa he, má vừa ru Tý ngủ, vừa phe phẩy quạt. Cu Tý quen được sờ làn da mịn mát của má, những lần ngước lên, Tý thấy mặt má êm dịu một cách lạ lùng. Tai cu Tý quen nghe điệu hò êm mà buồn xa vời, thể hiện qua niềm luyến quê của má. Có khi cu Tý thấy nước mắt má thấm trong tóc mình ấm nóng. Tý thương má ác.

Mấy lần bà nội dục Tý đi ngủ, cu Tý cứ trơ ra, hai mắt mở thao láo. Cu Tý ngồi ở góc giường; bó gối như người lớn. Tý đợi má về ru Tý ngủ. Bà nội bỏ tấm chõng, sang giường Cu Tý. Bà ôm cu Tý vào lòng, vuốt mái tóc mềm ngắn của Tý :

- Ngủ đi rồi má mày về. Khuya rồi. Ngoan không bà đánh.

Cu Tý lắc đầu :

- Tý đợi má Tý về ru Tý ngủ.

- Gớm, 6, 7 tuổi đầu mà còn vòi má. Hay là vào ngủ với bố mày đi.

Cu Tý vẫn lắc đầu. Ba cu Tý không nhúc nhích. Hẳn ông ngủ say. Cu Tý vẫn thắc mắc. Sao người ta ngủ say mà lại thở dài được nhỉ?

Cu Tý đợi lâu quá mà má vẫn không về. Mắt cu Tý ríu lại. Cu Tý thỉnh thoảng có cảm tưởng như bị một vật gì đè nặng lên người, cu Tý gục xuống, rồi chợt tỉnh; mệt kinh khủng. Dần dần, không chịu được cơn buồn ngủ phá quấy, cu Tý vòng tay lên đầu gối, gục đầu ngủ ngon lành. Bà nội nhìn cu Tý, nước mắt rưng rưng. Bà ôm chầm lấy đứa cháu bé bỏng, xoa đầu tóc ngắn ngủn của cu Tý, và khóc vùi. Linh tính bà báo cho bà biết rằng bà sắp xa những người thân yêu, xa mãi mãi. Tiếng súng vọng về nghe thật rõ, mà cũng thật quen thuộc.


Má cu Tý đi được hai ngày thì có người tìm đến nhà, đưa bức thư của má. Má bảo phải lo thu xếp chuyện làm ăn và giữ nhà. Má giục cả nhà lên với má kẻo má lo lắm, ăn ngủ không yên. Bà nội nghe đọc thư xong, không nói một tiếng, hai mắt nhìn xa vời. Ba thì lặng lẽ thu xếp đồ đạc. Không riêng gì nhà cu Tý, những nhà bên cạnh cũng lăng xăng dọn lên tỉnh.

Những buổi chiều như hôm nay, cu Tý thấy họ kéo nhau ra nghĩa địa sau làng như để thăm mồ mả những người thân trước khi rời làng. Những người đàn ông thì trịnh trọng, khăn đe áo dài, mấy bà thì đem nào nhang, nào quả. Khi đi thì hấp tấp, khi về thì uể oải. Cu Tý thấy mấy bà khóc mà thương hại. Tuy còn nhỏ, cu Tý đã hiểu thế nào là tình quê hương. Bọn thằng Năm, thằng Bò đi rồi, cu Tý nhìn cánh đồng trống mà nhớ mấy con diều giấy xanh đỏ vô hạn, nhìn dòng sông thì nhớ những lần xuống tập bơi, uống nước gần chết. Mai đây, khi cu Tý đi rồi, cu Tý sẽ ngắm những cảnh mới mà quên mất hương lúa thơm ngọt, vị nước mát lành ở đây không nhỉ ? Không, không đâu, cu Tý không tin mình đi là đi hoài. Còn bà nội ở đây, cu Tý sẽ trở về thăm bà, thăm cánh đồng, lũy tre, dòng sông. Cu Tý có thân thể của một đứa bé bảy tuổi, nhưng nếp sống quê nghèo đã kéo dài nếp sống tình cảm của nó như một cậu bé mười ba. Nó hiểu thế nào là nỗi hãi sợ dưới mưa đạn. Nó hiểu thế nào là vị mặn của nước mắt, vị chua của mồ hôi, vị đắng của cảnh nghèo. Cu Tý đã lớn hồi nào không biết.

Cu Tý ngồi trước cửa nhà, đợi ba ra là đi. Bà nội bảo trong người khó ở, không tiễn hai bố con cu Tý lên tàu. Bà nằm quay lưng vào vách, thân gầy yếu run lên nhè nhẹ. Cu Tý biết bà khóc.

Khi ba mang gói quần áo ra, cu Tý vội chạy lại :

- Mình đi chừ ba hả ?

Ba gật đầu :

- Con vô thưa bà mà đi.

Cu Tý chạy vào nhà, đến bên giường bà, nó ngần ngại rồi ôm chầm lấy bà :

- Thưa bà, con đi.

Bà nội quay lưng nhìn cháu, hai mắt hoe đỏ, bà cũng ôm lấy Tý, dúi vào tay Tý tờ giấy bạc trăm, rồi đẩy Tý ra :

- Đi mau đi cháu.

Cu Tý nhìn bà lần cuối. Lưu luyến như chiếc dây xiềng quàng vào chân Tý khiến nó đi không nhanh được. Cu Tý nghe như mỗi ngọn cây, mỗi bước đường đất trắng đều nhỏ nước mắt khóc tiễn. Cu Tý chạy đến bên ba nắm lấy tay ông như tìm một che chở. Từ xa, Tý đã thấy đầu xe hỏa đen ngòm, phun khói phì phì. Tiếng máy xình xịch như bảo như dục : « nhanh đi, nhanh đi ».

Leo lên tàu rồi, ba dắt cu Tý đứng bên cửa sổ nhìn về hướng làng. Con đường đất cát ngoằn ngoèo khuất sau hàng tre thấp. Cu Tý nhìn những nhánh cau vượt lên từ những mái tranh đu đưa nhè nhẹ theo chiều gió. Tàn lá phất phơ như vẫy tay. Bóng chiều nhẹ bay về, đậu trên mấy đám mây trắng đang thong thả ngủ trên trời cao. Cu Tý ngước nhìn ba, chưa bao giờ cu Tý bắt gặp nét não nùng trong mắt ba nhiều đến thế.

Cu Tý nghĩ về bà nội, thương bà quá. Bên cạnh Tý còn ba, và sau này thêm má nữa. Còn bà nội, ai sẽ ở bên cạnh bà đây ? Cu Tý tưởng tượng mỗi sáng bà nội lui cui đun nước, hay quét sân, hoặc không làm gì hết, thu mình trên chõng tre, hẳn bà buồn kinh khủng lắm. Bà sẽ nhớ, chắc chắn là nhiều hơn cu Tý nhớ, bà sẽ buồn, chắc chắn là nhiều hơn cu Tý buồn và bà sẽ khóc, nhiều hơn bao giờ hết trong đời.


Cu Tý vẫn mong có ngày trở về quê cũ, để ngắm cánh đồng cỏ mượt, để ngắm dòng nước xanh lơ. Nhưng mỗi lần nhắc đến, ba má đều gạt đi. Cu Tý không bao giờ biết đến rằng làng cu Tý bây giờ chỉ là bình địa và cũng không bao giờ có thể tưởng tượng được bà nội của cu Tý đã lòa vì nước mắt và đã chết trong một trận mưa đạn tơi bời.

Ba má cu Tý đã thao thức bao đêm vì nỗi ân hận không được chôn nắm xương tàn của mẹ. Ba má của Tý không mặc đồ tang chế, để tự an ủi mình rằng, những tin đồn ấy biết đâu chỉ là những tin đồn không căn cứ, và để nghĩ tưởng rằng bà nội vẫn còn quanh quẩn nơi căn nhà xưa, vẫn mỗi sáng mỗi chiều cúc cu gọi đàn gà con vàng tơ về ăn thóc.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp NHỮNG CON SỐ
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>