Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

CHƯƠNG TÁM_KỶ NIỆM HỒNG



CHƯƠNG TÁM


Buổi chiều cuối cùng ở lại quê ngoại, Thoại và Thanh đi thăm mộ ông. Ngôi mộ quét vôi trắng đơn sơ nằm trong một nghĩa trang đìu hiu. Gió chiều đưa xào xạc những cọng cỏ cao khỏi đầu mọc ở cuối một khoảng đất bỏ trống. Thoại nghe dường như có tiếng ai thì thầm trong đó, không ghê sợ như những tưởng tượng của Thoại lúc bé mà trái lại, Thoại thấy nó vẫn có một cái gì thân thiết. Bà ngoại chỉ ngôi mộ bên cạnh bảo :

- Ngày xưa bà định sẽ nằm đây, nhưng có người mua rồi. Có lẽ chừng nữa bà nằm tuốt đằng kia.

Ngoại đưa tay chỉ về phía cuối những ngôi mộ sơn trắng, nơi những cọng cỏ lêu nghêu xào xạc. Thoại nắm tay ngoại buồn :

- Thôi, ngoại nói gì kỳ quá ngoại ơi !

- Có gì mà kỳ con. Ai cũng phải chết, sợ thì cũng chết.

Thanh xen vào :

- Nhưng ngoại còn sống lâu lắm. Con biết mà.

Ngoại cười, vuốt đầu Thanh, bảo :

- Sao con biết ?

- Con cầu nguyện.

Thoại tiếp :

- Cầu nguyện thì ngoại sống lâu. Tụi con tin vậy đó ngoại. Nhưng có một điều tụi con xin chưa được…

Biết Thoại sắp nói gì, ngoại bảo :

- Thôi về đi con, chiều rồi.

Thoại đọc thêm mấy câu kinh cho ông ngoại, rồi lững thững theo bà. Buổi chiều đồng quê thật mát, thật đẹp. Ngoại hỏi :

- Ở trên đó chắc không mát mẻ như thế nầy đâu hả Thoại ?

- Dạ. Nhưng trên đó có được cái sân rộng trồng cây nên không đến nỗi nực lắm.

- Sao mẹ con không về ?

- Mẹ con phải đi dạy nên không về được ngoại ạ !

- Hồi xưa, có lúc giận ông ngoại bây, tao bỏ về ở với bà cố, ở đó đi dạy được hai tháng.

- Rồi ông ngoại không năn nỉ bà ngoại sao ?

- Hai tháng sau ổng lò dò lên. Tao giận muốn ở luôn.

- Hồi đó mẹ con còn nhỏ hả ngoại ?

- Ừ. Mẹ bây mới học lớp nhất.

- Sao giờ ngoại không dạy nữa hả ngoại ? Thanh hỏiỞ trường tụi con có bà giáo sư cỡ tuổi ngoại vậy đó !

- Thấy vóc dáng thì già chứ họ không già đâu. Năm nay ngoại lục tuần rồi còn dạy gì nữa !

- Ờ há !

Thoại cốc vào đầu em :

- Lẩm cẩm !

Thanh làm nũng :

- Ngoại coi chị Thoại ăn hiếp con đó ngoại !

- Ừ, để lát về ngoại bẻ răng nó, bỏ đói nó luôn.

Thanh cười như nắc nẻ :

- Ngoại dữ ghê !

- Ngoại ghét ta vậy mi chịu lắm há ? !

Ngoại vuốt đầu Thoại :

- Chừng nào tụi con về nữa ?

- Dạ, có lẽ Tết đó ngoại.

- Ừ, nhớ bảo thằng Hùng với con Thục về chơi với ngoại nghe. Tao già rồi, ở trên đó rộn rịp quá không được.

- Hồi đó thì sao ngoại ?

- Hồi đó thì ngoại còn trẻ, bây giờ thì gần đất xa trời rồi.

Thoại nhìn ngoại, thấy thương ngoại vô cùng.

Sau bữa cơm, trước khi đi ngủ, Thanh bảo giọng âu lo :

- Sao em áy náy, lo lo cái gì, chị Thoại ạ.

- Lo gì ?

- Không biết lo gì nữa. Thấy làm sao ấy !

- Mi lại mắc bệnh yếu bóng vía hả ?

- Xí ! Người ta nói chuyện đàng hoàng mà cứ…

Thoại yên lặng, Thanh tiếp :

- Chưa bao giờ em thấy lo lắng kỳ cục như thế nầy !

- Thôi ngủ đi, mai về nhà sẽ hay. Có thể mi bị yếu tim đấy.

Thanh không nói gì cả và nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ…


Chiếc xe lôi đỗ lại đầu ngõ, Thoại bước xuống trả tiền, còn Thanh thì hốp tốp đi vào. Tối hôm qua đến nay, tự nhiên Thanh lo lắng kỳ quặc. Thoại gọi em :

- Chờ chị đi với, Thanh !

Thanh đi chậm lại, cằn nhằn :

- Đi lẹ lên một tí đi. Mệt thấy mồ.

Biết tánh Thanh, Thoại không nói gì cả.

Căn nhà im lìm, cửa đóng kín. Thoại hốt hoảng kiễng chân nhìn vào. Nhánh một cây mận to rơi xuống nằm nghiêng ngửa. Cánh cửa sổ trước nhà thủng một lỗ khá to. Thanh kêu lên :

- Trời ơi ! Cái gì thế này ?

Thanh xô Thoại sang một bên, lắc mạnh cánh cửa cổng, hy vọng mở được để vào nhà. Nhưng không, cánh cổng đã khóa kín. Thanh cuống quýt nhìn Thoại :

- Cái gì kỳ vậy chị Thoại ? Sao cây cối ngã đổ hết vầy nè ? Làm sao đây ?

Không đáp lời em, Thoại ném chiếc túi nhỏ đựng quần áo và một số trái cây xuống rồi ù té chạy sang nhà bên cạnh. Thanh cũng cuống quýt chạy theo. Vừa vào đến sân, bác Tám đã chạy ra nói mau :

- Má cháu đi nằm nhà thương rồi !

- Trời ơi !

- …

- Tối qua, không biết cái gì nó rớt cuối phố nổ ầm lên má cháu bị miểng bay qua cửa sổ cắm vào chân, người ta chở đi rồi, có thằng Hùng đi nữa.

Thoại lắp bắp không ra tiếng :

- Có… có sao không… bác ?

- Chưa biết nữa. Thằng Hùng đưa má cháu đi hồi 11 giờ khuya sao giờ chưa thấy về.

Không còn cách nào khác hơn là đi qua bệnh viện tìm vì Thoại không đủ can đảm ngồi chờ. Thanh khóc sướt mướt :

- Em sợ quá, chị Thoại ơi !

- Đừng có khóc ! Giờ chị đi qua nhà thương tìm mẹ, Thanh ở đây nghe.

- Không, em đi theo nữa.

- Không được ! Thanh đi theo rồi lại khóc lóc, lại chết lên chết xuống, làm sao ?

Nói xong, Thoại tất tả đi ra cửa, vẫy một chiếc xe đến nhà thương. Chợt đầu phố anh Hùng đi lại. Sợ mình quá luống cuống nên trông lầm, Thoại nhìn kỹ lại lần nữa rồi kêu to :

- Anh Hùng ! Anh Hùng !

Chiếc xe đỗ lại, Thoại bảo :

- Anh lên đi với Thoại đi. Mẹ có làm sao không ? Mà bị cái gì vậy ?

- Pháo kích !

- … ! ? !

- Giờ mẹ còn mê man. Đã giải phẫu lấy mảnh đạn nhỏ ở chân mẹ ra. Mẹ còn bị một vết thương ngang hông nữa. Thanh đâu rồi ?

- Nó đang ở nhà bác Tám. Cửa đóng hết làm sao vào nhà ? Nó khóc quá ! Mà liệu mẹ có sao không, anh Hùng ?

Giọng anh Hùng thẫn thờ :

- Chưa biết. Anh lo quá.

Không ai nói với ai thêm câu nào nữa cả. Nhớ lại giấc mơ lúc tối của Thanh, Thoại giật mình. Trời ơi ! Lỡ mà đúng như giấc mơ thì… Không ! Thoại không tin mẹ có thể chết được. Thương tích của mẹ có lẽ không nặng lắm. Không sao đâu. Không sao đâu ! Thoại cố trấn an mình như vậy.

Dãy hành lang bệnh viện dài hun hút. Tường quét vôi trắng, im lìm đến lạnh người. Đi ngang phòng giải phẫu, nghe tiếng người đàn ông rên siết, liên tưởng đến mẹ lúc ấy, có lẽ cũng đau đến ngất người đi, Thoại thấy lòng mình quặn lại. Thoại hỏi :

- Mẹ giải phẫu hồi nào anh Hùng ?

- Chở mẹ qua là giải phẫu ngay.

- Đau lắm hả anh Hùng ?

- Ừ, nhưng người ta chụp thuốc mê nên không đến nỗi nào.

Thoại theo anh Hùng dừng lại trước một căn phòng cửa kính. Thoại hỏi :

- Đi vào chứ, sao lại đứng đây ?

- Vào không được !

- …

- Mẹ giải phẫu, phải nằm phòng lạnh.

- Trời ơi ! Chỉ đứng đây mà nhìn sao ?

- Tối nay mới vào thăm mẹ được.

- Rồi bỏ mẹ ở đây, ai lo cho mẹ ?

- Có bác sĩ với mấy cô y tá.

- Anh tìm bác sĩ bây giờ được không ?

- Chi vậy ?

- Hỏi bệnh tình của mẹ ra sao ? Thoại sợ quá !

Giọng Thoại lạc đi, anh Hùng bảo :

- Anh vừa gặp bác sĩ trước khi về. Bác sĩ bảo không đến nỗi nào, nhưng sợ phải mổ lại lần nữa.

- … Sao vậy ?

- Sợ còn sót miểng đạn trong chân mẹ !

- Sao không mổ một lần ?

- Anh không biết nữa. Thôi giờ mình về kẻo Thanh nó chờ.

- Về bây giờ sao ?

- Ở lại đây cũng chỉ nhìn mẹ nằm trong đó thôi. Bây giờ mình về, lát lại trở qua.

Anh Hùng kéo tay Thoại đi ra, Thoại còn cố nán lại nhìn. Mẹ nằm yên bất động, mình phủ tấm drap trắng. Trời ơi ! Sao giống giấc mơ của Thanh quá ! Thoại run lên lắp bắp :

- Tối qua Thanh nó nằm mơ thấy người ta chở ba vào bệnh viện, cũng đắp drap trắng, lát sau ba chết. Trời ơi ! Sao có sự trùng hợp lạ kỳ vậy ? Thoại sợ quá anh Hùng ơi !

- Thoại phải cố gắng bình tĩnh một chút. Hãy tin lời của bác sĩ. Với lại chỉ có vết thương ở chân mẹ là đáng kể thôi, còn vết thương ngang hông thì không nặng lắm.

Tuy anh Hùng trấn an như vậy, nhưng đầu óc Thoại rối bung, mất cả bình tĩnh. Nhất là nhớ đến giấc mơ hôm qua của Thanh, Thoại càng cuống lên. Nước mắt Thoại trào ra. Giờ thì Thoại không còn bình tĩnh được nữa. Những bước chân nặng nhọc, âu lo lê đều trên hè phố…

Về đến nhà, Thanh hấp tấp chạy ra hỏi :

- Mẹ thế nào ? Anh Hùng ? Chị Thoại ?

Anh Hùng thuật lại câu chuyện cho Thanh nghe. Thanh đứng há hốc mồm kinh ngạc, lát sau lại òa lên khóc. Anh Hùng dỗ mãi không được phải gắt :

- Anh đã bảo nín ! Khóc lóc làm rối thêm !

Móc túi đưa chìa khóa cho Thoại, anh Hùng cúi xuống cầm mấy cái xắc nhỏ lên. Cánh cổng được mở ra, Thoại hấp tấp đi lại cánh cửa sổ xem xét. Cửa bị xoáy một lỗ tròn. Chỉ có vậy thôi! Nhánh mận bị đổ xuống, nằm nghiêng ngửa, lá rơi đầy ngoài sân. Thoại đưa tay lên ngực :

- May quá ! Nhà không có sao.

- Đạn rớt cuối phố, ngay đống gạch của lò gốm đó. Anh Hùng bảo.

Thanh xen vào :

- Ở cuối phố sao mẹ lại bị thương ?

- Mấy mảnh đạn tung tóe bay ngay vào nhà nên mẹ mới bị.

- Ở lò gốm có ai bị sao không ? Thoại hỏi.

- Dường như cũng có hai người bị thương, nhưng nặng hơn mẹ.

Trên giường, chiếc khăn xám của mẹ máu loang cả một góc. Chiếc ly để trên bàn cũng vỡ nát. Chỉ có như vậy. Nếu thu dọn những mảnh vỡ của chiếc ly và cái khăn kia, nhìn vào, người ta không thể ngờ rằng trong ngôi nhà nầy có một biến cố lớn lao vừa xảy ra. Cúi xuống nhặt chiếc ly vỡ, anh Hùng nói :

- Hôm qua, lúc đang thiu thiu ngủ, anh nghe vù vù như tiếng gió thổi thật mạnh rồi tiếng nổ thật lớn và tiếng kêu của mẹ. Anh chạy qua thì mẹ bất tỉnh rồi.

Thanh hỏi :

- Rồi anh đưa mẹ vào bệnh viện hả ? Chắc lúc đó là lúc em nằm mơ !

Thoại nhìn lại khắp căn nhà, ngày xưa ấm cúng bao nhiêu thì bây giờ lạnh lẽo và buồn bã bấy nhiêu. Anh Hùng xuống bếp lục cái bao nylon đem lên bảo Thoại :

- Gói cho anh cái chăn, cái màn. Tối anh qua bệnh viện ngủ. Giờ anh phải vào sở một lát, anh bỏ làm buổi sáng rồi.

- Bên đó làm sao có giường cho anh ngủ ?

- Thì mướn ghế bố nằm. Không có giường không lẽ bỏ mẹ bên đó ?

Anh Hùng lên nhà thay bộ trây-di rồi trở xuống bảo :

- Anh đi lát chiều anh về. Không đứa nào được qua bệnh viện khóc lóc, nghe chưa ?

Nói xong anh Hùng bước ra cửa, Thanh chạy theo :

- Anh Hùng về sớm sớm nghe. Thanh sợ lắm !

Anh Hùng vuốt đầu Thanh an ủi :

- Ừ, anh sẽ về sớm. Đừng khóc nữa.

Thanh trở vào nhà. Hai chị em ngồi nhìn nhau lo âu. Anh em Thoại không đủ sức để đùm bọc lấy nhau huống hồ gì còn phải lo cho mẹ. Nhưng điều cốt yếu là phải lo cho mẹ trước nhất, chuyện gì ra sao rồi sẽ tính…

Thoại gục đầu xuống bàn nhắm mắt lại. Viễn ảnh đen tối của gia đình ngày mai kéo đến. Phải chi bây giờ có ba. Anh em Thoại làm sao chống đỡ nổi gia đình ? Rồi gia đình sẽ như thế nào khi mẹ là cột trụ chính của gia đình nằm xuống ? Bệnh tình của mẹ ra sao ? Làm sao lo thang thuốc cho mẹ đây ?

- Ba ơi ! Ba ở đâu, sao ba không về ? Ba ơi !

Nước mắt Thoại ràn rụa. Nửa tủi thân, nửa lo cho mẹ, Thoại khóc như chưa bao giờ khóc…

*

Mẹ nằm bệnh viện đến nay đã một tuần. Nhìn mẹ tiều tụy Thoại đau xót lắm, nhưng không biết làm sao hơn. Đáng lẽ hôm nay mẹ đã xuất viện, nhưng vì những mảnh đạn quá nhỏ cắm sâu vào vết thương nên vết thương làm mủ, phải giải phẫu lần thứ hai để lấy ra. Mẹ yếu quá nên gần như kiệt sức. Gia đình Thoại bây giờ đang lâm vào cảnh nguy khốn. Chỉ mới một tuần mà số tiền dành dụm từ trước đã vơi đi gần phân nửa. Mẹ không thể đi dạy, tất nhiên sẽ không có tiền. Một tuần trôi qua, gia đình Thoại sống nhờ vào món tiền đó. Một ngày nào, khi món tiền đó cạn, gia đình Thoại sẽ ra sao ? Nhất là mẹ, mẹ cần phải được săn sóc thuốc men và tẩm bổ. Nhưng đào đâu ra tiền ! Đầu óc Thoại ngổn ngang trăm mối. Từ hơn một tuần nay, không bao giờ Thoại thuộc bài thật làu. Hôm nào cũng chỉ phân nửa. Anh Hùng hốc hác đến trông thấy, cả Thanh nữa !

Tiếng rầm rầm của những chiếc bàn, ghế bị xô làm Thoại giật mình. cả lớp đứng lên chào vị giáo sư. Ông giáo sư cũng gần bằng tuổi ba Thoại. Sau khi vẫy tay cho đám học trò ngồi xuống, thầy giở sổ ra :

- Trần-Kim-Thoại !

Thoại giật bắn người, run rẩy đi lên. Thầy hỏi câu thứ nhất, câu thứ nhì rồi câu thứ ba, Thoại vẫn đứng yên cúi mặt. Tức giận thầy quát :

- Tại sao trò không học bài ?

Thoại ngẩng lên nhìn thầy, cổ họng nghẹn lại. Trong một thoáng rất nhanh, Thoại thấy thầy giống ba, thật giống. Thoại định kêu lên nhưng giây phút ảo tưởng vụt mất, khuôn mặt nghiêm nghị của ông giáo hiện ra, Thoại lắp bắp không thành tiếng. Chợt nhìn thấy khuôn mặt hốc hác, bơ phờ và đôi mắt đỏ hoe, giọng thầy dịu lại :

- Tại sao con không học bài ?

Thoại cắn chặt môi để khỏi bật thành tiếng khóc. Cả lớp nhao nhao :

- Nhà Thoại bị trúng miểng đạn pháo kích đó thầy !

- Má Thoại bị thương, thầy !

Thầy bỏ cặp kính xuống nhìn Thoại :

- Phải vụ pháo kích hôm trước không ?

Thoại đáp, giọng muốn khóc :

- Dạ.

- Thôi con về chỗ đi !

Thoại đi mau về chỗ, nước mắt chực trào ra. Quyên bảo nhỏ :

- Thôi đừng khóc mi ! Kỳ lắm !

Cả buổi học, Thoại không nghe được một chữ nào. Đôi khi nhìn ông giáo, Thoại vẫn nghĩ ông giáo là ba của Thoại.

- Ba ơi ! Con nhìn ba qua hình ảnh ông giáo nầy. Bây giờ, con của ba ở đây, khao khát tình thương của ba, chỉ biết vay mượn, qua ánh mắt của người khác, qua hình ảnh của người khác. Bây giờ, là lúc con khốn khổ hơn cả, là lúc con cần có tình thương của ba, có sự bao bọc của ba hơn bao giờ hết. Nhưng ba vẫn ở đâu đâu, một nơi nào đó xa tăm tắp mà con không hề biết. Nơi ba ở có xa xôi thế nào, nếu biết được, con cũng sẽ tìm tới, dù có nguy hiểm thế nào để xin ba trở về với chúng con. Trở về lại mái nhà xưa, ở đó, có ba, có mẹ, có tiếng cười thủy tinh của chúng con. Ba ơi ! Mẹ nằm đó, thiêm thiếp trên giường bệnh. Mẹ của chúng con bây giờ không còn như ngày xưa. Chỉ một sơ suất nhỏ của bệnh viện, chỉ một chút thôi, chúng con sẽ trọn đời không còn mẹ nữa. Không có ba, không còn mẹ, chúng con sẽ mồ côi. Ba ơi ! Chúng con sẽ mồ côi ! Rồi chẳng bao giờ có mẹ và biết bao giờ gặp ba… Chúng con bất hạnh, ba ơi ! Sao ba không về ? Ba ơi !... Ba bỏ chúng con ở đây, bơ vơ thế nầy, giờ phút nầy chính thật là lúc con bơ vơ hết sức, ba đành lòng sao ba ?

Càng nghĩ, Thoại càng tủi thân. Chưa bao giờ Thoại khổ tâm như thế nầy. Không biết rồi những ngày sắp tới sẽ ra sao ?

Tiếng chuông tan giờ vang lên. Thoại hối hả trở về. Con đường ngày xưa thơ mộng, dễ thương, bây giờ thì bỗng dưng xa lạ hết. Thoại cúi đầu đi nhanh. Chợt chiếc xe trắng đỗ lại, ông Chánh đưa tay vẫy, gọi Thoại :

- Bác đưa cháu về !

Những ấn tượng không tốt đẹp từ trước đối với ông Chánh không còn nữa, Thoại mệt mỏi bước lên. Ông Chánh cho xe chạy và hỏi :

- Mấy ngày nay có lẽ cháu mệt lắm phải không ?

Thoại gật đầu không đáp. Ông Chánh tiếp :

- Bác cũng không ngờ tai họa lại có thể xảy đến bất ngờ như vậy. Nhưng có lẽ má cháu sẽ bình phục trong tuần lễ sau. Bác sẽ cố gắng giúp cháu. Có gì cần cho bác hay, nhé !

- Vâng ạ !

- Bây giờ cháu về nhà hay đến bệnh viện ?

- Dạ, bác cho cháu đến bệnh viện một lát.

Chiếc xe quẹo về tay phải rồi dừng lại. Thoại đi trên dãy hành lang lạnh ngắt, vào phòng mẹ. Mẹ ngủ yên, nghe tiếng động chợt mở mắt. Giọng mẹ yếu ớt :

- Con mới đi học về đó hả ?

- Dạ. Bác Chánh đưa con đến đây đó mẹ !

- Thế à ? Rồi bác ấy đâu ?

- Bác ấy khóa xe rồi vào sau.

Mẹ nắm tay Thoại, không nói. Ánh mắt mẹ bừng lên những xót xa khi nhìn Thoại hôm nay bơ phờ thấy rõ.

- Con gầy quá rồi, Thoại ạ !

Thoại cố gắng cười to :

- Mẹ thì lúc nào cũng lo cho con gầy với không gầy. Con vừa khám sức khỏe ở trường. Có mất kí lô nào đâu mà mẹ lo.

- Không, mẹ biết, con nói dối mẹ !

Thoại cố tình lảng qua chuyện khác :

- Mẹ ạ ! Lát nữa Quyên nó đến thăm mẹ. Tội nghiệp, nhà nó cũng như nhà mình, em nó vừa bị ban cua.

- Thế hả ? Ừ, con Quyên hiền mà dễ thương đấy chứ !

Có tiếng giày nện trên sàn gạch. Ông Chánh bước vào :

- Hôm nay bà đã khỏe được tí nào chưa ?

- Vẫn còn mệt lắm ông ạ ! Thật làm phiền ông quá !

- Không có chi. Hôm nay tôi tan sở sớm nên đón cháu Thoại luôn. Bác sĩ có bảo bao giờ thì vết thương lành không bà ?

Mẹ thở dài :

- Lành hẳn thì cũng mất cả tháng ông ạ ! Tôi lo quá ! Cứ như thế nầy mãi không biết rồi chúng nó học hành ra làm sao nữa chứ !

Ông Chánh đưa mắt nhìn Thoại đang ngồi lẳng lặng bên cửa sổ. Dạo nầy tóc Thoại không bím lại mà để lòa xòa trông đến tội nghiệp. Những đêm anh Hùng trực, Thanh và Thoại phải sang đây ngủ với mẹ. Hai chị em nằm co dưới sàn bệnh viện bẩn thỉu, thỉnh thoảng, nghe tiếng mẹ thở dài, Thoại thấy lòng mình se lại. Thoại bằng lòng nhận hết những cực nhọc để đổi lấy giấc ngủ ngon cho mẹ, nhưng mẹ cứ thao thức.

- Thoại ạ !

Tiếng mẹ gọi làm Thoại giật mình :

- Chi đó mẹ ?

- Con về ăn cơm, thay quần áo đi rồi hãy sang !

Quay sang ông Chánh, mẹ tiếp :

- Ông đưa cháu về dùm tôi nhé ! Phiền ông quá, nhưng không biết làm sao hơn !

- Không có chi, bà đừng ngại. Tôi với bà cùng là người trong hội thì giúp đỡ nhau, đâu hề gì ?

Im lặng một lát, ông Chánh đứng lên :

- Thôi, xin phép bà.

- Vâng, ông về !

Thoại và ông Chánh bước ra cửa. Buổi chiều chỉ còn le lói vài giọt nắng xuyên qua tàn cây điệp ở bệnh viện. Thoại bước đi dưới tàn cây. Nắng in lên mái tóc đen của Thoại những chấm sáng tròn. Cứ như thế, Thoại đi dọc theo hàng cây điệp dẫn ra đến tận cổng bệnh viện. Ông Chánh đang chờ, Thoại mở cửa xe bước lên. Vẫn con đường cũ trở về nhà, nhưng Thoại thấy dường như dài hơn.

*

Thanh ngồi chống tay lên cằm trước mâm cơm đã nguội. Thoại đi vào, hỏi em :

- Chờ chị đó hả ?

- Ừ.

Chợt thấy có ông Chánh, Thanh đứng dậy :

- Chào bác ạ !

Ông Chánh cười, vuốt đầu Thanh rồi quay sang bảo Thoại :

- Cháu cứ ăn cơm đi. Một lát bác đến đưa cháu sang bên ấy.

Thoại ngập ngừng :

- Dạ… nếu như bác có bận thì…

- Không có gì phiền hà đâu mà cháu ngại. Thôi bác về nhé !

- Dạ.

Ông Chánh quay ra. Thoại đến ngồi vào mâm cơm, cố gắng lắm mới nuốt được hai chén. Giọng Thanh bực tức pha lẫn một chút chán chường :

- Hồi nãy anh Ái đến !

- Chi vậy ?

- Hỏi thăm mẹ ! Và tiếp sau câu hỏi thăm sức khỏe mẹ là lời hỏi thăm chị.

- Kệ anh ấy ! Chị xem chừng Thanh bực tức lắm phải không ? Mình là con gái, phải chấp nhận những chuyện đó, miễn họ đừng đi quá lố và mình cứ tỉnh bơ thì thôi !

Thanh im lặng. Bữa cơm trôi qua thật nhanh, thật nặng nề. Ông Chánh lại đến, lần nầy thì có cả Ái.

- Xong chưa, Thoại ? Ái hỏi.

Thoại vờ :

- Dạ xong rồi. Bác có đến không ?

- Có. Ba anh ở ngoài xe. Bây giờ mình đi chứ ?

- Dạ.

- À quên, Thanh có đi không ?

Thanh cộc lốc :

- Em coi nhà !

- Vậy thôi anh đi nghe !

Thanh không đáp, quày quả bỏ vào trong.

Đi ra đến cửa Thoại thấy hai tay mình cóng lại, mắt hoa lên nên vội vã chạy vào nhà. Thấy lạ, ông Chánh trở vào :

- Gì đó Thoại ?

Thấy mặt Thoại tái xanh, ông Chánh hoảng hốt gọi Thanh rối rít. Thanh nghe kêu từ dưới đi lên, thấy vậy cũng hoảng hốt :

- Chị Thoại ! Chị Thoại ! Sao vậy ?

Thanh đỡ Thoại lại giường. Tay chân Thoại lạnh ngắt. Thanh lấy chăn đắp lại rồi hối hả đem thuốc đến cho Thoại uống. Ái ra xe đi tìm anh Hùng. Thanh lo âu đi ra đi vào.

Buổi tối, Thoại nằm mê man. Có lẽ vì yếu quá nên Thoại không chịu đựng được những bất thường trong mấy ngày qua. Thanh ngồi dưới chân giường nhìn chị lo âu. Không biết tại sao lại có những chuyện bất ngờ như thế này xảy ra cho gia đình ? Mẹ chưa lành bệnh, lỡ bây giờ Thoại lại đau luôn thì thật là khốn. Anh Hùng chưa biết phải xoay sở thế nào để lo cho mẹ. Những lúc cảm thấy tâm hồn lo âu, Thanh cũng như Thoại đều mơ ước : Phải chi có ba ! Có ba bên cạnh, chị em Thoại sẽ nhẹ bớt gánh nặng nầy, vì với những đứa con nít như Thanh, như Thoại thì có làm gì được cho gia đình đâu ?

Thoại trở mình rồi mở mắt. Thanh chạy lại nắm tay chị :

- Chị Thoại, đỡ chưa ?

- Chị không sao đâu, có lẽ bị cảm đó ! Ai ở bệnh viện với mẹ ?

- Anh Hùng vừa đi.

Thoại thở dài. Dầu gì trong gia đình cũng cần sự có mặt của người đàn ông, nhất là người cha của gia đình. Người đàn bà có quán xuyến thế nào cũng không bằng sự tháo vát của người đàn ông.

- Chị nghĩ gì mà thở dài vậy ?

- Đâu có gì ! Chị buồn sơ sơ vậy thôi.

- Chị ăn cháo nghe ! Thanh mới nấu xong.

- Chị chưa đói. Thanh đi học bài đi. Lấy dùm chị cái cặp.

- Chị học bài hả ? Không được đâu ! Chị đau thì đi học làm sao được ?

- Được mà !

- Chị không nên phí sức khỏe quá ! Mẹ chưa lành bệnh rồi chị…

Thanh bỏ dở câu nói, Thoại ngẫm nghĩ rồi gật đầu và nằm xuống nhắm mắt lại…

*

Ông Chánh vẫn chưa chịu về. Thoại kiếm cách chối từ :

- Chúng cháu chưa túng lắm, bao giờ kẹt quá thì cháu sẽ nhờ bác.

- Cháu cứ cầm lấy mà lo thuốc thang cho mẹ. Cháu đừng nghĩ gì cả, bác giúp cháu không có một dụng ý nào đâu !

- Dạ cháu đâu dám nghĩ vậy. Nhưng thật sự thì số tiền mẹ cháu dành dụm hãy còn kha khá, bao giờ cần thì…

- Cháu đừng giấu bác, bác biết hết mà ! Bây giờ cháu chưa chịu nhận, nhưng bác mong rằng cháu sẽ không từ chối lòng tốt của bác. Thôi, bác về nghe !

Ông Chánh đứng dậy đi về, Thoại đưa ông ra cửa rồi trở vào. Đến lúc nầy, chắc chắn phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, nhất là của ông Chánh để lo cho mẹ bình phục. Nhưng Thoại cảm thấy có một cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng, khi đưa tay ra nhận số bạc đó ! Tại sao người đưa tiền lo thang thuốc cho mẹ không phải là ba ? Tại sao người lo lắng cho mẹ không phải là ba ? Càng nghĩ, Thoại càng buồn. Không thể chối cãi rằng ông Chánh giúp gia đình Thoại với dụng ý, vì từ đêm Noel, tình cờ nghe được câu chuyện, Thoại không còn nghi ngờ gì nữa cả. Nhưng Thoại không thể làm như vậy được, Thoại cảm thấy như vậy là nhục nhã ! Thật nhục nhã! Tức giận, Thoại đập tay xuống bàn đánh rầm một tiếng rồi đứng dậy lo làm cơm. Hôm nay anh Hùng ăn cơm nhà.

Sau một lúc loay hoay dưới bếp, mâm cơm được dọn ra. Một tô canh chỉ thấy nước nhiều hơn, một dĩa tép khô, một chén mắm ruốc. Nhìn mâm cơm, Thoại chợt mỉm cười :

- Thà ăn như thế nầy hay tệ hơn, nhưng không bao giờ ta nhận sự giúp đỡ của ai hết ! Không bao giờ !

Nghĩ lan man một lúc thì anh Hùng đón Thanh về đến. Bữa cơm vẫn nặng nề trôi qua. Từ khi biến cố đó xảy đến, không bao giờ gia đình có một tiếng cười.

- Thoại lấy tiền đây, chiều đi chợ thêm !

- Chiều Thoại đi học mà !

- À, thì Thanh đi vậy !

- Nhưng…

Anh Hùng ngắt lời Thoại :

- Đừng có hỏi. Anh bảo sao thì làm vậy.

Thoại đứng dậy bảo Thanh :

- Lo dọn dẹp dùm chị, chị sửa soạn đi học.

- Để anh đưa Thoại đi.

Thoại vào nhà sắp xếp tập vở. Hôm nay bài vở cũng không làm. Anh Hùng đã nổ máy xe và đang chờ, Thoại hấp tấp đi ra. Trên đường đến trường, Thoại hỏi :

- Anh mới lãnh lương hả ? Ủa quên, chưa tới tháng mà !

- Ừ, anh chưa lãnh lương.

- Chứ tiền đâu ?…

- Của một người bạn, anh mới vay.

- Anh nói dối ! Thoại biết mà ! Anh không nói thật chiều nay Thoại không thèm ăn cơm !

- … ! ! ? ?

- Nói không ?

- Ừ, thì nói, nhưng đi học về đã !

- Hứa nghe !

Giọng anh Hùng buồn thiu :

- Ừ.

Cũng như bao nhiêu buổi học khác từ khi gia đình gặp chuyện không may, cứ mỗi lần đổi giờ, tim Thoại đập thình thịch khi giáo sư giở sổ ra. Bài vở Thoại vẫn học nhưng không làu. Sau trận đau ốm vừa rồi, Thoại sút đi thấy rõ. Buổi chiều tan học về, anh Phan đến đón Thoại. Giọng anh Phan thật trìu mến :

- Thoại gầy quá rồi. Phải ráng giữ gìn sức khỏe nghe !

- Thoại có làm gì phí sức đâu ?

- Đừng lo âu và buồn quá ! Bây giờ là lúc Thoại phải bình tĩnh nhất.

- Hoàn cảnh thế nầy mà anh bảo Thoại đừng buồn ?

- Buồn ít ít thôi !

- Anh không hiểu được những khổ tâm của Thoại.

Anh Phan nửa đùa nửa thật :

- Buồn ít ít thôi để phần còn lại cho anh. Anh chịu dùm Thoại phân nửa nỗi buồn !

Thoại nhìn anh Phan, tin rằng anh Phan nói thật và tin rằng mẹ sẽ khỏi. Thoại mỉm cười, nụ cười thật tươi vừa nở trên bờ môi chan chát vì nước mắt trong những ngày xám xịt vừa qua. Gió chiều vẫn mênh mang làm bồng bờ tóc anh Phan và bờ tóc Thoại. Một lọn tóc lạc lõng của Thoại theo gió, tình cờ bám vào vai anh Phan. Anh Phan nhìn Thoại mỉm cười, Thoại cúi đầu. Con đường đá sỏi rạt rào dưới chân thật vui tai.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG CHÍN
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>