Thế mà nay, bỗng không một tên trẻ tuổi đi bằng hai
chân, thuộc loài người, từ đất liền, cả gan đến tận giang sơn ông vòi vĩnh nọ
kia, ông đã thương tình chuẩn cho những đòi hỏi đó. Thế mà nó trả ơn ông bằng
cách từ chối lời đề nghị quí báu, rộng lượng của ông. Giá nó cứ nhận đi rồi thư
thả tỏ bày ý kiến thì ông còn đỡ ngượng, đằng này nó cứ thẳng băng mà nói làm
ông mất mặt quá đi. Mà nó là gì? Nó có phải con vua cháu chúa trên mặt đất, hay
dây mơ rễ má với một nhà quí tộc nào cho cam! Nó, tên trẻ tuổi ấy chỉ là con
một lão già nghèo kiết làm nghề đánh cá, quanh năm sống bằng những sinh vật do
ông cung cấp, ông chỉ mới ngủ quên có mười giây, cả làng, cả lũ chúng đã đói
meo, kiệt sức kia mà…
Càng ngẫm nghĩ, Thần Biển càng căm giận. Phải trị
quân phạm thượng một phen. Nếu dung tha, vách nước cũng có lỗ tai, rồi ngày một
ngày hai các loài thủy tộc sẽ khinh nhờn, coi ông ra cái thể thống gì?
Nhưng ông vẫn kiên trì, chưa động thủ. Ông muốn chờ
xem tên phạm thượng có thái độ thế nào rồi mới ra tay. Vả lại, trước nay thần
dân ông chưa một ai dám cãi lại và vì thế ông cũng có phần lúng túng trong việc
chọn một hình phạt xứng với tội trạng hắn đã ngu dại gây ra.
Ông chờ mãi mà gã trẻ tuổi vẫn câm như hến, không mở
miệng. Thế là nghĩa lý gì? Kiêu căng quá đi mất! À! Thấy ông rộng lượng nên lờn
mặt chứ gì? Khốn kiếp! Rồi mày sẽ biết. Ông hét toáng lên:
- Tên vô lễ kia! Tên đi bằng hai chân kia! Trêu gan
ta hẳn? Muốn ta lấy gan mi làm dầu thắp hẳn? Hay là mi hóa câm rồi?
- Kính thưa Ngài đại lượng! Con không dám làm rát tai
Ngài, con biết tội con to lắm, xin để tùy Ngài định đoạt, thân bèo bọt như con
nào có đáng sá gì… Miễn Ngài nguôi giận là con toại nguyện!
- Hừ! Ta ghét giọng lưỡi của loài đi trên đất, của
loài dã man không vẩy, không vây nhà mi quá, quá rồi! Ta sẽ… Ừ! Ta sẽ bỏ tù mi
cho mi biết tay ta!
Chàng trẻ tuổi vẫn cúi đầu, không kêu ca, không van
lạy. Chàng không phải hạng người dễ bị khuất phục vì uy vũ, vì bạo lực như ai…
Chàng muốn cư xử ra con người, xứng đáng là con người trên mặt đất.
Thái độ câm nín đó làm cho
Thần Biển giận điên thêm lên. Ông gầm như sấm:
- Ta sẽ bỏ tù mi! Ta sẽ bỏ
tù mi! Có kêu ca chi thì kêu đi kẻo muộn…
- Xin cảm ơn ngài, con không
kêu ca chi cả! Con xin đền tội để Ngài vui!
Thần vói tay lấy cái que nhỏ
bằng chiếc đũa trên bàn gần đó vẽ lên khoảng không quanh chàng trẻ tuổi bốn lằn
vuông. Tức thì, một cái nhà tù khá rộng, mỏng manh tựa như được dệt bằng rêu
xanh vây kín chàng trẻ tuổi vào giữa. Ông lại gầm lên như sấm:
- Đừng hòng kiếm cách thoát
thân! Đừng thấy lưới mỏng mà tưởng có thể bứt được! Hãy thử đi cho biết!
Ông nói và đẩy bức tường
lưới lại cho chàng trai trẻ tuổi sờ tay vào. Quả vậy, thanh niên cảm thấy màn
lưới mỏng manh kia dai chắc lạ lùng. Dù chàng có vận dụng hết sức mạnh vẫn
không thể làm đứt được. Chàng buồn rầu nhận thấy sức mạnh và lòng quả cảm của
chàng trở thành vô dụng. Chỉ còn một điều an ủi : dân chúng và cha chàng được
no lòng, vậy là đủ, quá đủ rồi, chàng không đòi hỏi chi hơn. Sự hy sinh nào
cũng mua bằng giá đắt, không đắt giá sao đáng gọi là hy sinh.
Thần Biển không nói một lời
nào nữa, hầm hầm nắm một góc nhà tù lôi đi, chàng trẻ tuổi cũng bị kéo xềnh
xệch tựa con heo trong rọ. Ra khỏi cửa, Thần Biển rút trong túi áo của ông ra
bốn miếng răng cưa, cột mỗi miếng dính liền vào một góc lưới bằng sợi rêu rồi
cắm sâu từng cái xuống đáy biển. Cái nhà tù bằng lưới rêu lại được neo kỹ không
trôi đi đâu được. Ông nheo mắt, bảo tù nhân:
- Đáng ra, ta cho cá mập rỉa
thịt ngươi ra từng mảnh, nhưng ta không làm thế, ta muốn mi có thì giờ suy nghĩ
kỹ càng, kẻo mất mạng một cách vô ích. Mi còn trẻ, mi có thể sống sung sướng,
thế mà mi lại làm phật ý ta, từ khước cái ân huệ có vô số người ao ước.
Xong ngần ấy lời, ông quay
ngoắc đi, không ngoái lại. Chàng trẻ tuổi nhận ra rằng đáy biển cũng có ngày,
đêm. Đêm tối, các ngôi sao biển cũng lóng lánh sáng, chỉ khác cái là trên mặt
đất sao từ bầu trời chiếu xuống, còn đáy biển sao từ dưới chiếu lên. Buồn rầu
vì không rõ số phận mình ra sao, anh không chợp mắt được, anh quay sang quan
sát sinh hoạt dưới nước sâu. Ra, cũng như loài người, thủy tộc nghỉ ngơi sau
một ngày làm việc. Nhưng cũng có một số vượt ra ngoài thông lệ của đồng bào,
rong chơi đàn đúm với nhau.
Vài con mực, dăm chú tôm
càng, hai cô cá đao, ba con cá đuối, tụm lại gần bên nhà tù bằng rêu dệt của
Thần Biển bàn tán thì thào. Chúng biết rõ tông tích tên tù mặt đất vì chúng nấp
ngoài cửa nhà Thần Biển. Một con tôm càng cất giọng khoe khoang:
- Ối! Sá gì một tên vô dụng
mà Thần Biển của chúng ta phải bỏ công dệt rêu làm nhà tù cho nhọc, sao Ngài
không giao cho ta canh giữ? Nó mà nho nhoe tính bề chạy trốn đấy à? Tôi sẽ dùng
ngọn thương bén nhọn này mà đâm cho nó tóe máu ra…
- Ừ! Ngài không biết tính,
chúng ta đây, chúng ta đâu phải hạng vô dụng chỉ biết rong chơi? Tôi sẽ quất
cho nó bầm lưng đi ấy chứ, đuôi tôi là một cái roi…
Cá đuối ngoe nguẩy đuôi,
lanh lảnh nói. Cá đao cũng không chịu lép:
- Còn tôi ấy à? Tôi dùng
thanh đao mà băm vằm thi thể nó nát tan ra, cái thứ quân gì không vẩy, không
vi, cũng chẳng có chút đuôi… nom xấu xí như quỉ!
Mực vẫn lặng lẽ từ nãy,
nhưng vốn là tay kiêu ngạo, mực cười khà một tiếng làm cả bọn tức mình quay
lại, hỏi:
- Anh cười gì chúng tôi?
- Tôi cười sự khoe mẽ của
các bạn chứ còn cười gì nữa? Tôi thử hỏi các bạn, các bạn khoe là có roi, có
thương, có đao, các bạn tưởng rằng loài người họ chịu kém à? Họ cũng có đao, có
roi, có thương…
Cả bọn chẩu mỏ:
- Họ làm gì có! Miệng họ
bằng, chân họ suông, thân thể họ được bao ngoài bằng một lớp da mềm.
- Nhưng họ khôn ngoan, họ
biết cách chế biến những thứ đó. Các bạn đừng hòng thắng họ… nếu không có tôi.
- Anh sẽ làm gì? Cái thứ
thủy tộc không xương, mềm oặt như anh?
- Tôi sẽ làm gì ư? Tôi sẽ
làm cho họ mù mắt bằng cách xả cái túi mực đen của tôi ra làm cho mầu nước tối
đen như mầu mực. Không có tôi, các bạn còn lâu mới hòng lảng vảng gần họ mà
đâm, mà quất, mà băm…
- Anh nói đúng! – Cá đao ra
vẻ biết điều – Chúng ta phải đồng lòng với nhau mới hòng thắng được kẻ thù nguy
hiểm. Chúng ta trị tội kẻ thù đi!
- Nguy hiểm chi đâu? Giờ hắn
bị nhốt trong tù, đánh hắn chi cho bẩn… cả râu?
Tôm càng vênh râu lên, cao
giọng. Cá đuối giương mắt lồi ra gặng:
- Thế anh cho lúc nào mới là
lúc chúng ta nên giương vây, quẫy nước?
- Chờ khi hắn được tự do.
Bậc anh hùng không thèm đánh kẻ sa cơ, như thế là hèn!
- Nhưng biết bao giờ Thần
Biển cho hắn tự do? Để đến hắn rục xương, đánh nhau với bộ xương lại còn chán
gấp mười đánh nhau với một kẻ sa cơ ấy chứ!
- Xuỵt, các bạn có mắt như
mù hết thảy. Tôi, tôi hầu hạ Thần Biển hàng chục năm, tôi biết tính Ngài. Ngài
chỉ nóng một chút rồi thôi. Ngài sẽ tha hắn nay mai. Chờ lúc đó, chúng ta sẽ
giương vây, không muộn!
Cả bọn hoan hô lời bạn, kéo
nhau đi. Còn tù nhân thì phập phồng nửa mừng, nửa sợ : nếu quả chúng nói đúng
thì chàng sẽ được tha, nhưng liệu chàng có đủ sức để chống với lũ chúng không?
Bọn chúng, tên nào cũng lao dài, thương nhọn, gươm sắc và riêng con mực lại có
thể làm chàng mù mắt vì nước bị mầu mực hòa vào?
*
Thần biển vừa ra lệnh cho
một con cua cắt đứt lưới tù dắt tù nhân vào yết kiến. Ông vẫn ngồi trên chiếc
ghế nệm bọc rêu êm ái, nét mặt hiền hòa khác hẳn đêm qua. Ông đang hút thuốc,
khói tản mạn khắp căn chòi nhỏ, những sợi khói mỏng chứ không cuồn cuộn như hôm
qua, điều đó chứng tỏ ông đã nguôi cơn giận. Cơn giận cũng tan biến theo khói
thuốc đêm rồi! Con cua hiền lành đã tiết lộ cho chàng trẻ tuổi biết điều đó
trong khi nó đưa chàng vào gặp Thần Biển.
Trong lúc cua lặng lẽ lui
ra, chàng trẻ tuổi cúi đầu thật thấp chào và chúc thọ Hải Thần. Ông cất giọng
ôn tồn hỏi:
- Thế nào? Mi quyết định
chưa?
- Thưa Ngài! Con đã quyết
định rồi, ạ!
- Quyết định thế nào? Bằng
lòng theo lời ta chứ?
- Bẩm Ngài, không ạ! Con giữ
nguyên quyết định hôm qua! Xin Ngài hiểu cho con, con cũng khổ tâm lắm khi phải
phụ lòng ưu ái của Ngài. Nhưng con không thể làm trái với lương tâm. Con không
thể sung sướng một mình trong lúc cha con và dân con khổ nhọc… Con xin ghi ơn
Ngài mãi mãi, nhưng…
Thần Biển buồn vì sự cứng
cỏi của gã con trai nhưng vô cùng khâm phục hắn. Ông biết rằng mình vô lý nếu
cầm giữ hắn lại đây. Khói thuốc giúp ông suy nghĩ kỹ càng. Chao ơi! Con cái nhà
ai ma khôn ngoan thế, trung thành thế, tế nhị thế, hả trời cao? Ước chi ông có
được một đứa con, một đứa chỉ có được phân nửa đức tính của hắn, ông cũng đủ
vui rồi, không mong mỏi nhiều hơn!
Trầm ngâm một lúc, ông dịu
giọng:
- Thôi! Đứng lên! Ta tha cho!
Ta mến ngươi, muốn ban cho ngươi ân huệ, song nếu ngươi đã không thích an nhàn,
sung sướng thì thôi, ta không ép buộc đâu, ta không muốn mang tiếng với người
trần là một kẻ cai trị bằng sức mạnh!
Nazroum cúi đầu cảm tạ Hải
Thần lần cuối, đoạn đứng lên. Bỗng anh
nhớ tới miếng nhạc khí, liền thưa:
- Kính thưa Ngài, còn…
Giọng hờn dỗi, Thần Biển xua
tay:
- Thôi, ngươi hãy mang về
luôn, ta… ta đâu biết sử dụng mà giữ nó?
Nazroum tươi ngay nét mặt:
- Thưa Ngài, rất dễ, nếu
Ngài bằng lòng, con xin chỉ cách cho Ngài, con biết nhạc khí nhỏ bé này làm
Ngài vui…
- Ta không còn trẻ nữa…
- Thưa Ngài, đâu cần sức
mạnh và tuổi trẻ mới sử dụng thứ nhạc khí này, xin Ngài chịu khó, chỉ một tí
tẹo thôi mà! Ngài xem đây!
Nói xong, Nazroum ngậm chặt
phiến xương vào giữa hai hàm răng, đoạn lấy tay gảy nhè nhẹ lên phiến xương ;
tức thì tiếng nhạc trầm bổng phát ra : tiếng vo vo như ong rời tổ, tiếng dìu
dịu như suối reo, tiếng dồn dập, rộn rã như sóng vỗ vào gành đá rắn!
Thần Biển ngơ ngẩn tâm thần…
Chao, âm nhạc! Âm nhạc trần gian mới êm dịu, ngọt ngào làm sao chứ! Thế là Ngài
hết cả do dự, vùng vằng, Ngài nhỏ nhẹ bảo chàng trai:
- Xem cũng không khó mấy,
hãy dạy ta! Và phải dạy cho đến thuần thục mới được về đất liền, kia đấy!
Tức thì, Nazroum chỉ cách sử
dụng cho Thần, chỉ một lúc là Ngài tự sử dụng phiến xương khéo léo không thua
Nazroum là mấy!
Thần rất đỗi hân hoan truyền
phán bằng lòng cho chàng trẻ tuổi trở về với loài người, trước khi hứa không
bao giờ ngủ quên, bỏ dân Orotche đói như vừa rồi nữa. Nazroum cũng cầu chúc cho
Thần sống lâu vạn tuổi, đoạn lui ra.
*
Nazroum hăm hở trở về. Tay chàng rướm máu vì các vỏ sò, vỏ ốc mọc trên sợi dây
chàng dùng để vào nhà Thần Biển. Ra khỏi đó, chàng nhìn quanh, thấy các cô gái
cá đã thôi đùa giỡn, họ tựa vào nhau mà ngủ, tay cô nào cũng nắm chặt hạt trai.
Chẳng thấy bóng một con Linh Ngư nào cả, làm sao để trở về đây? Chàng phân vân
tự hỏi, thì chợt thấy một cái cầu vồng bắc ngang qua mặt biển, nối liền hải đảo
với đất liền. Nazroum leo lên cầu ngay. Cái cầu trông bộ dạng thật là kỳ dị dễ
sợ, hai tay cầu vàng võ, mặt trên cầu xanh khước, bụng thì đỏ chóe và chân cầu
xanh rờn. Bên dưới cầu, hàng ngàn loài hải tộc nom bộ dạng vô cùng hung tợn,
như chỉ chực rỉa rói, chực đớp vào chân Nazroum, nếu chàng lơ đễnh lọt xuống
nước. Đến đất liền, Nazroum chưa vội về làng, tuy chàng rất nóng gặp cha. Chàng
đi dọc theo bờ biển, tìm con Linh Ngư để trả gươm lại. Chàng không phải tìm
lâu, đôi bên trông thấy nhau, con vật sắp quay ngoắc đi thì chàng vội vàng gọi
lại:
- Xin anh tha lỗi, tôi đã
mạn phép mượn tạm thanh gươm, giờ xin trả lại anh và xin cảm ơn anh.
Chàng xuống tận mặt nước trả
gươm cho con vật, đoạn nhắm hướng làng mình mà trở về.
Dọc đường, Nazroum gặp đàn
hải âu lượn lờ, đói lả, cùng với đàn chim cốc gần trụi lông vì thiếu cá quá
lâu.
- Thế nào? Anh có tìm ra
Thần Biển hay không?
- Có chứ! Các bạn hãy nhìn
ra biển xem kìa! Các bạn sẽ no trong nháy mắt. Hãy cứ xơi cho no bụng. Cảm ơn
các bạn đã chỉ đường! Tôi về với dân tôi đây! Chào các bạn!
Đến nơi, anh thấy cảnh đau
lòng trước mắt : toàn dân Orotche ngồi thoi thóp trên bờ chờ chết. Không một ai
còn có cái hy vọng được thấy Nazroum sống sót trở về, họ cho là chàng đã làm
mồi cho muôn loài thủy tộc. Chỉ mình ông Plétour là kiên nhẫn, chờ con. Ông
không ngừng nói:
- Tôi biết rõ con tôi! Nó sẽ
đem tin lành trở về!
Quả vậy, từ đằng xa mọi
người nhìn bóng dáng nhỏ nhắn của Nazroum cứ ngỡ là một con hải âu đói lả bay
không nổi, đang đi lại phía họ tìm cái ăn… nhưng cứ chốc chốc sinh vật kia lớn
dần, lớn dần và rõ ràng là một thanh niên gầy nhom tiến về phía họ. Sau cùng,
họ nhận ra chàng. Họ reo to, trăm người một giọng:
- Chính Nazroum! Anh ấy đã
trở về!
Plétour ôm chầm lấy con trai
nức nở:
- Cha mòn mỏi đợi con… Con
có thành công không vậy? Sao con gầy gõ thế này?
- Hãy nhìn ra sông! Con chưa
ăn gì suốt cuộc hành trình, nhưng chỉ nhìn thấy cha và đồng bào, con đủ no rồi!
Con đã xin Thần Biển gửi cá lên, nhiều vô số kể… Ta sẽ no đủ từ nay…
Mọi người cùng đưa mắt ra
mặt sông, cá nhảy vọt lên khỏi mặt nước, cá như mời mọi người đến vớt lên.
Và từ đó, dân chúng Orotche
no lành quanh năm suốt tháng, kể từ mùa thu chàng trẻ tuổi mạo hiểm ra đi.
Dân chúng không hút rêu nữa,
dây lưng được nới ra, tiếng ca hát rộn rã làng trên, xóm dưới.
Nhiều năm qua, tên Nazroum
trở thành cái tên lịch sử. Các họa sĩ đua nhau vẽ hình chàng, khắc lên đá, lên
vách đất. Chàng được mọi người nhắc nhở truyền tụng, ngay cả sau khi chàng yên
nghỉ trong lòng đất quê hương!
MINH QUÂN
(Trích từ bán nguyệt san
Tuổi Hoa số 144, ra ngày 1-1-1971)