Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

CHỚM NỤ


Chớm nụ

30-4-1967

Thế là N. giận em. Ra chơi, N. không thèm đi với em nữa, N. ngồi trong lớp một mình. Em cũng muốn xin lỗi nó nhưng thấy nó quay mặt đi, em cũng giận nốt :

- Đồ làm phách !

Em bỏ ra khỏi lớp một mình. Sân trường bây giờ ngợp cả màu trắng. Tiếng đùa reo vang dậy. Em đứng dựa ở cột hiên, nhìn các bạn em chơi nhảy dây và thèm muốn ngắm mấy chị lớn dắt tay nhau thì thầm trò chuyện. Một đám khác đang vây quanh cây mimosa vàng rực ở gần cột cờ. Mỗi lần thấy có cô giáo nào đi ngang qua tụi nó chạy túa đi, vừa chạy vừa cười, chả có vẻ sợ gì. Em và N. cũng thích mimosa lắm. Giờ ra chơi cũng như giờ về, hai đứa thường đến dưới gốc, lấy nón khoèo cành xuống để hái. Nhiều lúc em cũng không biết hái để làm gì bởi vì em ép cũng nhiều lắm rồi. Em cũng không thích cài tóc hay lên áo. Em thấy làm vậy có vẻ tuồng quá. N. thì hái để gắn lên đầu xe, hoặc để cầm trên tay mân mê. N. nói hoa mimosa trông xinh như mấy hạt nút vàng trên áo búp bê Đô-Na của nó. Em thì em chỉ thấy mimosa giống như mấy viên thuốc chữa mồ hôi tay mẹ em vẫn mua cho em uống. Có điều thuốc mầu hồng nhạt, còn mimosa thì vàng tươi. Em kém tưởng tượng quá nhỉ.

Hôm nay trên sân trường cỏ xanh còn có thêm mấy hoa cỏ tím nữa cơ. Em thương hoa cỏ tím này hơn đám mimosa của N. Mỗi lần mưa xong, nắng dậy, màu tím rợp cả sân cỏ trường xanh ngắt. Em thấy màu tím dễ thương lạ và có cảm tưởng êm một cách lạ lùng. Em đôi lúc đi chợ với má vẫn thường tìm xem có loại hàng nào màu như thế không mà không thấy. Tiếc ghê. Nếu em có thể biến bãi cỏ lấm tấm tím ấy làm thành loại lụa mềm để mặc thì thích lắm. N. biết em yêu hoa cỏ dại nên mỗi sáng, nó hái một bó, kết bằng dây cỏ may đem lại cho em. Còn em, em cho nó một đóa hồng đỏ hái ở nhà kèm thêm vài cành măng non. Hôm nào hoa hồng chưa nở kịp, em cho nó một cành tử vi. N. cũng thích violette lắm nhưng N. bảo hái uổng, để vậy hôm nào N. đến nhà, sẽ vạch lá xem chơi. N. dễ thương và em yêu N. ghê. Vậy mà hai đứa giận nhau rồi. Thôi thế là hết cả buổi chiều lang thang, tâm sự cùng nhau.

Bọn em chỉ còn mỗi ngày mai để làm hòa thôi. Ngày kia bãi trường rồi… Nếu muốn, em có thể xuống N. để dàn hòa vậy, nhưng em muốn hai đứa làm hòa trước cơ, để giờ ra chơi em khỏi ngồi một mình, lòng bứt rứt làm sao ấy. Ngày mai em có nên hái cho N. một đóa hồng như mọi sáng không nhỉ.

Chao ơi, em buồn quá.

15-6-1967

Hôm nọ em cứ tưởng em có thể tiếp tục viết, viết hoài. Vậy mà em bỏ đi, không viết nhật ký hết một tháng trời. Một phần em làm biếng, một phần em sợ viết không trung thực ý của mình. Em cũng không rõ ý của em lắm. Có thể khi em viết, em rất thành thật, nhưng lúc đọc lại, em thấy nó yếu đuối và nó tức cười. Em sợ biết rõ chính em lắm cơ. Nhưng hôm nay, em lại mang cuốn này ra. Cuốn sách còn mới tinh, em mới viết có mấy trang. Em không hiểu em sẽ có viết liên tục như chị T. không, nhưng em sẽ cố. Em nghĩ, nếu viết được những ý nghĩ trong em, em sẽ nhờ đó mà tu thân.

Lúc đọc lại mấy trang trước, em thấy bọn em thực trẻ con. Vậy mà cũng giận nhau và giận dai nữa chứ. N. không lên em nữa và em cũng không xuống N. Hai đứa mất liên lạc ngay sau ngày bãi trường. Vì em không thân ai hơn N. nên suốt cả tháng trời, em nằm nhà, ngốn ngấu truyện, và chơi với mấy đứa em. Em đọc cuốn Con Nai Tơ, Bích Nô Cô, Vòng  Quanh Thế Giới Trong 80 Ngày, và nhiều truyện ba mua cho em. Em thèm được như mấy nhân vật trong truyện, tự do, sung sướng, và mơ ước có một căn nhà riêng, một vườn riêng để trồng trọt. Đôi lúc em cũng nhớ N., nhưng những thú vui ngày hè đã khiến em hầu như quên rằng em và N. đã từng thương nhau lạ.

Em còn nhớ buổi sáng hôm trước, lúc mới thức giấc, nghe tiếng chim tu hú kêu và tiếng ve sầu trổi giọng lần đầu tiên trong mùa hè năm nay, em thấy mình êm ả. Mùa hè tuy nóng nhưng trời rất xanh, mây rất trắng và những buổi trưa rất yên lặng. Trăng mùa hạ cũng sáng hơn các mùa khác. Và nhất là không mưa. Buổi sáng mùa hạ cũng trong sạch và dễ chịu lắm. Hơn thế nữa, em có thể về thăm quê hương biển xanh, nơi sóng dồn dập vỗ bờ, và nắng sẽ làm phồng da. Em khoái thả mình nổi bồng bềnh trên mặt sóng, thích lắm cơ.

Ngay sau buổi sáng nghe được tiếng ve, em và bọn nhỏ đã hoạch định một chương trình đi bắt ve con ngay tối ấy. Bọn chúng bầu em làm trưởng ban « Trinh Sát », có nhiệm vụ cầm đèn đi trước vì chúng nó sợ mà vườn nhà em thì rộng và dài. Em chưa quên những nỗi vui đi soi ve non của những năm trước nên em bằng lòng. Em ra lệnh cho con nhỏ Tâm phải quạt sẵn một lò than, thằng Tý phải đi mua bánh tráng và rau thơm, nhỏ Ty phải rửa cái giỏ mây cho thật sạch, phơi thực khô. Cả ba đứa tuân lời răm rắp. Tối hôm ấy, do em dẫn đầu cả bọn đi lùng, ráp suốt vườn, bắt được hơn chục ve con vừa đực vừa cái. Những con ve đã khô cánh, em bỏ vào giỏ, còn những con còn non ướt, em cho tụi nhỏ bỏ vào chảo chiên sôi với nước mắm, cuốn bánh tráng, rau thơm ăn liền. Em chỉ ăn thử một con rồi thôi. Bùi thì có bùi, nhưng ghê ghê là. Tối ấy vui thực là vui. Bọn nhỏ reo hò hết cỡ, đến nỗi em phải đe đứa nào hét to nhất, em sẽ bỏ lại trong vườn, không cho đi theo nữa. Tuy nhiên, giữa niềm vui rộn ràng, thơ ngây ấy em vẫn thấy lạc lõng thế nào : hay em hết là bé thơ rồi ?

Em vẫn thích ngắm màu ngọc thạch trong suốt của đôi cánh ve sầu, nhưng em không ham bắt nó. Đêm hôm sau, em cho Tâm cầm đèn, còn em, em chỉ ngồi trong nhà, lắng nghe tiếng bọn nhỏ gọi nhau ơi ới sau vườn. Đôi lúc thằng bé Tý hét tướng lên vì một con chàng hiu nhảy từ cây này sang cây khác. Tụi nó đi vườn ban đêm sợ nhất là chàng hiu chụp cổ. Em chưa bị bao giờ nhưng trông cái hình ướt nhẹp của nó, em đoán ra cái cảm giác lạnh, nhớt như lúc sờ phải một cái xác chết trôi. Em sợ ghê vậy đó.

Bắt được con nào, chúng đều mang cả vào cho em. Em giữ lại mấy con đực để cho mấy chú kêu vang vào sáng hôm sau, còn mấy con cái, em để riêng ra. Thân ve đực, vừa to, vừa dài. Ve cái ngắn ngủn, lại có cái que sau đuôi, chích đau lắm.

Dần dần, em hết ham đi chơi với tụi nhỏ. Tụi nó nói năng ồn ào quá. Ngay cả lúc đi biển cũng vậy nữa. Em thấy mình người lớn ghê và không dám chạy đua hay nằm lăn trên cát như tụi nó. Em khoác khăn lông ngoài áo tắm, ngồi nhìn trời lơ đãng. Biển ở đây xanh, nhưng chắc không xanh bằng lúc ra khơi đâu. Da em bị rám nắng nhiều lắm, nhưng em vẫn còn ham đi biển, ở đó có một cái gì quyến rũ em ghê lắm. Có lẽ tại mênh mông của trời nước và sự bé nhỏ của người. Em ăn cắp ý tưởng của ai thế nhỉ.

29-6-1967

Em bắt đầu cảm thấy mình có những bí mật cần phải giữ cho chính mình. Em sẽ xem câu chuyện ấy như một kỷ niệm đẹp và khó quên trong đời. Em sẽ không kể cho một ai nghe hết, dù đó là ba má hay N. cũng vậy (nếu N trở lại với em). Tuy nhiên, em phải viết ra đây, nhỡ sau này em có quên đi những cảm nghĩ êm dịu này chăng ? Em không thấy có gì xấu trong câu chuyện này hết, cho nên em không mắc cỡ đâu.

Em còn nhớ như in là hôm thứ bảy, em cùng gia đình đi xe về Thuận An, ở lại tối tại đó và trở về chiều chúa nhật. Đêm ở biển tuyệt vời, nhất là đêm có trăng sao như hôm đó, trăng lưỡi liềm không sáng lắm nhưng thơ mộng hơn nhiều, nhất là ánh sáng không che mờ ngàn sao lấp lánh trên bầu trời nhung xanh. Đêm thứ bảy ấy, em đã nằm giữa ba má trên cát, ngửa mặt nhìn trời cao và lắng nghe sóng vỗ dồn dập như tiếng thở hổn hển của mặt biển sống động. Em nằm đó đưa mắt tìm sao Ngưu Lang Chức Nữ. Hai sao nằm hai bên giòng Ngân Hà đục như sữa, lấp lánh như giòng sông Hương những buổi chiều tà. Em thương câu chuyện cổ đó lắm và lắm khi tự hỏi có khi nào giòng Ngân Hà bị thu hẹp lại cho hai bên khỏi nhờ đến Ô Thước làm cầu chăng. Có lúc em lại thường hỏi : xa nhau hoài chắc nhớ nhau kinh khủng lắm. Như em đây, chưa bao giờ xa ba má một ngày, chỉ nghĩ đến mai sau sẽ phải sống xa các người, em đã lo bấn lên và buồn muốn khóc rồi. Em biết, không có một sự hợp nào mà trường cửu, không có một vật gì đẹp mà bền, không có một ly tan nào lại kéo dài quá lâu. Mọi sự trên đời này đều là phù du. Má em vẫn thường kể cho em nghe triết lý của Phật Giáo, rằng con người không phải là con người mà chỉ là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Nếu tách rời những yếu tố ấy, trên đời này sẽ không là gì hết. Em cũng chẳng hiểu rõ lắm nữa, nhưng em sẽ cố tìm hiểu.

Em « nói » đến đâu rồi nhỉ. À, em kể tới đoạn em nằm nhìn trời cao. Vâng, em nằm và thấy có một chùm sao giống y như hình thể Việt Nam vậy. Ba bảo đó là Scorpion, bọ cạp mà. Em đâm ra thương mấy ngôi sao kia. Chúng trông gần nhau đến nỗi em tưởng tượng chúng có thể nhìn nhau rất sâu. Vậy mà ba bảo chúng xa nhau ghê gớm lắm, không biết phải mất bao lâu (hàng trăm triệu năm, có thể lắm) để cho hai vì sao gặp nhau. Tội nghiệp nhỉ. Mất hằng mấy trăm triệu năm để gặp nhau. Khi gặp nhau rồi chúng có sẽ thương yêu nhau như lúc chúng mơ được gặp nhau không. Em hỏi vớ vẩn quá. Em chợt nhớ tới chiếc đũa thần của bà tiên trong phim Cendrillon của Walt Disney, với những tia sáng như sao lấp lánh và huyền diệu. Em bắt đầu yêu một hình sao tám cánh mỏng manh, nhưng dễ thương như khi N. của em ngước mắt ngạc nhiên nhìn một cánh bướm đỗ lên một đài hoa. Ờ, lâu quá em không gặp N., em nhớ N. quá. Đêm nay nằm trên bãi biển đầy sương, em tự nhiên thèm có N. để nắm tay nó, cùng nó đắp những tòa lâu đài cát, và hai đứa sẽ đi dọc theo bờ biển để lượm những vỏ sò nằm chết trên bờ cát. Em nghĩ nếu lượm được nhiều em cũng sẽ cho N. hết. Hình ảnh của N. cứ chập chờn trong giấc mơ ngắn khiến em buồn và thương nhớ N. ghê.

Sáng hôm sau, em dậy sớm. Trong khi chờ đợi ăn sáng, em đi dọc theo bờ biển một mình. Lâu lắm không bạn bè em buồn và thấy cần thiết có một cô bạn nhỏ để tâm sự. Bờ biển buổi sáng vắng người, em đi xa dần về miệt trên, thong thả đá những làn nước do sóng xô vào bờ chơi, và thỉnh thoảng cúi mình lượm những con sò màu trắng, màu tím. Em yêu những vỏ sò màu trắng, bé xíu bằng ngón tay út của em, trông dễ yêu lạ. Một lúc sau, em đã xa bãi biển chính. Em thấy mỏi chân và ngồi xuống dưới lườn một chiếc ghe chài, lưới chài còn giăng đầy bên bãi cát. Mặt trời sắp nhô lên mặt biển xanh rồi. Từ ngoài khơi, ánh sáng đỏ thắm đang biến sang màu hổ phách, rồi trắng dần. Em kéo chiếc mũ có nhiều sợi tua chung quanh sụp xuống mắt. Em tựa đầu lên một gối co, chân kia duỗi thẳng. Em vẽ lên cát những hình ngôi sao và khẽ hát bài « Sao đêm ». Bài này của ai, em quên mất, nhưng nhớ giọng hát Thái Thanh ghê vậy đó. Ở đây, em thấy thoải mái quá. Chỉ một mình em với trời nước bao la. Em cười một mình, giá có thêm N. hai đứa sẽ nói rất nhiều chuyện, chuyện trên trời, chuyện dưới đất, chuyện gia đình hai đứa nữa. Nhưng ở đây không có N., không có ai hết, và em phải hát cho mình nghe vậy.

Bây giờ ngồi viết em hãy còn mắc cỡ ! Lúc đó, em tưởng em hát cho mình em nghe. Ngờ đâu lúc chuồi người nằm ngang dưới lườn thuyền, em mới giật thót cả mình khi trông thấy một người lạ đang nằm sấp bên kia lườn thuyền và đang nhìn em tủm tỉm cười. Chắc lúc đó mặt em nghệt ra, đỏ tía và trông khôi hài lắm. Cái dáng em lúc đó chắc cũng buồn cười nữa vì em đang chống hai tay lên mặt cát, người ép xuống cát vì sợ va phải đáy thuyền, đầu thì ngẩng cao. Cổ em nghẹn lại, cứ nghĩ mình hát láo lếu một mình nãy giờ, bên này người ta nghe hết, em thật muốn độn thổ cho xong.

Đang xấu hổ, em bỗng ghét người đó quá. Sao lúc em đến, họ không đằng hắng hay giả vờ ho lên một tiếng cho em biết mà đề phòng. Em giận quá mà chẳng biết làm sao. Đột nhiên em nhỏm dậy, tỉnh bơ bước đi về phía bãi chính. Người đó dường như thương hại em gọi với lại :

- Cô bé, cô bé, cô quên cái nón này !

Ờ nhỉ, lúc ấy em mới nhớ mình vội quá đến nỗi quên béng chiếc nón lá. Em phân vân không biết có nên quay lại hay bỏ luôn thì người đó lại gọi :

- Cô bé ơi, đến lấy nón về kẻo ba me đánh đòn bi giờ.

Hừ, dám trêu em nữa cơ à. Em giận lắm, nhưng chỉ một lúc, em thấy mình vô lý. Em quay lại, đến chỗ cũ. Người đó chìa chiếc nón cho em, và mỉm cười. Em chỉ trông thấy nụ cười của người đó thôi vì đôi mắt bị giấu kín sau làn kính mát to bản và sẫm đen. Nụ cười tự nhiên của người đó khiến em đâm ra bớt xấu hổ, ngượng nghịu. Em đội nón lên đầu, cảm ơn và quay mình đi. Người đó nói với theo, giọng rất trầm ấm :

- Cô bé đi trên bờ chớ đừng đi gần sóng. Sóng sẽ xóa dấu chân cô bé mất thôi.

Kỳ quá đi. Em cố làm tỉnh mà không được. Em đi như chạy vậy đó.

- Vĩnh biệt cô bé nhé. Bao giờ hát « Sao đêm » đừng quên nhìn quanh nghe không ?

Khỏi cần nhắc, lần sau em sẽ ý tứ hơn.

Em không gặp người đó nữa cho tới gần trưa, lúc em mới tắm xong và định vào rừng thông kiếm nước ngọt dội lại. Em không nhận ra người đó vì lúc ấy họ mặc đồ trận, vai mang ba lô to tướng. Khi đến gần em, người đó cười, em mới giật mình. Cặp kính to bản vẫn nằm chắn ngang khuôn mặt của họ và nụ cười thì tự nhiên đến gần như quen thuộc với em. Em đỏ mặt, cúi đầu tính đi thẳng, nhưng người đó chận em lại :

- Cô bé ở lại chơi vui nhé, và đừng có đi xa một mình, bãi biển dữ lắm đó.

Họ nói cứ y như là anh cả em vậy. Nhưng em mắc cỡ nên không trả lời. Người đó chào em theo lối nhà binh rồi nói :

- Tôi sắp đi tới một nơi có rất nhiều vật cô thích. Cô có biết không. A-sao đó ! Thôi chào cô bé nhớ.

Em thấy người đó chuyên môn đùa cợt, nhưng giọng nói phải công nhận là rất ấm. Giọng Bắc mà lỵ.

Bây giờ em cũng không rõ bộ mặt của người đó như thế nào, em chỉ nhớ có đôi kính đen sẫm và môi cười rất tươi. Và em cũng nhớ câu nói của họ nữa : « Đừng đi gần sóng, sóng sẽ xóa tan dấu chân cô bé mất thôi » và « đừng đi xa một mình, bãi biển dữ lắm đó ». Những câu nói ấy ảnh hưởng đến em nhiều đến nỗi mỗi lần đi dọc theo bờ biển, em vẫn muốn tránh những đợt sóng vỗ bờ. Em lãng mạn quá, nhưng thực ra đó là lần duy nhất mà em nói chuyện với một người lạ. Nói chuyện thì không đúng. Suốt mấy lần gặp, em chỉ nói có hai tiếng cám ơn mà thôi.

Em không muốn gặp người ấy lần nào nữa ! Em chỉ muốn câu chuyện ngang đó thôi, để em giữ mãi một kỷ niệm rất đẹp cho riêng mình. Có một điều đáng lẽ em không viết ra, nhưng em giữ trong lòng không được. Trước khi đi, người ấy có cho em một chiếc vỏ sò màu tim tím, lòng có đề 29-6 bằng bút nguyên tử. Nói là cho cũng không đúng, người ấy đặt chiếc vỏ sò lên chiếc khăn tắm em vắt ở cánh tay. Em đáng lẽ từ chối. Nhưng em sợ làm mất mặt họ, và thấy rằng chiếc vỏ sò quả chẳng đáng giá gì nên em giữ làm kỷ niệm.

Tối nay em viết nhiều quá. Suốt hai ngày đi chơi, em mệt quá rồi. Da mặt, da lưng em rát bỏng. Em đi ngủ mới được.

7-7-1967

Độ này mấy đứa em của em bỏ rơi, tẩy chay em rồi. Chúng nó bảo em hết thương tụi nó nên tụi nó nghỉ em ra. Quả thật em hết ham ru búp bê hay chơi trò nấu ăn nữa. Ban đêm, em chỉ thích ngồi yên lặng ngắm trăng hay hưởng mùi thơm nhẹ của hoa nhài, hoa quế. Mỗi lần tụi nhỏ làm ồn, phá những cơn mơ mộng, em hét ầm lên. Tụi nó vừa đi vừa lẩm bẩm : « Chị A. khó tính ghê » làm em bắt tức cười.

Buổi trưa nay thực là nóng. Ve sầu độ này ít đi, chắc vì những cuộc săn đuổi của bọn nhỏ. Em nằm úp người xuống sàn xi măng mát lạnh viết « nhật (?) » ký. Buổi trưa thực là buồn. Chị T. nằm ngủ ngon, cuốn truyện tình úp lên mặt. Mấy đứa nhỏ đang chơi dưới mái hiên. Tụi nó đang tự biến mình thành nghệ sĩ cả. Tiếng con Tâm oang oang :

- Kính thưa quý vị khán giả, chúng tôi xin giới thiệu một giọng ca mới đang lên, đó là giọng ca Hoàng Oanh trong nhạc phẩm « Ai ra xứ Huế ».

Nhỏ Tý, nhỏ Ty vỗ tay đôm đốp, giọng con Tâm cất lên :

« Ai ra xứ… Huế… thì ra, ai về là về Bến Ngự »…

Kể ra con bé hát cũng khá, phải cái làm điệu quá nghe như bị tịt mũi. Rồi lại tiếng con bé Na bên hàng xóm :

- Tiếp theo đây, Phương Dung xin ca bản « Hoa trinh nữ », ý mà thôi, bản này tao không nhớ hết, thôi, để hát bản « Anh là lính đa tình » nhen. Thưa quý vị, tôi xin trình bày bản : « Anh là lính đa tình ».

Lại vỗ tay, và lần này có thêm nhạc đệm do hai cái miệng cu Ty, cu Tý.

- Anh là lính đa tình (chan chan chan chan chan), tình non sông rất nặng (chàn chàn chàn chàn chàn), tình hải hồ ôm mộng v.v...

Nghe mà phát nhức cả đầu. Hát mấy bản đó còn may, chẳng biết thằng bé nào bên hàng xóm còn hát thêm mấy bản trời đánh, những « anh ơi, em y… anh nhất trên đời », hoặc « em là hoa hậu của lòng anh ». Bọn nhỏ tán thưởng nhau nhiệt liệt, tới lúc bọn chúng hát bậy quá trời, em chịu hết nổi, phải nhổm dậy chạy ra hét :

- Thôi, im đi, buổi trưa có để cho người ta ngủ không ? Con Na với mấy đứa bây về đi, chiều rồi qua chơi. Con Tâm, thằng Ty, thằng Tý, đi ngủ. Ồn quá, chịu không nổi.

Em không bắt tụi nó đem bài ra học vì đang còn nghỉ hè. Mà ba thì nghiêm lắm, học là học, chơi là chơi. Ba tháng hè, ba cho tụi em chơi « líp », khỏi học một chữ a chữ b nào ráo, nhưng hết hè rồi đó nghe, đứa nào còn đòi đi biển, đi ciné là phải biết, dám bị đòn lắm. Nói vậy chứ ba chưa đánh em bao giờ. Con gái lớn mà.

Em bắt thằng Ty, thằng Tý nằm ở nhà ngoài, nhắm mắt lại. Còn con Tâm phải vào nằm ngủ với chị T. Em ngồi canh thằng bé, thấy mắt tụi nó nhấp nháy hoài. Thỉnh thoảng tụi nó hé mắt nhìn, thấy em ngồi như hung thần giữ cửa chùa, tụi nó nhắm nghiền mắt lại, cười khúc khích với nhau. Em bật cười theo. Thế là cả hai đứa mở to mắt, cười tình với em. Thằng Ty nhõng nhẽo :

- Chị A. kể chuyện đời xưa đi.

- Thôi, kể chuyện ma nghe sướng hơn.

- Ngủ đi tụi bây, ai hơi đâu mà kể.

- Thôi mà, à hay chị kể chuyện cái cô mà được bà tiên cho mấy cái trứng đó, « ba » đập bể, « ba » hóa ra cái xe a tề.

Thằng Tý càu nhàu :

- Thôi, chuyện đó xưa rồi, kể chuyện ma nghe hấp dẫn hơn. Chị A. chị kể chuyện con ma có cái lưỡi dài thật là dài ở cây đa đó.

- Hai đứa bây nằm dang ra, để ta nằm giữa ta mới kể được. Mà kể xong tụi bây phải quạt cho ta ngủ. Một đứa một trăm cái, chịu không ?

- Dạ chịu.

- Dạ chịu.

Em bỗng thấy cái đầu của nhỏ Tâm thập thò ở phòng chị T. Thương hại, em ngoắc nó ra. Con bé chạy vù lại bên cu Tý, liến thoắng :

- Chị A. kể chuyện ma đi rồi em quạt cho chị A. 100 cái nữa. Chiều em đi mua nước đá cho chị A. làm nước chanh uống.

- Cái miệng dẻo quẹo như mạch nha. Ta khỏi cần tụi bây mua nước đá, chiều tụi bây lau xe đạp cho ta sạch sẽ, ta cho mỗi đứa 5 tì.

Bọn nhỏ cười rung rúc.

Kể chuyện xong, em được mỗi đứa quạt cho 100 cái. Buổi trưa nằm trên xi măng mát, lại có kẻ hầu người hạ kể cũng thích. Em tưởng tượng em là Công Chúa ngủ trong rừng. Và tiếng líu lo của thằng Ty, thằng Tý là tiếng chim hót trên những khóm cây cao xanh. Em ngủ ngon thực là ngon, mãi đến lúc má em đập dậy, mắng yêu :

- Trời ơi, ngó con gái tề. Nằm ngay giữa nhà, áo quần bê bối rứa đó. Có dậy rửa mặt đi không ?

Em lồm cồm ngồi dậy. Còn buồn ngủ ghê nhưng sợ bạn chị T. đến thăm bất tử thì xấu hổ lắm. Bèn vội vàng xuống nhà tắm một trận. Lúc em ngồi đây là lúc em tỉnh táo, khoan khoái và thích viết làm sao á. Đời đẹp chi mà đẹp lạ.

15-9-1967

Mùa hè như thế đã trôi qua lặng lẽ. Suốt mấy tháng trường chỉ ăn, ngủ, đùa, em mập ra trông thấy.

Sáng hôm nay, chúng em lại bắt đầu đi học trở lại. Khung trường xanh mơn mởn, dễ yêu trên con đường đến trường, những tà áo trắng quen thuộc dịu dàng bay trên các gót chân nhỏ, trông uyển chuyển như trong mơ. Em thấy mọi cảnh vật đều quen mắt như em chưa hề nghỉ hè bao giờ. Có điều lòng em xao xuyến. Em nghe trong em bài văn của Thanh Tịnh reo vui : « Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc… »

Năm nay em đi học một mình, và đi thực sớm. Em đến trường, cửa chưa mở. Đứng dựa tường rào, em đưa mắt nhìn người quen. Chung quanh em, mấy cô bé líu lo kể chuyện những cuộc vui đã qua, có bé lại đem dây thừng ra nhảy. Mọi sinh hoạt tiếp tục, nối lại nhịp sống học đường của mấy tháng trước. Em bỗng nhiên vừa hân hoan, vừa buồn rầu. Năm nay là năm cuối cùng em còn học ở trường. Sang năm chắc em phải thi Sư phạm đi làm mất thôi. Ba em lớn tuổi sắp về hưu, chị T. của em sắp lấy chồng. Em thương ba, thương má và thương cả các em của em nữa. Em chả biết làm sao biểu lộ niềm thương ấy, chỉ cố học thôi. Đấy là em nghĩ như thế chứ chắc ba má em không bằng lòng như thế đâu. Ba em vẫn thích em trở thành cô giáo Trung học cơ. Riêng em, em sợ làm cô giáo các « anh chị » lớn lắm. Nhỡ họ trêu, em biết làm gì hơn là khóc không ? Người em lại nhỏ xíu thế này thì ai mà sợ em cơ chứ ?

Em đến lớp sớm hơn hết, chiếm chỗ ngồi ở bàn đầu, gần cửa lớn. Như vậy mỗi khi tan học, em sẽ chạy ra nhanh hơn hết các bạn, và em sẽ lấy xe rất dễ, khỏi nhọc công chờ, chen, lấn, rất tội nghiệp cho thân thể bé nhỏ của em.

Em bắt đầu chờ N. Mấy tháng không gặp N. em nhớ nó quá. Lần này gặp, tha hồ cho N. làm mặt giận, em sẽ cười tình với N. một cái, chắc chắn N. sẽ làm hòa liền.

Em tính như thế mà không ngờ em chờ suốt cả buổi sáng không thấy N. đâu. Lớp em năm nay vắng đi một ít bạn, người thì đi làm, người thì lập gia đình, người thì đổi đi xa. Em cứ quanh quẩn chung quanh lớp trọn giờ ra chơi, hy vọng N. đến trễ. Em chờ vô ích. Không bao giờ em còn có dịp xin lỗi N., làm hòa với N., và cho N. hoa hồng nữa. Bạn thì nhiều, nhưng mấy ai có được bạn thân ? Lớp em ít nhất cũng có 40 chị, vậy mà em chỉ thân có N. Thế nên năm nay, ngày đầu tiên đã vắng bạn nô đùa, tâm sự, em thấy lẻ loi khôn cùng. Cô giáo Thanh là cô giáo em yêu nhất cũng đổi đi Đà Lạt.

Em biết, năm nay em không còn được dịp nắm tay N. chạy xuống dãy đệ lục để ngắm cô giáo hiền dịu, xinh đẹp mà em thương nữa. Tình thầy trò thật kỳ dị. Lắm khi nhìn vào đôi mắt sáng mà hiền của cô, em chỉ muốn nói thực nhiều. Em đã chép cho cô rất nhiều bài thơ trắng nét học trò, ép cho cô rất nhiều cánh hoa tím dịu dàng. Cô chưa hề cho em cái gì hết, chỉ cho em nụ cười và ánh mắt trìu mến. Chừng ấy chưa đủ sao ? Thế mà cô đi rồi không tin cho em biết, không nhìn em lần cuối. Cả N. nữa, N. không còn ở Huế mà sao N. không cho em hay ? N. vẫn còn giận em sao ? Trời ơi, em cô đơn giữa cả một khung trời tràn ngập học trò, cô đơn hơn cả lúc em nằm một mình giữa yên lặng của đêm.

Buổi trưa em về, má em ngạc nhiên hỏi :

- Con làm sao vậy ? Muốn đau hả ?

Con muốn đau đấy má. Con đau… khổ.

26-11-1967

Em tưởng như đã quên được N. hoàn toàn cho tới trưa nay nhận được thư N. em bỗng nhiên nhớ cô bạn bé nhỏ có đôi má hồng và nốt ruồi dưới cằm ghê ! N. đã xin vào trường Trưng Vương, Saigon. Tuy nhiên N. có vẻ không thích học. N. chỉ nói sơ qua cho em biết là mẹ N. đau nặng phải vào nhà thương và N. đang ở nhờ nhà người chị. N. kể N. khổ lắm và nhớ những ngày cùng em lang thang trên khắp các con đường tĩnh mịch ở Huế. N. làm em cũng đâm ra nhớ hương lúa An Cựu, hương chè Bến Ngự, tàn lá đoát đường Đống Đa và những chiếc lá vàng rơi ở đường Hai Bà Trưng. Em vẫn đang ở Huế nhưng hương vị và nỗi thích thú nhẹ nhàng kia đã chắp cánh bay xa. Những hình ảnh ấy bây giờ trở nên là những kỷ niệm quý giá. Dù sau này có đi qua những con đường ấy, chắc em không còn bao giờ có được cái lãng mạn học trò ấy đâu.

Năm nay em mới 16 tuổi mà sao em tưởng như em lớn lắm, biết nhiều lắm. Hôm kia, nhằm lúc em thưa với má cho sang năm thi vào Quy Nhơn, má em đã cười mà chế em :

- Đồ con nít ai thèm nhận. Rán vài năm nữa con.

Má em cười, nhưng trong mắt má, em thấy long lanh nước mắt. Đêm đó hẳn má em không ngủ nên hôm sau, mắt má thâm quầng. Tội nghiệp má em biết bao. Suốt đời má em chưa hề được tròn một ước mơ có một căn nhà bé nhỏ và một vườn hồng ngát thơm. Cô P. hôm nọ xem chỉ tay cho má, bảo tay má nhiều đường ngang dọc, sau khổ lắm. Má chỉ thở dài. Em chưa thấy ai tự cho mình là sung sướng cả. Cả em nữa, dù em đang sống trong bể tình thương.

Em vừa thi xong đệ nhất lục cá nguyệt. Tính chiều nay rủ mấy đứa nhỏ đi ciné, nhưng chiều nay trời mưa lớn quá nên thôi.

Mưa thế này chắc mai mấy đóa tử vi úa hết.

N. ơi, tử vi và hoa hồng vẫn nở, nhưng A. hết còn bạn để trao, hết còn bạn để cùng nâng niu những nụ hồng mới chớm, hay vạch lá tìm violette tim tím xinh xinh. Những ngày ấy chưa xa mà sao A. thấy như đâu từ hằng năm trước.

Chúng mình sắp phải đụng chạm với đời, như những đóa tử vi chạm mưa dông. Ngày mai biết chúng mình có còn sức vươn lên, hay xuôi tay mà đầu hàng ? Sao tự nhiên tối nay A. lại bi quan và chán đời thế nhỉ…

*

Cô bé A. của chị ơi. Những nguyên nhân gây nên vui, buồn trong em thật giản dị, trong sáng, bé nhỏ. Mai kia lớn lên, em sẽ biết cuộc đời dành cho em nhiều ngạc nhiên hơn nữa kìa. Điều ngạc nhiên hơn hết với chị, là em sẽ không là em nữa ! Em sẽ là một con người khác, với những tiếng khóc, nụ cười vì kẻ khác. Em sẽ khóc khi lòng em hớn hở, và em phải cười khi nước mắt nhỏ thầm. Khi ấy, em sẽ ao ước vô cùng được vui, buồn « tự do » như thuở vừa mới lớn, như thuở em còn có bạn thân, còn có dịp lang thang tìm vần thơ nhỏ. Thuở ấy đẹp thực em nhỉ.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp VÀO ĐỜI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>