Thứ Năm, 13 tháng 3, 2025

Lịch Sử Tàu Thủy


Vào những thời xa xưa, việc di chuyển qua sông là một vấn đề nan giải đối với loài người.
 
Rồi về sau, do một tình cờ nào đó, loài người bắt đầu biết sử dụng những thân cây hoặc khúc gỗ lớn để di chuyển trên dòng nước. Đó là dấu hiệu đầu tiên trong việc chế tạp ra ghe thuyền về sau này. Sau đó, con người lại ghép những khúc gỗ lại với nhau để làm thành chiếc bè.
 
CHIẾC THUYỀN ĐẤU TIÊN
 
Khoảng thế kỷ 20 trước Tây Lịch, người Ai Cập đã chế ra chiếc thuyền có cánh buồm, dài hơn 30 thước, di chuyển nhờ tay chèo. Trên thuyền có nhiều nô lệ dùng để chèo thuyền, đó là chiếc thuyền xa xưa nhất thế giới.
 
Đến thế kỷ thứ 8 trước Tây Lịch, người Phénicien (sống ở dọc miền biển Địa Trung Hải) đã thực hiện những cuộc vượt biển thám hiểm miền bờ biển Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và đi vòng quanh Phi Châu trong 3 năm trên những chiếc thuyền lớn chạy bằng bơi chèo hay bằng buồm.
 
Đến đây, ngành hàng hải đã tạo được một vị trí khá quan trọng trong việc giao thương với những nước có nền văn minh cổ xưa trên thế giới.
 
Đến thế kỷ thứ 9 sau tây lịch dân Viking ở miền Bắc Âu đã dùng những chiếc thuyền khá lớn, chở một đoàn thủy thủ gồm chín mươi người vượt biển Đại Tây Dương đầy bão tố đi xuống phía nam xâm chiếm những thành phố miền bờ biển Âu Châu. Chính giữa thuyền có một cột lớn, để dễ dàng vượt biển. Chiếc thuyền của họ đã đạt được một vận tốc đáng kể.
 
Cũng thời gian này ghe thuyền của người Á Đông nhất là Trung Hoa đã đi tới Nam Dương, Ấn Độ và có lẽ tới cả Tây Phi Châu để giao thương. 

Từ thế kỷ 15 trở đi, lòng thuyền được khoét sâu và tròn như máng xối. Nhưng loại thuyền này không có người chèo như của dân Viking. Thay vào đó nó được hoàn bị nhiều cánh buồm lớn.
 
Vào thế kỷ này trở đi, thuyền  buồm phát triển rất mạnh và giao thương khắp nơi trên thế giới. Nhưng nó có cái bất tiện: khi gió lặng, thuyền buồm sẽ không di chuyển được vì nó tùy thuộc vào những sức gió.
 
Đầu thế kỷ 18, Denis Papin (1647-1714) nhà thông thái Pháp đã chế tạo được chiếc tàu thủy đầu tiên chạy bằng máy hơi nước sau khi nghiên cứu về máy này. Tháng 9 năm 1707, Papin cho tàu chạy thử trên sông Weser (thuộc nước Đức). Các thủy thủ và những người chèo thuyền mướn trên sông lo sợ cuộc chạy thử thành công thì quyền lợi của họ sẽ bị thiệt thòi nên hùa nhau lại đập phá tan tành chiếc tàu của ông. Papin buồn rầu trở, lại Anh Quốc nương náu rồi mất tại đây.
 
Sau Papin, nhiều nhà phát minh khác bắt đầu nghiên cứu về tàu thủy, nhưng nổi tiếng nhất là Robert Fulton (1765 - 1815) người Hoa Kỳ. Chiếc tàu thủy do ông chế tạo, mang tên Cleront được hạ thủy ngày 11-8-1807. Tàu này dài 150 bộ (chừng 50 thước) và rộng 30 bộ (khoảng 5 thước), chạy bằng máy hơi nước chế tạo tại Anh Quốc, có sức mạnh 18 mã lực. Tau Clermont được lái bởi hai bánh xe quạt nước đặt hai bên hông tàu (thay vì lái bằng chân vịt như tàu thủy ngày nay). Đám đông dân chúng đến chứng kiến ngày hạ thủy, đã vỗ tay hoan hô vang dội khi tàu Clermont từ từ chuyển động trên dòng sông với vận tốc đáng kể.
 
Tàu Clermont là một thành công vang dội lúc bấy giờ. Sự di chuyển của tàu Clermont trên sông Hudson, đã làm cho những người dọc ở hai bên bờ sông hoảng sợ khi họ trông thấy những cuộn khói tỏa ra tro đen ngòm bay mù mịt trên ống khói tàu. Sau đó tàu Clermont bắt đầu làm cuộc hành trình từ thành phố Albany dài 150 dặm trong 32 giờ liền. Chuyến về chỉ mất 28 giờ. Việc đáp tàu thủy quá mới mẻ đối với mọi người nên suốt cuộc hành trình lúc ban đầu không có một hành khách. Nhưng các chuyến tàu về sau này được mọi người nhận thấy sự tiện lợi nên bắt đầu hưởng ứng.
 
 
NGUYỄN THỌ       
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 136, ra ngày 15-3-1975)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>