Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2025

Lơ-tơ-mơ và Hung Thần

 Thuở xưa ở thành Lôcal trong xứ Tưởng Tượng có chàng lái buôn tên là Lơ-tơ-Mơ hiền lành chất phác. Có lẽ chính vì những điểm ấy mà bao phen trên đường đi buôn, chàng Lơ-tơ-Mơ ấy gặp không biết bao nhiêu chuyện nguy hiểm, tuy nhiên chàng vẫn tránh khỏi và vượt qua.
 
Một trong số những cảnh nguy hiểm mà chàng Lơ-tơ-Mơ kia gặp trên, tôi sẽ kể lại dưới đây cho các bạn nghe...
 
*
 
Hôm ấy, chàng Lơ-tơ-Mơ chuyển một số hàng hóa sang thành Lamin nước kế cận. Trên đường sang Lamin thành, chàng Lơ-tơ-Mơ phải vượt qua một cánh đồng rộng mênh mông - không một bóng người - nếu không nói là một cánh rừng thưa hoang vắng...
 
Hôm ấy, trời nắng gắt, mặt trời nóng bỏng ở trên cao, phóng những tia lửa như thiêu đốt xuống cánh đồng. Người và ngựa đều mệt lả, chàng Lơ-tơ-Mơ dừng nghỉ xả hơi dưới gốc một cây đào chĩu quả... nhìn những trái đào chín đỏ và mọng nước ấy chàng Lơ-tơ-Mơ ta thèm rỏ dãi...! Trong lúc cơn khát đang hoành hành, thấy cảnh ấy ai mà chẳng thèm, hơn nữa cây mọc giữa chốn đồng hoang thì có lẽ là vô chủ. Lập tức như một con vượn - thoáng cái - chàng Lơ-tơ-Mơ đã tót lên tới ngọn cây! Thôi, chung quanh cây trái như rươi, tha hồ mà no bụng! Chàng Lơ-tơ-Mơ ung dung "nhấm nháp", bỗng nghe có tiếng gió thổi rào rào và tiếng động ấy càng lúc càng to ra thêm. Ban đầu, chàng Lơ-tơ-Mơ còn ngỡ là gió nhưng sau thấy gió càng lúc càng dữ dội thì giật mình vì giữa trời nắng cháy da này làm gì có cơn gió lạ lùng vậy bao giờ - Lơ-tơ-Mơ liền ngừng ăn, cúi rạp mình xuống, đôi mắt trông về hướng có cơn dị phong kia...
 
"Trời đất thánh thần ơi!" - Lơ-tơ-Mơ kêu lên vì kinh hãi - từ đàng xa, trước mắt chàng, một bóng người khổng lồ, hai bên vai mọc hai cánh trông như chim đại bàng, đang bay dần về phía mình, bóng người khổng lồ ấy càng đến gần, trận cuồng phong càng trở nên mãnh liệt hơn, cành đào nghiêng ngả rào rào. Khi người khổng lồ chỉ còn cách Lơ-tơ-Mơ chừng ba trăm thước, thì chàng nhận ra đó là một hung thần mặt đỏ, râu xanh, mắt lồi, nanh bạc, hai lỗ tai nhọn và to như hai cái quạt, đôi cánh quạt vào không khí gây thành những trận gió ào ào như bão táp phong ba...!
 
Lơ-tơ-Mơ hồn phi phách tán, mặt tái mét, run cầm cập, cúi mình nấp vào cành lá um tùm mong tránh khỏi cặp mắt đằng đằng sát khí hung bạo kia. Nhưng xui thay! Lơ-tơ-Mơ có biết đâu rằng cây đào kia là nơi trú ngụ của hung thần nọ. Đến lúc hung thần bay đến gần cây, bọn ngựa của chàng sợ hãi hí lên inh ỏi. Với đôi mắt cú vọ cùng với sự tố cáo của bọn ngựa, hung thần đã phát giác ra sự có mặt của chàng và hành động trộm trái cây của lão.
 
- "Ha! Ha! Ha! - lão hung thần cười lên một cách khoái trá. Trong cảnh tĩnh mịch hoang vắng, tiếng cười của hung thần có một âm vang ghê rợn, với những kẻ gan góc hay can đảm đến đâu trong hoàn cảnh này cũng không khỏi khiếp vía bay hồn, huống hồ là Lơ-tơ-Mơ, một chàng lái buôn yếu bóng vía. Lơ-tơ-Mơ chết đứng trước cặp mắt tóe lửa của hung thần:
 
- "Ha! Ha! Tên lái buôn khốn nạn kia ơi! - hung thần cười thét bảo - Số ngươi đã tận rồi nên mới dám ăn trộm đào của ta. Ha! Ha! Ha! Mi sẽ chết. Ha! Ha! Mi sẽ chết, sẽ chết. Ha! Ha!"
 
Lơ-tơ-Mơ tuy đã chết khiếp trong lòng nhưng cố bình tĩnh nói:
 
- Cúi lạy ngài tha chết cho kẻ hèn này! Không phải kẻ hèn này cố tình trộm trái cửa người, song vì đang đói khát, lại gặp cây mọc giữa chốn đồng hoang, ngỡ là của vô chủ nên kẻ hèn này đã trộm ăn, xin ngài tha tội, kẻ hèn này mang ơn đời kiếp!
 
Nghe Lơ-tơ-Mơ bày tỏ, hung thần cười gằn:
 
- Hừ!... Thôi đừng nhiều chuyện, hãy nhảy xuống đất mau lên!
 
Nghe hung thần bảo, Lơ-tơ-Mơ thất kinh, song vì nể sợ nên chàng ta không dám trái lời. Từ trên cây nhảy xuống, Lơ-tơ-Mơ muốn sụm lưng, chân đứng muốn hết nổi nữa, nhưng chàng ta vẫn cố gượng đứng dậy, tay xá hung thần xin tha mạng. Với gương mặt lạnh như tiền, hung thần tuốt đao ra khỏi vỏ tiến lại gần Lơ-tơ-Mơ khoa đao lên. Lơ-tơ-Mơ hoảng sợ lạy như tế sao. Hung thần vẫn tiến lại túm lấy chàng vung đao toan chém. Nhưng như chợt nghĩ ra điều gì, hung thần liền bỏ Lơ-tơ-Mơ xuống đất, cười gằn:
 
- Này ranh con! Ranh con có muốn được sống không?
 
Khỏi cần nói các bạn cũng rõ câu trả lời của chàng Lơ-tơ-Mơ ra sao rồi. Bấy giờ hung thần mới nhe hàm răng chơm chởm nanh nhọn cười bảo chàng:
 
- Hừ, thế thì ranh con phải kể cho ta nghe ba câu chuyện...!
 
Lơ-tơ-Mơ mừng quá quên rằng trước mặt mình là hung thần nên vội ngắt lời:
 
- Dạ vâng ạ! Ngài muốn bao nhiêu chuyện kẻ hèn này cũng đều xin kể miễn là được sống...
 
Hung thần tỏ vẻ bằng lòng, bảo tiếp:
 
- Nhưng... Ngươi hãy nghe rõ đây... Ba câu chuyện phải cùng chung một ý nghĩa, nghe rõ chưa!
 
- "Dạ dạ vâng ạ!" - Tuy ngoài miệng nói thế song trong tâm Lơ-tơ-Mơ lấy làm sợ hãi vì ban đầu chàng ta cứ tưởng bở là ba câu chuyện khác nghĩa nhau nên mừng rơn, ai dè... Trong lúc Lơ-tơ-Mơ do dự chưa biết kể làm sao thì hung thần trợn mắt nhìn chàng thét bảo:
 
- Thế nào? Nhanh lên chứ! Nếu không thì hãy ngửa cổ mà chịu chết!
 
Lơ-tơ-Mơ sợ quá đành kể liều mặc dầu trong óc chàng không thể có 3 câu chuyện cùng một ý nghĩa như nhau.
 
*
 
Lơ-tơ-Mơ điềm tĩnh kể:
 
- Ngày xưa, ở đất Trung Hoa có hai vợ chồng nhà kia hạ sanh được hai người con trai, một người tên là Hiếu Minh và một người tên là Hiếu Đệ. Hiếu Minh là anh, tính tình gian tham, cay nghiệt, không biết thương người. Trái lại người em Hiếu Đệ thì ngay thẳng, tính tình thật thà chất phác lại biết thương người nên trong xóm ai nấy thảy đều thương mến, còn người anh thì chỉ mang lấy tiếng cười khinh bỉ...
 
Sau khi cha mẹ qua đời, Hiếu Minh vì lanh lợi gian tham nên tìm cách chiếm đoạt cả gia tài, chỉ chưa cho người em một cái rìu sắt. Sau khi chiếm đoạt cả gia tài to tát, người anh lại còn ác tâm tìm cách đuổi mát em mình ra khỏi nhà.
 
Âm thầm và lặng lẽ, Hiếu Đệ gạt nước mắt ra đi. Với cái rìu sắt ấy Hiếu Đệ làm nghề đốn củi đổi gạo, sống qua ngày...
 
Một hôm, sau khi đốn củi mệt mỏi, Hiếu Đệ nằm dài xuống đất nghỉ, nhưng vì quá mệt nhọc nên chàng thiếp ngủ lúc nào không hay...

Lúc ấy có một bầy đười ươi từ trong rừng kéo ra - lại nói trong bầy đười ươi này có một con làm chúa, hễ con chúa nói gì thì bầy bộ hạ đều răm rắp tuân theo. Lúc bầy đười ươi kéo từ trong rừng ra, đi ngang chỗ Hiếu Đệ ngủ, chúng tưởng Hiếu Đệ đã chết thật nên một trong bọn, có lẽ là chúa đàn - khẹc khẹc kêu lên:
 
- Khẹc! Khêc! Hầm vàng hay hầm bạc?
 
Bỗng dưng bầy đười ươi đồng thanh kêu lên:
 
- Hầm vàng! Hầm vàng! Khẹc khẹc!
 
Rồi sau đó hai con nắm tay, hai con nắm chưn khiêng Hiếu Đệ đi. Khi ấy Hiếu Đệ ngủ say quá nên không biết "on", "đơ" gì ráo!
 
Bọn đười ươi khiêng Hiếu Đệ xuống một thung lũng hẹp toàn đá, rồi ném chàng vào một cái hầm toàn vàng sáng chói. Xong xuôi bọn đười ươi kéo nhau đi mất.
 
Đến chừng Hiếu Đệ tỉnh dậy thấy mình nằm trong một cái hầm đỏ ối ánh sáng, đâu đâu cũng thấy vàng là vàng, chàng tưởng mình nằm mơ nên thử cắn vào tay xem có đau hay không. Đến khi nghe đau điếng thì mới tin là sự thật. Nghĩ có lẽ là Trời thương mình nên Hiếu Đệ liền quỳ lạy tạ ơn Trời Đất. Sau đó Hiếu Đệ hốt vài thỏi vàng dưới chân mình và tìm đường về nhà. Nhờ số vàng lượm được ấy, chẳng mấy chốc Hiếu Đệ đã trở nên giàu có.
 
Người anh gian tham Hiếu Minh, thấy em mình đột nhiên trở nên giàu sang thì đâm ra nghi ngại nên giả bộ tìm đến thăm và hỏi đầu đuôi tự sự. Hiếu Đệ thật thà kể rõ chuyện cho anh mình nghe.
 
Khi đã rõ được nguyên do, Hiếu Minh liền giả làm người đốn củi và cũng giả ngủ như em mình. Thế rồi cũng như lần trước, một bầy đười ươi hiện ra khiêng Hiếu Minh đi. Khi đến một ven núi cheo leo, bên dưới đầy đá nhọn lởm chởm, bầy đười ươi bỗng nhiên dừng lại, và cũng như lần  trước, con chúa hỏi:
 
- Hầm vàng hay hầm bạc?
 
Bầy đười ươi đồng thanh kêu lên:
 
- Hầm bạc! Hầm bạc!
 
Vì là giả ngủ, nên Hiếu Minh nghe rõ cả lời nói của bọn đười ươi. Lòng tham trỗi dậy, người anh gian tham kia quên mình đang giả ngủ, nên vùng la lên:
 
- Hầm vàng! Hầm vàng!
 
Tiếng la của Hiếu Minh làm cho bọn đười ươi giật mình, chúng vội bỏ người xuống chạy trối chết. Ngờ đâu chỗ ấy cận hố nên Hiếu Minh bị rơi xuống vực, đầu đập vào đá vỡ sọ chết tốt...!
 
Kể tới đây, Lơ-tơ-Mơ dừng lại nuốt nước bọt, đưa mắt nhìn hung thần dò ý kiến. Hung thần gục gặc đầu tỏ vẻ hài lòng:
 
- Khá lắm! Vậy ngươi hãy kể tiếp một chuyện khác cùng một ý nghĩa "tham thì thâm" mà ngươi đã kể.
 
Trong khi Lơ-tơ-Mơ lúng túng chưa biết ăn nói làm sao thì bỗng dưới đất có tiếng kêu "chít chít" và rồi một vật đen phóng vụt lên vai chàng. Khi nhìn kỹ mới biết là con chuột đen. Nó nói:
 
- Thưa ngài, chuột tôi có biết một câu chuyện cùng một ý "tham thì thâm" mà chàng này vừa kể. Nếu có thể, xin ngài cho phép tôi kể đỡ hộ chàng một câu chuyện, dám chắc ngài sẽ vừa ý lắm!
 
Hung thần trợn mắt nhìn chuột ta, nhe răng cười:
 
- Mày kể à...? Hà... thôi cũng được...!
 
Thế là chuột ta bắt đầu kể:
 
- "Xưa ở xứ Ba Tư có một người tên là Hà Chiều. Người nay có hai trăm con lạc đà dùng để chuyên chở hàng hóa thuê trong nước, lấy được rất nhiều tiền vận tải.
 
Một hôm, sau khi chuyển số hàng sang thành La Ma Cô trở về, vì mệt mỏi Hà Chiều liền dừng nghỉ bên một vách núi và lấy cơm nước ra ăn. Bỗng khi ấy có một vị thầy tu đi qua, thấy Hà Chiều ngồi nghỉ, ông cũng tạt vào nghỉ. Thấy ông lão đi đường xa chắc mệt, Hà Chiều liền mời ông cùng ăn uống với mình. Sau khi ăn uống xong, ông thầy tu lấy tay chỉ đàn lạc đà hỏi:
 
- Ông chỉ có bấy nhiêu lạc đà đấy ư...?
 
Hà Chiều bèn đáp:
 
- Vậy mà tôi tưởng đã là nhiều lắm...!
 
Vị thầy tu lắc đầu nói:
 
- Bao nhiêu lạc đà ấy dầu có cố lắm cũng chỉ mang được một ít vàng bạc châu báu mà thôi!
 
Nghe nói, Hà Chiều kinh ngạc trợn tròn đôi mắt:
 
- Trời ơi! Châu báu đâu mà nhiều quá thế hả Ngài?
 
Vị thầy tu chỉ tay vào núi, miệng nói:
 
- Trong ấy, nếu ông muốn lấy thì hãy theo tôi!
 
Thế rồi ông lão đưa Hà Chiều và đàn lạc đà vào sâu trong núi. Đến một vách đá sừng sững, vị thầy tu bèn bỏ vào đấy một nắm bột, và miệng lâm râm...
 
Bỗng một tiếng nổ ầm lên,  vách đá sừng sững ấy hốt nhiên xê dịch sang một bên. Từ trong động đá ánh sáng chiếu ra chóa cả mắt. Vị thầy tu đưa Hà Chiều vào động để hốt châu báu. Ôi! Một kho tàng vô giá, nào kim cương, nào ngọc ngà, vàng bạc vô số kể. Hà Chiều hốt lấy hốt để đem ra chất đầy cả mình lạc đà - Lại nói trước khi chịu đưa Hà Chiều vào kho tàng, vị chân tu có ra điều kiện là phải chia cho ông phân nửa số lạc đà đề dùng chở vàng ngọc, Hà Chiều không kịp suy nghĩ liền nhận lời - Trong khi Hà Chiều lo hốt châu báu thì vị thầy tu chỉ lấy có một cái hộp vuông nho nhỏ nắm trong góc. Sau khi ra khỏi động, vị thầy tu liền dùng phép chuyển tấm đá che động lại.
 
Sau khi chia tay vị thầy tu, Hà Chiều ngẫm nghĩ:
 
- Ồ! Ông ấy tu hành thì cần gì nhiều vàng bạc! Vậy ta sẽ hỏi xin ông lại năm mươi con lạc đà chở đầy vàng ngọc!
 
Nghĩ sao làm vậy, Hà Chiều chạy theo vị chân tu tỏ bày,,, Vị chân tu chịu. Thấy vị thầy tu chịu, Hà Chiều lại xin thêm ba chục con nữa, lần này vị thầy tu cũng chịu cho thêm 30 con. Thường thường thói đời hay "được voi đòi tiên" nên lần này Hà Chiều lại xin nốt hai chục con còn lại. Vị thầy tu cũng khứng chịu.
 
Hà Chiều mừng quá dẫn bầy lạc đà đi mau. Đi được một đỗi đường, Hà Chiều lại nghĩ:
 
- Ồ! Sao vàng bạc châu báu mà ông ta không lấy lại đi lấy cái hộp vuông nhỏ xíu đó? Hay là... phải rồi, chắc có gì bí ẩn trong cái hộp đó... ta phải theo hỏi cho rõ mới nghe!...
 
Nghĩ vậy, Hà Chiều liền đuổi theo vị thày tu hỏi:
 
- "Khi nãy Ngài có lấy một cái hộp, mà tôi không hiểu sao ngài lại đi lấy cái vật lạ lùng vậy, trong khi vàng bạc châu báu ngài lại không lấy? Trong ấy có gì bí ẩn hay ho xin Ngài tỏ rõ?..."
 
Vị thầy tu mỉm cười bảo:
 
- Đây là một cái hộp trong chứa một chất nhờn như mỡ đặc. Bôi chất này vào mắt trái sẽ thấy tất cả kho vàng trên quả đất này, nhưng tuyệt nhiên không được bôi vào mắt phải vì như thế mắt sẽ bị mù!...
 
Hà Chiều mừng quá, xin vị thày tu bôi chất mỡ vào mắt trái của mình. Thế là Hà Chiều thấy tất cả kho tàng trên quả đất. Lòng tham nổi dậy, Hà Chiều lại nghĩ:
 
- Nếu bây giờ ta bôi vào mắt phải chắc có lẽ sẽ trông thấy tất cả kho tàng hơn cả những kho tàng mà ta đã thấy!...
 
Nghĩ vậy Hà Chiều liền nhờ vị thày tu bôi vào mắt bên phải của mình. Vị thày tu không chịu, ngài bảo rằng:
 
- Ngươi hãy nghe ta! Nếu không đừng ân hận!
 
Nhưng vì lòng tham đã làm mờ cả lý trí nên Hà Chiều cố nài nỉ xin bôi cho bằng được. Thấy không thể nào cản được, vị thày tu bèn chìu ý Hà Chiều.
 
Sau khi bôi xong, Hà Chiều không còn thấy đường nữa, chàng ta hốt hoảng la lối um sùm. Bấy giờ vị thày tu mới thét:
 
- Khốn nạn thay cho ngươi! Đã tham thì phải thâm, từ đây ngươi sẽ phải chịu cảnh mù lòa đời đời kiếp kiếp!
 
Thét xong vị thày tu dẫn đàn lạc đà đi mất! 

Kể tới đây chuột ta hỏi hung thần:
 
- Thưa ngài! Có lẽ ngài vừa ý lắm?
 
Hung thần nhe răng cười hềnh hệch:
 
- Hay! Hay!
 
Rồi hung thần lại bảo:
 
- Còn một chuyện nữa! Một chuyện nữa ta mới tha cho tên này khỏi chết!
 
Nhưng chuột ta làm sao mà kể nữa được khi chỉ biết vỏn vẹn có mỗi một chuyện kể trên. Trong khi chuột và Lơ-tơ-Mơ còn đang bối rối thì bỗng từ trên cây có tiếng "chiêm chiếp" rồi một con chim trắng bay sà xuống đậu trên vai Lơ-tơ-Mơ. Chim nói:
 
- Thưa ngài! Chim tôi sẽ kể thay cho chàng này một câu chuyện cùng một ý nghĩa đó cho ngài nghe, hẳn ngài khứng chịu?
 
Hung thần bằng lòng.
 
Thế là chim ta khởi sự kể:
 
- "Ngày xưa, có một chàng nông phu tên là Chu Nam. Một hôm ra đồng làm việc - trong khi đào một cái lỗ để giồng cây, bỗng Chu Nam nghe lưỡi cuốc chạm phải một vật gì cưng cứng. Chu Nam lấy làm lạ và càng ra công đào lên. Thì ra đó là một cái hộp bằng sắt, trên có nắp đậy hẳn hoi. Chu Nam vội cúi xuống mở nắp hộp ra xem:
 
- "Ồ!" - Chu Nam Kêu lên.
 
Tiếng kêu vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Thì ra trong hộp sắt ấy chứa toàn là vàng sáng chói! Chu Nam vội vàng bưng hộp lên. Khi cái hộp chứa vàng ấy vừa được Chu Nam mang lên khỏi lỗ thì từ dưới lỗ lại hiện ra một cái hộp sắt khác. Chu Nam run lên vì mừng rỡ : hộp chứa đầy kim cương lấp lánh. Rồi cũng như lần trước, Chu Nam mang hộp lên khỏi đáy lỗ. Bấy giờ, dưới đáy lỗ lại hiện ra một cái hộp sắt khác. Nhưng cái này khác hẳn hai cái kia, nó được chạm trổ tuyệt mỹ và lạ hơn nữa là ở trên nắp hộp có ghi thêm mấy hàng chữ:
 
"Kẻ nào mở hộp này sẽ mất hai hộp kia và sẽ phải chết"
 
Chu Nam ban đầu không dám mở vì sợ chết nhưng sau vì lòng tham không đáy làm mờ cả lý trí nên không do dự, Chu Nam mở ra xem : Trong hộp không có lấy một thỏi vàng cũng như một viên ngọc nào, ngoài một luồng khói trắng tỏa ra. Chu Nam cả kinh toan phóng chạy nhưng đã trễ mất rồi, vừa hít phải khí ấy, Chu Nam đã thấy tay chân bủn rủn, đầu óc choáng váng rồi ngã đùng ra chết. Trước khi nhắm mắt Chu Nam cố quay đầu nhìn lại hai cái hộp sắt của mình vừa lấy lên nhưng không thấy bóng dáng chúng đâu nữa!... 

- Ha! Ha! Ha! - Hung thần bỗng dưng cười lên một cách khoái trá, ông vùng đứng dậy, gằn giọng bảo Lơ-tơ-Mơ:
 
- Ranh con! Giữ lời hứa ta tha cho ngươi tội chết và để thưởng công ta cho ngươi trọn cây đào đấy quả kia! Thôi ta đi!...
 
Nói xong, hung thần vùng vỗ cánh bay vút lên cao, biến mất dạng...
 
 
Nguyễn Tất Thắng      
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 27, ra ngày 25-4-1965)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>