Có hôm sau khi Tính ra về thì Hải cũng về tới. Nhìn thấy mẹ ngồi khóc, nó nói:
- Sao mà khóc? Bộ tui nợ nần gì má hay sao mà thấy tui là má trù ẻo, rầu quá.
Bà Hai thở ra:
- Thấy con người ta mà ham, hiếu thảo, lễ phép. Ngó lại con mình thấy chán.
Thằng Hải nhăn mặt:
- Má lại gặp "mụ" hàng xóm nào tán dương con họ chứ gì? Má thử xin một đứa về nuôi thử coi có đúng vậy hông?
Nghe giọng nói hỗn láo của con bà Hai cau mày. Lâu nay, mỗi lần Tính đến thăm bà đều không nói lại với Hải, bà sợ hải ganh ghét tị hiềm. Nhưng thấy Hải quá hỗn láo, bà quyết định nói cho Hải biết về trường hợp Tính. Bà hy vọng Hải thấy gương tốt của đứa trẻ ngoan sẽ đổi tánh. Bà nói:
- Má không nghe ai nói hay thấy con ai hết. Má thấy thằng Tính...
Nghe tên Tính, Hải trề môi:
- Ủa, má còn nhớ tên nhỏ đó à? Tui tưởng má quên rồi chớ.
Giọng bà Hai buồn rầu:
- Lẽ ra thì má quên nó rồi. Nhưng nó ghé thăm má.
Hải kêu lên:
- Má nói gì nói lại nghe coi! Thằng Tính nó về thăm má hả?
Bà Hai gật đầu:
- Ừ, nó có hỏi thăm con nữa. Thằng coi vậy mà có tình. Lúc giàu sang không quên hồi nghèo khó, cũng không oán thù người đã xử tệ với mình. Thảo nào mà nó không sung sướng.
Nghe nói đến Tính giàu, thằng Hải chú ý ngay vào câu chuyện. Nó hỏi vội:
- Má vừa nói gì đó? Thằng Tính mà giàu à?
Bà Hai gật đầu:
- Bây giờ nó là con ông bà bác sĩ triệu phú rồi, không giàu sao được.
Hải hỏi tiếp bằng giọng nghi ngờ:
- Chuyện khó tin quá. Nó là thằng nhỏ đánh giày tông tích nó mình biết hết mà làm sao giàu được, tui hổng tin.
Bà Hai đem chuyện của Tính ra kể cho Hải nghe. Hải chăm chú nghe, thỉnh thoảng lại gật gù. Khi bà Hai kể xong, Hải nói:
- Rồi nó về thăm má hả? Nó có tỏ vẻ gì là thù oán về việc má và tui hành hạ nó không?
Bà Hai lắc đầu:
- Đứa có tình như vậy thì thù oán gì. Lỡ nó chết dấp ở đâu thì mình không biết, chớ nó giàu sang rồi trở lại thăm mình còn gì nữa.
Hải đến bên mẹ. Nó cảm thấy cần phải đánh đòn tâm lý để xúi mẹ moi tiền Tính. Chưa gì nó đã thấy nóng mặt về việc Tính đột nhiên trở nên giàu có. Bà Hai thấy Hải đến bên, ngỡ đâu nó đã có ý phục thiện nên nói:
- Mẹ con mình bậy quá. Hồi thằng Tính ở đây mình hành hạ nó đủ điều.
Rồi bà như ôn lại dĩ vãng. Bà nhớ đến trận đòn nặng nề mà một buổi sáng Tính lãnh đủ để rồi sau đó vì quá sợ nó phải trốn đi. Bà nói với Hải:
- Hồi mà mẹ đánh nó vì làm mất tiền rồi nó bỏ đi luôn, mẹ cũng tưởng nó oán mẹ suốt đời chớ. Vậy mà nó lại trở về. Nghĩ cho cùng thì cũng đâu phải lỗi tại nó. Nó đâu có muốn mất tiền bạc như vậy.
Tính thấy không cần giấu mẹ nữa. Nó nói:
- Vụ mất tiền đó không phải thằng Tính làm đâu má à.
Bà Hai ngạc nhiên:
- Vậy chớ ai?
Hải chỉ vào mình:
- Tui! Chính tui lấy của nó đó.
Người mẹ kêu lên khổ sở:
- Lại mày hả Hải?
Hải gật đầu không chút ngại ngần:
- Tui chớ ai. Sáng hôm đó tui kẹt tiền, đi xuống nồ nó thì nó nói hổng có tiền. Nhưng tui lục túi nó thấy hơn hai trăm nên lấy dông luôn.
Bà Hai lắc đầu ngao ngán ; bà không còn giữ giọng dịu dàng với con nữa:
- Thật tao không ngờ mày lại hư đốn đến như thế được Hải ạ. Mày du côn du đãng làm khổ mẹ mày, mày làm con người ta bị đòn oan.
Hải bĩu môi:
- Xí, bây giờ má nói thương nó, sao hồi đó má không giỏi thương nó đi. Hở chút má đánh, hở chút má chửi. Tui lấy tiền của nó chớ tui hổng lấy má cũng đánh đập nó như thường.
Bà Hai nghẹn giọng. Bà biết bà có nói cũng không ích gì vì Hải đã nói đúng. Nếu không có dịp Hải ăn cắp tiền của Tính thì bà vẫn tìm nhiều dịp khác để hành hạ nó như thường.
Hải tiếp:
- Sao thằng Tính nó về má không xin tiền nó? Má kêu là hổng có tiền cho tui thì má nói nó. Tui chắc chắn nó giàu, thế nào nó cũng cho má mà.
Bà Hai kêu lên:
- Trời ơi, mày hết chuyện nói rồi sao mà xúi tao đi xin tiền nó nữa?
Thằng Hải thản nhiên:
- Nghèo thì xin, ai cười mà má lo. Hồi đó nó cũng có nhờ vả má nữa chớ bộ.
Bà Hai lắc đầu:
- Mày đừng có bày đặt cho tao thêm thất đức nữa con ạ. Thất đức nhiều rồi. Bởi tao ác, bây giờ con tao nó mới không ra gì.
Hải vẫn nằn nì:
- Má đừng nghĩ như vậy. Má cứ xin tiền nó cho tui xài đi. Nó giàu má hổng xin cũng uổng hà. Má nghe lời tui đi, tui có tiền tui hổng có về cằn nhằn má nữa.
- Nhưng tao hổng có mặt mũi nào làm như thế được. Mày nói gì thì nói đi.
Thấy mẹ khăng khăng không chịu xin tiền Tính, Hải vung tay dọa:
- Má coi chừng. Tui mà hổng có tiền xài, tui đón đường nó tui giựt ráng chịu à.
Bà Hai nhìn con cầu khẩn:
- Tao lạy mày à Hải. Mày không lo sửa đổi tâm tánh có ngày chết không kịp ngáp con ạ.
Hải cười khẩy. Nó giơ nắm tay lên đấm mạnh xuống mặt bàn. Ly nước đang để trên bàn rơi xuống vỡ tan tành
*
Tính rửa tay sạch sẽ rồi lên ngồi vào bàn ăn. Gương mặt nó thật rạng rỡ. Nó quay sang cha mẹ nuôi, lễ phép:
- Thưa ba ăn cơm, thưa má ăn cơm ạ.
Ông Ngân gật đầu:
- Ăn đi con. Ba cho phép.
Rồi ông nhìn Tính hơi lâu, vẻ hài lòng. Ông gật gù:
- Ba có nghe mẹ con nói về con. Ba sung sướng vì con là một đứa trẻ ngoan và tốt. Ba tiếc là không được nhiều thì giờ để gần gũi, chỉ bảo thêm về học vấn cho con. Nhưng ba tin má con sẽ đào tạo con thành một đứa con ngoan ngoãn.
Ông Mỉm cười nói thêm:
- Con phải biết rằng từ ngày có con gia đình mình vui vẻ hơn lên nhiều đấy. Má con không còn buồn bực hay cằn nhằn ba nữa. Bà ấy đã có một đứa con để nuôi dạy, để yêu thương.
Tính lí nhí:
- Thưa ba má, con cũng biết là con có phước vô cùng mới được tình thương của ba má. Con không còn ước ao gì nữa cả.
Nó rươm rướm nước mắt, giọng như nghẹn đi vì xúc động. Bà Ngân vội đặt tay lên vai con:
- Thôi con đừng nghĩ gì cả. Ăn cơm đi.
Cả ba người ăn uống ngon lành trong không khí ấm cúng của gia đình. Thằng Tính lúc này đã mập và trắng hẳn ra. Nó không còn vác thùng đồ nghề đánh giày lê la trên hè phố nữa. Nó đã có nơi nương tựa êm ấm. Nó đã có tình thương của cha mẹ ban cho. Nó ăn sung mặc sướng, đi học có xe nhà đưa rước. Trong nếp sống mới, Tính vẫn không thể nào quên được những ngày hàn vi nghèo khó.
_______________
Xem tiếp PHẦN VII
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 153, ra ngày 15-5-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.