Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

Anh Hùng Vô Danh

 

 PHƯƠNG NGA con,

Tuần trước lúc bố đang ngồi nói chuyện với bác Bảng ở phòng khách, thì con cầm một cuốn sách mỏng từ phòng trong chạy ra hỏi bố. Bố ơi, anh hùng vô danh nghĩa ra làm sao hở bố?

Lúc đó thì bận nói chuyện với khách mà quả thật bố cũng còn lúng túng, bố đã trả lời qua loa rằng anh hùng là những người tài giỏi đã làm được những việc không ai làm nổi và đã giúp ích được cho nhiều người. Những người này âm thầm làm việc, không cần ai biết đến họ... Bây giờ nhớ lại, bố thấy giảng nghĩa như thế cũng chưa đủ, và chắc cũng vì tin nơi bố mà con không hỏi thêm, tuy rằng con vẫn ấm ức, chưa hiểu được tường...

Học sử ký, chắc con được thầy kể cho nghe, ngày xưa nước ta có những vị anh hùng, đánh đuổi quân xâm lăng, đem lại thắng lợi vẻ vang cho tổ quốc, những vị anh hùng này đã được ghi vào sách sử, được đặt tên cho những con đường phố, được đặt tên cho các trường. Trường con học mang tên người anh hùng có công đuổi quân nhà Minh, giành độc lập cho xứ sở. Đó là ông Lê Lợi. Mỗi ngày con đi học đều đi trên một con đường rộng thênh thang, đó là đường Nguyễn Tri Phương, cũng là một anh hùng có công chống người Pháp... Những vị này đời sau vẫn còn được ca tụng, được nhắc nhở và mọi người dân đều mang ơn những vị đó. Và đó chính là những vị anh hùng, không phải là anh hùng vô danh - bởi vì tên tuổi họ được ghi trong sách vở - mà đó là anh hùng hữu danh.

Nhưng thế nào là anh hùng vô danh? Chắc con cũng biết rằng mọi người đều có bổn phận với gia đình. Bố cũng phải hàng ngày giúp đỡ me con nuôi và dạy các con. Công việc này rất bận rộn, đòi hỏi rất nhiều khó nhọc, và bố hay me cũng không sao xao lãng được. Nếu vì một lý do nào đó, bố đi vắng lâu ngày và không còn giúp đỡ được gì cho me và các con nữa, thì nhất định một mình me con phải cáng đáng lấy mọi việc thay thế cho bố. Liệu me con có đủ sức không? Nếu me thay thế bố được, me phải cố gắng gấp đôi, gấp ba, phải thức khuya, phải dậy sớm, phải đổ mồ hôi nhiều hơn, phải chịu trăm nghìn cay đắng vất vả để nuôi các con khôn lớn thành những người tốt trong xã hội... Công việc của me như thế thật muôn ngàn khó khăn, me phải cố gắng thường xuyên, phải hy sinh rất nhiều... Nói trời phật đừng nghe, nếu rủi ro mà me về hầu ông bà sớm, để các con lại với một mình bố, với cảnh gà trống nuôi con... Bố phải khổ sở như thế nào, vất vả như thế nào để thay thế hết cả công việc hàng ngày của me?

Học sử ký con cũng được nghe thầy giảng cuộc đời của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Con chỉ cần nhớ một vài điều, là cụ Phan Bội Châu học giỏi, đỗ đạt rất cao và có thể ra làm quan to, đem lại sung sướng hiển vinh cho cả vợ con. Nhưng cụ Phan Bội Châu đã từ bỏ tất cả, dấn thân đi làm cách mạng, hết bị tù lại phải lưu vong ở nước ngoài, không phải năm bảy tháng mà phải hàng chục năm. Như thế một mình cụ bà ở nhà phải tảo tần buôn bán, thay chồng phụng dưỡng cha già, nuôi dạy con cháu, và cụ bà cũng làm việc này suốt hàng chục năm. Theo thư của cụ già Phan Bội Châu dặn lại con cháu, thì cụ bà chẳng bao giờ phàn nàn chồng, hoặc can gián chồng lấy một câu, trái lại cụ bà đã vui vẻ tận tụy làm việc thay chồng, để cho chồng được yên tâm lo việc nước.

Phương Nga con, con đã thấy chưa? Nếu một người vợ khác, thì chắc chắn bà này phải đòi hỏi chồng mình khi đã đỗ đạt cao phải đi làm quan cho vợ con được hãnh diện, buộc chồng phải ở nhà giúp nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha già. Con thử tưởng tượng trong những năm bôn ba nơi nước ngoài, phần chịu thiếu thốn, phần phải nhớ thương quê hương xứ sở, phần phải lo lắng ở nhà cha già không ai săn sóc, con dại không ai nuôi dạy, nếu cụ Phan cứ lo âu như thế thì còn lòng dạ nào để làm việc cho quốc gia xứ sở nữa không? Nhưng không, cụ bà Phan Bội Châu là một người đàn bà phi thường. Cụ đã chịu đựng, đã hy sinh tất cả để thay thế cho chồng quán xuyến lấy việc gia đình. Công việc này âm thầm mà khó khăn biết chừng nào! Đàn bà thời bây giờ mấy ai làm nổi, phải không con? Một người đã làm những việc không ai làm nổi, đã giúp ích được cho nhiều người như cụ bà Phan Bội Châu, mới đáng là anh hùng. Đời sau này sử sách ghi nhớ đến cụ Phan Bội Châu, ai ai cũng ca tụng cụ, ở trường thầy giảng cho học trò lòng ái quốc cao cả của cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan Bội Châu xứng đáng được suy tôn và ca tụng như thế. Nhưng bố con mình thử hỏi nếu vợ cụ Phan Bội Châu là một người đàn bà tầm thường khác, một người đàn bà ham bả công danh phú quí, thì sự nghiệp cụ Phan Bội Châu có được rạng rỡ như bây giờ không? Chắc chắn là không, phải không con. Như vậy cụ bà Phan Bội Châu là một người anh hùng, một người anh hùng trong bóng tối, đời sau không ai nhắc nhở đến. Đúng là một vị anh hùng vô danh đó con ạ.

Nhưng theo bố, anh hùng vô danh ở mình nhiều vô kể. Hễ người đàn bà nào đã làm mẹ, đã nuôi dạy con đến ngày sau thành đạt, không làm cho chồng phải mang tiếng xấu, cũng là những người đàn bà anh hùng vô danh. Đừng nhìn đâu xa, con cứ quan sát cuộc đời Bà Nội. Gần gũi lắm. Bà Nội đã được bảy người con, là các cô, các chú, các bác của con ngày nay đó. Con nhớ lại, hoặc nhờ các cô kể cho nghe, lúc sinh thời Ông Nội đã làm gì, đã bị tù mấy lần, bị tù mấy năm. Các bác, các chú tù đày vì loạn lạc ra sao, và trong suốt những mười mấy năm giặc giã, ông nội bị tù liên miên không làm được việc gì, các bác, các chú, các cô và cả bố nữa cũng còn nhỏ, chưa làm gì ra tiền, thế mà một mình bà nội phải chạy ăn cho cả nhà, phải lo cho ông nội trong tù, phải lo cho các bác, các chú, các cô đi học... Biết bao nhiêu là khổ cực đớn đau, thế mà có khi nào bà nội ngã lòng chán nản đâu. Bà nội, vì quá thương yêu chồng, quá nghĩ đến tương lai các con mà bà nội phải một mình làm đủ mọi việc, hết chợ này đến phố khác, hết lo kịp giỗ đến lo đám tiệc khác, không bao giờ bỏ sót một bổn phận nào mà bà nội không lo.

Con ơi, muốn làm được như bà nội, đâu có phải dễ dàng gì. Đàn bà bây giờ có mấy ai theo kịp bà nội. Con cứ thử tính xem trong xã hội Việt Nam, từ xưa đến nay, biết bao nhiêu người đàn bà đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình, lo gầy dựng sự nghiệp cho chồng, cho con. Công việc của những bà đó khó khăn, trở ngại biết chừng nào, và đã đem lại lợi ích không biết bao nhiêu cho gia đình, cho xã hội. Những bà đó, sau này người ta thường gọi là bà mẹ Việt Nam: "Mẹ già cuốc đất trồng khoai nuôi con đánh giặc đêm ngày..." là những bà mẹ anh hùng, là những anh hùng vô danh. "cho dù áo rách sờn vai cơm ăn bát vơi bát đầy..." Cực khổ biết chừng nào, chịu đựng biết bao nhục nhằn cay đắng... những bà mẹ Việt Nam đã gầy dựng nên gia đình, gầy dựng nên xã hội Việt Nam, và gầy dựng nên tổ quốc giang sơn này... Con ơi, những bà mẹ đó chính là những vị anh hùng vô danh đó con ạ.

Phương Nga con. Con đừng tìm đâu xa những vị anh hùng vô danh. Xung quanh con, trong những người con gặp ngoài đường... nơi nào cũng có thể có những vị anh hùng vô danh, những vị anh hùng đó rất đáng kính, và rất đáng cho con noi gương. Con rán học hành để được xứng đáng với những vị anh hùng vô danh đó...


NGUYỄN KHẮC THIỆU      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 157, ra ngày 15-7-1971)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>